Cô Đơn Trên Mạng

Chương 07 phần 1



ANH: Ngày cuối cùng của anh ở New Orleans đã kết thúc. Mai anh sẽ bay đi New York.

Ở đó sẽ chỉ còn một đêm và một ngày rưỡi nữa thôi. Hơn nữa, ở New York thời gian trôi nhanh hơn nhiều – anh nghĩ với tâm trạng tuyệt vời trong lúc ngồi đợi suất cà phê sáng bên chiếc bàn được đặt ngoài sân trời cạnh bể bơi của khách sạn.

Sau New York là Paris, còn ở Paris là cô. Cái mà anh cảm nhận lúc này khi nghĩ về cô là một nỗi buồn nhè nhẹ của nỗi nhớ, giống như sự căng thẳng và nóng lòng của đứa trẻ đang đợi cho bữa tối Giáng sinh kết thúc, để cuối cùng thì nó cũng được mở những gói quà dưới cây Noel kia. Chỉ cần phải làm sao để qua được bữa tối này và sau đó thì …

Hôm nay anh đã làm, không hề cảm thấy lương tâm bị cắn rứt, thậm chí còn với sự hài lòng thực thụ, hai việc, mà trong bất kỳ tình huống nào cũng không thích hợp với “một người làm khoa học” có trách nhiệm.

Thứ nhất, khoảng gần trưa, trước bữa cơm, anh đã chuồn khỏi phòng họp mờ tối nơi đang diễn ra phiên họp của anh mà không để ai biết để chạy sang tòa nhà cạnh trung tâm hội nghị. Anh nhất thiết phải được nghe bài thuyết trình của một nhà hóa-sinh học trẻ tuổi của viện nghiên cứu ở La Jolla gần San Diego. Anh đã gặp phải ý niệm trừu tượng của bài thuyết trình này một cách tình cờ trong khi nghiên cứu các tài liệu của hội nghị khi đang ngồi ăn sáng. Và nó lập tức khiến anh chú ý. Cái mà con người trẻ tuổi này với cái họ nghe rất điện ảnh Janda khẳng định, quả là một phát hiện đáng kinh ngạc. Bởi anh ta trình bày rằng, anh ta và Viện của anh ta đang đi trên con đường tốt nhất đến việc chế tạo ra vắc-xin phòng nghiện ma túy cho con người!

Janda không thể tìm cho mình một địa điểm tốt hơn để thông báo cho thế giới biết về phát minh của mình – anh nghĩ.

Ngoài ra thì những gì nhà khoa học trẻ này nói, quả là đẹp tuyệt vời trong sự giản dị của anh, đến mức anh thấy sởn cả gai ốc khi nghe anh ta trong cái phòng chật không còn một chỗ trống ấy. Mọi người cảm thấy đây thực sự là bài thuyết trình quan trọng nhất tại hội nghị này.

Anh không thể chờ để kể hoặc viết cho cô về điều này được nữa. Cô chia sẻ niềm say mê và nhiệt tình của anh bằng sự thông minh của mình như chưa một ai cho đến lúc này có thể. Ngoài ra, cô còn không xấu hổ vì mình không biết, sự tò mò và đòi hỏi bướng bỉnh của cô muốn hiểu tất cả đã khiến anh – vì buộc phải giải thích – nhìn rất nhiều vấn đề từ góc độ khác.

Cocain là một phân tử quá nhỏ để các bộ lọc của hệ miễn dịch của con người có thể ghi nhận nó và tống khứ như với một vị khách không mời. Không bị vào sổ, nó thâm nhập vào hệ thần kinh mà không gặp trở ngại gì. Hệ miễn dịch “không được thông báo” về cuộc đột nhập nên không cử bất cứ một kháng thể nào có thể chiến đấu với nó. Song nếu “treo” cocain lên những protein đủ lớn – và đây chính là ý tưởng thiên tài của Janda và nhóm của anh ta – thì hệ miễn dịch sẽ nhận biết được vật lai này như là kẻ thù và sẽ dùng kháng thể để tiêu diệt trước khi cocain đến được não. Janda khẳng định rằng hiện tại anh ta mới chỉ thành công việc này trên chuột và buộc hệ miễn dịch của chúng tạo ra kháng thể tiêu diệt cocain được định vào những protein lớn trước khi nó đến được các bộ thu nhận của nơtơron thần kinh trong não. Những kháng thể như vậy được tạo ra như một phản ứng của cơ thể đối với, ví dụ như sự có mặt của vắc-xin. Janda đã tiêm vắc-xin được chế tạo trong Viện của anh ta cho chuột rồi sau đó cho chúng cocain. Cocain không đến được các bộ thu nhận trên các nơtơron thần kinh trong não của các con chuột trong phòng thí nghiệm, và kết quả là chúng không cắn lẫn nhau. Đó là bằng chứng tốt nhất về tác dụng của vácxin, bởi những con chuột được tiêm cocain đều biến thành quái vật. Thực ra thì chả cứ gì chuột. Chó cũng hay bị kích động để đánh nhau bằng cocain.

Janda khẳng định rằng việc chế tạo ra loại vắc- xin như vậy đối với con người chỉ còn là vấn đề thời gian.

Vào thời điểm ấy anh không thể không nghĩ đến Jim. Và cả về mình và cuộc mạo hiểm với cocain. Khi ấy, hơn một chục năm trước đây, ở một khu vực khác của thành phố này, khi đã có cocain trong máu, đôi khi anh phân vân trước cơ chế hoạt động của nó. Cái mà nhà hóa học trẻ kia nghĩ ra, đặc biệt là các bộ thu nhận ở các tế bào thần kinh – các nơtơron thần kinh trong não, thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong đầu anh. Những bộ thu nhận ấy ở các nơtơron – giống như là ổ khóa của não. Khi chìa không vừa, thì không gì có thể lọt vào trong được. Trừ khi dù nhỏ như phân tử cocain, là loại có thể đi qua bất cứ lỗ nào một cách dễ dàng. Khi ấy, ở Tulan, anh đã biết rõ cơ chế này. Nhưng chưa bao giờ anh có ý nghĩ là sẽ tăng kích cỡ của chìa khóa lên đến mức không vừa được với ổ khóa. Janda khôn ngoan đã nghĩ ra.

Ngoài ra, khi trong phòng hội nghị, “các bộ thu nhận ở các nơtơron” được trình bày rõ ràng, anh lại nhớ tới câu chuyện vô cùng buồn của nữ nghiên cứu sinh trẻ, Candace Pert ở Đại học Tổng họp Georgetown của Washington. Jim cũng biết chuyện này. Kể từ ngày anh kể cho gã nghe chuyện, bao giờ Jim cũng uống một lượt cho “Candace Pert, người phụ nữ biết rất rõ điều xảy ra phía sau màng nhầy”.

Chính Candace Pert, trong những năm tám mươi khi nghiên cứu vế cơ chế hoạt động của morphin, rất có công trong cuộc chiến chống lại sự đau đớn, ngay khi còn là sinh viên đã phát hiện ra rằng, trên bề mặt của các notơron có những điểm, mà hình thù và kích cỡ của chúng phù hợp với phân tử morphin. Như thể chìa với ổ khóa. Morphin vào được tế bào chính là qua các điểm này. Và chính bằng cách này mà cơn đau dịu đi.

Từ đâu mà có vẻ như các nơron có cho riêng mình chìa khóa để đến một morphin nào đấy? Tại sao cơ thể lại chuẩn bị cho mình một ổ khóa, mà sự tồn tại chìa của nó lại không thể biết trước? Hay có thể tồn tại những hợp chất giống với morphin về mặt cấu trúc và hoạt động, được tạo nên bên trong cơ thể? Có. Đương nhiên là có. Cũng như morphin, chúng làm dịu cơn đau, tác động lên tâm trạng, tạo nên cảm giác dễ chịu, đôi khi thậm chí là phởn phơ. Chúng có tên là en-dorphin “nội morphin”. Hiểu vấn đề này một cách tính ảnh, có thể nói rằng cực khoái, đó chính là sự nhấn chìm não trong các endorphin. Thực ra thì sự sợ hãi của kẻ tử tù ngay trước lúc thi hành án trên ghế điện cũng y như vậy. Trái với vẻ bên ngoài, trong cả hai trường hợp, thành phần hóa học của các hợp chất trong não là như nhau.

Ít người biết rằng, từ phát hiện của Candace Pert đã bắt đầu một câu chuyện hấp dẫn và liên tục cho đến nay về những phân tử xúc cảm. Thực ra là phát hiện của cô ấy đã cho phép nghĩ rằng, con người, đó là hỗn hợp của các nucle-otide, trí nhớ, khát khao và protein. Nếu không có các bộ thu nhận trên các nơron, chắc chắn sẽ không có thi ca.

Candace Pert, cô gái tóc nâu hấp dẫn của Đại học Tổng hợp Washington đã có ý tưởng về các bộ thu nhận như vậy ngay từ năm 1972. Câu chuyện tiếp theo về phát hiện của cô đó là bằng chứng tốt nhất cho thấy, thế giới khoa học có thể hão huyền, đố kị, tàn nhẫn và đầy rẫy âm mưu như thế nào. Anh biết điều này từ kinh nghiệm bản thân, nên câu chuyện của Candace không làm anh bị sốc.

Ngay trước phát hiện của mình, Pert đã bị sếp của dự án, với chức danh giáo sư, được thông báo đều đặn về công việc của cô, ra lệnh ngừng nghiên cứu vô điều kiện vì ông ta khẳng định rằng “những nghiên cứu đó là không có mục đích và dẫn đến con đường mù quáng”. Tuy nhiên, chính vị giáo sư này cùng hai người bạn với chức danh không kém đã được đề cử cho giải Lasker danh giá của Mỹ – con đường đơn giản nhất dẫn đến giải Nobel – vì chính những nghiên cứu về các bộ thu nhận của các nơron. Nghiên cứu của cô! Ủy ban giải Lasker hoàn toàn bỏ qua sự có mặt của cô, thậm chí không hể nhắc đến tên cô.

Như chính Pert nhớ lại, cô có thể cho qua việc này và sống với sự hạ thấp đó trong im lặng, “biết rằng đằng nào thì vẫn là của mình”, hoặc phản đối. Cô đã không cho qua việc đó. Cô nhớ quá rõ trường hợp của một phụ nữ khác, đã bị người ta ăn cướp kiến thức, uy tín và công lao. Và cô cũng nhớ quá rõ mọi việc đã kết thúc như thế nào.

Anh cũng biết rất chi tiết trường hợp bi thảm của Rosalind Franklin. Làm sao mà có thể không biết cho được. Bởi đó chính là cơ sở gien- sinh hóa của anh.

Rosalind Franklin, cử nhân của trường Cambridge nổi tiếng, đã sử dụng kỹ thuật tinh thể học siêu âm mà khi đó, vào đầu những năm năm mươi còn rất mới mẻ và phát hiện ra rằng ADN, đó là chuỗi xoắn kép giống như một chiếc thang và rằng hai thành của chiếc thang là phốt phát. Giám đốc viện cô, John Randall, đã trình bày kết quả nghiên cứu và cả những suy nghĩ chưa được công bố của người nữ cộng sự trẻ của mình trong một cuộc hội thảo nhỏ chỉ có ba người tham dự, trong đó có James Watson và Francis Crick. Không lâu sau đó, tháng ba năm 1953, James Watson và Francis Crick công bố một bài báo nổi tiếng mô tả chính xác cấu trúc của chuỗi xoắn kép ADN.

Tháng ba năm ấy, ngành gien học hiện đại bắt đầu được khởi xướng. Thế giới lặng đi vì ngỡ ngàng. Nhưng không phải tất cả. Khi Watson và Click trả lời phỏng vấn, kiêu hãnh đi vào lịch sử và giữ sẵn cho mình một chỗ trong bách khoa toàn thư thì Rosalind Franklin đau khổ trong im lặng. Không bao giờ cô phản đối và cũng không bao giờ nói trước công chúng về những gì mà cô đã cảm thấy.

Năm 1958, vốn luôn mạnh khỏe, không có bất cứ một xu thế mắc bệnh về gien nào, Franklin bỗng bị ung thư và qua đời sau mấy tuần.

Khi đó cô mới ba mươi bảy tuổi.

Năm 1962, Watson và Click nhận giải Nobel tại Stockholm.

Những phân tử xúc cảm? Những bộ thu nhận nỗi buồn dạng chuỗi mở đường đến đột biến tế bào ung thư? Theo Pert, và bây giờ thì cả các nhà miễn dịch học, thì nỗi buồn và nỗi đau có thể giết người chẳng khác gì virút.

Vậy là Candace Pert đã không bỏ qua được việc bị người ta ăn cướp mất những gặt hái của mình. Cô đã phản đối. Vị được gắn mác giáo sư đã không được giải Nobel và đã bị rơi vào quên lãng. Còn cô đã trở thành người có thẩm quyền.

Vừa nghe bài thuyết trình của Janda anh vừa nghĩ về chuyện ấy và phân vân, không biết Janda có biết rằng nếu không có Candace Pert thì cũng không có anh ở đây, trong phòng chật kín người này.

Ngoài việc trốn đi nghe bài thuyết trình về vắc- xin chống cocain, trong ngày cuối cùng của hội nghị ở New Orleans anh còn làm một việc nữa tồi tệ hơn nhiều: nói dối là bị ốm để không tham dự buổi dạ hội kết thúc hội nghị. Anh khống muốn lại thêm một lần phải nghe tất cả những bài phát biểu không thay đổi từ nhiều năm nay, rằng ai là người có nhiều công lao và ai đánh giá điều đó hoặc là “cuộc gặp gỡ đã thành công tốt đẹp” và “trước mắt chúng ta là những thách thức mới như thế nào”. Hội nghị quốc tế về gien học ở New Orleans, về mặt này cũng chẳng khác gì một đại hội hợp tác xã địa phương ở Làng Mới.

Anh cũng không muốn một buổi tối với sự có mặt của những bà vợ khả kính và nhạt phèo của các vị giáo sư cũng chẳng khác gì các bà vợ của họ, đã từ lâu rỗi chẳng có gì để nói và họ cứ đi hết hội nghị này đến hội nghị khác và bằng cách đó cắt dần những ô phiếu vinh quang và huy hoàng của mình đã từ lâu vàng ố.

Anh muốn chia tay với New Orleans theo cách của mình. Ăn tối ở một nhà hàng nhỏ có tên Evelyn’s Place ở chỗ cắt giữa phố Iberville và Charters Street. Đối với người hay lui tới thành phố này thì đây là một của hiếm thực thụ của ẩm thực địa phương. Chỉ có những người đặc biệt quan tâm mới biết. Ngoài ra, toàn bộ thời gian ở đó là Happy Hour. Gọi một tequille, sẽ được ba mà không phải trả cho hai chai còn lại. Điều này tác động tuyệt vời đến không khí của phần nội thất đúng ra là cáu bẩn. Sau lượt đầu tiên bạn sẽ không để ý đến điều đó nữa. Sau lượt thứ hai bạn bắt đầu thấy nó đẹp. Thỉnh thoảng ở Evelyn’s Place xảy ra điều mà không xảy ra ở nơi nào khác của New Orleans, Evelyn kéo – chủ yếu là trước Mardi Gras – cô em của mình, là người duy nhất, theo như Evelyn, “rời bỏ gett bởi có não và không thích ẩm thực” đến. Sinh viên của nhạc viện Detroit, học lớp violin, đặc biệt tài năng, đã nhận nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ở châu Mỹ. Khi đến cái câu lạc bộ đầy khói của bà chị, cô quên luôn các phòng hòa nhạc và Detroit. Cô tết tóc như một cô gái Rastaman(17) và chơi jazz và blues. Bằng violin! Nghe mà có cảm tưởng như Marvin Gaye hát blues.

17. Tộc người Rastaman ở Trung Mỹ. Phần lớn có tóc xoăn, hút cần sa và rất thân thiện, cởi mở với mọi người.

Thực ra thì Evelyn, mà địa điểm này thuộc về cô, cũng là một hiện tượng. Một phụ nữ da đen đẫy đà với nụ cười của thiên thần chơi bộ gõ “ngoài giờ” trong nhóm nhạc jazz dixieland (thuộc về các bang miền Nam nước Mỹ). “Trong giờ” thì cô phải nấu nướng cho khách. “Phải” là một từ không hay. Bởi Evelyn cho rằng – anh biết điều này vì nghe lỏm được câu chuyện của Jim và Evelyn trong một lần họ cùng đến đây cách nay đã khá lâu – tốt hơn nghệ thuật nấu ăn chỉ còn có “nhạc jazz hay và những cuộc làm tình kéo dài”. Ngoài ra, lần nào Evelyn cũng nhắc lại rằng thế giới có ý nghĩa kể từ khi có nhạc jazz, và đã trải qua ba cuộc cách mạng: Kopernik, Einstein và tìm ra gumbos, một loại súp rau cay từ rau có tên okra, được cho vào đậu đỏ cùng với gia vị cajun. Không đâu ở New Orleans nấu được món gumbos và đậu đỏ như ở Evelyn’s Place. Tối đến, khi nhà hàng rộn ràng sống động và và quay cuồng trong tiếng cười, thỉnh thoảng có thể thuyết phục Evelyn chơi trống sớm. Khi ấy cô đeo găng tay trắng đến khuỷu, sửa lại trang điểm, ngồi trên ghế xoay cạnh lối vào bếp và đánh trống. Cô chơi cho đến khi có ai đó phải xin cô dừng lại. Khi Evelyn đánh trống, Jim thường hay ra sân phía sau nhà hàng. Gã không khoái jazz. Anh nhớ có lần gã đã nói đùa rằng “jazz là sự trả thù của những người da đen đối với người da trắng vì sự nô lệ”. Mặc dâu vậy họ vẫn đến nơi này rất đều đặn.

Từ những ngày ấy, ở đây chẳng có thay đổi gì đặc biệt ngoài việc Evelyn béo hơn chừng mười lăm cân gì đó.

CÔ: Tiếng sột soạt ngoài cửa đã đánh thức cô dậy. Tiếng trẻ nô đùa ngoài vườn lọt qua cửa sổ để mở. Một ngày nắng.

Cô run vì lạnh. Cô nhận ra mình đã ngủ khỏa thân, không đắp gì trong khi điều hòa chạy suốt đêm. Chăn rơi trên sàn nhà cạnh cửa sổ. Cô dậy, đi ra cửa. Dưới khe cửa có một phong bì màu ô liu. Cô cúi người xuống nhặt. Cười, ép chiếc phong bì vào người và đi vội về giường. Khi cô vừa lôi ra bản in bức e-mail của anh thì có tiếng điện thoại. Asia.

– Như mình biết cậu thì vẫn nằm trên giường phải không? Tất nhiên là cậu không quên hôm này là ngày Renoir? – nó hỏi bằng một giọng rất lạ.

Tất nhiên là cô quên. Nhưng không tiết lộ và im lặng nghe Asia.

– Bây giờ thì cậu dậy đi, rồi ra ga Ecole Militaire và đi đến Solferino; cậu chuyển tàu ở Concorde. Khi nào xuống tàu và đi lên trên, cậu sẽ nhìn thấy trước mặt phòng đợi của nhà ga cũ ở đấy có bảo tàng d’Orsay.

Cậu nhớ hết chưa? Ga Solferino. Mình đang xếp hàng mua vé ở đây từ năm giờ sáng và đã làm quen với một tay ngrười Venezuela, một cô gái người Birma và bốn người Czech, đứng ngay sau mình. Dân Czech đến đây với một thùng bia. Khoảng bảy giờ sáng họ đã bắt đầu mở chai. Lúc đầu mình không thể nhìn cảnh ấy. Brr… Bia trước bữa sáng. Nhưng khoảng tám giờ, mình đã uống cùng với họ mà chưa ăn sáng. Chắc cậu nhận thấy qua giọng mình chứ? Ôi, Chúa ơi, mới tuyệt làm sao. Renoir ở khắp sảnh đợi trong nhà ga của Paris, còn mình; sau năm chai vào chín giờ sáng. mình muốn giữ mãi trạng thái này. Nhưng cậu đừng có mang theo máy ảnh. . Vì đằng nào thì cũng không được chụp ảnh đâu. Chỉ có điều cậu nhất định phải đến, mình muốn cậu cũng được tận mắt nhìn thấy cảnh này. Tụi mình sẽ có cái để mà nhớ cho đến cuối thế kỷ. Mình đã cố túm Alicja. Đã mấy lần gọi đến phòng nó. Cho đến khi tay thường trực người Ba Lan tiết lộ rằng nó không có ở đấy. Từ hôm qua, sau bữa tối. Bến Solferino, nhớ nhé. Cậu phải đến ngay. Bây giờ thì mình quay lại với mấy ông người Czech đây. – trước khi cúp máy, nó còn nói thêm: – Cậu phải nghe mình. Đừng có dừng lại dưới bất cứ hình thức nào ở quán cà phê Internet cạnh Militarie đấy. Lần cuối cậu bảo ra đấy năm phút, mà ở lại đến hai tiếng. Cậu sẽ viết cho anh ta sau, bất kể đó là ai, khi chúng mình đi xem triển lãm về. Cậu hứa không? Hứa đi!

Lại thêm một lần cô nghĩ rằng Asia quả thật độc đáo. Về nguyên tắc thì cô không muốn để Jakub biết Asia. ở một mức độ nào đó họ hợp nhau một cách nguy hiểm.

Cô chạy vào phòng tắm. Tắm rất nhanh. Cô mặc một cái quần lửng trắng, bó sát và áo phông đỏ hở rốn. Không mặc nịt vú. Thấy trước một ngày nóng không kém gì hôm qua. Cô nhét vào ví xách tay tóm lại là tất cả số đồ trang điểm.

Mình sẽ trang điểm trên tàu điện ngầm – cô nghĩ.

Tay trực lễ tân không thề rời mắt khỏi ngực cô khi cố chạy, tóc vẫn còn ướt, xuống cầu thang đến Restaurant để ăn sáng. Anh ta rời quầy lễ tân, đi theo cô đến Restaurant. Trong một khách sạn nhỏ như ở đây thì người trực lễ tân cũng là chạy bàn. Ít nhất cũng trong giờ ăn sáng.

Anh ta đang cầm bút chì và sổ để chờ cô gọi món. Cô gọi cà phê và bánh croissaint(18) với mật ong. Khi anh ta đi ra, cô để tất cả lại và chạy lên phòng. Lấy cái máy nghe CD xách tay của mình để trên bàn ngủ, tìm thấy trong vali đĩa mới nhất của Van Morrison rồi quay lại bàn ăn. Cà phê đang chờ cô. Bên cạch tách cà phê là số International Herald Tribune mới nhất.

18. Bánh sừng bò.

Không có tay trực lễ tân. Cô đẩy vội tờ báo ra xa để không nhìn ngay cả các tiêu đề.

Mình không tự phá hỏng tâm trạng bằng những thông tin về thế giới – cô nghĩ.

Cô đeo tai nghe. Chọn Have I told lately that I love You, một đoạn Morrison yêu thích của mình.

Không chỉ Asia mời có thể được chuẩn bị về nội tâm để đến với Renoir – cô nghĩ.

Cô cũng thế. Âm nhạc có rồi. Giờ thì lo đến hóa học.

Tay trực lễ tân xuất hiện với croissaint nóng còn đang bốc hơi. Cô tắt nhạc và tháo tai nghe. Cô nhận thấy anh ta vẫn nhìn trộm ngực cô.

– Anh có thể cho thêm một tách cà phê nữa được không? Nếu được, thì anh có thể rót vào đó một ly whisky Ireland được không?

Anh ta cười hỏi:

– Hai mươi nhăm, năm mươi hay một trăm mililít? Nếu một trăm thì chị sẽ có cà phê trong whisky chứ không phải là ngược lại.

– Thế còn anh thì nghĩ sao, bao nhiêu thì tốt hơn cho tôi?

– Theo tỷ lệ hai mươi nhăm mililít whisky trong cà phê và một trăm champagne trong ly với dâu tây. Champagne là tôi mời dự. Renoir cũng uống champagne. Và thường là trong bữa sáng. Hôm nay ở Orsay chị hãy để ý xem có bao nhiêu chai trên bàn trong bức tranh nổi tiếng Bữa sáng của những người chèo thuyền của ông ta.

– Thế cơ đấy. Anh biết hết về tôi còn gì. Anh đọc và viết e-mail của tôi, anh biết rằng tôi cần Internet còn bây giờ anh biết cả việc một lúc nữa tôi sẽ đi gặp Renoir. Từ đâu vậy, nếu anh có thể nói?

– E-mail là tôi có của chị gửi đi hoặc gửi đến cho chị, Internet thì từ mấy tháng nay tôi cần như oxy nên tôi suy ra chị, vì chị hợp với người mẫu, còn Renoir? Tôi biết được từ bạn gái của chị. Trước khi tôi nối máy của chị ấy với phòng chị, chị ấy đã kể cho tôi nghe gần như tất cả về cuộc triển lãm ở d’Orsay, sau đấy chị ấy còn dọa tôi rằng nếu chỉ không nhấc máy thì có thể chị bị xỉu ở trong phòng và tôi phải lập tức đến đấy. Chị ấy thật ngọt ngào khi nói dối. Chỉ có thể nói với chị ấy như vậy.

Nói xong anh ta ra quầy bar. Một lúc sau anh ta mang đến một tách cà phê, một ly với quả dâu tây bơi trong champagne sủi bọt và một đĩa thủy tinh dâu tây rắc bột dừa. Anh ta đặt tất cả trước mặt cô và nói:

– Chị có cả một ngày tuyệt đẹp ở phía trước. Hai hôm trước đây tôi đã nhìn thấy triển lãm này. Renoir là người theo trường phái ấn tượng duy nhất chỉ vẽ vì sự thích thú, vậy chị sẽ đặc biệt thích thú ở d’Orsay. Nếu hôm nay không phải làm việc, tôi sẽ hỏi xem có thể đi cùng dự được không. Nhưng hôm nay tôi sẽ hoàn toàn không ngắm các bức tranh.

Trước khi đi, anh ta lại gần chiếc ghế chị đang ngồi, sửa lại những bông cúc trong chiếc bình gốm nhỏ cạnh ly champagne trên bàn chị và nói:

– Hơn nữa, trông chị tuyệt đẹp với mái tóc ướt và không trang điểm.

Thật tốt biết bao khi anh ta nói lên điều đó – cô nghĩ với lòng biết ơn.

Bởi cô đang muốn “trông tuyệt đẹp” và cho cả thế giới biết điều đó. Đặc biệt là lúc này, ở đây, ở Paris này trong mấy ngày sắp tới. Việc này đáng giá cả một gia tài, nhưng cô đã đăng ký từ Warszawa, tất nhiên là qua Internet, giờ đến thợ làm tóc ở Paris. Chỉ cách khách sạn của họ vài con phố. Một ngày trước khi anh đến.

Cô ăn hết croissaint. Cà phê rất ngon với vị đăng đắng của whisky. Sau khi uống cạn champagne, cô dùng ngón tay lấy quả dâu tây trong cốc và chậm rãi cho vào miệng. Cô cảm thấy nhờ tách cà phê thứ hai và ly champagne mà cách nhìn nhận thế giới của cô bắt đầu gần với của Asia. Điều này thật tuyệt vời cô nghĩ. Bởi họ sẽ có những kỷ niệm chung từ cuộc triển lãm này cho phần còn lại của thế kỷ sắp kết thúc.

Ôi Chúa ơi, lúc này cô muốn được chạm vào môi anh biết bao. Chỉ chạm thôi – cô nghĩ. – Lại bắt đầu rỏi. Mình uống cái thứ cồn này để làm gì cơ chứ?!

Cô đứng dậy rất nhanh, đeo tai nghe và xoay núm âm lượng của máy nghe. Lúc này cô cần nhạc to và nhất thiết phải là Van Morrison. Đi qua phòng ăn ra cửa, cô giơ tay và không quay đầu lại, vẫy những ngón tay để tạm biệt. Cô cứ cho rằng tay trực lễ tân đang quan sát cô. Đến cửa, cô bất ngờ quay lại. Cô đã có lý! Anh ta nhìn theo cô.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.