Cô Đơn Trên Mạng
Chương 09 phần 1
ANH: Ở New York, anh ở trong Marriott Marquis, trên góc Broadway cắt phố 45. Anh tính rằng nếu đặt taxi lúc năm rưỡi thì sẽ thoải mái kịp. Nhưng đi được kilômét đầu tiên thì anh biết là anh đã sai lầm kinh khủng. Theo kế hoạch thì mãi hai mươi giờ ba mươi mới khởi hành, nhưng ngay lúc này anh đã biết rằng anh không còn nhiều thời gian.
Đã bốn mươi nhăm phút trôi qua, mà họ vẫn ở trong đám tắc đường đáng sợ trên Manhattan và đến Queens Midtown Tunel, nối Manhattan với Queens, nơi có sân bay Keunedy mà anh sẽ bay từ đó, vẫn còn xa vô tận. Tay lái xe người Ấn Độ (anh có cảm giác là tất cả lái xe ta xi ở New York đều là người Ấn Độ) nói không ngơi mồm, cười và động viên anh rằng nhất định họ sẽ kịp, nhưng anh thì biết rằng nếu họ có ngồi nửa ngày trong cái taxi này và máy bay thì đã cất cánh từ lâu mà không có anh, thì cái lão người Ấn Độ này vẫn cứ bảo anh rằng họ sẽ kịp.
Những người lái ta xi Ấn Độ ở New Orleans cũng đều thế cả.
Song tay lái taxi này là hiện thân của những gì tồi tệ nhất mà anh có thể gặp: trẻ và nhát gan.
Lái taxi ở New York có thể khiếm thị, nhưng không thể nhát!
Trên Manhattan vào tầm này không thể vượt được, khi trước đó nhìn qua gương thấy cả một hàng dài vô tận ở phía sau. Ở đây cần phải bật xi- nhan, tăng tốc, bóp còi và chuyển làn đường.
Ngay cả anh cũng biết điều đó, mặc dù anh chưa từng bao giờ lái taxi.
Khi họ đến được sân bay, tay lái xe vẫn luôn miệng cười, còn anh thì chỉ còn đúng mười tám phút nữa là đến giờ máy bay cất cánh.
Anh bực với chính mình, với sự ngu ngốc của mình, với New York, với tất cả những người Ấn Độ và với sự bất lực của mình.
Anh chạy như điên vào cổng ra của mình, vừa khấn thầm để họ đừng gạch tên anh khỏi danh sách hành khách để mà đem lại may mắn cho một ai đó trong danh sách chờ.
Họ không thể làm thế với anh được!
Bởi cô sẽ đón anh ở Paris và chắc chắn cô sẽ chờ anh.
Không, họ sẽ không làm thế…
Khi anh đến nơi, TWA800 đã kiểm tra xong.
Những hành khách của khoang hạng nhất và khoang business đã yên vị trong máy bay và uống sâm banh, theo anh đoán, còn những dãy cuối của khoang economy đang được gọi vào cổng.
Anh biết là mình đã chịu thua thời gian. Anh đã thua một cách dở hơi và vô lý đến thế.
Anh lấy hết sức để dán lên mặt mình một nụ cười dễ thương nhất mà anh có thể có vào thời điểm ấy và đi đến chỗ một cô gái tóc vàng trẻ, béo mặc đồng phục của hãng TWA, tay cầm điện thoại, đứng bên cổng mà bên trên có số hiệu chuyến bay của anh.
– Tất nhiên là chị biết rằng tôi nhất thiết phải bay chuyến này. Della đã chuyển tôi sang đây trái với ý muốn của tôi, các chị đã khẳng định bằng fax và điện thoại, tôi có thể cho chị xem bản fax ấy. Dãy của tôi đã được gọi ra cổng chưa? – anh hỏi bằng một giọng điềm đạm nhất mà lúc ấy anh có thể tạo ra được. Anh cho rằng thái độ thiếu nhã nhặn sẽ đẩy cô ta vào thế thủ.
Cô ta hiểu ngay ra trò chơi này. Cô cười và hỏi tên.
Khi anh đọc tên, cô ta kiểm tra trong máy tính và điềm đạm trả lời:
– Anh đã vô cùng gặp may. Khi chúng tôi gạch tên anh khỏi chuyến bay này vì anh đến muộn, thì Della đã nhận anh lên chuyến bay lúc hai mươi giờ ba mươi nhăm của họ. Chỉ vì anh là người đầu tiên trong danh sách chờ ở bên kia, và có người hủy chuyến bay vào phút chót, và máy tính của họ bị hỏng nên không xóa tên anh khỏi danh sách dự bị bên chỗ chúng tôi. Anh phải lưu ý đến máy tính. Họ cũng đang ở cùng một cổng ra. Anh nên chuyển thật nhanh sang đó. Anh đến Paris chỉ chậm hơn có nửa tiếng so với đi của hãng chúng tôi.
Anh chưa kịp nói gì thì cô ta đã quay sang với hành khách.
Rất nhanh, anh nhớ rằng ở đây, Della có trạm của họ ở phía đông của sảnh này, thế là không nói gì, anh quay đầu chạy về hướng đằng ấy.
Khi anh đến được trạm của Della, đám đông vẫn nhốn nháo ở đó. Anh thở phào.
Bao giờ Della cũng có thời gian. Anh biết điều này từ mấy năm nay, từ khi anh bắt đầu bay bằng hãng này.
Cho tới khi nhận lại thẻ lên máy bay, anh mới nghĩ ra là cô hoàn toàn không biết gì về việc thay đổi chuyến bay này, còn họ thì đã mời hành khách lên máy bay và quanh đấy cũng không có điện thoại.
Lên máy bay mình sẽ gủi e-mail cho cô và sẽ gọi điện đến khách sạn – anh nghĩ.
Anh nhấc vali và túi đựng laptop rồi đi ra ống dẫn ra máy bay.
Khi đã tìm thấy và ngồi vào chỗ của mình cạnh cửa sổ, anh bỗng cảm thấy mệt kinh khủng.
Anh ngồi không nhúc nhích. Khi máy bay nặng nề cất cánh anh hoàn toàn thanh thản nhìn xuống New York rực rỡ đầy lãng mạn trải dài ngoài cửa sổ và nghĩ rằng lần đầu tiên sau một thời gian dài anh mới lại có thể nhìn cảnh này và không sợ hãi.
Khi ánh sáng của New York đã trở thành một tinh vân không có tính thù rõ rệt, anh nhắm mắt và lúc này anh mới thực sự bắt đầu chuyến đi của mình.
Anh bay đến Paris chỉ vì cô và chỉ đến với cô.
Chỉ còn mấy tiếng nữa và anh sẽ gặp cô.
Anh không muốn lại thêm một lần nữa nhắc lại những gì sẽ nói với cô, sẽ nói về cái gì và sẽ chạm vào tay cô ra sao.
Anh không muốn bởi anh biết rằng đằng nào thì cũng sẽ không được như trong cái chương trình ngọt ngào mà anh đã tự lên cho anh. Sẽ không giống, bởi cô là khó có thề đoán trước được và chỉ cần một lời nói thôi cũng đủ để một cái khác đi rồi.
Thậm chí có trong những câu chuyện của họ trên ICQ cũng thế. Mặc dù anh nói nhiều hơn và kiểu gì thì cô cũng là người xác định hay đổi chủ đề. Nhưng anh vẫn thích có kế hoạch, chủ yếu là vì được vui khi lên kế hoạch.
Bỗng nhiên anh thèm uống vang quá.
Anh nhìn quanh. Một sự thư giãn điển hình sau những căng thẳng của lúc cất cánh. Một số người đắp chăn chuẩn bị ngủ, một số đứng dậy để giải tỏa nỗi sợ đang qua đi trong khi xếp hàng chờ vào toilet, một số khác nữa thì lấy báo hay tạp chí từ túi xách tay ra, một số ngả ghế và nhắm mắt. Không thiếu những người như anh, đang ngóng các tiếp viên để có thể bình tĩnh trở lại nhờ rượu, là thứ mà ở độ cao này có tác động khác hẳn.
Nhưng đặc biệt hôm nay, anh hoàn toàn không muốn dùng rượu để tĩnh tâm.
Anh muốn tưới cho những ước mong của mình bằng chianti(19) đỏ.
Anh muốn tưởng tượng một chút về Paris chung của họ và về Paris được cô trang hoàng tưng bừng như thế nào cho anh bằng sự có mặt của mình. Anh nhớ một đoạn trong số những bức thư gần nhất cô viết cho anh:
Anh là vô cùng quan trọng đối với em. Em biết ơn anh rất nhiều và không chỉ vì những gì em cảm thấy. Nhờ có anh mà em hoàn thiện hơn, tốt hơn, em cảm thấy mình độc đáo và không thuộc loại trung bình. Có thể ít thông minh hơn một chút (mọi cái vốn vẫn tương đối như vậy), nhưng chắc chắn là tuyệt vời đặc biệt. Đúng thế, em cảm thấy giờ đây mình sống đầy đủ hơn và có ý thức hơn. Em say mê tất cả những suy ngẫm và mơ màng mà anh mang đến cho em. Chúng khiến em vui biết bao.
Tất nhiên là trong đầu em luôn có cả một mớ lộn xộn kinh khủng, mà cho tới lúc này chưa có lý do gì, chưa có động cơ nào để vì nó mà em muốn sắp xếp lại những ý nghĩ của mình. Nếu như em có nói lung tung thì chính là vì thế. Anh buộc em phải suy nghĩ, mặc dù là rất vụng về (Nhưng anh đừng có dừng lại! Sau mấy năm nữa anh sẽ có em như một người bạn để trò chuyện, như chưa bao giờ anh có được như vậy) và sắp xếp những ý nghĩ xoay tít của em.
Anh cười với ý nghĩ rằng mình quan trọng biết bao trong những ý nghĩ xoay tít của cô.
Còn sau đó trong chương trình, anh sẽ dùng đúng loại chanti đó để gọi giấc ngủ đến, bồi giấc ngủ bao giờ cũng rút ngắn sự chờ đợi một cách đáng kể. Anh nhớ điều này từ hồi còn bé, đặc biệt là trước sinh nhật và Giáng sinh.
Thế là anh đưa mắt tìm nữ tiếp viên.
Cô ta đột ngột xuất hiện ở cuối lối đi; cô ta vừa từ cabin của các phi công ra.
Anh có cảm tưởng như cô ta vừa khóc.
Khi cô ta đến gần, thì anh chắc rằng cô ta đã khóc. Trang điểm nhem nhuốc, nước mắt chỉ chực trào ra, hai bàn tay run run. Anh cố gắng để cô không biết là anh nhận thấy điều đó. Anh cười với cô, hỏi xin rượu vang, còn cô ta trả lời bằng bộ mặt méo mó đang cố mô phỏng một nụ cười và đi.
Một lúc sau cô mang rượu vang đến, đã trang điểm lại, đã tự chủ được và trông rất buồn. Cô đưa rượu vang cho anh, không nói một lời rồi đi.
Anh uống ngụm đầu tiên rồi kéo tai nghe điện thoại từ chỗ tựa của ghế trước. Kéo thẻ tín dụng qua khe máy đọc và bấm số khách sạn của cô ở Paris.
Số máy bận.
Một lát sau anh gọi lại. Vẫn thế.
Rượu vang hết đã lâu, còn anh vẫn bấm số máy ấy ở Paris và khi máy bận, anh lại tự nhủ sẽ chỉ thử một lần nữa, chỉ một lần duy nhất, lần cuối cùng.
Sau một tiếng anh bỏ cuộc.
Anh gọi cốc vang nữa, lôi laptop dưới gầm ghế ra và bật máy.
Anh chuẩn bị một e-mail để gửi đến lễ tân khách sạn nơi cô ở.
Anh nhờ họ thông báo gấp cho cô biết là anh không bay chuyến TWA800, mà bay DL278. Anh cho giờ và số cổng ra ở sân bay Charles de Gaulle mà anh sẽ ra. Anh đề nghị xác nhận e-mail đến. Anh dự định một lần nữa, ngay trước khi hạ cánh xuống Paris, sẽ vào mạng để kiểm tra xem có xác nhận hay chưa.
Cáp modem anh cắm vào ở trong điện thoại đã kịp nóng lên trong tay anh khi anh cố gọi đến khách sạn ở Paris của cô trong suốt một giờ đồng hồ cuối cùng.
Anh chọn số của Compuserve và một lát sau đã ở trong mạng.
Anh gửi e-mail. Khoảng chín giờ sáng máy bay sẽ hạ cánh, vậy thì chắc chắn họ sẽ kịp thông báo cho cô – anh nghĩ.
Thứ năm này, mười tám tháng bảy, ở Paris sẽ là ngày của họ. Và hoàn toàn không ảo.
Anh định ra khỏi mạng, nhưng trước đó anh quyết định vào trang CNN để xem dự báo thời tiết vùng Paris. Anh hy vọng rằng sẽ không mưa. Ở sân bay, anh sẽ nhận ôtô trong Avis anh đã đặt xe từ ở New York, và sẽ phải là kabriolet. Anh gõ địa chỉ của CNN trong Netscape và đợi cho trang chủ hiện trên màn ảnh của laptop, anh đưa ly lên miệng.
Nhân viên lễ tân, lễ tân khách sạn Bousquet, đêm 16 rạng ngày 17 tháng bảy năm 1996, Paris:
Cậu thay ca vào lúc nửa đêm. Bao giờ cậu cũng thay ca đêm. Không phải vì thích. Cậu không có sự lựa chọn khác. Học tin học ở Ecole de Paris, và để sống được trên mặt bằng của cái thành phố đắt đỏ này, cậu phải đi làm thêm. Mà làm việc thì dù có thể vào ban đêm. Cái khách sạn nhỏ ở Khu Latinh này giống như thể một số phận may mắn trong xổ số. Cách nơi ở, cậu ở cùng với hai người nữa cũng như mình, chỉ có mười phút đi bộ, ngoài ra ông chủ khách sạn là người Ba Lan nên không bao giờ đưa ra những câu hỏi ngu xuẩn. Tiền công bao giờ cậu cũng nhận tiền mặt, không bao giờ bị để trong phong bì, và luôn đúng hạn. Cậu thích sự yên tĩnh này, khi mọi người đã ngủ, còn cậu vặn khẽ radio, mở chai rose lạnh ưa thích và ngồi sau quầy lễ tân, nhấm nháp vang và chìm đắm trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Cậu nhắm mắt, nhưng vẫn nghe thấy những khách về muộn vào khách sạn, ngây ngất vì thành phố hoặc vì rượu và đập vào những cánh cửa đóng, cậu nghe điện thoại của những người cho đến giờ này mới sực nhớ ra là họ không có báo thức, mà sáng mai họ lại có một cuộc gặp cực kỳ quan trọng và cần phải đánh thức họ.
Cậu phải ra khỏi trạng thái này ngay lập tức rồi trở lại ngay lập tức.
Cứ như vậy đã hai năm, ban ngày cậu đi học, đêm làm việc.
Song gần đây mọi việc đã bị xáo trộn một cách triệt để.
Ông chủ khách sạn lắp đặt Internet.
Họ có trang web của mình, địa chỉ của mình và nhận đặt phòng qua mạng.
Không thể có gì hay hơn thế!
Hai tiếng sau nửa đêm, cậu bật modem, vào mạng và ở trên đó với những quãng dừng ngắn cho đến sáu giờ sáng.
Cậu lang thang, liên hệ, và trên hết là chat.
Cậu có bạn nói chuyện ở khắp nơi trên thế giới. Một số người vào mạng chỉ để gặp chính cậu.
Dần dà, nhưng không thể lay động, cậu đã bị nghiện Internet.
Cậu đã không còn cái trạng thái nửa thức nửa ngủ ấy nữa. Buổi sáng, cậu thiếp đi trong các giờ học, cậu đi làm muộn vì ở nhà gần mười hai giờ cậu đã ngủ nhưng vẫn không tài nào đánh thức được cậu trước nửa đêm.
Cậu tự nói với chính mình rằng đây chỉ là một sự say mê nhất thời; đã như vậy từ bảy tháng nay.
Tất nhiên là cậu biết rằng khi mình vào mạng, không ai có thể gọi điện đến khách sạn được. Cậu giả thiết rằng trong khoảng từ hai đến sáu giờ sáng, đằng nào thì cũng không thể có cuộc gọi quan trọng nào, vậy cậu là cho qua chuyện đó. Hôm nay cậu cũng sẽ không bận tâm về vấn đề này.
Như thường lệ, cậu bật modem và máy tính. Đầu tiên cậu kiểm tra toàn bộ các đăng ký phòng online. Những gì có thể, cậu xác nhận bằng e-mail.
Sau đó cậu kiểm tra thư đến của khách. Dịch vụ này mới được khách sạn đưa vào và cậu tự hào nhận thấy nó quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng như thế nào.
E-mail đến từ khắp nơi trên thế giới và bằng mọi thứ tiếng có thể.
Cậu in những bức thư ấy, cho vào phòng bì màu ôliu có địa chỉ Internet của khách sạn và gần sáng, cậu nhẹ nhàng luồn qua khe cửa của người nhận. Sau mấy tháng thì thấy rằng họ đã có những khách cố định chỉ thông qua mạng và những phong bì màu ôliu ấy, ngay sau khi thức dậy.
Cậu cũng gửi những thư của khách để lại trên đĩa mềm. |
Sáng nay có ba cái phải gửi đi. Hai cái của cái chị Ba Lan xinh đẹp ở phòng mười tám trên tầng một ấy. Hai hôm trước đây lúc gần sáng chị ta đã kéo cậu ra khỏi máy tính lúc cùng với hai cô bạn từ vũ trường về. Họ rất vui nhộn và làm duyên với cậu. Họ đi vào khách sạn theo nhịp nhảy, ngồi chuyện phiếm ở sôpha trước lễ tân, một lúc sau một chị chạy lên phòng mình lấy champagne.
Chị để tóc xõa và rối, mặc chiếc sơmi màu xanh lá cây bó sát, cổ khoét sâu để hở viền đăng ten mỏng màu xanh lá cây của chiếc nịt vú. Cậu không thể xác định được màu mắt chị. Có vẻ như là chúng chuyển từ màu xanh lá cây sang màu nâu sẫm.
Khi đã uống champagne ngọt của Ý, chị đột nhiên đứng dậy và đi vào chỗ cậu sau quầy lễ tân, định vặn to đài vì đúng lúc Bryan Ferry đang hát. Lúc ấy chị nhìn thấy màn hình máy tính của cậu với trang của khách sạn và không vòng vo chị hỏi ngay có thể gửi e-mail được không.
Khi cậu trả lời đương nhiên là được, chị không nói không rằng, bỏ cậu đấy và ngồi vào bàn máy tính. Chị tự tìm được chương trình thư trong ổ cứng của máy tính khách sạn và bắt đầu viết.
Cậu có cảm tưởng như với chị, thế giới ngừng tồn tại…
Khi cuối cùng thì chị cũng quay lại nhập bọn, cậu đã kịp cùng với hai cô bạn của chị uống hết chai champagne. Chị lặng lẽ. Không nói thêm một lời nào nữa. Cậu có cảm tưởng như với chị không còn gì tồn tại. Chi đột ngột đứng dậy, chúc mọi người ngủ ngon rồi đi ra. Hai cô bạn chị nhìn nhau đầy ý nghĩa nhưng không bình luận gì.
Chị trở nên bí hiểm.
Hôm nay, chốc nữa cậu phải gửi hai thư của chị để lại trên đĩa mềm trong ô của mình.
Sắp sáu giờ.
Cậu gọi chương trình thư, chuyển thư từ đĩa mềm sang hộp thư gửi và tự nhủ, rằng đây chỉ là ngoài ý muốn, rằng dù là mọi chuyện đã sắp đặt không may như thế nào đó, cậu bắt đầu đọc thư thứ nhất:
Paris ngày 16 tháng bảy
Em cảm thấy thiếu anh vô cùng, Jakub…
Từ ba ngày nay, em cảm thấy đến đau đớn, anh đã bước vào cuộc đời em sâu sắc biết bao và điều gì sẽ đến với em nếu anh rời bỏ nó. Em cảm thấy bị bỏ rơi ở giữa đám đông quanh mình trong cái thành phố Paris đen- trắng vô hồn này, lẽ ra nó phải rực rỡ sắc màu như người ta đã hứa trong catalog mà em đã nghiên cứu rất kỹ ở Warszawa.
Anh hãy đến đây đi, em xin mà, anh hãy đến…
Cậu gửi bức thư này và sung sướng mở thư thứ hai, “ngoài ý muốn”:
Paris ngày 16 tháng bảy
Rất, rất, rất cám ơn anh, anh thông minh và tuyệt vời của em.
Cám ơn anh vì tất cả, vì anh đã nghĩ rằng chúng mình có thể gặp nhau, vì anh đến đây hôm nay.
CHỈ VÌ em, và anh sẽ chỉ cùng với em: Em biết là anh sẽ đọc những dòng này trên máy bay (em không thể hình dung ra, người khác thì không nói làm gì, nhưng anh lại không thể nhận thấy có ổ cắm modem ngay trước mắt mình!), và khi anh bắt đầu đọc những dòng này, thì em vẫn còn ngủ với giấc ngủ chập chờn của một cô gái mới lớn đang yêu.
Sáng mai, ở sân bay, môi em sẽ có màu gì nhỉ? Anh thích màu gì nhất?
Có phải có những màu có vị khác với những màu khác?
Chắc chắn cả điều này nữa anh cũng biết …
Cậu cười và nghĩ hôm nay mình rất, rất muốn được là Jakub…
Đã đến thời của “những bức thư trong khe”.
Cậu khởi động chương trình thư một lần nữa và lấy tất cả mail từ máy chủ của họ.
Chỉ có hai cái. Một cái cho cậu, của ông anh ở Warszawa, và một cái cho chị, của tay Jakub ấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.