Cô Đơn Trên Mạng
Chương 11 – Kết
SÁU THÁNG SAU
CÔ: Cô nằm viện một tuần, chỉ về nhà vào những ngày nghỉ cuối tuần. Người phụ trách là chỗ quen thân với bố cô nên đã giải quyết mọi việc sao cho cô có một phòng gần như là cho riêng mình…
Họ đã chuyển đến nhà mới. Hướng Đông, nơi có ban-công, cửa sổ nhìn ra rừng. Họ dành phòng nhiều ánh sáng nhất để làm phòng trẻ con. Có thể nói phòng đã được xếp đặt xong. Cho con trai. Cô đã biết là sẽ sinh con trai. Cô đã nhìn thấy trên màn hình chỗ bác sĩ phụ sản và sau đó là bản in từ máy siêu âm ra.
Mọi người chăm sóc cô đến khó tin. Mẹ hứa là sẽ đến ở với họ trong vòng mấy tuần đầu sau khi cô sinh. Bà tốt với cô quá. Chỉ thỉnh thoảng lại hỏi:
– Sao con ít cười thế?
Thứ năm ấy Asia đến bệnh viện thăm cô. Biết là hôm nay không có chồng cô, thế là nó đến. Nhìn nó rất tuyệt. Gầy đi. Tóc cắt ngắn và nhuộm sáng. Cười luôn miệng.
Họ bắt đầu nhớ lại Paris. Họ cười. Như hồi nào.
– Thế cậu còn nhớ cái cậu trực lễ tân ấy không? – Asia hỏi. – Rõ ràng là cậu ta chỉ thích mỗi cậu. Alicja không thể chịu nổi điều đó. Thế cậu còn nhớ…
Cô nhìn quanh rồi ngắt lời nó:
– Asia, cậu sẽ giúp mình một việc chứ?
Asia nhìn cô chăm chú.
– Cậu có thể đến văn phòng mình và đọc những bức e-mail gửi cho mình trong máy tính được không? Mình biết là đã nửa năm rồi, nhưng mình chắc là Jakub đã viết cho mình một cái gì đó. – Cô cúi đầu và nói thầm: – Mình muốn được biết là anh ấy đã tha thứ cho mình.
Cô đưa cho Asia mảnh giấy ghi số code và mật khẩu vào hộp thư của cô.
– Mình có thể chắc là họ chưa đổi code mở cửa văn phòng mình. Cậu hãy đến đấy thật muộn, lúc không còn ai. Cậu đi chứ?
– Cậu có chắc đây là một ý tưởng hay không? – Asia hỏi bằng một giọng nghiêm túc.
– Có chứ. Từ mấy tuần nay mình đi ngủ với ý nghĩ ấy và thức dậy cũng với ý nghĩ ấy. Mình muốn biết anh ấy có tha thứ cho mình không. Cậu hiểu chứ? Chỉ có vậy thôi.
– Cậu đừng có khóc, vớ vẩn vừa chứ! Tất nhiên là mình sẽ đi. Mai là thứ sáu. Mình cho con bé ngủ rồi sẽ đi. Sáng thứ bảy mình sẽ gọi điện cho cậu.
Họ ôm nhau rất chặt lúc chia tay. Giống như ngày xưa.
– Gọi điện nhé. Đừng quên đấy. Mình sẽ chờ.
Joanna: Song, nếu họ đã đổi code rồi thì sao nhỉ? – cô nghĩ và cảm thấy mình giống như một tên trộm. Khi đứng trước cửa văn phòng cô muốn bỏ chạy. Cô đưa mảnh giấy lên mắt và đọc trong ánh sáng nhờ nhờ của bóng điện báo sự cố. Cô đi đến cánh cửa chấn song, nhắc thành tiếng các chữ số của code. Cô bấm tất cả. Cửa mở.
Thứ hai bên phải. Bàn đầu tiên. Đối diện cửa sổ.
Cô để mảnh giấy cô ghi mật khẩu vào hộp thư cạnh bàn phím. Bàn làm việc hoàn toàn trống trơn. Chưa hề có ai làm việc ở đây.
Cô khởi động chương trình thư. Vào mật khẩu. Trong hộp đựng thư chưa đọc, có tới 150 tin! Hầu như tất cả là của Jakub. Mỗi tin đều có trong chủ đề từ “Bưu thiếp”, sau đó là số thứ tự ngày, nơi gửi và trong phần lớn số tin, trong ngoặc đơn là một từ nào đó mô tả nội dung. Cô bắt đầu đọc.
Chị làm gì ở đây vào giờ này thế?! – một người đàn ông mặc đồng phục đen cầm đèn pin hỏi.
Cô mãi đọc nên không nghe thấy khi anh ta bước vào.
– Anh không nhìn thấy sao?! – cô ngẩng đầu lên, trả lời – Tôi đang khóc.
– Chị có giấy ủy nhiệm không?!
– Không. Tôi khóc không có ủy nhiệm.
Cả hai cùng bật cười như được ra lệnh.
– Chị nhớ tắt hết điện trước khi về và tắt máy tính.
Không hỏi gì thêm, anh ta quay ra hành lang.
Cô chưa bao giờ đọc cái gì như thế này. Và chắc chắn sẽ không bao giờ đọc hết. Trò chuyện với một phu nữ mà người ấy đã không còn ở đây nữa. Người đã bỏ anh ta lại. Và xin được tha thứ. Anh tha thứ, nhưng không thể quên cô được. Vậy là anh viết mail cho cô. Hàng ngày. Như thể cô vẫn ở đây. Không một lời nuối tiếc. Không một câu than phiền. Những câu hỏi không được trả lời. Những câu trả lời cho các câu hỏi mà cô không để lại, nhưng anh làm việc đó thay cô. Những bức e-mail được gửi đi từ những máy tính. Ở Wroclaw, New York, Boston, Lon don, Dublin. Nhưng nhiều nhất là từ Munich.
Những bức thư gửi cho người phụ nữ mà người ấy sẽ không đọc chúng. Đầy ắp tình cảm và sự săn sóc. Những câu chuyện tuyệt vời kể cho một người, là người quan trọng nhất. Không một chút phàn nàn, kêu ca nào. Chỉ đôi khi có những yêu cầu hay nài nỉ nào đó về một điều gì đó cho anh. Như một lần ngay trước Giáng sinh, anh viết từ máy tính của người anh trai ở Wroclaw:
Anh đã gói quà cho em. Anh sẽ để nó dưới cây Noel cùng với những gói quà khác. Anh rất muốn em có thể mở nó, còn anh có thể được nhìn thấy em vui thích như thế nào.
Bưu thiếp cuối cùng mang số 294. Gửi ngày 30 tháng tư từ máy tính ở Munich. Nó như một lời kêu cứu. Anh viết:
Tại sao tất cả mọi người đều bỏ anh? Tại sao?!
Hôm nay em hãy tìm thấy anh đi.
Như một năm trước đây.
Xin em, hãy tìm thấy anh. Hãy cứu anh!
Cô để bức e-mail cuối cùng này trên màn hình. Ngồi tựa khuỷu tay lên mặt bàn và nhìn vào câu này. Cô phân vân, không biết mình thương ai hơn.
Cô đứng lên. Tìm được một đĩa mềm ở bàn bên cạnh. Cô kiểm tra, đĩa trống. Cô copy tất cả các bưu thiếp của anh sang đĩa mềm, còn bản gốc thì xóa khỏi máy tính.
Đã rất muộn. Cô gọi taxi từ điện thoại trên bàn. Cô đóng cửa vãn phòng và đi thang máy xuống dưới. Một lát sau thì taxi đến. Trong radio Geppert đang hát Larynki (Kẹo trái cây). Lái xe đồng ý cho bật đèn. Cô chùi các vệt đen do nước mắt và sửa lại trang điểm.
Nếu không quá muộn và nếu kinh không quá sợ tối thì bây giờ mình sẽ đến cho cái cây của mình – cô nghĩ, vừa khẽ chạm vào cái đĩa mềm trong ví xách tay.
Sáng ra cô sẽ gọi điện như đã hứa. Cô sẽ nói rằng Jakub đã tha thứ. Như vậy sẽ tốt hơn cả. Vả lại thực tế cũng đúng như vậy. Thực tế đó là một khái niệm rất chung chung.
ANH: Anh còn bay về Ba Lan hai lần nữa.
Zaduszki. Trời lạnh ghê gớm và mưa. Anh ra mộ Natalia rất muộn. Gần như đã về đêm. Anh không muốn gặp bất cứ ai. Anh muốn kể với cô mọi chuyện. Tối nào anh cũng ra mộ cô. Có một số bát nến suốt ba ngày không tắt.
Anh ra mộ bố mẹ cùng với gia đình người anh trai. Sau đó họ ngồi nhà uống trà với rum do anh mang về và nhớ lại. Những bức thư của mẹ. Hàng ngày. Trong suốt năm năm…
Sau đó anh trở lại Munich và mấy hôm sau anh bay đi Princeton. Anh đã xong dự án với Warszawa.
Lần thứ hai anh về là vào Noel. Lễ Giáng sinh Ba Lan ở nhà anh trai. Tuyệt đẹp. Tuyết rơi. Họ đi dự đại lễ đêm Giáng sinh. Anh cầu cho nỗi buồn này qua đi. Và nỗi sợ hãi này. Anh sợ.
Anh viết cho cô. Chẳng có gì thay đổi. Ngày nào anh cũng viết. E-mail như là buổi cầu kinh tối.
Anh chú ý giữ gìn sức khỏe nhé, Jakub.
* * *
Cô nhìn thấy mỗi hình hài bé xíu như được bôi một lớp hắc ín đỏ – xanh đen với cái đầu to không có tóc. Anh bác sĩ đặt đứa bé sơ sinh lên bầu ngực trần của cô.
Hầu như cô không cảm thấy gì khi họ khâu cho cô. Cô ép thằng bé vào người mình. Và khóc. Đã lâu lắm rồi cô không khóc như vậy. Chị hộ lý lau mồ hôi trên trán cho cô.
– Chị đừng khóc. Thế là mọi chuyện xong rồi. Chị có một cậu con trai mạnh khỏe. Cháu có cái đầu rất to, nó làm chị bị rách một tí, nhưng bù lại cháu sẽ rất thông minh!
Anh bác sĩ trẻ vẫn đang khâu cho chị, nói:
– Chị ghi đi này. Giờ sinh bốn giờ không tám phút sáng. Sau khi khâu xong, chị cho chị ấy loại nào mạnh một chút để chị ấy ngủ và chuyển sang phòng số mười bốn. Ngày mai, chiều muộn mới cho bú.
Nghe thấy tiếng nói, cô tỉnh giấc. Thoạt tiên, cô không biết mình đang ở đâu. Cô nhấc đầu. Bố mẹ và chồng cô đang ngồi cạnh giường. Cô thấy đau khủng khiếp vùng đáy chậu. Mọi người cười với cô. Cô ngồi dậy, sửa lại tóc.
– Cháu đâu rồi? – cô hỏi.
– Rồi người ta sẽ mang đến đây để con cho cháu bú – mẹ cô trả lời.
Chồng cô đứng dậy và đưa cho cô bó hoa cẩm chướng đỏ. Anh hôn vào má cô.
– Marcin nặng bốn cân rưỡi. Hồi mới đẻ anh cũng to thế đấy.
Cô ưỡn thẳng người. Cái áo bệnh viện bật cúc, để lộ ra bộ ngực đồ sộ sẵn sàng cho trẻ bú.
– Con sẽ có tên là Jakub – cô nói khẽ.
Chồng cô nhìn bố mẹ vợ, như thể muốn tìm chỗ dựa.
– Mình đã nói với nhau về chuyện này và anh tưởng là mình đã thống nhất đặt tên con là Marcin cơ mà.
– Đúng, mình đã nói về vấn đề này, nhưng mình chưa thống nhất gì cả. Marcin chỉ là một trong những tên mà anh thích.
– Anh cho rằng mình đã thống nhất. Sáng nay anh đã cho in tờ khai. Mất một ngàn zloty đấy. Bây giờ anh sẽ không thay đổi gì nữa. Đã quá muộn rồi.
– Con muốn gì nữa? – mẹ cô ngạc nhiên. – Marcin đang là một cái tên mốt hiện nay.
Cô không thể nghe nổi điều này. Cô duỗi chân, ngồi dậy. Xỏ chân vào dép. Mặc cho đang đau khủng khiếp, cô vẫn đi chậm ra tủ đựng quần áo cạnh chậu rửa. Lấy ví tiền từ áo khoác ra. Đếm. Chưa đủ một ngàn. Cô cho thêm tiền xu vào chỗ còn thiếu. Rồi quay lại giường. Cô để tiền phía dưới chân, chỗ chồng cô đang ngồi và nói:
– Đây là một ngàn zloty của anh. Con trai của em sẽ có tên là Jakub. Anh nghe thấy chứ?! Jakub!
– Con muốn gì nào, đừng có quá kích động – mẹ cô xen vào.
– Bây giờ mọi người có thể ra ngoài để con ở lại một mình được không? Tất cả.
Mọi người đứng dậy. Cô nghe thấy mẹ cô nói với chồng cô gì đó về choáng sau sinh.
Cô không còn khóc nữa. Cô đi nằm. Đã rất tĩnh tâm. Gần như là vui vẻ. Cô nhìn những bông cẩm chướng trên giường. Cô không thể chịu nổi hoa cẩm chướng cơ mà! Tại sao anh ấy lại không biết điều này nhỉ?!
Chị hộ lý kẻo cô ra khỏi trạng thái nửa thức nửa ngủ.
– Chị có muốn cho cháu bú không? – chị ta hỏi, ôm trên tay tấm chăn đề hở đầu con trai của cô ra.
– Có chứ. Tôi muốn. Rất muốn.
Cô ngồi dậy. Vạch vú. Đón tấm chăn dây bẩn cùng với thằng bé. Nó mở to mắt. Cô cười và nói với nó:
– Jakub ơi, nhớ quá.
Đứa bé sơ sinh sợ hãi, khóc.
Lời bạt
Người đàn ông đến ga Berlin ZOO trước nửa đêm khá lâu. Tàu đi Drezno qua ga Berlin Linchtenberg đúng 4.06. Còn nhiều thời gian. Anh ta bắt taxi đến khách sạn Mercure. Ở quầy bar, anh ta gọi một chai vang đỏ.
Bao giờ anh ta cũng thích Natalie Cole. Vì cái tên. Và vì cô hát như là kể những câu chuyện kỳ lạ. Nghe cô hát, người ta có được những trải nghiệm, mà những trải nghiệm là quan trọng nhất. Chỉ vì những trải nghiệm mà cần phải sống. Và còn vì điều này nữa, để có thể sau đó kể lại chúng với ai đó.
Bốn giờ kém mười lăm. Anh ta trả tiền. Và ra chỗ lễ tân.
– Chị có thể gọi hộ taxi được không? Đến ga Berlin Linchtenberg.
Hôm nay anh ta sẽ gặp tất cả những người mà anh ta yêu quí.
Gần như tất cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.