Cô Gái Đùa Với Lửa

CHƯƠNG 5



Thứ Tư, 12 tháng Một
Thứ Sáu, 14 tháng Một
Appelviken cho cảm giác không quen thuộc, thậm chí còn như là ở nước ngoài khi lần đầu tiên sau mười tám tháng Salander lái chiếc xe thuê Nissan Micra rẽ vào con đường dẫn tới nó. Từ tuổi mười lăm, mỗi năm hai lần cô đến nhà nuôi dưỡng này thăm mẹ. Mẹ cô đã qua mười năm tại Appelviken kể từ khi xảy ra chuyện “Tất cả Xấu xa”, và cuối cùng mới bốn mươi tám tuổi thì mẹ mất ở đây, sau lần xuất huyết não.
Những cơn xuất huyết não nho nhỏ đã điểm xuyết vào mười bốn năm sau cùng của đời bà Agneta Sofia Salander, mẹ cô; chúng khiến bà không thể tự trông nom lấy mình. Đôi khi còn không nhận ra nổi cả con gái.
Hễ nghĩ đến mẹ, Salander luôn bị đẩy vào một tâm trạng bất lực và tối mù. Ở những tuổi mười mấy, cô rất thích nghĩ nhăng rằng mẹ cô sẽ lại khỏe mạnh, hai mẹ con lại sẽ có thể tạo nên một kiểu quan hệ nào đó với nhau. Trái tim cô thì nghĩ thế nhưng cái đầu biết điều này sẽ chẳng thể xảy ra.
Mẹ cô thấp và mảnh mai, nom chả có chỗ nào giống với cái dáng chê ăn của Salander. Thực tế, mẹ cô đẹp lồ lộ thấy ngay, bộ mặt của bà đáng yêu. Hệt như Camilla, em gái cô.
Salander không muốn nghĩ đến em gái.
Với Salander, việc hai chị em cô không giống nhau quá thể đến thế là một trò chơi khăm nho nhỏ của tạo hóa. Hai người sinh đôi, sinh ra cách nhau hai mươi phút.
Lisbeth là chị, Camilla thì đẹp.
Họ khác nhau quá đến nỗi nhìn sơ qua thì không thể ngờ họ lại ở cùng một dạ con mà ra. Nếu mã di truyền của cô không bị một trục trặc gì đó thì Lisbeth cũng đã có thể đẹp rạng rỡ như em gái. Và chắc cũng khùng khùng điên điên.
Khi hai chị em còn bé, Camilla đã dễ hòa nhập, được biết đến nhiều và học giỏi ở trường, trong khi Lisbeth thì ít năng khiếu, co lại, hiếm khi trả lời thầy cô hỏi. Kết quả học của Camilla rất tốt, Lisbeth thì không. Ngay ở trường tiểu học Camilla đã tự ý xa cách chị đến mức hai chị em tới trường riêng rẽ. Thầy cô và bạn bè để ý thấy hai cô gái không hề dính dáng đến nhau trong bất cứ việc gì, không ngồi gần bên nhau bao giờ. Từ khi lên tám, hai người đã học cùng cấp nhưng khác lớp. Khi hai chị em mười hai tuổi và xảy chuyện “Tất cả Xấu xa”, hai chị em đã bị đưa đến hai gia đình nhận nuôi khác nhau. Từ sinh nhật thứ mười bảy, hai chị em không còn nhìn nhau và cuộc gặp gỡ bữa đó đã chấm hết với mắt Lisbeth tím bầm và môi Camilla sưng vều. Lisbeth không biết hiện Camilla sống ở đâu và cũng không có ý tìm ra.
Trong mắt Lisbeth, Camilla không thật thà, hư đốn, thích mồi chài. Nhưng Lisbeth Salander lại bị xã hội tuyên bố là kém cỏi, không đủ trưởng thành. Cô kéo khóa áo jacket da lại rồi đi bộ trong mưa vào cổng chính. Cô dừng lại ở một chiếc ghế dài trong vườn rồi nhìn quanh. Mười tám tháng trước, tại chính chỗ này, cô đã gặp mẹ lần cuối cùng. Cô đã bất chợt tạt qua thăm mẹ khi đang trên đường lên mạn bắc giúp Blomkvist dò ra dấu vết của một tên giết người hàng loạt. Mẹ cô đã bồn chồn và có vẻ không nhận ra Lisbeth. Mẹ nắm chặt tay cô và mặt ngu nga ngu ngơ nhìn con gái. Salander đang gấp. Cô rút tay ra, ôm mẹ một cái rồi phóng xe máy đi.
Giám đốc nhà nuôi dưỡng, bà Agnes Mikaelsson ân cần chào đón cô và đi cùng cô đến nhà kho. Họ tìm thấy chiếc hộp bìa các tông. Salander nhấc nhấc thử. Chỉ hai, ba kílô, không nhiều xét theo cung cách là một tài sản thừa kế.
– Tôi vẫn nghĩ, một hôm nào đó cô sẽ đến. – Mikaelsson nói.
– Tôi ra nước ngoài ạ. – Salander nói.
Cô cảm ơn bà đã cất giữ cái hộp, mang nó ra xe hơi rồi lái đi.
Ngay sau đó Salander về Mosebacke. Cô để nguyên cái hộp các tông của mẹ ở trong sảnh rồi lại đi.
Khi cô mở cửa trước, một xe cảnh sát từ từ lăn qua. Salander thận trọng quan sát việc những người chức trách có mặt ở bên ngoài nhà mình nhưng khi họ không tỏ ra dấu hiệu chú ý đến cô thì cô cũng gạt họ ra khỏi đầu.
Cô đến sắm đồ ở hai hiệu quần áo H&M và KappAhl, mua một tủ đựng quần áo mới. Cô nhặt một lô lớn các quần áo cơ bản như: quần dài, jean, áo lót, bít tất. Cô không chú ý đến các quần áo hàng hiệu đắt tiền nhưng thú vị là có thể không suy nghĩ mua liền ngay một nhát nửa tá jean. Lần mua sắm ngông cuồng nhất của cô là ở Twilfit, ở đó cô đã mua một ngăn kéo quần lót chẽn gối và áo nịt ngực. Đó cũng là loại quần áo thường mặc, nhưng sau nửa giờ bối rối tìm kiếm cô cũng đã đậu vào một bộ cô cho là hấp dẫn, thậm chí khêu gợi nữa, thứ trước đó cô không bao giờ nghĩ sẽ mua. Đêm hôm ấy mặc thử chúng vào, cô thấy mình dấm dớ không thể ngờ. Thứ cô nhìn thấy ở trong gương là một cô gái gầy gò, xăm mình ở trong một bộ quần áo lót nhố nhăng. Cô cởi nó ra ném ráo cả vào thùng rác.
Cô cũng mua vài đôi giầy mùa rét, hai đôi giầy nhẹ đi trong nhà. Rồi cô mua một đôi bốt đen gót cao nó khiến cho cô cao lên được vài phân. Cô cũng tìm thấy một jacket mùa đông nom hay hay bằng da Thụy Điển màu nâu.
Cô pha cà phê và làm một bánh sandwich rồi lái chiếc xe thuê trả nó về lại ga ra ở gần Ringen. Cô đi bộ về nhà, ngồi trên chiếc ghế cửa sổ hết cả buổi tối trong bóng đêm, nhìn nước ở Saltsjon.
Mia Johnsson cắt bánh gatô pho mát, trang trí cho mỗi miếng bánh một xêu kem mâm xôi Cô mời Berger và Blomkvist trước rồi lấy cho Svensson và mình sau. Kiên quyết cưỡng lại món tráng miệng, Eriksson bằng lòng với cà phê đen đựng trong một tách sứ cổ, vẽ hoa.
– Đây là bộ đồ sứ của bà tôi. – Mia nói khi thấy Eriksson ngắm chiếc tách.
– Mia sợ có một chiếc nào bị vỡ, sợ tưởng chết đi được. – Svensson nói. – Cô ấy chỉ đem ra khi nào chúng tôi có khách thật sự quan trọng.
Johansson mỉm cười.
– Lúc bé tôi sống mấy năm với bà, và bộ đồ sứ là gần như tất cả những gì bà để lại cho tôi.
– Trông đẹp thật. – Eriksson nói. – Bếp của tôi trăm phần trăm là đồ của Ikea.
Blomkvist chả màng chút nào tới các tách cà phê hoa mà đặt con mắt tán thưởng vào đĩa bánh ngọt. Anh thầm nghĩ sẽ nới thắt lưng ra một nấc. Berger xem vẻ chia sẻ cùng anh cảm tưởng này.
– Lạy Chúa lòng lành, lẽ ra tôi cũng nên nói không với tráng miệng đây. – Chị nói, thiểu não liếc Eriksson rồi nắm chặt lấy chiếc thìa đưa nó lên.
Bữa này được nói là một bữa tối vừa ăn vừa làm việc, một phần để củng cố sự hợp tác mà họ đã nhất trí, một phần để thảo luận tiếp các kế hoạch cho số báo có chủ đề. Svensson đã gợi ý họp ở nhà anh để xài với nhau một chuyến và Johansson đã đãi món thịt gà chua ngọt ngon nhất mà Blomkvist từng thưởng thức. Trong bữa ăn họ đã uống hai chai vang đỏ Tây Ban Nha nặng, rồi Svensson lại hỏi có ai muốn một ly Tullamore Dew uống với món tráng miệng nữa không. Chỉ mình Berger đủ rồ để mà từ chối và Svensson đem li cốc ra.
Đây là căn hộ một phòng ngủ ở Enskede. Hai người đã có cảm tình với nhau trong ít năm nhưng năm ngoái thì liều mạng dọn đến sống chung.
Họ tụ tập vào khoảng 6 giờ chiều, và nay 8 rưỡi đã xong tráng miệng nhưng vẫn chưa ai đụng đến cái lý do mà người ta mượn cho bữa tối này. Nhưng Blomkvist phát hiện thấy anh thích hai vị chủ nhà và thú vị được có họ ở bên.
Cuối cùng Berger đã lái câu chuyện vào chủ điểm mà bọn họ đến đây để bàn. Johansson đưa ra một bản in luận án của chị, đặt nó xuống bàn trước mặt Berger. Nó có một đầu đề châm biếm khiến phải ngạc nhiên – Yêu thương từ nước Nga – dĩ nhiên là một thái độ trân trọng gửi tới quyển tiểu thuyết kinh điển của Ian Fleming 1.
Đầu đề nhỏ là Buôn lậu, Tội ác có tổ chức và Ứng phó của xã hội.
– Các bạn cần nhận thấy giữa luận án của tôi và quyển sách mà Dag đang viết có chỗ khác nhau. – Chị nói. – Quyển sách của Dag là một bút chiến nhằm vào những người đang kiếm tiền bằng buôn lậu. Luận án của tôi là các thống kê, các nghiên cứu điền dã, các văn bản pháp luật và một nghiên cứu về cách đối xử của xã hội và tòa án với các nạn nhân.
– Chị muốn nói là các cô gái.
– Các cô gái thường từ mười lăm đến hai mươi tuổi, tầng lớp lao động, ít học hành. Đời sống gia đình của họ thường không ổn, trong đám họ nhiều người ngay từ bé đã bị một số hình thức lạm dụng nào đó. Một lý do họ đến Thụy Điển là vị họ đã bị nhồi nhét một lô những lời dối trá.
– Của bọn buôn bán tính dục?
– Theo nghĩa này thì có một nét nào đó giống như khía cạnh về giới tính trong luận án của tôi. Một người nghiên cứu thường thường không thể căn cứ vào giới tính nam nữ mà dựng ra các vai trò rõ rệt. Con gái – nạn nhân; con trai – kẻ tổ chức. Trừ một dúm phụ nữ tự làm lấy và kiếm lời bằng buôn bán tính dục ra thì không có một hình thức tội phạm nào khác mà trong đó vai trò của giới tính tự nó lại là điều kiện tiên quyết đối với tội ác. Cũng không có bất cứ hình thức tội phạm nào khác mà lại được xã hội chấp nhận lớn đến thế, hay xã hội lại đã làm quá ít như thế để phòng ngừa.
– Mà Thụy Điển đã ban ra những luật cứng rắn chống lại buôn bán ma túy và buôn bán tính dục rồi đấy nha. – Berger nói. – Có phải là trường hợp này không?
– Đừng pha trò cho tôi cười đi. Hàng năm mấy trăm cô gái – dĩ nhiên chưa có thống kê nào công bố – vẫn được đưa đến Thụy Điển để làm điếm, như thế có nghĩa là thân xác họ đã sẵn sàng để được đem ra dùng vào việc cưỡng dâm có hệ thống. Sau khi luật chống buôn bán ma tuý có hiệu lực, điều tôi vừa nói trên kia đã được tòa án xác chứng vài lần. Lần thứ nhất là vào tháng Tư 2003, vụ án xử mẹ chủ nhà thổ điên rồ từng mở kinh doanh trao đổi tính dục. Nhưng mụ trắng án, dĩ nhiên.
– Tôi nghĩ là mụ có bị kết án đấy chứ.
– Vì mở nhà thổ thì đúng. Nhưng trắng án về tội buôn người vấn đề là các cô gái vừa là nạn nhân cũng lại vừa là nhân chứng chống lại mụ, nhưng sau khi về lại Baltic họ đều đã biệt tăm hết. Cảnh sát quốc tế Interpol cố dò ra tung tích họ, nhưng tìm kiếm nhiều tháng rồi người ta quyết định là sẽ không thể nào tìm ra họ.
– Họ nay ra sao?
– Chả thế nào. Tiết mục tivi Người trong cuộc đã mò theo và mò tới tận Tallinn. Mất đúng một buổi chiều, các phóng viên đã tìm thấy hai trong đám các cô gái đó hiện sống với bố mẹ. Cô thứ ba đã đến Ý ở.
– Nói cách khác thì cảnh sát Tallinn không có hiệu quả lắm.
– Nhưng từ đó trong mọi trường hợp, chúng tôi thật sự tin chắc hai điều, họ đều là những người bị bắt vì không tội này thì tội nọ hoặc là quá ngu đến độ không thể tránh khỏi bị bắt. Pháp luật thuần túy là cây kiểng thôi. Người ta không tăng cường nó. Và. – Svensson nói. – Vấn đề ở đây là tội bị nặng thêm vì có cưỡng dâm, thường lại kết hợp với lạm dụng, lạm dụng có tình tiết gia trọng cũng như đe dọa giết, và trong vài vụ lại có cả giam cầm phi pháp nữa. Với nhiều cô gái, cuộc sống hàng ngày là như thế đấy; người ta cho họ trang điểm lòe loẹt, mặc váy cũn cỡn rồi đem đến một số biệt thự tại ngoại ô. Một cô gái đã lâm vào cảnh này thì không còn được lựa chọn, vấn đề là như vậy. Hoặc bị đuổi ra rồi ngủ ngáy với các lão già bẩn thỉu hoặc có nguy cơ bị bọn dẫn gái lạm dụng và hành hạ. Các cô không chạy trốn được – không biết tiếng, không hiểu pháp luật và không biết quay vào ngả nào. Các cô không thể về nhà vì hộ chiếu đã bị giữ mất, còn nếu ở nhà thổ của má mì thì bị nhốt trong một căn hộ.
– Nghe như trại nô lệ tính dục vậy. Các cô gái có làm được ra tí tiền nào không?
– À có chứ. – Johansson nói. – Thường thường họ làm việc vài tháng rồi được phép về nhà. Người ta cho họ từ 20.000 đến 30.000 curon, vậy đổi sang tiền Nga thì cũng không phải là một món nhỏ. Bất hạnh là họ hay nhiễm phải thói nghiện rượu hay ma túy, rồi một lối sống xa hoa phóng túng, đồng tiền đội nón ra đi rất nhanh. Điều này giúp cho hệ thống tự nó duy trì được nó vì sau một thời gian họ lại đều sẽ quay trở về cả: nói rõ ra là họ tự nguyện quay lại với những kẻ hành hạ họ.
– Chuyện làm ăn này mỗi năm đem lại được bao nhiêu tiền? – Blomkvist nói.
Mia liếc Svensson rồi nghĩ một lát mới trả lời.
– Rất khó trả lời chính xác. Chúng tôi đã tính đi tính lại nhưng tất nhiên phần lớn các con số của chúng tôi là ước lượng.
– Cứ cho chúng tôi vài nét lớn đi.
– OK, thí dụ chúng tôi biết rằng má mì, cái người bị kết tội cung cấp gái nhưng lại trắng án về buôn bán ma túy, trong vòng hai năm đã mang ba mươi lăm cô gái từ Đông Âu sang. Tất cả bọn họ đã ở đây từ vài tuần đến vài tháng để làm bất cứ việc gì. Trong khi tòa xét xử, nổi lên một điều là trong hai năm ấy họ đã thu về hai triệu curon. Tôi tính thì một cô gái có thể mang về mỗi tháng đại để 60.000 curon. Về cán cân thu chi thì cứ cho 15.000 là tiền chi phí – đi lại, quần áo, ăn ở v.v… Chả phải là cuộc sống sang trọng gì; họ có thể phải đàn đúm lêu lổng với một lũ các cô gái khác ở trong một căn hộ do băng nhóm cấp. Trong khoản thu chung 45.000 curon, băng đảng lấy từ 20.000 đến 30.000. Trùm băng đảng nhét vào riêng túi nó đại để 15.000 và chỗ còn lại thì chia cho các nhân viên chúng thuê mướn – lái xe, những thằng cha vai u thịt bắp, vân vân… Lương của cô gái là 12.000 đến 15.000 curon.
– Và là đổ đồng hàng tháng?
– Giả định một băng có hai hay ba cô gái làm việc cật lực thì mỗi tháng chúng lấy về khoảng 150.000 curon. Mỗi băng có hai hay ba người và chúng sống nhờ vào đó. Tài chính về cưỡng dâm đại khái như thế.
– Và chúng ta đang nói đến bao nhiêu cô gái ấy… theo như anh suy ra?
– Bất cứ lúc nào cũng có khoảng một trăm cô gái hoạt động tích cực, bằng cách nào đó các cô đã trở thành nạn nhân của đường dây buôn người. Như vậy có nghĩa là tổng thu nhập hàng tháng ở Thụy Điển sẽ vào khoảng sáu triệu curon, khoảng bảy chục triệu mỗi năm. Và nạn nhân của các vụ buôn người này chỉ là các cô gái mà thôi.
– Nghe như tiền lẻ còm ấy.
– Là tiền lẻ còm thật. Nhưng hãy gộp khoảng một trăm cô gái bị cưỡng dâm vào các món tiền tương đối khiêm tốn này xem. Tôi điên lên được vì chuyện này.
– Nghe đã ra là một nhà nghiên cứu khách quan rồi đây! Nhưng bao nhiêu đứa đểu giả sống bám vào các cô gái này?
– Tôi tính cỡ ba trăm.
– Nghe không có vẻ là vấn đề bất khả giải. – Berger nói.
– Chúng ta thông qua pháp luật, thông tin đại chúng có làm nhặng lên, nhưng ít ai đã thật sự chuyện trò với một trong những cô gái đến từ phía đông này hay là hiểu họ sống ra sao.
– Nó hoạt động thế nào? Tôi muốn nói đến thực tiễn của vấn đề. Đưa một cô gái mười sáu tuổi từ Tallinn đến tận đây mà không bị ai nhận thấy thì chắc cũng khá là khó khăn đây. Khi các cô gái đến rồi thì băng nhóm hoạt động ra sao? – Blomkvist hỏi.
– Khi bắt đầu nghiên cứu chuyện này, tôi nghĩ chúng ta đang đụng đến một tổ chức theo kiểu mafia nhà nghề nên có thể làm cho các cô gái biến qua biên giới mà không ai hay.
– Nhưng không phải thế. – Eriksson nói.
– Làm ăn này là có tổ chức nhưng tôi đã đi đến kết luận rằng chúng ta mới đang đụng tới nhiều băng nhóm nhỏ tổ chức lèm nhèm. Hãy quên các bộ complê hàng hiệu Armani và xe hơi thể thao đi – đám này là 50 phần trăm người Nga hay người Baltic và 50 phần trăm người Thụy Điển. Tựa như là một nét điển hình, kẻ đứng đầu băng nhóm thường bốn mươi tuổi, rất ít học hành và có vấn đề suốt cả đời. Nhìn phụ nữ thuần túy theo quan điểm thời đồ đá. Trong băng nhóm có một tôn ti thứ hạng, bọn đàn em thường sợ hắn. Hắn hung bạo, thường hống hách và kẻ nào chệch ra khỏi khuôn phép là hắn đánh cho vọt cả phân ra.
Ba hôm sau vào 9 rưỡi sáng, đồ nội thất Ikea mà Salander mua được đem đến nhà. Hai người cực kỳ khỏe bắt tay Irene Nesser, cô này nói với chất giọng Na Uy sôi nổi. Họ lập tức vào việc, chuyển các thùng lên nhà bằng thang máy bé rồi lắp ghép bàn ghế, tủ con và giường ngay trong ngày hôm ấy. Irene Nesser xuống chợ Sodenhallama mua các món ăn nhanh của Hy Lạp cho họ ăn trưa.
Giữa chiều người của công ty Ikea đi. Salander bỏ bộ tóc giả ra, đi loanh quanh trong nhà, nghĩ trong căn nhà mới này mình sẽ thích sống như thế nào đây. Bàn bếp nom lịch sự đến mức khó tin là của thật. Phòng cạnh bếp, cửa thông sang cả với gian sảnh và bếp, là phòng khách mới của cô với chiếc sofa hiện đại và các ghế bành bày quanh bàn cà phê ở gần cửa sổ. Cô khoái gian phòng ngủ, cố tình ngồi lên khung giường để xem thử tấm đệm.
Cô ngồi vào bàn giấy trong văn phòng, ngắm cảnh quan Saltsjon. Đúng, bày thế này hay đấy. Ta có thể làm việc ở đây.
Nhưng sẽ làm việc gì thì cô không biết.
Salander bỏ cả tối ra tháo dỡ đồ đạc và xếp dọn các thứ của nả. Cô dọn giường, xếp vải vóc, khăn mặt, khăn tắm, khăn giường cùng áo gối vào tủ đựng các thứ đồ. Cô mở các túi quần áo mới, treo chúng vào tủ quần áo. Bất chấp tất cả các thứ đã mua, cô chỉ dùng có một phần không gian của cái tủ. Cô để các cây đèn vào chỗ và xếp đặt nồi chảo, các đồ sành sứ và dao kéo vào trong tủ bếp và ngăn kéo bếp.
Cô nhìn có ý chê bai các bức tường trống không, nhận thấy sẽ phải tìm ra vài tấm ảnh hay tranh vẽ. Hay thảm. Lọ hoa cũng là một ý hay.
Rồi cô mở các thùng các tông ở Lundagatan, bày sách lên giá còn tạp chí, bài báo cắt dán, các giấy tờ nghiên cứu cũ mà chắc cô sẽ không còn lục bới đến nữa thì vào các ngăn kéo trong văn phòng. Không một chút luyến tiếc, cô hê mớ áo phông cũ và bít tất ngắn cổ bị thủng vào trong đám đó. Thình lình cô tìm thấy một dương vật giả vẫn còn nguyên si trong hộp. Cô cười ngượng nghịu. Đó là một trong các món quà quái đản nhất Mimmi tặng cô nhân sinh nhật. Cô đã quên hoàn toàn là có nó và cũng chả hề bao giờ thử đến. Cô quyết định là sẽ sửa khiếm khuyết này rồi đặt cái dương vật lên bàn đầu giường.
Rồi cô nghiêm túc nghĩ. Mimmi. Cô cảm thấy bị cắn rứt vì có lỗi. Cô đã chơi khá đều đặn với Mimmi trong một năm sau rồi vì Blomkvist mà bỏ bạn, không một lời giải thích. Cô không nói lời từ biệt hay bảo Mimmi rằng cô đang định ra nước ngoài. Cô cũng chẳng chào từ biệt Armansky hay bảo đám con gái ở Những Ngón tay Ma quỷ một lời nào sất. Chúng chắc nghĩ cô đã chết hoặc đơn giản là chúng đã quên cô – cô không là nhân vật trung tâm trong nhóm.
Lúc ấy cô nhận ra cũng không cả chào từ biệt George Bland ở Grenada nữa và cô nghĩ thầm liệu cậu ta có lang thang trên bãi biển tìm cô không. Cô nhớ điều Blomkvist đã bảo cô về tình bạn rằng tình bạn là dựa trên tôn trọng và tin cậy. Ta cứ phung phí bạn bè ta. Cô nghĩ Mimmi liệu có còn ở quanh đâu đây không, liệu cô có nên thử tìm cách liên hệ với Mimmi không.
Cô bỏ phần lớn buổi tối và một phần không nhỏ ban đêm vào việc sắp xếp giấy tờ trong văn phòng, kê máy tính, lướt mạng. Cô kiểm tra nhanh các đầu tư của mình và thấy mình đã có khá hơn so với năm ngoái.
Cô làm một kiểm tra thường lệ máy tính của Bjurman nhưng không tìm thấy trong thư tín của hắn điều gì khiến cô nghĩ hắn đang giẫm phải vạch. Hắn có vẻ đã cho hạ thấp các hoạt động chuyên môn và riêng tư xuống một trạng thái nửa thực vật. Hắn ít dùng thư điện tử, khi lướt Internet hắn chủ yếu đến các địa chỉ khiêu dâm.
Đến mãi 2 giờ sáng cô mới tắt máy. Cô vào phòng ngủ cởi quần áo, lăng áo quần lên ghế. Cô nhìn mình hồi lâu trong gương buồng tắm, xem xét bộ mặt góc cạnh, không đều, cặp vú mới của mình. Và hình xăm trên lưng cô – đẹp, một con rồng đỏ, xanh, đen uốn khúc. Trong thời gian đi du lịch cô để tóc dài chấm vai nhưng cuối thời gian ở Grenada cô đã cho nó một nhát kéo. Nay nó vẫn lởm chởm chòi ra tứ phía.
Cô cảm thấy một thay đổi cơ bản nào đó đã diễn ra hay đang diễn ra ở trong cô. Có thể đó là do nay cô có hàng tỉ curon và chẳng hề phải nghĩ ngợi khi chi tiêu. Có thể đó là thế giới trưởng thành đang muộn màng dấn bước vào đời cô. Có thể đó là qua việc mẹ chết cô nhận thấy rằng tuổi thơ của cô đã đi tới hồi kết.
Trong lần mổ ngực ở bệnh viện tại Genoa, cô đã cho tháo một cái khoen ở núm vú đi. Rồi cho đi nốt một khoen khác ở môi dưới, còn ở Grenada thì đã lấy đi cái khoen khỏi môi trái âm hộ cô – nó bị cọ xát trầy lên và cô không tài nào hiểu nổi sao hồi ấy cô lại tự nguyện cho xâu khoen trước tiên vào chỗ đó.
Cô ngáp rồi mở ốc tháo một cái khuyên xuyên qua lưỡi đã bảy năm nay. Cô để nó vào một cái bát trên giá gần chậu rửa mặt. Cô thấy miệng mình như rỗng tuếch. Ngoài hai hoa tai, cô nay chỉ còn lại có hai chỗ xâu lỗ: một khoen ở lông mày bên trái và một viên đá ở rốn.
Cuối cùng cô trườn vào dưới lớp chăn lông chim mới. Cái giường cô mua là cho người khổng lồ; cô có cảm tưởng mình đang nằm ở rìa một sân bóng đá. Cô kéo chăn lông chim lên rồi nghĩ một hồi lâu.
——————————–
1 Ian Fleming (1908 – 1964): nhà văn Anh chuyên viết tiểu thuyết trinh thám, còn là một gián điệp nổi tiếng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.