CUỘC GỌI TỪ THIÊN THẦN
Phần ba: Vì nhau – Thứ người chết để lại cho người sống
“Thứ người chết để lại cho người sống (…), đó hẳn là một nỗi buồn khôn nguôi, nhưng đồng thời là bổn phận sống tăng thêm, bổn phận hoàn thành phần đời mà nhìn bề ngoài thì người chết phải chia lìa, nhưng thật chất vẫn còn nguyên vẹn.”
– Francois CHENG
Manchester
Sở Cảnh sát Cheatam Bridge 4 giờ sáng
Trong cảnh tranh tối tranh sáng của phòng làm việc Jim Flaherty tăng công suất hệ thống sưởi phụ, nhưng chiếc máy được Bộ cấp miễn phí ấy vừa hồn lìa khỏi xác và giờ chỉ còn khạc ra toàn khí lạnh. Mặc xác, anh chỉ phải cần khăn và mặc nguyên chiếc áo vest dày sụ là xong. Vào ngày liền trước đêm Giáng sinh này, sở cảnh sát hầu như vắng hoe. Bên phía các phòng hỏi cung, màn đêm thật tĩnh lặng: cái lạnh làm tê liệt vùng Đông Bắc nước Anh ít ra cũng làm nên công trạng là trì hoãn các hoạt động tội phạm. Một tiếng chuông cao vút báo hiệu vừa nhận mail. Jim ngẩng đầu nhìn lên màn hình và mắt anh sáng rỡ. Đó là bức thư mà anh đang đợi: bản báo cáo của chuyên gia giám định chữ viết, người đã nhận từ anh bản photo tờ khăn giấy do Jonathan Lempereur trao lại. Hôm trước, điền xong tờ khai chính thức rồi nhưng anh vẫn chứng kiến yêu cầu của mình bị bác bỏ với lý do vụ Dixon đã khép lại và Bộ không còn cả thời gian lẫn tiền bạc dành cho vụ đó nữa. Vậy nên anh đã chọn đi đường vòng và nhờ cậy một trong những cô giáo cũ dạy ở trường cảnh sát: Mary Lodge, cựu trưởng phòng giám định “So sánh chữ viết tay” của Sở Cảnh sát Luân Đôn. Hiện tại bà đang làm việc với tư cách cố vấn với mức thù lao cao ngất ngưởng, nhưng vẫn đồng ý giúp anh không công.
Jim đọc đi đọc lại bức mail với tâm trạng bồn chồn. Các kết luận của bản báo cáo khá lập lờ nước đôi. Những dòng chữ trên tờ khăn giấy có thể do chính tay Alice viết ra nhưng nét chữ vẫn thường thay đổi và tiến hóa khi con người ta lớn lên: nét chữ mới “trưởng thành” hơn nét chữ lấy mẫu từ cuốn nhật ký, khiến cho việc nhận dạng chắc chắn trở nên khó khăn hơn.
Jim thở dài.
Mấy vị chuyên gia giám định này không bao giờ muốn mạo hiểm chuyện gì… Một tiếng động. Ai đó đẩy cánh cửa để vào văn phòng mà không buồn gõ cửa.
Flaherty ngẩng nhìn lên, nheo mắt rồi nhận ra người đồng nghiệp tên Trevor Conrad.
– Trong này lạnh muốn chết! Anh chàng cảnh sát trẻ tuổi nhận xét rồi kéo khóa áo khoác lên kín cổ.
– Cậu xong việc rồi à? Jim hỏi.
– Tôi báo trước, đây là lần cuối cùng anh bắt tôi tất tả cả đêm vì một hồ sơ đã đóng lại từ nhiều tháng nay đấy nhé. Việc lấy dấu vân tay này đâu phải chuyện dễ xơi, tin tôi đi…, cậu ta vừa nói vừa trả anh chiếc túi nhựa trong chứ vật chứng, tờ khăn giấy dây đầy vết sô cô la.
– Cậu đã tìm ra thứ gì đó có khả năng khai thác thêm chứ?
– Dù thế nào thì tôi cũng đã làm việc như một gã khùng vậy. Tôi đã nhúng tờ khăn giấy của anh vào hợp chất DFO. Đúng là tôi đã thu thập được vài dấu vết nhưng chúng đều chỉ là những mạch nhỏ, rời rạc.
Cậu ta đưa cho anh một ổ USB và không quên cảnh báo:
– Tôi đã copy cho anh mọi dữ liệu, nhưng vẫn còn hỗn độn lắm: anh đừng mong tìm thấy một mẫu vân tay đầy đủ.
– Cảm ơn nhé Trevor.
– Được rồi, tôi chuồn đây. Vì mấy trò ngu ngốc này của anh, Connie sẽ lại nghĩ tôi có bồ cho mà xem, viên thanh tra trẻ tuổi cáu kỉnh nói rồi rời khỏi văn phòng.
Còn lại một mình, Jim cắm ổ USB vào cổng kết nối của máy tính, Trevor đã lọc ra khoảng chục mẫu trong đó vài ba mẫu có vẻ dùng được, Jim cóp sang màn hình chính của máy tính. Anh phóng to các bản âm rồi ngồi đó hồi lâu, mê mẩn chiêm ngưỡng mớ chằng chịt những đường cong, những vòng lượn, những đường nối và những đường khía lan khắp phần da trên các ngón tay người để đem lại cho mỗi người trong chúng ta một nét đặc trưng.
Anh kết nỗi với kho dữ liệu vân tay tự động hóa trong tâm trạng lo âu. Anh biết chuyện này là được ăn cả ngã về không, nhưng trong buổi đêm hiu quạnh và rét mướt này, anh vẫn muốn tin vào ngôi sao may mắn của mình. Anh cho chạy chương trình so sánh ba mẫu dạng với hàng trăm nghìn nội dung lưu trữ trong cơ sở dữ liệu. Thuật toán bắt đầu quét với tốc độ chóng mặt. Trong lĩnh vực này, luật pháp Anh là một trong những nơi đặt ra yêu cầu cao nhất thế giới: buộc phải đồng thời xuất hiện mười sáu điểm trùng khớp mới có thể chính thức công nhận hai dấu vân tay là đồng nhất.
Bỗng nhiên, màn hình dừng lại ở gương mặt buồn bã của Alice Dixon.
Jim bỗng rùng mình: dấu vân tay trên tờ khăn giấy đúng là của cô bé mất tích ngày nào.
Gã Jonatha Lempereur này đã không bịa chuyện với anh. Thời điểm tháng Mười hai 2009, sáu tháng sau khi bị người ta moi mất quả tim, Alice vẫn còn sống!
Anh cảm thấy đôi tay run lên và những việc cần làm ngay chen lấn trong đầu anh. Anh sẽ cho mở lại cuộc điều tra. Anh sẽ báo cho cấp trên, cho truyền thông, cho Madeline biết. Lần này, họ sẽ tìm ra cô bé. Không nên lãng phí giây phút nào, anh…
Âm thanh khô sắc và trầm đục của một phát súng phá tan màn đêm tĩnh lặng. Được bắn từ cự li gần, viên đạn đã ngay lập tức cướp đi mạng sống của Jim.
°
Bóng đen đã lẻn vào qua cửa sổ.
Mặc bộ áo liền quần màu đen, tên giết người thuê đang theo đuổi một nhiệm vụ. Hắn đặt khẩu súng ngắn tự động vào tay Jim để dàn dựng một vụ tự sát, rồi theo như yêu cầu của bên trả tiền, hắn lấy lại túi nhựa đựng tờ khăn giấy cùng ổ USB. Hắn kết nối một ổ cứng nhỏ với máy tính của viên cảnh sát quá cố rồi truyền vào đó virus “Tchernobyl 2012” : một thứ bẩn thỉu với sức công phá mạnh mẽ sẽ xâm nhập tất cả các chương trình chứa trong máy tính, xóa hết nội dung ổ cứng trong khoảng thời gian ngắn kỉ lục và ngăn không cho máy khởi động lại.
Thao tác hoàn thành trong chưa đầy ba mươi giây. Giờ thì hắn phải chuồn thôi. Sở cảnh sát có vắng đến ba phần tư số nhân viên thì cũng chẳng thay đổi được gì, không sớm thì muộn ai đó cũng sẽ bước vào căn phòng này. Bộ giảm thanh trang bị cho khẩu Beretta cũng tương đối công hiệu. Nó giảm bớt âm lượng tiếng nổ nhưng không đến mức thành một tiếng suỵt ngắn gọn như thường nghe thấy trong phim.
Bóng đen mau chóng thu dọn đồ nghề. Đúng lúc chuẩn bị chuồn ra theo lối cửa sổ, hắn nghe thấy điện thoại di động của Jim rung lên trên bàn làm việc. Hắn không khỏi liếc nhanh chiếc smartphone: một cái tên xuất hiện trên màn hình:
MADELINE
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.