Đam Mê Bí Quyết Tạo Thành Công
CHUẨN BỊ BÀI THUYẾT TRÌNH “TÔI CẦN CƠ HỘI”
Sau khi đã nắm được những thách thức mà công ty đang đối mặt, bạn hãy tiếp thị bản thân với tư cách là người mang đến giải pháp tối ưu cho những vấn đề mà họ đang gặp phải. Bạn đến buổi phóng vấn không chỉ để tìm việc làm mà còn để trình bày rằng bạn đang cần một Cơ Hội.
Bạn phải thể hiện để nhà tuyển dụng thấy mình nắm rõ yêu cầu của công ty, đồng thời trình bày giải pháp bạn sẽ thực hiện để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của công ty. Bạn nên cho họ thấy mình nắm vững tình hình của công ty hơn cả những nhân viên chính thức mà họ đã tuyển dụng. Tiếp đó, bạn giải thích về những lợi ích mình sẽ mang đến cho công ty. Hãy làm cho họ tin rằng nếu có sự đóng góp của bạn, tình hình công ty sẽ thay đổi tích cực ra sao. Bạn cũng nên đề nghị một khoảng thời gian thử việc, thậm chí không nhận tiền công nếu bạn thấy đó là điều cần thiết, cho đến khi họ tin chắc rằng bạn là giải pháp mà họ thật sự đang tìm kiếm.
Trong buổi phỏng vấn này, họ sẽ phần nào đánh giá được năng lực của bạn. Họ sẽ nhận ra rằng bạn mang phong cách của một nhà lãnh đạo, bởi bạn chủ động tạo ra những ấn tượng tốt đẹp, và hơn thế, bạn không chờ đợi chỉ thị từ người khác vì bạn đã biết rõ việc cần làm.
Chuyện tìm việc của con gái người bạn tôi là một ví dụ. Cô ấy đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếp thị và rất mong muốn được làm việc cho một công ty có tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân. Nhưng vào thời điểm ấy, không có công ty nào cần tuyển người cho vị trí này.
Thay vì đi xin việc, cô ấy tạo ra công việc cho mình. Trong quá trình tìm hiểu về nơi muốn xin việc, cô ấy đã phát hiện ra công ty thường xuyên gặp rắc rối với vấn đề thiếu hàng dự trữ. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đến mối quan hệ với khách hàng. Bằng cách trao đổi với những người bán lẻ, cô ấy đã nắm được thông tin này.
Từ đây, cô ấy đã làm bài thuyết trình Tôi Cần Cơ Hội và xin 20 phút để trình bày về vấn đề này. Cô ấy đã thể hiện sự am tường của mình về rắc rối mà công ty thường gặp phải. Cô ấy cảnh báo về chi phí mà họ phải mất cho việc thiếu hàng dự trữ. Sau đó, cô ấy đề nghị họ tuyển dụng mình vào vị trí người chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của kho hàng bán lẻ, và nhiệm vụ của cô ấy là dự báo khả năng thiếu hụt cũng như chăm lo quy trình đặt hàng. Bài thuyết trình 20 phút đã giúp cô ấy giành được công việc mà bản thân hằng mong muốn.
Sau đây là đề cương sơ lược bài thuyết trình Tôi Cần Cơ Hội của cô ấy:
Những tổn thất do việc thiếu hàng dự trữ gây ra:
Do thiếu hàng dự trữ, công ty sẽ mất 1,55 đô-la/ khách hàng.
Hơn 9% khách hàng sẽ không quay trở lại.
Dự báo chính xác và đặt hàng kịp thời có thể giải quyết 80% vấn đề.
Food Network giảm tình trạng thiếu hàng từ 14,7% xuống còn 3,9% trong vòng 4 tháng, họ đã tăng doanh thu lên 437.000 đô-la.
Pill Inc giảm từ 12% xuống còn 3% trong vòng 6 tháng.
Cách tôi cải thiện khả năng dự báo/hệ thống đặt hàng.
Sử dụng phương pháp dự báo cuốn chiếu thay cho việc dự báo theo năm.
Không chỉ dự báo các chủng loại hàng, mà theo từng mã hàng.
Mục tiêu của bài thuyết trình Tôi Cần Cơ Hội là để mở đầu một cuộc đối thoại. Khi ấy, bạn không còn là một ứng viên tìm kiếm công việc làm, mà chính là giải pháp tiềm năng cho vấn đề quan trọng. Nhiệm vụ của bạn là hãy duy trì cuộc đối thoại. Sau buổi phỏng vấn, bạn nên viết thư cám ơn và đính kèm một bài viết hay một trang web để nhà tuyển dụng tham khảo. Bạn cũng có thể mời người quản lý tương lai vào blog của mình. Hãy để họ trở thành thành viên trong “ngôi làng trên mạng” của bạn.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý: Bạn cần thực hiện tất cả những điều này thật nghiêm túc. Bạn không nên phóng đại mọi việc để gây ấn tượng, và cũng đừng nhồi nhét những thông tin không cần thiết trong CV. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào yêu cầu của họ và những điều bạn thật sự có thể làm để đáp ứng yêu cầu ấy. Nếu bạn tiếp cận nhà tuyển dụng theo cách chấp nhận khó khăn để tìm hiểu rõ sự việc, bạn sẽ nhanh chóng “hạ gục” họ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: Nếu bạn bước vào văn phòng và ngang nhiên phơi bày những khó khăn của họ, rồi tự cho mình là giải pháp mà họ đang tìm kiếm, thì khi ấy trong mắt họ bạn chẳng khác nào kẻ phá rối. Trong tình huống này, thái độ ứng xử của bạn rất quan trọng. Bạn muốn đến công ty họ với sự thiện chí hay với thái độ ngạo mạn? Bạn mong muốn tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp hay muốn gây hiềm khích? Tất cả tùy thuộc vào thái độ của bạn.
Chia sẻ từ Jennifer
Công ty mà tôi từng làm việc đã tuyển dụng một nhân viên ngay từ khi cậu ấy còn là sinh viên thực tập. Cậu ấy đã sử dụng toàn bộ khoảng thời gian thực tập của mình để giúp chúng tôi nhận ra những hạn chế trong việc giữ quan hệ với khách hàng cũng như những hoạt động thiếu hiệu quả của công ty, và ở vấn đề nào cậu cũng đưa ra những giải pháp khả thi. Ngay lập tức, cậu ấy được mời làm nhân viên chính thức của công ty chúng tôi trong khi vẫn chưa tốt nghiệp.
Khi nắm được tình hình của công ty, việc chúng ta nên làm là thể hiện sự quan tâm đến vấn đề của họ và đề nghị được giúp đỡ: “Trong quá trình tìm hiểu về công ty, tôi được biết về nhu cầu dự trữ các sản phẩm có giá trị cao. Để tăng lượng hàng dự trữ đó, cách tốt nhất là thay đổi một vài điểm trong việc dự báo và trong quy trình đặt hàng…”. Cách trình bày này toát lên sự thiện chí, chứ không phải bạn đang muốn chứng tỏ bản thân.
Sử dụng bài thuyết trình Tôi Cần Cơ Hội là phương thức hữu hiệu để có được công việc mà bạn mong muốn. Và nếu bạn muốn được thăng tiến trong công việc hiện tại, hãy áp dụng điều tương tự bằng cách chuẩn bị một bài thuyết trình Tôi Cần Cơ Hội và gửi đến người quản lý của mình. Ở cuối chương, bạn sẽ tìm ra công cụ hướng dẫn nhằm phát hiện mục tiêu của mình và chuẩn bị cho bài thuyết trình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.