Đam Mê Bí Quyết Tạo Thành Công

CHƯƠNG 1: BẠN SẼ CỐNG HIẾN NHỮNG GÌ? – NHẬN BIẾT THẾ MẠNH BẢN THÂN



Khái quát nội dung

Làm thế nào để nhận biết thế mạnh của bản thân để dồn hết tài năng và tâm huyết vào công việc?

Làm thế nào để tìm ra động lực trong công việc và trở thành người trụ cột trong tổ chức?

Làm sao để xác định lĩnh vực bạn muốn cống hiến và xác lập Bản mục tiêu phấn đấu?

Để xác định xem bản thân có thể cống hiến trong lĩnh vực nào, trước hết, bạn phải nhận biết thế mạnh của chính mình.

Sau đây là một số câu hỏi dành cho bạn:

Bạn có cảm thấy uể oải vào đầu giờ và cuối giờ làm việc?

Bạn có cảm thấy mình bị đánh giá thấp hoặc không được biết đến trong công việc?

Có phải tiền bảo hiểm và các phúc lợi khác là lý do chính khiến bạn duy trì công việc hiện tại?

Có phải lúc nào bạn cũng làm ra vẻ mình đang rất bận rộn?

Bạn có cho rằng những công việc quen thuộc phải hoàn thành hàng năm là nhàm chán?

Bạn có cảm thấy công việc của mình thật vô nghĩa?

Và câu hỏi quan trọng nhất: Khả năng của bạn có vượt trội so với yêu cầu công việc hiện tại?

Nếu bạn trả lời “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, trường hợp của bạn có thể được xem là một trong những vấn đề “nóng” trong thời đại hiện nay.

Ở đây chúng tôi đang đề cập đến vấn đề tiềm năng vô tận của con người đang bị bỏ phí và công việc hiện tại đã không tạo cơ hội để bạn phát huy khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Nhà tâm lý học nổi tiếng William James đã chỉ ra rằng: “Phần lớn chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của bản thân trong công việc. Mỗi cá nhân đều có đủ tài năng và phẩm chất để thực hiện những việc mà chúng ta không ngờ tới”. Đây có thể là thời điểm thoát ra khỏi cái khung giới hạn đó, thay vì để guồng công việc nhấn chìm bạn.

Mặt khác, khi những đề nghị tiếp tục bị từ chối, bạn có thể bị mất việc làm và cảm thấy mình không còn giá trị.

Phần lớn chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của bản thân trong công việc.

Mỗi cá nhân đều có đủ tài năng và phẩm chất để thực hiện những việc mà chúng ta không ngờ tới.

Trong chương này, chúng tôi sẽ giúp bạn nhận biết và phát huy thế mạnh của mình, để từ đó có những đóng góp mang dấu ấn riêng. Nếu biết cách phát huy tối đa thế mạnh của bản thân, bạn hoàn toàn có thể đạt được thành công trong sự nghiệp.

Dưới đây là câu chuyện của một người bạn:

“Mới đây tôi có dịp trò chuyện với một thanh niên chừng 30 tuổi. Vài năm trước, anh đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Bằng năng lực của bản thân, anh có quyền chọn cho mình một công việc như ý. Hiện tại, anh đang làm việc cho một công ty về dịch vụ tài chính.

Tôi trao đổi với anh một vài vấn đề như: ‘Chiến lược ưu tiên hàng đầu của công ty anh hiện nay là gì?’. Và anh ấy đã không thể trả lời câu hỏi này.

‘Lần cuối anh gặp và nói chuyện trực tiếp với sếp về vai trò của mình trong việc hoàn thành những vấn đề ưu tiên của tổ chức là khi nào?’. Anh cho biết ngoại trừ lần phỏng vấn tuyển dụng ba năm trước, anh vẫn chưa trực tiếp gặp sếp lần nào khác.

Cuối cùng, tôi hỏi anh ấy: ‘Anh đã làm được gì cho tổ chức của mình?’. Anh suy nghĩ một lát rồi ngập ngừng nói: ‘Năm ngoái, tôi đã giúp công ty tiết kiệm được 500.000 đô-la.’

Tôi hỏi tiếp: ‘Ngoài anh ra, có ai biết về điều đó không?’.

Và anh đáp: ‘Mỗi tuần tôi đều làm báo cáo gửi sếp… nhưng tôi nghĩ là ông ấy đã không đọc đến nó’.

Gương mặt anh lộ rõ vẻ chán nản và tôi có thể hiểu được tình cảnh này. Nguồn năng lượng trong anh ấy đã cạn kiệt, lòng nhiệt tình cũng đã tan biến.

Vì mải hoàn thành những công việc thường ngày, anh ấy đã lãng quên ước mơ của bản thân về những cống hiến lớn lao. Khi bằng lòng với những công việc không xứng tầm, anh ấy đã tự hạ thấp giá trị của bản thân.”

Trong trường hợp này, không thể phủ nhận rằng một phần lỗi là do sự yếu kém của người lãnh đạo, nhưng trong một chừng mực nào đó, nguyên nhân còn do người thanh niên kia đã chấp nhận để điều đó xảy đến với mình.

Anh ấy đã đánh mất giá trị của bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.