Đam Mê Bí Quyết Tạo Thành Công

TIÊU CHÍ NHẬN BIẾT THẾ MẠNH CỦA BẢN THÂN



Bạn không phải là một cái máy chỉ biết tuân theo bản mô tả công việc.

Vấn đề cốt lõi nhất là bạn phải nhận biết những thế mạnh của mình. Phần cuối của chương này sẽ hướng dẫn bạn khám phá năng lực bản thân. Những thế mạnh này có thể xếp theo 3 phạm trù: tài năng, niềm đam mê và lương tâm.

Tại sao lại chọn những phạm trù này làm tiêu chí đánh giá?

Bởi vì tài năng, đam mê và lương tâm là những yếu tố cấu thành giá trị của bạn. Giá trị của một con người không chỉ giới hạn trong năng lực làm việc. Nếu chỉ biết làm việc, con người chẳng khác nào một cỗ máy. Nếu chỉ hành động theo sở thích và bản năng, con người chẳng khác nào loài vật. Điểm cốt lõi để phân biệt con người với loài vật chính là nhân cách. Chính tiếng nói lương tâm sẽ cho bạn biết bạn cần làm gì để sống có ý nghĩa, trách nhiệm. Tài năng, niềm đam mê, đạo đức là những yếu tố nền tảng hun đúc nên giá trị con người bạn. Nếu không toàn tâm toàn ý trong công việc, bạn sẽ rơi vào tình trạng không có việc làm, chán nản và tự dằn vặt bản thân.

Các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp thường cho rằng: “Hãy làm những việc mà bạn yêu thích”, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Rất có thể công việc mà bạn yêu thích không phải là ngành được xã hội chú trọng và công việc đó lại đi ngược với tiếng nói bên trong của chính bạn. Nếu làm công việc yêu thích, nhất định bạn sẽ thu được lợi nhuận. Tuy nhiên bạn cũng cần biết rằng, một công việc tuyệt vời không nhất thiết phải là công việc bạn “yêu thích”, mà là công việc có ý nghĩa.

Khi ai đó nói rằng: “Hãy phát huy thế mạnh của bạn”, điều đó cũng có nghĩa là “Hãy phát huy tài năng của chính bạn”. Nhưng ngoài tài năng, bạn còn có niềm đam mê, và bạn sẵn lòng làm những công việc mà người khác không thích. Trong quá trình tạo dựng sự nghiệp, ngoài năng lực và lương tâm, niềm đam mê cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Bây giờ, bạn hãy suy nghĩ nghiêm túc về những câu hỏi được đặt ra trong mục dưới đây.

Tài năng

Đầu tiên, hãy nghiền ngẫm xem đâu là thế mạnh của bạn.

Tài năng, niềm đam mê và lương tâm là những yếu tố nền tảng hun đúc nên giá trị con người bạn.

Những kiến thức, tài năng hay kỹ năng đặc biệt nào có thể giúp bạn làm nên sự nghiệp?

Tài năng bao gồm những năng lực xuất sắc nhất của mỗi cá nhân. Trong thời đại công nghiệp, công ty sở hữu tất cả các công cụ và phương tiện sản xuất, tài năng của cá nhân người lao động thường không được coi trọng. Ngày nay, điều đó không còn tồn tại. Trong thời đại tri thức, như Peter Drucker nói, mỗi chúng ta đều sở hữu theo nghĩa đen “các phương tiện sản xuất”. Các loại phương tiện này nằm ở trong bộ não và tại các đầu ngón tay… Trí thông minh đã trở thành một loại tài sản mới. Sự tập trung trí tuệ, khả năng tiếp thu, kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế là cánh cổng mới dẫn đến sự thịnh vượng.

Theo Charles Handy, “Đây là một tin tốt lành. Không một thế lực nào có thể ngăn cản con người chiếm lĩnh kho kiến thức vô tận. Theo lý thuyết, bất kể ai cũng có thể trở thành người tài trong một lĩnh vực nào đó, nên bất cứ ai cũng có thể trở nên giàu có và quyền lực. Thật khó có gì có thể ngăn chặn được một công ty nhỏ thâm nhập vào lĩnh vực của Microsoft, như Microsoft đã từng làm với IBM. Khi nắm giữ chìa khóa trí tuệ, thế lực và của cải không còn là điều kiện quá quan trọng chi phối hành động. Đây là một cách rất dễ dàng để thâm nhập thị trường”.

Tài năng có thể được ví như những dấu vân tay. Ai cũng có vân tay, nhưng cả thế giới không bao giờ có hai cái giống nhau. Và tương tự thế, ai cũng có tài năng, nhưng tài năng của bạn là duy nhất.

Tuy vậy, bạn cũng đừng nhầm lẫn kỹ  năng với tài năng. Con người có thể có kỹ năng thực hiện những công việc mà mình không có năng khiếu. Nếu công việc của bạn chỉ đòi hỏi kỹ năng mà không đòi hỏi tài năng, bạn sẽ không bao giờ chứng tỏ được bản lĩnh thật sự của mình.

Trí thông minh đã trở thành một loại tài sản mới. Sự tập trung trí tuệ, khả năng tiếp thu, kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế là cánh cổng mới dẫn dến sự thịnh vượng.

Có rất nhiều hình thức để kiểm tra năng lực nhằm giúp bạn xác định thế mạnh của mình. Những bài kiểm tra này sẽ chỉ ra một vài công việc phù hợp với bạn, chẳng hạn như, “nhà hoạt động xã hội” hay “người làm công việc sáng tạo”. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn trọng bởi kết quả của những bài kiểm tra này chỉ mang tính tương đối. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ chúng khiến bạn bắt đầu nghĩ rằng bản thân mình chỉ phù hợp với một số ít vai trò cụ thể nào đó, và bạn sẽ tự giới hạn năng lực của bản thân.

Chia sẻ từ Jennifer

Tôi đã từng hướng dẫn một nhóm hướng đạo sinh gồm các em nữ khoảng 12 tuổi tập giúp việc tại một ngân hàng thực phẩm. Tại đây, chúng tôi gặp một nhân viên bảo quản thực phẩm đáng kính. Sau khi ngừng quét nhà một lúc lâu, ông nói với các hướng đạo sinh rằng một ngày nào đó các cô ấy cũng sẽ tìm được công việc có thể làm nên điều khác biệt cho thế giới như ông ấy đã làm. Ông tâm sự rằng ông rất tự hào vì mình đã góp phần “giải quyết nạn đói”. Không chỉ làm tròn vai trò của một nhân viên bảo quản thực phẩm, người đàn ông này còn mang đến cho xã hội những đóng góp của bản thân.

Chia sẻ từ Stephen

Tôi biết một người chỉ huy dàn hợp xướng tên tuổi. Ông ấy từng dạy đồng ca tại các trường công lập, chỉ huy dàn hợp xướng của nhà thờ, chơi đàn organ cho một nhà thờ nổi tiếng ở Los Angeles và có tài sáng tác. Bên cạnh đó, ông cũng rất say mê ngành luật và thành tích học tập của ông tại trường Luật rất ấn tượng. Nhờ vào năng khiếu âm nhạc và kiến thức chuyên môn của một luật sư, hiện ông ấy làm tư vấn pháp lý cho một hãng thu âm tên tuổi trong ngành công nghiệp âm nhạc. Rõ ràng, không bài kiểm tra năng lực nào có thể giúp ông ấy giành được vị trí công việc như hiện nay.

Mặc dù kết quả từ những bài kiểm tra năng lực khiến bạn thích thú và có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khả năng của bản thân, tuy nhiên, hầu hết những cách này là chứng tích còn lại của thời đại công nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều hình thức khác có thể giúp bạn xác định những ưu thế của bản thân, từ đó nhận thức nguồn sức mạnh của chính mình. Nhưng vấn đề cốt lõi nhất là sự thay đổi trong tư duy: thay vì những vai trò mình có thể đảm nhận, bạn cần nghiêm túc suy nghĩ về những việc bản thân muốn cống hiến.

Bạn cũng cần lưu ý rằng: không được đánh đồng giá trị của bản thân với vai trò bạn đảm nhận.

Trong thời đại công nghiệp, người lao động nói rằng: “Tôi muốn trở thành nhà vi trùng học”. Đây là một vai trò. (Tất nhiên, nếu mong muốn đóng góp cho lĩnh vực này, bạn cần được đào tạo trong ngành vi trùng học, nhưng giá trị con người bạn không chỉ giới hạn trong chức năng của một “nhà vi trùng học”).

Trong thời đại tri thức, người lao động nói rằng: “Tò mò là một trong những bản tính của tôi. Tôi cũng kiên trì và chịu khó. Tôi xem phòng thí nghiệm như là nhà mình. Tôi muốn sử dụng tài năng của bản thân để phát triển những giống cây trồng có khả năng chống chọi với các loại bệnh”. Đây là một cống hiến.

Ngay cả những bài kiểm tra năng lực được soạn thảo một cách bài bản nhất cũng không thể giúp bạn xác định khả năng độc đáo của chính mình. Người lao động trí thức ở trên tiếp tục nói rằng, “Tôi lớn lên cùng với cây cỏ. Những đứa trẻ khác yêu thích thể thao hay âm nhạc. Còn tôi, tôi có thể nêu tên khoa học của hàng tá các giống cà chua khác nhau. Tôi có thể cho bạn biết loại cà chua nào dùng để làm nước xốt, loại nào dùng để chế biến hay loại nào có thể ăn sống. Tôi nghĩ mình có đôi chút khác người”.

Mỗi chúng ta đều Ơn Chúa, mỗi người trong chúng ta đều có một  vài khả năng đặc biệt nào đó,
có một (hay một chẳng hạn như: một người làm vườn luôn thành công trong việc lai tạo ra những giống hoa đẹp, một vận động viên mà từng đường nét trên cơ thể cô ấy đều toát lên vẻ duyên dáng và sức mạnh kỳ lạ, hay một người đàn ông chưa bao giờ mắc lỗi chính ta – người có thể lập tức đánh vần bất cứ từ nào mà ông ấy nghe thấy không một chút do dự.

Mỗi chúng ta đều có một (hay một vài) khả năng đặc biệt, và đây chính là quy luật của tạo hóa. Vậy bạn có năng khiếu trong lĩnh vực nào?

Hãy suy ngẫm về câu hỏi trên.

Bạn có thể làm điều gì tốt và dễ dàng?

Theo đánh giá của mọi người, bạn giỏi nhất trong lĩnh vực nào? (Bất kể là bạn có thích việc đó hay không – chúng ta sẽ bàn đến vấn đề đó sau).

Sếp hay những đồng nghiệp nhận định như thế nào về năng lực của bạn?

Richard Kock, nhà tư vấn quản lý, đưa ra lời khuyên như sau: “Điều quan trọng là bạn nên tập trung vào những việc nằm trong khả năng của bản thân. Hầu hết những tác giả của dòng sách tự hoàn thiện bản thân mắc phải sai lầm là họ thường khuyên chúng ta cố gắng chinh phục những thử thách khó khăn… Điều quan trọng là bạn đã thành công, còn thành công lớn hay nhỏ không mang nhiều ý nghĩa. Nguyên tắc 80/20 là rất rõ ràng. Hãy theo đuổi niềm đam mê của bạn”.

Đam mê

Được làm công việc bản thân yêu thích và cũng là sở trường của mình sẽ rất quan trọng, bởi công việc đó cũng là niềm đam mê lớn nhất của bạn. Vậy bạn hãy suy nghĩ thật kỹ để trả lời câu hỏi sau đây:

Bạn mong muốn được làm việc trong ngành nghề nào?

Đừng bao giờ từ bỏ đam mê. Niềm đam mê mang đến cho bạn cảm giác trọn vẹn. Đó chính là ngọn lửa cháy từ bên trong. Hãy suy nghĩ về khoảng thời gian bạn thật sự đam mê một dự án nào đó và không thể nghĩ về một điều gì khác ngoài nó. Bạn có cần một người giám sát? Chắc chắn là không. Chỉ tưởng tượng ra việc đó thôi cũng đủ khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm.

Tất nhiên, công việc khiến bạn đam mê không nhất thiết phải là sở trường của bạn. Bằng chứng là chúng tôi có một người bạn chưa từng viết sai chính tả bao giờ. Nhưng anh ấy lại không có hứng thú trong việc biên tập hay những công việc liên quan đến viết lách.

Tuy nhiên, bạn thường nhận ra tài năng của mình thông qua những công việc khiến bản thân cảm thấy thích thú. Quay trở về những năm 1940, chúng ta đến với câu chuyện của Julia Child, một phụ nữ trẻ người Mỹ. Theo yêu cầu công việc của chồng, cô cùng anh chuyển đến sống ở Paris. Tại đây, cô tìm thấy niềm đam mê dành cho những món ăn Pháp và khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Khi đặt chân đến Pháp, Julia đã dùng bữa trưa tại một nhà hàng nhỏ ở Rouen. Bữa ăn đầu tiên với hào và cá bơn là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với cô. “Thật tuyệt. Đó là bữa ăn thú vị nhất trong đời tôi”, cô chia sẻ. Julia đã bị mê hoặc bởi nấm, pa-tê, pho-mát, các loại rượu và sự hấp dẫn không thể cưỡng lại của món nước xốt có bơ. Mọi thứ đều làm cho cô ấy cảm thấy thích thú.

Để theo đuổi niềm đam mê, Julia đã đăng ký học tại Le Cordon Bleu, trường đào tạo đầu bếp tốt nhất Paris. “Từ lúc đó, tôi biết các món ăn Pháp là thứ dành cho mình. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao chúng lại ngon đến thế. Các bạn của tôi thì cho rằng, tôi là một người kỳ lạ. Họ không hiểu tại sao tôi có thể yêu thích công việc đi chợ, nấu ăn và phục vụ đến vậy. Vâng, nhưng chính xác là tôi đã làm thế đấy!”, Julia hào hứng tâm sự.

Niềm đam mê mang đến cho bạn cảm giác trọn vẹn. Nó là ngọn lửa cháy từ bên trong.

Julia Child đã dành cả cuộc đời theo đuổi công việc xuất bản sách dạy nấu ăn, ngoài ra, cô còn tham gia dạy cách chế biến những món ăn Pháp truyền thống trên truyền hình. Với tư cách là một người truyền ngọn lửa đam mê, cô đã cống hiến cho những người yêu ẩm thực trên thế giới những món ăn Pháp truyền thống.

Mặc dù mãi đến tuổi trưởng thành Julia Child mới khám phá ra niềm đam mê và năng khiếu thiên bẩm của mình, song những khả năng tiềm ẩn đó vẫn luôn tồn tại và chờ chúng ta khám phá, dù bạn đang ở độ tuổi nào.

Vườn quốc gia Yellowstone nổi tiếng với những mạch nước phun và suối nước nóng. Sâu bên dưới lòng công viên là một “ điểm nóng” của lớp vỏ trái đất, một dòng nham thạch lớn đã đốt nóng những mạch nước ngầm. Những mạch nước ngầm này theo những khe nứt trong lòng đất phun lên trời.

Cũng như dòng suối nước nóng này, niềm đam mê của bạn nhất định sẽ bộc lộ theo một cách nào đó. Từ khi còn là một đứa trẻ, bạn cũng bị thu hút bởi một điều gì đó. Thỉnh thoảng, hãy quan sát những đứa trẻ, bạn sẽ thấy: một cậu bé mải mê chơi bên quả bóng dù chưa đủ sức để nhấc nó lên, có em lại thích vẽ nguệch ngoạc lên những gì xuất hiện trong tầm tay mình, đứa khác thì ngồi yên lặng trong góc của chiếc ghế bành hàng giờ liền để đọc sách, có những em lại cảm thấy thật phấn khích khi nghe đến các loại thức ăn và háo hức muốn biết cách chế biến. Một ngày nào đó, những đứa trẻ này có thể sẽ trở thành huấn luyện viên, họa sĩ, giáo viên hay đầu bếp nếu chúng có thể nhận biết và phát triển thế mạnh cá nhân.

Vì vậy, cần tạo điều kiện để niềm đam mê còn kìm nén trong bạn bộc phát.

Niềm đam mê của bạn nhất định sẽ được bộc lộ bằng cách này hay cách khác.

Sau đây là một vài câu hỏi có thể giúp bạn xác định rõ hơn đâu là lĩnh vực bản thân thật sự đam mê:

Trong thời gian rảnh, bạn thường làm gì?

Việc gì khiến bạn hứng thú? Bạn thích tranh luận về đề tài nào?

Bạn thích đọc loại sách nào?

Bạn từng có trải nghiệm thú vị nào giống như Julia trong câu chuyện trên không?

Lương tâm

Sau khi đã xác định được niềm đam mê, bước tiếp theo bạn cần lắng nghe lương tâm của chính mình.

Ở đây, việc đề cập đến phạm trù đạo đức có thể khiến một số độc giả ngạc nhiên. Tại sao chúng tôi yêu cầu bạn lắng nghe tiếng nói của lương tâm trong quá trình xây dựng sự nghiệp? Bởi vì lương tâm sẽ cho bạn biết bạn nên làm gì. Do đó, hãy suy nghĩ thật kỹ để trả lời những câu hỏi sau đây:

Trách nhiệm của bạn đối với tổ chức, khách hàng và với đồng nghiệp là gì?

Đây là một câu hỏi rất xác đáng! Câu trả lời sẽ ngay lập tức cho bạn thấy sự hạn hẹp của bản mô tả công việc so với khả năng cống hiến thật sự của bản thân.

Về mặt đạo đức, nếu bạn không dốc hết lòng vì công việc, điều đó có thể chấp nhận được vì bản mô tả công việc hiện tại của mình không yêu cầu điều đó.

Jim Collins, nhà lý luận quản trị danh tiếng, từng phát biểu: “Trong công việc, điểm khác biệt rõ rệt giữa kẻ sai và người đúng đó là người đầu tiên nghĩ mình đang có “một số việc” phải hoàn thành, trong khi người thứ hai ý thức được trách nhiệm trong công việc. Mỗi người trong chúng ta nên tự đặt ra câu hỏi ‘Ta sẽ cống hiến những gì?’ không phải vì yêu cầu công việc, mà vì chính lương tâm của chính mình”.

Tiếng nói của lương tâm sẽ cho bạn biết sứ mạng của bản thân.

“Mỗi người trong chúng ta nên tự đặt ra câu hỏi ‘Ta sẽ cống hiến những gì?’ không phải vì yêu cầu công việc, mà vì lương tâm của chính mình”.

Lương tâm của bạn có thể là động lực cho những cống hiến vĩ đại. Hãy cùng suy ngẫm về bài viết trên blog của một nhân viên 16 tuổi làm việc trong cửa hàng thức ăn nhanh: “Tại cửa hàng nơi tôi làm việc, mục tiêu hàng đầu là làm sao để chế biến thức ăn nhanh nhất. Mọi nhân viên đều phải ghi nhớ điều này, như vậy có nghĩa là bạn được quyền sử dụng lại thực phẩm cũ hay thức ăn đã quá hạn sử dụng. Không ai quan tâm đến sức khỏe của khách hàng, và điều đó khiến tôi đau lòng. Bản thân tôi không cho phép mình làm như vậy. Do muốn đảm bảo chất lượng của món ăn, tôi đã bị phê bình vì làm việc quá chậm. Cuối cùng, không thể chịu đựng tình trạng này thêm nữa, tôi quyết định phải thay đổi. Đã từ lâu, tôi không còn quan tâm đến những lời trách phạt của quản lý. Tôi chỉ biết rằng, bản thân cần phải hành động theo tiếng nói của lương tâm mình”.

Người nhân viên trẻ dũng cảm này đã góp phần thay đổi chất lượng phục vụ khách hàng, và chính tiếng nói của lương tâm đã thôi thúc cô ấy làm điều đó.

Sau cùng, sự nghiệp của bạn sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi bạn đang đi ngược lại với tiếng nói của lương tâm mình. Nếu công việc hiện tại khiến bạn dần đánh mất những phẩm chất tốt đẹp như lòng trung thực, tính lương thiện, bạn nên nhớ rằng sẽ không có một thành công nào có thể khỏa lấp nỗi thất vọng của bạn về chính mình. Mặt khác, khi làm việc đúng theo lương tâm, bất kể đó là công việc gì, bạn sẽ có được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm tự hào về bản thân.

Chia sẻ từ Stephen

Ở độ tuổi 50, khi quyết định rời bỏ môi trường làm việc đáng mơ ước của một giáo sư đại học để bắt đầu công việc kinh doanh, tôi đã trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt. Nếu không phải vì viễn cảnh sẽ có những cống hiến tuyệt vời hơn nữa, tôi không thể nào thuyết phục mình từ bỏ công việc hiện tại. Với tôi, đó là câu hỏi của lương tâm.

Một lần nọ, khi tôi ngồi vào chiếc taxi đậu bên ngoài khách sạn Canadian, người gác cổng đã nói với anh tài xế: “Hãy đưa tiến sĩ Covey ra sân bay”. Nhưng người tài xế đã hiểu nhầm tôi là một bác sĩ và bắt đầu trình bày với tôi tình hình sức khỏe của anh ấy(5). Tôi cố gắng giải thích với người tài xế rằng mình không phải là bác sĩ, nhưng anh ấy không hiểu những gì tôi nói bởi vốn tiếng Anh của anh ấy khá hạn chế. Tôi quyết định im lặng lắng nghe anh ấy.

Người tài xế kể rằng cơ thể anh thường xuyên bị đau nhức, thị lực suy giảm nghiêm trọng. Anh ấy càng nói, tôi càng nhận thấy vấn đề của anh ấy xuất phát từ sự cắn rứt lương tâm. Người tài xế rất hối hận vì đã lừa dối khách hàng.

– Tôi đã ăn gian tiền cước. Nếu cảnh sát phát hiện ra, tôi có thể bị tước bằng lái. Bác sĩ nghĩ sao về chuyện của tôi?

Tôi trả lời:

– Anh có nghĩ nguyên nhân chính khiến sức khỏe của mình suy sụp là do sự dằn vặt của lương tâm không? Trong thâm tâm, anh biết rõ điều gì nên làm mà.

– Nhưng tôi còn phải kiếm sống.

Tôi nói với anh ấy về sự thanh thản trong tâm hồn và sự khôn ngoan khi sống thật với lương tâm.

– Anh đừng bao giờ gian lận, nói dối hoặc ăn cắp, mà hãy luôn tôn trọng mọi người.

– Điều đó thật sự sẽ có ích cho tôi chứ?

– Tôi tin là như vậy.

Khi giúp tôi xuống xe, anh ấy từ chối nhận tiền boa, chỉ ôm chặt lấy tôi và nói:

– Tôi sẽ làm theo lời khuyên của bác sĩ. Tôi đã cảm thấy khá hơn rất nhiều.

Cho dù là tài xế taxi, đầu bếp hay tổng giám đốc, chỉ cần bản thân nỗ lực hết mình, bạn sẽ tạo nên một sự nghiệp tuyệt vời. Bạn sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc sâu sắc khi cống hiến bằng tất cả tài năng với một lương tâm thanh thản.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.