Đánh cược với yêu thương

5. Chị em muộn



Bắt đầu từ năm mười tuổi, những cơn mộng lạ kỳ ấy đột nhiên bước vào trong giấc ngủ của tôi, rồi thỉnh thoảng lặp đi lặp lại không theo một quy chuẩn thời gian nào.

Trong mơ, tôi thấy cha ôm ấp một nguời phụ nữ khác không phải là mẹ. Ông cười cùng bà ta ra chiều vô cùng thư thái, vui thích. Cha có nụ cười rất tươi, rất ấm áp.

Phải nói rằng cha là một người hiền hòa dễ mến và nổi tiếng chung tình với mẹ. Mẹ là con nhà gia giáo và giàu có, tính tình điềm đạm và tâm hồn đẹp đến khó tin. Cha yêu mẹ vô cùng, trân quý mẹ vô cùng, trước đây đã trải qua bao cuộc đấu tranh gian khổ với gia đình của mẹ, mới có thể cưới được mẹ. Ông là thần tượng vĩ đại trong lòng tôi.

Vì vậy, dù là trong giấc mơ, rõ ràng tôi vẫn nhận ra mình kinh ngạc, đau đớn và tức giận. Sự phản bội đột ngột và kinh hoàng đến không thể nào tin được. Tôi hùng hổ lao vào bà-phá-đám, lấy roi mây quất liên tục vào người bà ta, vừa đánh, vừa hét, vừa khóc. Những tiếng “tại sao”, “tại sao”, cứ thoát từ miệng tôi ra, nức nở không dứt, ngày càng cao vút xé ruột xé gan. Tôi phải đánh giùm mẹ tôi, phải đánh giùm tôi, tôi phải đuổi người đàn bà ấy đi.

Và lần nào đến trường đoạn này, tôi cũng giật mình thức dậy, nước mắt nóng hổi vương đầy mặt cùng một trái tim đau đớn tưởng như chực vỡ tan. Tại sao?

Tôi chưa một lần kể chuyện này với cha, hay với bất cứ ai. Chỉ nghĩ rằng mơ, không phải thực. Nhưng sau này xâu chuỗi nhưng mảng kí ức đó lại, tôi chợt nhận ra, một đứa trẻ mười tuổi là tôi, không hiểu bằng cách nào đã vô tình có được thứ linh cảm kỳ lạ mơ hồ.

* * *

Cha mất năm tôi mười lăm tuổi, cùng với người đàn bà đó, khi họ đang trên đường đến bệnh viện để thăm con của họ.

Con của họ. Một đứa con trai. Kém tôi năm tuổi. Và trước nay tôi chưa bao giờ biết rằng nó tồn tại trên đời này, dưới bất kì danh nghĩa gì.

Nghĩa là giờ đây, bỗng nhiên có một đứa em trai. Thiên Ân. Hình tượng người cha cao quý và vĩ đại trong tôi sụp đổ, vỡ tan như bọt biển.

Nó sinh ra ở một tỉnh miền Tây, trời xui khiến thế nào bị đau ruột thừa ngay trong lần đầu tiên lên thành phố chơi cùng thầy cô và đám bạn trong lớp. Họ đưa nó vào bệnh viện, mẹ nó, bà-phá-đám, lên đến bến xe gọi cha tôi ra đón để chở đi thăm nó. Và tai nạn xảy ra.

Trước khi mất, cha tôi chỉ kịp trăn trối với mẹ: “Giúp anh nuôi dạy nó cho thật tốt.”, rồi xuôi tay. Lời xin lỗi cũng không kịp nói với bà, trong lời cuối cùng cũng không hề có nhắc đến tôi.

Sau tang lễ, mẹ tôi đón nó từ bệnh viện về nhà trong sự câm lặng đến bi thương. Nó gầy gò và trầm lặng, nhưng đôi mắt sáng và nụ cười ấm áp vô bờ. Tôi tuyệt vọng nhận ra, nó giống cha biết chừng nào.

Mẹ lặng lẽ lo cho nó, thương yêu nó như là dồn hết những tình cảm mất mát của chồng vào đứa con rơi này. Đôi lần tôi vừa tức giận vừa thán phục bà, làm sao bà có thể chịu đựng được điều đó, chịu đựng được việc hằng ngày nhìn thấy hình hài của đứa con trai đó mà không liên tưởng đến những lỗi lầm của những người đã sinh ra nó.

Có lần tôi hỏi bà câu đó, bà chỉ thở dài, rồi đưa ra một mớ lý do để giải thích cho tôi nghe. Rằng cha luôn mong muốn có một đứa con trai để nối dõi nhưng sau khi sinh tôi khó khăn, bà đã không còn khả năng sinh nở nữa. Rằng thằng nhỏ giống cha, lại ngoan ngoan và sáng dạ, bà không nỡ đối xử tệ với nó. Rằng chỉ muốn hoàn thành tâm nguyện của ông, để hương hồn ông được an nghỉ nơi chín suối. Tôi nghe tất cả những lý do này, chỉ rút ra được một điều, bà thật sự rất yêu thương cha, yêu đến nỗi sẵn sàng bỏ qua hết nỗi lầm của ông, sẵn sàng nuôi nấng giọt máu mủ sót lại của ông được sống đàng hoàng.

Nhưng tôi thì không. Đối với nó, tôi giữ thái độ lạnh nhạt như thể nó không đáng để tôi đếm xỉa đến, như là sự có mặt của nó không có chút giá trị nào, nó không hề tồn tại trong cuộc sống của mẹ con tôi. Ba chúng tôi ngồi chung một mâm cơm, nhưng tôi chỉ trò chuyện cùng mẹ. Bao lần nó ngây thơ hỏi tôi vài câu hỏi, nhung chỉ nhận lại sự im lặng của tôi. Riết rồi nó không dám hỏi gì tôi nữa, chỉ lẳng lặng trơ mắt nhìn tôi, quan sát mọi nhất cử nhất động của tôi.

Có những khi bắt buộc phải giao tiếp, tôi lạnh lúng buông vài câu ra lệnh, còn lại thì chẳng chuyện trò gì hết. Tôi cứ ra vẻ bình thản sống tiếp cuộc đời của tôi. Nhưng trong thân tâm, tôi không hề thấy bình yên, kể từ ngày mà tôi biết tất cả sự thật về tội lỗi của cha tôi.

* * *

Mười chín tuổi, tôi lên đường sang Anh du học. Đêm tiễn tôi ở sân bay, mẹ cứ ngậm ngùi lau nước mắt. Nó ở bên cạnh mẹ, quấn quít và chăm sóc bà. Lần đầu tiên trong suốt bốn năm ở chung nhà, tôi mới thật sự thả lỏng người để nhìn đến nó.

Phải nói rằng mẹ tôi là người đàn bà giỏi giang và đáng phục nhất quả đất. Bà nuôi dưỡng nó tốt đến nỗi, nó dần dần rũ bỏ hết lớp vỏ quê mùa chân chất, từ một đứa trẻ gầy gò đen nhẻm giờ đã chắc nịch, trắng trẻo và thư sinh. Những đường nét trên mặt đã bớt giống cha. Vì vậy tôi cũng bớt ghét nó.

Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm giác rằng thật may vì có nó ở bên chăm sóc mẹ khi tôi đi xa. Tôi bước đến trước mặt thằng nhóc mười bốn tuổi đầu, đã cao ngang gần bằng tôi, khẽ giọng nói:

“Ở nhà chăm sóc mẹ Thanh chu đáo, nghe chưa!”

Thằng nhỏ “dạ” mà giọng mừng rơn như là tôi vừa mới cho nó vàng. Rồi ngập ngừng nói: “Chị Hai đi bình an.”

“Ừ.”

Chỉ thế thôi mà mắt nó rơm rớm vì xúc động. Cuối cùng chị hai cũng đã trả lời nó.

* * *

Năm tôi hai mươi hai tuổi, ở xứ người lạnh lẽo và đơn côi, tôi đã gặp Mike, mối tình đầu của tôi. Mike chững chạc, phong trần và đầy nam tính. Anh vẫn gợi được cảm giác thật thân quen, nhưng cũng đủ lạ lẫm, mới mẻ để cuốn hút tôi. Chúng tôi nhanh chóng lao vào nhau, viết tiếp câu chuyện tình dang dở của ngày xa xưa.

Khi người ta ngập tràn trong tình yêu, trái tim cũng trở nên yếu mềm và bao dung hơn. Tôi bắt đầu mở lòng mình ra với mọi người, với cả em trai tôi. Những cuộc gọi điện về, tôi đã chịu nói chuyện với em, dù chỉ là vài câu hỏi qua loa đại khái, đủ để tôi hiểu thêm vể tình hình cuộc sống của nó.

Nó khác đi nhiều, giọng trầm hơn, ít nói hơn, trưởng thành hơn. Mẹ bảo nó rất đẹp trai, thường xuyên được mời làm người mẫu ảnh, người ta hay gọi nó bằng tên tiếng Anh là Alex. Ở bên này con gái ngày ngày đều kéo nhau qua Facebook của nó để tán tỉnh nó. Tôi bật cười. Mẹ mà cũng biết Facebook ư? Mẹ cũng cười: “Ừ, em chỉ cho mẹ đó.”

Tôi trầm ngâm. Tưởng tượng ra cảnh mẹ và em quây quần sớm tối nương tựa vào nhau, lòng lại có chút ngậm ngùi và xúc động.

Rồi một ngày mùa Hè, mẹ ướm lời: “Cuối năm mẹ cho em qua học với con nhé!”

Tôi giãy nảy trong điện thoại: “Nó đi rồi, ai chăm sóc mẹ?”

Mẹ thở dài: “Nhưng em còn có tương lai. Nó phải đi con à!”

Tôi tiếp tục phản đối: “Con chỉ là chấp nhận sự hiện diện của nó chứ không yêu thương gì đâu, qua đây lại đụng mặt ngày đêm, con không chịu nổi!”

“Thôi thì mẹ cho nó ở riêng vậy, để khỏi phiền con.”

Tôi tính toán, nếu tôi ở cùng em trai, mẹ sẽ đỡ tốn kém một khoảng sinh hoạt phí kha khá. Vậy là tôi đành buông xuôi chấp nhận cho em ở cùng.

* * *

Trời mùa Đông London lạnh lẽo đến tê người.

Em bước ra khỏi sân bay trong chiếc áo khoác to sụ sành điệu, và tôi đã ngây ra năm giây trước khi mở miệng gọi được tên em. Em rất cao, rất đẹp. Đôi chân dài vững chãi thẳng bước, cặp mắt sâu sau gọng kính cận đen, trông em vừa xa cách vừa thu hút đến mê hồn. Đường nét trên gương mặt hài hòa và nam tính đáng ngạc nhiên. Và tôi nhớ lại câu nói của mẹ, bật cười khi hiểu rằng vì sao bọn con gái ngày ngày chạy qua Facebook của em để tán tỉnh em.

“Alex!”

Em giật mình khi nghe tôi gọi tên, tươi cười với tôi, mắt sáng rực.

“Chị Hai!”

Tôi đón Alex về nhà, chỉ dạy cho em mọi thói quen sinh hoạt bên này. Em lắng nghe với vẻ háo hức, say mê và kính cẩn. Tôi hài lòng. Nếu em cứ biết điều như thế này, sống chung với nhau không hẳn quá tệ. Tôi vẫn có thể chịu đựng thêm một, hai năm nữa cho đến khi hoàn thành khóa học, rời khỏi đây và trở về Việt Nam.

Tôi lặng lẽ đi về, thói quen sống một mình và thói quen lạnh lùng với em vẫn không thể nào xóa bỏ. Em không đòi hỏi gì hơn và luôn tỏ ra biết điều. Hai chị em thường ngày kín tiếng, nhưng rõ ràng tâm hồn em tỉ mỉ và ấm áp hơn tôi. Em luôn chủ động bỏ hết đồ đạc vào máy giặt giùm tôi, rồi tranh thủ đem ra phơi ngay cả trước khi tôi kịp nhớ đến. Luôn về nhà trước tôi, chuẩn bị sẵn món ăn Việt Nam cho tôi. Ngày nghỉ em chăm sóc mớ cây cảnh giùm tôi, dẫn con Mina của tôi đi dạo, dọn dẹp giùm bãi chiến trường của tôi và lũ bạn mỗi khi chúng tôi bù khú thâu đêm.

Có lần tò mò, tôi hỏi em: “Sao lại mang kính thế, em có cận đâu?”

“Vì nếu em không mang kính, nhìn em sẽ rất giống cha. Em biết chị không thích em giống cha.”

Tôi lặng đi vì bất ngờ. Em trai tôi tinh tế thế đấy.

“Sau này không cần mang nữa!”

Em ngạc nhiên nhìn tôi, rồi từ đó về sau tôi thấy em không mang kính nữa.

Có lần tôi cãi nhau với Mike, bỏ học chạy về nhà sớm để khóc thì mới biết ra mình đánh rơi chìa khóa cửa từ lúc nào. Tôi chỉ nhắn một tin cho em, rằng tôi làm rơi chìa khóa, đang ở trước nhà và hỏi chừng nào em về. Em lẳng lặng bỏ ngang buổi học, bắt xe buýt đi một quãng đường gần hai mươi ki lô mét để về nhà mở cửa cho tôi. Rồi em lại lẳng lặng bắt xe quay trở về trường để học tiếp.

Những lúc như vậy, khi đã yên vị trong chăn êm, nệm ấm và nghĩ đến em đang lạnh giá ngoài kia, tim tôi chợt rung động, ngây ngô thầm hỏi có phải em đang tự xem mình phải có trách nhiệm chăm sóc tôi thay cha hay không?

* * *

Tôi và Mike chia tay nhau, mùa Đông một năm sau đó.

Lúc anh thông báo rằng là anh sẽ về Việt Nam và lấy vợ, tôi chết trân, ngay quán cà phê Lousiana vào một buổi chiều rét đậm. Tôi đã mơ hồ nhận ra sự thay đổi của anh trong vài tháng gần đây, lạnh nhạt và căng thẳng hơn, nhưng tôi không hề chuẩn bị trước cho một cuộc chia tay. Tôi cứ đi lang thang khắp hết đường phố London, tìm lại hết những con phố mà chúng tôi đã từng đi qua, những quán ăn mà chúng tôi đã từng ghé vào, những góc vắng mà chúng tôi rúc vào đó hôn nhau, yêu nhau.

Tôi gục ngã ngay một con đường quen thuộc nào đó trong số hàng chục con đường mà chúng tôi từng đi qua. Người ta đỡ tôi dậy, dìu tôi vào nghỉ chân trong một dãy cầu thang bên đường.

Tôi gọi cho em, giọng yếu ớt:

“Alex, ra đón chị đi!”

Em cuống quýt hỏi tôi đang ở dâu. Tôi cũng không biết nữa. Người ta nói giúp tôi rằng tôi đang ở con đường nào đó. Lát sau em hớt hải chạy đến, dìu tôi vào taxi, đưa tôi về nhà.

Em cởi áo ngoài của tôi đang ướt đẫm hơi sương lạnh, thay bằng chiếc áo khoác khác dày và khô hơn, đẩy tôi lên giường, vùi người tôi trong chăn. Rồi em chạy đi pha cho tôi ly sữa ấm. Em đỡ tôi dậy, bắt tôi phải uống cạn.

Tôi nhắm nghiền mắt, nước mắt chảy thành dòng. Em lặng lẽ lấy khăn lau hết cho tôi. Rồi tôi thức dậy, thấy em vẫn ngồi đó nhìn mình lo lắng, như là em chưa hề rời khỏi chỗ ngồi và luôn ở đó trông chừng tôi.

Tôi đưa tay ra gọi em. Em lập tức chạy đến gần.

“Sao lại tốt với chị như vậy?”

“Vì chị là chị Hai của em.”

“Có chăm sóc em được ngày nào đâu?”

“Nhưng vẫn là chị Hai.”

Tôi lại khóc.

“Nếu bây giờ, chị nói chị không ghét em nữa, liệu có quá muộn không?” Em chớp mắt nhìn tôi vài giây, rồi nở nụ cười. Em bảo tôi chờ một chút, đứng dậy thoăn thoắt bước đi, rồi quay trở lại với một tờ tạp chí trong tay.

Tôi ngạc ngiên nhìn tờ tạp chí thời trang của London, mở đến trang có phần giới thiệu về em, một người mẫu ảnh độc quyền của tờ tạp chí này. Tôi biết em làm công việc này nhưng chưa từng biết em lại có bài phỏng vấn riêng.

Trong đó, em bảo rằng em chưa có bạn gái, nhưng hiện tại em lại có hai người phụ nữ quan trọng nhất đời mình. Một là mẹ Thanh, mẹ của chúng tôi, và hai là tôi. Em bảo rằng chị của em rất xinh đẹp, rất giỏi giang, rất bản lĩnh, là mẫu người phụ nữ mà em mong muốn sẽ gặp được trong đời. Em còn khẳng định, hai người phụ nữ này chính là gia đình của em, dù cho có thế nào đi nữa, em vẫn yêu mến chúng tôi bằng cả trái tim.

Tôi lại khóc. Và em lại lặng lẽ lau nước mắt cho tôi.

Đêm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi và em có một buổi tâm sự với nhau. Tất cả chuyện quá khứ, chuyện của cha, chuyện của mẹ, rồi kéo sang chuyện về Mike. Tôi kể, tôi khóc, và bỗng thấy nhẹ lòng. Em nghe, em cũng khóc, và rồi em an ủi tôi. Mãi cho đến khi tôi thiếp đi lần nữa vì mệt, hình ảnh cuối cùng của tôi về em khi đó vẫn là hình ảnh đẹp nhất giữa hai chúng tôi mà có lẽ đời này tôi không thể nào quên, khi em dịu dàng ngồi vuốt tóc tôi cho đến khi tôi ngủ say.

* * *

Ngày tốt nghiệp của Alex tại London, ba năm sau.

Mẹ bay từ Việt Nam sang. Đêm trước ngày tốt nghiệp, ba mẹ con chúng tôi nấu nướng đồ ăn khuya ở sân sau nhà, vừa ngắm sao vừa uống bia. Mẹ vui lắm, bà cứ nhìn hai chị em tôi trêu đùa nhau, rồi quay mặt đi, lau nước mắt. Alex vốn luôn nhạy cảm, bước đến ôm mẹ vào lòng, xoa vai mẹ, an ủi mẹ.

Sáng hôm sau, tôi dẫn Simon, người bạn trai mà tôi đã quen suốt hai năm nay, đến dự lễ tốt nghiệp của Alex. Em được vinh hạnh làm người thay mặt cho sinh viên toàn trường phát biểu.

Ngay lúc đó, dưới ánh nắng sáng bừng của London, em cao lớn, vững chãi đứng trên bục phát biểu. Bài phát biểu vừa kết thúc, hàng trăm sinh viên bên dưới đồng loạt hò reo vì phấn khích, tôi thấy mẹ bật khóc. Tôi cũng khóc. Simon ôm choàng lấy mẹ và tôi, siết chặt. Trên vai anh, tôi nức nở:

“Em trai em đó. Alex, đứa em trai muộn của em.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.