Lucia Santa phải chèo chống để gia đình bà vượt qua sóng gió thời gian: con cái lớn lên, ba mẹ qua đời và biết bao nhiêu sự kiện đổi thay. Suốt năm năm, với một nghị lực và một sức khoẻ phi thường, bà đã vượt qua những kỷ niệm vui buồn ảm đạm nhất.
Trong năm năm đó, màu áo đen ngòm, tụm năm tụm ba tán gẫu trước mỗi căn nhà thưa thớt dần, hình ảnh người mở đường với mũ, áo, ủng ghệt chỉnh tề với chiếc đèn đỏ mãi mãi không còn nữa. Chiếc cầu bắc qua đường Số Mười cho khách bộ hành không còn cần thiết, đã được dỡ bỏ.
Trong vài năm, khu Tây không còn tồn tại, đám dân cư (những con người mà cha ông họ từng sống chung trong một ngôi làng xa xôi bên Ý) tứ tán mỗi người một nơi.
Biết bao biến cố, tai hoạ bất ngờ xảy ra và bà đã hiên ngang chống lại: đám tang, đám cưới, nghèo khổ, những trái tính trái nết của con cái trong tuổi dậy thì, tuy nhiên cũng không tránh khỏi ảnh hưởng lối sống Mỹ của chúng trên đất nước này. Bà hầu như không biết đến, triền miên đấu tranh cùng định mệnh khắc nghiệt, sức khoẻ bà đã dần dần mòn mỏi.
Bà là cột trụ trong cái thế giới do chính bà tạo dựng. Con cái lơ mơ thức giấc trong chăn ấm vào buổi sáng tinh sương, đã thấy bóng mẹ loay hoay bên bếp lửa, áo quần đi học đã treo tươm tất bên lò sưởi. Ở trường về lại đã thấy mẹ đang ủi đồ, may vá bên nồi nước lớn sùng sục sôi trên bếp. Trong hơi nước mịt mù, bà thấp thoáng như một vị thần khiêm tốn, di chuyển trong hơi ấm của vải vóc, của mùi thơm tỏi phi, sốt cà, thịt chiên, và từ cái radio cổ lỗ sĩ vang vang giọng hát mượt mà của Carlo Buti, một Bing Crosby của Ý và là thần tượng của đám phụ nữ Ý lai căng, mặt vêu vao, đứng dựa các tủ kính của các cửa hiệu trên đại lộ Số Mười đau khổ lắng nghe.
Cửa nhà luôn mở rộng đón bầy con đi học, đi làm về. Sống chết gì thì đồ ăn nóng sốt cũng sẵn sàng trên bàn cho chúng. Đêm đêm, khi cả nhà yên giấc, bà mẹ mới vào giường. Dường như lũ trẻ chưa từng thấy mẹ ngừng mở to mắt cảnh giác với mọi bất trắc trên đời.
Trong cuộc đời, có những năm tháng bà gìn giữ quý trọng như châu báu, ngọc ngà. Trong một mùa đông bà không bao giờ quên được, chỉ vì một hôm Gino đi học về sớm, bắt gặp mẹ ở nhà một mình. Hai mẹ con đã có một buổi chiều tràn đầy hạnh phúc, dù hầu như chẳng nói gì với nhau.
Nó đứng ngắm mẹ cắm cúi ủi quần áo trong buổi chiều chạng vạng, rét căm căm. Rồi nó mở các nắp vung, toàn những món nó không ưa, hết rau đậu trộn dầu giấm, lại khoai tây luộc. Gino nhăn nhó hỏi:
– Không còn gì khác nữa hả mẹ?
Nó trêu bà, vặn núm radio sang kênh Mỹ. Bà giơ tay doạ, nó nhảy vọt tránh.
Thật ra, nó cũng thích nghe đài Ý, nhất là những ca kịch lãng mạn, như chương trình bà đang nghe. Tuy cứ í oái như cãi nhau, nhưng nó có thể hiểu và theo dõi được. Ca kịch Ý chẳng giống kịch Mỹ chút nào. Kịch Mỹ là phải có đánh đấm, đàn ông giết tình nhân của vợ, có bài bản đàng hoàng, chứ không tình cờ. Đàn bà thì đầu độc chồng, thường thường là phải cho anh chồng chết trong đau đớn gào thét mới hấp dẫn. Bố mẹ thì nghiêm khắc nhưng độ lượng, và chẳng hiểu gì con cái cả.
Gino lấy quyển sách mượn từ thư viện ra đọc. Bà mẹ lại cắm cúi ủi quần áo. Hơi nóng toả ra sưởi ấm căn phòng. Sal và Lena chơi đùa dưới phố. Vincent đi làm. Căn hộ hoàn toàn yên tĩnh. Trời tối dần. Gino không còn đọc được nữa. Nó ngửng lên, bắt gặp mẹ đang lặng lẽ nhìn lại. Tiếng nước sôi reo trên lò. Thoang thoảng mùi tỏi, dầu ô liu và bột khoai tây. Bà mẹ với tay bật công tắc đèn.
Gino mỉm cười với mẹ rồi lại cúi trên trang sách. Người mẹ xếp quần áo vào ngăn tủ, rồi ngồi ngắm con đang đọc sách. Còn it tuổi vậy, mà sao nó luôn lặng lẽ, nghiêm nghị, ít khi thấy nó cười. Đã vậy nó lại bướng bỉnh, thỉnh thoảng nổi khùng như thằng cha nó. Rồi bà vào bếp gọt khoai, bắc lên cái chảo lớn. Muỗng mỡ đặc tan trong chảo, bà bỏ khoai vào chiên, khoai vàng, bà đập lên trên hai quả trứng. Rồi lẳng lặng dí đĩa khoai chiên dưới mũi Gino. Nó hí hởn reo lên. Bà bảo:
– Ăn nhanh lên, mấy đứa kia về thì chẳng đứa nào chịu ăn nồi rau của tao đâu.
Nó ngốn vội vàng rồi phụ mẹ dọn bàn ăn cho mấy chị em sắp về tới.
Một mùa đông khác bà cũng không thể quên. Zia Louchee chết trong mùa đông này. Lucia Santa đã khóc bà bạn già thân thiết hơn cả khóc mẹ ruột. Zia Louchee chết cô quạnh trong một mùa lạnh giá, trong gian phòng trống trơn mà bà đã sống cô độc suốt hai mươi năm. Bà chết như một con ve sầu khô héo, hai cẳng chân khẳng khiu co quắp, gân máu đóng băng, khô cứng, xanh lè. Chỉ duy nhất tiếng xì xì của ấm nước sôi trên bếp đều đều, như cất lời an ủi.
Zia Louchee ơi, bà con thân thuộc của bác đâu cả rồi mà để bác chết cô đơn lạnh lẽo thế này? con cái bác ở đâu, mà không nhỏ được giọt nước mắt trước nấm mồ? rồi Lucia lại nhớ bao lần bà ganh tị với đời sống thảnh thơi của bà bạn già, chẳng phải bận tâm lo lắng gì cho con cái. Giờ bà mới thấy mình có phúc hơn. Bà đã có con cháu nối dòng nối dõi, chúng sẽ săn sóc bà lúc tuổi gài sức yếu. Bà sẽ không phải chết trong lạnh lẽo bơ vơ và vùi trong lòng đất như một con vật không ai biết đến.
Rồi cũng trong mùa đông này, như một phép lạ, sau cái chết của Zia Louchee, bà kết thân với mụ “thần nanh mỏ đỏ” zia Teresina.
Teresina là con người vừa đáng gờm vừa đáng nể nhất trong khu phố. Mình xương, cao lớn, váy áo đen ngòm ngòm, để tang người chồng chết từ hai mươi năm trước. Mụ là nỗi khiếp đảm của những cửa hàng thực phẩm, hàng thịt, cho đến dân bán trái cây rong. Mụ trả tiền thuê nhà chậm, chủ nhà không dám ho he một tiếng. Ký giấy tờ xin tiền cứu trợ, các anh điều tra viên không dám vặn vẹo nửa lời. Kẻ nào đụng chạm tới mụ, bộ mặt sát tới xương của mụ vươn ra đầy quỷ quyệt, cái lưỡi nanh nọc phun ra từng tràng chửi rủa. Nhưng khi cần thiết mụ cũng có thể ngọt ngào, mềm dẻo như một con rắn độc.
Bốn thằng con có công ăn việc làm hẳn hoi, mụ vẫn nghiễm nhiên lãnh tiền cứu tế. Mua hoa quả, trả tiền xong, lần nào mụ cũng bốc thêm một quả. Mua thịt, mụ vừa gắt gỏng vừa đe nẹt, vơ thêm mấy miếng mỡ hay thịt vụn. Chính mụ Zia Teresina dạy cho Lucia mua trứng từ đám trộm trứng của xe tải. Đôi khi còn cả thịt gà tươi roi rói. Áo quần, chuối ngon thì cứ đón tụi bốc xếp dưới cảng mà mua. Len, vải, lụa là đã có mấy thằng choai choai quanh xóm, gõ cửa từng nhà, mời chào mồm miệng như tôm như tép đó, toàn hàng không vốn chúng “đánh quả” trên mấy xe đầy ăm ắp. Mua bán với đám tụi này còn đàng hoàng, tử tế hơn lũ Bắc Ý tham lam như bầy kên kên trên đường Số Chín.
Nhưng ai lại chẳng phải sống. Làm sao sống khác người cho được.
Cứ vậy năm tháng qua đi. Năm năm đằng đẵng rồi cũng lao nhanh.
Một hôm lão chủ lò bánh Panettiere thấy vợ chết cứng, tay vùi trong thùng chứa đầy những đồng tiền bằng bạc, vẻ mặt an nhiên, thư thái như vừa giáp mặt Chúa Jesus. Sau đó, lão thay đổi lạ lùng. Đang là người ham công tiếc việc, quần quật như ngựa kéo xe, lão bỏ hết công việc cho thằng Guido. Con trai lão ốm tong teo thấy rõ, vì suốt ngày đứng bên lò. Lão đóng cửa hàng sớm, chẳng thèm làm kem, chẳng dòm ngó tới quầy bánh pizza. Đêm, ngày lão cũng đám bạn già bài bạc om sòm đằng sau hiệu cắt tóc. Nướng dần mòn những đồng tiền vợ lão ky cóp trên bàn cờ bạc. Rồi cứ làm như ông lớn, lão đều đặn dạo phố hóng mát, miệng phì phèo điếu xì gà Mỹ to tổ chảng.
Chính vì hay đi phất phơ như vậy, lão là người đầu tiên phát hiện Octavia cùng anh chồng tương lai rẽ ngã tư đường Số Ba Mươi Mốt vào đường Số Mười, tiến tới chỗ Lucia Santa đang điềm nhiên ngồi trước cửa nhà. Chỉ thoáng nhìn người thanh niên, lão chủ lò bánh đã cảm thấy tội nghiệp cho gia đình Corbo, lại sắp chịu đựng thêm nhiều bất hạnh.
Anh ta ôm kè kè một đống sách, tóc đen chải ngược ra sau, kính cận gọng sừng, mặt gầy nhom, trông rõ ra một dân Do Thái. Hơn nữa, một tay Do Thái sức khoẻ không được tốt.
Ngay lập tức cả khu phố đều biết Octavia sắp lấy một tên ngoại đạo. Vậy là điều ong tiếng ve nhốn nháo cả lên. Người ta không bàn tán vì gã là Do Thái, mà vì gã không phải là người Ý. Chúa ôi! Con bé vớ được thằng Do Thái này ở đâu vậy nhỉ? Đầu đường, cuối phố, từ khu đông tới khu tây này toàn dân công giáo Ái nhĩ Lan, Ba Lan, Ý, vậy mà đi vớ ngay một thằng ngoại đạo. Nhưng một con bé Ý, lúc nào cũng mặc đồ công sở, che kín mít ngực như bà sơ, trông mong gì hơn nữa.
Tuy nhiên, các ông già bà cả, những chú bác cô dì lại lấy làm mừng. Vì dù có muộn thì con bé cũng đã kiếm được tấm chồng mà nương tựa. Hai mươi lăm tuổi rồi, còn bé bỏng gì nữa. Phải lấy chồng cho biết mùi đời như người ta, chẳng hơn làm gái già quàu quạu suốt đời hay sao.
Hàng xóm láng giềng từ ông chủ hiệu bánh đến lão chủ hiệu cắt tóc chuyên đố kỵ, nhìn mái tóc chải ngược ra sau của “thằng Do Thái mà phát ghét”, cũng đều đồng ý “Tụi Do Thái là cái máy làm ra tiền đấy. Con Octavia lại là đứa con gái Ý hiếu thảo, rồi đây mẹ và các em nó tha hồ sung sướng”.
Nhưng bà mẹ lại không chung quan điểm đầy lạc quan đó. Phải, cậu ta cũng bảnh bao, thân mình mảnh khảnh nho nhã, tính nết đàng hoàng, dịu dàng như con gái. Bà cũng chẳng có thành kiến gì với dân Do Thái, vì với tính cảnh giác cao, bà nghi ngờ tuốt từ dân Công giáo, Ái Nhĩ Lan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Do Thái cũng như nhau.
Khổ nỗi thằng này có tật kè kè quyển sách dưới nách chán chê rồi lại mở quyển sách trên tay. Mà đối với Lucia thì “Tụi mọt sách là lũ dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm. Vợ con chỉ có nước chết đói”.
Đấy, chính mắt bà thấy con gái bà say mê đọc sách suốt đêm ra sao. Thay vì đâm đầu vào sách, nó chịu khó may quần áo cho hàng xóm, mỗi tháng cũng kiếm được khối tiền. Còn một điều bà không dám nói ra, chẳng phải vì miệt mài đọc sách mà con bà phải vào bệnh viện đó sao. Bây giờ đến lượt mấy đứa con trai, từ Vincent, Gino, cả thằng Sal chúi mũi vào mấy quyển sách vô tích sự mượn ở thư viện về. Ích lợi gì chớ? Chỉ làm đầu óc mụ mẫm với những chuyện đâu đâu, không có thật. Đúng là lũ dở hơi.
Là dân thất học, bà thoát được cái nạn hư hỏng vì sách. Nhưng bà cũng mơ hồ nhận thấy sách vở cũng có một sức mạnh, do đó ít khi bà phản đối các con. Tuy nhiên, bà đã từng chứng kiến nhiều người thấy cuộc đời cam go, khổ sổ quá mà trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, nếu đàn ông không nên phung phí tiền bạc vào cờ bạc rượu chè, đàn bà không được phí thời gian, sức lực vào những trò mơ mộng viển vông, thì tuổi trẻ cũng không được để thời gian dành cho tranh đấu vì tương lai, bị đầu độc bởi những chuyện thần tiên hão huyền, nhảm nhí.
Đáng lý ra Lucia Santa phải cầm cây Tackeril mà xua Norman Bergeron ra khỏi nhà. Vì hắn đúng là một thằng khùng. Cơm dâng tới miệng mà không biết ăn. Tốt nghiệp ra, được vào làm một nhân viên xã hội, nhưng lại không có lòng sắt đá của một tay quản lý quỹ từ thiện. Hắn tốt bụng một cách ngu ngốc nên bị mất việc. Cứ như một gã đồ tể ngất xỉu vì thấy máu. Vì vậy, một ông chủ mới cho hắn làm chân thư ký hạng bét trong cơ sở quần áo may sẵn của ông ta. Hắn đã gặp gỡ Octavia ở nơi này.
Giống như tất cả những kẻ có bản chất yếu đuối, Norman Bergeron giữ kín một khuyết điểm. Hắn là một thi sĩ. Trời ạ! Không phải là một nhà thơ tiếng Anh, hắn làm thơ bằng tiếng Do Thái cổ, mới khiếp chớ. Tệ hơn nữa, hắn biết rõ, thơ bằng cổ ngữ đó chẳng có ma nào thèm để mắt tới.
Nhưng tất cả những chuyện đó về sau mọi người mới biết. Trước mắt, Octavia phải ngạc nhiên, vì tuy õng ẹo chê lên chê xuống anh ta, nhưng dường như mẹ cô lại có vẻ mừng rỡ, vì cô đã không vớ phải một thằng chồng Ý.
Trái lại Lucia Santa chỉ mong tất cả con trai bà cưới con gái Ý. Những đứa con gái được dạy dỗ từ trong nôi phải tuân phục đàn ông như đối với những ông quan lớn vậy. Cơm bưng nước rót ân cần, tận tuỵ. Như thằng Lorenzo đó, mở mặt mở mày từ khi lấy con bé người Ý, Louisa là một bằng chứng rõ ràng.
Đời bà đã đau khổ vì chồng chúa vợ tôi, đời nào bà muốn đứa con gái yêu quý lại gặp cảnh suốt đời bị giam hãm nơi xó nhà, chỉ được ra đường khi có đám ma, đám cưới. Món ăn không bốc khói trên bàn là bị mấy thằng vũ phu chửi như chửi chó. Bụng chửa vượt mặt, còn phải đứng cheo leo trên thành cửa sổ mà lau chùi, trong khi thằng chồng phì phèo điếu xì gà De Nobili khét lẹt, chớ hề đụng ngón tay giúp vợ, cũng chẳng quan tâm con vợ chửa có thể ngã lộn cổ xuống đường. Phải tạ ơn Chúa vì Octavia đã không lấy một thằng đàn ông Ý. Chỉ duy nhất một lần, nhiều năm sau đó, bà mẹ mới có một câu phê phán việc chọn chồng của con gái. Hôm đó, lần lượt lôi tên từng đứa con ra kể tội cho bạn bè nghe, bà chẳng kiếm được Octavia lỗi gì, nên chỉ mát mẻ:
– Còn cô con gái khôn ngoan nhất nhà tôi, vớ ngay một thằng Do Thái độc nhất trên đời không biết kiếm tiền.
Nhưng dù sao đám cưới này cũng phải tương xứng với năm năm khấm khá của gia đình. Lucia Santa đòi hỏi phải có một lễ lớn trong nhà thờ. Chuyện ấy đối với Norman Bergeron không có vấn đề gì. Làm đám cưới theo nghi lễ Công giáo và sau này con hắn rửa tội cũng được tuốt. Kể ra thằng mãnh đọc sách nhiều, đầu óc cũng phóng khoáng thật. Hắn còn cho Octavia biết bố mẹ hắn coi hắn như đã chết khi hắn quyết định lấy người công giáo, nên ông bà từ con luôn. Nghe vậy, bà mẹ càng mừng, vì được cả con lẫn rể.