Đất Khách Quê Người

CHƯƠNG 3



Buổi sáng, Octavia thức dậy trước khi mặt trời gay gắt tháng tám xua hết hơi đêm thoáng mát. Cô vào bếp rửa mặt, khi trở lại dọc hành lang, qua dãy phòng, không thấy ông cha ghẻ trong giường. Lâu nay, ông ta thường dậy sớm, chắc đã ra ngoài. Còn phòng Larry trống trơn, chứng tỏ cô đoán đúng, thằng này đêm qua ngủ tại nhà Le Cinglata. Hai chú nhóc Gino và Sal nằm ngủ, “chim” lòi ra khỏi quần lót, cô lấy chăn phủ cho em.
Thay quần áo đi làm, Octavia cảm thấy chán nản. Octavia h t một hơi thật sâu cái không khí ấm áp thân quen của gia đình. Ánh sáng ban mai phơi bày tất cả đồ đạc cũ kỹ, rẻ tiền, giấy dán tường bạc thếch, rách bươm.
Những lúc như thế này, cô ngán ngẩm cho một số kiếp hẩm hiu, không gì ớn hơn sẽ có một ngày già như mẹ, một buổi sáng hè ấm áp thức dậy trên một cái giường, trong một căn phòng như vậy, con cái lem nhem bẩn thỉu. Còn phải suốt ngày bù đầu giặt giũ, nấu nướng, rửa chén bát…Cuộc đời chẳng có gì là tao nhã, tốt đẹp cả. Octavia lắc đầu, vừa tức giận, vừa sợ hãi cái viễn cảnh đáng chán đó.
Chải đầu rồi khoác lên người cái áo hai màu xanh trắng rẻ tiền, Octavia ra khỏi nhà, đi bộ trên vỉa hè đã hâm hấp nóng để tới hiệu may. Cô lượn qua nhà Le Cinglata, tò mò nhìn thử thằng Larry có ở đó không.
Khi bà Lucia Santa thức dậy, bà nhận thấy ngay ông chồng vẫn chưa về. Vội kiểm tra tủ áo, thức đôi giày giá hai mươi đô la vẫn còn, bà yên tâm. Thế nào lão cũng bò về.
Bà qua mấy phòng ngủ để vào bếp. Hừ, thằng Larry cũng vẫn bặt tăm. Pha cà phê, ngồi uống một mình, bà Lucia Santa sắp đặt công việc trong ngày.
Thằng Vincenzo bắt đầu làm cho lò bánh. Tốt. Thằng Gino phải phụ việc với bà thay thế cho người cha trốn tránh trách nhiệm. Đó cũng là một cách trừng trị chồng, vì hắn rất thương thằng con trai.
Lucia lấy ổ bánh mì Ý, tròn trịa như bà, cao bằng một đứa trẻ, cắt mấy khoanh dày, phết bơ lên một khoanh bánh cho bà, còn lại dành cho mấy đứa con.
Đây là khoảng thời gian bà khoái nhất, buổi sáng mát mẻ, trẻ con sắp dậy, những người khác đã ra khỏi nhà, bản thân bà đầy đủ sức khoẻ để hoàn tất bổn phận trong đời sống.
“Que Bella Insalata – rau ngon quá này”, tiếng rao lanh lảnh vút lên, cũng vừa lúc mấy thằng bé thức giấc. Chúng nhào ra khỏi giường. Thằng Gino chạy vội tới cửa sổ. Phía dưới, người bán hàng rong đang đứng trên xe ngựa chở rau, tay cầm bó rau xanh mướt như ngọc giơ cao, vừa cất tiếng “Rau ngon quá này”, anh ta không mời mọc, năn nỉ ai mua, chỉ mời mọi người thưởng thức cái ngon của những củ hành trắng nõn, màu nâu của những củ khoai tròn trịa ú nu, những bó hành, cần xanh tươi mơn mởn, bằng giọng thiết tha “Rau ngon quá này”.
Trong bữa điểm tâm, Lucia bảo các con:
– Nghe này, ba các con đi vắng một thời gian ngắn, các con phải giúp mẹ cho tới khi ba về. Vincenzo thì làm bên lò bánh rồi, Gino phải phụ mẹ xách nước, giặt khăn, lau cầu thang. Salvatore lau bụi lan can, cả bé Lena nữa nhé.
Bà mỉm cười với hai đứa nhỏ nhất. Vincenzo cúi đầu rầu rĩ. Thằng Gino bướng bỉnh nói:
– Hôm nay con bận.
– À, ngày nào con chẳng bận. Mẹ cũng bận vậy.
– Mẹ, hôm nay con hẹn thằng Joey Bianco đi lấy nước đá trong bãi ga. Con sẽ đem nước đá về cho mẹ trước khi đem bán. Cho cả bà Zia Louchee nữa.
Lucia nhìn nó âu yếm, làm Vincent phát ghen:
– Tốt, nhưng nhớ tủ đá của mẹ phải đầy. Muốn cho muốn bán thì tính sau, nghe không?
Thấy Vinceng ném bỏ miếng bánh đang ăn xuống đĩa, bà lừ mắt nhìn rồi bảo Gino:
– Nhưng chiều nay phải phụ việc nhà, nếu không là ăn roi đấy.
Doạ vậy thôi, thật tâm, bà thấy thằng bé cũng sắp tới tuổi kiếm tiền, đâu còn thời gian vui đùa nhiều nữa.
Như bất cứ đứa nào cũng cỡ tuổi nó, Gino lúc nào cũng dự định đủ trò trong đầu. Nó nhìn qua cửa sổ sang bãi đất nhà ga, phía bên kia đường đầy ắp những xe chở hàng, phía sau đoàn xe là dòng sông Hudson xanh dờn, long lanh trong nắng sớm. Nó sung sướng chạy xuống cầu thang, băng ra đường phố, rực rỡ mặt trời tháng tám.
Hè đường dưới chân nó ấm áp, gió thổi chiếc áo thun bạc màu sát vào mình nó. Vừa chạy, Gino vừa ngó quanh tìm thằng bạn cộng sự với nó, thằng Joey Bianco.
Joey mười hai tuổi, nhưng thấp hơn Gino. Nó là thằng nhóc giàu nhất khu phố, có tới hai trăm đô la gởi ngân hàng. Mùa đông bán than, mùa hè bán nước đá, toàn đồ ăn cắp trong nhà ga. Nó còn bán bao giấy cho mấy bạn hàng ngoài chợ.
Thằng Joey đẩy cái xe thùng gỗ tới. Với Gino, đó là cái xe ngon lành nhất đại lộ Số Mười. Sáu bánh vỏ cao su đàng hoàng, chở một đô la nước đá hay ba thằng bạn rất nhẹ nhàng.
Hai đứa làm lễ xuất quân bằng một chầu kem. Ông chủ Panettiere hào phóng tặng thêm cho mỗi đứa một muỗng đầy.
Gặp Gino, thằng Joey mừng rơn. Gino luôn giao cho nó việc thu và đếm tiền. Leo lên mui xe là việc của Gino, Joey cũng khoái leo lên lắm, nhưng lại số mất cái xe đẩy của nó. Ăn xong, Gino giục:
– Đi thôi, mày lên xe, tao đẩy cho.
Joey hãnh diện ngồi lên thùng xe, cầm cần lái, Gino đẩy nó băng qua đường, ngang qua chòi của bác bẻ ghi, lọt vào đường trải đá giữa hai đường tàu. Khi chúng nó khuất sau những toa chở hàng rải rác trong bãi, Joey phát hiện một toa tàu cửa phía trên không đóng, nó lôi ra mấy cây móc nước đá. Gino ra lệnh “Đưa cho tao”. Rồi nó chạy lại, leo lên toa chở đá bằng một thang sắt.
Đứng hiên ngang trên mui toa, nó cảm thấy thật tự do. Xa xa là cửa sổ buồng ngủ của nó và bức tường ngôi nhà. Nó nhìn thấy cả những cửa hàng, người, xe tấp nập. Dường như nó đang giương buồm ra biển, trên những toa chở hàng đầy màu sắc với những cái tên đầy lạ lẫm: Union Pacific, Santa Fe, Pnennsylvania. Mấy toa chở gia súc trống trơn, nhưng vẫn bốc mùi nồng nặc. Quay lại, nó thấy bờ dốc đá xanh mướt bên bờ Jersey, thoai thoải xuống mặt nước sông ngan ngát màu trời. Giữa hàng trăm toa chở hàng, vài cụm khói toả lên từ mấy đầu máy đen ngòm, hoà vào không khí trong lành của buổi ban mai mùa hạ.
Thấy Gino cứ đứng ngẩn ngơ ngắm cảnh, Joey hét toáng lên:
– Mau lên, Gino, ném nước đá xuống đi. Cớm giường bây giờ!
Gino lấy móc, kéo những cây nước đá ra khỏi cửa toa, đẩy xuống. Những mảnh đá vỡ, long lanh như bạc tung toé lên tận chỗ nó đứng. Joey ôm từng tảng nước đá, chất lên xe. Thoáng chút chúng đã lấy được một xe đầy. Gino đẩy, Joey kéo ra khỏi bãi.
Gino định đem nước đá về cho mẹ, nhưng lão chủ hàng kem đã chặn hai đứa lại, mua hết xe, một đô la. Chúng bèn trở lại làm thêm chuyến nữa. Lần này cửa hàng thực phẩm cũng mua giá một đô la, lại còn tặng thêm nước ngọt và bánh săng uých.
Say men chiến thắng, hai đứa làm thêm chuyến thứ ba, bán cho hàng xóm tầng một. Nhưng chuyến thứ tư, thì bị sự cố.
Tay cảnh sát sân ga đã phát hiện ra hai tên trộm nhí. Đợi cho chúng đi sâu vào bãi, thùng toa nào cũng mở, lấy mỗi toa một ít, như tụi chuột phá phách, chọn lựa miếng ngon nhất để ăn. Tay cảnh sát tiến về phía hai đứa, chặn lối tẩu thoát của chúng.
Joey nhìn thấy tay cớm trước, la lên báo động cho Gino.
– Chuồn đi, Charlot tới kìa.
Từ trên cao Gino thấy tay cớm chân đi vòng kiềng đã túm được Joey.
Vẫn nắm chặt Joey, tay cảnh sát kê uto:
– Giỏi lắm, nhỏ, xuống ngay, đừng để tao lên. Tao đánh tét đít!
Gino nghiêm mặt, tính toán có nên theo lệnh của tay cớm hay không. Mặt trời như hâm nóng bầu nhiệt huyết, nó biết ở trên cao này thì không có gì phải sợ. Thằng Joey có thể bị tống cổ ra khỏi bãi, cái xe đẩy sẽ bị đập nát, lúc đó nó dư sức chuồn khỏi đây. Nhưng Gino đã đọc truyện “chim mẹ cứu chim con”, nó quyết áp dụng để cứu thằng bạn nghề của nó.
Nó cúi đầu xuống cười cợt, chọc tức:
– Ha, ha. Charlot bắt rồi không nổi, làm sao bắt được ta.
Rồi nó tụt xuống bằng cái thang sắt phía cuối toa, nhưng chỉ vài bậc nó đứng lại chờ.
Tay cảnh sát tức giận hăm đứa thằng Joey:
– Mày đứng yên đấy!
Rồi hắn chui xuống gầm toa để chặn đầu Gino. Ngay lúc đó Gino lại thoăn thoắt leo lên. Tên cớm liền chui trở ra để giữ thằng Joey. Gino cứ nhảy lơn tơn trên mui,miệng hò hét:
– Charlot ẹ quá! Charlot ẹ quá!
– Thằng nhỏ, xuống đây ngay, nếu không, bắt được mày, ông đá cho phọt cứt!
Gino đặt ngón cái lên mũi, bốn ngón kia ngoáy ngoáy, lêu lêu, chạy từ từ dọc mui tàu rồi nhảy vọt sang mui kế bên. Dưới đất, anh cớm chân vòng kiềng gờm gờm nhìn Joey như đe doạ “Không được chuồn!”, rón rén đón đầu Gino. Gino biết ý cớm, phóng qua mấy mui toa nằm sâu trong bãi, cho đến khi nó thấy thằng bạn nó đẩy xe ra tới vùng an toàn, ngoài đại lộ.
Charlot rút dùi cui ra, hét toáng lên:
– Thằng nhỏ, xuống ngay. Đừng để tao phải đuổi bắt mày, lúc đó ăn dùi cui mềm mình, đừng trách!
Hắn định rút súng ra hù, nhưng toán lao động người Ý có thể trông thấy, rất phiền cho hắn. Hắn tức điên lên, khi ngoái lại, thấy thằng Joey đã đẩy xe chạy ra tới đường.
– Thằng mọi đen kia, bắt được mày, tao bẻ cổ!
Phía trên, thằng Gino đã trở lại, đứng nhìn xuống tên cớm, lấy hết sức bình sinh hét thật to:
– D.M. Charlot!
Một cục nước đá bay sát đầu viên cảnh sát. Gino lắc lư đôi mông, dạng hai chân, đi lạch bạch trên mui rồi nhảy từ toa này qua toa khác.
– Thằng ranh này quá lắm, nhưng mày bị vào bẫy rồi. Càng tiến sâu vào bãi càng khó thoát con ạ.
Tên cảnh sát không tức giận vì bị thằng nhỏ chửi, mà nổi sùng vì bị trêu chọc cái tật chân đi chữ bát. Và bị gọi là Charlot.
Thình lình, thằng Gino biến mất. Anh chàng cảnh sát vội hụp xuống gầm toa, xem thằng nhỏ trốn đâu. Thằng ranh mất tăm. Khi đứng dậy ngó quanh, tên cớm ngẩn tò te thấy thằng Gino như đang bay từ mui toa này sang toa ở thẳng đường ra phía ngoài rồi tụt khỏi tàu. Thằng nhãi không hề quay đầu lại, chạy một mạch sang bóng râm của dãy nhà, tỉnh bơ mua kem, đứng mút. Không còn thấy thằng nhóc kia và chiếc xe đẩy nữa.
Anh chàng cảnh sát chỉ còn nước cười trừ. Thằng ranh con láu cá thật. Nhưng hãy đợi đấy, ta phải rình túm được mi, đánh cho mi phải đi kiểu Charlot luôn, cho mi biết thế nào là lễ độ.
Lúc này Gino cần phải tìm gặp Joey để lấy tiền bán nước đá. Nó nghe mẹ nó thét từ lầu tư:
– Gino, nước đá đâu? Thằng quỷ, về mà xực cơm đi!
– Chút nữa con về.
Vừa la lớn trả lời mẹ, nó vừa chạy ra góc phố. Joey rầu rĩ muốn phát khóc vì lo cho bạn, thấy Gino, nó mừng nhảy cẫng lên:
– Trời ạ, mình đang định tới báo cho mẹ cậu…
Gino leo tót lên xe, Joey đẩy bạn tới đại lộ Số Chín mua bánh và nước ngọt rồi tới bóng mát bên bờ tường xưởng sô cô la Runkel, ăn mừng chiến công. Thằng Joey phục bạn ra mặt:
– Bồ cừ thật. Bồ không lừa Charlot thì đâu cứu được mình.
Gino không nói cho Joey biết, nó đã học lóm kiểu đánh tháo này trong truyện.
Những đám mây đen ùn ùn kéo đến, che kín mặt trời hè. Rồi hơi nóng bốc lên từ lề đường trải đá tan đi trong màn mưa ào ào đổ xuống. Hai đứa đứng dưới hàng hiên, ngửa mặt hứng những giọt nước mát rượi tí tách qua lỗ dột.
Ánh sáng lờ mờ như đang ở trong hầm, nhưng vẫn đủ để chơi bài. Joey moi từ túi quần ra bộ bài đen nhẻm dầu nhớt. Gino không thích chơi, vì lần nào thằng Joey cũng thắng. Và lần này cũng vậy, nó thua bạn nửa đô la tiền bán nước đá.
Joey ngập ngừng bảo:
– Gino, bồ cầm lại tiền đi, vì bồ đã có công cứu mình.
Gino từ chối thẳng thừng. Người hùng mà lại nhận tiền công cứu bạn thì còn ra thể thống gì. Nhưng Joey năn nỉ muốn phát khóc. Gino đành phải nhận.
Trời vẫn mưa rả rích. Joey rủ:
– Bồ muốn chơi thêm vài ván nữa không?
– Không.
Rồi mưa tạnh, trời sáng dần. Hai đứa ra khỏi mái hiên. Mặt trời đã ngả về tây, bên kia sông. Joey kêu lên:
– Giê su ma! Mình phải về thôi. Bồ cũng về chứ.
Nhưng Gino không về cùng bạn. Nó đứng ngó công nhân tan ca chiều, từ xưởng sô cô la ùn ùn kéo ra, mùi sô cô la ngọt ngào thơm phức trong không gian mát lạnh.
Nhìn đâu, lòng nó cũng tràn ngập niềm vui, những bức tường gạch đỏ rực trong nắng chiều, trẻ con ào ra đường phố chạy nhảy sau cơn mưa, những con ngựa thong dong kéo xe về phố, một chú ngựa thản nhiên “ị” những cục phân tròn, vàng óng như những quả bóng nhỏ. Các bà mở tung cửa sổ, những chiếc gối lại được đem hong.
Gino chợt thấy nước mưa tạo cái rãnh dọc đường thành con suối nhỏ. Nó nhặt một miếng gỗ phẳng phiu, đặt đồng nửa đô la ngay chính giữa rồi thả cái bè trôi trên dòng nước. Nó chạy theo, cho tới khi cái bè sắp tới chỗ rẽ qua đường khác, Gino nhặt lên, đi ngược dòng, về lại đường Số Chín.
Khi đi ngang dãy nhà bỏ trống, một đám thanh niên cỡ tuổi anh Larry của nó, đang đu đưa bằng những sợi dây thừng, một đầu buộc từ mái căn nhà bốn tầng. Từ cửa sổ tầng hai, chúng nắm dây đu mình từ khung cửa sổ này qua một cửa sổ khác, y như Tarzan.
Một cậu tóc vàng búng người liệng nửa vòng hụt cửa sổ, đạp chân vào tường, xoay một vòng rất điệu nghệ về nơi xuất phát, trông cứ như đang bay vậy. Gino mê tít, nhưng biết đám kia chẳng đời nào cho nó tham gia, vì nó còn nhỏ quá. Gino đành tiếc rẻ, bỏ đi.
Tới góc phố, nó lại đặt đồng tiền lên miếng gỗ thả theo con rãnh nước đang chảy xiết. Lần này, cái bè nhỏ của nó phải luồn lách, dập dềnh giữa rác rến, giấy vụn, lông thú. Gino vừa chạy theo vừa đảo mắt tìm lũ nhóc đã rượt đuổi nó tối qua. Rồi nó lượm tiền lên, bỏ mặc miếng gỗ lách mình qua mấy cái vỏ hộp thiếc, trôi về phía gầm cầu. Vừa rẽ ngã tư, nó bí thằng Sal, em nó, thụi cho một quả ngay bụng. Thằng Sal đang chạy chơi, la toáng lên:
– Cả nhà ăn rồi, mẹ đang tìm anh đó, về mà ăn đòn.
Gino đi ngược trở lại. Qua khu nhà trống, vẫn thấy còn mấy sợi dây. Nó vào nhà, leo lên cầu thang ọp ẹp, tới tầng hai. Căn nhà trống trơn. Nó rón rén bước qua những khoảng trống không còn cánh cửa. Nó đến bên cửa sổ chỉ còn trơ gạch vữa. Gino leo lên, nghiêng mình nắm sợi dây, đu mình ra ngoài. Trong giây phút tuyệt vời, nó cảm thấy bay bổng thật sự. Nó tung người trong khoảng không, dưới kia là đường phố. Nó đạp chân vào tường bay tới, bay lui, càng lúc càng nhanh hơn, như đôi chân là đôi cánh vậy, cho tới khi hai tay bỏng rát, nó từ từ tụt xuống hè đường, cắm cổ chạy về.
Trời đã chạng vạng tối, bây giờ nó mới cảm thấy lo. Nhưng Gino ngạc nhiên không thấy người nhà nó trong đám hàng xóm tụ tập ngoài cửa, kể cả thằng Sal. Nó chạy vội lên cầu thang.
Mới tới lầu hai, nó đã nghe tiếng la hét của mẹ và chị Octavia. Khi nó lò dò vào nhà, cả hai mặt mày đỏ ké, mắt long sòng sọc, nhìn nó đầy đe doạ. Nhưng Gino lại chú ý đến Vincent hơn. Thằng anh nó đang ngồi tại bàn ăn. Mặt mày quần áo anh nó trắng xóa bột. Trông anh nó thật mệt mỏi, đôi mắt đen lô lố trên khuôn mặt đầy bột trắng.
Mẹ nó nói giọng mát mẻ:
– a, anh về rồi đấy à?
Thấy mẹ và chị nhìn nó như những ông quan toà, nó vội lại bàn ăn, ngồi xuống. Thật tình nó cũng đói lả rồi. Bỗng nhận một cái tát ngay thái dương, nó hoa cả mắt. Tiếng mẹ nó oang oang:
– Thằng chó chết. Mày làm gì cả ngày nay? Bẩn thỉu như vầy, ngồi ngay vào bàn mà xực được à? Vincenzo nữa, rửa ráy đi rồi hãy ăn.
Hai anh em vào bếp rửa mặt, rồi quay lại bàn.
Gino rơm rớm nước mắt, không phải vì cái tát, mà vì không ngờ sau một ngày huy hoàng, kết cục lại thê thảm như vậy. Vừa là người hùng mới đây, về nhà gặp ngay bà mẹ và chị hầm hầm coi nó như kẻ thù. Nó cúi gầm mặt, chẳng còn thấy đói nữa. Nhưng khi bà mẹ đặt món ăn nóng sốt, thơm phức lên bàn, Gino lại đói cồn cào.
Octavia lườm nó, nói với mẹ:
– Nó phải làm phần việc của nó chứ. Tại sao thằng Vincent phải gánh vác hết, trong khi bố ruột nó cóc cần gì hết? Nếu nó chỉ chạy rong, không phụ việc nhà thì thằng Vincent nghỉ làm bên lò bánh đi. Vincent cũng phải vui chơi trong dịp hè chớ.
Không hề ganh tị, Gino nhìn mẹ và chị rồi nhìn anh nó uể oải ăn, đầy thương xót. Nó thấy chị nó gần như phát khóc. Hai người săn sóc Vincent ân cần như đối với một người lớn.
Gino lấy tiền đưa cho mẹ.
– Tiền bán nước đá này mẹ. Mỗi ngày con có thể kiếm cho mẹ nửa đô la.
Octavia bảo:
– Tốt hơn là mẹ đừng để nó đi ăn cắp nước đá như vậy nữa.
Bà mẹ nóng nảy:
– Ôi dào, bên đường sắt ai thèm để ý một tí nước đá mấy thằng ranh lấy trộm mà cô lo.
Rồi bà cười, dịu dàng bảo Gino:
– Con giữ lấy, chủ nhật này rủ anh con đi xem phim.
Mặt thằng Vincent rửa hết bột rồi mà vẫn trắng nhợt, trông thằng bé thật căng thẳng và mệt mỏi. Octavia lo lắng ôm em hỏi:
– Họ bắt em làm những gì Vincent? Có vất vả lắm không?
– Không sao đâu, chỉ nóng quá thôi. Em bị bẩn là vì vác những bao bột từ dưới hầm lên ấy mà.
– Lũ khốn kiếp! Mẹ thấy chưa, cái đám nhà quê cà chớn ấy bắt thằng bé bằng ngần này vác nặng, vậy mà thằng con trai nhà ấy còn đòi hẹn hò với con. Lạng quạng nữa con sẽ nhổ nước bọt vào mặt, ngay ngoài phố cho xem.
Vincent nhìn mẹ và chị đầy hy vọng. Chị Octavia nổi giận đùng đùng như vầy, may ra nó sẽ không phải đi làm nữa. Nhưng nghĩ lại, mẹ rất cần tiền, nó cảm thấy xấu hổ.
Bà mẹ nhún vai:
– Năm đô la một tuần, cộng thêm bánh mì cả nhà ăn không tốn tiền, còn muốn gì nữa. Thằng Vincent làm ở đó còn được ăn kem tha hồ, mấy tháng hè lại dành dụm được món tiền. Ba chúng nó đi vắng…
Đụng tới chuyện ba ghẻ, Octavia còn nổ bạo hơn:
– Thì chính vì chuyện đó. Ba nó nói đi là đi, chẳng cần biết cục cứt gì.
Tuy đang tức giận nhưng Octavia đành im thin thít, vì thấy hai thằng em trợn mắt nhìn, không ngờ bà chị nói nhảm thế. Cô hạ giọng bảo:
– Nhưng như vậy là không công bằng với Vincent.
Bà mẹ xổ một tràng tiếng Ý:
– Cô tưởng cô là ai, mà lên lớp dạy đời hả? muốn đi làm cô giáo mà miệng mồm bẩn thỉu như chó vậy à? Nếu muốn có một mái nhà để ra lệnh, thì lấy chồng đi, đẻ con đi, lúc đó tha hồ mà gào thét, dạy dỗ. Tha hồ ra lệnh ai làm gì, làm thế nào, làm ở đâu, bây giờ thì câm đi là vừa.
Bà quay qua Gino:
– Còn mày, mày mất mặt từ sáng tới tối. Có thể bị xe cán, có thể bị bắt cóc là một lẽ. Nhưng trước mắt, ba mày không có nhà, mỗi người phải phụ một tay. Ngày mai mày lại biến như hôm nay, tao sẽ cho mày ăn cái này…
Bà vào bếp cầm ra cái chày cán bột bằng gỗ, cây Tackeril. Giọng bà bỗng khản đi vì tức:
– Đây, tao sẽ đập mày mềm thây bằng cái này. Chúa ôi, mày có là quỷ cũng không thoát được tay tao đâu. Bây giờ ăn cho xong đi, rồi rửa bát, lau nhà. Tối nay khôn hồn đừng để tao nhìn thấy mày chuồn xuống đường.
Giông bão quá rồi. Hai người phụ nữ đã xuống dưới nhà. Gino thoải mái ăn, nó tự hứa từ ngày mai phải phụ mẹ việc nhà.
Vincent không ăn, ngồi nhìn cái đĩa lom lom. Gino vui vẻ nói:
– Em biết là anh phải làm căng lắm. Em thấy anh vác cái giỏ thật bự. Đem đi đâu vậy?
– Không, họ có cửa hàng ở đại lộ Số Chín. Không vất vả lắm đâu, tao chỉ phải vác mấy bao bột từ hầm lên thôi.
Gino nhìn anh, thằng Vincent nói lung tung, hình như anh nó có vấn đề.
Rồi như khoẻ ra, Vincent ăn ngồm ngoàm, chính nó cũng không biết rằng những gì nó cảm thấy trong ngày hôm nay, chính là nỗi sợ hãi của một thằng bé bị quẳn vào một môi trường xa lạ hẳn với sự đầm ấm của gia đình. Đó là kinh nghiệm đầu đời, bị những người xa lạ ra lệnh làm những việc nặng nhọc mà nó chưa từng làm như làm những việc lặt vặt giúp mẹ, đánh bóng đôi giày cho em…
Nó hy vọng trở lại trường vào mùa thua, lại được tự do, sẽ quên chuyện mẹ và chị bắt nó ra khỏi nhà để đi làm. Bây giờ, nó chẳng còn nghĩ gì tới chuyện đá bóng vào buổi sáng, lang thang với bạn bè, ngồi trong bóng mát, vừa lơ mơ ngủ vừa liếm kem mát lạnh. Nó buồn kinh khủng, hình như chỉ có trẻ con mới đau khổ, thất vọng vì những điều bình thường như vậy.
Gino lau bàn rồi rửa bát. Vincent phụ nó lau khô đĩa bát. Nó kể cho anh nó nghe cuộc phiêu lưu trong ngày của nó, nhưng không nhắc gì đến cái bè nhỏ thả trôi trong rãnh, vì cái trò đó trẻ con quá, mà nó đã mười tuổi rồi.
Còn một cái chảo dính dầu, Gino giấu trong lò, rồi hai anh em nó ra phòng khách nhìn xuống đường. Mỗi đứa ngồi trên một thành cửa sổ. Gino hỏi:
– Sao hôm nay bà già và chị Octavia sung vậy?
– Hai người nổi cơn điên vì chuyện ba trốn đi.
Hai đứa đều cười, vì chỉ trẻ con mới đi trốn thôi chứ.
Cuối cùng, chúng thấy ánh đèn đỏ của người hướng dẫn tàu, phía sau, như bóng ma trơi, chấm đèn trắng chập chờn toa đầu máy. Dưới đường, mọi người như những cái bóng, thấp thoáng dưới ánh đèn đường vàng vọt, ánh sáng xanh đỏ hắt ra từ hàng kem, ánh sáng trắng từ hàng thực phẩm và bánh kẹo.
Hai đứa lơ mơ ngủ. Gió mát từ sông vuốt ve mặt chúng. Thoang thoảng hơi nước, hương cỏ cây từ nơi xa xôi đưa về thành phố.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.