Dạy Con Làm Giàu – Tập 10
CHƯƠNG 1
Khác biệt giữa người làm công Và chủ doanh nghiệp?
BẮT ĐẦU TỪ CÁCH NGHĨ ĐÚNG
Lúc tôi lớn lên, người cha nghèo vẫn thường nói, “Đi học cho giỏi để còn có việc làm tốt và nhiều bổng lộc.” Ông khuyến khích tôi trở thành một người làm công.
Người cha giàu lại thường bảo, “Con hãy học cách xây dựng việc kinh doanh của riêng mình và thuê những người giỏi.” Ông khuyến khích tôi trở thành chủ doanh nghiệp.
Ngày nọ, tôi hỏi người cha giàu sự khác biệt giữa người làm công và chủ doanh nghiệp là gì. Ông trả lời, “Người làm công tìm việc sau khi cơ sở kinh doanh đã gầy dựng xong. Công việc của người chủ lại bắt đầu từ trước khi nó ra đời.”
TỈ LỆ THẤT BẠI 99%
Thống kê cho thấy trong 90% các doanh nghiệp mới thất bại trong năm năm đầu tiên. Thống kê cũng cho thấy 90% trong số 10% đã đứng được sau năm năm lại thất bại trước khi kỷ niệm mười năm thành lập. Nói cách khác, đến 99% các doanh nghiệp thất bại trong vòng mười năm. Tại sao? Lý do thì nhiều nhưng căn bản là những điểm sau :
1. Trường học đào tạo sinh viên thành những người làm công đi tìm việc hơn là đào tạo các chủ doanh nghiệp, người tạo ra việc làm và kinh doanh.
2. Những kỹ năng để trở thành một người làm công giỏi không giống với những kỹ năng cần có để trở thành một chủ doanh nghiệp giỏi.
3. Nhiều chủ doanh nghiệp thất bại khi xây dựng việc kinh doanh. Thay vì xây dựng công ty, họ lại cực khổ gầy dựng nên một cái nghề và họ trở thành một người làm tư hơn là người chủ.
4. Nhiều chủ doanh nghiệp làm nhiều giờ hơn mà lại lãnh lương theo giờ thấp hơn người làm công của mình. Do đó mà nhiều người đuối sức và bỏ cuộc.
5. Nhiều chủ doanh nghiệp mới khởi sự thiếu kinh nghiệm sống và thiếu vốn.
6. Nhiều chủ doanh nghiệp có sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời nhưng lại không có kỹ năng kinh doanh để xây dựng nên một công ty thành công từ sản phẩm hay dịch vụ đó.
ĐẶT NỀN MÓNG CHO THÀNH CÔNG
Người cha giàu nói, “ Khởi sự làm ăn giống như nhảy ra khỏi máy bay mà không có dù. Giữa không trung, chủ doanh nghiệp bắt đầu may dù và hy vọng dù bung trước khi chạm đất.” Ông nói tiếp, “Nếu chủ doanh nghiệp chạm đất trước khi may xong dù, anh ta khó mà leo lên lại máy bay và nhảy thử một lần nữa.”
Với những bạn đã đọc bộ sách Dạy con làm giàu, hẳn bạn biết tôi đã nhảy ra khỏi máy bay nhiều lần và việc may dù thất bại. Tin tốt lành là tôi đã chạm đất và nảy lên lại. Cuốn sách này sẽ chia sẻ với bạn những cú nhảy, rơi và nảy lên của tôi. Nhiều thành công và thất bại của tôi nhỏ thôi, vì thế mà cú nảy lên cũng không đau đớn lắm, cho đến khi tôi bắt dầu công ty làm ví nylon Velcro. Thành công của lần kinh doanh đó rất lớn nhưng thất bại cũng thật đau đớn. Phải mất hơn một năm tôi mới vượt qua được cú ngã đó. Điều tốt lành: đó là kinh nghiệm kinh doanh hay nhất của đời tôi. Tôi đã học được rất nhiều điều về kinh doanh và về bản thân mình trong lúc gượng dậy.
VÉT NỨT TRÊN THÀNH ĐÊ
Một trong những lý do tôi té thật đau trong lần kinh doanh ví nylon cho người lướt sóng là vì không chú ý đến những điều nhỏ. Câu “Trèo cao ngã đau” quả đúng với chúng tôi. Công ty ví cho người lướt sóng của tôi phát triển quá nhanh và kết quả là việc kinh doanh vượt quá khả năng của ba ông chủ đã tạo ra nó. Thay vì tạo ra một công ty, chúng tôi dã tạo ra một con quái vật của bác sĩ Franken- stein mà không nhận ra điều đó. Nói cách khác, thành công đột ngột của chúng tôi đã đẩy nhanh tốc độ thất bại. Vấn đề nằm ở chỗ chúng tôi không biết mình đang rơi xuống vực. Chúng tôi cứ tưởng mình đang thành công. Chúng tôi cứ tưởng mình đã giàu rồi. Chúng tôi cứ đinh ninh mình tài ba. Đến độ chúng tôi không cần đến chuyên gia tư vấn (như các luật sư về bằng sáng chế), không cần nghe họ nói gì.
Ba chàng chủ doanh nghiệp thành công chỉ vừa xấp xỉ ba mươi tuổi đó đã không tập trung vào công việc kinh doanh nữa mà lao vào những bữa tiệc thâu đêm. Chúng tôi cứ nghĩ mình đã dựng nên một doanh nghiệp. Cứ ngỡ mình đã là những ông chủ. Chúng tôi say sưa với câu chuyện thành công của mình. Chúng tôi bắt đầu ba hoa. Rượu sâm banh bắt đầu tuôn chảy. Không lâu sau đứa nào cũng sở hữu những chiếc xe hơi thể thao lướt êm ru cùng những cuộc tình chớp nhoáng. Thành công và tiền đã làm mờ mắt chúng tôi. Chúng tôi không thấy được những vết nứt hiện dần trên thành đê.
Cuổì cùng thì đê cũng vỡ. Ngôi nhà bằng các tấm thẻ bắt đầu đổ sập xuống.
Chúng tôi đã nhảy khỏi máy bay không dù.
QUÁ THÀNH CÔNG
Điều tôi muốn chia sẻ về sự thiếu hiểu biết trong kinh doanh của mình là nhiều người vẫn cho rằng thiếu thành công làm một doanh nghiệp thất bại. Quả là đúng như vậy trong nhiều trường hợp. Nhưng lần thất bại trong kinh doanh ví cho người lướt sóng của tôi là một kinh nghiệm quý báu vì ngay từ những ngày đầu cuộc đời làm chủ doanh nghiệp của mình tôi đã hiểu rằng quá thành công cũng có thể giết chết một doanh nghiệp. Bài học của tôi: một doanh nghiệp nếu được thai nghén không đúng cách có thể sẽ thất bại cho dù bước đầu có thành công đi nữa.
CẦN CÙ BÙ VỤNG VỀ
Một doanh nghiệp lên kế hoạch kém vẫn có thể tồn tại nếu chủ doanh nghiệp nỗ lực hết mình và có quyết tâm cao độ. Nói cách khác, cần cù bù đắp được cho sự yếu kém về kế hoạch và cứu cho doanh nghiệp khỏi thất bại. Thế giới này có hàng triệu những chủ doanh nghiệp nhỏ có thể giữ cho cơ sở làm ăn không bài bản của mình tồn tại bằng sự cần cù, ý chí cao, và cũng cách hở đâu bít đó. Nhưng nếu họ ngưng làm việc thì việc kinh doanh sẽ tanh banh và chìm lỉm ngay.
Hàng ngày, người chủ doanh nghiệp sẽ hôn tạm biệt vợ con và đi đến văn phòng làm việc – một chốn chông gai. Nhiều người trên đường đi vẫn nghĩ làm việc chăm hơn, nhiều giờ hơn sẽ giải quyết được những khó khăn trong công việc – những vấn đề như bán chưa đủ doanh số, nhân viên không thỏa mãn, những tay cố vấn bất lực, không đủ nguồn tiền để phát triển kinh doanh, nhà cung cấp tăng giá,… và một ngày không đủ thời gian làm việc, bao nhiêu đây cũng chỉ mới là một phần những vấn đề hàng ngày. Nhiều chủ doanh nghiệp không nhận ra rằng nhiều khó khăn mà doanh nghiệp họ gặp phải hôm nay bắt nguồn từ hôm qua, rất lâu trước khi công ty ra đời.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỉ lệ thất bại cao của các doanh nghiệp nhỏ là sự hụt hơi. Thật khó kiếm tiền và phát triển khi phần lớn thời gian của bạn dành cho những hoạt động không kiếm ra tiền hay khiến bạn phải chi ra mà chẳng có thu nhập bù lại. Nếu bạn nghĩ đến việc khởi sự kinh doanh, trước khi thôi việc, bạn nên nói chuyện với một chủ doanh nghiệp để biết anh ta phải tốn bao nhiêu thời gian cho những vỉệc không hề sinh lợi khi điều hành doanh nghiệp. Tiện thể hỏi luôn anh ta đã đối diện thử thách đó như thế nào.
Như một người bạn của tôi đã nói, “Tôi quá bận lo cho việc làm ăn mà chẳng còn thời gian dành hẳn cho việc kiếm tiền.”
LÀM CỰC VÀ LÀM NHIỀU CÓ ĐẢM BẢO THÀNH CÔNG?
Một người bạn của tôi nghỉ chỗ làm lương cao trong một ngân hàng lớn ở Honolulu và mở quán bán cơm trưa nhỏ xíu trong một khu công nghiệp của thành phố. Anh luôn ao ước được làm chủ công việc và làm việc cho chính mình. Lúc còn là nhân viên tín dụng trong ngân hàng, anh thấy những khách hàng giàu có nhất luôn là các chủ doanh nghiệp và anh muốn phải thay đổi, vì thế mà anh thôi việc để theo đuổi ước mơ của mình.
Mỗi buổi sáng, anh và mẹ anh dậy từ lúc bốn giờ để chuẩn bị cho quán. Cả hai làm việc rất vất vả, cố gắng chắt bóp tiết kiệm để thực khách có bữa ăn trưa ngon miệng với giá phải chăng.
Nhiều năm, tôi vẫn hay ghé ăn trưa và tìm hiểu họ làm ăn thế nào. Họ có vẻ hạnh phúc, với cả khách hàng và công việc. ‘Trong tương lai, mình sẽ mở rộng,” bạn tôi nói. “Mình sẽ thuê người làm những việc nặng cho mình.” Nhưng tương lai đó đã không đến. Mẹ anh mất, quán đóng cửa, và bạn tôi đi làm quản lý cho một cửa hàng nhượng quyền bán thức ăn nhanh. Anh trở lại là người làm công. Lần cuối cùng gặp anh, anh nói, “Tiền lương không nhiều nhưng ít ra bây giờ khỏe hơn.” Trong trường hợp của anh, chiếc dù đã không bung. Anh đã chạm đất trước khi kịp gầy dựng thành công doanh nghiệp.
Tôi có thể nghe bạn nói, “ít ra thì anh ta cũng đã thử.” Hay “Chỉ là không may thôi. Nếu mẹ anh ta còn sống, hẳn họ đã mở rộng và kiếm được khối tiền.” Hay “Sao anh lại có thể bình phẩm những người làm việc cật lực như thế?” Và tôi đồng ý với tất cả những nhận định đó. Tôi không có ý định phê phán họ. Dù không phải thân thích nhưng tôi yêu cả hai người. Tôi biết họ đã hạnh phúc nhưng không khỏi xót xa khi thấy họ làm việc vất vả mà không bứt lên được. Tôi kể câu chuyện này chỉ để đưa ra quan điểm. Một việc làm ăn bắt đầu thất bại trước cả khi nó ra đời. Đó là do sự tính toán kém trước khi anh ấy thôi việc.
LÀM CHỦ DOANH NGHIỆP CÓ PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DÀNH CHO BẠN?
Nếu bạn hoảng sợ trước câu chuyện làm việc vất vả mà vẫn không thành công, trước những thất bại có thể, hay trước chuyện nhảy máy bay không dù và nảy lên đau đớn thì chủ doanh nghiệp không phải là con đường cho bạn.
Nhưng nếu những chuyện này cuốn hút bạn, hãy đọc tiếp nhé. Sau khi đọc xong, ít ra bạn cũng có khái niệm tốt hơn chủ doanh nghiệp cần gì để thành công. Bạn cũng sẽ hiểu rõ hơn làm thế nào để tạo ra, thiết kế và xây dựng một doanh nghiệp phát triển dù có bạn hay không có bạn và có thể làm bạn giàu sụ, vượt xa mọi giấc mơ điên cuồng nhất. Thực ra, nếu bạn đã dự định nhảy máy bay không dù, thì khi thắng, bạn có thể sẽ thắng lớn.
CÔNG VIỆC CỦA CHÚ DOANH NGHIỆP
Phần việc quan trọng nhất của chủ doanh nghiệp bắt đầu trước khi doanh nghiệp ra đời và có nhân viên. Công việc của người chủ là thiết kế cơ sở kinh doanh có tiềm năng phát triển, thuê nhiều nhân viên, tạo ra giá trị cho khách hàng, có trách nhiệm với cộng đồng, mang lại sự giàu có cho tất cả những ai làm việc cho mình, có lòng từ thiện, và cuối cùng nó sẽ không còn cần đến chủ nữa. Trước khi có công ty thực sự, một người chủ thành công đã hình dung rõ ràng mọi việc trong đầu. Theo như người cha giàu, đó là công việc của một chủ doanh nghiệp thực thụ.
THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG
Có lần sau một thất bại kinh doanh tồi tệ, tôi đến gặp người cha giàu và hỏi, “Con đã làm gì sai chứ? Con nghĩ mình đã lên kế hoạch rất tốt mà.”
“Rõ ràng là không đấy chứ,” người cha giàu cười giễu.
“Con phải làm việc này bao nhiêu lần đây? Con là đứa thất bại tệ hại nhất con từng biết.”
Người cha giàu nói, “Người thua chùn bước khi thất bại. Người thắng thất bại cho đến ngày thành công.” Lật xem giấy tờ trên bàn một lúc, ông nhìn tôi và nói tiếp, “Thế giới đầy những người muốn làm ông chủ. Họ ngồi sau bàn giấy, có những chức danh thật kêu, như phó chủ tịch, trưởng chi nhánh, hay giám sát viên và thậm chí một số có lương rất hậu hĩnh. Những người muốn trở thành ông chủ này mơ một ngày khởi sự đế chế kinh doanh của riêng mình và vài người trong số họ một ngày nào đó sẽ thành công. Nhưng cha tin là hầu hết sẽ chẳng bao giờ có ngày đó. Phần lớn ai cũng sẽ viện những lý do như ‘Khi nào mấy đứa nhỏ lớn đã’ hay ‘Đầu tiên tôi sẽ đi học lại.’ hay ‘Khi tôi gom đủ tiền.'”
“Nhưng sẽ chẳng bao giờ họ nhảy ra khỏi máy bay,” tôi nói, kết lại những lời của ông.
Người cha giàu gật đầu.
BẠN MUỐN TRỞ THÀNH LOẠI CHU DOANH NGHIỆP NÀO?
Người cha giàu tiếp tục giải thích rằng thế giới có nhiều kiểu chủ doanh nghiệp khác nhau. Có chủ to chủ nhỏ, có chủ giàu chủ nghèo, có người trung thực hay xảo trá, có người vì lợi nhuận, có người không, có người thánh thiện, có người tội lỗi, có người chỉ trong một thành phố nhỏ, có người ở tầm quốc tế, và có cả thành công lẫn thất bại. Ông nói, “Từ chủ doanh nghiệp là một từ nghĩa rất rộng và đối với những người khác nhau, nó có ý nghĩa khác nhau.”
KIM TỨ ĐỒ
Như tôi đã đề cập trong phần giới thiệu, Kim tứ đồ giải thích có bốn nhóm người khác nhau tạo nên thế giới kinh doanh và thường thì họ khác nhau về chuyên môn, suy nghĩ, và tình cảm.
Nhóm L là người làm công
Nhóm T là những người làm tư, có cơ sở làm ăn nhỏ hoặc người làm chuyên môn
Nhóm C là những chủ doanh nghiệp lớn (từ 500 nhân viên trở lên)
Nhóm Đ là người đầu tư
Ví dụ, người làm công sẽ nói những câu giống nhau, cho dù người đó làm chủ tịch hay bảo vệ công ty. Bạn luôn có thể nghe anh ta nói thế này, “Tôi tìm một công việc đảm bảo, ổn định với lương bổng cao.” Những từ khóa ở đây là ổn định và đảm bảo. Nói cách khác, sự sợ hãi thường giam hãm họ trong nhóm này. Nếu họ muốn đổi sang các nhóm khác thì không chỉ phải là việc học những gì thuộc về kỹ năng mà trong nhiều trường hợp còn là những thử thách tinh thần phải vượt qua.
Một ngưởi trong nhóm T lại nói, “Nếu muốn làm cho đúng việc đó thì bạn phải tự làm thôi.” Trong nhiều trường hợp thử thách đối với người này là học cách tin người khác có thể làm một việc gì đó tốt hơn họ. Sự thiếu lòng tin thường khiến cơ sở làm ăn của họ nhỏ mãi vì thật khó mà phát triển kinh doanh nếu không tin vào người khác. Nếu những người trong nhóm T có phát triển thì thường họ cũng phát triển theo kiểu cộng tác, tức là một nhóm những người thuộc nhóm T kết hợp với nhau làm cùng một việc.
Những người nhóm C luôn tìm kiếm những người giỏi và các hệ thống kinh doanh tốt. Họ không nhất thiết nhúng tay quá sâu vào công việc. Họ chỉ muốn xây dựng một doanh nghiệp để làm việc. Một chủ doanh nghiệp thực sự trong nhóm này có thể phát triển công ty của mình trên khắp thế giới. Còn một chủ doanh nghiệp trong nhóm T thường hạn chế trong một khu vực nhỏ mà anh ta có thể tự điều hành trực tiếp. Dĩ nhiên là lúc nào cũng có trường hợp ngoại lệ.
Nhóm Đ đi tìm những người xuất sắc trong nhóm T hay C để giao tiền cho những người đó làm tiền sinh sôi nảy nở.
Trong quá trình dạy con trai và tôi, người cha giàu đã huấn luyện chúng tôi trước tiên xây dựng một cơ sở trong nhóm T thành công và có khả năng phát triển thành một doanh nghiệp lớn thành công trong nhóm C. Đó cũng là mục tiêu của cuốn sách này.
BẠN MUỐN XÂY DỰNG LOẠI KINH DOANH GÌ?
Người cha giàu khuyến khích con trai ông và tôi đi ra ngoài và học càng nhiều loại kinh doanh càng tốt, đó là một phần của chương trình huấn luyện làm chủ doanh nghiệp của ông. Ông nói, “Làm sao các con có thể làm chủ doanh nghiệp thiết kế ra một kế hoạch kinh doanh khi mà các con không biết các loại hình kinh doanh và các loại chủ doanh nghiệp khác nhau?”
NHỮNG CHỦ DOANH NGHIỆP LÀM TƯ
Người cha giàu giữ vững lập trường rằng nhiều chủ doanh nghiệp thực ra không hề làm chủ mà chỉ là những người tự làm công cho mình (hay làm tư) – những người sở hữu một công việc hơn là công ty. Ông nói, “Có thế con sẽ là người tự làm công cho mình khi tên con cũng là tên của doanh nghiệp, thu nhập của con ngưng chảy vào khi con ngưng làm việc, khi khách đến chỉ để gặp con, nhân viên gọi tìm con khi có khó khăn. Khi con là người tài giỏi, thông minh nhất, được đào tạo tốt nhất trong lĩnh vực của mình, con cũng có thể sẽ là một người tự làm công mà thôi.”
Ông không phản đối gì những chủ doanh nghiệp tự làm công. Đơn giản ông chỉ muốn chúng tôi thấy được sự khác nhau giữa những chủ sở hữu công ty và những chủ sở hữu công việc. Các nhà tư vấn, nhạc sĩ, diễn viên, những người quét dọn, chủ nhà hàng, cửa hiệu nhỏ, và hầu hết các chủ doanh nghiệp nhỏ đều thuộc nhóm sở hữu công việc thay vì sở hữu doanh nghiệp, hay tóm lại là thuộc nhóm T.
Điểm chính người cha giàu muốn làm rõ về sự khác nhau của chủ doanh nghiệp tự làm công và một chủ doanh nghiệp làm ăn lớn là nhiều doanh nghiệp tự làm công sẽ rất vất vả khi phát triển thành doanh nghiệp lớn. Nói cách khác, đó thật sự là một thử thách để chuyển từ nhóm T sang nhóm C. Tại sao? Một lần nữa, câu trả lời vẫn là kế hoạch kinh doanh yếu kém từ trước khi doanh nghiệp thực sự ra dời.
Bản thân người cha giàu cũng từng bắt đầu là một chủ doanh nghiệp tự làm công trong nhóm T. Tuy nhiên, trong đầu mình, ông đã vẽ ra một doanh nghiệp rất lớn do nhiều người giỏi hơn, có khả năng hơn ông điều hành. Trước khi khởi nghiệp, ông đã lập kế hoạch để doanh nghiệp nhóm T của ông có thể phát triển sang nhóm c.
NHỮNG NGƯỜI LÀM CHUYÊN MÔNVÀ NGƯỜI KINH DOANH
Ông cũng muốn chúng tôi biết có nhiều người làm chuyên môn như bác sĩ, luật sư, kế toán, kiến trúc sư, thợ hàn, và thợ điện bắt đầu kiểu kinh doanh tự do dựa theo chính ngành nghề của mình. Những người làm chuyên môn và kinh doanh này cần có giấy phép của cấp có thẩm quyền để hoạt dộng.
Trong số này còn có những nhà buôn chuyên nghiệp, nhiều người được cấp giấy phép làm tư vấn độc lập, ví dụ địa ốc, bảo hiểm hay cổ phiếu. Phần lớn những người này là các chủ doanh làm tư có chuyên môn, hay còn gọi là nhà thầu độc lập.
Vấn đề là đây không phải là một công ty bán hàng vì không thực sự có hàng hóa gì ngoài chính bản thân người chủ. Trong nhiều trường hợp, thực sự không có cả tài sản. Chính người chủ là tài sản. Cho dù anh ta có bán tốt đến thế nào thì mức độ tăng tài sản cũng không đạt được như một chủ doanh nghiệp thật sự trong nhóm C. Ngoài ra, anh ta còn phải chấp nhận “liên tục phát triển” để thành công kinh doanh không bị gián đoạn. Vậy là về cốt lõi, họ chuyển từ một người chủ sang kẻ làm công cho người mua.
Theo quan điểm của người cha giàu, không mắc gì phải làm việc cực nhọc mà lại chẳng tạo ra được tài sản. Vì thế mà ông khuyên con trai và tôi đừng bao giờ mơ ước trở thành người làm công. Ông nói, “Tại sao lại làm việc vất vả mà chẳng xây dựng được gì cả?”
Ở phần sau trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ nói sâu thêm một số cách chủ doanh nghiệp loại này có thể tạo ra tài sản kinh doanh – một tài sản họ có thể xây dựng và bán lại trong tương lai.
CÔNG TY GIA ĐÌNH
Có một bộ phận lớn doanh nghiệp được gọi là công ty gia đình. Loại hình kinh doanh này có tên như vậy vì nhiều doanh nghiệp nhỏ là cơ sở kinh doanh gia đình. Ví dụ như bà ngoại tôi có một cửa hàng tạp hóa và gia đình phụ nhau bán hàng.
Vấn đề nảy sinh là thói gia đình trị. Nhiều người đặt trách nhiệm lên vai con cháu mình cho dù chúng không có khả năng đi nữa vì một giọt máu đào hơn ao nước lã. Thường thì con cái lại không đam mê vào công ty gia đình như bố mẹ hoặc chúng không có tinh thần làm chủ để lèo lái chuyện làm ăn.
NHƯỢNG QUYỀN
Nhượng quyền, như hệ thống McDonald’s, theo lý thuyết là hình thức hoạt động chìa khóa trao tay. Chủ doanh nghiệp bán một cơ sở kinh doanh đã làm sẵn cho người không muốn phải trải qua giai đoạn phát triển và sáng tạo để khởi nghiệp. Nó giống như làm chủ doanh nghiệp tức thời. Một lợi thế đối với kinh doanh nhượng quyền là các ngân hàng sẵn lòng mở hầu bao với người mua nhượng quyền hơn là người muốn khởi nghiệp từ con số không. Ngân hàng thấy tin tưởng những số liệu thành công của các chủ nhượng quyền và cũng đánh giá cao những chương trình huấn luyện mà các hệ thống nhượng quyền hỗ trợ cho các chủ cửa hàng mới.
Một trong những vấn đề lớn nhất của nhượng quyền các tên tuổi lớn là chúng thường khá đắt và ít đất sáng tạo cho những người muốn làm chủ. Nhượng quyền cũng là loại hình kinh doanh thường gặp rắc rối về pháp lý và hay lôi nhau ra tòa.
Một trong những lý do chính của các cuộc cãi vã là người mua nhượng quyền không muốn điều hành cửa hàng theo yêu cầu của người bán nhượng quyền, người sáng lập ra thương hiệu. Một lý do nữa là nếu người mua nhượng quyền làm ăn không thành công thường đổ lỗi cho người bán nhượng quyền. Nếu bạn không muốn đi theo những chỉ dẫn từng chút một của người bán nhượng quyền, tốt nhất bạn hãy tự thiết kế, sáng tạo, và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.
TIẾP THỊ ĐA CẤP VÀ BÁN HÀNG TRỰC TIẾP
Tiếp thị đa cấp và bán hàng trực tiếp được nhiều người công nhận là mẫu hình kinh doanh phát triển nhanh nhất hiện nay trên thế giới. Nó cũng là loại hình gây tranh cãi nhiều nhất. Nhiều người vẫn có phản ứng tiêu cực, cho rằng nhiều công ty tiếp thị đa cấp có phương thức kim tự tháp. Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức kim tự tháp lớn nhất thế giới là các tổng công ty truyền thông với một người trên chót vót, phía dưới là tất cả các nhân công.
Bất kỳ ai muốn làm chủ doanh nghiệp nên xem qua loại kinh doanh tiếp thị đa cấp. Một số trong 500 công ty thành công nhất theo tạp chí Fortune bình chọn như CitiBank, Avon, Levis, và Smith Bamey phân phối sản phẩm bằng tiếp thị đa cấp hoặc hệ thống bán hàng trực tiếp.
Tuy không phải là thành viên của một công ty tiếp thị đa cấp hay bán hàng trực tiếp nhưng chúng tôi rất thích lĩnh vực này. Những ai muốn làm chủ doanh nghiệp nên xét tham gia một trong những công ty này trước khi thôi việc. Tại sao? Nhiều trong số những công ty này cung cấp các kỹ năng lãnh đạo, xây dựng doanh nghiệp và bán hàng rất cần thiết mà không ở đâu có được. Một trong những lợi ích khi làm việc cho một công ty có uy tín là nó dạy cho bạn cả cách nghĩ lẫn lòng can đảm cần có để trở thành một chủ doanh nghiệp. Bạn cũng sẽ trở nên quen thuộc hơn với các hệ thống cần thiết để xây dựng một doanh nghiệp thành công. Phí tham gia thường khá mềm nhưng những bài học thì vô giá. (Để giải thích thêm giá trị đào tạo của những loại hình kinh doanh này, chúng tôi có viết một cuốn sách nhỏ tựa đề Trường kinh doanh: Cho những người thích giúp người [Warner Books]. Muốn biết thêm về cuốn sách này, xin các bạn xem trên trang web www.richdad.com .)
ĂN CẮP HỢP PHÁP
Một trong những lần đàm luận thú vị của Mike và tôi với người cha giàu liên quan đến đề tài những chủ doanh nghiệp đi ăn cắp từ những chủ doanh nghiệp khác. Người cha giàu lấy ví dụ một kế toán làm việc cho một công ty kế toán. Đến một ngày, người kế toán này nghỉ việc và mở công ty riêng với khách hàng là những người anh ta đã từng gặp khi còn làm công ty nọ. Nói cách khác, người kế toán nọ đã bước ra khỏi cửa công ty nhưng mang mối lái theo. Người cha giàu nói, “Cho dù là chẳng có gì phạm pháp nhưng như vậy vẫn là ăn cắp.” Dù đây cũng là một cách xây dựng doanh nghiệp nhưng người cha giàu hẳn nhiên không muốn đó là con đường của con trai ông và tôi.
CHỦ DOANH NGHIỆP SÁNG TẠO
Kiểu chủ doanh nghiệp ông muốn chúng tôi trở thành là chủ doanh nghiệp sáng tạo, giống như Thomas Edison, Walt Disney hay Steve Jobs. Người cha giàu nói, “Làm ông chủ nhỏ thì dễ, giống như cửa tiệm sandwich gia đình. Làm chủ doanh nghiệp thương mại hay chuyên một ngành nghề nào đó cũng tương đối dễ, ví dụ thợ hàn chì hay nha sĩ. Làm chủ doanh nghiệp sao chép và cạnh tranh cũng dễ, đó là những người thấy một ý tưởng hay thì sao chép rồi cạnh tranh với ngay doanh nghiệp đã đẻ ra ý tưởng đó.” (Trong quyển Bảo vệ tài sản số 1 của bạn [Wamer Books], Michael Lechter gọi loại đối thủ cạnh tranh này là “kẻ phá bĩnh” hay là “cướp biển’) Đó là chuyện đã xảy đến khi tôi đi tiên phong trong công nghệ ví nylon Velcro. Khi chúng tôi đã tạo được thị trường và giành được sự quan tâm của công chúng vào sản phẩm mới này thì các đối thủ nhảy vào và chúng tôi bị nghiền nát. Dĩ nhiên tôi không thể trách họ. Có chăng là trách mình vì một lần nữa, tôi đã thiết kế việc làm ăn một cách yếu kém trước khi khởi sự.
Dù tôi bị một vố đau trời giáng, người cha giàu vẫn thấy vui vì tôi học trở thành một chủ doanh nghiệp sáng tạo chứ không phải là một chủ doanh nghiệp sao chép. Ông nói, “Có chủ thành công nhờ sáng tạo, có chủ thành công nhờ sao chép và cạnh tranh.” Ông nói thêm, “Gặp nhiều thử thách nhất trong các loại chủ doanh nghiệp là những người sáng tạo, hay còn được gọi là người tiên phong.”
“Tại sao chủ doanh nghiệp sáng tạo lại là người gặp nhiều khó khăn nhất?” tôi hỏi.
“Vì sáng tạo có nghĩa con thường là người đi tiên phong. Sao chép một sản phẩm thành công và đã được chấp nhận là việc dễ. Và nó cũng ít rủi ro hơn. Nếu con học cách cải tiến, sáng tạo, hay lập ra con đường đến thành công, con là người chủ doanh nghiệp tạo ra giá trị mới hơn là một người thắng lợi bằng cách sao chép.”
CỔ PHẦN VÀ TƯ NHÂN
Phần rất lớn các doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ là công ty tư nhân. Một công ty tư nhân lớn thường được xem như là một công ty quản lý chặt, có nghĩa là công ty thuộc sở hữu chủ chỉ của vài người và lợi nhuận không dành cho người bên ngoài.
Công ty cổ phần là công ty bán một lượng lớn cổ phiếu ra ngoài, thường là qua những người môi giới cổ phiếu và những người bán chứng khoán có giấy phép. Công ty cổ phần bán cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán giống như Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và hoạt động theo những quy định nghiêm ngặt hơn các công ty tư nhân.
Người cha giàu không bao giờ thành lập một công ty cổ phần nhưng ông lại khuyên Mike và tôi lập một công ty cổ phần trên con đường phát triển thành chủ doanh nghiệp của chúng tôi. Năm 1996, cùng lúc thành, lập Công ty Người cha giàu, tôi còn là chủ đầu tư và tham gia thành lập ba công ty cổ phần. Một công ty khai thác dầu, một khai thác vàng và một bạc. Công ty dầu thất bại dù nó tìm ra dầu, đó cũng là một câu chuyện dài. Công ty vàng và bạc kiếm đủ số vàng bạc nó cần. Dù công ty dầu thất bại, công ty vàng và bạc mang lại cho những người đầu tư rất nhiều tiền.
Phát triển công ty cổ phần là một kinh nghiệm tuyệt vời. Như người cha giàu đã nói, tôi học được rất nhiều và trở thành một chủ doanh nghiệp ngày càng giỏi. Tôi hiểu được rằng các quy định cho công ty cổ phần khó khăn hơn, rằng công ty cổ phần thực sự là hai công ty khác nhau phục vụ cho hai đối tượng khách hàng khác nhau – khách hàng thực sự và những người đầu tư – cũng như phục vụ hai ông chủ, ban giám đốc và công ty chứng khoán nhà nước, ví dụ như SEC (ủy ban Giao dịch Chứng khoán). Tôi cũng hiểu các chuẩn mực kiểm toán chặt chẽ hơn và chuẩn bị báo cáo nghiêm ngặt hơn.
Khi tôi khởi sự làm chủ doanh nghiệp, người cha giàu nói, “Giấc mơ của nhiều chủ doanh nghiệp là một ngày công ty họ thành lập được niêm yết trên sàn giao dịch.” Tuy nhiên, sau những vụ Enron, Arthur Anderson, Worldcom, và Martha Stewart, các quy định trở nên chặt chẽ hơn và các yêu cầu chấp thuận phức tạp, tốn kém hơn. Chính phủ cũng dòm ngó các công ty cổ phần. Thành lập công ty cổ phần không vui vẻ như tôi nghĩ. Dù học được nhiều điều, kiếm được nhiều tiền cho bản thân và các nhà đầu tư, trở thành một chủ doanh nghiệp giỏi hơn, và tôi thực sự vui khi trải qua quá trình học hỏi dó nhưng tôi không nghĩ mình sẽ lại mở công ty cổ phần nữa. Loại hình kinh doanh đó là cho những kiểu chủ doanh nghiệp khác. Phần tôi có thể kiếm tiền mà vẫn vui vẻ trong những công ty tư quản lý chặt. (Nếu bạn muốn có thêm thông tin về ưu nhược điểm của công ty tư nhân và cổ phần, chúng tôi khuyên bạn nên dọc cuốn Tiền của người khác, tác giả Michael Lechter, Warner Books, 2005.)
AI CŨNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH CHỦ DOANH NGHIỆP?
Người cha giàu muốn con trai ông và tôi hiểu rằng ai cũng có thể trở thành chủ doanh nghiệp. Làm chủ chẳng có gì là đặc biệt. Ông không muốn ý nghĩ làm chủ làm hỏng đầu chúng tôi. Ồng không muốn chúng tôi coi thường bất kỳ ai hay nghĩ rằng mình “xin” hơn những người khác một khi chúng tôi trở thành những ông chủ thành công.
Về chuyện này, ông nói, “Ai cũng có thể là chủ. Người giữ trẻ bên hàng xóm cũng là chủ. Mà Henry Ford thành lập tập đoàn Ford Motor cũng vậy. Ai có sự tiên phong là có thể làm chủ. Vì thế đừng nghĩ chủ doanh nghiệp đặc biệt hay tốt hơn người khác. Việc của con là xác định loại chủ doanh nghiệp nào con muốn trở thành – giữ trẻ hay là Henry Ford. Cả hai đều có sản phẩm hoặc dịch vụ giá trị. Cả hai cùng quan trọng với khách hàng. Tuy nhiên, họ hoạt động ở những lĩnh vực rất khác nhau, vai trò làm chủ rất khác nhau. Nó giống như sự khác nhau của đá bóng chân đất, đá bóng ở trường trung học, đại học hay đá bóng chuyên nghiệp.”
Qua ví dụ đó, chúng tôi hiểu điều người cha giàu muốn nói. Khi còn học đại học ở New York, tôi chơi bóng đá cho đội trường và có cơ hội tập luyện với vài cầu thủ chuyên nghiệp của đội New York Jets. Dù thời gian rất ít nhưng tất cả thành viên trong đội bóng của trường nhận ngay ra rằng dù chơi cùng một thứ bóng nhưng chúng tôi ở hai đẳng cấp hoàn toàn khác nhau.
Tôi làm hậu vệ biên và việc đầu tiên là cố gắng tấn công một cầu thủ New York Jets đang chạy vượt đường biên. Tôi nghĩ là anh chàng không hề chú ý tôi đã tông vào anh. Anh ta chạy lướt qua tôi. Cảm giác như tôi đang cố tấn công một con tê giác đã được sạc điện. Không phải tôi làm đau anh ta mà rõ ràng là ngược lại. Chàng cầu thủ nọ và tôi ngang nhau về kích cỡ và tôi nhận ra sự khác biệt không nằm trong thể chất mà là tinh thần. Anh ta có trái tim, khao khát, và một tài năng bẩm sinh để trở thành một cầu thủ xuất sắc.
Bài học của ngày đó là chúng tôi chơi cùng một môn thể thao nhưng không cùng đẳng cấp. Thế giới kinh doanh và trò chơi doanh nghiệp cũng vậy. Chúng ta ai cũng có thể là chủ doanh nghiệp. Làm chủ chẳng có gì to tát cả. Câu hỏi đúng hơn khi lên kế hoạch kinh doanh là “Bạn muốn chơi ở đẳng cấp nào?”
Giờ đây khi đã lớn hơn và khôn ngoan hơn, tôi không còn ảo tưởng rằng mình sẽ là một ông chủ vĩ đại như Thomas Edison, Henry Ford, Steve Jobs hay Walt Disney. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể học hỏi từ họ và xem họ là người dẫn đường, là mẫu hình lý tưởng.
Đó là bài học làm chủ số 1 của người cha giàu, “Một công ty thành công được hình thành từ trước khi nó ra đời.”
Phần việc quan trọng nhất của một chủ doanh nghiệp là thiết kế công ty trước khi nó ra đời.
ĐẶT NỀN MÓNG CHO THÀNH CÔNG – THIẾT KẾ KINH DOANH
Hầu hết các chủ doanh nghiệp mới đều rất phấn khích khi có một sản phẩm mới hay một cơ hội mà họ nghĩ sẽ giúp họ làm giàu. Tiếc là phần lớn lại chỉ quan tâm đến sản phẩm hay cơ hội hơn là dành thời gian tính toán khai thác sản phẩm hay cơ hội đó như thế nào. Trước khi thôi việc, cũng là một việc hay nếu bạn tìm hiểu đời sống của các chủ doanh nghiệp và những loại hình kinh doanh khác nhau mà họ lập ra. Rất nhiều lần, người ta đi xin lời khuyên kinh doanh từ người có kinh nghiệm của một người làm công chứ không phải người làm chủ.
Trong phần sau cuốn sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu Tam giác C -Đ, phác họa những yếu tố cần có để tạo nên bất kỳ chuyện làm ăn nào, dù to hay nhỏ, nhượng quyền hay sở hữu riêng, công ty gia đình hay phát hành cổ phiếu. Khi đã hiểu được những yếu tố khác nhau tạo nên doanh nghiệp, bạn sẽ dễ dàng lập kế hoạch kinh doanh hơn nhiều cũng như đánh giá được cái nào tốt cái nào xấu.
Chúng tôi cũng luôn đề nghị bạn nên có một chuyện kinh doanh thêm bên cạnh công việc chính hằng ngày, không phải vì tiền mà vì những kinh nghiệm. Có nghĩa là cho dù công việc làm thêm không kiếm ra tiền đi nữa, bạn vẫn có được một thứ còn quan trọng hơn cả tiền – kinh nghiệm sống thật sự. Không chỉ là những điều bạn hiểu về kinh doanh mà bạn sẽ hiểu về chính mình.
PHẦN THƯỞNG
Một trong những lý do mang lại thành công cho Công ty Người cha giàu là doanh nghiệp do ba người chủ thành công sáng lập: Sharon, Kim và tôi. Mỗi chúng tôi góp kinh nghiệm và quan điểm cá nhân cho cả nhóm. Sharon là một sinh viên hạng A xuất sắc, một kế toán công có chứng chỉ đã chuyển qua lĩnh vực doanh nghiệp. Cô đã mở và phát triển nhiều công ty riêng trước khi mở Công ty Người cha giàu với Kim và tôi. Sharon sẽ chia sẻ tầm nhìn riêng cùng những suy nghĩ và kinh nghiệm liên quan đến mỗi bài học như một phần quà cho các bạn.
Bài học 1: Một công ty thành công được hình thành từ trước khi nó ra đời.
Con đường làm chủ doanh nghiệp giống cuộc hành trình băng qua hoang mạc. Nếu bạn muốn sống sót và đến đích thành công, bạn phải chuẩn bị trước. Trước khi băng qua rừng, bạn phải khăn gói kỹ càng để đảm bảo có đủ những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Hãy nghĩ đến những trở ngại và nguy hiểm mà bạn có thể sẽ phải đối đầu. Bạn nghe dự báo thời tiết. Chuẩn bị đầy đủ áo quần, thiết bị, thức ăn và nước uống. Con đường làm chủ doanh nghiệp cũng đòi hỏi chuẩn bị kỹ như thế. Những chuẩn bị nào là cần thiết để giúp bạn có vị thế đảm bảo nhất đến thành công?
• Bắt đầu bằng việc đảm bảo rằng mình có cách nghĩ đúng – rằng bạn hãy suy nghĩ giống một chủ doanh nghiệp chứ không phải một người làm công.
• Làm bài tập: nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng, và đối thủ cạnh tranh.
• Xác định những kỹ năng cần thiết để kinh doanh thành công trong thị trường đó và tập hợp một nhóm những đối tác và các nhà tư vấn cung cấp những kỹ năng bạn cần.
• Xác định những lợi thế cạnh tranh và những cách làm mình khác biệt trong suy nghĩ của khách hàng tiềm năng.
• Đặt ra một kế hoạch kinh doanh, phác thảo con đường đi đến thành công.
• Đặt ra cơ sở pháp lý đầy đủ cho doanh nghiệp của bạn.
Cơ sở pháp lý chúng tôi muốn nói là gì? Có vài ví dụ:
• Bạn chọn một loại hình pháp lý đem lại mức trách nhiệm hạn chế nhất và mức thuế thấp nhất (có thể đọc cuốn Sở hữu tập đoàn riêng của Garrett Sutton, Warner Books).
• Bạn có tất cả giấy phép cần thiết, đảm bảo các hợp đồng thỏa thuận dạng văn bản đầy đủ và rõ ràng để tránh những hiểu lầm trong tương lai.
• Có sự bảo vệ pháp luật phù hợp để bạn có thể duy trì lợi thế cạnh tranh. Như chồng tôi, Michad Lechter nói là: bạn dựng một pháo đài quanh quyền sở hữu trí tuệ để có thể đánh trả những kẻ phá bĩnh hay những tên cướp biển trong số các đối thủ của bạn (có thể đọc cuốn Bảo vệ tài sản số 1 của bạn do Michad viết, Warner Books).
CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG
Một chủ doanh nghiệp có những đặc điểm gì? Về mặt tinh thần, một chủ doanh nghiệp có gì khác với mọi người? Hẳn nhiên, dám chấp nhận những rủi ro có tính toán là một yếu tố. Một yếu tố nữa là ý chí vượt lên những nếp nghĩ thông thường. Micheal vẫn hay nói rằng một chủ doanh nghiệp sẽ “nghi ngờ” và thử làm gì đó cho dù mọi người xung quanh đều nói không thể được.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đặc điểm xác định một chủ doanh nghiệp thật sự là sáng tạo và khả năng đạt được những điều nằm ngoài nguồn lực của họ. Họ là tay tổ trong việc giải quyết khó khăn, chuyển những trở ngại thành những tài sản trí tuệ vô giá và biết cách tận dụng những tài sản trí tuệ đó vào kinh doanh. Họ là bậc thầy trong việc sử dụng tiền và nguồn lực của người khác. Phương châm của một ông chủ là, “Để xem chúng ta có cách nào làm việc đó”, và không bao giờ ta nghe những câu tiêu cực như, “Chúng ta không thể làm được” hay “Chúng ta không đủ lực”.
KHỞI ĐẦU
Lập doanh nghiệp hay mua doanh nghiệp?
Không thể kể hết có bao nhiêu người nói với chúng tôi rằng họ muốn khởi nghiệp. Câu chuyện vẫn hay diễn ra như thế này:
“Sharon, tớ rất phấn khích chuyện sắp kinh doanh riêng,” Susan nói.
Tôi trả lời, “Tuyệt, thế cậu quan tâm kiểu kinh doanh nào vậy?”
Susan trả lời không chút ngập ngừng, “Mình muốn kiểu kinh doanh mang lại lợi nhuận cao mà các nhân viên có thể chủ động để mình có nhiều thời gian cho gia đình. À mà mình không muốn đầu tư nhiều đâu nha.”
Đến lúc đó thì tôi biết Susan không thực sự là một chủ doanh nghiệp và có thể chẳng bao giờ trở thành một bà chủ được. Cô hoàn toàn không hiểu được sự toàn tâm toàn ý cần có để xây dựng doanh nghiệp thành công. Rằng “Mình không muốn đầu tư nhiều đâu nha” và “Mình muốn kiểu kinh doanh mang lại lợi nhuận cao” cho thấy cô thực sự muốn một doanh nghiệp do một doanh nhân thành công dựng nên. Người bán đã tạo ra giá trị và sẽ được Susan bồi thường cho những giá trị đó. Cô ấy sẽ phải mua những giá trị hiện có. Trong trường hợp này, trừ khi Susan biết làm thế nào có thể đưa việc kinh doanh lên tầm cao mới hoặc biết cách thâm nhập thị trường mới, không thì cô ấy đang mua việc làm chứ không phải xây dựng doanh nghiệp.
Có những khác biệt lớn giữa người chủ doanh nghiệp gầy dựng nên doanh nghiệp riêng và mua doanh nghiệp khác. Với ví dụ của Susan, rõ ràng là cô ây muốn “mua” chứ không phải muốn “gầy dựng” doanh nghiệp cho mình.
Việc mua một cơ sở kinh doanh không có gì sai. Tuy nhiên, chính sự SÁNG TẠO mới tạo năng lượng cho một chủ doanh nghiệp. Xây dựng một doanh nghiệp từ con số không trở nên thành công, tạo ra giá trị và bền vững là mục tiêu thực sự của một chủ doanh nghiệp. Chính phần SÁNG TẠO mang lại lợi nhuận tối đa và đôi khi những khoản lợi không kể hết cho những gì đầu tư. Khi bạn mua sự sáng tạo của ai đó thì thông thường họ, chứ không phải là bạn, thu lợi tối đa. Dĩ nhiên không có nghĩa việc mua lại một doanh nghiệp có sẵn là “sai”, đặc biệt nếu bạn sử dụng được tài năng hoặc thứ gì đó để đưa việc kinh doanh lên đẳng cấp mới hoặc khi mua doanh nghiệp chỉ là một phần trong một kế hoạch lớn hơn.
Ví dụ, mua nhượng quyền xong không phải là lúc cuộc chơi chấm dứt cho một chủ doanh nghiệp thật sự. Nhượng quyền có thể là một bước đi tuyệt vời – là cơ sở đào tạo cho chủ doanh nghiệp – nhưng trong nhượng quyền có rất ít chỗ để thể hiện vai trò làm chủ và những nỗ lực kinh doanh. Khi mua nhượng quyền, người mua mua quyền sử dụng thương hiệu và các hệ thống kinh doanh đã được phát triển trong mối hợp tác với doanh nghiệp của người bán nhượng quyền (và đôi khi cả quyền tham gia vào những chương trình bán hàng hay tiếp thị chung) . Một lợi ích của kinh doanh nhượng quyền là nó có uy tín tức thời (ví dụ với người cho vay) vì các hệ thống đã được người bán nhượng quyền kiểm nghiệm và chứng tỏ độ tin cậy. (Dĩ nhiên, để nhượng quyền được thành công, người mua nhượng quyền phải đóng góp rất tích cực.)
Tuy nhiên, sự thống nhất của các cửa hàng nhượng quyền với nhau là một trong những yếu tố hàng đầu để việc nhượng quyền thành công. Thực tế, theo luật định, người bán nhượng quyền được yêu cầu phải kiểm soát việc kinh doanh của người mua nhượng quyền, nếu không người bán sẽ mất những quyền lợi giá trị. Dù có một số người chủ nhượng quyền đồng ý thực hiện những đề xuất từ người mua nhượng quyền, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay người chủ. Vì thế sự sáng tạo của người mua nhượng quyền rất hạn chế và đôi khi tinh thần làm chủ của họ bị bóp nghẹt.
Lời một chủ nhượng quyền
Qua những vụ nhượng quyền của chúng tôi trong nhiều năm, tôi chú ý có bốn vấn đề lớn. Hiểu được mối liên hệ giữa bốn vấn đề này là điều tôi chú trọng khi huấn luyện những người mới mua nhượng quyền.
1. Từ ngữ: Những từ ngữ nào định hướng cho việc nhượng quyền của chúng tôi?
Tôi đón khách như thế nào? Tôi bán cho khách hàng như thế nào? Tôi sử dụng những từ ngữ nào để điều hành và xây dựng văn hóa công ty?
Từ ngữ được sử dụng trong công ty luôn cho bạn biết nhiều điều về công ty.
2. Số liệu: Những con số nào tôi dùng để kiểm tra những từ tôi đang dùng?
Lời chào hàng rất quan trọng. Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu cuộc bán hàng thành công, chi phí bao nhiêu, tôi có thể đo dòng tiền vào và ra không?
Số liệu thể hiện hiệu quả của kinh doanh nhượng quyền.
3. Biểu tượng: Những biểu tượng nào đại diện cho công ty mà tôi muốn cả thế giới biết đến?
Chữ, số, hoặc hình ảnh có thể là biểu tượng, logo, đồng phục, con người – tất cả những thứ đánh bóng việc nhượng quyền và thương hiệu của bạn.
Biểu tượng đánh bóng việc kinh doanh nhượng quyền của bạn.
4. Hành động tập trung: Đây là phần lõi của kinh doanh nhượng quyền. Nó tạo nên hoặc hủy hoại bất kỳ công ty nào. Tôi đang làm gì đây? Dù bạn đang làm gì thì hành động tập trung hoặc hỗ trợ bạn hoặc phá hoại bạn trong việc xây dựng nhượng quyền của mình.
Tôi đã lập ra một công thức kết hợp bốn yếu tố này để sử dụng cho tất cả các việc kinh doanh tôi lên kế hoạch:
(Từ ngữ + số liệu) x biểu tượng/ tập trung
Tóm lại, người mua nhượng quyền phải tập trung vào hệ thống kinh doanh đã có chỗ đứng, kể cả từ ngữ họ sử dụng, những số liệu họ đạt được, và những biểu tượng họ sử dụng để đạt được thành công lớn nhất trong các cửa hàng nhượng quyền. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc mua nhượng quyền là chủ nhượng quyền đã tạo ra tên tuổi thành công cho hệ thống kinh doanh.
Kelly Ritchie
Hệ thống Quản lý Nhượng quyền
Lập doanh nghiệp hay tạo việc làm?
Robert đã nói về những người chủ làm tư, những người xây dựng một công ty nhỏ dựa trên chính bản thân họ. Có lẽ đó là người sở hữu một công việc hơn là một doanh nghiệp. Người cha giàu có một tiêu chí về sự khác nhau giữa công việc và công ty. Nếu bạn tách khỏi công ty một năm và khi quay lại thấy nó lớn mạnh hơn tức là bạn đã xây dựng một doanh nghiệp lớn, thuộc nhóm c. Nếu không thể tức là bạn đã tạo ra một công việc hay là một doanh nghiệp nhỏ nhóm T. Ví dụ, nhiều luật sư hay kế toán thành công đến độ khách hàng chỉ muốn làm việc với họ. Càng thành công, họ càng có ít thời gian. Tức họ sở hữu công việc chứ không phải công ty. Có sự khác nhau rõ ràng giữa hai nhóm.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn không thể xây dựng doanh nghiệp dựa trên chuyên môn và sự sáng tạo của bạn. Bạn chỉ đơn giản tìm cách để tận dụng chúng: tạo ra những hệ thống cho phép người khác (nhân viên và người hợp tác với bạn) áp dụng được chuyên môn và sự sáng tạo của bạn.
LÝ DO NÀO ĐỂ BẠN KHỞI NGHIỆP?
Vì chúng ta mở đầu cuốn sách này về việc trở thành chủ doanh nghiệp nên hiểu được Động cơ cá nhân của bạn khi muốn khởi nghiệp là điều quan trọng. Bạn hãy tự hỏi mình những câu sau:
1. Tại sao tôi muốn sở hữu doanh nghiệp riêng?
2. Tôi muốn sở hữu doanh nghiệp riêng đến mức nào?
3. Tôi muốn chơi ở đẳng cấp nào?
4. Tôi sẵn sàng gắng sức chơi đến đẳng cấp nào?
5. Tôi có sẵn sàng dành thời gian để học hỏi từ những chủ doanh nghiệp thành công và công việc của họ?
6. Tôi có sợ thất bại?
7. Tôi có thể chuyển nỗi sợ thất bại thành sức mạnh để dẫn dắt doanh nghiệp?
8. Tôi có học được từ những sai lầm của mình?
9. Tôi có thể xây dựng một ê-kíp hay tôi thích làm việc một mình?
10. Tôi có sẵn sàng trả giá?
11. Tôi có sẵn sàng đầu tư thời gian bây giờ để được hưởng thành quả sau này?
12. Tôi có chấp nhận trì hoãn hưởng thụ những thành quả tài chính, cho đến khi việc kinh doanh thành công hay tôi muốn có thu nhập ổn định?
Sau khi trả lời những câu hỏi trẽn mà bạn vẫn kiên quyết khởi nghiệp, hãy tiến thêm một bước qua những câu hỏi sau đây:
• Những thành tựu lớn nhất của bạn là gì?
• Những thất bại lớn nhất của bạn là gì?
• Đã bao nhiêu lần bạn làm việc không được trả tiền?
• Bạn có chấp nhận làm cho công ty này không lương không?
• Gia đình và bạn bè có ủng hộ về mặt tinh thần những nỗ lực của bạn trong công việc này không?
• Bạn có sẵn sàng tự học tất cả những yếu tố trong Tam giác C-Đ (những yếu tố căn bản của một doanh nghiệp thành công sẽ được thảo luận và đánh giá trong suốt cuốn sách này)?
Nếu sau khi đã trả lời tất cả những câu hỏi này mà bạn vẫn hăm hở trở thành chủ doanh nghiệp thì có lẽ bạn đã có những gì cần thiết để trở thành người chủ thành công.
Xin chúc mừng bạn bước vào con đường đi tìm tự do tài chính!
Học cách biến cái rủi thành cái may.
Có một sự trớ trêu là những gì làm người ta thông minh cũng làm họ kém thông minh – đó là họ học từ những sai lầm của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.