Dạy Con Làm Giàu – Tập 10
CHƯƠNG 10
Kết luận
BIẾT KHI NÀO THÌ NÊN THÔI VIỆC
Không thích công việc hiện tại không phải là lý do để bạn trở thành chủ doanh nghiệp. Nó có vẻ là một lý do chính đáng nhưng lại không phải là lý do thuyết phục. Rõ ràng là còn thiếu một sứ mệnh đủ mạnh. Dù hầu như ai cũng có thể trở thành ông chủ nhưng tinh thần chủ doanh nghiệp không phải ai cũng có.
Có một câu nói từ rất xưa “Người thắng không bao giờ bỏ cuộc còn người bỏ cuộc thì chẳng bao giờ thắng.” Cá nhân tôi không đồng ý với câu này. Đời đâu có đơn giản thế. Thực tế, người thắng cũng phải biết lúc dừng. Có những lúc trong đời, chấm dứt một chuỗi thất bại là cách tốt nhất, thừa nhận mình phải bỏ cuộc hay đã đốn nhầm cây là cách tốt nhất.
Theo ý tôi, người bỏ cuộc đơn giản là người ngưng lại khi mọi việc trở nên khó khăn. Tôi đã từng bỏ cuộc nhiều lần trong đời. Tôi đã từng bỏ kế hoạch ăn kiêng, chương trình thể dục, bao nhiêu là bạn gái, công ty, sách, chuyện học hành và bao nhiêu thứ khác nữa. Cứ mỗi năm tôi lại lên quyết tâm cho năm mới rồi lại quăng sang một bên. Vì thế tôi hiểu bỏ cuộc là gì và tôi cũng là một kẻ bỏ cuộc.
Một trong những lý do tôi không bỏ cuộc trên con đường trở thành chủ doanh nghiệp vì tôi rất muốn trở thành một ông chủ. Tôi rất khao khát chuyện đó. Tôi muốn tận hưởng sự tự do, độc lập, sự giàu sang và khả năng đóng góp vào thế giới này những gì một chủ doanh nghiệp có thể. Nhưng dù có muốn trở thành chủ doanh nghiệp thành công đến mấy, cái ý định bỏ cuộc đầy mạnh mẽ kia lúc nào cũng chờ sẵn trước mặt tôi, mở cửa gọi mời. Thật dễ bỏ cuộc khi tôi hết tiền hay nợ nần chồng chất. Thật dễ bỏ cuộc khi chủ nợ đến gõ cửa. Thật dễ bỏ cuộc khi cục thuế báo tôi nợ thuế cũ quá nhiều. Thật dễ bỏ cuộc khi dự án thất bại và người cộng tác tương lai ra đi. Khi công việc khó khăn, ý nghĩ bỏ cuộc lại đến thật gần, chỉ trong gang tấc.
Đối với tôi, trở thành chủ doanh nghiệp là một hành trình, cuộc hành trình tôi vẫn còn đi tiếp. Tôi tin mình mãi vẫn là một chủ doanh nghiệp tập sự suốt đời. Tôi thích kinh doanh và thích giải quyết những khó khăn kinh doanh. Đã có lúc tôi phải ngưng vì thua lỗ, đóng cửa công ty, thay đổi hướng đi, nhưng trên con đường trở thành chủ doanh nghiệp, tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, ít ra là cho đến bây giờ. Đó là một hành trình tôi yêu. Đó là hành trình đưa tôi đến với cuộc sống tôi muốn. Vì thế dù con đường có chông gai đến đâu, nó vẫn đáng theo đuổi. Những con đường chông gai cho tôi chưa hẳn đã chông gai cho bạn. Một lý do khi viết cuốn sách này là tôi muốn làm cho cuộc hành trình được thuận lợi hơn cho những ai sắp bước vào hoặc đã bước vào con đường này.
Trước khi kết thúc cuốn sách này, tôi nghĩ nên chia sẻ với bạn một điều nhỏ đã giúp tôi không ngừng vươn tới. Đó là ánh sáng trong bóng tối, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất. Tôi có một miếng giấy nhỏ dán trên đế điện thoại trong văn phòng ở công ty sản xuất ví. Miếng giấy đó ở trong một gói bánh Trung Quốc. Nó viết thế này, “Lúc nào bạn cũng có thể bỏ cuộc. Vậy sao không bắt đầu mọi chuyện bây giờ đi?” Có nhiều cú điện thoại rất đáng là lý do để tôi bỏ cuộc. Nhưng cứ mỗi khi gác máy, tôi lại nhìn vào những lời thông thái đó và tự hỏi “Dù mình có muốn bỏ cuộc đến mấy thì cũng không phải là hôm nay. Để ngày mai hẵng bỏ cuộc.” Và may mắn là ngày mai đó chưa hề tới.
TRƯỚC KHI BẠN THÔI VIỆC, CHÚNG TÔI CHO BẠN NHỮNG LỜI KHUYÊN NÀY
1. Kiểm lại thái độ. Thái độ gần như là tất cả. Chúng tôi không khuyên bạn làm chủ doanh nghiệp chỉ để kiếm tiền. Có những cách kiếm tiền khác dễ hơn nhiều. Nếu bạn không thích kinh doanh và những thử thách trong kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp có lẽ không phải là con đường dành cho bạn.
2. Thu thập càng nhiều kinh nghiệm của năm yếu tố trong Tam giác C-Đ càng tốt. Trong những cuốn sách trước đây, chúng tôi khuyên mọi người làm để học chứ không làm vì tiền. Thay vì tìm việc làm vì tiền, hãy tìm việc làm để có kinh nghiệm. Ví dụ nếu bạn muốn có kinh nghiệm về kinh doanh, hãy làm thêm ở McDonald’s. Bạn sẽ phải ngạc nhiên trước những gì diễn ra lúc có khách hàng nói “Tôi muốn một Big Mac và khoai tây chiên.” Lúc đó, các hệ thống kinh doanh được thiết kế vào hàng tốt nhất thế giới sẽ chạy. Đó là một hệ thống được thiết kế tuyệt vời ban đầu được thực hiện bởi những người phần lớn chỉ tốt nghiệp trung học.
3. Luôn nhớ BÁN HÀNG = THU NHẬP. Các chủ doanh nghiệp cần bán hàng giỏi. Nếu bạn không bán hàng giỏi, cần phải lĩnh hội thật nhiều kinh nghiệm trước khi thôi việc. Tôi từng nghe Donald Trump nói, “Có những người bán hàng bẩm sinh. Nhưng còn lại thì ai cũng có thể học bán hàng.” Tôi không có tài năng bẩm sinh đó. Tôi phải học mà thành. Nếu bạn muốn được đào tạo bán hàng thật giỏi, bạn thử tham gia vào một công ty tiếp thị đa cấp hay một công ty bán hàng trực tiếp.
4. Lạc quan nhưng cũng thành thật với chính mình, cần phân biệt thành thật
hết mức với bi quan. Tôi biết có những người biện giải với bạn vì sao một việc không chạy được cho dù nó đang chạy. Tôi biết những người luôn chứa trong đầu bất cứ suy nghĩ tiêu cực nào có thể. Những người suy nghĩ tiêu cực hay bi quan không giống với những người biết thành thật với chính mình.
5. Bạn sử dụng tiền như thế nào? Có quá nhiều người phải chật vật vì chuyện tiền bạc chỉ do họ không biết cách tiêu tiền. Quá nhiều người tiêu tiền mà không tìm được khoản bù đắp. Một chủ doanh nghiệp cần biết cách tiêu tiền để tiền vào càng nhiều hơn. Đó không phải là chuyện bần tiện, thắt lưng buộc bụng. Đó là chuyện khi nào tiêu, tiêu cho cái gì, và tiêu bao nhiêu. Tôi đã chứng kiến quá nhiều những ông chủ phá sản chỉ vì tiết kiệm. Chẳng hạn khi chuyện kinh doanh đi xuống, thay vì đổ tiền vào tiếp thị khuyến mãi, có chủ doanh nghiệp lại cắt giảm ngân sách hy vọng tiết kiệm tiền. Mà khi làm vậy thì buôn bán càng tiếp tục đi xuống. Đây là một ví dụ nhỏ của hành động sai và không đúng lúc.
6. Khởi nghiệp để lấy kinh nghiệm. Không ai có thể học lái xe đạp nếu không có xe đạp và không ai có thể học bắt đầu, xây dựng và điều hành một công ty nếu không có công ty. Khi bạn đã quen với các phần trong Tam giác C-Đ, hãy ngừng kế hoạch mà bắt tay vào thực hiện. Như tôi vẫn nói, “Cứ giữ công việc hiện tại của bạn và bắt đầu kinh doanh thêm gì đó.”
7. Sẵn sàng hỏi nhờ giúp đỡ. Người cha giàu thường nói, “Ngạo mạn vẫn là nguyên nhân của ngu dốt.” Nếu bạn không biết thì cứ tìm người biết mà hỏi. Nhưng cũng đừng mè nheo và hỏi xin giúp đỡ quá nhiều. Có sự khác biệt rõ ràng giữa giúp đỡ và dựa dẫm.
8. Tìm người đỡ đầu. Người cha giàu là người đỡ đầu của tôi. Tôi còn có nhiều người đỡ đầu khác. Đọc những cuốn sách của những ông chủ vĩ đại như Edison, Ford, và Gates. Những cuốn sách có thể là người đỡ đầu tốt nhất cho bạn. Công ty Người cha giàu có chương trình đỡ đầu gọi là Người cha giàu Hỗ trợ. Người hỗ trợ qua điện thoại là các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và những người huấn luyện tài ba. Một trong số các chủ doanh nghiệp tôi thích là Steve Jobs, người sáng lập Apple Computer và Pixar. Tôi không chỉ thích phong cách của anh mà còn cả văn hóa của công ty anh nữa. Một trong những điều quan trọng nhất một chủ doanh nghiệp có thể xây dựng là một công ty có văn hóa mạnh. Như đã nói từ ban đầu, ở Công ty Người cha giàu chúng tôi làm việc cật lực để phát triển và bảo vệ văn hóa học hỏi và tự do thể hiện.
9. Tham gia vào mạng lưới của chủ doanh nghiệp. Buôn có bạn, bán có phường. Thành phố nào tôi sống cũng có các nhóm hay hiệp hội các chủ doanh nghiệp. Dự các buổi họp và tìm một nhóm phù hợp nhu cầu của bạn. Làm bạn với những chủ doanh nghiệp. Họ sẽ hỗ trợ bạn cũng như ngược lại. Liên hệ với Phòng quản lý doanh nghiệp nhỏ (Small Business Administration – SBA) hay phòng thương mại địa phương để lấy lịch họp và hội thảo. Đó là các nguồn thông tin quý giá và nguồn chủ doanh nghiệp. Một nhóm tôi rất ấn tượng là Hội các nhà doanh nghiệp trẻ (Young Entrepreneurs Orga- nization – YEO). Dù tôi đã quá tuổi để tham gia với các bạn trẻ đó, tôi vẫn được mời nói chuyện trong nhiều buổi họp của họ. Tôi luôn bị ấn tượng với khả năng của những bạn trẻ trong tổ chức này.
10. Chung thủy với quá trình. Một lý do nhiều người không bỏ việc và bước vào con đường chủ doanh nghiệp vì con đường đó quá nhiều gian nan, đặc biệt lúc khởi đầu. Tôi đề nghị bạn bám theo các nguyên tắc trong Tam giác C-Đ và cố hết sức làm tốt cả tám yếu tố trong Tam giác đó. Sẽ mất nhiều thời gian nhưng nếu bạn thành công, phần thưởng có thể sẽ ngoài sức tưởng tượng. Như người cha giàu nói, “Làm chủ doanh nghiệp là một quá trình chứ không phải là một công việc hay một nghề.” Vì thế hãy chung thủy với quá trình và nhớ cho dù có những lúc thật khó khăn nhưng quá trình sẽ cho bạn thấy thoáng qua tương lai phía trước.
Qua nhiều năm, tôi có nghe nhiều người nói cụm từ Mục Tiêu Lớn. Biết rằng có mục tiêu lớn là chuyện hiển nhiên, tôi vẫn tin quá trình và tầm mức của sứ mệnh quan trọng hơn mục tiêu.
Người cha giàu vẽ cho con trai ông và tôi biểu đồ như thế này:
Ông nói, “Nếu con có mục tiêu lớn, con cần có sứ mệnh ý nghĩa để đẩy con qua quá trình. Với một sứ mệnh ý nghĩa, mọi thứ đều trong tầm tay.”
Cảm ơn các bạn đã đọc cuốn sách này và chúng tôi chúc các bạn thành công rực rỡ nếu bạn đã quyết định trở thành chủ doanh nghiệp hoặc bạn đã là một nhà doanh nghiệp.
Robert Kioyashi
Sharon Letcher
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.