Dạy Con Làm Giàu – Tập 10
CHƯƠNG 4
Giỏi ngoài đời thực và giỏi ở trường
ĐIỂM CAO TRONG THỂ GIỚI THỰC
“Nếu con xuất sắc ở trường thì con có xuất sắc trong thế giới thực không?” tôi hỏi người cha giàu.
“Điều đó còn tùy thuộc con định nghĩa thế nào là thế giới ‘thực’.”
Tam giác C-Đ càng trở nên có ý nghĩa với tôi sau khi cửa hàng bán kem nhượng quyền của người cha nghèo đóng cửa. Ông đã dồn toàn bộ tiền nghỉ hưu non ở tuổi năm mươi và tiền tiết kiệm vào đó rồi mất sạch. Thay vì gượng dậy như nhiều chủ doanh nghiệp vẫn làm khi phá sản, cha tôi dường như xuống dốc luôn.
Một lý do nữa ông không gượng dậy được là hết tiền. Thay vì học cách thu hút vốn cho việc kinh doanh kế tiếp, ông lại đi tìm việc. Có nghĩa ông bắt đầu mọi thứ từ đầu, làm những gì ông đã biết, làm việc và để dành tiền, thay vì học cái mới, chẳng hạn học cách thu hút vốn. Ông lại trở về với thế giới của người làm công mà ông cảm thấy thoải mái.
CHUYỆN HỌC VẪN TIẾP DIỄN
Khi nhận ra việc thiếu kỹ năng truyền thông khiến cha tôi thất bại, tôi đã xin việc bán hàng ở IBM và Xerox. Tôi xin việc không phải vì lương mà vì được đào tạo về bán hàng. Người cha giàu đã nói với tôi rằng nếu muốn thành chủ doanh nghiệp, tôi phải rèn luyện kỹ năng truyền thông trong Tam giác C -Đ.
Sau hai cuộc phỏng vấn, tôi nhận thấy IBM không phải là công ty thích hợp cho mình và tôi chắc họ cũng biết tôi không thể là nhân viên cho họ. Sau năm vòng phỏng vấn ở Xerox, tôi nằm trong danh sách mười người cho bốn vị trí. Cuộc phỏng vấn cuối cùng là với nhà quản lý chi nhánh Honolulu. Hôm đó sáu trong số mười người ngồi bên ngoài văn phòng, một cảnh rất giống như trong show truyền hình nổi tiếng của Donald Trump – The Apprentice (Thực tập sinh). Bốn người kia đã qua phỏng vấn.
Lúc đó, tôi còn phục vụ cho hải quân và vẫn đang mặc đồng phục hải quân. Ngồi bên ngoài văn phòng của giám đốc chi nhánh, tôi lo lắng điểm mặt các đối thủ. Tất cả đều trẻ hơn tôi, vừa mới ra trường, những chàng trai cô gái hấp dẫn và ăn mặc như những nhân viên cao cấp.
Tôi cảm thấy mình thật sự lạc lõng khi ngồi cạnh những thanh niên đúng phong cách kinh doanh, này trong bộ quân phục hải quân: áo kaki ngắn tay, quần xanh, tóc cắt cao cùng những món đồ nhà binh đi kèm.
Cuối cùng, thư ký thông báo ông giám đốc đã sẵn sàng nói chuyện với tôi. Bước vào văn phòng, tôi ngồi xuống chiếc ghế trước mặt ông. Vươn người qua bàn bắt tay tôi, ông ta không để phí một giây, đi thẳng vào vấn đề, “Tôi đã xem hồ sơ của anh. Các nhân viên của tôi qua phỏng vấn đã đánh giá anh rất cao. Họ tin anh là một tài sản giá trị với nhóm bán hàng của chúng tôi.”
Nghe thế, tôi hít thật sâu nhưng im lặng, chờ đợi không biết tin lành hay dữ. Dù ông nói ra những lời tốt đẹp nhưng tôi để ý ông ta nhìn tôi không thoải mái lắm.
Mắt ông ta không rời tập hồ sơ của tôi.
Cuối cùng ông ta nhìn lên và nói, “Tôi không muốn nói thẳng nhưng tôi sẽ không nhận anh.” Ông ta đứng dậy chìa tay ra rồi nói, “Cảm ơn đã nộp hồ sơ.”
Tôi đứng dậy bắt tay mà máu sôi lên. Tôi muốn biết tại sao. Tại sao tôi lại bị gạt? Nghĩ cũng chẳng có gì để mất, tôi hỏi, “Ông có thể cho tôi biết vì sao tôi bị loại không? Ông thậm chí còn chưa phỏng vấn tôi nữa. Ông có thể cho tôi lý do cụ thể vì sao ông tin chắc rằng tôi không thể là một trong số các ứng viên?”
“Bây giờ không phải là lúc” vị giám đốc chi nhánh nói “Lúc này, chúng tôi có mười hồ sơ xuất sắc mà chỉ có bốn vị trí. Tôi ước mình, có nhiều chỗ hơn nhưng chịu. Tại sao anh không chờ năm sau nộp đơn lại? Có thể lúc đó cơ hội của anh sẽ cao hơn. Còn bây giờ thì xin lỗi, tôi cần tiếp tục phỏng vấn các ứng viên khác.”
Tôi nhìn thẳng vào ông ta và nói, “Xin hãy cho tôi biết lý do. Làm sao ông có thể biết được người nào tốt hơn người nào nếu không phỏng vấn? Ngoài ra, tôi nghĩ cách đối xử như thế này là thô lỗ. Tôi đã vượt qua tất cả các vòng và sau đó ông lại không thèm phỏng vấn tôi. Vậy hãy cho tôi biết làm thế nào ông đi đến kết luận mà không cần lý do. Đó là tất cả những gì tôi cần biết.”
“Được, nếu anh cần biết, anh là người duy nhất không có bằng MBA. Anh chỉ có bằng đại học.” Nói đến đó, viên quản lý bước lại cửa để mời tôi ra ngoài.
“Hượm đã,” tôi nói. “Sau khi tốt nghiệp Học viện hàng không dân dụng, nơi tôi lấy bằng đại học, tôi đã trải qua năm năm trong hải quân. Tôi làm cho Standard Oil và có giấy miễn quân dịch, nhưng tôi đã tình nguyện. Và bây giờ ông nói sẽ không thuê tôi chỉ vì tôi đã không ở lại trường để kiếm tấm bằng thạc sĩ. Vì tôi còn phải làm những chuyện khác. Và ông nói rằng thà thuê những công tử bột mài đũng quần trên ghế nhà trường?”
“Chúng ta không phải tranh cãi chuyện đó. Chúng ta ở đây không phải để bàn luận về chiến tranh hay các vấn đề chính trị” vị giám đốc, thực ra cũng chỉ tầm tuổi tôi, nói. “Và đúng thế, tôi thuê người tiếp tục học hành ở trường. Thị trường lao động rất cạnh tranh. Chúng tôi có nhiều ứng viên tốt nên có thể kén cá chọn canh được. Hiện giờ, chúng tôi chỉ thuê những ai có bằng MBA. Đó là cách chúng tôi đi đến quyết định, về nhà kiếm cái bằng MBA đi rồi quay lại đây chúng ta nói chuyện.”
“Vậy sao ngay từ đầu không nói cho tôi biết?” tôi hỏi. “Tại sao lại để cho tôi qua hết các vòng mới nói?”
“Vì vẫn có trường hợp ngoại lê cho những người ngoại hạng” vị giám đốc trả lời. “Dù anh không có bằng thạc sĩ nhưng những người phỏng vấn trước nghĩ rằng anh có những phẩm chất mà chúng tôi đang cần. Các cấp dưới của tôi cho rằng anh tốt nhưng chưa phải là ngoại hạng.”
Ngay lúc đó, tôi quyết định mình phải là ngoại lệ hoặc chí ít cũng để lại ấn tượng. Vị giám đốc một tay giữ cánh cửa mở một tay chìa ra muốn gượng bắt một lần nữa với nụ cười gượng gạo. Tôi từ chối bắt tay và cất cao giọng hỏi, “Vậy ông nói tôi biết, bằng đại học thì dính dáng gì đến chuyện bán hàng?” Nghe lớn tiếng, tất cả các ứng viên có bằng thạc sĩ nọ quay đầu nhìn về phía cánh cửa mở.
“Nó thể hiện phẩm chất. Nó thể hiện lòng quyết tâm và độ thông minh cao.”
“Vậy thì bằng đại học ăn nhập gì với chuyện bán hàng?” tôi lặp lại.
“Được rồi” vị giám đốc nói. “Vậy điều gì khiến anh nghĩ anh có thể bán được hả, thưa ngài Hải quân? Điều gì khiến anh. nghĩ rằng anh đủ tư cách bán hàng hơn những ứng viên được học hành cao hơn anh?”
“Tôi mất năm năm để học được nhiều thứ khác nhau, những thứ mà không thể có ở trường lớp. Trong khi những cậu bé kia chúi đầu vào mấy kỳ thi thì tôi lao vào chốn làn tên mũi đạn. Đào tạo của tôi là phải vươn lên dẫn đầu, làm những gì tốt nhất cho cả đội dù tất cả đều thấy hoảng sợ. Chúng tôi không chỉ được dạy phải suy nghĩ dưới áp lực mà chúng tôi buộc phải suy nghĩ dưới áp lực trong cuộc chiến thật sự. Quan trọng nhất, tôi được dạy suy nghĩ đến nhiệm vụ trước khi nghĩ đến bản thân mình; nghĩ đến đồng đội trước khi nghĩ cho cá nhân. Những cậu bé mài đũng quần trên ghế này chỉ được đào tạo cố gắng đạt điểm cao mà thôi.”
Và thật ngạc nhiên, vị giám đốc bắt đầu lắng nghe. Tôi đã thu hút được anh ta.
Và lúc đó, tôi quyết định phải sút tung lưới.
“Dù tôi không có tấm bằng MBA, tôi vẫn thấy giá trị của mình, lòng can đảm và khả năng suy nghĩ dưới áp lực. Tôi biết vì tôi đã được thử thách, không phải trong lớp học mà ngoài mặt trận. Tôi biết nhiệm vụ của ngài là đánh bại IBM, cũng như việc của tôi là chiến thắng kẻ địch. Suốt một năm, tôi lăn lộn với một kẻ địch kiên gan bền trí hơn các tay bán hàng IBM rất nhiều lần. Sự đào tạo suốt năm năm qua cho phép tôi sống chết với kẻ thù. Vì thế mà cho dù không có MBA, quá trình đào tạo trong Hải quân đã chuẩn bị cho tôi đánh bại IBM. Nếu ngài nghĩ có chương trình MBA dạy những đứa trẻ này đánh bại IBM được thì giá gì cũng phải thuê chúng. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Còn tôi chẳng nghi ngờ gì giá trị của mình. Tôi có thể đánh bại nhân viên bán hàng của IBM, cho dù họ có bằng MBA còn tôi thì không.”
Cả văn phòng lặng phắc đi. Nhìn lướt qua dãy ứng viên tràn trề hi vọng, cặp táp đặt bên hông hay trên đùi, tôi có thể thấy những chàng thạc sĩ khẽ run. Họ đã nghe tất cả những gì tôi nói.
Quay lại vị giám đốc chi nhánh, tôi bắt tay và cảm ơn anh ta đã lắng nghe. Tôi đã nói hết ý mình. Tôi mỉm cười nói, “Tôi nghĩ sẽ sang làm việc cho đối thủ của ngài.”
“Hượm đã nào,” vị giám đốc nói nhẹ nhàng. “Mời anh vào văn phòng. Tôi có đủ lý do để quyết định một trường hợp ngoại lệ so với quy định tuyển nhân viên của công ty.”
KHÔNG CÒN GÌ ĐỀ MẤT
Sau khi được tuyển, tôi ghé qua văn phòng người cha giàu để báo tin cho ông. Tôi cũng kể lại những gì đã nói khi biết minh không được tuyển. Ông mỉm cười nói, “Đôi khi con người ta thắng lợi nhất lúc chẳng còn gì để mất.” Ông bình luận thêm, “Phần khó khăn cho số đông chúng ta là việc đi đến chỗ chẳng còn gì. Hầu hết đều cố đeo bám vào một chút gì sót lại hơn là đến điểm chẳng còn gì để mất.”
BỐN NĂM ĐAU THƯƠNG
Học bán hàng khó hơn học lái máy bay nhiều. Thật vậy, có những lúc tôi ước đừng phải lang thang trên đường phố Honolulu, gõ cửa từng nhà. Bản chất tôi vốn là người nhút nhát. Ngay cả bây giờ, tiệc tùng và các sự kiện xã hội vẫn là chuyện chẳng đặng đừng với tôi. Cho nên gõ cửa nhà người lạ thật là một kinh nghiệm đau thương.
Trong hai năm đầu tôi là nhân viên bán hàng tệ nhất Xerox. Mỗi khi gặp vị giám đốc ở sảnh công ty là tôi thấy xấu hổ. Cứ mỗi lần nhìn mặt anh ta, tôi lại nhớ đến bài thuyết trình đầy oai hùng của mình để có được việc làm này. Cứ mỗi sáu tháng đánh giá công việc, vị giám đốc lại nhắc anh ta đã tuyển tôi vì sự tin tưởng, nhưng sự tin tưởng đó đang ngày phai nhạt dần.
Cuối cùng, trước nguy cơ bị đuổi việc, tôi gọi người cha giàu hẹn gặp ông. Hai
cha con đi ăn trưa và tôi giải thích cho ông tôi đang thất bại. Doanh số của tôi đi xuống, kèm theo đó là thu nhập và tên tôi luôn nằm cuối cùng trong danh sách nhân viên bán hàng. “Vậy cha nghĩ vấn dề của con là gì?”
CON CHƯA THẤT BẠI SỚM
Người cha giàu lại cười phá theo cách ông vẫn thế. Tiếng cười của ông là cách cho biết tôi vẫn ổn, chỉ gặp vướng mắc trong quá trình học hỏi mà thôi. “Thế con gọi bao nhiêu cuộc gọi bán hàng một ngày?”
“Ngày khá thì ba hay bốn cuộc gì đó,” tôi trả lời. “Còn thì con bận việc văn phòng hay trốn trong quán cà phê, cố tìm dũng khí để gõ cửa nhà khác nữa. Con không thích gọi bán hàng cho người lạ. Con sợ bị từ chối.”
“Cha chưa thấy ai thích bị từ chối hay thích gọi điện bán hàng,” người cha giàu nói. “Nhưng cha biết những người học được cách vượt qua nỗi sợ bị từ chối và gọi điện bán hàng. Họ đã trở thành những người thành công, vượt qua sự sợ hãi.”
“Vậy làm thế nào con có thể không bị thất bại?” tôi hỏi.
Người cha giàu lại cười và trả lời, “Cách tốt nhất là thất bại sớm hơn”
“Thất bại sớm hơn?” tôi trố mắt. “Cha nói đùa à? Tại sao con lại phải thất bại sớm hơn?”
“Vì sớm hay muộn gì con cũng sẽ thất bại” người cha giàu mỉm cười. “Nghe cha nói này, con đang trong quá trình học. Quá trình đó buộc con phải có nhiều lỗi sai và học từ những lỗi đó. Con càng phạm lỗi sớm chừng nào con học càng nhanh chừng đó và vượt lên được. Hoặc là con bỏ cuộc. Và quá trình học đào thải con.”
Người cha giàu nói hệt những gì Thomas Edison nói về một ngàn lần thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện. Người cha giàu cũng nói hệt những người hướng dẫn nói khi tôi học lái xe đua. Họ nói rằng nếu tôi muốn học nhanh hơn thì tôi phải sẵn sàng thất bại sớm hơn.
THẤT BẠI – CŨNG PHẢI BIẾT CÁCH
Trong vài tuần, tôi học thuộc lòng bài học của người cha giàu và cố gắng gọi thật nhiều cuộc điện thoại bán hàng. Tôi gõ cửa hết nhà này đến nhà khác nhanh hơn. Nhưng vấn đề là tôi vẫn không tiếp cận được với người tôi cần nói chuyện. Thư ký rất giỏi trong việc ngăn những người bán hàng dây dưa như tôi với ông chủ của họ.
Muốn thất bại sớm hơn cũng chẳng xong, tôi lại gõ cửa người cha giàu xin lời khuyên. Tôi nói với ông rằng mình muốn thất bại sớm mà không được. Ông lại cười phá lên và nói, “Con cứ làm việc ban ngày bình thường và kiếm thêm việc bán hàng ban đêm. Nhưng nhớ tìm chân bán hàng nào cho con thất bại sớm nhé.”
Tôi lại trố mắt ra và than thở. Tôi không muốn làm việc buổi tối. Tôi còn độc thân mà lại đang ở Hawaii nữa chứ. Chỗ tôi muốn đến là mấy câu lạc bộ ở Waikiki chứ đâu phải là việc bán hàng ban đêm. Nghe tôi than vãn, người cha giàu chỉ hỏi đơn giản, “Thế con có khao khát trở thành chủ doanh nghiệp không? Kỹ năng số một của chủ doanh nghiệp là bán hàng. Nếu con không vượt qua được thử thách này thì tốt hơn con nên đi làm công. Đó là cuộc đời, là tương lai, là chọn lựa của chính con thôi. Con có thể thất bại bây giờ hoặc là sau này.”
Bài học chẳng có gì mới. Tôi đã nghe bài học đó bao nhiêu lần. Đề tài thay đổi – lần này là đề tài bán hàng – nhưng bài học vẫn luôn như thế. Bài học rằng nếu tôi muốn thành công thì tôi phải sẵn sàng thất bại.
Thất bại kinh doanh của người cha ruột vẫn còn rõ mồn một trong đầu, tôi biết bài học bán hàng này đặc biệt quan trọng. Tôi hiểu nếu muốn trở thành chủ doanh nghiệp trong nhóm C, tôi phải học được cách bán hàng. Nhưng tôi ghét gõ cửa nhà người khác. Tôi thấy chuyện đó càng ngày càng đáng sợ. Tới một ngày, sau khi nghe bốn câu trả lời “Chúng tôi không quan tâm” và một câu là “Nếu anh không ra khỏi văn phòng thì tôi sẽ gọi cảnh sát” tôi đã chạm đến đáy của sự tuyệt vọng. Tôi về nhà thay vì trở lại văn phòng. Ngồi trong căn hộ bé tẹo ở Waikiki, tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi tính đến việc quay lại trường và lấy bằng luật sư nhưng tôi nằm xuống, uống hai viên aspirin và ý nghĩ đó cũng đi qua. Đã đến lúc khiến thất bại sớm hơn bằng một cách mới.
LÀM KHÔNG CÔNG
Thay vì tìm việc làm ban đêm, tôi nhớ đến lời khuyên của người cha giàu rằng sẽ dễ tìm được việc hơn nếu ta chịu làm không công. Tôi tìm được một hội từ thiện cần người gọi điện xin tiền vào buổi tối. Hàng ngày, kết thúc công việc ở Xerox, tôi lại xuống phố và gọi điện xin tiền từ 7 giờ đến 9 giờ 30. Suốt hai tiếng rưỡi đó, tôi thất bại cực kỳ nhanh chóng. Thay vì chỉ gọi dăm bảy lần bán hàng mỗi ngày, tôi gọi đến hơn hai mươi cuộc trong hai tiếng rưỡi mỗi tối. Tỉ lệ bị từ chối và thất bại của tôi tăng lên. Nhưng lạ là tỉ lệ thất bại tăng thì tỉ lệ quyên tiền thành công cũng tăng. Càng gọi nhiều, tôi càng xử lý chuyện từ chối giỏi hơn. Tôi tìm hiểu cái gì làm nên cuộc gọi thành công và bắt đầu điều chỉnh từ những lần bị từ chối và thành công nọ. Buổi tối tôi càng thất bại khi gọi xin tiền từ thiện thì ban ngày tôi lại càng bán thành công ở Xerox. Tôi nhanh chóng vượt lên trên bảng xếp hạng nhân viên bán hàng thay vì đội sổ như trước. Dù ban đêm tôi chẳng được trả lương nhưng thu nhập ban ngày lại tăng lên.
Thời gian làm ngoài giờ đó còn tác động đến thời gian vui chơi của tôi nữa. Càng bị từ chối nhiều khi làm cho hội từ thiện, tôi càng thấy vui những khi vào mấy hộp đêm ở Waikiki. Đột nhiên tôi không còn thấy ngại nói chuyện với những cô gái xinh đẹp ở đó. Tôi bớt khép kín, bớt sợ hãi hơn trước chuyện bị khước từ. Chẳng mấy chốc, tôi được tiếng là anh chàng dễ thương và các cô gái thực sự vây lấy tôi. Sau bốn năm trong trường sĩ quan toàn con trai và tiếp theo là những năm trong hải quân, được vây quanh toàn người đẹp quả là một diễm phúc. Cảm giác đó hơn hẳn sự cô đơn khi ngồi một góc quầy bar và chiêm ngưỡng người đẹp từ đàng xa.
Từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng, tôi làm con ma disco, giốmg như John Travolta trong bộ phim Cơn sốt tối thứ Bảy (Sunday Night Fever). Tôi còn có cả vest trắng, áo cổ cao, giày bốt disco và cả dây chuyền quanh cổ nữa. Khi bước đi, tôi nhún nhảy theo nhạc bài Staying Alive của Bee Gees đang vang trong đầu. Thời gian của tôi thật kỳ cục và tôi chắc mình trông cũng kỳ cục, nhưng nó lại rất được việc. Tôi thất bại nhanh và làm bài tập cho cấp truyền thông trong Tam giác C -Đ.
SỰ ĐỀN ĐÁP CỦA THẤT BẠI
Hai năm thứ ba và tư ở Xerox, tôi không còn đội sổ bán hàng nữa mà là dẫn đầu. Tôi kiếm cũng được khá bộn. Thất bại giờ đang đền đáp cho tôi. Năm thứ tư, tôi liên tục dẫn đầu. Khi đã lên đến đỉnh, tôi biết đến lúc phải thay đổi. Những ngày học bán hàng đã qua. Đã đến lúc học cái gì khác. Nhưng tôi không hề hay biết thành công bán hàng đang sắp đẩy tôi vào một trong những thất bại kinh doanh lớn nhất đời mình.
BỐN TRƯỜNG KINH DOANH
Người cha giàu giải thích với con trai ông và tôi rằng có bốn loại trường kinh doanh:
1. Trường kinh doanh truyền thống. Loại trường này gồm các đại học tiếng tăm, có các chương trình chuẩn, chẳng hạn như MBA.
2. Trường kinh doanh gia đình. Nhiều công ty gia đình, chẳng hạn như công ty của người cha giàu là những chỗ tuyệt vời để học kinh doanh nếu bạn là một thành viên trong gia đình.
3. Trường kinh doanh công ty. Nhiều công ty có chương trình tập sự cho những sinh viên triển vọng. Sau khi tốt nghiệp, công ty tuyển dụng và hướng dẫn phát triển sự nghiệp cho họ. Trong nhiều trường hợp, công ty sẽ trả tiền học và thậm chí còn cho nghỉ để đi học nữa. Sau khi học hành đâu vào đó, các nhân viên triển vọng thường được luân chuyển qua các phòng ban khác nhau để có thể hiểu hết toàn bộ công việc và có những kinh nghiệm trực tiếp.
4. Trường kinh doanh đường phố. Đây là loại trường các chủ doanh nghiệp theo học khi họ rời khỏi tổ ấm của nhà trường, gia đình, và thế giới công ty. Đây là trường giúp phát triển sự khôn ngoan của bạn.
ĐI HỌC
Cả bốn loại trường đều có ưu nhược điểm. Tôi không nói ở đây trường nào tốt hơn. Suốt đời mình, tôi có được may mắn theo học cả bốn trường.
TRƯỜNG KINH DOANH TRUYỀN THỐNG
Lúc ở Xerox, tôi có đi học một đại học ban đêm với ý muốn kiếm tấm bằng MBA. Nhưng tôi theo học chưa được một năm. Trường đó không dành cho tôi. Giảng viên là giáo sư ở trường hoặc nhân viên của một công ty nào đó. Sinh viên phần đông là những người tìm cơ hội trở thành những nhân viên học cao, lương nhiều, giống như những người dạy vậy. Họ tìm cách leo lên nấc thang quản lý trong khi tôi lại muốn xây dựng và sở hữu chính cái thang đó. Suy nghĩ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nên tôi bỏ.
TRƯỜNG KINH DOANH GIA ĐÌNH
Tình bạn với Mike đã cho tôi một chỗ trong trường kinh doanh gia đình qua công việc kinh doanh, của người cha giàu. Đó là trường học tuyệt vời với tôi, đơn giản vì tôi có rất nhiều năm ở đó và người cha giàu không chỉ là một chủ doanh nghiệp thành công đời thực mà còn là một người thầy xuất sắc.
TRƯỜNG KINH DOANH CÔNG TY
Ở công ty Xerox, tôi đã học một trong những khóa đào tạo bán hàng tốt nhất thế giới. Ngay sau khi được tuyển, năm 1974, công ty đã cho tôi đi từ Honolulu đến Leesburg, Virginia để học khóa bán hàng dài hai tuần. Thật tuyệt vời. Sau khi học trong lớp, chúng tôi lập tức ra đường để thực hành những gì đã học. Các quản lý bán hàng là những giáo viên và người đỡ đầu cực tốt. Họ hướng dẫn chúng tôi vận dụng đúng những lý thuyết trong lớp vào những tình huống đời thực. Chúng tôi học rất căng, không chỉ các kỹ năng bán hàng mà học cả sản phẩm và chiến lược của đối thủ. Lúc đó chúng tôi có một mục tiêu: đánh bại IBM. Họ là một đối thủ khó chịu và rất đáng chơi, vì thế chúng tôi biết mình phải sẵn sàng cho thử thách này.
TRƯỜNG KINH DOANH ĐƯỜNG PHỐ
Nhưng trường kinh doanh vất vả nhất cho tôi là trường kinh doanh đường phố. Khi rời Xerox, tôi bước vào trường kinh doanh đường phố – một ngôi trường kinh khủng, một giáo viên nghiêm khắc và khó được lên lớp. Nhiều lần, tôi mặt đối mặt với nỗi lo sợ khủng khiếp nhất và nghi ngờ về bản thân mình nhất. Nhưng đó cũng là trường kinh doanh tốt nhất cho tôí. Đó đúng là những gì tôi cần. Thay cho những chứng chỉ A, B, chứng chỉ đường phố được đo bằng những đồng tiền kiếm được hay mất đi.
NGÀY TỐT NGHIỆP
Năm 1978, tôi “tốt nghiệp” trường kinh doanh công ty Xerox và bước vào trường kinh doanh đường phố. Đó là một sự chuyển tiếp đầy khó khăn. Tôi bước từ thế giới của ghế máy bay hạng nhất, văn phòng thật đẹp, lương tháng trả đủ, và mọi chi phí đều có công ty lo sang một thế giới mà tôi phải trả mọi thứ, từ cây kẹp giấy, đi lại cho đến lương cùng mọi quyền lợi của người khác. Trước khi rời trường kinh doanh công ty, tôi không hiểu gì chuyện quản lý chi phí công ty. Trong hai năm, để giảm chi phí, tôi cùng hai đồng sự đã không lãnh lương. Một lần nữa, tôi lại làm việc không công và tôi hiểu vì sao người cha giàu bắt con trai ông và tôi phải làm việc không công cho ông. Ông chuẩn bị chúng tôi cho thế giới của chủ doanh nghiệp – thế giới nơi ai cũng có lương trước rồi cuối cùng mới đến lượt bạn … nếu như quả là bạn được trả lương.
BÀI HỌC SỐ 4: THÀNH CÔNG PHẢN ÁNH THẤT BẠI CỦA BẠN
Một bài học nữa của người cha giàu là “thành công phản ánh thất bại của bạn.” Nói cách khác, điểm mạnh phản ánh điểm yếu của bạn. Và một lần nữa tôi lại không hiểu ông nói gì cho đến khi công ty của tôi thành công.
Công ty làm ví chống thấm cho người lướt ván của chúng tôi thành công ở hai trong năm yếu tố. Chúng tôi thành công trong việc truyền thông và sản phẩm. Cả ba chúng tôi đều được huấn luyện nhiều năm để thành công ở những lĩnh vực đó, chúng tôi đều được đào tạo quá kỹ và thành công đến vừa quá lớn vừa quá sớm. Cứ như gắn ống tưới vườn vào họng nước chữa cháy. Ngay khi thành công tầm cỡ quốc tế gây áp lực lên hệ thống, lập tức cả công ty sụp đổ. Tất cả điểm mạnh đều vất đi vì những điểm yếu. Điểm mạnh đã bộc lộ điểm yếu của chúng tôi. Thành công đã bộc lộ thất bại. Chúng tôi thất bại trong việc làm mạnh các yếu tố pháp lý, hệ thống và lưu lượng tiền mặt trong Tam giác C-Đ. Chúng tôi có quản lý nhưng không thể làm mạnh thêm khi thành công đến.
QUAY LẠI NHỮNG BẢN VẼ
Sau khi công ty sụp đổ, hai đồng sự của tôi rời công ty. Tôi cũng muốn bỏ cuộc nhưng người cha giàu nói “Xây dựng lại công ty đi. Đó là trường học kinh doanh mà con vẫn từng ao ước.”
Trong sáu năm sau đó, tôi đã quay lại bản vẽ nhiều lần. Mỗi lần thất bại, nỗi đau càng ít hơn và vực dậy càng nhanh hơn. Mỗi lần vấp ngã, tôi lại biết phải làm gì. Tôi biết tiếp theo mình cần học gì. Trường kinh doanh đường phố đã hướng dẫn tôi. Mỗi thất bại thực sự làm tôi thông minh và tự tin hơn. Mỗi thất bại làm cho tôi ít sợ vấp ngã hơn và thôi thúc học những gì cần học nữa. Mỗi thất bại là một thử thách, là cánh cửa dẫn đến thế giới tiếp theo. Nếu thành công, cánh cửa đó sẽ mở ra. Nếu thất bại và tôi không vượt qua được thử thách, cánh cửa đó đóng sầm trước mặt. Nếu cánh cửa đóng, điều đó có nghĩa tôi cần thông minh hơn. Tôi cần suy nghĩ nhiều hơn. Tôi cần vận dụng trí tưởng tượng để tìm cách vào cánh cửa tiếp theo. Theo nhiều cách, việc này giống với một nhân viên bán hàng, gõ hết cửa nhà này đến nhà khác.
Khi có ai hỏi làm thế nào chúng tôi sống qua những năm tháng đó mà không cần tiền, câu trả lời của tôi là “Tôi không biết. Tôi chỉ sống trọn từng ngày.” Sau khi hai đồng sự đầu tiên nghỉ, mọi thứ đều trở nên ảm đạm thì tôi có hai đồng sự mới và một trong hai là anh trai tôi, Jon. Họ góp vào ít tiền nhưng quan trọng hơn là cả hai mang lại sức sống mới và kỹ năng mới. Một đồng sự mới, Dave, có nhiều kinh nghiệm về hệ thống. Anh là chuyên gia về sản xuất. Anh tôi, Jon, quản lý lưu lượng tiền. Anh rất khéo giữ cho các chủ nợ vui vẻ và các nhà cung cấp tiếp tục bán hàng. Chúng tôi cũng mời thêm một nhà tư vấn mới, một chuyên viên kiểm toán cao cấp đã nghỉ hưu ở một công ty kiểm toán, giúp chúng tôi sắp xếp lại mớ hỗn độn lúc đó. Ông rất vui được làm việc, dù không lương vì vợ ông muốn ông đừng ở lỳ
trong nhà. Ông muốn có một văn phòng để đi về. Tôi còn nghĩ rằng ông thấy cái đông hồ lốn của chúng tôi thật sự thú vị nữa là. Ông vẫn thường cười thỏa thích trong khi hai đồng sự mới và tôi than thở khóc lóc trước những khó khăn. Ngoài ra, ông còn dạy chúng tôi cách thu hút vốn chuyên nghiệp hơn.
Như tôi đã nói, “Chúng tôi sống ngày nào biết ngày đó.” Tất cả những gì tôi nghĩ lúc đó là không muốn quay lại tìm việc như người cha nghèo đã làm khi tiệm kem đóng cửa. Theo nhiều cách, tư tưởng của tôi là, “Mình đã đi quá xa không còn có thể quay lại được nữa.”
Người cha giàu nói đúng. Đó là trường kinh doanh tốt nhất tôi từng học. Bắt đầu làm cho Xerox năm 1974 và cuối cùng xây dựng một công ty thành công vào năm 1984, đó là mười năm dựng rồi đổ, sai rồi sửa, dựng rồi lại đổ. Với tôi, đó là cách học tốt nhất. Nhiều lần, tôi có cảm giác như mình đang chế xe đua chứ không phải là kinh doanh. Cả nhóm ra sức làm việc, đưa xe lên đường đua nổ máy rồi lại quay về cửa hàng.
HỆ THỐNG CỦA CÁC HỆ THỐNG
Có nhiều yếu tố khiến việc xây dựng công ty giống với việc chế tạo xe hơi. Xe hơi là một hệ thống của các hệ thống. Chiếc xe có hệ thống điện, nhiên liệu, thắng, thủy lực và nhiều hệ thống khác. Nếu một trong số đó trục trặc, chiếc xe không hoạt động hoặc không an toàn.
Cơ thể con người cũng là một hệ thống của các hệ thống. Chúng ta có hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ xương, và nhiều hệ khác. Nếu một trong các hệ bị hỏng, cả cơ thể cũng có thể ngưng hoạt động.
Theo nhiều cách, học làm chủ doanh nghiệp cũng giống đến trường học để trở thành một kỹ sư tự động hay một bác sĩ y khoa. Giống bác sĩ y khoa đọc bản chụp phim X quang hay xem kết quả xét nghiệm máu, một chủ doanh nghiệp sẽ xem Tam giác C -Đ để đánh giá sức khỏe tổng quát và sức sống của công ty mình.
Sau khi mở rồi lại xây dựng công ty ví nylon nhiều lần nữa và dựng rồi lại xây dựng các công ty khác, phân tích việc kinh doanh trở thành dễ dàng hơn. Bây giờ, thay vì sợ hãi, tôi lại thấy thú vị. Thay vì thấy những nguy cơ lớn, tôi lại thấy những cơ hội hấp dẫn. Giờ đây, tôi hiểu nếu có mất hết tôi vẫn có thể gầy dựng lại.
Vì thế mà việc trải qua cả bốn trường kinh doanh, có được cả giỏi ở trường lẫn giỏi ngoài đời thực, thực sự là một quá trình đào tạo tuyệt vời.
CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN?
Tôi thường được hỏi “Cái nào quan trọng hơn cho một chủ doanh nghiệp, giỏi ở trường hay giỏi ngoài đời thực?” Câu trả lời của tôi bây giờ là cả hai. Để trở thành chủ doanh nghiệp thành công, bạn và ê-kíp cần phải giỏi ở trường và giỏi ngoài đời thực. Nhìn vào Tam giác C – Đ, bạn sẽ hiểu tại sao. Dù cả năm yếu tố đòi hỏi sự khôn ngoan, luật và quản lý lưu lượng tiền mặt thật sự cần các nhà chuyên môn được đào tạo trường lớp. Hẳn nhiên, với pháp luật, bạn muốn một luật sư và với lưu lượng tiền mặt, bạn cần một kế toán, và tốt nhất là một CPA (kế toán viên được công nhận). Nói như thế nhưng bạn có ngạc nhiên không khi nhiều người đến xin tôi lời khuyên để xây dựng công ty khi mà trong ê-kíp không có kế toán hay luật sư.
TRÍ TUỆ CỦA TẬP THỂ
Một chủ doanh nghiệp cần biết sự khác nhau giữa giỏi ở trường và giỏi ngoài đời thực. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp cần có trí tuệ của một ê-kíp, tức tìm được sự kết hợp tốt nhất của những người cần cho từng nhiệm vụ. Muốn chiến thắng trong kinh doanh thì chính trí tuệ của ê-kíp mới là thứ mang lại chiến thắng đó.
Trong cuốn Good to Great của Jim Collins (Harper Collins, 2001), ông đề cập đến tầm quan trọng của việc có đúng người trong nhóm và người đó ngồi đúng ghế. Nhất thiết phải có một ê- kíp đầy đủ tài năng cho tất cả các yếu tố trong Tam giác C-Đ. Và quan trọng hơn nữa Jim đề cập đến việc đưa người không đúng chỗ ra khỏi ê-kíp.
BA SAI LẦM LỚN
Về các nhà chuyên môn trong kế toán và luật, tôi lưu ỷ ba sai lầm căn bản mà các chủ doanh nghiệp thường phạm phải:
1. Chủ doanh nghiệp không có hoặc không tìm cố vấn pháp lý và kế toán cần thiết trước khi khởi nghiệp.
2. Chủ doanh nghiệp quá nghe theo kế toán hay luật sư. Nhiều lần tôi đã hỏi chủ doanh nghiệp ai đang điều hành công ty: ông chủ, kế toán hay luật sư? Hãy luôn nhớ rằng cho dù họ có thông minh hơn bạn trong một số lĩnh vực thì bạn vẫn là
người trả lương cho họ. Bạn cần quyết định sự sống còn của công ty mình.
3. Chủ doanh nghiệp có kế toán hoặc luật sư nhưng lại không nằm trong ê-kíp. Bạn không cần phải thuê trọn thời gian. Chỉ cần bạn tin tưởng họ. Họ cần biết mọi thứ và họ cũng muốn biết mọi thứ. Bạn cần gần gũi họ. Người cha giàu thường nói, “Có một kế toán và luật sư tạm bợ cũng giống như vợ tạm chồng hờ vậy.”
SỰ KHÁC NHAU GIỮA GIỎI Ở TRƯỜNG VÀ GIỎI NGOÀI ĐỜI THỰC
Thường thì cột bên trái là những tính cách gắn với những người giỏi ở trường, bên phải gắn với những người giỏi ngoài đời thực. Người cha giàu nói, “Nếu con muốn phát triển thành chủ doanh nghiệp, con cần phát triển cả bốn loại tư duy.”
Tư duy loại P: Chúng ta đều biết có những người có kỹ năng phân tích tuyệt vời. Họ thích giải quyết các bài toán khó ở trường. Nếu bạn đưa cho họ một ý tưởng mới, có thể họ sẽ phê bình hay hoài nghi hơn là đón nhận ý tưởng đó. Thay vì đưa ra quyết định nhanh chóng, họ thường suy nghĩ và phân tích tình huống rất lâu trước khi quyết định. Và họ còn sẽ quay lại bạn hỏi thêm chi tiết cụ thể rồi mới quyết định.
Tư duy loại S: Chúng ta đều biết các nghệ sĩ sáng tạo trong công việc. Sáng tạo không chỉ đơn thuần là những họa sĩ vẽ tranh. Có thể đó là một kế toán hay một luật sư. Họ thích nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Họ thích cách nghĩ khác với con đường trước giờ. Người có tư duy loại S thường khiến người có tư duy loại P phát điên. Cách lập luận linh hoạt khiến họ dễ thích ứng với những gì họ cho là có lý. Ví dụ khi tôi nói “Tôi có thể kiếm tiền khi thị trường sụp đổ” người có tư duy loại S có thể sẽ nắm được logic đó hơn là người có tư duy loại P. Nói cách khác, người có tư duy loại S có thể đón nhận những gì nghe phi lý rồi biến nó hợp với cái lý của mình. Họ là người cởi mở. Còn người có tư duy loại P thường phủ nhận tất cả những gì không phù hợp với cách nghĩ của họ.
Tư duy loại K: Chúng ta cũng biết những tay “phù thủy” về kỹ thuật. Đó có thể là những tài năng tin học nói một thứ ngôn ngữ như người trên sao Hỏa. Hay có thể
họ là những tay thích chế tạo xe hơi nghĩ ai cũng biết cách đấu dây này vào dây kia rồi lại tháo ra đấu vào dây khác. Tư duy loại K thường là cực đối lập của tư duy loại L. Vì sao? Vì người có tư duy loại K thường cảm thấy thoải mái nhất với những người nói cùng ngôn ngữ với họ. Họ dự những hội nghị tin học chỉ để gặp những con sâu tin học khác. Họ lùng sục những cửa hiệu bán phụ tùng xe hơi chỉ để gặp những người họ nói chuyện được mà thôi.
Tư duy loại L: Ở trung học, những người mạnh mẽ nhất thuộc týp L thường vận động để giành chức lớp trưởng hay từng được bầu chọn là người nổi tiếng. Những người này có thể khơi mào chuyện trò với bất cứ ai, không như người có tư duy loại K. Người có tư duy loại L luôn là nòng cốt của những cuộc vui. Ai cũng muốn họ đến dự tiệc vì họ mang lại không khí sôi động. Trong công việc, nhân viên yêu những người này. Họ sẵn sàng làm mọi thứ cho người có tư duy loại L. Người có tư duy loại L có thể là những nhà lãnh đạo xuất sắc trong kinh doanh nếu như họ có thêm những kỹ năng kinh doanh cần thiết. Khi họ nói, người khác lắng nghe.
SUY NGHĨ KHÁC NHAU – LÀM CHỦ KHÁC NHAU
Bạn có thể đã đoán được cứ mỗi dạng suy nghĩ khác nhau sẽ bị cuốn hút vào những công việc kinh doanh khác nhau. Ví dụ, một người chế tạo xe hơi có tư duy loại K có thể thích mở một tiệm bán phụ tùng xe hơi. Một người có tư duy loại P thích mở công ty luật. Bác sĩ có tư duy loại S muốn trở thành bác sĩ thẩm mỹ. Và người có tư duy loại L có thể trở thành chính trị gia suốt đời chạy theo bầu cử. Họ cũng có thể trở thành một bộ trưởng hay họ có thể là một ngôi sao trong làng giải trí và kiếm tiền bằng việc thu hút đám đông.
CẢ BỐN ĐỀU QUAN TRỌNG
Người cha giàu nói, “Cả bốn dạng tư duy đều quan trọng trong kinh doanh. Những công ty nhỏ cứ nhỏ mãi hoặc tàn lụi vì họ thiếu một hoặc hơn các dạng tư duy trên.” Một trong những lý do vì sao công ty ví nylon cho người lướt ván của tôi thất bại là vì chúng tôi quá mạnh với tư duy loại S và L nhưng lại yếu loại P và K.
Nhiều chủ làm tư có tư duy loại P và K mạnh. Có thể đó là một luật sư tài ba với tư duy loại P hay một thợ điện hàng đầu với tư duy loại K. Đó là những người rất thông minh và là chuyên gia trong một thị trường chuyên sâu và thực hiện xuất sắc vai trò của họ. Nhưng họ có thể phải vất vả để phát triển vì có tư duy loại S và L yếu.
Trong thế giới đầu tư, một người có tư duy loại P và K sẽ đầu tư khác với người có tư duy loại S và L. Người có tư duy loại P và K muốn có một công thức chính xác để làm theo. Họ muốn thấy con số và phân tích chúng nhiều lần. Các nhà đầu tư có tư duy loại S và L lại thích những hợp đồng kỳ lạ hay muốn biết những người chơi khác trong vụ làm ăn đó là ai. Lưu ý từ người chơi, tức những người quan trọng trong đẳng thức đầu tư. Đây là điều quan trọng cho những người có tư duy loại L.
Khi tôi dạy các lớp về đầu tư, tôi thường gặp câu hỏi, “Hãy chỉ tôi làm thế nào. Anh đã làm theo công thức nào?” Nghe câu hỏi đó, tôi biết có thể họ có tư duy loại P hay K. Họ sẽ khó chịu khi tôi trả lời rằng “Chúng tôi tạo ra đầu tư. Chúng tôi kết lại thành một nhóm rồi làm ăn và kiếm tiền.” Câu trả lời khiến họ điên lên vì cách đầu tư của chúng tôi không đúng theo cái lý họ muốn. Người có tư duy loại P và K dễ theo một công thức như “tiết kiệm, trả nợ, đầu tư lâu dài, rồi đa dạng hóa.” Công thức này đáp ứng nhu cầu có một công thức đầu tư hợp lý của họ cho dù đó không phải là công thức đầu tư hay nhất. Họ có thể sẽ nổi khùng với các công thức của tôi vì đầu óc họ không cho phép mình có lập luận linh hoạt.
LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI CHA GIÀU
Người cha giàu cảm thấy lo lắng trước ước mơ trở thành chủ doanh nghiệp của tôi vì tôi yếu ở cả bốn loại tư duy. Ông nói, “Con phải chọn một kỹ năng tư duy và giỏi kỹ năng đó trước đã.”
Ông viết xuống năm yếu tố trong Tam giác C-Đ:
• Sản phẩm
• Luật
• Hệ thống
• Truyền thông
• Lưu lượng tiền mặt
Rồi ông nói, “Cha không nghĩ con có cơ hội thực sự với luật, hệ thống hay lưu lượng tiền mặt trong Tam giác C- Đ. Ở trường con không giỏi mà có lẽ con cũng chẳng bao giờ giỏi. Cha không tin con sẽ lại tiếp tục học và trở thành luật sư, kế toán, hay kỹ sư. Còn với sản phẩm và truyền thông, “hãy chọn một và dành cả đời con để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó.” Và vì thế mà tôi quyết định rời hải quân vào làm việc cho tập đoàn Xerox. Năm 1974, tôi quyết định cơ hội thành công lớn nhất để làm chủ doanh nghiệp là trở thành chuyên gia về giao tiếp với con người. Bẩm sinh tôi không có tư duy loại L nhưng tôi quyết định đó là loại tôi sẳn sàng phát triển suốt cả đời mình.
TẠI SAO TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA Ở CHỈ MỘT LĨNH VỰC
Khi tôi hỏi người cha giàu tại sao tôi nên trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực, câu trả lời là, “Nếu con muốn có một ê-kíp giỏi nhất quanh mình, con cần phải giỏi nhất ở một lĩnh vực gì đó. Nếu con chỉ là một tay ngang về truyền thông thì con sẽ không bao giờ cần luật sư, kỹ sư, nhà thiết kế, hay kế toán giỏi nhất. Con sẽ chỉ cần những người xoàng vì con cũng xoàng.”
MỘT NGHỀ CHO CHÍN CÒN HƠN CHÍN NGHỀ
Một số người làm tư không thể làm hết sức mình vì họ cảm thấy họ phải giỏi ở cả năm lĩnh vực. Họ thường thông minh và giỏi cả năm lĩnh vực nhưng lại không nổi trội ở lĩnh vực nào cả. Có lẽ vì thế mà họ thường nằm trong nhóm T. Nếu bạn muốn thành công trong nhóm C, bạn cần giỏi nhất ở một lĩnh vực và xây dựng một ê-kíp các chuyên gia quanh mình lấp đầy các lĩnh vực còn lại.
Vượt qua sự nhút nhát, tôi đã trở nên khá giỏi ở các lĩnh vực bán hàng, tiếp thị, viết, nói, và tạo ra những sản phẩm mới lạ. Nếu không mất nhiều năm đào tạo trong lĩnh vực truyền thông và phát triển tư duy loại L, tôi e là Công ty Người cha giàu đã không thành công đến thế.
Ngày nay, người cha giàu có nhóm thiết kế sản phẩm, nhóm luật sư giỏi, các hệ thống phân phối quốc tế và nội địa ưu việt, và nhóm kế toán đẳng cấp quốc tế theo dõi chuyện tiền nong. Là một công ty, chúng tôi có hàng ngàn người khắp thế giới làm việc cho chúng tôi hay cho sản phẩm của chúng tôi. Như một câu nói, Công ty Người cha giàu có thành công bất ngờ nhưng phải mất nhiều năm chúng tôi mới đến được cái bất ngờ đó.
TRƯỚC KHI BẠN THÔI VIỆC
Trường kinh doanh đường phố là một ngôi trường khắc nghiệt. Tôi vẫn còn nhớ lúc đi lang thang ở New York, túi không còn một xu, gõ cửa từng nơi, hy vọng có ai đó nói “vâng” với ví nylon của tôi. Tôi yêu New York nhưng luôn hiểu đó là một thành phố thật tàn nhẫn nếu bạn nghèo, không thành công và vô danh tiểu tốt.
Dù văn phòng của Công ty Người cha giàu ở Scottsdale, Arizona, phần động cơ của công ty lại nằm ở New York và các thành phố trên khắp thế giới. Thật thú vị khi vào văn phòng của những công ty mạnh nhất thế giới, như Time Warner,
Viacom, American Express, ABC, NBC, CBS, các tạp chí Fortune, Businessweek, Forbes, New York Times, New York Post, và CNN. Và càng thú vị hơn khi làm ăn hay đề nghị làm ăn với họ. Nhưng dù thành công trong suốt sáu năm qua, tôi vẫn luôn nhớ những đường phố của New York và sự lạnh lẽo của thành phố đó như thế nào nếu một trong các yếu tố của Tam giác C-Đ trở nên yếu đi.
Vì thế trước khi thôi việc, hãy hiểu rằng công việc quan trọng nhất của bạn là phát triển bản thân mình. Nếu bạn quyết tâm trở thành một chủ doanh nghiệp lớn, bạn sẽ thấy việc tìm những người giỏi cho ê-kíp của mình dễ dàng hơn. Nếu bạn có thể tạo ra một ê-kíp giỏi, bạn sẽ thấy thành công dễ dàng hơn dù làm gì. Vì thế không có câu hỏi thông minh nào là quan trọng hơn mà bạn hãy nhớ rằng cố gắng giỏi ở trường và giỏi ngoài đời thực mới là việc rất quan trọng.
Bài học 4: Thành công phản ánh thất bại của bạn.
Như Robert đã giải thích, người cha giàu chia ra bốn loại trường kinh doanh.
Chúng gồm:
1. Trường kinh doanh truyền thống
2. Trường kinh doanh gia đình
3. Trường kinh doanh công ty
4. Trường kinh doanh đường phố
Dù cả bốn đều có thể cho những bài học giá trị như trong trường hợp của Robert, liệu bạn có nhất thiết phải trải qua cả bốn để trở thành một chủ doanh nghiệp thành công? Câu trả lời là “còn tùy.” Dù mỗi trường mang lại những bài học và giá trị đào tạo khác nhau, chúng không phải là điều kiện tiên quyết để thành công. Nhưng làm sao chúng ta có thể thành công mà không có chúng?
Nếu bạn không học từ một trường kinh doanh truyền thống, bạn vẫn có thể lĩnh hội được những kiến thức bằng nhiều cách khác. Các trường cộng đồng hay hiệp hội thường mở những khóa học về quản lý và kinh doanh và có nhiều sách và các nguồn trên Internet hỗ trợ nhu cầu học tập của các chủ doanh nghiệp.
TẬP TRUNG VÀO NĂM YẾU TỐ CỦA TAM GIÁC C-Đ
Không được đào tạo từ trường kinh doanh truyền thống, hãy tìm và tận dụng những nguồn khác có thể đẩy nhanh tốc độ đến thành công của bạn. Bằng cách tập trung vào chuyên môn, phát triển các kỹ năng trong năm yếu tố của Tam giác C-Đ, bạn có thể chuẩn bị mình tốt hơn trong việc xây dựng một ê-kíp có thể hỗ trợ bạn.
TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA Ở MỘT LĨNH VỰC
Như người cha giàu khuyên Robert, bạn có thể nghĩ đến việc nỗ lực trở thành chuyên gia ở một trong năm lĩnh vực. Giống Robert, bạn có thể tập trung vào truyền thông. Thường thì chủ doanh nghiệp sẽ là nhân viên bán hàng hiệu quả và đầy nhiệt huyết nhất trong công ty của mình. Bán được là điều thiết yếu để thuyết phục các nhà đầu tư bỏ tiền vào công ty bạn hay bán sản phẩm của công ty bạn cho người tiêu dùng. Như cả người cha giàu và Robert khuyên, bán được hàng là kỹ năng kinh doanh rất quan trọng đối với một chủ doanh nghiệp.
NHÀ TƯ VẤN CHUYÊN MÔN
Như chúng tôi đã đề cập trong nhiều trường hợp, bạn có thể tận dụng kinh nghiệm và trình độ của nhà tư vấn để lấp vào những điểm bạn còn yếu. Ví dụ, trong những năm tôi làm kế toán công, tôi biết nhiều những công ty thành công lẫn không thành công. Kinh nghiệm này kết hợp với trình độ của một CPA trở nên vô giá trong những việc kinh doanh tôi tham gia suốt hai mươi lăm năm qua. Kế toán viên của bạn có thể mang lại những kiến thức chuyên môn này cho bạn và công ty.
Hãy tìm và làm việc với các nhà tư vấn giỏi và lắng nghe họ. Hỏi tất cả những gì bạn muốn – chúng là chìa khóa để đảm bảo nhà tư vấn có được tất cả các câu hỏi quan trọng cần xét đến khi đưa ra lời khuyên – và phải chắc rằng lời khuyên của nhà tư vấn ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Một trong những sai lầm tôi thấy ở các chủ doanh nghiệp là họ bỏ qua những lời khuyên họ không thích. Thật vô lý khi bạn trả nhiều tiền để mua lời khuyên rồi lại gạt nó sang một bên. Bạn không nhất thiết phải luôn làm theo lời khuyên nhưng nó nên ảnh hưởng đến đánh giá của bạn. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bạn nhưng nhiệm vụ của nhà tư vấn là đảm bảo quyết định bạn đưa ra là đúng đắn. Là chủ doanh nghiệp, việc của bạn là có chịu chấp nhận rủi ro hay không. Còn việc của nhà tư vấn là đảm bảo bạn hiểu tường tận rủi ro bạn đang đón nhận.
Tôi cũng đề nghị bạn thường xuyên mời các nhà tư vấn khác nhau ngồi lại cùng bàn thảo. Nhiều ông chủ tham khảo ý kiến tư vấn từng người một. Cách tốt nhất để khai thác tối đa trình độ và kinh nghiệm của các nhà tư vấn là mời họ ngồi lại với nhau và học cách họ tiếp cận một cơ hội hay thử thách cũng như cách họ phân tích ý tưởng của nhau. Kết quả sẽ cho bạn những lợi ích hay hơn nhiều. Bạn vẫn là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm cuối cùng của công ty.
GIỎI NGOÀI ĐỜI THỰC
Dù có kiến thức và kinh nghiệm về kế toán công nhưng tôi vẫn còn nhiều điều phải học từ đời sống kinh doanh thực tế. Không gì giống với việc học từ những sai lầm để hiểu được có bao điều cần biết để xây dựng và vận hành thành công một công ty.
Nó giúp bạn nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một ê-kíp giỏi. Người cha giàu từng nói, “Không chỉ là con biết gì mà còn là con biết ai.” Khi bạn gặp phải một khó khăn trong kinh doanh, còn gì nhẹ nhõm cho bằng khi biết phải gọi ai để giúp đỡ tức thời. Chính nhờ hợp tác và hỗ trợ mới có được thành công kinh doanh ngày mai.
TRÍ TUỆ TẬP THỂ
Sự kết hợp của giỏi ở trường và giỏi ngoài đời thực sẽ giúp bạn xây dựng một doanh nghiệp thành công. Nhưng “trí tuệ tập thể” mới là công thức thực sự của thành công. Nó kết hợp cái giỏi ở trường và giỏi ngoài đời thực của cả ê- kíp. Tất cả những kiến thức và kinh nghiệm của cả nhóm được kết hợp lại trong quá trình kinh doanh hẳn sẽ đẩy công ty của bạn đi lên.
Quá trình quan trọng hơn mục tiêu
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.