Dạy Con Làm Giàu – Tập 10

LỜI GIỚI THIỆU



ĐIỀU GÌ TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT Ở CHỦ DOANH NGHIỆP?

Một trong những thời điểm kinh hoàng nhất đời tôi là ngày tôi nghỉ việc và chính thức làm một ông chủ. Đó là ngày tôi hiểu sẽ chẳng còn những kỳ lương đến hẹn lại lên, không bảo hiểm y tế và lương hưu gì cả. Những ngày nghỉ bệnh hay nghỉ mát theo chế độ cũng là “chuyện xưa rồi”.

Ngày đó, thu nhập của tôi trở về số không. Cảm giác sợ hãi khi không còn lương tháng là một trong những nỗi kinh hoàng nhất tôi từng trải. Và kinh khủng nhất là tôi không biết chuyện đó còn kéo dài bao lâu trước khi thu nhập của tôi ổn định trở lại… biết đâu chừng phải vài năm. Thời điểm nghỉ làm đó, tôi đã thấy rõ lý do vì sao nhiều người làm công chẳng bao giờ trở thành chủ doanh nghiệp. Đó là nỗi sợ không có tiền… không thu nhập ổn định… không lương tháng. Có mấy ai sống nổi một thời gian dài mà không cần đến tiền. Chủ doanh nghiệp thì khác và một trong những điểm khác biệt là khả năng hoạt động khôn ngoan mà không cần đến tiền.

Nhưng cũng đồng thời, chuyện chi tiêu lại tăng vọt. Là chủ doanh nghiệp, tôi phải thuê văn phòng, chỗ đậu xe, nhà xưởng, mua bàn, đèn, bắt điện thoại, trả tiền đi lại, khách sạn, taxi, ăn uống, bút viết, văn phòng phẩm, giấy tờ hành chính, tem thư, brochure, sản phẩm và cả tiền cà phê cho anh em văn phòng. Rồi còn phải thuê thư ký, kế toán, luật sư, công ty bảo hiểm kinh doanh và cả dịch vụ vệ sinh. Trước đây tất cả chi phí này đã có ông chủ lo. Đến giờ thì tôi hiểu để thuê tôi làm nhân viên ông chủ đã tốn kém đến thế nào. Tôi nhận thức được chi phí cho nhân viên không chỉ dừng lại ở con số hàng tháng chuyển vào tài khoản của họ.

Cái khác của người làm công với chủ doanh nghiệp là ở chỗ chủ doanh nghiệp cần biết họ phải tiêu tiền như thế nào, ngay cả khi họ chẳng có xu teng.

BẮT ĐẦU MỘT CUỘC SỐNG MỚI

Ngày tôi chính thức rời công ty, tôi ở San Juan, Puerto Rico. Đó là vào tháng Năm năm 1978. Tôi đến Puerto Rico để dự buổi tiệc mừng Câu lạc bộ Chủ tịch của tập đoàn Xerox, một dịp tôn vinh những cá nhân xuất sắc nhất của cả tập đoàn. Nhân viên từ khắp nơi trên thế giới đến đây để được khen thưởng.

Đó thật sự là một dịp mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Tôi không chắc Xerox đã trả bao nhiêu tiền chỉ để tôn vinh những nhân viên bán hàng xuất sắc nhất công ty. Nhưng giữa không khí rộn ràng đó, lòng tôi nặng trĩu. Suốt ba ngày tham dự, suy nghĩ chiếm trọn đầu tôi là chuyện nghỉ làm, từ bỏ lương tháng ổn định và sự an toàn của công việc. Tôi sắp ra riêng. Tôi sẽ không quay lại làm việc ở văn phòng chi nhánh Honolulu hay cho tập đoàn Xerox nữa.

Khi rời khỏi San Juan, chuyến bay của tôi gặp phải tình huống khẩn cấp. Lúc chuẩn bị hạ cánh ở Miami, viên phi công yêu cầu tất cả hành khách thắt chặt dây an toàn, hai tay ôm đầu và chuẩn bị cho tình huống va chạm mạnh. Cái cảm giác ngày đầu tiên làm chủ doanh nghiệp vốn đã kinh hoàng lắm rồi, thế mà bây giờ tôi lại còn đối mặt với chuyện sống chết nữa sao? Ngày đầu làm chủ quả thật chẳng mấy dễ chịu.

May mắn là chuyến bay an toàn và tôi bay tiếp đến Chicago, ở đó tôi sẽ có buổi thuyết trình bán hàng cho mặt hàng ví nylon cho người lướt sóng. Tôi đến siêu thị Chicago Mercanatile trễ do chuyến bay bị hoãn và khách hàng tôi muốn gặp, một khách hàng lớn chuyên mua cho một chuỗi siêu thị, đã đi mất dạng. Tôi lại lẩm bẩm, “Bắt đầu sự nghiệp làm chủ như vậy thật chẳng tốt chút nào. Nếu không bán được hàng thì việc kinh doanh không có doanh thu, mình thì không có tiền, mà thức ăn cũng chẳng có để nằm trên đĩa. “Vì ăn là chuyện khoái của tôi nên việc không có gì ăn quả làm tôi bần thần nhất.”

PHẢI CHĂNG CÓ NGƯỜI SINH RA ĐỂ LÀM CHỦ?

“Làm chủ doanh nghiệp là năng khiếu bẩm sinh hay được đào tạo mà thành?” Khi tôi hỏi người cha giàu ý kiến của ông về câu hỏi xưa cũ này, ông nói, “Câu hỏi này vô nghĩa. Điều này cũng giống như hỏi con người ta sinh ra để làm công hay được đào tạo để làm công?” Ông nói tiếp, “Con người biết học hỏi. Họ có thể được đào tạo thành người làm công hoặc là ông chủ. Lý do có nhiều người làm công hơn làm chủ đơn giản vì truờng học đào tạo người ta thành người làm công. Vì thế mà nhiều bậc cha mẹ vẫn dạy con cái mình, ‘Đi học để có việc làm tốt. ’ Cha chưa từng nghe cha mẹ nào nói ‘Ráng học để trở thành ông chủ’ cả. ”

NGƯỜI LÀM CÔNG LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG MỚI

Người làm công là một hiện tượng khá mới. Thời kỳ nông nghiệp, hầu hết ai cũng làm chủ. Phần đông nông dân làm lụng trên đất của vua. Người nông dân không ăn lương tháng của vua, mà ngược lại, họ đóng một khoản thuế cho nhà vua để được quyền sử dụng đất. Những ai không là nông dân thì là thương nhân, hay là chủ các cơ sở làm ăn nhỏ. Họ bán thịt, bán bánh, hay làm nến sáp. Cái họ trong tên mỗi người thường chỉ ra nghề của người đó. Vì thế mà ngày nay nhiều người mang họ Smith (tiếng Anh có nghĩa là thợ rèn), Baker (chủ tiệm bánh), và Farmer (vì gia đình họ vốn là nông dân). Tất cả đều làm chủ chứ không làm công. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình làm chủ đó nối nghiệp ông cha, cũng trở thành ông chủ. Như vậy, mấu chốt nằm ở việc đào tạo.

Trong thời đại công nghiệp, nhu cầu người làm công tăng mạnh. Để đáp ứng, một số nhà nước giành lấy nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo hệ thống Prussian mà các trường học Tây Âu trên thế giới hiện nay vẫn lấy làm hình mẫu. Nếu nghiên cứu học thuyết đằng sau hệ thống giáo dục Prussian, bạn sẽ thấy mục đích được ghi rõ là sản sinh ra binh sĩ và nhân công… những người làm theo mệnh lệnh và chỉ làm đúng những gì họ được yêu cầu. Hệ thống giáo dục Prussian tuyệt vời trong việc sản xuất hàng loạt các nhân công. Mấu chốt vẫn là ở việc đào tạo.

NHỮNG ÔNG CHỦ NỔI TIẾNG NHẤT

Có lẽ bạn cũng để ý rằng phần nhiều những chủ doanh nghiệp nổi tiếng nhất không học hành trọn vẹn. Trong số đó có Thomas Edison, người sáng lập General Electric; Henry Ford, chủ công ty Ford Motor; Bill Gates, sáng lập viên của Microsoft; Richard Brandson, chủ của Virgin; Michael Dell, chủ của Dell Computers; Steve Jobs, chủ của Apple Computers và Pixar; và Ted Turner, chủ của CNN. Hẳn nhiên là có những chủ doanh nghiệp học hành đến nơi đến chốn… nhưng ít có ai nổi tiếng như những nhân vật kể trên.

TỪ LÀM CÔNG SANG LÀM CHỦ

Tôi biết mình sinh ra không phải là một ông chủ. Tôi cần phải học. Người cha giàu hướng dẫn tôi qua cả một quá trình bắt đầu từ lúc làm công cho đến cuối cùng trở thành một ông chủ. Đối với tôi, quá trình đó không dễ dàng chút nào. Nhiều thứ tôi phải quên đi trước khi có thể bắt đầu hiểu được những bài học mà ông cố gắng dạy tôi.

Thật khó lĩnh hội những gì người cha giàu nói vì những gì từ ông hoàn toàn trái ngược những bài học người cha nghèo đã dạy. Mỗi khi người cha giàu đề cập chuyện làm chủ, ông lại nói về tự do. Còn mỗi khi người cha nghèo khuyên tôi chuyện đi học để kiếm việc làm, ông lại nói về chuyện công việc ổn định. Hai trường phái này đụng nhau chan chát trong đầu tôi và làm tôi thật bối rối.

Cuối cùng tôi hỏi người cha giàu về sự khác nhau trong hai cách nghĩ. Tôi hỏi, “ổn định trong công việc và tự do không thể nào là một thứ sao cha?”

Ông mỉm cười trả lời, “Tự do và ổn định không giống nhau… thực tế chúng còn trái nhau. Con càng tìm đến sự ổn định thì con càng có ít tự do. Những người có công việc ổn định rất có thể sẽ sống trong sự giam cầm. ” ông nói tiếp, “Nếu con muốn tự do, con phải thoát ra khỏi Sự ổn định. Người làm công kỳ vọng vào sự ổn định còn người làm chủ thì theo đuổi tự do. ”

Vì thế câu hỏi sẽ là, có phải ai cũng có thể trở thành chủ doanh nghiệp? Câu trả lời của tôi là, “Đúng. Nó bất đầu bằng sự thay đổi trong cách nghĩ. Nó bắt đầu với mơ ước tự do hơn là sự ổn định. ”

TỪ CHÚ SÂU BƯỚM THÀNH BƯỚM

Chúng ta đều biết rằng sâu bướm làm kén và rồi một ngày nọ nở ra thành bướm. Thay đổi đó thật là sâu sắc và được gọi là sự biến hình – sự thay đổi mạnh mẽ trong tính cách. Cuốn sách này viết về một sự biến hình tương tự thế. Cuốn sách này viết về những thay đổi một người phải trải qua khi chuyển từ một người làm công sang một ông chủ. Nhiều người mơ ước nghỉ việc và khởi sự làm ăn riêng nhưng chỉ có rất ít là thực hiện được. Tại sao? Vì sự thay đổi từ một người làm công sang một ông chủ không chỉ đơn giản là thay đổi công việc… nó đúng là một sự biến hình.

SÁCH VỀ CHỦ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC VlỂT BỞI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG PHẢI CHỦ DOANH NGHIỆP

Nhiều năm qua, tôi đã đọc rất nhiều sách viết về chủ doanh nghiệp và đề tài làm chủ, Tôi đã nghiên cứu cuộc đời của những ông chủ như Thomas Edison, Bill Gates, Richard Brandson và Henry Ford. Tôi cũng đọc những cuốn sách về những tư tưởng doanh nhân khác nhau và điều gì khiến có những chủ doanh nghiệp này xuất sắc hơn chủ kia. Cuốn nào cũng có cái hay cái dở, và tôi đã tìm thấy những thông tin hay lời khuyên vô giá giúp tôi trên con đường trở thành một chủ doanh nghiệp giỏi hơn:

Nhìn lại những cuốn sách đã đọc, tôi thấy có thể chia chúng thành hai loại cơ bản: những cuốn do chủ doanh nghiệp viết và những cuốn do giới không làm chủ viết. Phần nhiều sách là do giới thứ hai chấp bút, đó là các tác giả chuyên nghiệp, nhà báo hay các giáo sư đại học.

Biết là mỗi cuốn sách tôi đều thu nhặt được vài điều quan trọng, bất kể ai là người viết, tôi vẫn thấy thiếu cái gì đó. Đó chính là những cảm giác “rớt xuống cống”, “bị đạp vào bụng”, ‘‘bị đâm từ sau lưng”, những lỗi lầm tai hại và những câu chuyện thảm sầu mà hầu như doanh nhân nào cũng từng nếm trải. Hầu hết các cuốn sách đều vẽ nên bức chân dung một ông chủ là doanh nhân sáng chói, khéo léo, tài hoa và dễ dàng giải quyết mọi thứ thách. Những cuốn sách viết về những người chủ vĩ đại thường tạo cảm giác như họ sinh ra để làm chủ. Hệt như nếu có những vận động viên tài năng bẩm sinh thì cũng có những doanh nhân tài năng bẩm sinh vậy và phần lớn các cuốn sách đều viết về những người như thế.

Những cuốn sách về chủ doanh nghiệp do các giáo sư đại học viết lại mang một phong vị khác. Các giáo sư đại học thường mổ xẻ đề tài đến tận xương, rút ra chỉ là những số liệu hay phát hiện mang tính thống kê. Đọc những cuốn sách chính xác công thức như thế tôi thấy thật khó vào vì ngấy. Chẳng còn chút thịt, chút mùi vị gì cả, chỉ là những khúc xương xẩu.

CUỐN SÁCH NÀY KHÁC Ở CHỖ NÀO?

Cuốn sách về chuyện làm chủ này do chính một người làm chủ chấp bút, người từng trải bao thăng trầm, thành công cũng như thất bại trong thế giới thực.

Ngày nay Công ty Người cha giàu (Rich Dad Company) là một công ty quốc tế với sản phẩm được dịch sang bốn mươi bốn thứ tiếng, kinh doanh tại hơn tám mươi quốc gia. Và khởi điểm của công ty đó gồm có vợ tôi – Kim, và đồng sự của tôi – Sharon Letcher. Nó khởi sự từ bàn ăn ở nhà Sharon năm 1997. Khoản đầu tư đầu tiên là 1.500 đôla. Cuốn sách đầu tay của chúng tôi Dạy con làm giàu (tập 1) nằm trong danh sách những cuốn bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times suốt bốn năm rưỡi, một thành tích mà chỉ có thêm ba cuốn khác đạt được. Không chừng khi bạn đọc cuốn sách này thì cuốn kia vẫn còn nằm trong danh sách best-seller đấy.

Thay vì kể cho bạn nghe tôi kinh doanh thông minh như thế nào, chúng tôi nghĩ tốt hơn là viết một cuốn sách về làm chủ theo một cách nhìn khác. Thay vì kể cho bạn nghe tôi đã vượt qua những đỉnh cao chót vót một cách tài tình, kiếm được nhiều triệu đô, chúng tôi nghĩ bạn sẽ học được nhiều hơn từ việc tự tôi đã đào những hố sâu và rơi vào đó như thế nào và rồi phải vùng vẫy tìm lối thoát. Thay vì kể cho bạn nghe những thành tựu, chúng tôi tin bạn sẽ học được nhiều hơn từ những thất bại của chúng tôi.

TẠI SAO LẠI VIẾT VỀ THẤT BẠI?

Nhiều người không thể trở thành chủ doanh nghiệp vì họ sợ thất bại. Bằng cách viết về những thứ mà nhiều người sợ, chúng tôi hy vọng giúp bạn quyết định tốt hơn liệu trở thành chủ doanh nghiệp có phải là chuyện bạn nên làm. Mục đích của chúng tôi không phải là hù dọa bạn mà là cung cấp một cái nhìn cụ thể về “thế giới thực” cùng những thăng trầm trên con đường trở thành một ông chủ.

Một lý do nữa để viết về thất bại là con người ta biết cách học hỏi từ những lỗi lầm. Để đi được đứa trẻ nào lại chẳng té và rồi cố gắng đứng dậy. Học đi xe đạp ai chẳng té và lại leo lên đạp tiếp. Nếu chúng ta không gặp nguy cơ sai phạm thì có lẽ chúng ta sẽ suốt đời lê lết như một con sâu bướm. Một trong những yếu tố bị bỏ qua ở những cuốn sách về chủ doanh nghiệp chúng tôi đã đọc, đặc biệt những cuốn do các giáo sư đại học viết, là chúng không đào sâu vào những thử thách về cảm xúc và những nỗi cực nhọc một người chủ trải qua. Chúng không đề cập đến phần cảm xúc của người chủ doanh nghiệp khi việc làm ăn thất bại, khi họ hết tiền, khi họ phải để nhân viên ra đi và khi các nhà đầu tư và cổ đông rượt đuổi họ. Làm sao các giáo sư hiểu được một ông chủ thất bại cảm thấy thế nào? Làm sao họ hiểu hết được vì trong thế giới học giả, người ta chỉ đánh giá cao lương tháng ổn định, có nhà cửa, luôn biết câu trả lời chính xác và không bao giờ được mắc lỗi. Vậy đấy, tất cả vẫn là vấn đề đào tạo.

Cuối những năm 1980, tôi được mời nói chuyện về đề tài chủ doanh nghiệp ở Đại học Columbia. Thay vì nói về những thành công, tôi đã kể những thất bại và bài học rút ra từ đó. Các khán giả trẻ đã đặt rất nhiều câu hỏi và có vẻ thực sự quan tâm đến những thăng trầm tên con đường trở thành một chủ doanh nghiệp. Tôi nói về những nỗi sợ mà tất cả đều phải đối mặt khi khởi đầu một công việc kinh doanh và cách tôi đã đối mặt với những nỗi sợ đó như thế nào. Tôi chia sẻ với họ một vài sai lầm ngu ngốc của mình và những sai lầm đó sau này đã trở thành những bài học vô giá như thế nào, những bài học không thể có được nếu tôi không phạm sai lầm. Tôi nói đến những nỗi đau khi phải đóng cửa cơ sở làm ăn và sa thải nhân viên vì sự bất tài của mình. Tôi cũng chia sẻ với họ tất cả những lầm lỗi đã giúp tôi trở thành một ông chủ giỏi hơn, giàu có như thế nào, và quan trọng nhất là tự do về tài chính, không còn phải cần đến một chỗ làm nữa. Rốt lại, tôi vẫn cho rằng đó là một cuộc nói chuyện thực tế, khách quan về con đường trở thành chủ doanh nghiệp.

Ít tuần sau, tôi mới biết là người mời tôi đến phát biểu tại trường đại học đã bị gọi vào văn phòng trưởng khoa và quở trách. Những từ cuối cùng của ông ta là, “Chúng ta không được phép nói về thất bại tại trường Columbia này. ”

CHỦ DOANH NGHIỆP LÀ AI?

Chúng ta đã mổ xẻ các giáo sư đại học nhưng cũng cần có lời khen ngợi. Một trong những định nghĩa hay về chủ doanh nghiệp là của Howard H.Stevenson, một giáo sư Đại học Harvard. Ông nói, “Làm chủ doanh nghiệp là một cách tiếp cận quản lý mà chúng tôi định nghĩa như sau: sự theo đuổi cơ hội bất chấp nguồn lực sẵn có.” Theo thiển ý của tôi, đây là một trong những định nghĩa hay nhất về chủ doanh nghiệp. Nó thật đến tận gốc ngọn… và thật sáng ngời.

SỨC MẠNH CỦA NHỮNG CÁI CỚ

Nhiều người muốn trở thành chủ doanh nghiệp nhưng luôn luôn đưa ra những cái cớ vì sao họ không thể thôi việc, chẳng hạn như:

1.“Tôi không có tiền. ’’

2.“Tôi không thể bỏ việc vì còn lũ nhỏ phải nuôi. ”

3. “Tôi chẳng quen ai. ”

4.“Tôi không được sáng dạ. ”

5.“Tôi không có thời gian. Tôi bận quá. ”

6. “Tôi không tìm được người nào muốn giúp mình. ”

7. “Gầy dựng cho thành một chuyện làm ăn mất nhiều thời gian quá. ”

8. “Tôi sợ. Với tôi, chuyện xây dựng một cơ sở làm ăn thật quá mạo hiểm. ”

9. “Tôi không thích quản lý người làm công. ”

10. “Tôi già rồi.”

Người bạn đưa cho tôi bài báo này của giáo sư Stevenson nói, “Thằng nhóc hai tuổi nào mà chẳng giỏi lý do lý trấu. ” Anh nói thêm, “Lý do mà hầu hết những người muốn trở thành chủ doanh nghiệp vẫn cứ mãi đi làm công là vì họ có một cái cớ gì đó khiến họ không nghỉ việc và vượt qua ngưỡng số phận. Với nhiều người, những cái cớ mang một sức mạnh lấn át cả những ước mơ. ”

SỰ KHÁC BIỆT Ở CÁC CHỦ DOANH NGHIỆP

Stevenson có rất nhiều ý kiến quý giá và xác đáng trong bài viết của mình, đặc biệt khi ông so sánh các chủ doanh nghiệp với người làm công, giống như người sáng lập với ủy viên quản trị, theo như cách ông đặt tên. Một vài những so sánh xác đáng này là:

1. Trong vấn đề định hướng chiến lược: NGƯỜI SÁNG LẬP: hướng theo cảm nhận về cơ hội.
ỦY VIÊN QUẢN TRỊ: bị lệ thuộc vào việc quản lý nguồn lực.

Nói cách khác, chủ doanh nghiệp luôn tìm kiếm cơ hội mà không quan tâm lắm đến việc họ có nguồn lực hay không. Những người thuộc típ làm công thì lại lưu tâm đến nguồn lực, vì thế mà rất nhiều người nói, “Tôi bắt đầu việc kinh doanh thế nào đây? Tôi đâu có tiền. ” Một chủ doanh nghiệp sẽ nói, “Chúng ta ký kết đi rồi chúng ta sẽ có tiền thôi mà. ” Sự khác nhau trong cách nghĩ là khác biệt rất lớn giữa người làm công và chủ doanh nghiệp.

Cũng vì thế mà người cha nghèo của tôi vẫn bảo, “Cha chả mua nổi. ’’ Vì là người làm công nên ông chỉ chăm chăm vào các nguồn lực của mình. Những bạn đã đọc qua các cuốn sách khác của tôi biết là người cha giàu cấm con trai mình và tôi nói, “Tôi không mua nổi.” Thay vào đó ông dạy chúng tôi nhìn vào cơ hội và hỏi, “Làm thế nào mua được đây? ” ông là một chủ doanh nghiệp.

2. Trong vấn đề cấu trúc quản lý:

NGƯỜI SÁNG LẬP: dàn trải với nhiều mạng quan hệ không chính thống.

ỦY VIÊN QUẢN TRỊ: cấu trúc thứ bậc rõ ràng với nhiều cấp bậc.

Nói cách khác, một chủ doanh nghiệp muốn giữ cho tổ chức kinh doanh nhỏ và gọn gàng, sử dụng các mối quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược để phát triển kinh doanh. Người làm công muốn xây dựng một hệ thống thứ bậc với một loạt những cấp bậc mà họ ngồi trên hết. Một chủ doanh nghiệp sẽ phát triển doanh nghiệp theo hàng ngang, có nghĩa là “lấy nguồn lực từ bên ngoài” hơn là mang việc “vào nhà. ” Người làm công lại muốn phát triển doanh nghiệp theo hàng dọc, nghĩa là thuê thêm nhiều người làm công. Đối với người làm công, những biểu đồ tổ chức chính thống rất quan trọng để họ leo lên bậc thang quản lý.

Trong cuốn sách này, bạn sẽ hiểu Công ty Người cha giàu đã vẫn giữ quy mô nhỏ nhưng phát triển lớn mạnh bằng cách sử dụng những đối tác chiến lược mạnh có cấu trúc thứ bậc lớn như Time Warner, Time Life, Infinity Broadcasting, và những nhà xuất bản quan trọng trên khắp thế giới. Chúng tôi quyết định phát triển theo cách này vì chúng tôi tốn ít thời gian, sức người và tiền bạc hơn. Chúng tôi có thể phát triển nhanh hơn, lớn mạnh hơn, trở nên có lời hơn, có danh tiếng toàn cầu mà vẫn giữ quy mô nhỏ. Chúng tôi sử dụng tiền và sức của người khác để phát triển công việc kinh doanh. Cuốn sách này sẽ giải thích làm thế nào và tại sao chúng tôi lại thực hiện theo cách đó.

3. Trong vấn đề khen thưởng:

NGƯỜI SÁNG LẬP: hướng theo giá trị, căn cứ vào khả năng làm việc và theo tinh thần tập thể.
ỦY VIÊN QUẢN TRỊ: hướng theo sự đảm bảo, căn cứ vào nguồn lực, tập trung vào việc thăng cấp bậc.

Nói một cách đơn giản, người làm công muốn có sự ổn định công việc ở một công ty mạnh, thu nhập ổn định, và cơ hội thăng tiến – leo lên những nấc quản lý cao hơn. Nhiều người làm công xem việc thăng tiến và chức tước quan trọng hơn cả tiền. Tôi biết người cha nghèo của tôi là như vậy. ông yêu chức danh của mình, Quản lý Giáo dục công ích, dù lương ông không nhiều.

Chủ doanh nghiệp không ham leo lên từng nấc thang quản lý mà họ muốn sở hữu cả thang quản lý đó. Chủ doanh nghiệp không quan tâm đến lương tháng mà là kết quả của tập thể. Cũng như Howard Stevenson nói, nhiều người đã khởi nghiệp vì họ sở hữu những giá trị mạnh, những giá trị quan trọng hơn công việc và thu nhập ổn định. Cuốn sách này sẽ đi vào những giá trị quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Với nhiều chủ doanh nghiệp, những giá trị của họ còn quan trọng hơn cả chuyện tiền. Họ đam mê công việc, mục tiêu và yêu những gì mình làm. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn làm cho dù không có tiền. Người cha giàu nói, “Nhiều người làm công chỉ yêu công việc khi họ còn được trả lương đều đặn. ”

Trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ được học về ba loại tiền: đồng tiền cạnh tranh, đồng tiền hợp tác, và đồng tiền tinh thần. Đồng tiền cạnh tranh là tiền mà hầu hết mọi người làm việc để có được. Họ tranh nhau công việc, thăng chức, tăng lương, và đối đầu với đối thủ kinh doanh. Đồng tiền hợp tác có được từ hợp tác thay vì cạnh tranh. Trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ hiểu làm thế nào Công ty Người cha giàu phát triển nhanh chóng, đơn giản bằng cách làm việc vì đồng tiền hợp tác. Một phần quan trọng của cuốn sách này cũng sẽ dành nói về mục tiêu kinh doanh và những giá trị. Dù không phủ nhận nhiều chủ doanh nghiệp là những kẻ cơ hội, chỉ chạy theo đồng tiền cạnh tranh, vẫn có những người xây dựng kinh doanh hướng đến một mục tiêu rõ ràng, làm việc vì những đồng tiền tinh thần – đồng tiền tốt nhất trong ba loại.

NHỮNG DẠNG QUẢN LÝ KHÁC NHAU

Có hai điểm trong bài viết của Howard Stevenson thật sự thú vị, đặc biệt là từ một giáo sư đại học. Howard Stevenson nhận định, nhiều người vẫn cho rằng các chủ doanh nghiệp không phải là người quản lý tốt, ông không đồng tình với quan điểm được nhiều người công nhận đó, “Các chủ doanh nghiệp vẫn bị gán cho hình ảnh tự cao tự đại và vì thế không thể quản lý tốt. Tuy nhiên, dù nhiệm vụ quản lý khá xa lạ với chủ doanh nghiệp, kỹ năng quản lý vẫn cực kỳ cần thiết. ” Chính xác lắm Howard. Nói cách khác, chủ doanh nghiệp quản lý người theo một cách khác. Điểm tiếp theo sẽ giải thích vì sao lại có sự khác biệt trong cách quản lý giữa chủ doanh nghiệp và người làm công.

BIỂT CÁCH SỬ DỤNG NGUỒN LỰC CỦA NGƯỜI KHÁC

Một điểm khác Stevenson nêu rất xác đáng là định nghĩa của ông về một chủ doanh nghiệp, “Làm chủ doanh nghiệp là một cách tiếp cận quản lý mà chúng tôi định nghĩa như sau: sự theo đuổi cơ hội bất chấp nguồn lực sẵn có. ” ông nói, “Các chủ doanh nghiệp học cách sử dụng nguồn lực của người khác một cách hiệu quả. ” Từ đây dẫn đến sự khác biệt trong phong cách quản lý. Người làm công muốn thuê người để họ có thể quản lý. Người được thuê ngay lập tức đưa mình vào vị trí bị quản lý. Họ sẽ làm những gì được yêu cầu hoặc bị đuổi việc. Chính vì thế mà những người làm công muốn tạo ra hệ thống quản lý cột dọc. Họ muốn hình thức quản lý Prussian. Họ muốn người ta nhảy khi họ nói “Nhảy. ”

Vì chủ doanh nghiệp không nhất thiết quản lý người làm công nên họ cần quản lý con người theo cách khác. Nói đơn giản là thế này, chủ doanh nghiệp còn biết cách quản lý những chủ doanh nghiệp khác như thế nào. Nếu bạn nói “Nhảy” với một chủ doanh nghiệp, hẳn họ sẽ phản ứng kịch liệt. Vì thế mà chủ doanh nghiệp không phải là những nhà quản lý tồi như nhiều người nghĩ; đơn giản là họ có phong cách quản lý rất khác, họ quản lý những người họ không thể bắt buộc phải làm theo ý hay là… đuổi việc.

Sự khác nhau về phong cách quản lý cũng lý giải vì sao những người làm công làm việc vì đồng tiền cạnh tranh còn chủ doanh nghiệp có khuynh hướng làm việc cho đồng tiền hợp tác.

NGƯỜI LÀM CÔNG TÌM NGƯỜI LÀM CÔNG

Đây là một số những lời than thở phổ biến nhất của những chủ doanh nghiệp mới, “Tôi không tìm được người giỏi. ” “Nhân viên không muốn làm việc. ” “Tất cả những gì nhân viên muốn chỉ là nhiều tiền hơn. ” Đây là vấn đề của một chủ doanh nghiệp mới vẫn còn lúng túng trong cách quản lý. Phong cách quản lý là vấn đề của đào tạo. Lại một lần nữa tôi dành lời khen đến vị giáo sư đại học Howard Stevenson vì ông đã chỉ ra sự khác nhau cốt lõi giữa chủ doanh nghiệp và người làm công.

ĐỪNG CHỜ TẤT CẢ ĐÈN TÍN HIỆU CÙNG XANH

Một lý do nữa khiến nhiều người không thành công như mong muốn là nỗi sợ hãi – thường là sợ sai lầm hoặc thất bại. Có một lý do nữa, cũng là sợ, nhưng nó được thể hiện khác một chút. Những người này che đậy nỗi sợ bằng cách tỏ ra mình là người cầu toàn. Họ chờ cho đầy đủ mọi điều kiện xuất hiện rồi mới bắt đầu khởi nghiệp. Họ muốn tất cả đèn tín hiệu cùng xanh trước khi lao vào đường chạy. Vì thế mà khi nói đến chuyện xây dựng công ty, nhiều người vẫn cứ bị kẹt trên đường chạy dù động cơ đã sẵn sàng.

BA PHẦN CỦA VIỆC KINH DOANH

Một trong những chủ doanh nghiệp giỏi nhất mà tôi từng biết là một người bạn và cũng là đối tác kinh doanh của tôi. Tôi đã lập nhiều công ty chung với anh – ba công ty đã lên sàn chứng khoán và mang lại cho chúng tôi nhiều triệu đôla. Anh đã nói như thế này để mô tả một chủ doanh nghiệp, “Có ba phần để thực hiện việc kinh doanh. Một là tìm được đúng người. Hai là tìm đúng cơ hội. Và ba là tìm ra tiền. ” Anh cũng nói, “Hiếm khi cả ba cái đến cùng lúc. Đôi khi bạn có người, nhưng lại không có hợp đồng hay tiền. Đôi khi bạn có tiền nhưng lại không có việc hay có người. Việc quan trọng nhất của chủ doanh nghiệp là tóm lấy một miếng và bắt đầu đặt nó chung với các miếng kia. Việc đó mất nhiều tuần hay nhiều năm, nhưng khi đã có một miếng thì bạn cũng đã có thể khởi sự. ” Nói cách khác, chủ doanh nghiệp không quan tâm nếu hai trong ba đèn giao thông đang đỏ. Thực tế, chủ doanh nghiệp không nề hà gì nếu cả ba đèn cùng đỏ. Đèn đỏ không ngăn được người có máu làm chủ trở thành một chủ doanh nghiệp.

CÁI GÌ ĐÁNG LÀM THÌ LÀM NGAY

Bạn có bao giờ để ý là các phần mềm, chẳng hạn Windows của hãng Microsoft thường có nhiều phiên bản như Windows 2.0 và Windows 3.0 không? Điều đó có nghĩa là họ đã cải thiện sản phẩm và bây giờ muốn bạn mua phiên bản tốt hơn. Nói cách khác, sản phẩm đầu tiên họ bán cho bạn không hề hoàn hảo. Họ đã bán dù biết rằng nó còn lỗi, còn trục trặc và cần được nâng cấp nữa.

Nhiều người không thể ra đến thị trường vì họ liên tục hoàn thiện sản phẩm của mình. Giống như người cứ đứng chờ cho tất cả đèn giao thông cùng xanh, một số chủ doanh nghiệp chẳng bao giờ xuất hiện trên thương trường vì họ đang mãi tìm kiếm hoặc chật vật hoàn thiện sản phẩm hay viết một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo. Người cha giàu thường nói, “Cái gì đáng làm thì làm ngay. ” Henry Ford từng nói, “Rất vui mừng là tôi có khách hàng. Họ mua sản phẩm của tôi trước khi chúng được hoàn hảo. ” Nói cách khác, chủ doanh nghiệp khởi sự và tiếp tục hoàn thiện bản thân, công việc và sản phẩm của mình. Nhiều người không khởi sự cho đến khi mọi việc đâu vào đó. Vì thế mà họ chẳng bao giờ có thể bắt đầu.

Biết khi nào là lúc giới thiệu sản phẩm ra thị trường vừa là một khoa học mà cũng là một nghệ thuật. Có thể bạn không muốn chờ đến khi sản phẩm được hoàn hảo mà cũng có thể chẳng bao giờ nó hoàn hảo. Chỉ cần nó “đủ tốt,” để thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sản phẩm bị lỗi đến độ không đáp ứng được mục tiêu đặt ra hoặc không đáp ứng được nhu cầu của thị trường hoặc giả gây vấn đề thì có thể nó khó tạo lại được uy tín và tên tuổi cho chất lượng.

Một trong những yếu tố tạo nên một chủ doanh nghiệp thành công là khả năng đánh giá được “cung” của thị trường và biết khi nào ngừng phát triển sản phẩm và bắt đầu tiếp thị. Nếu sản phẩm được đưa vào thị trường hơi “non tuổi” một chút thì chủ doanh nghiệp vẫn có thể cải thiện và có các bước để duy trì tên tuổi trên thị trường. Ngược lại, trì hoãn giới thiệu sản phẩm có thể lỡ cơ hội một đi không trở lại.

Nếu bạn còn nhớ các bản Windows trước đây, hẳn bạn còn nhớ máy tính của bạn “chết cứng” bao nhiêu lần. (Có người còn bảo Windows nhiều bọ rệp quấy phá đến độ nên bán kèm thêm một can thuốc trừ sâu.) Nếu một chiếc xe hơi bị chết máy thường xuyên như chương trình Windows thì có lẽ khó mà được thị trường chấp nhận. Thực tế, xe hơi là sản phẩm rất chua và chủ hãng hẳn sẽ bị buộc phải thu hồi. Tuy nhiên, Windows, dù cho có nhiều sai sót đi nữa thì vẫn thành công kinh khủng. Vì sao vậy? Nó đã lấp được nhu cầu của thị trường và không đi ra ngoài kỳ vọng của thị trường. Microsoft đã nhận ra cửa sổ cơ hội và bắt đầu tiếp thị. Với những bạn đang sử dụng bản Windows hiện tại, nếu Microsoft chờ cho Wỉndows hoàn thiện thì hẳn đến giờ cũng chưa có mặt trên thị trường.

GIỎI NGOÀI ĐỜI THỰC HAY GIỎI Ở TRƯỜNG

Trong võ thuật, có một câu nói thế này, “Cốc đầy vô dụng. Cốc cạn hữu dụng. ” Với chủ doanh nghiệp thì câu nói đó cũng đúng.

Chúng ta từng nghe nói, “À, chuyện đó tôi biết cả rồi. ” Đó là câu nói từ những người có cốc đầy. Đó là phát biểu của người tin rằng mình biết tất cả các câu trả lời. Chủ doanh nghiệp không thể biết hết mọi câu trả lời. Họ hiểu rõ mình không thể biết hết mọi câu trả lời. Họ hiểu rõ thành công đòi hỏi cốc của mình luôn luôn cạn.

Một người làm công để thành công thì phải biết câu trả lời đúng. Nếu không, họ sẽ bị đuổi việc hoặc không có đường tiến thân. Chủ doanh nghiệp không cần biết mọi câu trả lời. Điều họ cần biết là gọi cho ai. Vai trò của người tư vấn là ở chỗ này.

Người làm công thường được đào tạo thành các chuyên gia. Nói đơn giản, chuyên gia là người biết rất nhiều về một cái nhỏ. Cốc của anh ta phải đầy tràn.

Chủ doanh nghiệp còn phải là người nhìn tổng quát. Đó là người biết một ít về cái lớn. Cốc của anh ta phải cạn.

Chúng ta đi học để có chuyên môn. Chúng ta đi học để trở thành kế toán, luật sư, thư ký, y tá, bác sĩ, kỹ sư hay người lập trình. Đó là những người biết nhiều về một cái nhỏ. Càng chuyên sâu, họ càng kiếm được nhiều tiền – hoặc chí ít thì họ cũng hy vọng như vậy.

Điều làm cho chủ doanh nghiệp khác hẳn là họ phải biết ít về kế toán, luật, hệ thống kỹ thuật, hệ thống kinh doanh, bảo hiểm, thiết kế sản phẩm, đầu tư tài chính, con người, bán hàng, tiếp thị, phát biểu trước công chúng, gọi vốn, và làm việc với những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ doanh nghiệp thực thụ hiểu có rất nhiều điều để biết và rất nhiều điều chưa biết, họ không thể nào biết tường tận vào từng lĩnh vực được. Vì thế mà cốc của họ luôn cạn. Họ phải luôn luôn học hỏi.

KHÔNG NGÀY TỐT NGHIỆP

Điều này có nghĩa chủ doanh nghiệp là một người không ngừng học hỏi. Khi tôi chuyển từ một người làm công sang làm chủ cũng là lúc việc học của tôi thực sự bắt đầu. Tôi đọc ngay bất cứ cuốn sách kinh doanh nào có trong tay, đọc báo tài chính, và tham gia các khóa học. Tôi hiểu là mình không biết mọi câu trả lời. Tôi hiểu là mình phải học thật nhiều, thật nhanh. Bây giờ cũng vậy. Tôi biết sự học của một chủ doanh nghiệp không bao giờ có ngày tốt nghiệp. Mãi mãi tôi là một sinh viên. Nói cách khác, khi nào không làm việc là tôi lại đọc, học, và ứng dụng những gì đã học vào công việc.

Qua thời gian, học tập không ngừng và ứng dụng vào công việc đã trở thành một trong những yếu tố mang đến thành công cho tôi. Tôi đã nói mình không phải sinh ra để làm chủ doanh nghiệp như một vài người bạn khác. Nhưng như cuộc đua của rùa và thỏ, chú rùa tôi chậm chạp mà chắc chắn đã bắt kịp và vượt qua những người bạn với chiếc cốc đã trở nên đầy sau khi thành công. Một chủ doanh nghiệp thật sự không có ngày tốt nghiệp.

QUÁ CHUYÊN MÔN HÓA

Kim tứ đồ này lấy từ cuốn Dạy con làm giàu (tập 2).

Nhóm L là người làm công

Nhóm T là những người làm tư, có cơ sở làm ăn nhỏ hoặc người làm chuyên môn

Nhóm C là những chủ doanh nghiệp lớn (từ 500 nhân viên trở lên)

Nhóm Đ là người đầu tư

Một trong những lý do có rất nhiều chủ doanh nghiệp nằm trong nhóm T hơn là nhóm C là vì họ đi quá sâu vào chuyên môn. Ví dụ một bác sĩ y khoa khi làm tư thì họ là một chủ doanh nghiệp nhưng rất khó cho họ chuyển từ nhóm T sang nhóm C vì họ được đào tạo chuyên sâu rồi – cốc của họ đã đầy. Một người muốn chuyển từ nhóm T sang C thì anh ta cần được đào tạo tổng quát thêm. Cốc của anh ta phải luôn luôn cạn.

Một lưu ý về Kim tứ đồ. Một trong những lý do vì sao người cha giàu khuyên tôi trở thành chủ doanh nghiệp trong nhóm C và Đ là luật thuế cho hai nhóm này thuận lợi nhất. Luật thuế cho hai nhóm người làm công và làm tư không được ưu đãi đến thế. Mức thuế ưu đãi nhiều hơn cho những người thuê nhiều nhân công trong nhóm C hoặc đầu tư vào những dự án chính phủ khuyến khích, chẳng hạn đầu tư vào xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Nói tóm lại, nhóm khác nhau có thuế khác nhau.

DANH SÁCH NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU:

Trước khi thôi việc, người ta cần quyết định liệu họ có muốn chuyển từ làm công sang làm chủ hay không. Sự chuyển đổi hay quá trình biến hình này đòi hỏi sự thay đổi trong những điểm sau:
1. Khả năng thay đổi suy nghĩ từ ổn định sang tự do
2. Khả năng không tiền mà vẫn hoạt động được

3. Khả năng hoạt động không cần sự bảo đảm

4. Khả năng chú trọng vào cơ hội hơn là nguồn lực

5. Có các cách quản lý khác nhau để quản lý những người khác nhau

6. Khả năng quản lý con người và nguồn lực họ không sở hữu

7. Chú trọng tập thể và giá trị hơn là thu nhập và thăng tiến

8. Luôn học hỏi – không có ngày tốt nghiệp

9. Đào tạo tổng quát hơn là chuyên sâu

10. Sự can đảm chịu trách nhiệm cho toàn bộ công việc kinh doanh

Có thể bạn không để ý là nông dân, có lẽ là những ông chủ đầu tiên, đã từng phát triển hầu hết những điểm này để tồn tại. Hầu hết phải trồng trọt trong mùa xuân để gặt hái vào mùa thu. Hầu hết phải cầu xin mưa thuận gió hòa và sâu bệnh chừa lại đủ cho gia đình họ sống qua mùa đông dài khắc nghiệt. Người cha giàu thường nói, “Nếu con có đầu óc và sự vững chãi như một nông dân, con sẽ là một chủ doanh nghiệp xuất chúng. ”

CHIẾC BÌNH VÀNG Ở ĐOẠN CUỐI CẦU VỒNG

Dù cuốn sách bắt đầu bằng việc mô tả con đường trở thành chủ doanh nghiệp đầy cam go và lâu dài, nhưng tôi cũng muốn nói cho bạn biết rằng đoạn cuối cầu vồng là một chiếc bình vàng. Cũng như học bất cứ một thứ gì, từng bước đi đầu đời hay đi xe đạp, luôn luôn vạn sự khởi đầu nan. Bạn còn nhớ những ngày đầu tiên làm chủ doanh nghiệp của tôi thật đầy khổ ải. Nhưng nếu bạn không ngừng học hỏi, thế giới của bạn sẽ thay đổi, cũng giống như thế giới đã thay đổi theo lúc bạn biết đi và chạy xe đạp được vậy. Làm chủ doanh nghiệp cũng thế.

Đối với tôi, chiếc bình vàng ở cuối cầu vồng đó lớn hơn bất cứ một giấc mơ điên cuồng nhất của mình. Trở thành một chủ doanh nghiệp đã mang lại cho tôi sự giàu có hơn là trở thành một người làm công. Tôi cũng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Tôi không nghĩ nếu đi làm công thì mình sẽ nổi tiếng đến thế. Quan trọng nhất, sản phẩm của chúng tôi đã đến tay mọi người trên thế giới và phần nào giúp cuộc sống của họ khá hơn. Phần hay nhất của việc học trở thành chủ doanh nghiệp là khả năng phục vụ cho nhiều người hơn. Phục vụ ngày càng nhiều người hơn đã trở thành lý do hàng đầu để tôi trở thành một ông chủ.

CÁCH NGHĨ CỦA MỘT CHỦ DOANH NGHIỆP

Việc trở thành chủ doanh nghiệp bắt đầu cùng với thay đổi trong cách nghĩ. Ngày rời tập đoàn Xerox ở Puerto Rico, cách nghĩ của tôi đã chuyển từ cách của người cha nghèo sang người cha giàu.
Nó như thế này:

1.Từ khao khát được ổn định sang khao khát tự do

2.Từ khao khát thu nhập ổn định sang khao khát thật giàu có

3.Từ thấy giá trị của việc phụ thuộc sang giá trị của độc lập

4.Lập ra quy tắc của chính mình thay vì tuân theo quy tắc của

người khác

5.Khao khát đặt yêu cầu thay vì thực hiện theo mệnh lệnh

6.Sẵn sàng chịu trách nhiệm toàn bộ thay vì nói “Đó không phải là việc của tôi”

7. Xác định văn hóa công ty thay vì cố gắng điều chỉnh theo văn hóa công ty của người khác
8. Tạo ra sự thay đổi trong thế giới thay vì than thở về những vấn đề của thế giới
9. Biết tìm ra đâu là vấn đề và chuyển nó thành cơ hội kinh doanh
10. Chọn trở thành chủ doanh nghiệp thay vì là người làm công
NHỮNG CHỦ DOANH NGHIỆP SIÊU MỚI
Năm 1989 có lẽ là năm thế giới trải qua biến động lớn nhất trong lịch sử. Năm
1989, Bức tường Berlin sụp đổ và Internet ra đời. Năm 1989, Chiến tranh lạnh kết thúc và toàn cầu hóa bắt đầu. Thế giới chuyển từ những bức tường (walls) sang web, từ chia cắt sang hội nhập.

Trong cuốn The world is flat (Farrar, Straus and Giroux, 2005 ) – tạm dịch Thế giới phẳng, Thomas Priedman đã nói khi bức tường sụp đổ và web trỗi dậy thì thế giới sẽ đi đến chỗ có một siêu cường quốc (Mỹ), những siêu thị trường toàn cầu, và những cá nhân ‘siêu cường’.

Không may, một cá nhân như thế lại là Osama Bin Laden. Thomas Friedman viết: Osama Bin Laden tuyên chiến với Mỹ vào cuối những năm 1990. Sau khi hắn ta tổ chức đánh bom hai đại sứ quán Mỹ tại Châu Phi, không quân Mỹ đã trả đũa bằng một trận mưa hỏa tiễn vào căn cứ của hắn ỏ Afghanistan như thể đó là một quốc gia thù địch. Cứ nghĩ thế này: trong một ngày năm 1998, Mỹ đã bắn 75 tên lửa, mỗi cái giá một triệu đôla, vào chỉ một người! Đó là trận chiến đầu tiên trong lịch sử giữa một siêu cường quốc và một cá nhân cuồng điên. Ngày 11 tháng 9 chỉ là trận chiến thứ hai mà thôi.

Theo dự đoán của tôi, sẽ sớm xuất hiện những siêu chủ doanh nghiệp mà tài sản của họ sẽ ăn đứt sự giàu có của những ông chủ siêu giàu hiện tại. Vào những năm 1980, Bill Gates và Michael Dell là những chủ doanh nghiệp tỉ phú trẻ đầy hấp lực. Ngày nay, những chủ doanh nghiệp tỉ phú mới là Sergey Brin và Larry Page, người sáng lập Google. Tôi dự đoán các siêu chủ doanh nghiệp kế tiếp sẽ không đến từ Hoa Kỳ. Tại sao ư? Câu trả lời vẫn là những bức tường đã được thay thế bằng những trang web đấy thôi.

Năm 1996, Luật cải cách Truyền thông và tiền từ phố Wall đã mở đường cho những công ty như Global Crossing, một công ty kịp thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trước khi phá sản. Nó đã kết nối thế giới với nhau bằng cáp quang học. Khi hệ thống cáp quang được hoàn thành, chất xám từ những nước như Ấn Độ không cần phải di cư đến thung lũng Silicon để tìm việc nữa. Chất xám của Ấn Độ có thể làm việc ở nhà và lương cũng thấp hơn.

Với sức mạnh của cáp quang và web, tôi đự đoán những Bill Gates hay Sergey Brin tiếp theo sẽ đến từ bên ngoài Mỹ, có thể Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Ireland, New Zealand, hay Đông Âu. Chất xám, sáng tạo, công nghệ và sự tiếp cận với những siêu thị trường của thế giới sẽ tạo ra những chủ doanh nghiệp tỉ phú và đại tỉ phú ở tuổi thành niên.

Nhiều người Mỹ hiện đang lo sợ khi nghĩ những công việc lương cao đang chuyển dịch ra ngoài, đến không chỉ Ấn Độ mà còn khắp thế giới. Những công việc hiện tại của kế toán, môi giới cổ phiếu, và các công ty du lịch có thể được thực hiện ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới với chi phí thấp hơn.

KHÔNG CÒN NHỮNG CÔNG VIỆC LƯƠNG CAO

Vậy chuyện này tác động đến lời khuyên trong Thời đại Công nghiệp, “Đi học để tìm được việc làm tốt, ổn định và lương cao, ” hay “Gắng làm việc rồi leo lên bậc thang quản lý” như thế nào? Theo ý tôi, những lời khuyên như thế giờ không còn giá trị. Nhiều người sẽ khó tìm việc hơn, khó hơn nhiều vì người cạnh tranh chỗ làm của họ cách xa hàng ngàn dặm. Hầu hết chúng ta đều biết lương của nhiều công nhân không hề tăng. Làm sao có thể tăng lương được khi có ai đó sẵn sàng làm cùng việc với mức lương thấp hơn nhiều?

Một khác biệt lớn nữa giữa chủ doanh nghiệp và người làm công là chủ doanh nghiệp rất hứng khởi với những thay đổi do sự chuyển biến từ những bức tường sang web mang lại. Nhiều người làm công thì lại hoảng sợ trước những đổi thay.

MỘT KHÁC BIỆT CUỐI CÙNG

Khác biệt cuối cùng tôi muốn đề cập ở đây là chuyện thu nhập giữa người làm công và chủ doanh nghiệp. Nhìn vào danh sách dưới đây của những CEO (giám đốc điều hành) được trả lương cao nhất và thấp nhất, bạn có thể thấy là một số những CEO nổi tiếng nhất lại có mức lương thấp nhất. Nguyên nhân có thể vì những CEO làm thuê làm vì lương còn những CEO là chủ doanh nghiệp làm việc vì những khoản thu nhập khác?

BẠN CÓ PHẢI LÀ CHỦ DOANH NGHIỆP ?

Như bạn thấy đấy, giữa người làm công và chủ doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt. Mục tiêu của cuốn sách này là đào sâu vào những khác biệt đó để bạn có thể quyết định, trước khi bỏ việc, liệu chủ doanh nghiệp có phải là con đường cho bạn.

KẾT LUẬN

Theo ý tôi, khác biệt lớn nhất giữa chủ doanh nghiệp và người làm công nằm trong sự khác nhau giữa ước muốn được đảm bảo và khao khát được tự do.

Người cha giàu từng nói, “Nếu con trở thành một chủ doanh nghiệp thành công, con sẽ biết một thứ tự do mà rất ít người từng biết. Đó không đơn thuần là việc có thật nhiều tiền hay thời gian rảnh rỗi. Đó là sự tự do, thoát khỏi nỗi lo sợ. ”

“Tự do thoát khỏi nỗi lo sợ?” tôi hỏi.

Ông gật đầu nói tiếp, “Khi con nhìn vào những gì nằm sau từ đảm bảo, con thấy chữ sợ ở đó. Đó là lý do mà nhiều người nói ‘Học hành cho tốt vào. ’ Đó không phải là vì tình yêu với học vấn hay vì học thức mà chỉ là vì nỗi sợ – con sợ không có được chỗ làm tốt hay không kiếm ra tiền. Hãy nhìn cách thầy giáo ‘động viên’ học sinh ở trường đó là ‘động viên’ bằng nỗi sợ. Họ nói ‘Nếu em không học thì em sẽ thất bại. ’ Tức họ khuyến khích học sinh bằng nỗi sợ thất bại. Khi sinh viên tốt nghiệp và có việc làm, động lực một lần nữa lại là sự sợ hãi. Ông chủ bằng lời hay hành động đều nói rằng, ‘Không làm việc được thì cuốn gói đi cho. ’ Nhân viên gắng làm vì sợ, sợ không có thức ăn trên bàn, không có tiền trả nợ nhà. Lý do người ta bấu vào sự đảm bảo là vì sợ. Vấn đề của sự đảm bảo là nó không hề giải quyết được nỗi sợ. Đơn giản nó chỉ ‘trùm mền’ lên nỗi sợ nhưng nó vẫn ở đó, giống như ông ba bị vẫn cười trong chăn. ”

Nghĩ lại lúc còn học trung học, tôi vẫn nhớ học vì sợ là gì. “ở trường, con chỉ học vì sợ thất bại. Con không học vì yêu thích. Vì sợ thất bại mà con học những môn con biết sẽ chẳng bao giờ mình sử dụng đến. ”

Người cha giàu gật đầu nói, “Học để đảm bảo khác với học để tự do. Những người học vì tự do học những thứ rất khác với người học vì đảm bảo.”

“Tại sao người ta không cho phép lựa chọn thứ muốn học tại trường?” tôi hỏi.

“Cha không biết. ”Người cha giàu nói, ‘‘Vấn đề với việc học để bảo đảm nằm ở chỗ nỗi sợ lúc nào cũng ở đó, và chừng nào nỗi sợ còn thường trực thì con khó mà cảm thấy đảm bảo, vì thế mà con mua thêm nhiều bảo hiểm và nghĩ đến những cách để bảo vệ mình. Con ngấm ngầm lo sợ dù con tỏ ra mình thành công và chẳng có gì phải lo nghĩ. Điều tệ hại của một cuộc sống đảm bảo là con thường bị kẹp giữa hai cuộc sống – cuộc sống con đang có và cuộc sống con mơ ước và biết mình có thể có nhưng không bao giờ được sống. Đó là một phần những vấn đề trong việc học vì đảm bảo. Vấn đề lớn nhất là nỗi sợ vẫn còn đó. ”

“Vậy trở thành chủ doanh nghiệp có nghĩa là cha sẽ không còn gì phải sợ nữa?” tôi hỏi.

“Dĩ nhiên không phải thế,” người cha giàu mỉm cười. “Chỉ có người ngốc mới tin là mình không có gì phải sợ thôi. Sự sợ hãi bao giờ cũng có. Ai nói mình không sợ là không đúng. Điều cha nói là, ‘Tự do thoát khỏi nỗi sợ.’ Nói cách khác, con không việc gì phải e ngại sự sợ hãi, con không bị cầm tù trong sự sợ hãi, sự sợ hãi không định hình cho thế giới của con như nó vẫn đang làm như thế với nhiều người khác. Thay vì e ngại sợ hãi, con học cách đối đầu với nó và tận dụng nó. Thay vì bỏ cuộc vì việc làm ăn hết tiền hay vì sợ không thanh toán được các hóa đơn, là một chủ doanh nghiệp thực thụ sẽ cho con lòng can đảm tiến lên, suy nghĩ rõ ràng, học, đọc, và nói chuyện với những người mới, đưa ra những ý kiến và hành động mới mẻ. Khát vọng tự do có thể cho con sự cam đảm làm việc nhiều năm liền mà không cần có công việc hay thu nhập ổn định. Đó là thứ tự do mà cha đang đề cập. Đó là tự do thoát khỏi nỗi lo sợ. Chúng ta ai cũng có chuyện phải sợ – khác nhau ở chỗ nỗi sợ hãi đẩy chúng ta vào việc tìm kiếm sự an toàn hay tìm kiếm tự do. Một người làm công sẽ tìm đến sự đảm bảo còn chủ doanh nghiệp thì tìm kiếm tự do.”

“Vậy nếu đảm bảo là kết quả của nỗi sợ thì động lực đằng sau tự do là gì?” tôi hỏi.

“Lòng can đảm, ” người cha giàu mỉm cười. “Từ can đảm bắt nguồn từ từ tiếng Pháp le coeur – trái tim. ” ông ngừng một lúc rồi nói tiếp, “Làm chủ doanh nghiệp hay làm công, câu trả lời nằm trong trái tim con. ”

TỰ DO QUAN TRỌNG HƠN SỰ SỐNG

Một trong những phim yêu thích của tôi là Easy Rider với các ngôi sao Peter Fonda, Dennis Hopper, và Jack Nicholson. Trong cảnh ngay trước khi Jack Nicholson bị giết, anh ta nói với Dennis Hopper về tự do. Tôi rất thích cảnh này, và đó là lý do vì sao tôi quyết định trở thành chủ doanh nghiệp. Dù bộ phim chứa đựng nhiều thông điệp khác nhau cho nhiều người nhưng với tôi bộ phim nói về lòng can đảm cần có để được tự do- được tự do là mình cho dù bạn có là chủ doanh nghiệp hay là người làm công. Tôi chọn trở thành chủ doanh nghiệp để được tự do. Với tôi, tự do còn quan trọng hơn cả sự sống.

Phần còn lại của cuốn sách này dành cho sự tự do của bạn.

Một công ty thành công được hình thành từ trước khi nó ra đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.