Em phải đến Harvard học kinh tế
LỜI GIỚI THIỆU
Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ
Một cuốn sách hay có thể thay đổi số phận biết bao người!
Lord Byron (1878 – 1824)
LÀM MỘT VIỆC “KHÓ HƠN LÊN TRỜI”
Ngày 12 tháng 04 năm 1999, với hàng chữ lớn, tờ “Thương báo Thành Đô” đăng bài “Em phải đến Harvard học kinh tế” làm xôn xao dư luận toàn Trung Quốc, đồng thời qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet, bài báo đã làm nức lòng các bậc cha mẹ đang chăm lo con cái học hành. Tác giả bài viết: Lôi Bình thông báo: Bốn trường Đại học Mỹ nổi tiếng đồng thời sẵn sàng tiếp nhận cô bé Thành Đô, mười tám tuổi, Lưu Diệc Đình và đài thọ hoàn toàn tiền học, tiền mua sách vở, tiền ăn ở và tiền sinh hoạt phí mỗi năm khoảng trên 30 nghìn USD. Bốn trường Đại học đó là: Đại học Harvard danh tiếng, Đại học Columbia, Học viện Wellesley, Học viện Mount Holyoke. Ngay học sinh Hoa Kỳ chen chân vào được cũng là một kỳ công, đòi hỏi phải có thực lực, phải được chuẩn bị từ xa hết sức chu đáo. Còn như vào được Trường Đại học Harvard đã được các chuyên gia soạn sách “Hướng dẫn du học” gọi là một việc “khó hơn lên trời”.
Trong thư của Trường Đại học Harvard gửi Lưu Diệc Đình có đoạn viết: “Năm nay có tất cả trên 18 nghìn thí sinh ghi tên, vậy mà nhà trường chỉ có thể tiếp nhận 1.650 sinh viên. Với số lượng thí sinh tài giỏi và đầy tiềm lực như vậy mà chỉ cho phép chọn một số lượng sinh viên tương đối ít, thành thử Ban Chiêu sinh Harvard phải cân nhắc hết sức thận trọng, cốt sao lựa chọn được những em thực sự thông minh, tích cực hoạt động và có nhiều tiềm lực. Ban Chiêu sinh tin rằng, với khả năng nổi trội và năng lực tổng hợp xuất chúng của mình, chắc chắn trong thời gian học ở Đại học Harvard và sau khi tốt nghiệp, em sẽ có những cống hiến quan trọng”.
Ngày 01 tháng 08 năm 1999, Lưu Diệc Đình đã hoàn tất mọi thủ tục lên máy bay sang Hoa Kỳ, bắt đầu một chặng đường phấn đấu mới.
CUỐN SÁCH “CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG”
Ngay sau khi bài báo “Em phải đến Harvard học kinh tế” được công bố, bà Lưu Vệ Hoa và ông Trương Hân Vũ, ba mẹ của em Lưu Diệc Đình nhận được hàng nghìn các cú điện thoại và hàng vạn bức thư hỏi về cách thức nuôi dạy Lưu Diệc Đình, đồng thời đề nghị cho biết tại sao Trường Đại học Harvard lại coi trọng “khả năng nổi trội và năng lực tổng hợp” đến như vậy. Thậm chí có một Công ty lớn ở Thẩm Quyến còn “fax” cho họ đề nghị sau khi tốt nghiệp, Lưu Diệc Đình sẽ đến Công ty đó làm việc…
Không thể trả lời hết các câu hỏi và những bức thư, bà Lưu Vệ Hoa đã cùng chồng là Trương Hân Vũ viết cuốn sách “Em nhất định sẽ học ở Harvard” mà bạn đang có trong tay, kể tỉ mỉ về quá trình nuôi dạy con của mình, do Tác gia Xuất bản xã ấn hành năm 2001, số lượng in tới 1 triệu 60 nghìn bản, chỉ trong vòng 1 năm tái bản với 32 lần.
Bà Lưu cho biết: “Năm 1980, lúc đang mang thai bé Đình, tôi được người bạn là Hiệu trưởng Khâu tặng một cuốn sách của tác giả Kimura Kyuichi “Giáo dục từ sớm với thiên tài”. Cuốn sách trông giản dị, không có vẻ gì hoa mỹ, thậm chí không thấy cả tên người dịch. Có được cuốn sách ấy tôi mừng như bắt được vàng. Hằng ngày mỗi khi đi làm về tôi đều đọc kĩ và nghiền ngẫm những điều viết trong đó tới khuya. Cuốn sách Kimura Kyuichi viết vào năm 1916, trong đó giới thiệu tư tưởng giáo dục cùng những kinh nghiệm nuôi dạy cụ thể thần đồng Carl Witer. Cuốn sách như đã mở mắt cho tôi. Tôi hiểu ra rằng, với chính sách “mỗi gia đình chỉ đẻ một con”, muốn con thành tài ắt phải dạy con bắt đầu ngay từ khi “0 tuổi”, nghĩa là từ lúc chưa có tuổi. Tôi bàn bạc, trao đổi thống nhất với chồng tôi. Chúng tôi quyết định dạy con ngay từ lúc đứa bé vừa cất tiếng chào đời. Và chúng tôi đã làm đúng như thế.
Có thể nói, đối với chúng tôi, đó là cuốn sách “công sức vô lượng”. Và, cho mãi tới giờ, tôi vẫn chưa biết vị hảo tâm nào đã dịch cuốn “Giáo dục từ sớm với thiên tài” từ tiếng Nhật ra tiếng Hán. Tôi chỉ tâm niệm một điều: Mãi mãi hàm ơn người khởi xướng tư tưởng giáo dục từ sớm và những nhà hoạt động thực tiễn đã mở ra con đường thành công đối với các bậc cha mẹ khát khao nuôi dạy con thành tài. Tôi cũng thật không ngờ, chính nhờ sự truyền bá tư tưởng giáo dục được nêu trong cuốn sách còn lại duy nhất một bản, trưng bày tại phòng các kỉ vật quý hiếm của Thư viện Trường Đại học Harvard cuối cùng lại dẫn đứa con chúng tôi, Lưu Diệc Đình, đến với Harvard.
TẠI SAO BẮT ĐẦU TỪ MỐC “SỐ 0”
Người ta đã chứng minh được rằng, nếu trong thời kỳ nhất định, ta cho ong thợ ăn một loại thức ăn nhất định, thì con ong đó sẽ biến thành ong chúa. Nhưng nếu bỏ qua giai đoạn cần thiết đó thì cho dù có nuôi con ong kia bao nhiêu lâu và cũng bằng đúng loại thức ăn ấy chăng nữa nó cũng không sao trở thành ong chúa được. Chó rừng ngay từ lúc nhỏ đã có khả năng bới đất giấu thức ăn còn thừa, nhưng đúng vào thời gian ấy, nếu ta nhốt chó rừng vào căn phòng nền tráng ximăng thì chỉ một thời gian sau đó, chó rừng mất đi khả năng bới đất giấu thức ăn.
Với đứa trẻ, sự việc xảy ra cũng hệt như vậy.
Người ta cứ tưởng là bắt đầu dạy con càng muộn càng tốt, vì nó sẽ được chuẩn bị chu đáo hơn. Nhưng không phải thế! Có những giai đoạn hết sức quan trọng và đặc biệt nhạy cảm đối với mỗi hình thức nuôi dạy, như thế bị bỏ qua sẽ không bao giờ bù đắp lại được. Nếu như đứa trẻ lên ba mới bập bẹ biết nói thì tưởng như chuyện đó chẳng có gì “nguy hiểm” cả. Rồi sau này bé sẽ nói sõi thôi. Song người ta thấy rằng việc học nói của em sẽ lâu hơn, khó khăn hơn và cái chính là nó không có tác dụng phát triển trí thông minh như khi biết nói đúng độ tuổi.
Carl Witer bố đã linh cảm được điều đó và về sau Kimura Kyuichi, Lưu Vệ Hoa tiếp bước phát huy. Thì ra trong thế giới trẻ em phổ biến “Quy tắc tiềm năng giảm dần”. Điểm này về sau đã được khoa sinh tâm lý học chứng thực. Ví dụ, một em bé sinh ra có 100 phần tiềm năng, nếu như bắt đầu ngay từ 0 tuổi, ta nuôi dạy hết sức chu đáo, thì sau này em sẽ trở thành người có 100 phần năng lực. Nếu như đến năm tuổi mới bắt đầu dạy dỗ thì cho dù có dạy dỗ xuất sắc đến đâu cũng chỉ đạt khoảng 80 phần năng lực. Nhưng nếu lại để đến mười tuổi mới bắt đầu dạy dỗ thì lúc này chỉ đạt khoảng 60 phần năng lực. Do vậy, vào đúng thời kỳ phát triển, nếu như tiềm năng của trẻ không được khêu gợi, nuôi dạy bồi dưỡng thì dần dần cạn kiệt, mai một. Và đây chính là lý do phải bắt đầu dạy trẻ từ mốc “số 0”.
Có điều ở đầu thế kỉ XIX, người ta không hiểu được điều đó. Người ta cho Carl Witer con sở dĩ thành thiên tài là do “tư chất” chứ không phải do “giáo dục”…
Rõ ràng, là đối với mỗi loại tiềm năng, chúng ta không được để mất thời cơ, phải ra sức tạo cơ hội cho chúng phát triển, chắc chắn rồi cũng như Carl Winter bố, như Kimura Kyuichi, Lưu Vệ Hoa… Chúng ta sẽ nuôi dạy con thành những nhân tài trí việt siêu quần!
Cuốn “Em nhất định sẽ học ở Harvard” cung cấp cho chúng ta một ví dụ sinh động về con đường giáo dục các “thần đồng”. Cuốn sách đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc giáo dục của Carl Winter “Đối với sự trưởng thành của con trẻ, vấn đề tối quan trọng là ở giáo dục, chứ không phải ở tư chất. Trẻ em cuối cùng trở thành thiên tài hay người thường, không phải do tư chất thông minh nhiều hay ít quyết định, mà điểm mấu chốt là ở việc giáo dục trẻ từ lúc mới sinh cho tới 5 – 6 tuổi”.
Các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ hãy kịp thời nắm lấy giai đoạn phát triển tối quan trọng này, đừng để nó trôi đi không hình không bóng!
Hãy ra sức làm cho trẻ trở thành chính nó ngay từ mốc “số 0”!
Thế Trường.
Dịch từ nguyên bản tiếng Hoa
“CÔ BÉ HARVARD Lưu Diệc Đình”
Do Tác gia Xuất bản xã ấn hành 2001
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA THÔNG TIN – HÀ NỘI 2004