Em phải đến Harvard học kinh tế
CHƯƠNG 10 (Tiếp)
HỌC SINH MỸ “HỌC LÀM THEO KIỂU LÔI PHONG”
Theo sự bố trí của ngài Larry, ngày thứ hai sau khi đến Washington, tôi và Âu Bằng lần lượt đến thăm trường Saint Louis và Landtane. Hai trường Hoa Kỳ này đều là trường trung học hàng đầu của đặc khu thủ đô Washington. Thứ bậc của các trường đó ở Washington đại để sánh ngang với các trường trung học nổi tiếng thuộc Trường Bắc Đại ở Bắc Kinh – Trường Thanh Hoa và 4 trường trung học của Bắc Kinh. Dụng ý của ông Larry là làm cho chúng tôi quen thuộc khuôn viên của nhà trường để bắt đầu tìm hiểu Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ có thời gian gần một tháng học tập sinh hoạt giống như học sinh ở đất nước mình tham quan.
Trường Saint Louis nơi tôi học, để bồi dưỡng tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm với xã hội, có một lịch trình giảng dạy bắt buộc mỗi học sinh phải hoàn thành kế hoạch chuyên môn do tự mình xây dựng. Tên gọi của loại kế hoạch chuyên môn này là “Kế hoạch phục vụ vùng”. Mục tiêu là bồi dưỡng học sinh thành công dân có đầy đủ trách nhiệm với vùng mình sống và toàn xã hội, đồng thời làm cho học sinh hiểu được đúng đắn những người đang chung sống chung với họ trên thế giới này, đặc biệt là những người có khó khăn đang cần được giúp đỡ, từ đó mà trưởng thành và có được nhiều tình thương yêu hơn nữa. Kế hoạch này tôi gọi là “Hoạt động học tập theo gương Lôi Phong” của học sinh Hoa Kỳ. Trường Saint Louis đã quy định những biện pháp hết sức chặt chẽ cho kế hoạch này, khi chấp hành cũng rất nghiêm túc.
Học sinh trung học của Trung Quốc cũng phải học tập Lôi Phong: giúp đỡ người già và người tàn tật, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Nhưng tính tùy tiện còn tương đối phổ biến, thiếu những quy định cụ thể, ví như làm thế nào, làm cái gì, làm bao nhiêu thời gian. Làm xong ai đánh giá hiệu quả. Tất cả đều không có kế hoạch bố trí chặt chẽ, cũng không có một chương trình cố định.
Nhưng ở trường Saint Louis, thực hiện kế hoạch vùng là một tiêu chuẩn cần thiết, một thành tích của học sinh đưa ghi vào hồ sơ của họ, phương thức tổ chức chặt chẽ. Trong con mắt hiệu trưởng và thầy giáo, hoạt động phục vụ vùng cũng giống như các môn học tiếng Anh, Thể dục, Số học, Vật lý, Hóa học không có gì khác nhau. Một môn học quan trọng nếu học không tốt có thể ảnh hưởng đến việc học sinh đó được nhận vào một trường đại học nổi tiếng, còn nếu không hoàn thành đúng thời gian quy định nhiệm vụ phục vụ của mình thì cũng phải nếm “quả đắng”.
Trước khi tôi đến thăm Trường Saint Louis, kế hoạch phục vụ vùng của họ triển khai được mười năm. Nội dung hoạt động là do tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường, Hội đồng Quản trị nhà trường và các nhân viên quản lý khác, cha mẹ học sinh, thầy giáo, học sinh cùng nhau quy định.
Học sinh từ lớp 9 đến lớp 11 mỗi năm yêu cầu thực hiện các hoạt động phục vụ vùng không ít hơn hai mươi giờ. Thời gian 3 năm cộng lại đối với nhiệm vụ này không ít hơn sáu mươi giờ. Mỗi học sinh sau khi hoàn thành kế hoạch hoạt động phục vụ vùng phải viết một bản luận văn tổng kết những hoạt động tâm đắc nhất, lúc hoạt động phục vụ vùng đã được bốn mươi giờ, học sinh cần phải viết một bài dài ba trang có đóng dấu nhà trường hoặc trong cuộc họp tổng kết năm học lên trình bày từ ba đến năm phút.
Mỗi học sinh Trường Saint Louis, sau khi được vào lớp 9, việc đầu tiên phải làm là ký tên vào bản quy ước có đầy đủ các điều khoản với người phụ trách hoạt động vùng của mình. Trong quy ước đó, quy định tỉ mỉ và rõ ràng nội dung hoạt động và nghĩa vụ các học sinh phải gánh vác, số lượng công việc, thời gian hoàn thành, biện pháp kiểm tra.
Tôi phát hiện thấy người Mỹ có tài về xây dựng hợp đồng và ký kết các hiệp định. Đối với mỗi một sự việc mà họ cho là quan trọng, hầu như đều có một lực thúc đẩy từ hợp đồng, hơn nữa họ còn thiết kế các điều khoản hết sức chặt chẽ. Một bản ký kết phục vụ vùng nho nhỏ cũng biểu hiện rõ rệt đặc điểm ấy.
Nếu một học sinh nào trong ba năm còn nợ, không hoàn thành được nhiệm vụ hoạt động vùng đã quy định thì năm tháng trước khi tốt nghiệp lớp 12, bạn phải trả nợ. Nếu không, đừng mong gì tấm bằng tốt nghiệp cao trung.
Hậu quả này sẽ nghiêm trọng hơn, vì tại Hoa Kỳ, nếu không có bằng tốt nghiệp cao trung sẽ không có một trường đại học nào nhận bạn vào học hết.
Đương nhiên, không có một học sinh nào của Trường Saint Louis sau khi trong sáu, bảy năm ném mười mấy vạn đô-la vào học phí lại dám mạo hiểm không có trong tay tấm bằng tốt nghiệp.
Học sinh Saint Louis đối với hoạt động phục vụ vùng từ trước tới nay thực hiện rất chu đáo, đầy đủ từng điều khoản nhỏ nhất. Nhưng tuyệt đại đa số học sinh không phải vì sợ các quy định, quy ước mà vì đối với bản thân họ, hoạt động này có niềm vui thích sâu sắc. Họ nói, con người phải sống có ý nghĩa. Nếu do sự nỗ lực của bạn mà làm cho cuộc sống của người khác tốt đẹp lên, chính việc đó là một cảm giác rất “độc” đấy.
THƯ VIỆN CÓ CÔNG NĂNG MẠNH
Ấn tượng của tôi, Thư viện trường trung học là một phòng nhỏ hẹp và chật chội, vài giá sách treo trên tường, một số tạp chí, mấy giá báo, một người quản lý sắp nghỉ hưu, vừa đan len, vừa uể oải tìm sách cho học sinh. Nhưng nếu bạn muốn mượn sách, có lẽ không mượn được gì cả.
Thư viện riêng của cô giáo Mathew đã thay đổi định kiến đó của tôi. Phải nói rằng, kho sách của thư viện Trường Saint Louis rất phong phú, rộng rãi và sáng sủa. Một phòng lớn khang trang, có rất nhiều chỗ ngồi cho học sinh đọc sách. Tất cả sách đều để ở trên giá, muốn xem loại nào đều tự chọn, nếu cần thiết sau khi đăng ký, có thể mang về nhà đọc mấy tuần. Ở đây không những có sách, mà còn có một số lượng sách điện tử, băng thu âm, đĩa quang, băng hình… Một người yêu tri thức vào đây như “chuột sa chĩnh gạo”.
Giáo viên phụ trách thư viện đồng thời cũng là người hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học. Bạn nào cần tư liệu cho môn nào, chuẩn bị các Paper (luận văn) như thế nào, các thầy giáo có thể đề xuất những kiến nghị rất có ích cho bạn, nhanh chóng tìm cho bạn mọi tư liệu cần thiết.
Do công tác ở đây so với những vấn đề cần phải giải quyết của các thầy giáo ở bất kỳ môn học nào đều phức tạp hơn, cho nên các giáo viên công tác ở thư viện, đại bộ phận đều có tri thức phong phú của rất nhiều môn học.
Phương thức làm bài tập của học sinh trung học Hoa Kỳ không giống như học sinh Trung Quốc. Học sinh Trung Quốc thường là làm đề do giáo viên chỉ định, đề bài trong sách giáo khoa và thường có đáp án do giáo viên giữ. Phần lớn bài tập của học sinh Hoa Kỳ không có đáp án chuẩn, giáo viên chỉ ra một đề hoặc chỉ định hướng nghiên cứu chung, các việc còn lại do học sinh tự mình nỗ lực giải quyết. Học sinh phải độc lập tra cứu, sưu tập tài liệu, chọn vấn đề nghiên cứu cụ thể, sau đó rút ra kết luận của mình, giáo viên căn cứ vào đó cho điểm.
Có lúc kết luận của học sinh và giáo viên không giống nhau, nhưng chỉ cần trình bày có lý lẽ cũng được điểm cao. Không vì trái quan điểm với thầy mà vứt bỏ kết luận của học sinh. Do vậy, năng lực độc lập sưu tập tư liệu và độc lập nghiên cứu của học sinh Hoa Kỳ đều rất mạnh.
Phương thức rèn luyện này làm cho một số học sinh ưu tú của Hoa Kỳ có thể căn cứ vào phát hiện của mình, nắm vững điểm chủ yếu của vấn đề, tra tìm đến ngọn nguồn, luôn luôn đề xuất được những sáng kiến có giá trị. Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh học sinh ưu tú là vì Hoa Kỳ cũng như ở Trung Quốc, có không ít học sinh lười, ham thích chơi mà không ham học.
Có một câu chuyện thực về tinh thần độc lập nghiên cứu của một học sinh ưu tú Hoa Kỳ:
Năm 1999, Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết đặc biệt, tuyên dương em học sinh nhỏ vì đã phát hiện một vụ án sai. Vụ án xảy ra trong Thế chiến II và em đã thúc đẩy vụ án được xử lại. Lúc làm bài tập lịch sử ở nhà, em tra cứu tư liệu và đã phát hiện ra vấn đề này. Trước thời điểm đó, tư liệu lịch sử một mực cho rằng trong thời kỳ Thế chiến có một tàu Mỹ bị đắm. Viên chỉ huy chiến hạm đó phải chịu trách nhiệm. Ông ra bị truy tố và bị kết tội. Nhưng em đọc tài liệu phát hiện ra một điểm nghi vấn và quyết tâm làm rõ sự thực, miệt mài thu thập nhiều sự kiện ngoài giờ học. Tự đi tìm nhiều nhân chứng, sau cùng thu thập đủ chứng cứ đáng tin cậy, chứng minh sự vô tội của viên chỉ huy nọ. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua điều tra lại đã công nhận kết quả của em học sinh, làm cho viên chỉ huy hàm oan nửa thế kỉ dù đã qua đời được phục hồi danh dự.
Vụ án đó nói lên rằng, thông qua phương thức giáo dục, rõ ràng đã làm cho một số học sinh Mỹ chuẩn bị tốt cho năng lực nghiên cứu vấn đề và độc lập suy nghĩ.
Thư viện của nhà giáo Mathew trở thành một nơi được hoan nghênh nhất trường của Trường Saint Louis.
Nhưng nhà giáo Mathew không bằng lòng với hiện trạng này, ngoài viện tận dụng hết các tư liệu thư viện hiện có, bà còn xây dựng một mạng lưới thư viện rất đa dạng, đó là mạng Internet. Mạng Internet không phải là một phát minh của bà, tra tư liệu trên mạng từ lâu đã như cơm bữa hàng ngày trong gia đình của học sinh Mỹ. Nhưng thư viện trên mạng của trường Saint Louis còn nối với một số máy chủ hỗ trợ cung cấp một lượng lớn thông tin rất có ích đối với thầy giáo và học sinh.
Bạn muốn xem một cuốn sách mới bán rất chạy ư? Bấm nhẹ vào chuột trên máy tính có thể thấy ngay bảng xếp hạng mới nhất trong tuần này các loại sách bán chạy nhất ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn có lời nhận xét của các nhà phê bình nổi tiếng về nội dung của cuốn sách. Nếu bạn muốn xem báo chí từ “New York thời báo” đến “Bưu điện Washington” chỉ cần bạn nói ra được tên báo thì bạn có thể chọn, không những có thể xem báo trong ngày, mà còn có thể xem bất kỳ số báo nào bạn nhớ đúng ngày xuất bản. Sau khi đọc hết, nếu muốn mang tài liệu đó về nhà tham khảo, nhấn nút in, lập tức máy in ngay tài liệu bạn đang cần.
Bạn muốn tìm hiểu về đại học ư? Những bảng xếp loại đại học, những tài liệu chi tiết về đại học, bảng danh sách các trường đại học từ tờ “Tin tức nước Mỹ về thế giới” đến mọi hình thức cấp học bổng, đều công khai.
Thư viện của giáo viên con có lúc thay thầy giáo giảng nhiều điều bổ ích. Người viết vất vả, tốn nhiều công sức. Mạng thư viện cung cấp cho học sinh hướng viết luận văn và còn có những “chuyên gia bật mí” để cung cấp thêm những bí quyết nữa.
TÔI HỌC NGHỀ GỐM Ở TRƯỜNG SAINT LOUIS
Đã đến giờ lên lớp môn học nghệ thuật. Trong các bài nghệ thuật thực tiễn khiến cho ta rối trí, phải chọn môn học nào?
Vẽ tranh sơn dầu và điêu khắc tôi chưa hiểu, chỉ có thể chọn một loại nghệ thuật đơn giản nhất, như nặn đất thử xem sao. Tôi nghĩ là làm bình đựng nước còn có thể được. Bài học “Nghệ thuật làm đồ gốm” ở Trường Saint Louis thật thú vị.
Một nắm đất dẻo, mềm đưa lên bàn gốm của tôi. Nó không chịu biến thành cái cốc, bình hoa hoặc chiếc bình đựng nước kiểu Ả Rập cổ nhỏ như trên các bức vẽ liên hoàn thời nhỏ mà tôi nhớ, trái lại miếng đất cứ như con rắn mềm oặt, uốn đi uốn lại, sau đó nằm liệt, cứng đơ như chết. Nếu không gắng sức thì không thể điều khiển được nó. Có lẽ mục đích của tôi chỉ là đùa chơi, tính tích cực cũng chưa được đụng đến.
Tôi lấy một nắm đất mềm, trước tiên dùng tay nặn thành một miếng to hơn bàn tay, lại lấy một nắm đất khác vê thành sợi đất, ép xuống cho mỏng, sau đó dính vào xung quanh mép miếng đất lúc đầu, giống như một cái chén, xù xì chẳng khác gì một đồ chơi thời nguyên thuỷ. Tác phẩm nghệ thuật gốm đầu tiên của tôi đã ra đời như thế đó. Quét một lớp men và cho vào lò nung. A! Nó đã khoác lên mình một sắc men màu xanh lam ánh vàng. Kĩ thuật kết dính của tôi không đạt, đáy cốc bị nhiệt độ cao trong lò làm cháy đen.
Lần thứ hai có kinh nghiệm hơn, tôi bỏ ham muốn làm “nghệ thuật lập thể”, chuyển sang làm “nghệ thuật phẳng”. Tôi nặn miếng đất, ở giữa làm như hai quả tim đặt chồng lên nhau, trên quả tim lớn viết chữ “Mum” (mẹ) và trên quả tim nhỏ viết chữ “Me” (con). Đây là quà tôi chuẩn bị mang về tặng ba mẹ.
Khi về nước, ba mẹ rất thích mấy tác phẩm nhỏ bằng gốm do tôi làm, đem bày trên bệ cửa sổ.
Tôi còn nhớ, hồi học năm thứ ba tiểu học, tôi đã được một cô giáo mỹ thuật rất giỏi dạy chúng tôi vẽ tranh quốc hoạ. Cô đã khéo dẫn dắt chúng tôi, chỉ trong thời gian một buổi học chúng tôi đã vẽ được con bò rừng Tây Tạng. Một nét mực đã có ngay mình con bò đầy lông, lại chấm một giọt mực vẽ tiếp được chiếc sừng cong.
Từ đó, tôi vô cùng say mê quốc họa. Về nhà tôi luôn biểu diễn cho cha mẹ xem: “Đây là sừng bò, có giống không mẹ? Đây là chân bò, đây là…” Ba mẹ vừa xem vừa gật đầu: “Tốt, tốt, rất giống đấy”.
Ba còn mời một sinh viên tốt nghiệp chuyên về quốc họa thuộc Viện Mỹ thuật Trùng Khánh đến xem tác phẩm của tôi. Dù hứng thú với hội họa đến đâu nhưng gánh nặng học tập ngày càng lớn. Bài tập ở nhà mỗi đêm thường phải làm đến 11 giờ. Tôi vẫn vững tin rằng, nếu có cơ hội được đi theo một thầy dạy vẽ giỏi, nhất định tôi không phải là học sinh chậm tiến.
Tuy nhiên, tôi cũng có cơ hội để trở thành họa sĩ nghiệp dư, lúc nhàn rỗi dùng bút vẽ thể hiện những cảm nhận của mình đối với cuộc sống.
MỘT LỊCH TRÌNH GIẢNG DẠY NGHỆ THUẬT PHONG PHÚ ĐA DẠNG
Trường trung học Hoa Kỳ có môn học nghệ thuật mà trường trung học Trung Quốc không có. Môn học này rất có ích cho việc yêu cầu nâng cao tố chất của học sinh, bồi dưỡng năng lực sáng tạo. Môn nghệ thuật của Trường Saint Louis được chia thành hai loại: bắt buộc và tùy chọn. Lịch sử nghệ thuật là một môn học bắt buộc trong năm học. Học sinh không chỉ học trong sách vở, trên lớp học mà còn thường xuyên thưởng thức rất nhiều tác phẩm đặc sắc lưu trữ ở viện bảo tàng, được quan sát những tác phẩm quý giá của các nhà nghệ thuật nổi tiếng, mở rộng tầm nhìn của mình.
Ở giai đoạn này lấy tìm hiểu và thưởng thức làm chủ đạo. Rất nhiều học sinh trong thời gian này đã được kích thích mạnh mẽ hứng thú sâu sắc với nghệ thuật. Trong tương lai, họ không nhất định phải trở thành nhà nghệ thuật hoặc thưởng thức, mua bán các tác phẩm nghệ thuật và giữ niềm ham thích này liên tục cho đến suốt đời.
Trong con mắt người Mỹ, lịch sử phát triển nghệ thuật chủ yếu là phát triển sử của nghệ thuật phương tây. Nghệ thuật phương đông chỉ được xem như một môn phụ không quan trọng. Cách nhìn như vậy là quá chật hẹp, nhưng phương thức dạy lịch sử của Trường Landtane trái lại có thể chấp nhận được. Chương trình giảng dạy bắt đầu từ các bức họa trong hang động của người nguyên thuỷ, tiếp đến đi tìm nguồn gốc từng bước phát triển của nghệ thuật phương tây, các nhà nghệ thuật quan trọng và những tác phẩm tiêu biểu của họ. Không chỉ giảng dạy các tác phẩm mà còn cả sự biến đổi thời đại thúc đẩy trào lưu thẩm mỹ xã hội như thế nào.
Thầy giáo bắt đầu giảng từ thời tiền sử đến nền văn minh và nghệ thuật rực rỡ cổ Hy Lạp rồi đến dòng sông ngưng trệ dài đằng đẵng, bất chợt hiện lên những đợt sóng cuồn cuộn thời Trung cổ, các tác phẩm chói sáng thời kỳ Phục hưng… cho đến nghệ thuật muôn hình muôn vẻ thời đương đại. Hầu như mỗi bài học đều phối hợp với những bộ phim đèn chiếu. Bài học như thế làm cho học sinh không cảm thấy trống rỗng và đơn điệu. Đối với những học sinh muốn phát triển nghệ thuật, nhà trường còn chuẩn bị cho họ môn học tự chọn cao hơn nữa, mỗi tuần lên lớp năm lần.
Trong nửa học kỳ, học sinh có thể được 15 học phần, làm cho họ có thể tham gia môn AP (Advaned placement) có độ khó rất cao và thông qua kỳ thi của môn học để lấy được học phần tương ứng. Điểm này đối với họ khi được vào đại học rất có lợi, không những dễ dàng được trường đại học nổi tiếng nhận vào học mà trong quá trình học tập có một số môn học được miễn thi lấy điểm học phần.
Thời kỳ chọn, tự bản thân học sinh chuẩn bị là chính. Mỗi người đều chọn cái mình cần, vui niềm vui của chính mình. Học sơn dầu khi tan lớp, cả người đều loang lổ mầu sơn, không hề gì. Học làm đồ gốm cả người đầy bùn đất, đứng trước lò nung, mồ hôi ra như tắm, vui không biết mệt. Nếu làm một thời gian thấy chán thì có thể đề xuất với thầy để đổi môn học. Các thầy giáo rất vui lòng không miễn cưỡng.
Hơn nữa, dù mỗi môn nghệ thuật thực tiễn đều chuyên nghiệp hóa như thế, những không môn học nào đưa ra một “chỉ tiêu cứng” bắt buộc học sinh phải đạt đến. Đây là một phương thức học tập không hề có một sức ép nào, chí tiến thủ và tiềm năng được khêu gợi, dẫn dắt mới là lực thúc đẩy lớn nhất.
Lịch trình giảng dạy môn kịch của Trường Landtane cũng đáng được quan tâm. Hoạt động biểu diễn trong trường học của họ không giống như chúng ta, tạm thời tập hợp học sinh, tập một tiểu phẩm hoặc một đoạn kịch coi là một loại văn nghệ nghiệp dư, khuấy động không khí của trường học sau đó trở về lớp với sách vở và bài tập. Trường Landtane luôn xem môn kịch là một môn học chính thức. Học sinh mỗi tuần chỉ lên lớp ba lần. Hết một năm học sẽ giành được 1,5 học phần. Học sinh khi lên lớp có thể học được rất nhiều kĩ xảo biểu diễn có tính chuyên nghiệp cao. Nhà trường cho rằng thu hoạch lớn nhất của học sinh từ trong môn kịch là phương pháp học để biểu hiện mình. Những vấn đề này đối với sự phát triển bản thân trong tương lai, đối với việc nắm chắc vận hội để bước trên con đường thành đạt của cuộc đời, đó sẽ là một trợ lực hết sức to lớn. Nghe nói, ông Ronald Reagan sở dĩ trúng cử tổng thống Mỹ có liên quan rất nhiều đến kinh nghiệm tự biểu hiện mình, đã nhiều năm tích lũy được trong cuộc sống của một diễn viên điện ảnh, trước mặt dân chúng, động tác chân tay đều rất nhịp nhàng, tạo được cảm tình của đông đảo cử tri nên đã giành được đủ số phiếu bầu.
Nghe vậy, e rằng mọi người lại chạy theo môn học kịch!?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.