Em phải đến Harvard học kinh tế
CHƯƠNG 5 (Tiếp)
MỘT NGÀY MỘT VÀI CÂU, NHẬT KÝ PHẢI VIẾT ĐỀU
Vào đầu năm học lớp 2, Đình Nhi nói với tôi: cô chủ nhiệm đề nghị cả lớp mỗi người hàng tuần viết hai bài nhật ký, cô giáo sẽ sửa bài cho, nhưng đây không phải là bài tập bắt buộc, ai không viết cũng không sao. Tôi không hỏi Đình Nhi: “Con có viết hay không?”, mà chỉ cố ý có thái độ vui mừng. Tôi lục tìm sách vở, giở cho cháu xem mục “Viết nhật ký rất có lợi cho học tập” trong cuốn “Phương pháp dạy con chăm chỉ học hành”, Đình Nhi tỏ ra rất thích thú.
Tôi cố ý làm như vậy là để tạo cho Đình Nhi một thói quen luôn biết tuân theo sự sắp xếp của cha mẹ, cũng là để kích thích sự hứng thú viết nhật ký của cháu. Đối với các cháu ở lứa tuổi này, thái độ của người lớn luôn là một sức truyền cảm hữu hiệu và cũng là một mệnh lệnh không lời. Tôi và Trương Hân Vũ thường sử dụng những phương thức giàu sắc thái tình cảm để lôi cuốn Đình Nhi tự giác làm những công việc cần nhiều sức, không bao giờ để cho đứa trẻ chưa hoàn toàn chính chắn cả về suy nghĩ lẫn cách nhìn được tùy ý lựa chọn.
Đình Nhi vui vẻ “bước vào cuộc chơi”, nhưng cháu rất lo không biết nên viết như thế nào. Tôi gợi ý cho cháu nên viết vài bài về kỳ nghỉ hè vừa rồi. Thế nhưng, những chuyện trong cả mấy tháng nghỉ hè thì nhiều lắm, nghĩ đi nghĩ lại, Đình Nhi vẫn “lúng túng như gà mắc tóc”. Nhân cơ hội, tôi dạy cháu “thủ thuật chọn đề tài”: chỉ chọn và viết những chuyện “có vấn đề” mà thôi. Đồng thời, cũng chỉ rõ cho cháu biết những quy định trong khi viết nhật ký:
Tốt nhất là viết thành những chuyện nhỏ thú vị, không viết những điều tẻ nhạt hoặc kể lể dài dòng “dây cà ra dây muống” (rất không có lợi cho việc viết tập làm văn sau này). Có thể chỉ viết một vài câu, nhưng phải để cho người đọc hiểu được mình định nói gì (yêu cầu nâng cao khả năng hiểu biết và khả năng biểu đạt ngầm ý ở đó rồi).
Câu chuyện dài viết một ngày chưa xong thì có thể chia ra viết trong mấy ngày (để chuẩn bị cho những bài viết dài sau này).
Những chữ chưa biết viết thì để cách quãng rồi ghi lại phiên âm, sau này tra cứu điền vào cũng được. (Vì bận quá, có nhiều chỗ phiên âm đến nay vẫn chưa điền vào được chữ).
Nên viết thành hàng để có chỗ sau này sửa những lỗi sai. (cốt là để Đình Nhi học cách giải quyết những vấn đề kĩ thuật).
Như vậy, lần đầu tiên Đình Nhi đã viết một chùm nhật ký như sau:
Ngày 2 tháng 9
Nhớ lại những ngày hè
Năm học lớp 2 đã bắt đầu, cô giáo Thành bảo chúng tôi viết nhật ký, đây quả là một ý tưởng hay. Tôi cho rằng đây sẽ là một dịp tốt để phát triển tài năng. Tôi sẽ viết mấy bài về những chuyện trong kỳ nghỉ hè, sau này lớn lên, xem lại chắc là thú lắm. Hôm nay thử viết bài đầu tiên:
1. Công việc tôi thích nhất: Trong thời gian nghỉ hè công việc tôi thích nhất là xem phim truyền hình đồng thoại nhiều tập, như phim “Hoàng hậu băng tuyết”, “Ra bô”…
Ngày 4 tháng 9
2. Những công việc tôi không thích: Những công việc mà tôi ghét nhất là đi “ngủ trưa và phải ngủ lúc 9 giờ tối”. Tôi không thích ngủ trưa là vì buổi trưa tôi thích đọc sách, còn không thích ngủ từ 9 giờ tối, vì lúc ấy đang có chương trình truyền hình rất hay. Nhưng vì hôm sau phải dậy sớm đi học, đành phải ngủ thôi.
Ngày 8 tháng 9
3. Công việc tôi thích làm nhất: Công việc tôi thích làm nhất là xoa bóp cho mẹ. Cùng mẹ ở cơ quan trở về, chỉ cần thấy mẹ tỏ ra mệt mỏi tôi liền xoa bóp cho mẹ ngay. Đấm lưng, xoa bóp đầu gối, mẹ rất thích, Đình Nhi cũng rất thích.
Tôi yêu cầu Đình Nhi, mỗi bài nhật ký đều phải có tiêu đề, sau đó viết những việc xoay quanh tiêu đề ấy giống như viết tập làm văn. Vì vậy phần lớn những bài nhật ký của Đình Nhi đều có tiêu đề. Việc này vừa để cho Đình Nhi có thói quen viết đúng trọng tâm, vừa để cho Đình Nhi biết được thủ thuật chọn đầu đề. Những kĩ năng này sẽ giúp ĐÌnh Nhi giành được điểm số cao trong các kỳ thi môn ngữ văn.
Về cơ bản, tôi không cần biết Đình Nhi viết những gì và viết thế nào, tôi chỉ yêu cầu Đình Nhi sau khi tìm được đề tài rồi thì phải “nhanh chóng bắt tay vào việc ngay”. Tôi chịu trách nhiệm xem lại cho cháu. Nếu phát hiện thấy chữ nào viết sai, tôi lấy mực đỏ đánh dấu phía dưới để Đình Nhi tự tra cứu và sửa chữa. Có lúc tôi cũng cho ý kiến về một vài câu văn, còn sửa hay không là tùy cháu. Có điều Đình Nhi luôn coi trọng ý kiến của tôi, mặc dầu có lúc cháu rất ngại không muốn sửa, nhưng rồi cháu cũng nhẫn nại sửa theo ý tôi, cũng có lúc cháu dứt khoát viết lại một bài khác. Cần phải nhấn mạnh rằng, thời kỳ học tiểu học, viết nhật ký không phải là để đối phó với việc thi cử, mà chỉ nhằm bồi dưỡng năng lực tổng hợp và những tố chất tốt đẹp mà thôi. Tập làm văn để chuẩn bị cho thi cử, việc này lên trung học mới làm.
Từ năm lớp 2 tiểu học đến năm thứ hai bậc cao trung (trong suốt 10 năm đó), Đình Nhi ngày nào cũng lưu tâm tìm kiếm đề tài cho nhật ký của mình. Năm này qua năm khác, việc tìm kiếm này đã rèn luyện cho Đình Nhi một thói quen quan sát thường xuyên và suy nghĩ thận trọng. Đó cũng là một trong những muc đích mà chúng tôi yêu cầu Đình Nhi phải chú ý viết về những sai sót của mình. Việc này cốt nhằm bồi dưỡng thói quen và khả năng tự hối cải. Những ngày đầu tiên, Đình Nhi thường không thích viết về những “việc xấu” của mình, chừng một năm sau cháu nhận ra rằng: biết hối cải những sai lầm của mình trên trang nhật ký là một điều bổ ích.
Thứ sáu, ngày 8 tháng 5 năm 1988 (học kỳ II lớp 2)
Hôm nay, ngồi lật lại những trang nhật ký, từ trước đến nay tổng cộng đã viết được 69 bài, trong đó có 33 bài kể chuyện, còn 36 bài là viết về những sai sót của mình. Mình thấy rằng mấy bài đầu tiên trong nhật ký, mình đã viết về những điều tự nghĩ ra thời còn nhỏ. trong đó các chuyện như:”Bông hoa tại sao nở được?”, “Công việc tôi yêu thích nhất”, “Những việc tôi thích làm”. “Mỹ phẩm”, và bài “Đeo găng tay”…
Những bài viết thừa nhận sai lầm của mình, xem ra cũng chưa hay lắm, thế nhưng nó cũng đã ghi lại được những sai lầm ấu trĩ của tôi trong thời thơ dại, thường xuyên xem lại nó, cũng là một bài học làm cho mình không bao giờ mắc lại những sai lầm tương tự.
Xem lại những trang nhật ký của mình từ trước đến nay, có cảm giác mình đã làm được những việc mình muốn làm, đọc lại thấy thật có ý nghĩa.
Nhật ký của Đình Nhi, từ những ngày đầu chỉ viết được một, hai câu, bốn năm sau cháu đã viết được những bài dài tới 4.500 chữ, được các thầy cô giáo hết lời ca ngợi (đương nhiên là phải phân ra viết trong mấy ngày liền). Ví dụ như bài “Rời cổng trường đi xuống nông thôn”. Thời gian này cũng có lúc cháu thích viết và lúc ngại viết. Nhưng khi lên lớp 5, nhiệt tình viết nhật ký của cháu lại được khôi phục trở lại. Ngay cả việc lật giở lại những trang nhật ký trước đây, đối với Đình Nhi cũng là một niềm vui bổ ích.
TÍCH CÓP CHUYỆN THƯỜNG NGÀY DỰNG XÂY THÀNH TỐ CHẤT
Từ ngày Đình Nhi bắt đầu ghi nhật ký, chúng tôi lại có thêm một kênh thông tin mới để hiểu về Đình Nhi, đồng thời cũng có thêm một phương pháp mới để giáo dục Đình Nhi. Bởi vì chúng tôi thường bảo cháu chỉ viết về “những chuyện đáng viết nhất”. Những chuyện mà chúng tôi khuyên Đình Nhi nên viết vào nhật ký, đều là những chuyện đáng được coi trọng và nên khẳng định. Dần dà, những tư tưởng và quan niệm của chúng tôi đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn cháu. Những trang nhật ký của Đình Nhi cũng vì vậy đã ghi lại một cách chân thực quá trình phát triển tư tưởng và tình cảm của cháu.
Quá trình đó, theo cách nói ngày nay chính là quá trình bồi dưỡng tố chất. Vấn đề mấu chốt là các bậc cha mẹ phải lưu tâm ở mọi lúc, mọi nơi, không được bỏ qua bất cứ việc gì, phải kiên trì nguyên tắc, thống nhất quan điểm, những quy định đối với con cái không được thay đổi dù chỉ một lần, để cho con cái không hi vọng cầu may với sự nhân nhượng của cha mẹ.
Quá trình này lâu dài và phức tạp, nhưng không hề tẻ nhạt khô khan. hãy xem lại nhật ký của Đình Nhi từ những năm tiểu học, bạn sẽ thấy được một cách cụ thể và chân thực rằng, tâm hồn của Đình Nhi cực kỳ phong phú, được dựng nên bởi từng viên gạch nhỏ.
Ngày 2 tháng 11 (Khi Đình Nhi 7 tuổi)
Hôm nay tôi sáng tác một bản nhạc, bản nhạc này không phải là bản nhạc bình thường, đó là bản nhạc đầu tiên do tôi tự sáng tác. Trên chiếc đàn điện tử, lúc tôi ấn phím đen, lúc tôi ấn phím trắng, lúc lại hòa hai âm làm một… Tóm lại, là tôi thấy rất hay, tôi liền lấy máy ghi âm ra ghi lại. Sau đó mở băng cho mẹ nghe. Mẹ nói: “Nghe hay lắm! Con tua lại băng đi, lát nữa ba về, mở cho ba nghe, chắc ba vui lắm”. Tôi tua lại băng, ngồi chờ ba vè để mở cho ba nghe.
(Mục đích chủ yếu: Khuyến khích những hoạt động sáng tạo)
Ngày 3 tháng 11
Trước khi đi thi
Vì ngày mai đã thi rồi, nhật ký phải viết ngắn thôi. Tối nay, làm xong lài tập toán, tôi xem lại bài văn, hơn 9 giờ lên giường đi ngủ.
(Mục đích chủ yếu: Ngày thường phải biết vận dụng thời gian để học tập, trước ngày đi thi phải biết nghỉ ngơi để đầu óc thảnh thơi).
Ngày 4 tháng 11
Có một chữ
Bài thi hôm nay có một chữ tôi không viết được. Thế mà thầy giáo không phát hiện ra, cho nên tôi vẫn được điểm tối đa. Nhưng trong lòng luôn áy náy. Bởi vì, lẽ ra chỉ được 19 điểm thôi, thế mà tôi vẫn được tròn 20 điểm. tôi nghĩ: có nên nói cho ba mẹ biết không nhỉ? Suy nghĩ hồi lâu, tôi quyết định cứ nói ra. Mẹ khen tôi thật thà, còn ba thì mừng lắm.
(Mục đích chủ yếu: Kịp thời động viên những việc làm thành thật, truyền thụ một quan điểm đạo đức tốt. Một kết quả không phải do sức mình làm ra, thì dù có là một núi vàng, cũng không thèm động đến. Làm cho con cái biết tự tránh xa những hành vi xấu như tham lam và nói dối).
Ngày 6 tháng 11
Những vấn đề được phát hiện ra trong kỳ thi
Có hai điều mới được phát hiện ra qua kỳ thi này: một là, hay quên chữ; hai là, hay viết sai. Chỉ hai việc này thôi cũng đã đủ gay go rồi. Tại sao lại như vậy? Thì ra các bài làm ở nhà, không chịu kiểm tra kĩ lại, đến khi đi thi, đương nhiên là làm sai rồi. Vì vậy, từ nay, các bài làm ở nhà phải kiểm tra lại thật kĩ. Điều này quan trọng lắm.
(Mục đích chủ yếu: Học cách phân tích vấn đề, tổng kết kinh nghiệm)
Ngày 15 tháng 11
Bức thư từ Nhật Bản
Hôm nay ba tôi nhận được một bức thư từ một người bạn Nhật Bản. Trên phong bì dán năm con tem thư. Tôi thấy, mỗi chiếc tem thư đều có ghi con số 40. Tôi cho rằng đó là giá 4 hào một chiếc tem. Tôi nhẩm tính, như vậy cả thẩy là 2 đồng. Ba tôi bảo: “Đây là tiền Nhật con ạ, đơn vị là đồng chứ không phải là hào. 200 yên Nhật tương đương với 1 đô la rưỡi, 1 đô la tương đương với 8 đồng nhân dân tệ. 1 đô la rưỡi bằng 12 nhân dân tệ”. “Ba có thể cho con những chiếc tem ấy được không?” Ba nói: “Được con ạ!” Tôi cẩn thận lấy những chiếc tem thư ấy.
(Mục đích chủ yếu: Muốn hiểu biết nhiều, phải tích luỹ đều đều).
Ngày 10 tháng 11
Truyền hình với nhật ký
Chiều nay, vừa xem xong bộ phim “Gấu con thoát nạn”, thì bộ phim “Li li” lại bắt đầu. Tôi rất muốn xem tiếp, liền nói với mẹ: “Mẹ ơi, con xem phim trước rồi viết nhật ký sau cũng được chứ?” Mẹ nói: “Không được, phải giờ nào việc ấy, việc hôm nay chớ để ngày mai”. Thế là tôi tắt ti-vi, ngồi vào bàn, viết nhật ký.
(Mục đích: Giáo dục giữ vững nguyên tắc, học trước chơi sau).
Ngày 30 tháng 11
Lời hứa
Tối nay, mẹ giúp tôi kiểm tra lại bài làm ở nhà, bỗng mẹ phát hiện ra chỗ sai. Tôi vội vàng giật ngay lấy quyển vở bài tập. Mẹ nói: “Không được”. Tôi cứ bỏ chạy. Sau khi tôi sửa lại chỗ sai ấy, đưa vở lại cho mẹ kiểm tra. Mẹ đẩy vở ra, không thèm kiểm tra hộ nữa. Ba nói: “Con phải thành thật xin lỗi mẹ đi, mẹ sẽ tha cho”. Suy nghĩ một lát, tôi quyết định xin lỗi mẹ: “Con xin hứa, lần sau con không thế nữa”. Mẹ gật đầu nói: “Con đã hứa vậy, mẹ yên tâm rồi”.
(Trọng tâm giáo dục: Chỉ kiểm điểm không chưa đủ, phải có biện pháp giúp trẻ sửa chữa sai lầm).
Ngày 26 tháng 12
“Xứng đáng với danh hiệu”
Hôm nay là ngày thứ Hai, buổi sớm toàn trường tập trung làm lễ chào cờ.
Thầy hiệu phó lên phát biểu, thầy nói về hai việc. Việc thứ nhất, thầy hỏi: “Lớp nào được “cờ đỏ” về mặt giữ gìn kỉ luật, mời lớp trưởng lớp đó giơ tay”. Thầy hiệu phó lại hỏi: “Những lớp này đã thật xứng đáng với danh hiệu đó hay chưa? Đề nghị các lớp cho toàn trường biết về thành tích của mình?” Sau đó thầy hỏi tiếp: “Em nào có thể trả lời được, “Xứng đáng với danh hiệu” là thế nào?” Tôi lập tức giơ tay xin phát biểu. Thật may, thầy hiệu phó đã gọi tôi. Tôi bước lên trước mi-crô nói: “Thưa thầy! Tức là danh hiệu và thực tế phải phù hợp với nhau ạ!” Trả lời xong, tôi vội rời khỏi kỳ đài. Thầy hiệu phó nói: “Thầy cảm ơn. Em đã trả lời rất đúng!” Về đến nhà tôi kể lại chuyện này với mẹ. Mẹ nói: “Con hãy ghi việc này vào nhật ký”.
(Trọng tâm giáo dục: Dám xung phong làm ở những thời điểm then chốt, đó là một biếu hiện đáng khen. Nhân dịp này, tôi giảng giải cho Đình Nhi nghe về ý nghĩa tích cực của câu thành ngữ: “Mạnh bị gạo, bạo bị tiền”. Động viên cháu chủ động nắm vững càng nhiều tri thức để chờ đợi những thời cơ to lớn hơn).
Ngày 28 tháng 2
Nhóm bạn yêu thích ca hát
Chiều nay thầy Hoàng, người phụ trách đội hợp xướng nhà trường hỏi tôi: “Ngoài em ra, lớp 2B còn có em nào thích tham gia đội hợp xướng nữa không?” Tôi trả lời: “Để em đi hỏi xem sao…” Tôi đi xuống gác, vào lớp hỏi: “Có bạn nào thích vào đội hợp xướng không?”
Vừa hỏi xong, lớp đã có hơn 20 bạn xung phong giơ tay xin tham gia. Tôi và các bạn cùng đi lên gác. Vừa đến cửa phòng đã có đến một nửa trong số các bạn ấy bỏ trốn. Tôi nghĩ rằng các bạn ấy sợ. Chỉ còn khoảng 10 bạn mạnh dạn bước vào phòng. Thầy Hoàng bảo tôi: “Em hãy chọn hộ thầy lấy mấy bạn có giọng ca thật tốt”. Chọn đi chọn lại, cuối cùng tôi chọn được 5 bạn.
(Trọng tâm giáo dục: Khen ngợi Đình Nhi đã giúp thầy giáo làm công tác tổ chức. Từ nhỏ đã làm quen với việc này, lớn lên có nhiều triển vọng).
Ngày 2 tháng 3
Tự giáo dục
Chiều nay tôi và bạn Linh Linh đã đánh nhau. Về tới nhà, tôi kể lại chuyện này với ba. Ba giáo dục tôi, tôi cãi lại. Mẹ cũng đến dạy bảo tôi, tôi cũng cãi lại. Mẹ tức quá bảo tôi: “Vậy thì con hãy tự bảo mình”. Tôi bắt đầu tự giáo dục. Lúc đầu thấy rất buồn cười, nhưng rồi tôi cũng tự giác giáo dục được mình. Mẹ nói: “Sau này, ta sẽ thường xuyên dùng phương pháp tự giáo dục”.
Xin bổ sung: hai đứa chúng tôi đánh nhau vì chuyện tranh giành đồ chơi.
Lại xin bổ sung nữa: Tôi giáo dục bằng cách tự mình tranh luận với mình.
(Trọng tâm giáo dục: Tự giáo dục có thể nâng lên thành tự kiềm chế, đó là một kĩ năng “Tình thương EQ” quan trọng).
Ngày 6 tháng 3
Hỏi đường
Sáng nay đi học về, tôi thấy có một người hỏi người khác đường đến nhà ông Tạ Dương Thanh. Người kia nói: “Không biết.” Tôi vội chạy đến nói với người hỏi đường: “Cháu biết bác Tạ, bác ấy là hàng xóm nhà cháu”. Tôi liền dẫn người đó đến trước cửa nhà bác Dương Thanh. Tôi chỉ vào đó: “Ở đây bác ạ!” Người hỏi đường nói: “Bác cảm ơn cháu nhé!”
(Trọng tâm giáo dục: Phải luôn dạy con ý thức cảnh giác, đề phòng bọn bắt cóc, không được dẫn đường cho người lạ. Tuy vậy, còn bồi dưỡng phẩm chất sẵn sàng giúp đỡ người khác, thì nên dùng phương pháp khác hay hơn).
Ngày 9 tháng 3
Bài thuốc bí ẩn của tôi
Chiều nay, mẹ bị nhức đầu, tôi đã làm cho mẹ tôi một bài thuốc bí mật: tôi đổ một chút nước vào một lọ nước hoa đã dùng hết nhưng vẫn còn mùi thơm, cho thêm một ít thuốc đánh răng đã hòa tan trong nước, và thêm một chút kem dưỡng da. Sau khi đã xóc đều, tôi lấy ra xoa lên đầu mẹ và bắt đầu xoa bóp. Mẹ hỏi: “Con đang làm gì vậy?” Tôi trả lời: “Con đang cho mẹ một bài thuốc bí mật, mẹ thấy thế nào?” Mẹ nói: “Mẹ thấy trong lòng rất thoải mái”. Chỉ một lát sau mẹ đã khỏi nhức đầu.
(Trọng tâm giáo dục: “Trăm nghe không bằng một thấy”, câu nói này rất đúng trong cuộc sống, càng rất đúng cho học tập).
Ngày 17 tháng 3
Phương pháp mới
Chiều nay, mẹ bảo tôi, từ nay về sau mẹ không kiểm tra lại bài làm ở nhà của con nữa đâu, mẹ chỉ ký cho một chữ, công nhận con đã làm bài thôi. Tôi hơi ngạc nhiên. Sau đó, tôi nói với mẹ: “Nhà bạn Chung Nguy cũng làm như vậy mẹ ạ!” Mẹ nói: “Thế thì chúng ta cũng học tập kinh nghiệm của họ thôi”.
(Trọng tâm giáo dục: Cha mẹ không kiểm tra bài làm của con trước khi thầy cô giáo chấm bài. Làm như vậy để thầy cô giáo biết được thực chất trình độ của con mình, đồng thời cũng để con thấy được hậu quả của những việc làm thiếu thận trọng. Việc làm này chỉ thích hợp với những học sinh thực sự say mê học tập).
Ngày 21 tháng 4
Hà tiện
Hôm vừa rồi đây, trong giờ thi, thầy giáo phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nháp. Tôi thấy đẹp quá liền giữ lại sau này làm diều. Tôi không dùng nó để nháp bài. Kết quả, vì bệnh hà tiện, muốn tiết kiệm một tờ giấy nháp mà kết quả bài thi bị mất 13 điểm. Tôi thầm hứa, sau này cái gì cần dùng đến thì nhất định phải làm, dù có phải trả giá như thế nào cũng không được bỏ. Ngoài ra, tôi cũng còn có một khuyết điểm nữa là khi đã làm xong bài, rất lười kiểm tra lại.
Sau này, nếu có sai lầm gì phải mạnh dạn nói với ba mẹ, và tự thừa nhận. Tôi sẽ cố gắng không để sau này phạm phải những sai lầm như vậy nữa. Những sai lầm đã phạm một lần rồi không bao giờ để phạm lại lần thứ hai.
(Trọng tâm giáo dục: Sau khi giảng giải cho Đình Nhi nghe rõ ý nghĩa câu: “Chớ nên tham bát bỏ mâm”, cháu đã không bao giờ còn vì chuyện lười nháp bài mà để bị mất điểm nữa. “Những sai lầm đã phạm một lần rồi, không bao giờ để phạm lại lần thứ hai”. Điều này đã dần dần trở thành nguyên tắc cho mọi việc làm của ĐÌnh Nhi).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.