GIÂY PHÚT LỠ LẦM

CHƯƠNG 2



Chuyến tàu lúc 16 giờ 55 phút ngừng lại ở ga Cross. Ông Poirot lịch sự, với bộ ria chải chuốt vểnh lên nhọn hoắt, bước xuống trình vé ở cổng. Một người tài xế cao lớn ra đón ông, long trọng hỏi.
– Thưa ông, là ông Poirot phải không ạ?
– Đúng là tên tôi như thế đấy.
Người đàn ông Bỉ nhỏ nhắn vẻ mặt hớn hở đáp.
– Thưa ông, có xe hơi đón ông ở đằng kia.
Người tài xế đến mở cửa chiếc xe Rolls.
Từ ga về biệt thự mất chưa đến ba phút. Poirot còn đang ngồi trong xe thì một anh hầu phòng đã mở cửa ra vào.
Trước khi vào nhà, Poirot liếc nhanh vẻ bề ngoài đánh giá ngôi nhà. Nó tuy không đẹp nhưng cho cảm giác là kiên cố và tiện nghi.
Nhà thám tử mới bước được hai bước vào phòng khác lớn thì anh hầu phòng đã giúp ông bỏ mũ và áo khoác, khẽ nói bằng giọng kính cẩn mà chỉ những gia nhân thạo việc mới có được:
– Thưa ông, phu nhân Reuben đang đợi ông.
Poirot bước theo anh hầu phòng, chắc là anh Parsons. Họ lên một cầu thang phủ thảm mềm đến lầu một, rẽ vào hành lang bên trái đến một phòng đợi nhỏ. Người hầu phòng mở cửa và thông báo:
– Ông Poirot đã đến.
Poirot bước vào một căn phòng nhỏ có bàn ghế và đồ vật trang trí. Một phụ nữ mặc đồ đen ra tiếp ông. Bà chìa tay ra và nói:
– Chào ông Poirot.
Bà quan sát người đàn ông béo lùn quá lịch sự ấy, không đẻ ý đến cái đầu bóng loáng đang cúi xuống hôn bàn tay mình, cũng như tiếng “thưa bà” kính cẩn kèm theo lời chào của ông ta. Sau cái bắt tay mạnh dạn dành cho ông ta, bà nói:
– Tôi tin tưởng những người đàn ông nhỏ bé là những người thông minh.
Poirot khẽ đáp:
– Tôi cho rằng thanh tra Miller là một người đàn ông cao lớn.
Phu nhân Reuben nói:
– Đó là một tên ngu si và xấc xược! Mời ông ngồi xuống cạnh tôi đây, ông Poirot.
Bà đưa tay chỉ chiếc đi-văng và tiếp:
– Lily đã làm mọi cách để ngăn cản tôi tìm đến ông. Nhưng ở tuổi tôi thì người ta biết mình muốn gì chứ.
Poirot nói:
– Không phải lúc nào cũng như vậy đâu.
Ngồi thoải mái giữa những chiếc gối, phu nhân Reuben quay lại nhìn ông:
– Lily là một cô gái đáng yêu, nhưng cô ta tự cho rằng mình biết tất cả.
– Rất có thể một ngày nào đó bà sẽ đánh cho tôi lời khen đó, thưa bà. Nhưng chúng ta hãy quay lại vấn đề chính. Bà hãy nói cho tôi biết về những người giúp việc cho bà và những người có mặt ở đây đêm hôm xảy ra thảm kịch.
– Có Leverson, tất nhiên rồi…
– Nếu như tôi không lầm thì ông Leverson là cháu của chồng bà chứ không phải là cháu của bà. Có phải thế không ạ?
– Đúng vậy. Leverson là đứa con trai duy nhất của người chị ông Reuben. Chị ấy kết hôn với một người khá giàu có. Sau một cuộc khủng hoảng vẫn thường xảy ra ở khu Trung Tâm chồng chị qua đời, rồi đến chị ấy, và Leverson mồ cô đã đến ở với chúng tôi. Lúc đó anh ta mới hai mươi ba tuổi và muốn trở thành luật sư. Sau cái đám tang của bố mẹ Leverson, Reuben nhận anh vào làm việc cho mình.
– Ông Leverson có phải là người làm ăn chăm chỉ không?
Phu nhân Reuben gật gù khen:
– Tôi thích những người hiểu nhanh như ông. Không, đáng buồn là Leverson không chăm chỉ và anh ta thường cãi vã với ông cậu về những điều xằng bậy do anh gây ra. Người ta không thể nói ông Reuben đáng thương là người dễ tính. Nhiều lần, tôi đã phải nói với ông ấy rằng ông ấy đã quyên mất thế nào là tuổi trẻ. Hồi còn trẻ, ông ấy khác kia, ông Poirot ạ!
Nghĩ đến kỷ niệm xưa, phu nhân Reuben thở dài. Poirot nói:
– Con người luôn luôn thay đổi, thưa bà, đó là một quy luật mà không ai có thể tránh được.
– Đối với tôi thì ông ấy chả bao giờ tỏ ra lỗ mãng cả, hoặc nếu có xảy ra thì ông ấy luôn luôn hối tiếc và biết cách nói lại với tôi. Tội nghiệp cho ông Reuben yêu quí của tôi!
– Tính ông ấy khó chịu lắm phải không?
– Tôi thì tôi luôn luôn biết cách đối xử với ông ấy – Phu nhân Reuben nói với giọng của một người dạy thú lành nghề – nhưng đôi khi ông ấy nổi giận với những người giúp việc thì thật là đáng tiếc. Có nhiều cách nổi nóng, nhưng cách của Reuben thì không phải là cách hay nhất.
– Bà có thể cho tôi biết chính xác ngài Reuben đã phân chia tài sản của ông ấy như thế nào không?
– Ông ấy chia đôi cho tôi và Leverson. Các vị luật sư trình bày vấn đề một cách rắc rối hơn, nhưng tựu trung lại thì vẫn là thế thôi.
Poirot nói:
– Tôi hiểu. Bây giờ, phu nhân ạ, yêu cầu bà cho tôi biết chính xác những người sống thường xuyên trong nhà. Thoạt tiên có bà này, rồi viên thư ký Owen, người cháu của ngài Reuben – ông Leverson – và cô Lily. Bà có thể cho tôi biết vài điều về cô gái này chứ?
– Ông muốn biết về Lily ư?
– Vâng. Cô ấy ở với bà lâu chưa?
– Gần một năm rồi. Tôi có nhiều cô thư ký kiêm bầu bạn, ông biết đấy. Nhưng, vì lý do này hay lý do khác, các cô ấy đều làm tôi phát bực. Lily không giống như những người khác. Cô ta rất tế nhị, rất biết điều, và hơn nữa lại xinh xắn! Tôi thích có một khôn mặt xinh đẹp bên mình. Ông Poirot ạ, tôi là một con người kỳ cục. Tôi có thiện cảm hoặc ác cảm đều thể hiện ngay tức khắc. Khi tôi vừa trông thấy cô ấy, tôi đã tự nhủ: “Cô ta sẽ được việc cho mình đây”.
– Bạn bè đã giới thiệu cô ấy cho bà ư?
– Hình như cô ta đã đến theo một lời rao của tôi trên báo… Phải rồi, đúng như thế.
– Bà có biết gì về gia đình, về lai lịch của cô ta không?
– Hình như cha mẹ của cô ấy ở Ấn Độ thì phải. Tôi không biết gì về họ, nhưng có thể thấy ngay rằng Lily thuộc về một giới khá đấy.
– Ồ! Chắc chắn rồi.
– Chính tôi cũng không phải là một “phu nhân” như người ta thường gọi. Tôi biết điều đó, và cả đám gia nhân cũng biết, nhưng tôi chả có gì phải hổ thẹncả. Tôi biết đánh giá khả năng của người khác và không ai có thể đối xử với tôi tốt hơn là Lily cả. Tôi xem cô ấy gần như con gái tôi vậy, điều này thì tôi khẳng định với ông đấy, ông Poirot ạ!
Poirot dùng tay mặt sắp xếp lại vài đồ vật đặt trên bàn gần đó rồi hỏi:
– Thái độ của ngài Reuben đối với cô ấy có giống như thái độ của bà không?
Mặc dù mắt vẫn dán vào những đồ vật bài trí nhưng Poirot vẫn nhận thấy vẻ do dự gần như không thể thấy được của phu nhân Reuben.
– Đối với đàn ông thì lại khác. Tất nhiên là họ… họ rất hợp ý nhau.
Poirot vừa giấu một nụ cười vừa nói:
– Cám ơn bà. Ngoài những người giúp việc ra, không còn ai khác trong nhà sao?
– A! Có chứ. Còn có Victor nữa.
– Victor à?
– Phải, Victor là em chồng tôi và cũng là người cộng tác với ông ấy.
– Ông ta sống chung ở đây ư?
– Không. Ông ấy sống nhiều năm ở Tây Phi vừa mới về đây nghỉ ít ngày.
Poirot nhắc lại:
– Ở Tây Phi.
Ông hiểu rằng có thể trông cậy ở phu nhân Reuben để tìm hiểu bất cứ vấn đề gì, chỉ cần có đủ thì giờ cho bà thôi.
– Người ta bảo rằng đó là một xứ sở tuyệt diệu, nhưng tôi cho rằng nơi đó có ảnh hưởng tai hại đối với đàn ông. Ở đó người ta uống qua nhiều rượu, người ta không còn biết mình làm gì nữa. Không một ai trong dòng họ Reuben có tính khí dễ chịu cả, nhưng Victor từ khi ở đó trở về thì thật là quá mức! Phải nói là ô nhục! Một hai lần chính tôi cũng phải khiếp sợ cậu ta nữa.
Poirot nhẹ nhàng hỏi:
– Ông ấy có làm cho cô Lily khiếp sợ không?
– Lily ư? Ồ, cô ấy chả mấy khi gặp cậu ta.
Poirot ghi vài chữ vào cuốn sổ tay nhỏ xíu rồi cẩn thận cất vào túi sau khi gài cây viết chì vào túi đựng bút.
– Cảm ơn phu nhân, và bây giờ, nếu như bà cho phép, tôi muốn hỏi chuyện ông Parsons.
– Ông có muốn nói chuyện với anh ta ở đây không?
Phu nhân Reuben hỏi và đưa tay định nhấn chuông.
– Không! Ngàn lần không! Tôi sẽ xuống dưới nhà gặp anh ta.
– Nếu ông thấy thế tiện hơn thì…
Rõ ràng là phu nhân Reuben có vẻ thất vọng vì không được tham gia vào buổi nói chuyện này. Poirot làm ra vẻ bí mật, nói một cách mơ màng:
– Điều đó là cần thiết.
Ông bỏ phu nhân Roben tò mò lại, đi xuống nhà dưới.
Ông tìm thấy Parsons cạnh phòng ăn, đang lau chùi đồ đạc và ông bắt đầu cuộc tiếp xúc bằng một trong những kiểu chào khôi hài là bí quyết của ông.
– Tôi cần giải thích với anh rằng tôi là thám tử.
– Vâng, thưa ông, chúng tôi đã được biết.
Giọng nói có vẻ kính cẩn nhưng lạnh lùng.
– Phu nhân Reuben đã nhờ cậy đến tôi. Bà ấy không được yên tâm và hài lòng.
– Tôi có nghe bà chủ nói như thế nhiều lần, thưa ông
– Vậy là tôi toàn nói những điều mà anh đã biết. Chúng ta đừng mất thì giờ về những chi tiết ấy. Xin anh vui lòng dẫn tôi đến phòng anh và ở đó, anh sẽ cho tôi biết chính xác những gì anh đã nghe thấy vào tối hôm xảy ra vụ án.
Căn phòng của anh hầu phòng ở tầng trệt, thông ra phòng khách lớn. Cửa sổ có song sắt và ở góc phòng có cửa dẫn đến một căn hầm khóa kín. Parsons chỉ chiếc giường của mình nói:
– Tôi đi ngủ lúc hai mươi ba giờ, lúc đó cô Lily đã về phòng, còn phu nhân Reuben thì đang ở chỗ ngài Reuben trong căn phòng bên tháp.
– Phu nhân Reuben đang ở chỗ ngài Reuben à?… Cứ nói tiếp đi.
– Căn phòng bên tháp ở ngay trên phòng này. Khi ở trên đó nói chuyện thì ở đây có thể nghe thấy tiếng xì xào, nhưng không nghe rõ được từng lời. Có lẽ tôi đã ngủ thiếp đi vào lúc 23 giờ 30. Đúng nửa đếm thì tôi giật mình thức giấc bởi tiếng cửa dập mạnh và tôi hiểu rằng ông Leverson đã về. Sau đó tôi nghe thấy tiếng chân đi trên lầu và tôi nhận ra giọng của Leverson đang nói chuyện với ông cậu.
Lúc đó tôi nghĩ rằng ông Leverson đang… tôi không bảo là đang say đâu, không đâu, nhưng ông ta bị kích động mạnh, và có vẻ muốn gây gổ. Ông ấy to tiếng với ngài Reuben. Tôi chỉ nghe được bập bõm không đủ để hiểu là chuyện gì. Bỗng tôi nghe thấy một tiếng kêu thét, rồi một tiếng động mạnh như tiếng vật gì hoặc một thân người đổ xuống và sau đó trong đêm yên tĩnh, giọng ông Leverson vang lên rất to: “Chúa ơi! Chúa ơi!” như tôi đang nói với ông đây.
Parsons lúc đầu không hứng thú kể lại câu chuyện thì cuối cùng đã thực sự thích thú khi làm việc đó. Anh ta tự thấy mình kể chuyện hay. Poirot đã khuyến khích anh ta.
– Chắc anh phải xúc động lắm!
– Ồ! Tôi cam đoan với ông đấy! Không phải ngay lúc ấy tôi không quan tâm đến chuyện đó đâu. Tôi vẫn cho rằng có chuyện gì xảy ra và định lên đó xem sao. Tôi dậy, bật đèn và va phải chiếc ghế. Cuối cùng tôi mở được cửa phòng, rồi mở cánh cửa kia vào phòng khách lớn đi qua hành lang tới cầu thang của nhà bếp. Tôi đang đứng dưới chân cầu thang do dự, thì nghe thấy giọng ông Leverson ở ngay phía trên nói một cách rất tự nhiên, vui vẻ. “Chả có gì thiệt hại cả, rất may. Xin chào”. Và sau đó tôi nghe thấy ông vừa đi về phòng vừa huýt gió. vì vậy mà tôi trở về phòng ngủ ngay. Tôi tự nhủ: “Chỉ có cái gì đó bị đổ thôi”. Ai có thể ngờ rằng người ta đã giết chết ngài Reuben khi mà ông Leverson còn nói “Xin chào” và những gì nữa ấy.
– Anh có chắc đã nghe thấy giọng của ông Leverson không?
Parsons ái ngại nhìn viên thám tử và ông này hiểu ngay rằng trong đầu của Parsons thì không có gì phải nghi ngờ nữa cả.
– Ông có muốn hỏi gì nữa không, thưa ông?
– Còn một điều nữa tôi muốn biết: anh có thích ông Leverson không?
– Tôi… xin lỗi, thưa ông!
– Đó là một câu hỏi đơn giản thôi: anh có thích ông Leverson không?
Thoạt tiên sợ hãi, sau đó Parsons lại bối rối. Anh chỉ nói:
– Ý kiến chung của gia nhân là, thưa ông…
– Hãy trả lời tôi theo cách ấy, nếu anh muốn.
– Nói chung, thưa ông, người ta cho rằng ông Leverson là một thanh niên rộng lượng, nhưng không được thông minh lắm.
– Này, Parsons, dù chưa bao giờ gặp anh ta, tôi cũng nghĩ như thế về anh ta đấy.
– Ồ, thật vậy sao ông?
– Còn anh thấy thế nào, à quên xin lỗi, đám gia nhân nghĩ thế nào về viên thư ký?
– Đó là một người đàn ông rất bình thản, rất kiên nhẫn, thường cố gắng để không làm ai phiền lòng cả.
– Thật ư?
Anh hầu phòng hắng giọng rồi nói:
– Phu nhân Reuben, thưa ông, thường hay đánh giá hơi vội.
– Thế thì đám gia nhân nghĩ chính ông Leverson là thủ phạm ư?
– Không một ai trong chúng tôi muốn tin rằng chính ông ấy… Chúng tôi… thật ra không tin là ông ấy có thể giết người, thưa ông.
Poirot nói:
– Hình như tính khí ông ấy hơi nóng nảy thì phải.
Parsons đến gần bên ông.
– Nếu như ông muốn hỏi ai trong nhà này có tính khí hung hăng nhất thì…
Poirot đưa tay ra:
– Tôi không hỏi như thế đâu, tôi sẽ hỏi ai trong nhà này có tính tình tốt nhất.
Parsons há hốc miệng ra nhìn ông.
Poirot đã mất khá nhiều thì giờ với Parsons. Ông chào anh tử tế rồi bước ra khỏi phòng.
Poirot ra phòng khách lớn dừng lại một lúc để suy nghĩ. Một tiếng động nhẹ đập vào tai ông làm ông bừng tỉnh nghiêng đầu vào một bên như con chim sẻ và dừng lại ở cửa nhìn vào trong phòng. Đây là một phòng đọc sách nhỏ. Ở chỗ xa cửa nhất, một thanh niên gầy gò xanh xao đang ngồi trước bàn giấy say sưa viết. Anh có chiếc cằm nhô ra và đeo kính kẹp mũi.
Poirot quan sát anh ta một lúc rồi đằng hắng to để báo nhiệu sự có mặt của mình.
Chàng thanh niên ngừng công việc quay đầu lại. Anh ta không để lộ vẻ xúc đông, nhưng thật ra thì bối rối khi trông thấy Poirot.
Viên thám tử bước đến vài bước với cái gật đầu chào quen thuộc của ông rồi nói:
– Anh có phải là Owen không? Tôi là Poirot. Có lẽ anh đã nghe nói về tôi.
– Ồ! Tất nhiên rồi.
Chàng thanh niên đáp.
Poirot chăm chú nhìn anh ta.
Owen trạc ba mươi ba tuổi. Nhìn anh ta viên thám tử hiểu ngay tại sao không ai xem lời buộc tội của phu nhân Reuben là đúng. Owen thuộc tuýp thanh niên đứng đắn, nghiêm túc, khiêm tốn và hiền lành hết mức. Tuýp thanh niên mà ở đâu cũng cứ tự nhiên bị ngược đãi. Người ta có thể tin chắc anh ta không bao giờ để tâm thù oán. Owen hỏi:
– Phu nhân Reuben đã cho mời ông ư? Bà ấy nói sẽ làm như vậy. Tôi có thể giúp được gì cho ông không?
– Phu nhân Reuben có nói với anh về những điều bà ta tin tưởng không? Về những nghi ngờ của bà ấy?
Owen mỉm cười nói:
– Về chuyện đó thì tôi thấy rằng bà ấy nghi ngờ tôi. Thật là phi lý, nhưng như thế đấy. Bà ấy gần như không thèm nhìn mặt tôi từ sau cái chết của ngài Reuben và nép sát vào tường mỗi khi gặp tôi trong nhà.
Trông anh ta hoàn toàn tự nhiên và dường như những lời nói của anh ta chứa đựng nhiều thích thú hơn là oán trách.
Poirot tỏ vẻ thành thật một cách dễ thương. Ông giải thích:
– Giữa chúng ta vói nhau tôi nói để anh biết bà ấy có nói với tôi như thế. Tôi đã không tranh cãi với bà ấy. Tôi theo nguyên tắc là không bao giờ cãi nhau với những người quá quyết đoán, chỉ phí thời gian thôi, anh hiểu chứ?
– Ông có lý đấy.
– Tôi đã nói với bà ấy: tốt lắm, thưa bà, đúng thế, thưa bà. Những lời đó chả có ý nghĩa gì, nhưng cho người ta an tâm. Tôi sẽ tự mình tìm tòi. Gần như là không thể có người nào khác ngoài Leverson đã gây vụ án.. thế nhưng… dù sao thì cũng đã có trường hợp: điều không thể xảy ra đã xảy ra.
– Tôi hiểu thái độ của ông. Xin ông cứ xem như tôi hoàn toàn ở dưới quyền ông.
– Tốt lắm. Chúng ta đã hiểu nhau. Vậy anh hãy kể cho tôi nghe những tình tiết diễn ra trong buổi tối hôm đó. Hãy bắt đầu từ bữa ăn tối.
– Có lẽ ông đã biết, tối hôm đó Leverson không ăn tối ở nhà. Anh ta và ông cậu Reuben cãi nhau gay gắt và anh ta đến câu lạc bộ đánh gôn ăn tối. Ngài Reuben thì trông rất cau có.
Poirot nhấn mạnh:
– Ông Reuben không được dễ chịu lắm hả?
Owen bật cười.
– Ồ! Ông ta thật khủng khiếp! Tôi làm việc với ông ấy đã chín năm rồi nên không thể không biết đến những thái độ nhỏ nhặt của ông ta. Đó là một người rất khó tính, ông Poirot ạ. Ông ta có những cơn nóng giận như một đứa trẻ vậy, và chửi rủa tất cả những ai đến gần ông ta, cho dù ai đi nữa. Riết tôi cũng đâm ra quen, không buồn để ý đến những gì ống ta nói nữa. Suy cho cùng thì thật ra ông ta không có ác ý gì cả, nhưng đôi khi lại tỏ ra ngu ngốc làm cho người ta phát bực. Điều cần nhất là đừng bao giờ cãi lại ông ta.
– Những người khác có khôn ngoan như anh không?
– Phu nhân Reuben thường thích những màn cãi vã ấy. Bà chẳng sợ gì ông chồng đâu, bà dám đương đầu ăn miếng trả miếng với ông ấy. Sau đó họ luôn luôn làm lành với nhau. Ngài Reuben yêu vợ tha thiết.
– Tối hôm đó họ có cãi nhau không?
Owen liếc nhìn người đối thoại và do dự trước khi đáp:
– Tô cho rằng có. Tại sao ông lại hỏi tôi như thế?
– Chỉ đơn giản là một ý nghĩ thôi.
Người thư ký giải thích thêm:
– Thật ra thì tôi cũng không biết, nhưng tất cả sự việc thì cho thấy rằng họ phải đi đến chỗ ấy thôi.
Poirot thay đổi vấn đề:
– Còn có ai khác trong bữa ăn tối ngoài ông bà Reuben không?
– Cô Lily, ông Victor và tôi.
– Buổi tối đó trôi qua như thế nào?
– Chúng tôi đến phòng khách. Ngài Reuben không đi cùng chúng tôi. Mười phút sau ông mới đến và đã lên lớp cho tôi một trận, vì một chi tiết nào đó trong một bức thư mà tôi không nhớ nữa. Tôi đã theo ông ta lên phòng bên tháp và đã thu xếp vấn đề, sau đó ông Victor bước vào bảo rằng cần nói chuyện riêng với ông anh, thế là tôi xuống phòng khách với các bà. Chưa đầy mười lăm phút sau, tôi nghe thấy tiếng chuông của ngài Reuben vang lên không dứt và Parsons đến bảo tôi lên gặp ngài Reuben ngay. Tôi vừa bước vào thì ông Victor bước ra. Ông ta đã xô vào tôi và suýt làm tôi ngã. Rõ ràng là ông ta đang bị kích động mạnh. Đó là một người đàn ông rất hung hăng. Tôi cho rằng ông ta cũng không thấy tôi nữa.
– Ngài Reuben có nói gì với anh về ông ta không?
– Có. Ông ấy bảo: “Victor điên thật rồi. Một ngày nào đó anh ta sẽ giết người trong cơn giận dữ cho mà xem”.
– Thật ư? Thế anh có biết gì về nguyên nhân gây nên trạng thái đó ở ông ta không?
– Hoàn toàn không.
Poirot chậm rãi quay sang nhìn người thư ký. Viên thám tử có cảm giác rằng Owen đã nói nhiều hơn dự định nhưng một lần nữa, ông không nhận xét gì cả.
– Và sau đó? Cứ tiếp tục kể đi anh.
– Tôi đã làm việc với ngài Reuben trong khoảng một tiếng rưỡi. Lúc 23 giờ, phu nhân Reuben đến và ngài Reuben bảo tôi lui ra.
– Và anh đã bỏ đi?
– Vâng.
– Anh có biết phu nhân Reuben ở bên chồng trong bao lâu không?
– Không. Phòng ta ở lầu một, trong khi tôi thì ở lầu hai, do vậy tôi không thể nghe thấy bà ấy trở về phòng.
– Tôi hiểu – Poirot nói rồi bỗng đứng dậy – Hãy đưa tôi đến căn phòng bên tháp.
Người thư ký đi trước, họ theo chiếc cầu thang lớn lên lầu một, men theo một hành lang, ở cuối hành lang đó có một cánh cửa dẫn họ đến thềm cầu thang nhà bếp. Theo một lối đi ngắn qua một cửa nữa họ đến hiện trường: căn phòng bên tháp.
Đó là phòng rộng lớn, trần nhà phải cao gấp hai lần so với các phòng khác trong nhà. Tường được trang trí bằng những vũ khí man rợ như cung tên, giáo mác, dao găm, và những đồ vật lạ lùng, gần nhu tất cả đều từ châu Phi mang về. Một chiếc bàn giấy lớn được đặt ngay trước khung cửa sổ. Poirot vội bước đến đấy ngay.
– Người ta đã tìm thấy ngài Reuben tại đây ư?
Owen gật đầu. Poirot nói:
– Nếu như tôi không lầm thì ông ta bị đánh từ phía sau?
Lại một lần nữa, người thư ký gật đầu và giải thích.
– Ông ta bị đánh bằng một trong những cái chùy này. Chúng nặng khủng khiếp. Có lẽ ông ta đã chết ngay tức khắc.
Poirot nhận xét:
– Điều đó càng khẳng định rằng vụ án đã không được mưu toan trước. Trong một cuộc cãi vã kịch liệt, người ta hường chụp lấy vũ khí đầu tiên một cách vô thức…
– Vâng. Thật là nặng nề đối với anh chàng Leverson đáng thương.
– Và người ta đã tìm thấy xác chết đổ về phía trước, gục lên trên bàn ư?
– Không, nó đã đổ nghiêng về một bên nằm trên sàn nhà.
– Ủa, lạ thật!
– Tại sao lại lạ?
– Vì cái này đây – Poirot vừa nói vừa chỉ một vết tròn loang lổ trên mặt bàn đánh xi – Anh bạn ạ, đó là vết máu đấy.
– Có lẽ máu đã bắn lên đó. Có thể người ta đã làm dây ra đây khi di chuyển xác chết.
– Có thể, có thể – Người thám tử Bỉ nhỏ nhắn nói – Căn phòng này không có cửa nào khác ngoài cái chúng ta vừa vào sao?
– Có lối nữa ở đây này. Ông xem đi.
Owen kéo tấm màn nhung đang che khuất góc phòng gần cánh cửa, ở đó có một chiếc cầu thang xoắn trôn ốc đưa lên lầu trên.
– Cái tháp này được dựng cho một nhà thiên văn học. Cầu thang này đưa đến một căn phòng hình tròn nơi ông ta đặt kính viễn vọng, ngài Reuben đã sắt đặt thành phòng ngủ; thỉnh thoảng ông ta vẫn ngủ ở đó, khi ông ta làm việc quá khuya.
Poirot nhanh nhẹn leo lên cầu thang. Trong căn phòng hình tròn chỉ có một chiếc giường trại, một chiếc ghế và một cái bàn. Ông biết rằng không còn lối ra nào khác nữa và quay trở xuống căn phòng nới Owen đang đợi. Ông hỏi:
– Anh có nghe thấy ông Leverson về không?
– Không. Vào giờ đó tôi đã ngủ say rồi.
Poirot chậm rãi đi quanh phòng, cuối cùng ông bảo:
– Thôi được, tôi cho rằng ở đây chẳng còn gì nữa… trừ khi… xin anh vui lòng kéo hộ màn cửa.
Một cách phục tùng, Owen kéo các màn cửa sổ bằng nhung đen nặng nề. Poirot bật chiếc đèn ở giữa phòng có chụp lớn bằng bạch ngọc treo giữa trần nhà, ánh sáng mờ ảo tỏa xuống gian phòng. Ông hỏi:
– Hình như còn một chiếc đèn để bàn nữa phải không?
Người thư ký bật chiếc đèn có chụp bằng sứ màu xanh lục trên bàn giấy. Poirot tắt đèn trên trần đi rồi lại bật lên, cứ thế nhiều lần.
– Được rồi. Tôi kết thúc việc thăm nơi này. Cám ơn anh đã giúp Owen.
– Có gì đâu, thưa ông. Bữa tối mời ông xuống ăn lúc 19 giờ 30.
Trầm ngâm, Poirot lủi về phòng dành riêng cho mình. Ông gặp George ở đây, cái anh chàng khó hiểu, đang soạn đồ cho chủ. Ông nói:
– Anh George tốt bụng ạ, tôi hy vọng ở bữa ăn tối sẽ được gặp một người đàn ông làm tôi rất chú ý, một người mới từ vùng nhiệt đới trở về mà theo lời người ta nói thì tính khí nóng như lửa. Parsons muốn tôi lưu ý đến người này, còn cô Lily thì lại không nói đến. Ngài Reuben quá cố khó tính thật kinh khủng, George ạ. Giả sử ông ta lại gặp một người cáu bẳn hơn thì rất có thể xảy ra chuyện không hay.
– Không nhất thiết như thế đâu, thưa ông.
– Không ư?
– Không, thưa ông. Tôi có bà dì Jemima, một cái lưỡi rắn độc, một con người độc ác kinh khủng. Bà đày đọa cô em đáng thương sống chung với bà ta đến mức đáng xấu hổ. Chỉ còn thiếu nước bà ta chưa giết cô ấy vì sự độc ác của mình nữa thôi. Thế nhưng, nếu như người nào dám đối đầu với bà, bà lại xử sự khác! Bà ta mềm nhũn ngay, cứ như con cừu ấy! Điều mà bà ta không thể chịu được, đó là sự dịu dàng.
Poirot nói:
– A! Điều này khiến cho ta phải suy nghĩ đấy.
George đằng hắng, như thể xin lỗi và nói sốt sắng:
– Tôi có thể làm gì giúp ông không, thưa ông?
– Có chứ. Tôi muốn biết tối hôm xảy ra vụ án cô Lily mặc chiếc áo màu gì và người hầu phòng nào phục vụ cho cô ta.
George nhận những chỉ thị đó với vẻ lạnh lùng cố hữu của mình.
– Được, thưa ông. Tôi sẽ cho ông biết những thông tin đó vào sáng mai.
Poirot đứng lên nhìn ngọn lửa.
– Anh rất có ích cho tôi, George ạ – Ông khẽ nói – Và anh biết không, tôi sẽ nhớ đến dì Jemima của anh.
Rốt cuộc thì Poirot không gặp được Victor vào tối hôm đó. Bị giữ lại ở Luân Đôn, ông ta gọi điện về xin lỗi. Khi quay lại Poirot hỏi phu nhân Reuben:
– Ông Victor phụ trách những công việc do chồng bà để lại ư?
– Victor là một trong những người cộng sự của chồng tôi. Cậu ta đi châu Phi để nghiên cứu quyền khai thác vài cái mỏ cho công ty. Có đúng là khai thác mỏ không nhỉ, Lily?
– Vâng, thưa bà.
– Những mỏ vàng thì phải, hay đồng, hoặc thau? Chắc cô phải biết, Lily! Cô luôn luôn đặt hàng lô câu hỏi về vấn đề đó với ngài Reuben! Ồ! Hãy cẩn thận, cô bé thân yêu ạ. Cô làm đổ chiếc bình này mất thôi!
Cô Lily nói:
– Ở đây nóng khủng khiếp lại thêm ngọn lửa này. Tôi có thể mở cửa sổ một phút không?
– Nếu cô muốn, cô bé ạ.
Phu nhân Reuben nói một cách đơn giản.
Poirot nhìn cô thiếu nữ mở cửa sổ và chồm người ra ngoài để hít không khí trong mát của khu vườn. Khi co ta quay trở lại ghế, ông bình thản hỏi:
– Cô quan tâm đến việc khai thác mỏ à, thưa cô?
– Ồ! Không. Không mấy đâu. Tôi chỉ lắng nghe những gì ngài Reuben nói thôi, nhưng tôi chả biết gì cả.
Phu nhân Reuben nói:
– Thế thì cô giả vờ hay thật đấy. Ông Reuben đáng thương còn cho rằng cô có lý do đặc biệt để tra hỏi ông mãi như thế.
Viên thám tử không rời mắt khỏi ngọn lửa. Thế nhưng, khuôn mặt bỗng ửng đỏ lên của Lily không làm sao qua được mắt ông. Một cách tế nhị, ông thay đổi đề tài của cuộc đối thoại.
Trước khi lui về phòng, ông đến bên phu nhân Reuben.
– Tôi muốn nói vài câu với bà.
Ngay lập tức, Lily kín đáo rời phòng khách. Phu nhân Reuben nhìn viên thám tử.
– Thưa bà, bà là người cuối cùng nhìn thấy ngài Reuben còn sống?
Bà gật đầu, những giọt lệ trào ra từ mắt bà, bà đưa chiếc khăn tay viền đen lên mắt.
– Xin bà đừng khóc, tôi xin lỗi bà.
– Nói như thế thì quá dễ dàng, ông Poirot ạ, nhưng tôi không làm sao cầm được nước mắt.
– Tôi thật là ngu ngốc đã làm bà buồn rầu như vậy.
– Không đâu, ông cứ nói tiếp đi. Ông muốn bảo gì chứ?
– Lúc đó vào khoảng 23 giờ thì phải, khi bà bước vào căn phòng bên tháp thì ngài Reuben đã cho ông Owen lui. Có đúng như thế không?
– Vậy, chắc là vậy.
– Bà ở bên ông ta bao nhiêu lâu?
– Tôi trở về phòng mình đúng lúc 24 giờ kém 15, tôi nhớ đã nhìn đồng hồ.
– Phu nhân Reuben, bà có vui lòng cho tôi biết bà đã nói gì với ông nhà không?
Bà bật khóc và gục xuống chiếc đi-văng, bà rên rỉ:
– Chúng tôi… Chúng tôi đã cãi nhau.
– Về vấn đề gì? Poirot hỏi bằng giọng dịu dàng.
– Về cả lô vấn đề. Bắt đầu là Lily, Reuben có ác cảm với cô ấy, mà không có lý do. Ông ta cho rằng đã bắt gặp cô ấy lục lọi giấy tờ của mình. Ông ta muốn đuổi cô ấy. Tôi cãi rằng cô ta là một thiếu nữ đáng yêu và tôi không bằng lòng đuổi. Ông ta đã la lớn. Còn tôi, tôi giở bướng. Tôi đã nói tất cả những gì tôi nghĩ về ông ta, mà thật ra thì tôi chả nghĩ lấy một điều nào cả, ông Poirot ạ. Ông ta bảo đã lôi tôi ra khỏi vũng bùn để cưới tôi, còn tôi thì bảo.. nhưng bây giờ thì tất cả những thứ ấy còn có nghĩa lý gì nữa đâu? Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình! Ông có hiểu không, tôi vẫn cho rằng một trận cãi vã sẽ làm cho không khí trong trẻo lại. Có ngờ đâu ông chồng tôi lại bị giết ngay đêm đó! Tội nghiệp cho ông Reuben của tôi!
Poirot lắng nghe những lời tuyệt vọng ấy với rất nhiều thương cảm, ông nói:
– Tôi đã làm cho bà buồn lòng. Xin bà thứ lỗi cho. Bây giơ thì chúng ta hãy cố gắng tỏ ra khách quan, phải hoàn toàn khách quan. Bà vẫn tin chắc rằng chính ông Owen đã giết chồng bà sao?
Phu nhân Reuben nhỏm người dậy.
– Ông Poirot ạ, linh tính của một phụ nữ không bao giờ đánh lừa ta cả.
– Tất nhiên, tất nhiên – Poirot nói – Nhưng ông ta làm việc đó lúc nào mới được chứ?
– Lúc nào ư? Sau đó chứ gì nữa! Khi tôi không còn ở trong căn phòng bên tháp nữa.
– Bà đã rời ngài Reuben vào lúc 24 giờ kém 15. Ông Lơven đã về nhà vào lúc 24 giờ kém 5 phút. Bà cho rằng, trong vòng mười phút đó, anh thư ký đã từ phòng mình quay trở lại giết ông ấy sao?
– Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.
– Có biết bao nhiêu thứ có thể xảy ra. Trong vòng mười phút thì việc đó có thể thực hiện được, đúng rồi. Nhưng nó có xảy ra thật không?
– Hắn ta khẳng định rằng mình ngủ say trên giường, nhưng ai biết được hắn ta có ở đó hay không?
Poirot nhắc bà nhớ rằng không ai trông thấy Owen đi lại vào giờ đó cả. Phu nhân Reuben nói với giọng tin chắc:
– Tất nhiên không ai trông thấy hắn ta vì mọi người đã đi ngủ cả.
Poirot nghĩ và gần như lập tức ông nói:
– Thôi! Phu nhân Reuben ạ, khuya rồi, chúc bà ngủ ngon.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.