Gối Đầu Lên Cỏ

Chương 10



Tôi thử đi đến chỗ Ao Gương. Con đường phía sau chùa Kankaiji từ rừng tuyết tùng thoải xuống phía thung lũng, rồi chẻ ra làm đôi trước khi lại bò lên sườn núi bên kia, và Ao Gương nằm tự tại giữa hai nhánh rẽ của con đường ấy. Quanh bờ ao mọc rất nhiều tre lùn. Ở một vài nơi, chúng mọc ken dày đến mức người ta không thể nào đi luồn qua đấy mà không làm cho cành lá khua xào xạc. Nhìn qua đám cây cỏ vẫn thấy được mặt nước, nhưng nếu không đi vòng quanh bờ ao thì chắc không thể biết cái ao này bắt nguồn từ đâu và kết thúc ở nơi nào. Ði quanh một vòng thì thấy ao nhỏ hơn nhiều so với những gì mình tưởng tượng. Chu vi chưa đến trăm rưỡi mét. Chẳng qua, đây là một cái ao có hình dáng hết sức khác thường. Những tảng đá nằm rải rác đó đây trong nước, theo kiểu rất tự nhiên. Mực nước trong ao cũng khó xác định như hình dáng của ao, vì những đợt sóng nhấp nhô cứ liên tiếp vỗ vào bờ.

Khu vực xung quanh ao mọc nhiều cây bụi. Loại cây thì nhiều không đếm xuể, có lẽ phải đến hàng trăm loài. Ðã sang xuân mà nhiều loại cây vẫn chưa đâm chồi nảy lộc. Ở một vài chỗ có thể đón ánh nắng mùa xuân rạng rỡ chiếu xuyên qua lớp lá cành thưa thớt, còn thấy cả những vạt cỏ hồn nhiên lún phún xanh. Và rải rác đó đây là những bông hoa violet mảnh dẻ dịu dàng.

Những bông hoa violet Nhật Bản đang say ngủ. Cách nói bay bổng của một nhà thơ phương Tây, “sự lý tưởng thánh thiện”, có vẻ không hợp lắm với những đóa này. Tôi vừa nghĩ đến đó thì đôi chân đang bước đột nhiên dừng lại. Dừng lại rồi thì cứ đứng chôn chân một chỗ. Và diễm phúc cho những ai có thể làm điều đó. Nếu ở giữa phố phường Tokyo mà dừng lại kiểu này thì sẽ bị xe điện đâm chết ngay tức khắc. Mà dẫu không bị xe điện đâm chết thì cũng bị cảnh sát tuần tra kéo đi ngay. Ðô thị đối xử với người dân vô tội như những kẻ hành khất, rồi lại trả lương cao cho những tên thám tử chẳng tốt đẹp gì hơn những kẻ chuyên nghề ăn cắp vặt.

Tôi nhẹ nhàng ung dung ngồi xuống thảm cỏ. Tôi có thể ngồi bất động ở đây năm, sáu ngày liền mà chẳng sợ có ai đến quấy rầy. Thiên nhiên tuyệt vời là thế! Khi hung bạo thì không hề thương xót nể nang ai, nhưng cũng chẳng bao giờ có thái độ khinh miệt hay phân biệt đối xử giữa người này và người khác. Những thứ mà các đại gia như Iwasaki hay Mitsui[1] không thèm nhìn ngó đến vẫn hiện diện bình thường trong thế giới tự nhiên. Mặt khác, chỉ thiên nhiên mới có thể lạnh lùng ngoảnh mặt trước quyền lực của những bậc vua chúa từ cổ chí kim. Ðức cao rộng của thiên nhiên vượt trên thế giới hèn mọn của con người, duy trì một trạng thái bình đẳng tuyệt đối trong cõi mênh mông vô tận. Vì vậy, sống trên đời chi bằng cứ xới đất trồng cây, một mình vui thú điền viên hơn là làm những chuyện tầm thường để rồi phải vướng vào những chuyện bực mình như Timon ở Athen[2]. Người ta hay nói đến những khái niệm “vô tư”, “công bằng”. Nếu điều đó được xem là quan trọng thì có lẽ người ta nên giết cả nghìn sinh mạng mỗi ngày, rồi đem những xác chết kia làm phân bón cho cỏ hoa khắp chốn…

[1] Iwasaki, Mitsui là tên những tập đoàn kinh tế lớn ở Nhật Bản.

[2] Nhân vật Timon trong vở kịch Timon ở Athen của William Shakespeare là một người cư xử rất hào phóng vì thích làm hài lòng bạn bè.

Mà sao mình lại nghĩ đến những chuyện lẩn thẩn thế này? Mình đến Ao Gương có phải để nghĩ vẩn vơ như một cậu học sinh cấp hai đâu cơ chứ! Tôi lấy từ gói thuốc Shikishima từ trong tay áo rộng và bật diêm châm lửa. Ðầu diêm trượt qua kêu xoẹt nhưng chẳng thấy lửa bật lên. Tôi phải dúi vào đầu điếu thuốc để hít vào thì thấy khói hắt ra đằng mũi, lúc đó mới biết là đã mồi lửa xong. Que diêm bị vứt vào bụi cỏ mọc lan trên mặt đất còn tỏa ra một làn khói mỏng ngoằn ngoèo như hình một con rồng, rồi tắt lịm. Tôi thử ngồi nhích lại gần mực nước hơn một chút. Giờ thì tôi ngồi hẳn trong bờ ao, giữa thiên nhiên, ngay sát bên mép nước. Chỉ cần nhích thêm một chút nữa thì chân sẽ nhúng vào làn nước ấm dưới ao. Và tôi quan sát mặt nước dưới chân mình.

Trong phạm vi quan sát của tôi thì hình như mực nước không sâu lắm. Ðám rong với những cọng dài mảnh dẻ vật vờ dưới đáy ao. Tôi không biết dùng từ nào khác để tả chúng ngoài chữ “vật vờ”. Những cọng lau trên đồi còn biết đến cảm giác rạp mình trong cơn gió. Loài rong biển còn biết đợi chờ những con sóng mơn man. Còn những cọng rong chìm dưới đáy ao này thì dẫu đợi trăm năm cũng chẳng có gì chạm đến. Chúng cứ dồn hết niềm khát khao lên đầu ngọn, rồi chờ đợi mòn mỏi từ ngày này qua đêm khác, để bây giờ chẳng còn tươi tắn nữa mà cũng chưa chết được, nên cứ sống vật vờ như thế.

Tôi nhổm dậy, nhặt trong đám cỏ mấy hòn sỏi vừa tay. Tự nhủ mình sẽ làm một chút việc thiện, tôi ném một viên sỏi về phía trước. Mấy chiếc bong bóng nổi lên lục bục, rồi lại biến mất ngay. “Biến mất ngay”, tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại trong đầu. Nhìn về phía ấy, tôi thấy vài cọng rong dài như những sợi tóc khẽ đu đưa ra chiều uể oải. Nhưng rồi nước bùn bị khuấy động cuộn lên từ đáy ao ngay lập tức che khuất chúng. Nam mô A di đà Phật!

Lần này thì tôi vận hết sức, ném viên sỏi vào giữa mặt ao. Một tiếng rơi “tõm” nhẹ nhàng. Nhưng mặt nước ao tĩnh lặng tuyệt nhiên không hề xao động. Tôi chẳng còn hứng thú để mà ném nữa. Cứ để mặc cái mũ và giá vẽ ở đấy, tôi tha thẩn đi về hướng bên phải.

Một đoạn đường ngắn dẫn lên đồi. Những cây cổ thụ vươn cành lá che kín phía trên đầu, và tôi bất giác rùng mình ớn lạnh. Trong khoảng tối ở bờ bên kia là những đóa hoa trà đang khoe sắc. Lá của loại hoa này có màu xanh quá đậm, nên cho dù có ngắm hoa giữa ánh nắng ban trưa hay ở chỗ ánh mặt trời chiếu sáng thì cũng không có được cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng. Mà những cây hoa trà ở đây thì lại mọc nơi hốc đá, nép mình lặng lẽ trong một khoảng không gian sâu kín nên chẳng ai biết đến sự tồn tại của chúng nếu không có những bông hoa nổi bật lên. Ôi những đóa hoa trà! Chúng nhiều đến mức ta có bỏ ra cả ngày để đếm thì chắc là cũng không đếm xuể! Nhưng chúng tươi tắn đến nỗi khi đã nhìn thấy rồi là ta cứ muốn thử đếm xem sao. Tươi tắn là thế nhưng chúng lại chẳng ấm áp chút nào. Chúng hút lấy cái nhìn của ta như một tia lửa sáng lóe lên đột ngột, rồi ngay sau đó lại cho ta cảm giác lạ lùng không thể tả. Chẳng có loài hoa nào thay đổi sắc thái nhanh đến thế. Hễ nhìn thấy những bông hoa trà mọc hoang nơi hốc núi là tôi lại liên tưởng đến những nàng yêu nữ đầy ma thuật. Những cô gái thu hút ta bằng đôi mắt huyền quyến rũ, để rồi trong lúc ta lơ đãng thì khéo léo tiêm vào huyết quản ta thứ thuốc độc ngọt ngào như nụ cười của mỹ nhân. Khi ta chợt nhận ra điều đó thì đã quá muộn rồi!

Khi những đóa hoa trà ở sườn núi bên kia vừa lọt vào tầm mắt, tôi chợt nghĩ giá mình đừng nhìn thấy chúng thì có lẽ tốt hơn. Màu sắc của chúng không phải là màu đỏ bình thường. Trong sâu thẳm của gam màu rực rỡ đến mức có thể làm cho ta say mắt dường như còn ẩn chứa một điều gì đó mơ hồ không sao tả được. Hoa lê đẫm nước và ủ rũ trong mưa thì chỉ gợi lên một chút buồn vương vất. Ðóa hải đường diễm lệ nhưng lạnh lùng dưới ánh trăng cũng chỉ khơi gợi chút lòng thương cảm. Còn những bông hoa trà nép mình trong hốc đá nơi đây lại hoàn toàn khác. Ở chúng dường như có hàm chứa điều gì u ám, đáng sợ và thậm chí là nham hiểm nữa. Như thể chúng khoác bên ngoài một bộ cánh rực rỡ chỉ để che giấu những gì tối tăm trong tận cùng bản chất. Nhưng thật ra chúng không có ý tạo ra vẻ rực rỡ để làm vui mắt, mà cũng chẳng muốn thu hút sự chú ý của con người. Cứ nở rồi lại tàn, tàn rồi lại nở, cứ điềm nhiên như thế mà trải qua bao ngày tháng nơi hẻm núi âm u này, chẳng hề có ai nhìn ngó đến. Chỉ cần có một người nhìn đến là xong! Một khi đã đưa mắt nhìn thì chẳng ai là không mê mẩn trước vẻ rực rỡ đầy quyến rũ của cô nàng. Cho nên màu đỏ kia quả không phải là sắc đỏ tầm thường! Mà là một thứ màu đỏ lạ lùng, như thể màu máu của một kẻ tử tù tự nhiên hút lấy mắt ta, rồi mang lại cho ta một cảm giác bất an kỳ lạ.

Trong lúc tôi vẫn đang đứng nhìn thì có một bông hoa rơi xuống nước. Trong đất trời mùa xuân yên tĩnh, chỉ có mỗi một bông hoa này tạo nên sự lay động mà thôi. Rồi một lát sau, lại rụng thêm một bông hoa nữa. Loài hoa này chẳng bao giờ lả cánh lúc lìa cành. Chúng rụng khỏi cuống hoa nhưng chẳng suy suyển gì mà vẫn còn nguyên vẹn. Dường như chúng muốn thể hiện sự dứt khoát không vướng bận một khi đã lìa cành, nhưng hoa đã rụng mà vẫn còn cứng cáp lại có vẻ gì đó rất đáng ngại. Thêm một bông hoa vừa rụng xuống. Nếu cứ rụng mãi thế này thì những bông hoa sẽ nhuộm đỏ mặt ao này mất, tôi thầm nghĩ. Quả thật chỗ mặt ao có những bông hoa rụng dập dềnh có vẻ như đang đỏ dần lên. Lại một bông hoa nữa. Hoa rơi nhẹ đến mức tôi không biết là chúng rơi trên mặt đất hay là rơi xuống mặt ao. Lại một bông vừa rụng. Tôi tự hỏi, không biết những bông hoa kia có chìm không nhỉ? Có thể năm này qua năm khác, vô số bông hoa trà rụng xuống đã ngâm mình trong nước cho đến khi rã cánh, phai màu, rồi cuối cùng cũng hóa thành lớp đất bùn dưới đáy ao chăng? Biết đâu sau hàng nghìn năm nữa, trong lúc không ai để ý đến chuyện này, những bông trà đã rụng nhiều đến mức cái ao có thể bị lấp dần đi, rồi đến lúc nào đó mặt đất nơi này lại trở nên bằng phẳng. Lại một bông trà lớn, như thể một mảnh linh hồn thấm máu đỏ tươi, vừa mới rụng. Rồi một bông hoa nữa. Như một trận mưa hoa xuống mặt ao. Hoa cứ rơi không ngớt.

Trên đường quay về chỗ cũ, tôi nghĩ đến chuyện đưa khung cảnh nơi này vào bức tranh vẽ một cô gái đẹp đang trôi trên mặt nước. Ðốt một điếu thuốc, tôi vừa hút vừa băn khoăn nghĩ ngợi. Câu nói đùa của cô Nami chỗ nhà trọ chợt trở lại trong đầu. Tâm hồn tôi xao động như một con thuyền mỏng manh lướt trên sóng lớn. Tôi định lấy gương mặt nàng làm điểm tựa cho bức vẽ, để gương mặt ấy bồng bềnh dưới bóng hoa trà, với cơ man là hoa đang đổ xuống. Tôi muốn thể hiện cảnh tượng một cô gái trôi bồng bềnh miên viễn đang đón nhận những bông hoa trà rơi không dứt, nhưng một bức tranh liệu có thể mô tả được khung cảnh ấy chăng? Trong tác phẩm Laocoon thì…, nhưng thôi, không bàn đến Laocoonnữa. Tôi chỉ cần thể hiện được cảm xúc, không nên chấp nhất chuyện tuân thủ quy tắc làm gì. Nhưng thể hiện cảm xúc về một sự vĩnh cửu mà không thoát ly thế tục thì quả là không đơn giản.

Cái khó đầu tiên là gương mặt. Có thể sử dụng gương mặt cô ấy, nhưng nét biểu cảm thì chưa ổn. Nếu thể hiện sự đau khổ thái quá thì toàn bộ bức tranh sẽ bị phá vỡ. Ngược lại, thể hiện sự thoải mái hoàn toàn cũng không xong. Hay là tìm một gương mặt khác? Tôi tính toán hết phương án này đến phương án nọ nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp nào. Có lẽ gương mặt cô Nami vẫn là phù hợp nhất. Nhưng tôi cảm giác như vẫn có điều gì khiếm khuyết. Biết là không hoàn thiện, nhưng cụ thể là khiếm khuyết chỗ nào thì tôi vẫn chưa làm rõ được. Cho nên không thể vẽ tùy tiện theo tưởng tượng của mình.

Nếu thêm vào một chút vẻ ghen tỵ thì sao nhỉ? Ðiều đó sẽ làm cho bức tranh có một vẻ bất an thái quá. Còn vẻ hờn ghét thì sao? Thế thì hơi bạo. Còn nếu là giận dỗi? Sự giận dỗi sẽ làm hỏng mất vẻ hài hòa của bức tranh. Còn sự ân hận? Có lẽ hơi thô thiển, ngoại trừ trường hợp dùng trong thơ với cảm giác tiếc nuối nhẹ nhàng. Sau một hồi băn khoăn lựa chọn, cuối cùng tôi mới chợt nhớ ra. Trong lúc mải mê đi tìm trong thế giới cảm xúc muôn màu muôn vẻ, tôi đã không nhớ đến mấy chữ “aware” [3]. “Aware” không phải là thứ cảm xúc của thần thánh, nhưng lại thể hiện gần nhất trạng thái thoát tục của con người. Ở nàng Nami không thể hiện chút nào bóng dáng của cảm thức “aware”. Ðó chính là sự khiếm khuyết mà tôi cảm nhận được. Nếu có một khoảnh khắc mà xung động bất ngờ nào đó khiến cho gương mặt nàng thoáng hiện cảm xúc này, thì đó chính là khoảnh khắc mà bức vẽ của tôi cần nắm bắt và thể hiện. Nhưng… không biết đến bao giờ mới gặp được khoảnh khắc kia? Lúc bình thường, ta chỉ thấy gương mặt nàng thấp thoáng một nụ cười khinh bạc và vẻ nóng nảy muốn vượt qua người khác. Mà nếu chỉ thể hiện như thế thì chưa đủ.

[3] Aware là một khái niệm quan trọng của mỹ học Nhật Bản, nhưng rất khó chuyển nghĩa vì nội hàm của khái niệm rất mơ hồ. Nói một cách đơn giản thì aware là trạng thái cảm xúc nảy sinh khi con người thưởng thức cái đẹp mong manh trong thế giới vô thường. Aware là sự trân trọng cái đẹp pha lẫn nỗi buồn và sự luyến tiếc trước vẻ đẹp mong manh.

Có tiếng chân bước lào xào. Bức họa tôi đang phác thảo trong đầu gần như tan biến. Nhìn lại, tôi thấy một người đàn ông mặc loại kimono có ống tay hẹp, với một bó củi trên lưng, đang đi qua đám tre lùn về hướng chùa Kankaiji. Hình như anh ta mới xuất hiện từ một ngọn núi gần đây thì phải.

– Trời đẹp nhỉ!

Người đàn ông giở vành khăn và cất tiếng chào. Cây rìu chặt củi giắt bên hông lóe sáng lúc anh cúi xuống. Ðó là một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, rắn rỏi, đẹp trai. Hình như tôi đã gặp anh ta ở đâu rồi. Và cách hành xử của anh ta cũng giống như một người quen.

– Anh cũng đang vẽ tranh đấy à?

Hộp họa cụ của tôi đang để mở.

– À… tôi cũng định vẽ cái ao này. Ở đây yên tĩnh nhỉ! Chẳng thấy ai qua lại.

– Vâng. Ðúng là giữa nơi rừng núi… À này, hôm nọ chắc là anh bị ướt sũng khi đi qua đoạn đường núi ấy phải không?

– Ủa? Thì ra anh chính là người hôm trước đã dẫn theo con ngựa xuống núi đấy à?

– Vâng. Tôi cứ đốn củi như thế này, rồi mang xuống phố.

Anh Genbei đặt mấy thứ đồ mang theo xuống đất rồi ngồi lên. Anh lấy ra một bao thuốc lá. Loại bao cũ, tôi không rõ làm bằng giấy hay bằng da. Tôi đưa hộp diêm cho anh mượn.

– Ðoạn đường ấy mà phải đi qua mỗi ngày thì gian nan thật!

– Không sao, tôi quen rồi… Vả lại cũng không hẳn là mỗi ngày đâu. Ba ngày tôi mới đi một lần. Có khi còn cách bốn ngày ấy chứ.

– Bốn ngày một lần cũng là vất vả lắm rồi!

– Hà hà… Tôi đi bốn ngày một lần là để giữ sức cho con ngựa.

– Anh tử tế thật! Quý con ngựa hơn cả bản thân mình! Tôi cười bảo.

– Tôi không tốt đến thế đâu!

– À, tôi thấy cái ao này có vẻ rất cổ xưa. Nó có ở đây từ bao giờ anh nhỉ?

– Từ ngày xưa ấy.

– Từ ngày xưa? Xưa là khoảng lúc nào?

– Nói chung là từ rất xa xưa ấy.

– Từ rất xa xưa ư? Thì ra là thế.

– Ðó là thời xa xưa, khi cô con gái nhà Shihoda trầm mình ở nơi này.

– Nhà Shihoda là chỗ quán trọ ở suối nước nóng ấy phải không?

– Ðúng đấy.

– Cô con gái nhà ấy đã trầm mình ư? Chẳng phải bây giờ cô ta vẫn đang sống bình thường sao?

– À không, không phải cô gái ấy. Một cô gái từ thời rất xưa kia.

– Một cô gái từ thời rất xưa. Ấy là khi nào nhỉ?

– Một quý cô từ thuở xa xưa lắm…

– Thế cô gái ngày xưa ấy, vì sao mà lại phải trầm mình?

– Anh biết không, quý cô ngày xưa nghe nói cũng là một người rất đẹp, như cô gái bây giờ ấy.

– Thế à?

– Rồi một ngày kia, có một kẻ hành khất xuất hiện…

– Ý anh nói là nhà sư đi khất thực phải không?

– Ðúng rồi. Kiểu nhà sư vừa thổi sáo vừa đi khất thực ấy. Trong thời gian nhà sư trọ lại chỗ nhà Shihoda – lúc ấy là nhà của trưởng thôn, cô gái xinh đẹp đã yêu say đắm… Như người ta vẫn gọi là “nghiệp chướng”, cô cứ khóc lóc và một mực đòi nên vợ nên chồng với nhà sư.

– Khóc lóc ư? Hừm…!

– Nhưng ông trưởng thôn thì nhất quyết không nghe. Ông bảo rằng không chấp nhận cuộc hôn nhân với bất cứ kẻ hành khất nào. Cuối cùng ông đuổi cô đi.

– Ði theo nhà sư khất thực ấy à?

– Vâng. Rồi cô đi theo nhà sư, đến chỗ cái ao này… từ chỗ cây thông ở đằng kia ấy, cô đã nhảy xuống ao… Rồi thì mọi chuyện ầm ĩ cả lên! Nghe nói lúc ấy cô có mang theo một chiếc gương, cho nên từ đó ao này được gọi là Ao Gương đấy.

– À… thì ra ở đây đã từng có người nhảy xuống trầm mình cơ đấy!

– Ðúng là chuyện hết sức kỳ lạ, có phải không?

– Không biết là bao nhiêu năm trước nhỉ? Cái chuyện mà anh kể ấy?

– Có vẻ như cách đây lâu lắm rồi. Sau đó thì… nhưng mà chuyện này tôi chỉ kể với anh thôi đấy nhé!

– Chuyện gì vậy?

– Ở nhà Shihoda ấy, mỗi thế hệ đều có một người bị thần kinh!

– Thế à?

– Chắc chắn là do lời nguyền đấy! Mọi người đang đồn ầm lên rằng dạo gần đây cô gái nhà Shihoda có vẻ rất kỳ quặc.

– Ồ! Chắc là không có chuyện đó đâu.

– Không có à? Nhưng mẹ của cô ấy thì đúng là kỳ quặc thật!

– Bà ấy vẫn đang sống trong nhà chứ?

– Không, bà mất năm ngoái rồi.

– Hừm…

Tôi im lặng nhìn làn khói mỏng manh tỏa ra ở đầu điếu thuốc. Anh Genbei thì vác mớ củi lên đường.

Tôi đến đây là để vẽ tranh. Thế mà cứ nghe chuyện này, nghĩ chuyện kia như vậy thì có mất bao nhiêu ngày đi nữa cũng chẳng vẽ được bức tranh nào. Dù sao cũng đã cất công mang họa cụ đến đây rồi, chí ít tôi cũng phải phác họa ra một chút gì đã chứ. May mắn là khung cảnh ở bờ ao phía bên kia vẫn còn nguyên đấy, như thể đang chờ nét cọ của tôi. Có lẽ tôi phải ghi lại cảnh này đôi nét.

Một tảng đá màu xanh đen chừng ba mét từ đáy ao đội lên, cao sừng sững. Ở phía bên phải, chỗ đá bị khuyết vào làm cho mặt nước thẫm màu tạo thành một đường cong gấp khúc, loại tre lùn mà tôi đã tả mọc ken dày từ trên sườn núi lan xuống tận mặt ao, chạm cả vào mép nước. Phía trên tảng đá là một cây thông cổ thụ đứng nghiêng nghiêng. Thân cây to bằng vòng tay của ba người, xoắn lại và quấn đầy dây leo đang nghiêng một nửa xuống mặt nước. Có lẽ cô gái mang theo chiếc gương đã nhảy xuống ao từ trên tảng đá kia.

Tôi ngồi lên chiếc ghế ba chân, nhìn bao quát khung cảnh định đưa vào tranh vẽ. Cây thông, tre lùn, tảng đá và mặt nước. Nhưng tôi chưa xác định được mình cần vẽ mực nước đến đâu. Nếu vẽ tảng đá cao ba mét thì cũng phải vẽ khung cảnh xung quanh ở tầm cao tương ứng. Và tôi cũng muốn vẽ đám tre lùn không chỉ mọc lan đến mép nước mà còn lan xuống cả mặt ao, soi vẻ tươi tắn đến lạ lùng vào đáy nước. Còn về cây thông, nếu vẽ cây cao ngất đến tận trời thì bóng cây lại quá dài và hẹp. Nếu cứ tả thực phong cảnh như những gì đang bày ra trước mắt tôi thì chắc hẳn bức tranh không thể nào đẹp được. Có lẽ sẽ thú vị hơn nếu chấp nhận bỏ qua thực tế trước mắt mình để chỉ vẽ cái bóng của hiện thực ấy. Nếu chỉ vẽ mặt nước và những cái bóng in trong nước mà bảo đấy là một bức tranh thì chắc người xem sẽ giật mình kinh ngạc. Mà nếu chỉ làm cho người ta kinh ngạc thì cũng chẳng có gì hay. Nếu cái làm cho người ta kinh ngạc không phải là giá trị nghệ thuật của bức tranh thì có gì đáng nói? “Nên vẽ thế nào đây?”, tôi tự hỏi và chăm chú nhìn mặt ao phía trước.

Nếu chỉ tập trung vào những điều kỳ lạ hay những bóng hình hư ảo thì cũng không thể vẽ thành công. Tôi muốn kết hợp trên cơ sở so sánh cái ảo và cái thực. Ánh mắt tôi đang nhìn vào mặt nước bây giờ dịch chuyển dần lên. Từ điểm xa nhất của cái bóng tảng đá dịch chuyển về tiếp điểm của tảng đá và mặt nước, rồi từ tiếp điểm cứ di chuyển lên cao dần. Thị giác của tôi vừa thưởng thức dáng vẻ phong nhiêu của tảng đá, lần theo từng vết gợn trên bề mặt đá, vừa nhích từng chút một lên cao. Cuối cùng khi ánh mắt tôi chạm đến đỉnh cao chơi vơi của tảng đá thì tôi bất ngờ giật nảy mình, đánh rơi cả cây cọ đang cầm trên tay. Giống như một con cóc chợt bắt gặp đôi mắt rắn đang rình mình vậy.

Trên cái nền là những tia nắng chiều lúc cuối xuân rọi xuyên qua cành lá, sáng lấp lánh trên đỉnh đá màu xanh thẫm, hiện lên gương mặt rạng ngời của cô nàng. Vẫn là gương mặt đã làm tôi giật mình kinh ngạc khi thì dưới bóng hoa, khi thì trong bộ áo tay dài, và cả khi trong phòng tắm nữa. Tia nhìn của tôi như đóng đinh vào giữa khuôn mặt trắng xanh của cô gái ấy. Và ở bên kia, cô ấy cũng không hề nhúc nhích, cứ đứng thẳng người, vắt vẻo trên đỉnh đá chon von. Thật là một khoảnh khắc diệu kỳ!

Rồi tôi bất giác đứng bật dậy. Cô gái khẽ xoay người, rồi nhảy xuống phía bờ bên kia và mất hút. Tôi chỉ kịp nhìn thấy có vật gì màu đỏ như bông hoa trà giắt ngang thắt lưng cô. Ánh nắng chiều rọi xuyên qua ngọn cây thông, chiếu vào thân cây lấp loáng. Màu xanh của đám tre lùn càng đậm dần lên.

Một lần nữa, cô lại làm tôi giật cả mình!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.