Gối Đầu Lên Cỏ

Chương 11



Tôi đi loanh quanh thưởng thức khung trời bảng lảng ở một ngôi làng sơn cước. Trong khi leo những bậc đá lên chùa Kankaiji, tôi đã làm được mấy câu thơ:

Một, hai, ba

Ngửa mặt

Ðếm sao trời

Thật ra tôi chẳng có việc gì để tìm gặp hòa thượng ở đây. Mà cũng chẳng định gặp nhà sư để tán gẫu. Chẳng qua là lúc ra ngoài đi dạo, tôi cứ mặc cho đôi chân ngẫu hứng tự do di chuyển, rồi một lúc chợt nhận ra mình đang đứng trước con đường làm bằng những bậc đá dẫn lên chùa. Sau một hồi mân mê cột đá có khắc dòng chữ “Không dùng rượu và các loại rau có vị cay”, tôi chợt thấy vui vui rồi nhân tiện leo bậc đá lên chùa.

Trong tác phẩm Tristram Shandy[1], tác giả có nói rằng cuốn sách này được viết ra nhờ sự thúc đẩy của thần linh. Câu đầu tiên là do tác giả viết. Nhưng sau đó thì những câu văn cứ tự tuôn ra khi tâm hồn tác giả hướng về thần thánh. Vì thế, dĩ nhiên là tác giả không biết được mình sẽ viết cái gì. Người cầm bút đương nhiên là bản thân tác giả, nhưng nội dung những gì đã viết thì thuộc về thần linh, nên tác giả không chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách. Với ý nghĩa tương tự, cuộc dạo chơi của tôi lúc này cũng không thuộc về trách nhiệm của tôi. Chỉ có điều, tâm hồn tôi không tìm chỗ dựa nơi thần thánh, nên tôi lại càng vô trách nhiệm. Sterne trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi mọi chuyện cho thần thánh. Còn kẻ không dựa vào thần thánh là tôi thì chỉ còn cách ném trách nhiệm xuống ao bùn mà thôi!

[1] Tiểu thuyết của Laurence Sterne (1713 – 1768), nhà văn Anh.

Nếu leo những bậc đá mà bị mỏi chân thì tôi đã không leo nữa. Nếu thấy mỏi chân thì tôi đã trở xuống ngay. Nhưng khi bước qua một bậc tôi lại cảm thấy sảng khoái lạ lùng, cho nên mới leo qua bậc thứ hai. Ở bậc này thì tôi chợt nảy ra cảm hứng muốn làm thơ. Tôi lặng lẽ ngắm bóng mình. Cái bóng bị chặn lại và bị chia cắt bởi đường cạnh của bậc đá thứ ba, tạo nên một cảm giác thật lạ lùng. Vì cảm giác kỳ lạ ấy nên tôi mới tiếp tục leo lên cao hơn nữa. Và tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao bé nhỏ đang còn ngái ngủ sau một giấc say sưa đã bắt đầu tỏa sáng lấp lánh. Thật là một cảnh nên thơ, tôi thầm nghĩ và bước tiếp. Cứ thế, cuối cùng tôi đã leo hết những bậc thang.

Lên đến nơi rồi, tôi mới chợt nhớ về một kỷ niệm. Hồi trước, có lần đi Kamakura chơi, tôi có đến tham quan một ngôi chùa lớn – chùa Engakuji. Khi tôi tham quan quanh khu tháp và cũng đang chậm rãi leo lên những bậc đá như thế này, thì thấy từ phía sau cánh cổng xuất hiện một nhà sư áo vàng, để đầu trần. Tôi đang leo lên, còn nhà sư thì đang đi xuống. Khi đi ngang qua tôi, nhà sư hỏi bằng một chất giọng đanh sắc: “Thí chủ đi đâu vậy?”. Tôi dừng chân và trả lời rằng mình đang định tham quan bên trong khu tháp. Nhà sư nói ngay lập tức, như thể muốn gạt đi: “Chẳng có gì bên trong cả!”. Rồi nhà sư cắm cúi đi thẳng xuống. Quá sửng sốt trước câu nói của nhà sư nên tôi cứ đứng trơ tại chỗ. Rồi tôi quay nhìn nhà sư đang tiếp tục đi xuống dốc, cái đầu để trần cứ lắc qua lắc lại, cho đến khi khuất hẳn vào đám cây tuyết tùng. Nhà sư không một lần ngoảnh lại. Quả thật Thiền sư là những người hết sức lạ lùng! Họ luôn có cách phản ứng hết sức nhanh lẹ. Tôi thầm nghĩ và lững thững bước qua cánh cổng. Nhìn quanh thì thấy cả chánh điện lẫn khu nhà ở phía dưới đều rộng lớn nhưng vắng tanh, không một bóng người. Lúc đó tự nhiên tôi nghe dâng lên trong lòng một niềm vui kỳ lạ. Ðầu óc bỗng nhiên sáng láng khi chợt nhận ra trên đời lại có người nói năng bộc trực, cung cách thẳng thắn đến mức ấy! Niềm vui trong tôi không phải là do hiểu được ý nghĩa Thiền. Thật ra lúc đó tôi chẳng hề có chút ý niệm nào về Thiền cả. Ðó chẳng qua chỉ là niềm vui được gợi lên nhờ vị sư để đầu trần tôi mới gặp mà thôi.

Trên đời nhan nhản những kiểu người không ra gì. Cố chấp, độc địa, huênh hoang khoác lác hay tủn mủn keo kiệt. Ðến nỗi người ta không hiểu được họ có mặt ở trên đời để làm gì nữa. Nhưng số người như thế lại đông kinh khủng! Và họ cảm thấy vô cùng vinh dự khi hiện diện trong cõi phù sinh. Năm này qua năm khác họ say sưa với việc xét nét, tò mò đời sống riêng tư của người khác, và lấy chuyện đó làm lẽ sống của mình. Rồi họ đến trước mặt người ta, dạy bảo những điều vớ vẩn hay thô thiển mà chẳng ai cần nghe cả. Nếu mà họ nói ngay trước mặt thì người ta còn có thể chú ý đến những gì họ nói. Nhưng họ còn nói đủ thứ sau lưng người khác, rằng anh ta đã làm những việc gì, làm bao nhiêu lần trong năm năm hay mười năm. Nếu bảo họ lắm chuyện thì họ lại càng nói nhiều hơn nữa. Nếu bảo thôi đi thì họ vẫn cứ nói liên hồi. Bảo hiểu rồi thì họ vẫn không thôi lải nhải. Rồi họ lại khoác lác rằng đó là phương châm xử thế ở đời. Phương châm thì mỗi người mỗi khác. Nếu mà họ thôi cái trò lải nhải những chuyện dòm ngó thiên hạ, rồi im lặng mà tìm một phương châm sống đàng hoàng thì tốt biết bao. Lễ độ tức là biết kiềm chế cách hành xử của bản thân mình để tránh làm phiền người khác. Còn nếu cho rằng làm phiền người khác mới là thể hiện phương châm sống, thì hóa ra chuyện người ta đánh rắm cũng là phương châm sống hay sao? Nếu thế thì chắc là nước Nhật đã hết thuốc chữa rồi!

Ði tản bộ trong một đêm xuân đẹp trời như thế này mà chẳng cần quan tâm đến kiểu phương châm nào cả mới đúng là sự thanh thản ở đời. Cứ để cho niềm vui tự nhiên đến với ta, rồi cũng để cho niềm vui tự nhiên biến mất. Ðó mới là phương châm vậy. Nếu những vần thơ chợt đến, thì việc nắm bắt tứ thơ cũng chính là lẽ sống của ta trong lúc đó. Nhưng nếu không bắt gặp tứ thơ nào thì điều đó cũng là lẽ sống của ta. Và ta chẳng gây phiền toái cho ai cả. Ðó mới là lẽ sống đích thực. Tò mò chuyện thiên hạ là công kích người khác. Ðánh rắm là một cách tự bảo vệ chính mình. Còn đi tản bộ đến chùa Kankaiji như thế này là thể hiện lẽ sống “hành xử tùy duyên” vậy.

Sau khi đã làm được mấy câu thơ và leo hết những bậc đá dẫn lên chùa, tôi nhìn thấy biển mùa xuân lờ mờ bên dưới giống như một dải khăn. Tôi bước vào cổng ngôi chùa. Và quên mất chuyện hoàn tất bài thơ đang làm dở. Vậy phương châm hiện thời là bỏ dở việc làm thơ.

Con đường lát đá phía bên phải dẫn đến nhà ăn chạy dọc theo một bờ rào hoa đỗ quyên. Bên kia rào hình như là khu nghĩa trang thì phải. Còn phía bên trái là chánh điện của ngôi chùa. Ở phần chóp cao của mái ngói lấp lánh sáng. Tôi ngước nhìn và nhận ra vô số vầng trăng in vào vô số viên ngói trên mái chùa. Ðâu đó có tiếng chim bồ câu gù khe khẽ. Hình như phía dưới mái ngói có tổ chim bồ câu. Chẳng biết có đúng không, nhưng tôi nhìn thấy có vẻ như ở chỗ mái chìa bên dưới đầu hồi có những vệt trắng rải rác, hình như là phân chim.

Ở chỗ mép mái chìa có những vật gì hình dáng hơi kỳ lạ xếp thành một dãy. Tất nhiên không phải là cỏ mọc, mà cũng chẳng phải cây. Nói theo tranh vẽ của Iwasa Matabee[2] thì đó là hình dáng những con quỷ đã thôi niệm Phật và đang nhảy múa. Ðiệu múa trải dài từ đầu mái bên này sang đầu mái bên kia của khu chánh điện, giống như một cảnh tượng hành lễ. Những bóng hình thể hiện điệu múa cũng xếp ngay ngắn thành một hàng dài từ đầu mái bên này sang đầu mái bên kia. Như thể ánh trăng mờ ảo đã quyến rũ những con quỷ này bỏ cả chuông, cả mõ, cả sổ ghi công đức cúng dường để tập hợp lại, rồi rủ nhau lên chỗ ngôi chùa trên núi này để mà nhảy múa.

[2] Iwasa Matabee (1578 – 1650) là một họa sĩ Nhật Bản thời Edo.

Khi nhìn gần lại tôi mới nhận ra đó là những nhánh xương rồng lớn, cao chừng hơn hai mét. Trông chúng giống như những quả dưa chuột màu xanh to bằng quả mướp bị ép dẹt ra như một cái thìa xúc cơm đang dựng ngược lên trời với phần tay cầm chúc xuống. Không biết là bao nhiêu cái thìa chắp lại mới bằng được chiều cao như thế này. Như thể chỉ trong vòng đêm nay đám xương rồng sẽ đâm xuyên qua mái chìa và leo lên lớp ngói bên trên. Có thể là ban đầu có những chiếc thìa xanh bất ngờ từ đâu bay đến mọc ngay vào vị trí này. Và thật lạ lùng khi những chiếc thìa cũ lại sinh ra những chiếc thìa mới con con, rồi những chiếc thìa mới cứ lớn dần lên qua năm tháng. Sự nối tiếp như thế thật là kỳ lạ. Sao lại có loại cây buồn cười như vậy nhỉ? Mà cũng rất vô chấp nữa. Một nhà sư khi được hỏi “Như thế nào là Phật tính?” đã trả lời “Cây sồi ở ngoài sân”. Còn nếu được hỏi như thế thì tôi sẽ trả lời ngay mà không cần đến một giây suy nghĩ: “Xương rồng dưới ánh trăng”.

Hồi còn nhỏ, tôi đã đọc truyện du ký của Cho Hoshi[3], có những câu bây giờ vẫn thuộc:

“Tháng chín. Bầu trời cao vợi, sương trong, núi quang mây và trăng sáng. Ngẩng nhìn trời đêm thì thấy những vì sao rất lớn đang lấp lánh, giống như ở gần ngay trên đầu. Ngoài cửa sổ là bụi tre, thân cứ cọ vào nhau kêu kẽo kẹt. Bên kia bụi tre, mận và cọ mọc rậm rạp trông như mái tóc bù xù của một mụ phù thủy. Hai ba người chúng tôi cứ nhìn nhau, bồn chồn không ngủ được. Trời vừa rạng sáng là chúng tôi đã ra đi.”

[3] Triều Bổ Chi (1053 – 1110) là một văn hào Trung Quốc thời Bắc Tống.

Tôi đọc lại đoạn văn trên và bất giác mỉm cười. Nếu vận vào thời gian và khung cảnh lúc này, thì khi vừa nhìn thấy những nhánh xương rồng tôi đã hoảng hồn và vội vàng quay xuống núi! Tôi thử sờ vào những chiếc gai nhọn và nghe cảm giác hơi nhoi nhói ở đầu ngón tay.

Ði hết con đường lát đá rồi rẽ trái thì đến nhà ăn. Trước khu nhà ăn có một cây mộc lan. Gốc cây to gần bằng vòng tay một người ôm. Ngọn cây cao hơn cả nóc nhà. Tôi ngước nhìn lên thì thấy cành cây ken dày phía trên đầu, tầng này chồng lên tầng khác. Và trên cả những cành cây chằng chịt là vầng trăng đang tỏa sáng. Thường thì nhìn từ dưới gốc cây sẽ không thấy được bầu trời qua đám lá cành rậm rạp. Nếu là cây có hoa thì lại càng vướng mắt hơn. Nhưng cây mộc lan thì dù có bao nhiêu lớp cành đi nữa vẫn có những khoảng trống nhìn xuyên qua được. Mộc lan không phải là loại cây cố tình làm rối mắt những ai ngước nhìn từ dưới gốc bằng những cành nhánh mảnh dẻ đan chi chít vào nhau. Những bông hoa trên cây cũng rất dễ nhìn. Tuy rằng khoảng cách khá xa nhưng tôi vẫn có thể nhìn rõ từng bông một. Tôi không biết hoa trên cây nhiều đến mức độ nào, cũng không biết là hoa đang nở đến đâu, nhưng có thể thấy rõ từng bông hoa riêng biệt, và cũng thấy rất rõ màu trời xanh nhạt ló ra qua khoảng hở giữa các bông hoa. Dĩ nhiên hoa không phải thuần một màu trắng xóa. Trắng quá mức thì lại có vẻ gì lạnh lẽo. Và có thể làm ta bị lóa mắt khi nhìn. Màu của hoa mộc lan thì khác. Loài hoa này cố ý pha vào một chút ấp áp của màu kem, như thể muốn giảm bớt sắc độ của màu trắng và gợi lên cảm giác nhẹ nhàng. Tôi chìm trong cảm giác mơ màng một lúc lâu, cứ đứng trên con đường lát đá ngước nhìn lớp lớp những bông hoa dịu dàng vươn thẳng lên bầu trời xa thẳm. Trước mắt tôi chỉ toàn hoa là hoa. Không có lấy một chiếc lá trên cành.

Chợt nảy ra tứ thơ:

Ngước nhìn lên

Hoa mộc lan

Rợp trời

Ðâu đó lại vang lên tiếng chim bồ câu gù khe khẽ.

Tôi bước vào nhà ăn. Cửa mở toang. Dường như ở đây không bao giờ có trộm. Và cũng chẳng bao giờ nghe tiếng chó sủa.

– Có ai ở nhà không?

Tôi cất tiếng. Không thấy ai trả lời.

– Cho hỏi thăm một chút.

Tôi gọi lần nữa. Vẫn chỉ nghe tiếng chim bồ câu đang gù. Tôi cố gọi to hơn:

– Cho hỏi thăm một chút.

– Vâ…âng.

Có tiếng trả lời từ xa vọng lại. Tôi chưa từng được đáp lời kiểu này khi đến nhà ai đó.

Có tiếng chân bước dọc hành lang, rồi ánh nến lập lòe ở bên kia vách. Rồi một chú tiểu bất ngờ hiện ra. Ðó là chú Ryonen.

– Sư thầy có nhà không?

– Có ạ. Anh cần hỏi gì chăng?

– Nhờ chú nhắn lại rằng, có anh họa sĩ ở chỗ suối nước nóng đến thăm.

– Họa sĩ à? Vậy mời anh vào trong đi ạ.

– Không cần hỏi trước sao?

– Không sao đâu ạ.

Tôi cởi giày bước lên thềm.

– Anh có vẻ là một họa sĩ hơi tồi đấy nhỉ!

– Sao cơ?

– Anh để giày lại cho ngay ngắn đi nào! Nhìn xem!

Chú tiểu nói và soi nến lại gần. Ở giữa cây cột màu đen ngay cửa ra vào, cách mặt đất chừng hơn một mét có dán một mảnh giấy bằng một phần tư tấm giấy viết thư pháp, trên có viết mấy chữ “Hãy sắp xếp gọn gàng”.

– Anh nhìn xem. Ở đây có viết “Hãy sắp xếp gọn gàng” mà! Ý nói là phải xem lại dưới chân cho tươm tất đấy.

– Vậy sao?

Tôi bèn xếp lại đôi giày cho ngay ngắn.

Phòng của hòa thượng nằm cạnh khu chánh điện, bên kia góc phải của dãy hành lang. Ryonen kính cẩn mở tấm cửa trượt, rồi cũng với dáng vẻ kính cẩn bước qua tấm đệm, quỳ xuống, cúi đầu:

– Bạch thầy, có anh họa sĩ ở chỗ nhà Shihoda đến ạ!

Chú nói một cách hết sức lễ phép, đến mức khiến tôi cảm thấy hơi buồn cười.

– Thế à? Bảo anh ta vào đi.

Và tôi bước vào phòng, thay vào vị trí của Ryonen. Phòng rất hẹp. Ở giữa có bếp lò. Trên lò là một chiếc ấm làm bằng sắt đang reo khe khẽ. Hòa thượng đang ngồi phía bên kia cái lò, đọc một cuốn sách đang cầm trên tay.

– Anh vào đi!

Hòa thượng nói rồi gỡ kính và đặt quyển sách xuống bên cạnh.

– Ryonen. Ryo…nen!

– Vâ…âng!

– Lấy một cái đệm ngồi cho khách.

– Vâ…âng! – Ryonen đáp lời từ đằng xa.

– Rất vui được gặp anh ở đây. Ði sang đây có mệt không?

– Thấy trăng đẹp quá nên tôi đi dạo loanh quanh thôi mà.

– Ừ, trăng đẹp thật!

Hòa thượng nói và mở cánh cửa trượt. Chẳng nhìn thấy gì ngoài hai bậc đá và một cây thông. Ngay bên kia khu vườn bằng phẳng là vách đá. Rồi kế tiếp là mặt biển trải rộng ra dưới ánh trăng. Phong cảnh trước mắt làm tôi bất chợt thấy khoan khoái hẳn. Những ánh đèn câu thấp thoáng trên mặt biển, như muốn hòa lẫn vào những vì sao tận cuối trời xa.

– Cảnh đẹp quá! Thầy không thấy tiếc khi đóng cửa thế này sao?

– Ðúng thế thật. Nhưng cảnh này tôi vẫn nhìn thấy mỗi đêm mà.

– Phong cảnh như thế này thì có nhìn bao nhiêu đêm cũng không chán mắt. Tôi mà ở đây thì chắc mải nhìn đến quên cả ngủ!

Hòa thượng bật cười:

– Thì anh là họa sĩ kia mà. Phải khác tôi một chút chứ.

– Chỉ cần biết thưởng thức cảnh đẹp thì thầy cũng là họa sĩ rồi đấy ạ!

– Có lẽ đúng thế thật. Tôi cũng vẽ được hình Bồ Tát đấy. Anh nhìn bức tranh treo trên vách kia kìa! Ðó là bức tranh cuộn có từ bao đời trước. Cũng khá đẹp phải không?

Ðúng là có một bức tranh vẽ Bồ Tát treo ở góc phòng. Một bức tranh chẳng có tính nghệ thuật chút nào. Nó chỉ không thô thiển vì không có tục ý. Người vẽ tranh chẳng thể hiện chút nỗ lực nào để tạo ra tác phẩm. Ðây quả là một bức vẽ trong sáng. Bậc tiền bối đã vẽ bức tranh này chắc hẳn cũng là người chân thật như những gì thể hiện trên tranh.

– Bức họa trong trẻo thật!

– Loại tranh này chỉ cần có thế. Chỉ cần thể hiện được khí chất của người vẽ tranh thôi…

– Như thế hay hơn loại tranh đẹp nhưng thiếu sự thanh thoát.

Hòa thượng bật cười:

– Tôi cho rằng đó cũng là một lời khen đấy! Mà dạo này trong giới hội họa có danh vị nào gọi là “tiến sĩ” không?

– Không có tiến sĩ về hội họa đâu ạ!

– Ồ, thế à? Hôm trước tôi mới gặp một người là tiến sĩ gì gì đó…

– Thế ạ?

– Tôi nghĩ rằng tiến sĩ là một cái gì hơi đáng nể, phải không?

– Vâng. Ðáng nể chứ ạ.

– Vì vậy tôi cứ tưởng rằng trong hội họa cũng có tiến sĩ chứ. Mà sao lại không có nhỉ?

– Nếu nói vậy thì trong hàng ngũ tăng sinh cũng phải có tiến sĩ sao?

Hòa thượng lại cười:

– Ừ, đúng thế thật!…Mà anh ta tên là gì nhỉ? Cái người tôi gặp hôm nọ ấy mà… Tôi nhớ là mình có danh thiếp của anh ta ở đâu đây…

– Thầy gặp ở đâu ạ? Ở Tokyo chăng?

– Không, ở đây chứ. Khoảng hai mươi năm nay tôi chưa hề đặt chân đến Tokyo. Dạo gần đây nghe nói có cái gọi là “xe điện”, tôi cũng muốn đi thử một lần xem sao.

– Chẳng có gì hay ho đâu ạ. Ồn ào lắm!

– Vậy sao? Người ta thường nói: “Chó quen sương mù thì sủa mặt trời, bò xứ nóng thì vật vờ dưới bóng trăng”. Những kẻ quê mùa như tôi chắc sẽ thấy khó chịu với cái loại xe điện ấy.

– Khó chịu thật mà! Nói chung là chán ngắt!

– Thật sao?

Nước trong ấm đặt trên lò tỏa hơi nghi ngút. Hòa thượng lấy ấm chén để trong tủ, pha trà mời tôi.

– Anh dùng một cốc trà nhé. Nhưng không phải loại trà ngon như ở nhà ngài cư sĩ Shihoda đâu.

– Không sao đâu ạ.

– Hình như anh cũng thường đi đây đó phải không? Ði để vẽ tranh à?

– Vâng. Tôi thường mang dụng cụ theo, nhưng có vẽ được tranh hay không thì cũng chẳng có gì quan trọng.

– À… vậy phần nào chỉ là đi chơi thôi nhỉ?

– Vâng ạ. Nói thế cũng không sai. Chẳng qua là tôi muốn tránh sự soi mói của người đời thôi mà.

Có lẽ hòa thượng cũng không hiểu được ý tôi muốn nói gì.

– Soi mói thế nào kia?

– Nếu sống một thời gian dài ở Tokyo, thầy sẽ hiểu thế nào là soi mói.

– Sao lại thế?

Tôi phì cười:

– Nếu chỉ là soi mói không thôi thì còn chịu được. Nhưng họ còn đem cái xấu của mình ra phân tích nữa kia. Họ toàn nói những điều vô bổ, như cái kiểu miêu tả mông người khác có hình tam giác hay là hình vuông vậy!

– À, anh nói về vấn đề vệ sinh phải không?

– Không phải chuyện vệ sinh. Ý tôi muốn nói đến thói tọc mạch chuyện thiên hạ ấy!

– Tọc mạch à? Vậy là chuyện về đám cảnh sát phải không? Thật ra thì cảnh sát có làm nên trò trống gì đâu nhỉ? Chúng ta đâu cần đến một đám người như thế!

– Ðúng vậy. Giới họa sĩ thì lại càng không cần đến.

– Tôi cũng chẳng cần đâu. Tôi chẳng có việc gì cần phải phiền đến chuyện điều tra cả!

– Tôi cũng nghĩ vậy.

– Nhưng mà đám cảnh sát có tọc mạch đến đâu thì cũng chẳng hề gì. Miễn là tâm hồn mình trong sáng. Nếu ta chẳng làm điều gì xấu thì sự tồn tại của cảnh sát cũng chẳng ý nghĩa gì.

– Nhưng bị soi mói về con người cá nhân thì thật là kinh khủng!

– Hồi còn là một tiểu tăng, tôi đã được sư phụ dạy rằng: nếu không có can đảm của một người dám phơi bày gan ruột giữa đường phố đông người thì không thể tiến bộ trong tu học. Anh cũng nên học hỏi theo cách đó. Và sẽ thấy chẳng cần phải tìm đến nơi này nơi khác nữa.

– Nếu đã là một họa sĩ thực thụ thì lúc nào tôi cũng có thể làm như thế.

– Vậy thì anh nên trở thành một họa sĩ thực thụ đi.

– Nếu cứ bị soi mói mãi thì làm sao mà trở thành như thế được.

– A ha! Tôi nói anh nghe điều này nhé! Cô Nami ở nhà Shihoda mà anh đang trọ ấy, sau khi bỏ nhà chồng trở về đây thì bị rắc rối phiền não đủ điều. Nhưng từ khi cô ấy đến chỗ tôi học pháp thì mọi thứ đã bình ổn trở lại, như anh thấy đấy. Cô ấy là kiểu người thông minh và nhạy cảm.

– Vâng, tôi cũng thấy là cô ấy không giống như những người bình thường khác.

– Ồ, cô ấy ghê gớm lắm!… Có một tăng sinh trẻ tên là Taian cũng đến đây tu học đã từng gặp chuyện rắc rối to với cô ấy đấy… Có lẽ chuyện đó cũng là một bài học bổ ích để chú ấy ngộ ra được nhiều điều.

Những cây thông ngả bóng lặng im trong khu vườn thanh vắng. Mặt biển lấp lánh sáng, thoáng ẩn thoáng hiện ở đằng xa, như muốn đáp lại ánh sáng của những vì sao trên trời nhưng vẫn còn e ngại. Ánh đèn câu chợt lóe rồi chợt tắt.

– Nhìn những bóng thông kìa!

– Ðẹp quá phải không?

– Chỉ là đẹp thôi sao?

– Vâng ạ.

– Còn hơn cả đẹp. Chúng không suy suyển gì trước những cơn gió thổi qua.

Tôi uống nốt chén trà, úp cái cốc lên khay rồi đứng dậy.

– Ðể tôi đưa anh ra cổng. Ryoooonen! Tiễn khách về này!

Chúng tôi bước ra ngoài. Khi qua khỏi khu nhà ăn, tôi lại nghe tiếng chim bồ câu gù gù đâu đó.

– Chẳng có gì đáng yêu hơn những chú bồ câu. Ta chỉ cần vỗ tay là chúng bay đến ngay. Ðể tôi gọi thử cho anh xem nhé.

Trăng vẫn sáng vằng vặc. Cây mộc lan vẫn đứng trang nghiêm, đám mây hoa trên mớ cành chằng chịt vẫn vươn cao đến tận vòm trời. Tiếng hòa thượng vỗ tay vang lên giữa đêm xuân thanh vắng, rồi chìm đi trong gió lộng. Chẳng có con bồ câu nào bay xuống cả!

– Sao chúng không bay xuống nhỉ? Tôi cứ nghĩ là thế nào chúng cũng bay xuống chứ!

Chú Ryonen nhìn tôi, thoáng mỉm cười. Dường như hòa thượng không để ý rằng mắt bồ câu không nhìn thấy trong đêm. Ðúng là vô tư thật!

Tôi chia tay hai thầy trò ở cổng chùa. Khi ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy hai người, một bóng tròn nhỏ và một bóng tròn lớn, đang quay lại theo con đường lát đá, rồi lần lượt khuất dần về phía nhà ăn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.