Gối Đầu Lên Cỏ
Chương 12 phần 1
Tôi nhớ Oscar Wilde đã nói rằng: “Thiên Chúa giáo là món ăn tinh thần cao cấp nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ”. Thiên Chúa giáo thì tôi không rõ. Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó đúng với trường hợp như vị hòa thượng ở chùa Kankaiji. Không thể nói đó là sở thích. Mà cũng không phải thú vui để giải sầu. Ông đã treo lên tường một bức tranh vẽ Bồ Tát khó có thể gọi là hội họa, rồi lại còn khen là vẽ đẹp đấy chứ! Ông còn phát biểu rằng trong thế giới hội họa cũng nên có danh vị tiến sĩ. Và cũng chính ông đã nghĩ rằng mắt của loài bồ câu có thể nhìn thấy được trong đêm. Nhưng có thể nói rằng ông là người có tư chất của một họa sĩ, bất chấp tất cả những điều này. Tâm hồn ông như một cái giếng sâu không đáy. Mọi thứ đều có thể trôi tuột qua mà không gặp bất cứ trở lực nào. Ông hành xử rất tự nhiên thoải mái, lòng không gợn chút gì vẩn đục. Chỉ cần ở ông có thêm một chút đam mê nữa thì ông đã trở thành một họa sĩ đích thực, có thể nhập tâm vào ngoại giới ở bất kỳ đâu, trong từng chi tiết nhỏ của cuộc sống đời thường.
Người như tôi thì không thể là một họa sĩ đích thực chừng nào mình còn bị nhòm ngó bởi những đôi mắt tọc mạch ở xung quanh. Những lúc ấy thì tôi chỉ có thể ngồi vào trước giá vẽ. Hoặc có thể cầm bảng pha màu trên tay. Nhưng không thể là một họa sĩ đích thực. Chỉ khi đến một ngôi làng sơn cước xa lạ, khi đắm mình trong sắc màu của trời đất lúc cuối xuân như thế này thì tôi mới nhìn thấy ở bản thân mình hình ảnh một họa sĩ chân chính. Một khi đã bước chân vào thế giới này thì mọi vẻ đẹp trên đời đều trở thành cái đẹp của chính bản thân ta. Dù chưa vẽ nét cọ nào, chưa tô vệt màu nào thì ta vẫn cảm thấy mình là một họa sĩ thuộc hàng thượng đẳng. Dẫu biết mình không thể sánh với Michelangelo về kỹ thuật, không thể bì được Raphael ở sự tinh tế, nhưng nói về tố chất của một họa sĩ thì tôi phải khẳng định mình không hề thua kém những danh họa từ cổ chí kim. Từ khi đến chỗ suối nước nóng này tôi chưa vẽ được bức tranh nào cả. Tôi mang theo họa cụ chỉ đơn giản vì sự hứng thú nhất thời mà thôi. Có thể người khác sẽ cười vào mặt tôi mà bảo rằng, như thế mà cũng là họa sĩ! Nhưng dù có bị coi thường đến mấy thì giờ đây tôi vẫn cảm thấy mình đang là một họa sĩ thực thụ. Và là một họa sĩ tầm cỡ nữa! Ðạt đến trạng thái này thì không nhất thiết phải vẽ được những bức tranh đẹp. Nhưng người có thể vẽ ra những bức tranh đẹp không thể không trải nghiệm trạng thái này.
Trên đây là những điều tôi suy nghĩ lan man trong lúc ngồi thư thả hút thuốc sau bữa sáng. Mặt trời đã vượt lên cao hơn đám sương mù. Tôi mở cánh cửa trượt, ngắm dãy núi đằng xa. Rừng cây trên núi xanh một màu xanh trong trẻo và tươi mát đến lạ thường.
Tôi vẫn nghĩ rằng mối quan hệ giữa không khí, màu sắc và hình dáng sự vật là chủ đề nghiên cứu hấp dẫn nhất trên đời. Ta nên dùng màu sắc, hay hình dáng sự vật để thể hiện không khí. Hay ta lấy không khí làm chủ đạo để thể hiện màu sắc và sự vật đan xen? Sự phối hợp này trong hội họa chỉ cần khác đi một chút thì sẽ bức tranh sẽ thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi này chắn chắn sẽ khác nhau tùy theo phong cách nghệ thuật của từng họa sĩ. Và tất nhiên cũng bị giới hạn bởi yếu tố địa điểm, thời gian. Tranh phong cảnh của họa sĩ Anh quốc chẳng có bức nào là sáng sủa. Có thể là họ không thích những bức tranh rực rỡ, nhưng dù có thích thì họ cũng chẳng vẽ được bức tranh sáng sủa nào trong bầu không khí ảm đạm ấy. Tuy cũng là người Anh nhưng tranh của Goodall[1] thì khác hẳn. Ðúng là một kiểu tranh rất khác. Tuy là người Anh nhưng ông chẳng bao giờ vẽ tranh phong cảnh về nước Anh. Họa sĩ này không lấy quê hương làm đề tài hội họa. Ông toàn chọn những nước như Ai Cập hay Ba Tư – những nơi có phong cảnh trong trẻo và tươi sáng hơn nhiều so với nước Anh. Thế nên tranh của ông thường làm người mới xem lần đầu phải giật mình kinh ngạc: một người Anh mà có thể vẽ được những bức tranh trong trẻo thế này sao? Phong cách cá nhân thì hẳn nhiên chẳng có gì để nói. Nhưng nếu chủ tâm vẽ tranh phong cảnh Nhật thì chúng ta phải thể hiện màu sắc và không khí đặc trưng của nước mình. Dù anh có ngưỡng mộ phong cảnh trong tranh Pháp đến đâu, anh cũng không thể vay mượn nguyên xi phong cảnh đó đưa vào trong tác phẩm của mình, rồi bảo đây là tranh phong cảnh Nhật. Họa sĩ phải sống với phong cảnh thiên nhiên xung quanh mình, để tâm hồn hòa nhập vào cảnh mây chiều sương sớm, cho đến lúc nào đó chợt bắt gặp đúng sắc độ mình cần thể hiện thì ngồi ngay vào giá vẽ. Màu sắc đổi thay trong từng giây từng phút. Nếu để lỡ mất cơ hội thì không dễ gì gặp lại sắc độ mình cần. Trên sườn núi trước mắt tôi bây giờ đang tràn ngập những màu sắc vô cùng tươi đẹp nhưng lại rất khó tìm trong phong cảnh quanh đây. Một cơ hội quý báu dường này mà để trôi qua mất thì quả là đáng tiếc. “Mình phải vẽ lại thôi”, tôi tự nhủ.
[1] Frederick Goodall (1822 – 1904) là một họa sĩ người Anh.
Khi mở cửa bước ra hành lang, tôi thấy cô nàng Nami đang đứng tựa cửa trên tầng hai của gian nhà bên kia. Cằm cô khuất trong cổ áo, và tôi chỉ thấy được gương mặt nhìn nghiêng. Tôi định cất tiếng chào thì tay phải cô bỗng giơ lên, cứ như bị gió thổi, còn tay trái thì vẫn giữ nguyên tư thế đang buông xuống. Một luồng ánh sáng như tia chớp chạy nhằng qua ngực cô hai ba lần, có tiếng “tách” khe khẽ kèm theo, rồi ánh sáng biến mất. Tay trái cô đang cầm một con dao cán gỗ dài chừng ba tấc. Rồi ngay lập tức cô mất hút vào phía sau cánh cửa. Tôi bước ra khỏi nhà mà cảm giác như mình mới vừa xem một cảnh diễn Kabuki[2] vậy.
[2] Kabuki là một loại hình nghệ thuật sân khấu Nhật Bản, có kết hợp âm nhạc, kịch và vũ đạo.
Ra khỏi cổng, rẽ trái là thấy ngay một con đường dốc cheo leo dẫn lên sườn núi. Nghe loáng thoáng tiếng chim chích trong đám cây rừng. Bên trái là một con dốc thoải dần xuống thung lũng trồng đầy quýt. Bên phải là hai ngọn đồi thấp, hình như cũng là nơi trồng quýt thì phải. Mấy năm về trước tôi đã có lần đặt chân đến chỗ này. Chính xác là cách đây bao lâu thì tôi cũng chẳng buồn tính nữa. Chỉ nhớ lúc đó trời đang lạnh, có lẽ là vào độ cuối năm. Ðó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những vườn quýt sum xuê như vậy. Khi tôi ngỏ ý muốn mua một nhánh quýt thì người ngồi trên cành cây bảo rằng cứ lấy thỏa thích đi, rồi cất tiếng hát một điệu nhạc nghe rất lạ. Ở Tokyo thì ngay cả vỏ quýt cũng phải đến tiệm thuốc mà mua ấy chứ, tôi thầm nghĩ. Vào buổi tối tôi thường nghe tiếng súng. Hỏi ra mới biết đó là tiếng súng của những người đi săn vịt trời. Khi đó tôi chẳng biết gì về cô gái có tên là Nami cả.
Nếu là một diễn viên Kabuki, chắc hẳn cô ấy sẽ thành công rực rỡ. Những diễn viên bình thường thì khi lên sân khấu mới thoát ly đời thường để hóa thân vào vai diễn. Còn cô ấy thì diễn xuất ngay trong cuộc sống đời thường. Thậm chí bản thân cô không hề biết là mình đang diễn nữa. Diễn rất vô tư và rất tự nhiên. Trường hợp của cô có thể gọi là cuộc đời thi vị. Nhờ có cô mà tôi tiến bộ rất nhanh trong sáng tác hội họa.
Nếu không xem hành trạng của cô là động tác diễn xuất thì chắc là tôi phải bối rối hoang mang suốt cả ngày. Nếu nhìn sự việc và tìm hiểu cô bằng con mắt của những tiểu thuyết gia bình thường, những người được giáo dục kỹ về quy phạm và đạo lý, thì hẳn tôi phải cho rằng cô là một kẻ quá khích, và sẽ cảm thấy khó chịu ngay. Nếu giữa tôi và cô ấy nảy sinh một mối quan hệ lằng nhằng trong đời sống thực, thì có lẽ sự đau khổ của tôi không bút nào tả xiết. Nhưng vì trong chuyến đi này tôi đã chủ trương thoát ly tình cảm đời thường để đạt đến sự thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ, nên tôi phải nhìn mọi thứ hiện lên trước mắt mình qua lăng kính nghệ thuật. Tôi phải xem mọi người mình gặp đều là những nhân vật trong kịch No, Kabuki hoặc là những hình ảnh trong thơ. Nhìn qua lăng kính nghệ thuật theo kiểu này, tôi thấy cô là người có những động tác đẹp hơn tất cả những người phụ nữ mà tôi từng gặp. Hơn nữa, chính vì cô không ý thức được là mình đang diễn xuất, nên động tác của cô còn đẹp hơn cả động tác trên sân khấu của diễn viên.
Xin độc giả đừng hiểu nhầm ý tôi. Tôi chỉ nghĩ là không thỏa đáng nếu lấy tiêu chuẩn của những người bình thường để phê bình tư cách của một người như cô ấy. Sống cho tử tế, sống như một người có đạo đức hay tiết hạnh thì không đơn giản chút nào. Quên mình vì nghĩa lớn cũng là việc hết sức khó khăn. Ai muốn đạt được những giá trị này cũng đều phải trải qua đau khổ. Nhưng để người ta có thể chịu đựng được khổ đau, hẳn là phải có những niềm vui lớn lao tiềm ẩn trong sự hy sinh ấy. Hội họa, thơ ca và kịch nghệ chẳng qua chỉ là những tên gọi khác nhau thể hiện cùng một thứ cảm xúc thăng hoa từ những bi kịch kiểu này. Một khi thẩm thấu được cảm thức này, chúng ta mới có những hành động đầy dũng khí, hay những việc làm cao nhã, và mới có thể vượt qua mọi khổ đau để cảm giác thư thái tràn ngập tâm hồn. Chúng ta phải quên đi nỗi đau thể xác, coi thường mọi trở ngại của thế giới vật chất để tập trung rèn luyện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì lòng nhân đạo. Nếu đưa ra một định nghĩa về nghệ thuật trong hoàn cảnh chật vật của cuộc sống đời thường, thì có thể nói nghệ thuật là cái tiềm ẩn trong tâm hồn những người có giáo dục, biết cải tà quy chánh, biết bỏ cong tìm ngay, biết giúp đỡ kẻ yếu và chế ngự kẻ mạnh; là sự kết tinh của tinh thần cống hiến hết mình, như một tấm phản chiếu ánh sáng mặt trời rạng rỡ.
Có thể người ta sẽ cười nhạo ai đó có những hành vi giống như diễn kịch. Như họ vẫn cười nhạo những ai dám hy sinh cho cái đẹp, cho rằng như vậy là viển vông, thiếu thực tế. Họ cho rằng những ai ngu ngốc mới không chờ đến khi cái đẹp của tính cách tự nhiên hiển lộ mà lại đi phô trương cảm quan thẩm mỹ của mình một cách lộ liễu. Những người thấu hiểu được bản chất của vấn đề cũng có thể sẽ cười nhạo người khác theo kiểu đó. Nhưng loại người hạ đẳng không hiểu gì về nghệ thuật mà lại lấy sự tầm thường của mình làm chuẩn để chê cười kẻ khác thì không thể chấp nhận được. Ngày xưa có một chàng trai đã để lại bài thơ tuyệt mệnh trên một tảng đá, rồi nhảy từ độ cao ba mươi mét lao xuống dòng thác đang cuồn cuộn chảy. Theo tôi thì có thể nói rằng, chàng trai ấy đã hy sinh cuộc đời quý báu của mình vì một điều duy nhất là cái đẹp. Bản thân cái chết của chàng thì thật là hùng tráng, nhưng động cơ thúc đẩy chàng đến cái chết thì khó mà hiểu được. Dù sao, những người không hiểu được vẻ đẹp hùng tráng của cái chết thì chẳng có lý do gì để cười nhạo chàng Fuji Murashi ấy. Tôi cho rằng những ai không sánh được với chàng Fuji Murashi về vẻ đẹp tâm hồn, không hiểu được ý nghĩa sâu xa của một cái chết hùng tráng là để đưa cảm thức thẩm mỹ đến trạng thái viên mãn thì không thể có tư cách mà cười nhạo.
Còn tôi là một họa sĩ. Như thế thì với tư cách là một người hiểu biết về cái đẹp, tôi sẽ được tôn trọng hơn những người bình dân sống quanh mình, nếu tôi chịu hạ mình để sống trong cõi thế tục này như bao người khác. Là một thành viên trong xã hội, tôi đang ở vị trí phải chỉ bảo cho những người xung quanh về cái đẹp. Và tôi cũng có năng lực thể hiện cái đẹp hơn những người không có năng khiếu về thơ ca, hội họa hay kịch nghệ. Trong cuộc sống đời thường thì cái đẹp là sự đúng đắn, là sự chân thật, là lẽ phải. Nói cách khác, việc thể hiện sự đúng đắn, sự chân thực và lẽ phải thông qua ứng xử, hành vi được xem là tư cách của một công dân mẫu mực trong cõi đời này.
Tôi đang tạm thời thoát ly cuộc sống đời thường, và không hề cảm thấy cần phải quay về với những tình cảm đời thường ấy trong chuyến đi hiện tại. Nếu trở lại với đời thường thì chuyến đi này sẽ trở thành vô nghĩa. Như một kẻ đãi cát tìm vàng, tôi phải gạn lọc những cảm xúc tầm thường của nhân gian để chỉ tập trung thưởng thức cái đẹp đúng nghĩa. Tôi tự giải thoát mình khỏi trách nhiệm của một thành viên trong xã hội. Ðồng thời cũng tự giải thoát mình khỏi những vướng mắc đời thường để trở thành một họa sĩ thuần túy, để chỉ hoạt động trong thế giới của cái đẹp. Nghĩa là tôi không bị buộc vào bất cứ cái gì, bất kể điều đó là núi, là nước hay là những người sống quanh tôi. Vì vậy, trước mắt tôi thì hành trạng của cô nàng Nami cứ thể hiện tự nhiên như nó vốn là.
Ði được khoảng năm trăm mét trên con đường núi thì tôi nhìn thấy phía trước có một ngôi nhà màu trắng. Một ngôi nhà nằm giữa mênh mông vườn quýt, tôi thầm nghĩ. Con đường trước mặt rẽ làm hai nhánh. Tôi rẽ trái ở chỗ gần ngôi nhà màu trắng, quay nhìn lại phía sau thì thấy một cô gái mặc váy màu đỏ đang đi lên. Làn da thẫm màu của đôi chân lộ ra dưới gấu váy. Bàn chân xỏ trong đôi dép rơm đang chầm chậm tiến về phía tôi. Mấy cánh hoa anh đào núi còn vương trên mái tóc. Và sau lưng cô gái, nắng lấp lánh trên mặt biển đằng xa.
Ði hết con đường dốc thì đến một đỉnh gò tương đối bằng phẳng. Phía Bắc là ngọn núi mùa xuân với cây cối xanh rì. Có lẽ đây chính là ngọn núi mà lúc nãy tôi đã ngắm từ phòng trọ. Phía Nam là một khoảng đất có bề rộng chừng năm mươi mét, hình như là một mảnh nương. Nối tiếp mảnh đất này là một sườn núi bị sạt lở. Dưới chỗ đất sạt lở là những đám quýt mà tôi mới đi qua. Còn phía bên kia ngôi làng ở đằng xa tất nhiên chỉ còn là mênh mông mặt biển.
Có rất nhiều đường đi ở quanh đây. Những con đường cứ nhập vào rồi lại rẽ ra, nên tôi chẳng xác định được đâu mới là đường chính. Chỗ nào cũng có thể là đường đi, nhưng đồng thời chẳng có đường nào ra hồn cả. Chỉ là những mảng đất trống màu đỏ sậm lộ ra lác đác trên nền cỏ, chẳng phân biệt được mảng nào nối với đường nào. Ðúng là một sự rối rắm thú vị.
Tôi đi loanh quanh trên nền cỏ tìm một chỗ khả dĩ để ngồi xuống nghỉ chân. Cái phong cảnh có vẻ đầy hứa hẹn cho một bức tranh đẹp khi nhìn từ phòng trọ giờ đây trở nên rời rạc hẳn. Màu sắc cũng nhạt đi. Lúc vẩn vơ đi lại trên thảm cỏ, cảm hứng vẽ tranh trong tôi đã biến mất không biết tự khi nào. Ðã không muốn vẽ thì việc tìm chỗ ngồi cũng chẳng cần thiết nữa, nên tôi cứ ngồi tạm xuống chỗ mình vừa đặt chân đến. Khi buông người ngồi phịch xuống, tôi mới chợt nhận ra mình vừa làm vỡ tung một lớp khói mù tỏa trên mặt đất do ánh nắng mùa xuân thấm sâu vào lớp cỏ.
Mặt biển lấp loáng đằng xa, phía dưới chỗ tôi ngồi. Bầu trời mùa xuân không một gợn mây tỏa ánh sáng chan hòa mặt biển, tạo cảm giác ấm áp như thể ánh mặt trời rọi xuyên xuống tận đáy biển sâu. Biển như một dải màu xanh thẫm và bằng phẳng trải dài, với vô số chiếc vẩy bạc lấp lánh trên cái nền xanh ấy như những đồng tiền kim loại dưới ánh nắng mặt trời. Giữa cảnh trời nước mênh mông vô tận hiện lên một cánh buồm trắng, nhìn từ xa bé xíu như một chiếc móng tay. Mà cánh buồm cứ đứng im phăng phắc. Chắc hẳn những con thuyền đến từ Triều Tiên trước đây cũng hiện ra từ đằng xa trên biển thế này. Ngoài cánh buồm kia thì thế giới mênh mông chỉ có ánh nắng tỏa xuống biển khơi và mặt biển phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lánh.
Tôi nằm lăn ra cỏ. Chiếc nón trượt khỏi đầu, giống như vầng hào quang gắn vào đằng sau gáy. Có vài bụi lê hoa trà cao chưa đầy một mét mọc rải rác trên nền cỏ. Tôi tìm được một bụi có bóng mát vừa đủ để ngả đầu. Lê hoa trà là một loài hoa rất thú vị. Cành cây rất cứng, hầu như không thể bẻ cong. Nhưng nếu nói cành mọc thẳng thì cũng không chính xác. Từng đoạn cành ngắn thì thẳng thật, nhưng cành này cứ đan chéo vào cành khác, tạo thành một mớ rối rắm đầy góc cạnh. Và trên những cành cây đan vào nhau ấy là những đóa hoa màu đỏ tươi hay màu trắng đang khoe sắc dịu dàng. Cả những chiếc lá mềm mại nữa. Có thể nói lê hoa trà giống như những người thông thái giả khờ. Trong thế gian có loại người giữ vững lòng cương trực. Chắc hẳn loại người như thế sẽ thác sinh làm cây lê hoa trà. Tôi cũng muốn trở thành một cây lê hoa trà như vậy.
Thuở nhỏ tôi đã từng lấy một cành lê hoa trà đang có cả lá và hoa về đẽo gọt thành một cái ống đựng bút có hình dáng vui mắt. Tôi cắm những cây bút rẻ tiền vào đó rồi đặt chiếc ống đựng bút với những ngọn bút lấp ló trong mớ hoa lá lên bàn và cảm thấy hết sức thú vị. Cả ngày hôm đó tôi chỉ chú tâm vào chiếc ống đựng bút của mình, kể cả khi đi ngủ. Sáng hôm sau, vừa mở mắt là tôi bật ngay dậy chạy đến bên bàn. Cái ống đựng bút phơi ra trước mắt tôi những chiếc lá khô quắt và những bông hoa héo rũ. Chỉ có đầu ngọn bút là vẫn sáng lấp lánh. Sao một cành hoa tươi đẹp thế chỉ qua có một đêm mà đã khô héo nhỉ? Nỗi thắc mắc không được giải đáp lúc đó cứ mãi ám ảnh tôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hồi đó đúng là mình ngây thơ trong trẻo thật.
Những bông lê hoa trà lọt vào tầm mắt khi tôi nằm xuống là bạn tri kỉ của tôi hai mươi năm về trước. Khi ngắm chúng, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản hẳn. Và tôi lại có cảm hứng làm thơ.
Tôi cứ nằm mà suy nghĩ. Rồi ghi từng câu thơ làm được vào trong cuốn sổ tay. Chẳng mấy chốc đã xong một bài. Rồi tôi đọc lại bài thơ mới làm xong.
Ra đi lòng ngổn ngang
Gió xuân vờn nếp áo
Cỏ xanh vệt bánh xe
Sương mù giăng khắp lối
Dừng chân tự ngắm mình
Ánh sáng soi rạng rỡ
Chim oanh ca ríu rít
Hoa đào lả tả rơi
Ðề thơ trước cổng chùa:
“Cuối đường là đồng rộng”
Dạ sầu chất ngất mây
Cánh chim lướt ngang trời
Bao cảm xúc khôn nguôi
Quên chuyện đời chốc lát
Ba mươi đã chớm già
Kìa nắng lại bừng soi
Thong dong cùng mây gió
Hương thơm lẩn quất hoài…
Ôi xong rồi! Mình đã làm được một bài thơ! Nằm ngắm cây lê hoa trà, tôi đã quên cuộc sống đời thường để tìm được nguồn cảm xúc. Dù bài thơ không nói đến lê hoa trà, không có cảnh biển khơi. Chỉ cần thể hiện được cảm xúc là ổn cả. Tôi khe khẽ reo lên vì sung sướng, và chợt giật mình khi nghe tiếng hắng giọng “E hèm!” ngay bên cạnh.
Tôi trở mình nhìn về phía có tiếng động, thì thấy một người đàn ông vừa đi quanh cái gò nhô ra bên sườn núi, rồi hiện ra từ trong đám cây rừng.
Người đàn ông đội một chiếc mũ phớt màu nâu. Tôi nhìn thấy đôi mắt anh ta dưới vành mũ đội nghiêng hơi méo mó. Tôi không nhìn rõ lắm, nhưng hình như ánh mắt hơi mệt mỏi. Trang phục của anh ta thì khó mà tả được. Một chiếc quần kẻ sọc màu xanh đậm bó sát đùi và đôi guốc mộc dưới chân. Và nếu nhìn vào bộ râu xồm xoàm không cắt tỉa thì có thể đoán anh ta là du sĩ.
Tôi cứ tưởng người đàn ông kia đi xuống núi theo con đường dốc, không ngờ anh ta quay trở lại sau khúc quanh. Cứ tưởng anh ta sẽ khuất bóng theo đường cũ, nhưng lại không phải vậy. Anh ta cứ đi loanh quanh mãi. Trừ khi đến đây để mà đi dạo, không ai lại cứ đi loanh quanh theo kiểu đó. Nhưng dáng vẻ này khó có thể là một người đang tản bộ. Và cũng khó tin là anh ta sống ở gần đây. Thỉnh thoảng người đàn ông dừng lại. Nghiêng tai nghe ngóng. Rồi quay nhìn xung quanh. Hình như anh ta đang có điều gì ưu tư lắm. Cũng có thể là đang chờ một người nào đã hẹn. Nói chung là tôi không thể nào đoán được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.