Gối Đầu Lên Cỏ
Chương 12 phần 2
Nhưng tôi không thể nào rời mắt khỏi người đàn ông lạ. Không phải vì tôi thấy sợ, mà cũng chẳng phải vì tôi muốn vẽ tranh. Chỉ đơn giản là mắt tôi cứ bị hút về phía người lạ ấy. Tôi cứ nhìn theo anh ta từ phải sang trái, rồi lại từ trái sang phải. Rồi bất ngờ anh ta đứng sững lại. Và một người nữa xuất hiện ngay sau đó.
Hai người có vẻ nhận ra nhau. Rồi cả hai cùng tiến lại gần. Khung cảnh tôi quan sát dần dần thu hẹp lại, rồi cuối cùng chỉ còn tập trung vào một điểm trên trảng cỏ. Giờ đây hai người đang đứng đối diện, rất gần nhau. Sau lưng họ là cảnh đồi núi mùa xuân. Trước mặt là biển cả.
Dĩ nhiên người đàn ông chính là du sĩ nọ. Còn người đứng đối diện với anh ta? Ðó là một cô gái. Chính là nàng Nami.
Vừa nhìn thấy nàng Nami, tôi nhớ ngay đến con dao nhỏ đã nhìn thấy trên tay cô lúc sáng. Biết đâu cô vẫn giấu con dao trong chiếc áo? Tôi thầm nghĩ và bất giác rùng mình ớn lạnh, tuy rằng đã quyết tâm từ bỏ những cảm xúc đời thường.
Họ cứ đứng nhìn nhau hồi lâu, sắc diện không thay đổi. Dường như cả hai đều không hề nhúc nhích. Có thể họ đang nói với nhau điều gì đó, nhưng tôi chẳng nghe được tiếng nào. Một lát sau, tôi thấy người đàn ông lặng lẽ cúi đầu. Còn cô gái thì quay nhìn về phía ngọn núi. Tôi không nhìn thấy gương mặt cô.
Có tiếng chim oanh đang hót trên ngọn núi. Hình như cô gái đang lắng tai nghe. Ðược một lúc thì người đàn ông ngẩng đầu lên và xoay người ra phía sau lưng. Thật lạ lùng! Thoáng chốc cô gái đã xoay người nhìn thẳng về phía biển. Chỗ thắt lưng cô hình như đang ló ra một chiếc cán dao. Người đàn ông bước đi, vẻ ung dung, vững vàng. Cô gái, chân mang dép rơm, chạy lúp xúp đuổi theo. Người đàn ông dừng lại. Chẳng biết có phải vì cô đã cất tiếng gọi không? Rồi khi người đàn ông quay lại thì, ngay lập tức, cô gái đưa tay phải lên ngang chỗ thắt lưng. Ồ, nguy hiểm quá!
Nhưng cái mà cô rút ra không phải là một con dao như tôi nghĩ. Ðó là một cái gói nhỏ bằng vải, trông giống như cái ví. Cô đưa cái gói cho người đàn ông. Bên dưới cánh tay trắng ngần là một sợi dây dài phất phơ trong gió.
Một chân cô bước về phía trước, hơi rướn người một chút khi đưa cái gói ra. Màu vải tím nổi bật trên cánh tay trắng muốt. Chỉ riêng hình ảnh ấy cũng đã tạo thành một bức chân dung tuyệt đẹp. Bề mặt của chiếc túi màu tím nhạt rất hợp với thế đứng xoay nghiêng của người đàn ông đang cách cô gái chỉ chừng vài centimet. “Gần mà xa”, có lẽ đó là câu nói phù hợp nhất để miêu tả hai người trong khoảnh khắc này. Cô gái như muốn níu người đối diện về phía mình, còn người đàn ông lại như muốn lùi ra để tránh cô. Nhưng thực ra thì họ chẳng hề níu kéo mà cũng chẳng tránh né gì nhau. Mối duyên của họ sắp đến hồi chấm dứt, với cái túi vải màu tím đang được chìa ra trước mắt kia.
Nếu ta nhìn như đang ngắm một bức tranh, thì hình ảnh hai người với dáng vẻ hài hòa tuyệt đẹp, nhưng vẻ mặt và trang phục thì khác biệt đến mức đối chọi nhau lại càng thêm thi vị. Một bên là người đàn ông có dáng người đậm chắc, râu rậm. Bên kia là cô gái mảnh mai nhưng khỏe khoắn với ngấn cổ cao và bờ vai thon thả. Người đàn ông mang guốc mộc xoay người về phía cô gái với vẻ cục cằn. Còn cô gái mỏng manh, trong bộ áo vải tơ mặc ngày thường vẫn dịu dàng và rạng rỡ, đang đứng hơi nghiêng về phía sau. Người đàn ông thì đội chiếc mũ nhàu nhĩ, quần sọc xanh bó sát đùi, trong khi cô gái thì mái tóc bồng bềnh buông xuống ngang lưng, như thể đang cháy lên trong quầng sáng mờ ảo những tia nắng phản xạ từ mặt đất, và thấp thoáng sau làn tóc là chiếc obi bóng loáng may bằng vải lụa đen, thể hiện một vẻ đẹp rạng ngời của tuổi thanh xuân đầy sức sống. Sự đối lập này quả là một chủ đề thú vị cho một bức họa thành công! Người đàn ông đưa tay ra cầm lấy chiếc túi vải. Và sự cân bằng tinh tế giữa hai người – một bên níu kéo và một bên miễn cưỡng – bị phá vỡ trong thoáng chốc. Cô gái giờ đã thôi níu kéo. Và người đàn ông cũng không còn bị giằng co nữa. Thì ra trạng thái tâm lý có thể chi phối cấu trúc của bức tranh đến vậy! Là họa sĩ nhưng trước đây tôi chẳng chú ý đến điều này.
Hai người rẽ về hai hướng khác nhau. Một người bên trái và người kia bên phải. Sự ràng buộc giữa hai người không còn nữa, nên cảm hứng vẽ tranh cũng phân tán mất rồi. Khi đến chỗ bìa rừng, người đàn ông ngoái đầu nhìn lại. Còn cô gái không một lần nào quay lại phía sau lưng. Cô cứ xăm xăm bước về phía tôi, rồi chẳng mấy chốc cô và tôi giáp mặt.
– Ồ, anh! Anh họa sĩ!
Cô thốt lên. Sao cô lại nhìn thấy tôi lúc này cơ chứ?
– Chuyện gì vậy?
Tôi hỏi và ngước nhìn cây lê hoa trà. Chiếc nón rơi xuống cỏ.
– Anh đến đây làm gì thế?
– Tôi nằm đây làm thơ.
– Xạo! Anh đã thấy hết chuyện lúc nãy rồi, có phải không?
– Chuyện lúc nãy ư? Chuyện lúc nãy là chuyện gì?… Ừ…, thì tôi cũng có thấy thoáng qua…
Cô bật cười:
– Không cần phải thấy thoáng qua đâu! Anh thấy rõ mọi chuyện thì cũng chẳng hề gì!
– Ðúng là tôi thấy rõ mọi chuyện thật!
– Thì anh cứ việc nhìn! Mà này, anh đến đây một chút đi. Ðến chỗ cây lê hoa trà này một chút nào.
Tôi ngoan ngoãn nghe theo cô, đến dưới gốc cây lê hoa trà cô chỉ.
– Lại có việc gì dưới cây lê hoa trà này nữa sao?
– Không có gì. Tôi chỉ đang định đi về thôi.
– Vậy ta cùng về nhé!
– Ừ, đi nào!
Và tôi lại ngoan ngoãn nghe theo. Tôi trở lại cây lê hoa trà lúc nãy, đội nón lên, thu dọn họa cụ rồi cùng với cô nàng Nami trở xuống.
– Anh có vẽ được bức nào không?
– Tôi bỏ ý định vẽ rồi!
– Từ khi đến đây anh chẳng vẽ được bức nào, có đúng không?
– Ừ, đúng thế thật.
– Nhưng, anh đến đây để vẽ mà lại không vẽ được bức nào. Thế có khó chịu không?
– Có gì mà khó chịu?
– Thế à? Sao lại không cơ chứ?
– Kiểu gì thì cũng khó chịu hết! Vẽ hay không vẽ thì cũng khó chịu như nhau mà!
– Thế thì hay phết đấy! Hì hì…, anh đúng là người quá vô tư nhỉ!
– Nếu không vô tư thì tìm đến chỗ này để làm gì cơ chứ?
– Thôi đi! Nếu mà không vô tư thì sống để làm gì, dù có ở nơi nào đi nữa! Như tôi đây này, mới bị người ta nhìn sau lưng mà chẳng thấy xấu hổ, chẳng phải nghĩ ngợi gì hết cả.
– Thì có cần phải nghĩ ngợi gì đâu!
– Thế à? Vậy anh nghĩ người đàn ông lúc nãy là ai đấy?
– Xem nào…, anh ta chắc hẳn không phải là người có nhiều tiền.
Cô gái bật cười:
– Ðúng đấy. Anh chắc phải là một thầy bói cừ khôi! Anh ta nghèo lắm, bây giờ túng thiếu nên phải đến gặp tôi để lấy tiền!
– Thật thế sao? Mà anh ta từ đâu đến vậy?
– Từ dưới phố ấy.
– Thế thì xa quá nhỉ! Rồi anh ta lại đi đâu?
– À… có lẽ là sẽ đi Mãn Châu đấy.
– Ði đến đấy làm gì?
– Làm gì à? Thì để kiếm tiền. Hoặc là để chết. Tôi làm sao biết được.
Tôi đưa mắt nhìn cô. Một nét cười vừa thoáng nhẹ vành môi, rồi lập tức biến mất. Tôi không hiểu cô muốn nói gì.
– Người đàn ông đó là chồng tôi đấy!
Nhanh như một tia chớp, cô giáng vào tôi một cú choáng váng cả mặt mày. Tôi bất ngờ đến nỗi cứng cả họng. Tôi cũng không định hỏi anh ta là ai, mà cũng không nghĩ rằng cô đem cả những chuyện như thế ra nói cho mình biết!
– Anh thấy sao? Bất ngờ quá phải không? Cô gái hỏi.
– Ðúng là hơi bất ngờ thật đấy.
– Không phải chồng tôi hiện giờ đâu. Chồng cũ ấy.
– Thì ra thế. Vậy là…
– Chuyện chỉ có thế thôi.
– Thế à?…Ngôi nhà màu trắng ở chỗ trồng quýt đằng kia có vị trí đẹp quá nhỉ! Nhà ai thế?
– Nhà của anh tôi đấy. Tiện đường ta ghé vào một chút.
– Cô có việc gì ở đó không?
– Ừ, anh ấy có nhờ tôi chút việc.
– Vậy thì tôi sẽ ghé cùng cô.
Khi đến chỗ đầu con dốc dẫn lên núi, chúng tôi không đi thẳng xuống làng mà rẽ phải, rồi đi khoảng gần một trăm mét nữa thì đến trước cổng ngôi nhà. Chúng tôi vào cổng nhưng không bước lên nhà ngay mà đi vòng ra phía khu vườn. Cô gái chẳng hề tỏ ra dè dặt mà cứ thoăn thoắt bước đi, nên tôi cũng theo cô xăm xăm bước tới. Trong khu vườn mở ra hướng Nam có chừng ba bốn cây cọ, và ngay bên kia bức tường bằng đất là đám quýt trải dài.
Cô gái ngồi ngay xuống chỗ mép hành lang, bảo:
– Cảnh đẹp đấy chứ. Anh cứ nhìn mà xem.
– Ừ nhỉ. Ðẹp thật đấy.
Bên trong cánh cửa im phăng phắc, hình như không có người. Cô gái cũng chẳng cất tiếng gọi ai, chỉ ngồi điềm nhiên nhìn ra vườn quýt. Tôi cảm thấy thật là khó hiểu! Chẳng biết cô có việc gì mà phải đến đây?
Rốt cuộc rồi cũng chẳng có chuyện gì để mà nói nữa. Hai chúng tôi cùng ngồi yên lặng nhìn ra vườn quýt. Trước mắt chúng tôi, đám lá quýt tắm trong ánh mặt trời giữa trưa đang rọi thẳng xuống sườn núi chừng như đang bốc hơi, lấp lánh sáng. Một lúc lâu, bỗng có tiếng gà kêu to từ chỗ nhà kho ở phía sau.
– Trời ạ, trưa mất rồi! Tôi có việc mà quên mất!… Kyuichi, Kyuichi!
Cô vừa cất tiếng gọi vừa đứng lên, đẩy nhẹ để mở cánh cửa trượt. Gian phòng rộng chừng mười chiếu bên trong trống hoác. Hai bức tranh cuộn thuộc phong cách Kano treo hờ hững ở góc nhà.
– Kyuichi!
Cuối cùng cũng có tiếng đáp vọng lên từ phía nhà kho. Rồi tiếng chân bước dừng lại phía bên kia vách trượt. Khi tấm vách vừa trượt mở, tôi thấy một thanh đoản kiếm trong vỏ bao màu trắng vừa được ném xuống tấm chiếu trải sàn.
– Quà chia tay của bác cho cậu đấy!
Không biết cô đã cho tay vào thắt lưng lúc nào mà tôi không hề nhìn thấy. Thanh đoản kiếm nảy lên mấy lần rồi lặng lẽ lăn trên chiếu đến dưới chân Kyuichi. Hình như kiếm gắn vào bao hơi lỏng lẻo, nên phần lưỡi kiếm ló ra khoảng vài phân, để lộ ánh thép lạnh lẽo đang lóe sáng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.