Gối Đầu Lên Cỏ
Chương 3 phần 1
Ðêm qua thật lạ lùng.
Lúc tôi đến nhà trọ thì đã tám giờ tối, nên tất nhiên tôi chẳng nhận ra cách bài trí căn nhà hay khu vườn là theo kiểu phương Ðông hay phương Tây nữa. Tôi được dẫn đi lòng vòng một hồi lâu theo lối đi có vẻ là một dãy hành lang ngoằn ngoèo, cuối cùng thì đến một căn phòng nhỏ, rộng chừng sáu chiếu[1]. Khác hẳn quang cảnh khi tôi ghé lại trước đây. Ăn tối xong, tôi đi tắm rồi trở về phòng uống trà thì có một cô gái đến xin phép dọn phòng.
[1] Theo truyền thống văn hóa Nhật Bản, diện tích của phòng ở được tính theo số lượng chiếu trải sàn.
Ðiều hết sức kỳ lạ là tất cả mọi việc, từ việc tiếp đón khi tôi mới đến, phục vụ ăn tối, hướng dẫn khu vực tắm nước nóng cho đến việc dọn dẹp trong phòng, nhất nhất đều do cô gái này phụ trách. Và rất hiếm khi cô mở miệng. Kiểu cách thì hết sức quê mùa. Khi dẫn tôi đi lòng vòng qua lối đi giống như là cầu thang ngoài hành lang, cô thắt một chiếc obi[2] màu đỏ chẳng hợp chút nào, tay cầm một cây đèn kiểu cổ, rồi vẫn chiếc obi và cây đèn lúc dẫn tôi đi thăm thẳm xuống lối cầu thang ấy để đến bể tắm nước nóng. Có cảm giác như mình đang đi lại trong một bức tranh.
[2] Kiểu thắt lưng rộng bản, phụ nữ Nhật thường dùng khi mặc kimono.
Trong bữa ăn, cô nói rằng vì những phòng khác chưa được dọn dẹp do dạo gần đây vắng khách, nên tôi chịu khó ở tạm trong gian phòng vẫn dùng cho gia đình. Trải sàn xong, cô “chúc ngủ ngon”, tiếng nói nhỏ và chậm rãi, nghe có vẻ ấm áp tình cảm đời thường. Rồi cô ra khỏi phòng, tiếng bước chân xa dần phía dưới đoạn cầu thang khúc khuỷu. Sau đó thì mọi thứ chìm trong yên lặng, giống như không có sự tồn tại của con người.
Từ lúc sinh ra đến giờ tôi chỉ mới trải nghiệm như thế này một lần. Hồi ấy tôi đã từng đi xuyên qua tỉnh Boshu từ Tateyama, đi bộ dọc theo bờ biển từ Kazusa đến Choshi. Có một đêm tôi nghỉ lại ở một chỗ nọ. Chỉ có thể nói là “một chỗ nọ” vì không còn cách nào khác. Bây giờ thì tôi đã quên mất tên gọi vùng đất đó và quên cả tên nhà trọ ấy rồi. Vấn đề là tôi không biết nơi mình trọ lại khi ấy liệu có phải là một quán trọ chăng. Trong gian nhà cao và rộng chỉ có hai người phụ nữ. Khi tôi hỏi xin tá túc, người phụ nữ lớn tuổi hơn nhận lời, và cô gái trẻ tuổi dẫn tôi lên phòng.
Chúng tôi đi qua nhiều căn phòng rộng nhưng đã xuống cấp để đến gian phòng ở phía trong cùng trên tầng lửng. Khi tôi vừa bước được ba bước từ hành lang để vào phòng thì bụi trúc tựa vào dưới mái hiên đón gió đêm rì rào chợt lả ngọn qua vai rồi sượt qua mái tóc làm tôi thoáng rùng mình. Tấm ván làm ban công đã cũ đến rệu rã. Và khi tôi bảo rằng năm tới chắc là măng tre sẽ đâm xuyên qua ban công rồi mọc khắp phòng thì cô gái trẻ không nói gì mà chỉ cười tủm tỉm rồi quay đi.
Tối hôm ấy những cành tre cứ rít lên kẽo kẹt ở đầu giường làm tôi không ngủ được. Khi tôi mở tấm cửa trượt thì nhìn thấy một khu vườn mọc đầy cỏ dại. Dưới ánh trăng đêm hè vằng vặc, tôi phóng tầm mắt quan sát thì thấy ngay phía trước mặt mình ở đằng xa cỏ mọc dồn thành đụn cao như những ngọn đồi lớn trải dài, và chẳng có hàng rào hay bức tường nào cả. Ngay phía bên kia đồi cỏ là đại dương bao la cuồn cuộn sóng như đe dọa thế giới con người. Tôi cứ mở mắt chong chong cho đến khi trời sáng, nằm chịu đựng trong chiếc mùng kỳ lạ mà nghĩ rằng phải chăng đây là cảnh tượng được miêu tả trong loại truyện kusazoshi[3].
[3] Kusazoshi là một loại tiểu thuyết bình dân, phổ biến vào khoảng trung kỳ và hậu kỳ thời Edo (1603 – 1867).
Sau đó tôi cũng đi nhiều nơi nhưng cho đến đêm vừa rồi mới trải nghiệm cảm giác như lần ấy, khi ở lại quán trọ Nakoi.
Tôi nằm ngửa lúc đi ngủ, khi tình cờ mở mắt nhìn lên thì thấy ở phía trên cửa trượt một bức thư pháp lồng trong chiếc khung sơn màu đỏ. Dù đang ở tư thế nằm tôi cũng có thể đọc rõ dòng chữ: “Bóng trúc quét thềm, không dấy bụi”, và cũng thấy rõ tên Daitetsu ghi trên đó. Mặc dù không hiểu gì về thư pháp nhưng tôi vốn rất thích chữ viết của hòa thượng Kosen thuộc phái Obaku[4].
[4] Obaku là tên của một phái Thiền Nhật Bản, do Thiền sư Obaku sáng lập, tách ra từ phái Thiền Lâm Tế.
Các vị sư như Ingen, Sokuhi, Mokuan mỗi người đều có nét tài hoa riêng, nhưng chữ viết của Kosen là sắc sảo và điêu luyện nhất. Khi nhìn dòng chữ này, từ nét bút cho đến cách viết, tôi cứ bị ám ảnh bởi cảm giác đó là chữ của Kosen. Nhưng vì tên Daitetsu đã được ghi rõ ràng nên chắc là không phải. Như vậy thì có lẽ phái Obaku còn có một nhà sư tên là Daitetsu. Nhưng màu giấy thì vẫn còn rất mới. Chắc hẳn là bức chữ này mới được viết trong thời gian gần đây.
Tôi trở mình nằm nghiêng. Và nhìn thấy bức tranh hạc của Jakuchu[5] treo ở hốc tường[6]. Quan sát những tác phẩm nghệ thuật trong phòng bằng con mắt nghề nghiệp, tôi công nhận bức tranh này là xuất sắc nhất ở đây. Tranh hạc của Jakuchu nói chung là có nhiều sắc thái tinh tế. Nhưng đặc biệt ở bức tranh này những con hạc với thân hình như quả trứng phủ lông mềm mại, đứng mảnh khảnh trên một chân hiện lên qua nét vẽ phóng túng và dứt khoát, ngay cả phần đầu nhọn của những chiếc mỏ dài cũng toát ra vẻ thanh thoát tự nhiên. Kề bên hốc tường có một chiếc kệ và một chiếc tủ xếp nối tiếp nhau. Tôi không biết có những gì bên trong chiếc tủ ấy.
[5] Ito Jakuchu (1716 – 1800) là một họa sĩ Nhật Bản thuộc trường phái Kano, chuyên vẽ tranh sơn thủy, đặc biệt nổi tiếng với loại tranh hạc.
[6] Hốc tường là một vị trí được quy ước trong nhà ở Nhật Bản truyền thống, là nơi trang trọng nhất của ngôi nhà, thường được trang trí bằng một bức tranh hoặc thư pháp treo tường và một bình hoa đặt trên sàn nhà.
Rồi tôi chìm vào một giấc ngủ êm đềm. Và đi vào giấc mơ.
Nàng Nagara mặc áo kimono tay dài, cưỡi con ngựa trắng đi qua hẻm núi. Ðột nhiên, hai anh chàng Sasada và Sasabe phóng ra, giằng kéo cô từ hai phía. Cô gái bỗng nhiên biến thành nàng Ophelia, nằm trên cành liễu, vừa trôi theo dòng sông vừa cất lên giọng hát mượt mà. Ðịnh cứu cô gái, tôi cầm một cây sào dài chạy theo đến tận Mukojima. Cô gái không có vẻ gì là đau khổ, vẫn tươi cười hát vang và trôi vô định trên dòng nước. Tôi vác cây sào, ời ời gọi với theo.
Ðến đấy thì tôi tỉnh giấc. Phía dưới cánh tay đổ mồ hôi. Tôi biết mình vừa trải qua một giấc mơ lạ lùng, cái phàm tục pha lẫn với sự thanh thoát. Ngày xưa, Thiền sư So Daie có nói rằng, khi đã ngộ đạo rồi thì tâm ý sáng suốt không có gì vướng bận, nhưng chỉ trong giấc mơ là vẫn còn xuất hiện dục ý. Trong một thời gian dài tôi đã khổ sở vì suy ngẫm điều đó, mãi đến bây giờ mới hiểu ra. Những người lấy nghệ thuật làm lẽ sống nếu không gặp những giấc mơ đẹp thì không phát triển được. Nhưng một giấc mơ như thế này thì chẳng đi vào hội họa hay thơ ca gì cả, tôi nghĩ thế và định ngủ tiếp thì chợt nhận ra không biết từ lúc nào ánh trăng đã chiếu lên cửa trượt, in bóng mấy cành cây nghiêng nghiêng. Một đêm mùa xuân thật là trong trẻo.
Hình như trong trạng thái mơ màng tôi nghe có tiếng ai đang khe khẽ hát. Tôi lắng tai nghe, không hiểu là tiếng hát trong giấc mơ đi vào thế giới này, hay là giọng hát từ cuộc đời thực đã len vào thế giới của mộng ảo xa xôi. Ðúng là có ai đang hát thật. Một chất giọng trầm ấm và êm dịu, một chuỗi âm thanh ngân nhẹ mơ hồ trong một đêm xuân mà người ta không nỡ ngủ. Ðiều kỳ lạ là tôi không chỉ nghe được giai điệu mà còn nghe loáng thoáng ca từ, mặc dù tiếng hát từ xa vẳng lại nên khó mà nghe rõ được. Ðó là những câu trong bài thơ của nàng Nagara, được lặp đi lặp lại nhiều lần:
Rồi mùa thu sang
Giọt sương mong manh
Tan trên đầu ngọn cỏ
Cuộc đời tôi cũng thế
Sẽ tan vào hư vô.
Tiếng hát mà thoạt nghe có vẻ như vang lên gần chỗ mái hiên đã nhỏ lại và xa dần. Khi điều gì chấm dứt đột ngột, ta sẽ cảm thấy hơi bất ngờ, nhưng cảm giác hụt hẫng chỉ thoáng qua. Một giọng hát có kết thúc rõ ràng sẽ tạo cho người nghe cảm giác về một sự hoàn chỉnh. Còn khi nghe cái gì cứ kéo dài mãi và nhỏ dần đi một cách tự nhiên rồi biến mất không biết từ lúc nào thì chúng ta cũng rút lại từng giây, chia nhỏ từng phút trong tâm trạng hồi hộp vô cùng. Trong sâu thẳm bài hát này có nỗi phấp phỏng như tâm trạng của một người vợ bên người chồng hấp hối nhưng chưa tắt thở, như khi ta nhìn một ngọn nến sắp tàn nhưng vẫn leo lét cháy. Có vô vàn những nỗi sầu muộn về mùa xuân trần thế mong manh.
Từ nãy đến giờ tôi vẫn nằm trong giường để nghe, nhưng khi giọng hát xa dần thì tai tôi cứ muốn đuổi theo những âm thanh ấy, dù biết rằng mình đang bị mê hoặc. Có cảm giác khi tiếng hát càng nhỏ lại thì tai tôi càng thể hiện vai trò của chúng và muốn bay theo dấu vết của những âm thanh đó. Trong khoảnh khắc trước khi tiếng hát tan biến hẳn, tôi không chịu nổi đã bất giác tung mền dậy và mở toang cánh cửa. Ngay lập tức từ đầu gối tôi trở xuống ngập trong ánh trăng chênh chếch. Và bóng những cành cây đong đưa trên bộ quần áo ngủ tôi đang mặc.
Lúc vừa mới mở cửa tôi không hề chú ý đến điều đó. Tôi nôn nóng tìm kiếm tiếng hát đã thôi thúc đôi tai mình… Và kia, một bóng người mờ ảo hiện ra dưới ánh trăng lạnh lẽo, đang trầm mặc tựa vào một gốc cây hình như là hải đường. Trong khoảnh khắc mà tôi vừa thoáng nghĩ có phải người ấy chăng, thậm chí tôi còn chưa kịp xác nhận điều đó trong ý thức thì cái bóng đen kia đã giẫm lên bóng hoa đi về hướng bên phải. Rồi cánh cửa gian phòng ở góc dãy nhà, kề sát phòng tôi đang ở khẽ mở ra, một dáng con gái cao cao lướt nhanh vào bên trong, biến mất khỏi tầm nhìn.
Tôi vẫn đứng một lúc lâu trong tâm trạng bồi hồi, tay vịn vào cánh cửa trượt, trên người chỉ có một lớp áo yukata mà quán trọ dành cho du khách, và ngay khi sực tỉnh thì nhận ra tuy đã vào mùa xuân nhưng trên núi vẫn còn khá lạnh. Tôi quay lại chui vào mớ chăn mền bỏ trống và tiếp tục suy nghĩ. Tôi lấy chiếc đồng hồ bỏ túi đặt dưới gối ra xem thì thấy hơn một giờ mười phút, rồi lại đặt đồng hồ vào dưới gối và suy nghĩ tiếp. Chắc hẳn không phải là ma. Nếu không phải ma thì là người, mà người thì phải là phụ nữ. Hay có thể là cô con gái trong nhà này. Nhưng nếu là cô gái đã bỏ chồng về nhà mà nửa đêm lại ra khu vườn tiếp nối những ngọn đồi hoang dại thế này thì có vẻ hơi bất ổn. Nhưng dù sự thật là thế nào thì tôi cũng khó mà trở lại giấc ngủ. Lại thêm chiếc đồng hồ đặt dưới gối cứ kêu tích tắc. Tôi chưa từng để ý đến âm thanh của chiếc đồng hồ bỏ túi, nhưng riêng đêm nay thì tiếng kêu của nó cứ như bảo tôi “Ðừng ngủ, đừng ngủ!” và thôi thúc “Suy nghĩ tiếp đi nào!”. Thật quái lạ!
Ngay cả những gì đáng sợ nếu ta nhìn nó đúng như là điều đáng sợ thì cũng có thể trở thành cảm hứng thơ ca. Nếu nhìn những điều kỳ lạ một cách độc lập từ điểm nhìn khách quan thì cũng có cảm hứng vẽ tranh. Cũng theo cách đó mà chuyện thất tình trở thành đề tài của nghệ thuật. Nếu quên đi sự đau khổ vì thất tình, chỉ nhớ đến một cách rõ ràng và khách quan những cảm xúc dịu dàng, sự thấu hiểu lẫn nhau, nỗi buồn lắng đọng, hay thậm chí là bản thân trạng thái tràn ngập đau khổ vì thất tình, thì những điều đó sẽ trở thành chất liệu của văn chương hay mỹ thuật. Cũng có trường hợp người ta tưởng tượng ra chuyện thất tình không có thực, rồi tự mình ôm lấy phiền muộn và khao khát niềm vui.
Người bình thường thì bảo rằng những người như thế là ngu ngốc, điên rồ. Tuy nhiên, theo quan điểm nghệ thuật thì phải nói rằng, việc tự mình vẽ ra sự bất hạnh rồi thưởng thức và sống trong đó cũng hoàn toàn giống như tự mình vẽ ra trong đầu một cảnh tượng không có thực rồi vui vẻ trong thế giới tưởng tượng kia. Ở điểm này thì biết bao nghệ sĩ trên thế giới (không biết trong cuộc sống đời thường như thế nào) nhưng trong nghệ thuật thì so với người bình thường đều là những kẻ ngu ngốc và điên rồ. Khi mang dép rơm du hành thì suốt ngày chúng ta cứ luôn miệng kêu than vì cực nhọc, nhưng kể chuyện ngao du cho người khác nghe thì chẳng khổ sở chút nào. Những chuyện thú vị, vui vẻ thì đã đành, ngay cả những chuyện buồn trong quá khứ người ta cũng có thể nói huyên thuyên rôm rả. Ðây không phải là chuyện cố ý dối mình lừa người. Chẳng qua là trong những cuộc du hành thì chúng ta chỉ là người bình thường, nhưng trong lúc kể chuyện ngao du thì chúng ta mang thái độ của thi nhân, nên mới có chuyện mâu thuẫn như thế. Như vậy, có thể gọi nghệ sĩ là những người sống trong thế giới chỉ có ba góc, vì thế giới bốn góc quen thuộc đã bị vạt mất một góc dành cho những nhận thức bình thường.
Vì vậy, trong tự nhiên hay trong thế giới con người cũng thế, ở những nơi mà đám đông bình thường tỏ ra e sợ và co cụm lại thì nghệ sĩ nhìn ra được vẻ lung linh vô ngần và thấy được sự quý giá tột cùng của nghệ thuật. Những người bình thường gọi đó là mỹ hóa. Nhưng thực tế thì chẳng có gì là mỹ hóa cả. Trong thế giới vật chất này từ xưa đã lấp lánh thứ ánh sáng rực rỡ của cái đẹp. Chỉ vì có cái bóng mờ trong mắt làm ta không nhìn rõ, vì những suy tư ngổn ngang trong lòng mà không nhận rõ chân tướng sự vật. Vì không dứt được những phiền muộn của cõi đời, vì bị bó buộc bởi những chuyện được mất, vinh nhục và bị những tham vọng ám ảnh nên người ta cứ sống mà không chú ý gì đến giá trị thẩm mỹ, trước khi được biết vẻ đẹp của đoàn tàu hỏa trong tranh vẽ của Turner[7], hay vẻ đẹp của linh hồn trong tranh Okyo[8].
[7] Joseph Mallord William Turner (1775 – 1881) là họa sĩ người Anh, thuộc trường phái ấn tượng.
[8] Maruyama Okyo (1733 – 1795) là họa sĩ Nhật Bản thời Edo, vẽ tranh theo phong cách dung hợp giữa hình thức tả thực trong hội họa phương Tây và tranh trang trí Nhật Bản truyền thống.
Nếu xem cái bóng mà tôi vừa nhìn thấy chỉ là một hiện tượng đơn thuần thì cho dù ai nhìn hay nghe ai cũng là một hình ảnh nhiều thi vị. Suối nước nóng trong thôn vắng, bóng hoa trong chiều xuân, tiếng ngâm thơ dưới ánh trăng hay một hình bóng trong đêm trăng mờ đều là những chủ đề thu hút giới nghệ sĩ. Vậy mà giờ đây, với một chủ đề nên thơ ngay trước mắt mình, tôi lại đi xét nét vớ vẩn và đưa ra những bình luận không cần thiết. Thứ đạo lý cứng nhắc đã xâm phạm vào một thế giới tao nhã khó mà tìm được, thứ thành kiến hẹp hòi giẫm đạp lên sự thăng hoa không dễ có. Như thế thì việc tìm kiếm sự thanh thoát cũng trở nên vô nghĩa. Nếu không đào luyện tinh thần nhiều hơn nữa thì không thể khoác lác trước mọi người rằng mình là nhà thơ hay là họa sĩ. Tôi từng nghe có câu chuyện kể rằng, họa sĩ người Ý ngày xưa là Salvator Rosa vì muốn tìm hiểu về trộm cắp mà bất chấp sự nguy hiểm của bản thân để gia nhập vào một toán sơn tặc. Một khi đã dứt khoát cầm lấy cuốn sổ tay phác họa cho vào túi rồi dấn bước vào cuộc hành trình, nếu không có quyết tâm khám phá như vậy thì thật đáng xấu hổ.
Trong trường hợp này, để trở về với cái nhìn có hồn thơ thì chỉ cần tạo ra không gian để đặt cảm xúc của bản thân trước mặt mình, rồi lùi lại một bước để khám phá cảm xúc ấy một cách khách quan trong trạng thái điềm tĩnh. Nếu là nhà thơ thì phải có trách nhiệm tự mổ xẻ bản thân và cho mọi người biết rõ bệnh trạng của mình. Có nhiều cách để làm điều đó nhưng cách thuận tiện nhất là khi có bất cứ ý tưởng gì cũng ghi lại bằng thể thơ mười bảy chữ[9]. Thơ mười bảy chữ về hình thức là thể thơ dễ làm nhất, nên người ta có thể làm được dễ dàng ngay cả khi đang rửa mặt, khi ở trong nhà vệ sinh hay trên xe điện. Nhưng không nên khinh suất mà cho rằng làm được thơ mười bảy chữ một cách dễ dàng thì cũng dễ trở thành nhà thơ, và bởi vì trở thành nhà thơ cũng là một kiểu giác ngộ nên cho rằng giác ngộ cũng là điều đơn giản. Theo tôi thì cái gì càng đơn giản hiệu quả lại càng cao, nên ngược lại càng đáng được tôn trọng. Giả sử ta đang có điều gì tức giận, thì ta ghi lại ngay sự tức giận kia bằng bài thơ mười bảy chữ. Khi làm như thế thì sự tức giận của ta rốt cuộc đã trở thành cơn giận của tha nhân. Người ta không thể vừa tức giận vừa làm thơ haiku cùng một lúc. Hay là khi ta khóc, ta có thể biến nước mắt thành thơ. Ngay khi làm được điều đó thì ta đã thấy hạnh phúc rồi. Khi biến nước mắt thành thơ thì những giọt nước mắt đau khổ đã rời khỏi bản thân mình, và ta trở thành một người đàn ông sung sướng vì biết khóc.
[9] Thể thơ mười bảy chữ là thể thơ haiku.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.