Gối Đầu Lên Cỏ
Chương 4
Tôi tha thẩn quay về phòng thì thấy quả nhiên phòng đã được dọn sạch. Vì trong lòng có hơi thắc mắc nên tôi thử mở cửa tủ xem lại. Ở phía dưới có ngăn tủ nhỏ. Một tấm vải dùng làm thắt lưng nhuộm theo phong cáchyuzen[1] bị xổ ra một nửa, buông rủ từ trên xuống. Có thể đoán rằng ai đó vừa lấy vội quần áo rồi đi ra ngoài. Không nhìn thấy nửa trên của tấm vải vì bị lấp trong một bộ trang phục có hoa văn lộng lẫy. Có một ít sách được xếp ở một bên. Trên cùng là cuốn Orategama của Thiền sư Bạch Ẩn và cuốn đầu tiên của Truyện Ise. Cái bóng mà tôi nhìn thấy tối qua chắc là có thật.
[1] Một kiểu nhuộm vải đặc biệt, tạo ra nhiều mẫu vải có hoa văn đẹp, quý phái.
Tôi lơ đãng ngồi lên tấm đệm, cuốn sổ phác họa trên chiếc bàn gỗ trắc vẫn đang mở ra một cách chỉnh tề với chiếc bút chì kẹp ở giữa. Tôi cầm bút lên định xem lại những bài thơ mà đêm qua mình đã viết say sưa.
Phía dưới bài thơ:
Ngơ ngẩn
Làm run rẩy giọt sương
Ðóa hải đường
Lại có một bài thơ ai đó đã viết vào thêm:
Tiếng chim ca buổi sớm
Làm run rẩy giọt sương
Ðóa hải đường
Vì nét chữ được viết bằng bút chì nên không thể hiện rõ phong cách, nhưng có vẻ hơi cứng so với nét chữ con gái, mà lại hơi mềm so với nét chữ của đàn ông. Và lạ lùng chưa, khi tôi đọc bài thơ:
Bóng hoa
Bóng người con gái
Mơ hồ
Thì lại thấy bên dưới có thêm bài:
Bóng hoa
Bóng người con gái
Lẫn vào nhau
Rồi bên dưới bài thơ:
Hồ ly
Hóa thành cô gái
Trăng mờ
Lại có bài:
Chàng thư sinh
Hóa thành cô gái
Trăng mờ
Tôi nghiêng đầu suy nghĩ, không hiểu người này định bắt chước hay muốn sửa những bài thơ tôi viết, hay là định thêm một chút thi vị vào thơ. Có thể đây là một kẻ hơi điên. Hoặc là một kiểu giễu cợt người khác.
Vì đã hẹn là “gặp lại sau”, nên có thể cô ấy sẽ xuất hiện trong bữa ăn sáng nay. Nếu mà cô xuất hiện thì có lẽ mọi chuyện sẽ dễ hiểu hơn một chút. Tôi xem đồng hồ thì thấy đã hơn mười một giờ. Mình ngủ nhiều thật! Thế này thì có lẽ chỉ nên ăn một bữa trưa thôi.
Tôi mở cánh cửa trượt bên phải, đưa mắt tìm dư âm của tiếng hát đêm qua. Cái cây mà tôi đoán là cây hải đường thì quả đúng như vậy, nhưng khu vườn thì hẹp hơn tôi tưởng. Rêu xanh phủ đầy trên bề mặt năm, sáu hòn đá lát lối đi, gợi cảm giác êm dịu khi ta bước chân trần trên đó. Trên sườn núi chạy dài phía bên trái, giữa những tảng đá là mấy cây thông đỏ mọc nghiêng xuống khu vườn. Phía sau cây hải đường có vài bụi cây, xa hơn nữa là một đám trúc xanh rì cao hơn mười mét đang tắm trong ánh nắng ngày xuân. Phía bên tay phải thì bị mái nhà che khuất nên không nhìn thấy được, nhưng nhìn địa hình thì thấy có vẻ là một con dốc thoai thoải, thấp dần về phía bể tắm công cộng.
Hết núi thì đến đồi thấp. Hết đồi thấp thì mở ra một khu đất bằng phẳng rộng chừng bốn trăm thước. Nối tiếp khoảng đất bằng là phần dưới đáy biển. Rồi đột ngột nhô lên khỏi mặt nước, cách bờ gần bảy mươi cây số, một dải đất có tên là Mayajima – một đảo nhỏ có chu vi chừng ba mươi ki lô mét vuông. Ðó là địa hình của vùng Nakoi. Khu nghỉ dưỡng có suối nước nóng nằm nương theo triền núi, với địa hình đồi núi chiếm một nửa khu vườn, nên những kiến trúc ở đây mặt trước thì hai tầng nhưng phía sau là nhà trệt. Chỉ cần thò chân xuống khỏi ban công là gót chân đã chạm vào rêu. Thảo nào đêm qua khi hấp tấp leo lên leo xuống cầu thang hẹp, tôi đã cảm thấy ngôi nhà này có kiến trúc thật lạ kỳ!
Rồi tôi mở cánh cửa sổ bên tay trái. Cành hoa anh đào núi lặng lẽ soi mình trong vũng nước mưa xuân đã đọng từ lúc nào trên tảng đá có bề mặt rộng bằng hai tấm chiếu lõm xuống một cách tự nhiên. Hai ba bụi trúc phủ xanh một góc tảng đá. Phía bên kia là một hàng rào làm bằng cây củ khởi. Thỉnh thoảng có thể nghe thấy tiếng cười nói vọng lại từ phía bên kia rào, hẳn là bên đó có con đường mòn từ bãi biển chạy lên đồi. Bên kia con đường có người đi là một đám quýt được trồng trên con dốc thoải dần về phía nam, và ở phía cuối thung lũng là những bụi tre to trắng lóa. Lần đầu tiên tôi mới nhận ra rằng, nhìn từ xa thì lá tre ánh lên màu trắng bạc. Phía trên đám tre là rừng tùng, có thể nhìn thấy rõ mồn một con đường lát bằng năm sáu bậc đá chạy giữa những thân cây. Hình như bên ấy có một ngôi chùa.
Tôi mở cửa trượt và bước ra ngoài hiên. Ở về phía có thể nhìn thấy biển, cách một khoảng sân ở giữa là một gian nhà mặt trước có hai tầng, với những thanh chắn lan can tạo thành hình chữ nhật. Tôi thấy thật thú vị vì căn phòng mình đang ở, nếu dựa vào chiều cao của lan can, thì cũng cao bằng tầng hai của căn nhà bên kia. Nếu tính cả khu vực tắm nước nóng nằm ở tầng thấp hơn nữa thì có thể nói tôi đang ở vị trí cao nhất trong một căn nhà ba tầng.
Nhà thì rất rộng. Nhưng ngoại trừ gian nhà hai tầng ở phía đối diện và một phòng nối tiếp dãy hành lang phòng tôi bên góc phải thì dường như hầu hết đều là phòng trọ dành cho khách đang đóng cửa, còn phòng tiếp khách của gia đình và nhà bếp thì chẳng thấy đâu. Khách trọ ở đây ngoài tôi ra thì hình như chẳng còn ai khác. Những căn phòng đang khép cửa thì đóng kín cả cửa chớp suốt ngày, nhưng nếu cửa phòng đã mở thì hình như ban đêm cũng không ai đóng lại. Thậm chí là cửa trước chẳng biết có cài chốt hay không. Có thể nói rằng đối với một cuộc hành trình tìm kiếm sự thăng hoa thì đây là một nơi lý tưởng.
Kim đồng hồ đã chỉ gần mười hai giờ mà vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của bữa cơm trưa. Tôi đã bắt đầu có cảm giác đói bụng, nhưng vì thấy mình đang ở trong cõi thơ “đồi núi hoang vu chẳng thấy người”, nên tự nhủ rằng có phải nhịn một chút cũng không sao. Lúc này mà vẽ tranh thì cũng phiền toái quá. Thơ haiku thì tôi không định làm, nhưng vì bắt được dòng cảm hứng nên những dòng thơ cứ nối tiếp nhau một cách dễ dàng. Tôi đã mang hai, ba cuốn sách kèm theo giá vẽ nhưng bây giờ không có hứng thú để đọc. Cứ như thế này, nằm phơi lưng trong tiết trời mùa xuân ấm áp dưới bóng hoa ngoài hiên nhà thì quả là cực lạc nơi trần thế. Nếu ta suy nghĩ thì sẽ lạc lối ngay. Còn nếu hoạt động thì sẽ rất nguy hiểm. Thậm chí nếu được thì tôi còn muốn nín thở nữa kia. Tôi muốn ở lại đây hai tuần trong trạng thái bất động, như một cái cây mọc rễ trên tấm chiếu.
Ngay lúc đó có tiếng bước chân ở hành lang phía dưới, rồi ai đó đi lên cầu thang. Khi tiếng bước chân đến gần thì nghe có vẻ như hai người đang đến. Tôi vừa nghĩ chắc là họ đã đến trước cửa phòng thì một người im lặng quay trở xuống. Cửa trượt mở. Tôi cứ tưởng là người đã gặp ban sáng nhưng hóa ra là cô gái nhỏ nhắn tối qua. Có cảm giác như thiếu vắng một điều gì đó.
– Xin lỗi anh vì đã làm cơm hơi muộn.
Cô nói rồi dọn bữa. Chẳng đề cập gì đến bữa ăn sáng. Tôi thấy trong chiếc đĩa hoa văn màu xanh có món cá nướng, và khi mở nắp một chiếc chén thì thấy những con tôm màu hồng ẩn mình trong đám lá dương xỉ non. Thấy màu đẹp, tôi cứ mải ngắm thức ăn trong lòng chén.
– Anh không thích à? Cô gái hỏi.
– Không. Tôi sẽ ăn ngay bây giờ đấy chứ
Tôi nói vậy nhưng cũng cảm thấy nếu mà ăn mất đi thì cũng hơi tiếc thật. Tôi đã từng đọc trong sách câu chuyện tả cảnh Turner dự một bữa tiệc tối. Ông vừa ngắm món salad bày trên đĩa vừa nói với người bên cạnh rằng màu dịu thật, rằng đây là màu tôi vẫn dùng. Và tôi rất muốn giới thiệu với Turner màu của những con tôm và rau dương xỉ. Trong các loại thực phẩm của phương Tây chẳng có thứ nào đẹp về màu sắc. Có chăng chỉ là salad và củ cải đỏ. Nếu nói về khía cạnh dinh dưỡng thì không biết thế nào, nhưng theo cái nhìn của họa sĩ thì đều là những món ăn kém hấp dẫn. Sang phương Tây tôi mới nhận ra rằng, trong thực đơn của người Nhật từ món súp, đồ ngọt dùng khi uống trà cho đến món cá sống đều được trình bày đẹp mắt. Khi đến khu ẩm thực truyền thống, chỉ cần ngồi ngắm khay thức ăn trước mặt, dù không hề đụng đũa thì cũng đã được thưởng thức một bữa tiệc no mắt, thật bõ công!
– Hình như trong nhà ta có một cô gái trẻ phải không? Tôi vừa đặt chén cơm xuống bàn vừa hỏi chuyện.
– Vâng ạ.
– Cô ấy là ai thế?
– Bà chủ trẻ đấy ạ.
– Vậy ra còn có bà chủ lớn nữa ư?
– Bà đã qua đời năm ngoái rồi ạ.
– Còn ông chủ?
– Vẫn còn đấy ạ. Cô gái là con ông ấy đấy.
– Ý cô nói là bà chủ trẻ đấy à?
– Vâng.
– Ở đây có ai là khách trọ nữa không, cô?
– Không ạ.
– Chỉ một mình tôi ư?
– Vâng.
– Bà chủ trẻ thường ngày làm gì nhỉ?
– Dạ, thì cũng may vá…
– Rồi còn làm gì nữa?
– Chơi đàn samisen[2].
[2] Loại đàn ba dây của Nhật Bản.
Ðiều này quả là bất ngờ. Thật thú vị. Tôi thử hỏi tiếp:
– Rồi còn làm gì nữa không?
Thì cô gái trả lời:
– Cô ấy đi chùa.
Ðây cũng là điều bất ngờ. Ði chùa và chơi đàn samisen đều là những biểu hiện độc đáo.
– Cô ấy đi chùa để làm lễ phải không?
– Không ạ, cô đến thăm hòa thượng.
– Hòa thượng học đàn samisen chăng?
– Không ạ.
– Vậy thì cô đến đấy làm gì nhỉ?
– Ðến chỗ ngài Daitetsu đấy ạ.
Thì ra vậy. Rõ ràng người có tên là Daitetsu đã viết bức thư pháp trên tường. Nếu suy ra từ những lời cô gái nói thì có lẽ ông là một Thiền sư. Cuốn Orategama trong tủ chắc hẳn thuộc về cô ấy.
– Căn phòng này thường ngày vẫn có ai đó ra vào chứ nhỉ?
– Thường thì người đó là bà chủ trẻ đấy ạ.
– Vậy thì cô ấy đã ở đây trước lúc tôi đến hôm qua chứ?
– Vâng ạ.
– Nếu vậy thì tôi thất lễ quá. Mà cô ấy đến chỗ ngài Daitetsu làm gì thế nhỉ?
– Tôi không biết ạ.
– Còn việc gì nữa không?
– Sao cơ ạ?
– Ý tôi hỏi là cô ấy có còn làm việc gì nữa không?
– Dạ, thì nhiều việc linh tinh…
– Việc linh tinh là những việc gì?
– Tôi không biết ạ.
Cuộc đối thoại chấm dứt ở đây. Bữa ăn đã kết thúc. Cô gái thu dọn bát đĩa, và khi cô mở cánh cửa trượt thì bỗng tôi nhìn thấy ở bên kia đám cỏ cây mọc trong sân giữa, trên lan can tầng hai của gian nhà đối diện, hiện ra một gương mặt con gái bên dưới búi tóc kiểu ichogaeshi[3]. Cô gái đưa hai tay chống cằm, vẻ mặt tươi sáng như Phật bà Quan Âm đang nhìn xuống phía dưới. Trái ngược với lúc sáng, bây giờ cô có vẻ hết sức điềm đạm. Phải chăng sự thay đổi ấy là do lúc này cô đang cúi xuống, ánh mắt không nhìn về phía tôi? Người xưa có nói rằng trên cơ thể con người không có gì bằng đôi mắt, quả đúng là ở một con người thì đôi mắt là bộ phận linh hoạt nhất. Từ phía dưới những thanh chắn ban công được tạo hình hoa văn mà cô gái đang trầm tư tựa vào, đôi cánh bướm đang chập chờn bay lên. Thi thoảng chúng như nhập vào làm một, rồi lại tách rời ra. Ngay lúc đó thì cánh cửa phòng tôi trượt mở. Nghe tiếng cửa trượt, cô gái đột ngột chuyển cái nhìn từ đôi bướm sang phía tôi. Tia nhìn từ ánh mắt cô như một mũi tên độc xuyên qua khoảng không giữa hai người, chiếu thẳng vào trán tôi một cách điềm nhiên, không có dấu hiệu gì tỏ ra quen biết hay thân mật. Trong lúc tôi còn đang sửng sốt thì cô gái trẻ đã khép cánh cửa trượt, trả lại một không gian mùa xuân thanh thản vô cùng.
[3] Một kiểu tóc búi cao của phụ nữ Nhật Bản khi mặc trang phục truyền thống.
Tôi lại nằm ườn ra trên tấm đệm. Chợt nhớ đến mấy câu thơ:
Sadder than is the moon’s lost light,
Lost ere the kindling of dawn,
To travellers journeying on,
The shutting of thy fair face from my sight.
(Buồn hơn vầng trăng đã mất đi ánh sáng
Hay bầu trời không còn ánh bình minh
Là khi lữ khách miệt mài dấn bước
Không còn được ngắm gương mặt yêu kiều)
Giả sử tôi đem lòng mơ tưởng cô gái có mái tóc búi cao kia, rồi cố gắng hết mình để được nhìn cô ấy, để rồi đau khổ trước ánh mắt lạnh lùng lướt ngang như khoảnh khắc vừa qua, thì chắc hẳn tôi sẽ gửi gắm mọi cảm xúc, dù sung sướng và hay đau khổ, vào những vần thơ như thế. Rồi có thể còn thêm cả hai câu thế này:
Might I look on thee in death,
With bliss I would yield my breath.
(Có thể tôi được ngắm nhìn em khi cận kề cái chết
Và sung sướng trút hơi thở cuối cùng)
May mắn thay, tôi đã vượt qua ranh giới của những thứ tầm thường được gọi là tình yêu hay sự lưu luyến ấy, nên dù có muốn cũng không hề biết đến cảm giác đau khổ như vậy. Nhưng mấy câu thơ này lại thể hiện một cách tuyệt vời cái điều mà tôi vừa chứng kiến trong khoảnh khắc vừa qua. Tuy rằng giữa tôi và cô gái có búi tóc kia không có một niềm nhung nhớ thiết tha như thế, nhưng đặt vị thế của hai người lồng vào ý thơ trên thì thật là thú vị. Hoặc là hiểu ý nghĩa của bài thơ này trong hoàn cảnh của chúng tôi thì cũng rất hay. Giữa hai người chúng tôi lúc này đang vương vấn một sợi chỉ nhân duyên mỏng manh, phần nào giống với tình cảnh trong bài thơ ấy. Nếu nhân duyên chỉ là một sợi chỉ mong manh như thế này thì chẳng có gì là đau khổ. Nhưng đây không phải là một sợi chỉ thông thường. Nó giống như cầu vồng giăng ngang trời, như sương khói mênh mang trên đồng ruộng, như sợi tơ nhện lấp lánh giọt sương. Mong manh dễ mất và tuyệt đẹp trong khoảnh khắc mà chúng ta chiêm ngưỡng. Nhưng nếu trong khoảnh khắc chúng ta nhìn ngắm, sợi chỉ bỗng phình to thành sợi dây thừng kéo nước thì sao? Chắc là không nguy hiểm đến mức ấy. Tôi là một họa sĩ. Còn cô ấy thì lại không giống như một cô gái bình thường.
Bất ngờ cánh cửa trượt mở ra. Khi tôi trở mình nhìn ra cửa thì thấy đối tượng của mối nhân duyên ấy, vẫn mái tóc búi cao, đang đứng trên ngưỡng cửa, bưng trên tay chiếc khay có đựng một chén sứ màu ngọc bích.
Cô cười:
– Anh lại ngủ đấy à? Ðêm qua anh bị làm phiền hơi nhiều phải không? Tôi đã mấy lần đường đột vào phòng anh, hì hì!
Dĩ nhiên cô chẳng hề tỏ ra rụt rè, bẽn lẽn hay xấu hổ. Ðơn giản là cô toàn giành thế chủ động.
– Cám ơn cô về chuyện hồi sáng nhé!
Tôi nhắc lại. Chợt nhận đây là lần thứ ba tôi lặp lại cùng một lời cảm ơn khách sáo. Ðã ba lần mà vẫn cảm thấy khó nói ra.
Tôi vừa định nhỏm dậy thì cô ấy bước đến bên chỗ đầu nằm, ngồi ngay xuống rồi nói với vẻ rất tự nhiên:
– Anh cứ nằm đi. Cứ vừa nằm vừa nói chuyện luôn vậy.
“Ừ phải đấy”, tôi thầm nghĩ và xoay người nằm sấp lại, hai tay chống cằm trên chiếu.
– Tôi sợ anh buồn nên mang đến một chút trà.
Tôi lại buột miệng nói:
– Cám ơn!
Trên chiếc đĩa đựng đồ ngọt để uống trà có mấy miếng yokan[4] trông rất hấp dẫn. Yokan là món tôi thích nhất trong các thứ bánh kẹo. Tôi không có cảm giác muốn ăn, nhưng miếng bánh có bề mặt trơn bóng, rắn chắc với chất thạch gần như trong suốt, nhìn theo kiểu nào thì cũng thấy đúng là một tác phẩm mỹ thuật. Ðặc biệt là cách chế biến để miếng yokanánh lên màu xanh dịu, giống như một hỗn hợp của ngọc và đá, rất là đẹp mắt. Hơn thế, miếng bánh màu xanh nhạt đang nằm trên chiếc đĩa sứ màu ngọc bích lấp loáng như mới được sinh ra từ chất sứ, làm tôi bất giác muốn đưa bàn tay ra thử vuốt ve. Bánh kẹo phương Tây không có loại nào cho ta cảm giác thích thú như vậy. Màu sắc của món kem thì có vẻ dịu dàng nhưng hơi ngột ngạt. Món thạch thì thoạt nhìn giống như viên đá quý nhưng châng lâng chứ không đằm thắm như bánh yokan. Còn loại bánh hình tháp năm tầng làm bằng sữa và đường cát trắng thì đúng là kinh khủng không tả được.
[4] Yokan là một loại bánh ngọt Nhật Bản có dạng thạch.
– Ừm. Ðẹp quá nhỉ!
– Bánh mới mua đấy. Anh Genbei mới mang từ dưới phố về. Tôi đoán là anh cũng thích ăn.
Có lẽ anh Genbei đã nghỉ lại dưới phố đêm qua. Tôi không nói gì mà chỉ ngắm miếng yokan trước mặt. Ai mua ở đâu về thì cũng không quan trọng lắm. Chỉ cần biết vẻ đẹp của cái đẹp là đã hoàn toàn mãn nguyện rồi.
– Cái đĩa sứ màu ngọc này có kiểu dáng thật tuyệt. Màu cũng rất đẹp nữa. Không kém cạnh gì so với miếngyokan.
Cô gái khúc khích cười. Khóe môi thoáng nét khinh bạc. Có lẽ cô nghĩ là tôi khoe khoang chữ nghĩa. Quả thật nếu mà tôi cố ý khoe khoang thì cũng đáng bị coi thường. Ðó là kiểu thể hiện của những người đàn ông kém thông minh mà hay lạm dụng ngôn từ hoa mỹ.
– Cái này là đồ sứ Trung Hoa à?
– Cái gì? – Cô gái chẳng chú ý gì đến cái đĩa sứ màu ngọc bích.
– Trông rất giống đồ sứ Trung Hoa. – Tôi bưng chiếc đĩa lên nhìn dưới đáy.
– Nếu anh thích mấy thứ kiểu đó thì tôi sẽ mang cho anh xem.
– Ừ, cho tôi xem với.
– Bố tôi rất thích đồ cổ, nên có rất nhiều món. Tôi sẽ nói với bố, rồi hôm nào ông sẽ mang ra mời anh uống trà.
Nghe nói đến trà tôi hơi nản. Trên đời không có loại người nào khoa trương mà tẻ nhạt như những trà nhân. Họ là những người làm cho thế giới nên thơ rộng rãi bị thu hẹp một cách bất thường. Họ cực kỳ tự tôn, tỏ ra hết sức đặc biệt, tự gò bó bản thân mình một cách không cần thiết vào một thế giới cực kỳ chật hẹp, rồi mãn nguyện với việc uống một nhúm bọt trà. Nếu có sự thanh nhã trong những quy tắc rườm rà đó, thì có lẽ một quân đoàn tinh nhuệ phải tỏa ra mùi hương thanh nhã đến điếc mũi! Và những chàng lính răm rắp quay mặt sang phải hoặc tiến lên phía trước đều xứng tầm với những trà nhân vĩ đại! Chẳng qua là một đám người thuộc tầng lớp thương nhân, thị dân, hoàn toàn không hiểu biết gì về những thú vui tao nhã, không biết làm thế nào để trở nên phong lưu nên mới vận dụng một cách máy móc và mù quáng những quy tắc của Rikyu[5] rồi cho rằng như thế là phong lưu lắm vậy. Nói cách khác, nếu xem cách làm đó là một môn nghệ thuật thì ngược lại những nghệ sĩ đích thực đều là những kẻ điên rồ cả.
[5] Rikyu là tên một vị trà sư nổi tiếng ở Nhật Bản, người đã xác lập những quy tắc cơ bản trong trà đạo.
– Cô có nói đến chuyện uống trà, chắc ông cụ phải theo một trường phái nào chứ nhỉ?
– Không, chẳng có trường phái nào đâu ạ. Nếu anh không thích thì không cần phải uống đâu.
– Nếu vậy thì nhân tiện trong lúc ở đây mà được uống cũng hay đấy.
– Hì hì! Bố tôi rất thích mang bộ đồ trà cho khách xem…
– Vậy tôi có cần phải khen không?
– Ông cụ có tuổi rồi, nên nếu được khen thì rất vui.
– Ðược rồi, tôi sẽ có vài lời tán thưởng.
– Ôi, anh cứ khen ngợi hết lời đi!
– A ha! Lời lẽ của cô đôi lúc chẳng giống kiểu thôn quê chút nào!
– Con người ta đều thuộc kiểu thôn quê hết cả ư?
– Người ta nên thuộc về thôn quê thì tốt hơn.
– Nếu vậy thì tôi đang có lợi thế cơ đấy!
– Nhưng hình như cô đã từng sống ở Tokyo rồi thì phải?
– Vâng, tôi cũng đã từng sống ở Kyoto. Vì tôi là người lang thang nên cũng biết khá nhiều nơi rồi đấy.
– Cô thích ở đây, hay ở thành phố hơn?
– Ở đâu cũng thế thôi.
– Nơi yên tĩnh như thế này thì bù lại sẽ được thoải mái đúng không?
– Thoải mái hay không thoải mái là tùy thuộc vào cảm nhận của mình thôi. Nếu sống giữa lũ bọ mà không chịu nổi thì làm sao sống trong đám muỗi được?
– Giá có thể đến một nơi không có bọ mà cũng chẳng có muỗi thì hay nhỉ!
– Nếu mà anh biết có nơi nào như thế thì hãy chỉ tôi xem! Nào, anh hãy chỉ ra đi! – Cô gái nghiêng người sang phía tôi.
– Nếu cô muốn thì tôi chỉ ra nhé.
Tôi lấy ra cuốn sổ tay dùng để vẽ phác họa. Hình ảnh cô gái cưỡi ngựa đang ngắm hoa anh đào núi…, tất nhiên tôi mới chỉ phác thảo vài nét chứ chưa vẽ thành một bức tranh. Chẳng qua là ghi lại lớt phớt vài đường nét thể hiện tâm trạng.
– Nào, hãy vào chỗ này đi. Ở đây chẳng có bọ mà cũng không có muỗi
Tôi đưa bức vẽ ra trước mũi cô. Tôi thầm nghĩ, chẳng biết cô có ngạc nhiên hay bối rối gì không, nhưng chắc hẳn cô chẳng tỏ vẻ gì là đau khổ. Cô nhìn bức vẽ một chút rồi gạt phắt đi:
– Ôi, sao mà ngột ngạt thế! Chỉ có bề ngang thôi sao? Anh thích một nơi kiểu đó à? Giống hệt một con cua nhỉ!
Tôi bật cười:
– Ha ha!
Một chú chim sơn ca mới vừa cất tiếng hót ở gần mái hiên chợt ngưng lại và chuyền cành ra phía xa. Cả hai chúng tôi đều cố ý ngừng nói chuyện, lắng tai nghe một lúc lâu, nhưng giọng ca đã bị đứt giữa chừng không dễ gì được cất lên lần nữa.
– Chắc hôm qua anh đã gặp anh Genbei trên núi phải không?
– Ừ.
– Anh cũng đã ghé thăm mộ tháp năm tầng của nàng Nagara rồi chứ?
– Rồi.
Cô gái chẳng giải thích, cũng chẳng kể ngọn ngành gì mà bất ngờ cất tiếng ca:
Rồi mùa thu sang
Giọt sương mong manh
Tan trên đầu ngọn cỏ
Cuộc đời tôi cũng thế
Sẽ tan vào hư vô.
Không hiểu điều gì khiến cô làm như thế.
– Bài ca đó tôi đã được nghe ở quán nước rồi.
– Bà cụ đã kể chuyện cho anh nghe phải không? Bà cụ ấy vốn là người làm ở nhà tôi, ngày tôi chưa lấy chồng… Cô gái kể, và khi cô nhìn sang tôi thì tôi vờ như không biết.
– Hồi ấy tôi còn trẻ. Mỗi lần bà đến tôi đều kể câu chuyện về nàng Nagara. Chỉ có bài ca ấy là mãi bà không nhớ được, nhưng vì nghe nhiều lần quá nên rốt cuộc rồi cũng thuộc lòng.
– Thì ra thế. Tôi vẫn thắc mắc, không biết bà cụ nghe được ở đâu một câu chuyện phức tạp như vậy… Nhưng mà, bài ca ấy cảm động quá phải không?
– Cảm động ư? Nếu là tôi thì tôi không ca những lời như thế. Trước hết, gieo mình xuống sông thì thật ngớ ngẩn, phải không nào?
– Ðúng là ngớ ngẩn thật. Nếu là cô thì cô sẽ làm gì?
– Làm gì thì cũng vô nghĩa hết. Chỉ có cách là giữ lấy cả hai chàng, cả Sasada và Sasabe luôn vậy.
– Cả hai kia à?
– Vâng.
– Cô thật đáng khâm phục!
– Có gì đâu. Chuyện đương nhiên thôi mà.
– Thảo nào cô bảo là chẳng bước vào thế giới của bọ hay của muỗi!
– Thì người ta vẫn sống được mà chẳng cần phải suy nghĩ như một con cua đấy chứ!
“Ho..o..o.., hokekyoo…”, chú chim sơn ca bắt đầu bị lãng quên hẳn là đã lấy lại phong độ, bỗng dưng hót lảnh lót một tràng dài. Có vẻ như nếu đã bắt đầu suôn sẻ thì sau đó âm thanh cứ tuôn ra một cách tự nhiên. Chú chim treo mình chổng ngược, rung chiếc cổ căng phồng, từ chiếc mỏ nhỏ xíu đang ngoác rộng tuôn ra một tràng dài những tiếng ca không dứt: “Ho..o..o.., hokekyoo…”.
– Một bài ca đích thực! – Cô gái bảo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.