Gối Đầu Lên Cỏ
Chương 7
Trời lạnh. Tôi choàng tấm khăn đi xuống bồn tắm nước nóng.
Sau khi trút bỏ quần áo ở phòng thay đồ rộng ba chiếu, tôi đi xuống bốn bậc thang thì đến một khu nhà tắm rộng chừng tám chiếu. Có vẻ như ở nơi này rất nhiều nguyên liệu đá, nên phòng tắm được lát bằng đá hoa cương, và bể tắm nước nóng nằm ở giữa phòng, giống như cái bồn ở tiệm bán đậu phụ, lõm xuống mặt đất chừng hơn một mét. Cái gọi là “bể” này thật ra cũng được lát bằng đá. Nơi này có tên là suối khoáng nên chắc hẳn là nước ở đây có nhiều khoáng chất, nhưng màu nước trong suốt rất dễ chịu. Thỉnh thoảng tôi vốc nước lên nếm thử nhưng chẳng thấy có mùi hay vị gì đặc biệt. Nghe nói loại nước này cũng có tác dụng chữa bệnh nhưng tôi chưa tìm hiểu nên không rõ là chữa được bệnh gì. Tôi vốn cũng chẳng có bệnh gì đặc biệt nên chưa từng quan tâm đến việc tìm hiểu giá trị sử dụng thực tế của nước khoáng. Mỗi lần ngâm mình trong bể tắm tôi chỉ nhớ đến câu thơ của Bạch Lạc Thiên[1]: “Dòng nước ấm mùa xuân/ Rửa trôi hết bụi trần” [2]. Hễ nghe nhắc đến “suối nước nóng” là tôi lại nhớ câu thơ này và cảm thấy khoan khoái. Hoặc nếu mà có suối nước nóng nào không mang lại cho tôi cảm giác thích thú kia thì tôi cho rằng nó không phải là một suối nước nóng đúng nghĩa. Ngoài tiêu chuẩn này tôi chẳng có đòi hỏi gì hơn.
[1] Tức Bạch Cư Dị (772 – 846), nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng đời Ðường.
[2] Hai câu thơ trong bài Trường hận ca.
Khi ngâm hết cả người vào bể thì nước ngập đến ngang ngực. Tôi không biết người ta dẫn nước từ chỗ nào vào bể tắm, nhưng mực nước luôn ngập qua thành bể, trông rất tinh khiết. Ðá lát đáy bể luôn đẫm nước và ấm áp dưới chân gây cảm giác dễ chịu. Mưa rơi nhẹ nhàng như lướt qua màn đêm, lặng lẽ tưới mát bầu không khí mùa xuân. Nhưng rồi tiếng mưa trên mái nhà càng lúc càng nặng hạt hơn, nghe rõ tiếng lộp độp, lộp độp. Hơi nước bốc lên mù mịt, tràn ngập cả gian phòng từ dưới sàn lên đến trần nhà, như đang cố tìm bất cứ khe hở hay lỗ hổng nhỏ nào để thoát ra. Sương thu lạnh hay sương mù giăng bảng lảng và khói bếp cơm chiều xanh ngát đều gửi vào bầu trời rộng mở những hình ảnh về kiếp phù sinh của chúng ta. Và những hình ảnh đó đều gợi lên nỗi buồn khó tả trước cuộc sống vô thường. Nhưng chỉ lúc này, khi đắm mình vào đám mây hơi nước ở vùng suối nước nóng trong một buổi tối mùa xuân, để cảm giác êm dịu bao bọc lấy da thịt để trần, tôi mới cảm thấy dường như mình đã biến thành một người khác, thuộc về một thế giới nào đó rất cổ xưa. Tuy rằng đám mây này không dày đặc đến mức che lấp toàn bộ những gì trước mắt, nhưng cũng không mỏng manh đến nỗi chỉ cần vén qua như xé đi một lớp vải mỏng thì con người trần tục của tôi sẽ bị phơi bày. Dù có xé đi một lớp, hai lớp hay bao nhiêu lớp thì với gương mặt bị che lấp trong làn khói mù này, tôi vẫn là một người vô hình được bao phủ trong một chiếc cầu vồng ấm áp. Người ta thường nói “say rượu”, chứ tôi chưa từng nghe ai nói là “say sương khói”. Mà dẫu có nói thế đi chăng nữa, thì tất nhiên người ta không định nói đến sương muối, mà cũng sẽ quá nặng nếu dùng cho sương mù. Lần đầu tiên tôi mới nhận ra cách nói ấy chỉ phù hợp với làn hơi nước mờ mịt thế này, khi người ta nghĩ về hai chữ “đêm xuân”.
Tôi tựa đầu lên thành bể tắm, ngước mặt lên, và thả nổi cơ thể hoàn toàn trong làn nước trong vắt. Linh hồn tôi cũng trôi nổi bồng bềnh như một sinh vật phù du. Nếu ta sống trong cuộc đời cũng với trạng thái thế này thì thoải mái biết bao. Có thể gỡ hết mọi rào cản phân biệt, bỏ hết mọi ngăn trở vì chấp trước. Mặc kệ mọi thứ trên đời, tôi cứ hòa mình vào trong làn nước ấm. Sống nhẹ nhõm như một phiêu sinh vật. Nếu trôi nổi bồng bềnh như vậy mà làm cho tâm hồn cũng bay bổng được thì còn tốt hơn là trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Ðúng là nếu suy nghĩ theo kiểu như thế này thì chết đuối quả là đẹp đẽ và hạnh phúc. Tôi cho rằng trong một bài thơ nào đó của Swinburne[3], tác giả đã viết về cảm giác vui sướng của một người con gái chết trong dòng nước. Hình ảnh nàng Ophelia trong tranh của Millais mà trước đây tôi vẫn nghĩ là đau khổ, nếu nhìn theo quan niệm này thì cũng trở nên rất đẹp. Từ trước đến giờ tôi vẫn đặt câu hỏi vì sao họa sĩ lại chọn một cảnh tượng gò bó như vậy, và lúc này tôi mới chợt hiểu rằng hội họa thì phải thế. Ðúng là rất đẹp nếu vẽ một người đang trôi hoặc đang chìm, hay có thể đang trôi nổi dập dềnh trong làn nước với vẻ mặt thanh thản. Nếu vẽ thêm hoa cỏ hai bên bờ, phối màu sao cho màu sắc của nước, sắc mặt của người trôi trên dòng nước và màu sắc của y phục hòa hợp với nhau thì chắc chắn sẽ thành một bức tranh đẹp. Tuy nhiên, nếu gương mặt một người chết trôi mà lại có được sự bình yên đến thế thì hình ảnh ấy phải là một huyền thoại hay một lối biểu tượng. Thể hiện sự đau đớn về thể xác thì sẽ làm hỏng tinh thần của bức tranh, nhưng nếu là gương mặt hoàn toàn bình thản, không có vẻ gì là đau khổ thì không phản ánh được tình cảm của con người. Phải vẽ một gương mặt như thế nào thì mới thành công nhỉ? Bức tranh Ophelia của Millais thì đúng là thành công đấy, nhưng tôi không tin rằng thế giới tinh thần của danh họa và mình lại giống nhau. Millais là Millais, tôi là tôi. Vì vậy tôi muốn vẽ một bức tranh về sự an lạc ở người chết đuối, xuất phát từ cảm hứng của riêng mình. Nhưng chẳng dễ gì mường tượng được gương mặt mà tôi muốn thể hiện.
[3] Algernon Charlet Swinburne (1837 – 1909) là nhà thơ nữ người Anh.
Lần này thì tôi làm một bài thơ ca ngợi người chết đuối, vẫn trong trạng thái trôi nổi bồng bềnh.
Khi trời mưa thì ướt
Khi sương rơi thì lạnh
Trong lòng đất tối tăm
Nhưng trôi trên dòng sông
Hay chìm trong sóng nước
Làn nước mùa xuân sẽ gột rửa muộn phiền…
Trong khi tôi đang mơ màng vừa thả nổi vừa ngâm nho nhỏ mấy câu như thế thì chợt nghe thấy tiếng đàn samisen từ đâu vẳng lại. Với một người được gọi là nghệ sĩ thì chuyện này đúng là đáng xấu hổ, nhưng phải thú nhận rằng thính giác của tôi hầu như không lĩnh hội được thứ tri thức lạ lùng về cách chơi đàn samisen, không phân biệt được cao độ của nốt này hay nốt khác. Tuy nhiên, trong một đêm mùa xuân thanh vắng, càng thêm thi vị khi có hơi mưa, trong một khu nghỉ dưỡng gần suối nước nóng ở vùng đồi núi, thả mình trong làn nước mùa xuân ấm áp đến tận tâm hồn mà vô tình được nghe tiếng đàn vẳng lại từ xa thì thật tuyệt. Vì xa nên dĩ nhiên là tôi không rõ người ta hát hay đàn điệu gì. Nhưng tiếng đàn có một vẻ gì đó rất cuốn hút. Nghe âm điệu trầm lắng, tôi đoán là khúc hát của những người hát rong vùng Kamigata[4], thường được chơi bằng loại đàn futozao[5].
[4] Nghĩa là vùng kinh đô.
[5] Một loại đàn samisen.
Thuở bé, trước cửa nhà tôi có một quán rượu tên là Yorozuya. Chủ quán có một cô con gái tên là Okura. Cô Okura này luôn dạo khúc nagauta vào buổi xế trưa của ngày xuân êm ả. Hễ nghe tiếng nhạc cất lên là tôi lại chạy ra vườn. Có ba cây thông mọc ở phía trước vườn trà rộng hơn ba mươi mét vuông, phía đông của gian phòng khách. Ðó là những cây thông to, gốc cây có chu vi gần nửa mét. Và điều thú vị là hình như những cây thông này chỉ khi đứng gần nhau mới tạo ra dáng đẹp. Hồi nhỏ, mỗi khi ngắm mấy cây thông này tôi thấy rất dễ chịu. Dưới gốc thông, trên một tảng đá màu đỏ mà tôi không biết là loại đá gì, có một chiếc đèn sắt màu đen đã rỉ sét, cứ đứng im lìm như một lão già ngoan cố. Tôi rất thích ngắm chiếc đèn lồng. Và xung quanh chiếc đèn ấy, những ngọn cỏ mùa xuân mà tôi không biết tên đâm xuyên qua mặt đất phủ dày rêu, không cần biết đến những cơn gió của cõi vô thường, đang âm thầm tỏa hương và lặng lẽ tận hưởng cuộc sống. Hồi đó, trong đám cỏ này, tôi tìm được một chỗ vừa đủ để chen chân, và hay ngồi hàng giờ ở đó. Thói quen mỗi ngày của tôi dạo ấy là ngồi dưới gốc thông, ngắm chiếc đèn lồng, ngửi mùi hương của cỏ, và nghe tiếng đàn của cô Okura từ xa vọng lại.
Có lẽ cô Okura đã trải qua thời kỳ búi tóc thành búi tròn theo kiểu phụ nữ mới kết hôn. Cô hay ngồi ở quầy thanh toán của quán rượu, gương mặt có vẻ đã từng trải vì mưu sinh. Tôi không rõ cuộc sống gia đình của cô có hạnh phúc không. Tôi cũng chẳng biết liệu những con chim én mỗi năm lại bay về, thì những chiếc mỏ lấm bùn của chúng có bận rộn vì kiếm ăn không. Trong tưởng tượng của tôi, hình ảnh những con chim én cứ lẫn vào mùi hương của rượu.
Không biết bây giờ ba cây thông ấy có còn tồn tại và giữ được dáng vẻ tươi đẹp của ngày xưa? Cây đèn lồng sắt thì chắc là đã hỏng mất rồi. Và những ngọn cỏ mùa xuân có còn nhớ đến người đã ngồi với chúng ngày xưa không nhỉ? Chắc hẳn là giờ đây chúng không thể nào nhận ra người đã lặng lẽ xa rời chúng từ những ngày xa xưa ấy. Và hẳn là chúng cũng không nhớ được tiếng hát mỗi ngày của cô Okura: “Chiếc cà sa vải bông là trang phục du hành”.
Tiếng đàn samisen bất ngờ gợi lại trong tôi cả một bức tranh toàn cảnh về những ngày thơ ấu. Và trong lúc tôi đang trở về với quá khứ đầy hoài niệm, để lại là một chú bé ngây thơ hai mươi năm về trước, thì cửa nhà tắm đột nhiên xịch mở.
“Có ai đến chăng?”. Tôi thầm nghĩ và quay nhìn ra cửa, vẫn đang ngâm mình trong bể tắm. Vì tôi gác đầu lên chỗ thành bể ở vị trí xa nhất từ phía cửa vào, nên cầu thang đi xuống bể tắm trong khoảng cách chừng sáu, bảy mét lọt nghiêng vào tầm mắt. Nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy gì. Trong một lúc lâu, tôi chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi xuống mái hiên nhà. Tiếng đàn samisen đã ngưng từ lúc nào không rõ.
Rồi một bóng dáng nào đó hiện ra ở đầu cầu thang. Vì gian phòng rộng chỉ thắp mỗi chiếc đèn câu nhỏ, nên dù không bị hơi nước che mờ thì cũng khó nhìn rõ hình dạng hay màu sắc của bất cứ cái gì. Còn trong phòng tắm lúc này khi hơi nước bốc lên càng lúc càng nhiều, ngoài trời lại đang mưa mỗi lúc càng nặng hạt, thì tôi không biết lẩn đi đâu và cũng không nhận diện được cái bóng người đang đứng. Nếu cái bóng kia không bước xuống một, hai bậc thang, nếu không nhìn trực diện dưới ánh đèn rọi sáng thì không thể nào xác định là nam hay nữ.
Cái bóng đen bước xuống một bậc nữa. Bậc đá trông mượt như nhung, nên nếu chỉ căn cứ vào tiếng chân bước thì có thể tưởng rằng bước chân đã dừng lại. Nhưng cái bóng lại gần thêm một chút. Là một họa sĩ, thị giác của tôi rất nhạy với bộ khung của cơ thể con người. Và rồi tôi chợt nhận ra, nếu cái bóng mờ mờ kia dấn thêm một bước nữa, thì tôi và cô ấy sẽ cùng có mặt trong một gian phòng tắm.
Tôi còn đang phân vân tự hỏi có nên đánh động hay không, thì trong thoáng chốc bóng dáng cô gái đã hiện ra trọn vẹn ngay trước mặt. Chìm trong làn hơi nước mờ mịt nhuộm ánh sáng dịu dàng của ngọn đèn thành màu đỏ nhạt, hình ảnh cô gái với suối tóc đen bồng bềnh buông dài mềm mại trên tấm lưng thon chắc gợi lên trong tôi cảm giác về sự đoan trang, lịch lãm và thanh tú. Lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ rằng, mình đã tìm ra được một hình ảnh tuyệt đẹp, toàn bích cho bức vẽ.
Ðiêu khắc Hy Lạp thời cổ đại thì tôi không rõ, nhưng khi xem tranh khỏa thân của những họa sĩ Pháp ngày nay, có thể thấy rõ ràng là họ cố gắng hết mình để mô tả vẻ đẹp nhục thể của thân xác con người. Và tôi cảm thấy thất vọng ghê gớm vì cảm giác thiếu sự tinh tế và tao nhã ở những bức tranh như vậy. Tuy nhiên, lúc đó thì tôi chỉ biết rằng những bức tranh ấy là chưa đạt, mà không biết chưa đạt vì thiếu cái gì. Có lẽ bấy lâu tôi vẫn bứt rứt trong lòng là vì chưa tìm được lý do khiến những tác phẩm kia kém giá trị thẩm mỹ. Nếu da thịt bị che phủ thì vẻ đẹp cũng bị khuất lấp. Nhưng nếu không che phủ thì lại thành thô thiển. Tranh khỏa thân ngày nay cứ thỏa sức phô bày sự thô thiển không cần che đậy. Không thỏa mãn với việc miêu tả những tấm thân trần trụi không y phục, các họa sĩ còn gắng sức để đưa những hình ảnh lõa thể vào thế giới có y trang. Họ quên rằng con người đời thường vốn phải khoác y phục lên thân thể để áp đặt mọi quyền năng lên những thân xác lõa lồ. Vì muốn thể hiện một cách mạnh mẽ cảm giác về “cái trần trụi hoàn toàn”, họ đã đẩy xa đến mức vô tận những giới hạn cần phải tuân thủ. Việc dụng công thái quá vào kỹ thuật có khi sẽ bị đánh giá là hạn hẹp vì áp đặt người xem. Ðó là một ví dụ cho thấy rằng, khi nôn nóng muốn thể hiện cái đẹp một cách sinh động, thì trái lại cái đẹp sẽ bớt đẹp đi. Cũng vì vậy mà trong dân gian có cách nói rằng “cái gì thái quá thì bất cập”.
Sự trong sáng và phóng khoáng là biểu hiện của một tâm hồn phong phú. Phong phú là điều kiện thiết yếu trong hội họa, thơ ca và cả văn chương nữa. Một sự tiêu cực lớn của nghệ thuật ngày nay, mà người ta còn gọi là trào lưu văn minh, đã dồn ép những người làm nghệ thuật một cách thái quá, tạo ra sự vụn vặt và không khí ngột ngạt ở khắp nơi. Có thể nói tranh khỏa thân là một ví dụ thích hợp cho tình trạng đó. Ở thành thị có một giới được gọi là geisha. Họ là những người bán nhan sắc của mình, làm nghề mua vui cho kẻ khác. Khi tiếp khách làng chơi, họ chẳng thể hiện được nét đẹp tinh tế nào, mà chỉ chú ý để làm cho mình quyến rũ hơn trong cái nhìn của khách. Thế mà danh mục tác phẩm hàng năm trong các bảo tàng mỹ thuật lại đầy những tranh vẽ những mỹ nữ khỏa thân giống hệt các nàng geisha ấy. Chẳng những không giây phút nào quên được chuyện khỏa thân, họ còn nỗ lực hết mình vì nhục thể, cố gắng để thể hiện hết mức trước người xem cơ thể trần trụi của mình.
Cái thân hình mỹ miều duyên dáng đang hiện ra trước mắt tôi lúc này thì lại không hề vương một hạt bụi trần tục. Nếu là hình ảnh một người bình thường đã trút bỏ y trang thì sẽ rơi vào sự tầm thường của thế giới con người. Nhưng vóc dáng này gợi lên sự tự nhiên thuần khiết như những vầng mây trong cõi thần tiên, vốn không hề biết đến sự cần thiết của y phục.
Hơi nước đã tỏa mù mịt khắp phòng vẫn cứ dâng lên mãi. Trong đêm xuân, từ chiều sâu của không gian mờ ảo lung linh bảy sắc cầu vồng do ánh đèn bị khuếch tán trong hơi nước, làm mờ đi cả mái tóc màu đen, đang dần hiện ra một tấm thân trắng nõn nà. Chúng ta hãy cùng thưởng thức hình ảnh ấy!
Ðường viền mềm mại ở gáy nhẹ nhàng ôm xuống bờ vai, tạo thành hai đường cong tròn trĩnh xuôi xuống hai cánh tay, phần dưới cùng chẻ ra thành năm ngón. Phía dưới khuôn ngực tròn đầy, đường viền hơi khép vào một chút, để rồi lại vồng lên thành đường cong dịu dàng ở bụng. Ðường căng thể lực chạy về phía sau, rồi ở điểm cuối của đường căng những khối cơ hơi nhô về phía trước để giữ thăng bằng. Ngược lại, sau khi chạy qua hai đầu gối thì đường viền gợn sóng lại đổ xuôi xuống đến tận gót chân, để mọi rắc rối được hóa giải vào một kết thúc nhẹ nhàng ở hai bàn chân bằng phẳng. Trên đời chưa có sự phối hợp nào phức tạp đến như thế. Cũng không có sự phối hợp nào thống nhất đến như thế. Nhất định là người ta không thể tìm được một dáng vóc nào tự nhiên, mềm mại, nhu mì và thong dong đến vậy.
Tuy nhiên, vóc dáng này không hiện lên trước mắt tôi lồ lộ như một tấm thân lõa thể tầm thường. Vẻ đẹp toàn bích ở đây chỉ là sự gợi cảm nhẹ nhàng, trong một không khí thanh thoát đến thiêng liêng làm cho mọi thứ trở nên huyền ảo. Sự ấm áp, mơ hồ và vẻ đẹp tinh tế đầy tính nghệ thuật ở bức chân dung này giống như hình ảnh con rồng trong tranh thủy mặc chỉ được thể hiện bằng những nét vẽ chấm phá để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem. Một bức tranh vẽ rồng chi tiết đến từng chiếc vẩy thì trái lại sẽ trở nên thô thiển, và tương tự, nếu phơi bày nhục thể một cách trần trụi sẽ không gợi được vẻ đẹp huyền ảo và sâu lắng. Tôi nhìn ngắm hình ảnh cô gái trước mắt mình mà tưởng như đang ngắm chị Hằng vừa chạy trốn khỏi cung trăng, lúng túng vì bị vướng trong đám mây ngũ sắc.
Rồi bóng dáng cô nhích lại gần và có vẻ trắng hơn. Tôi chợt nghĩ, lúc này chỉ cần cô tiến thêm một bước thì, chao ôi, hình ảnh Hằng Nga tuyệt đẹp sẽ rơi xuống cõi phàm! Nhưng ngay khoảnh khắc đó thì cô gái bỗng quật mạnh mái tóc xanh ngời như con rùa thần quẫy đuôi rẽ nước. Rẽ đám hơi nước mịt mù vẫn đang cuồn cuộn, cái bóng trắng bước nhanh lên cầu thang. Tiếng cười con gái vang lên một tràng lảnh lót, rồi xa dần về phía cuối hành lang, và gian phòng tắm lại chìm trong yên lặng. Tôi nuốt vội một ngụm nước suối nóng và đứng trơ như phỗng trong bể tắm. Mặt nước sánh lên, ập những con sóng bất ngờ vào ngang ngực. Vang lên âm thanh rào rạt khi nước tràn qua thành bể.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.