Hạt ngọc ẩn mình
Chương 7
CŨNG TRONG BUỔI SÁNG hôm đó, chính Peter Houghton là người bảo cho Fleur quy định mới khi cô đang ở trong phòng học đợi cô học trò sẽ không đến vì bảo mẫu khăng khăng là con bé ốm vì mệt lử do vận động quá sức đêm qua.
Fleur hơi ngại khi đối diện Peter Houghton vì chắc chắn anh ta biết cô là ai và cô là gì. Từ khi trở về Willoughby đến nay anh ta vẫn cư xử với cô hết sức nhã nhặn – họ dùng bữa cùng với các gia nhân cấp cao ở bàn của bà Laycock. Anh ta chẳng có lời nói hay hành động nào chứng tỏ không ưa hay xem cô thấp kém hơn mình. Những người hầu khác cũng chẳng có bất kì lời xì xầm hay bóng gió nào về việc cô là ai.
Quy định mới khiến cô thấy nhẹ nhõm, không phải vì cô muốn có quyền hành với bảo mẫu của Pamela, mà chỉ là cô muốn cảm thấy mình làm được việc gì đó xứng đáng với đồng lương và tiện nghi nhận được. Mấy tuần trước cô không thoải mái vì cảm thấy mình thật vô dụng và không làm trọn nhiệm vụ.
Trưa hôm đó công tước đích thân dẫn con gái đến phòng học. Fleur nhún gối chào và không dám nhìn thẳng công tước. Nhưng vài phút sau Fleur nhận ra anh ta không định rời đi ngay. Anh ta ngồi yên lặng trên một cái ghế trong góc và quan sát.
Họ học bảng chữ cái một lúc, chơi trò nhớ các mẫu tự, mỗi người nghĩ ra từ nào đó bắt đầu với chữ cái được yêu cầu, rồi cố nhớ từ đó và thứ tự từng chữ cái.
“Lời nói sai,” công tước gợi ý khi thấy Pamela mất một lúc mà vẫn không tìm ra đáp án với chữ cái F[1].
[1] Công tước gợi ý chữ False – nghĩa là “sai”.
Cô bỗng nhiên bật cười.
Đó là sự tham gia duy nhất của công tước vào bài học đặc biệt này.
Họ đếm đến năm mươi rồi quay lại đếm từ đầu và làm vài phép tính cộng đơn giản trên giấy. Họ nghiên cứu tấm khăn trải bàn mà Fleur đã tìm thấy trong một hộc tủ phòng mình, và cô giải thích từng kiểu thêu cho Pamela và hứa ngày mai con bé có thể bắt đầu tự thêu khăn tay cho mình và học một kiểu thêu.
“Ta có thể chọn bất kì màu nào mình thích không?” cô bé hỏi Fleur.
“Bất kì màu nào tiểu thư muốn.” Fleur hứa với một nụ cười.
“Hoa cúc màu đỏ và thân màu xanh dương được không?”
“Nếu tiểu thư thích thì hoa cúc màu tím và thân màu vàng cũng được.” Fleur nói thêm.
“Nhưng mọi người sẽ cười mất.”
“Vậy thì tiểu thư phải chọn giữa màu mình thích và bị cười hay màu thông thường mà không bị cười. Rất đơn giản. Tiểu thư có toàn quyền lựa chọn.”
Họ thảo luận về bức tranh tiểu đình vẫn chưa được vẽ, Fleur lấy một bức tranh phong cảnh lớn treo trên tường để chỉ cho cô học trò thấy rõ có bao nhiêu màu sắc khác nhau và độ đậm nhạt được sử dụng để tạo nên tất cả hiệu ứng cho bầu trời, cỏ và cây.
“Như tiểu thư thấy đấy, tiểu thư có quyền chọn lựa. Công việc của người họa sĩ là giúp cho người khác nhìn thấy được điều mình thấy. Và không phải ai cũng thấy như mình. Mỗi người có một cách nhìn riêng.”
“Ta muốn cô chơi đàn clavico.” tiểu thư Pamela đề nghị khi đã chán với đề tài đó.
Fleur biết rất rõ ông chủ của mình vẫn im lặng ngồi trong góc.
“Có khi tiểu thư sẽ thích ngồi lên ghế và tôi sẽ dạy cho tiểu thư.” Cô đề nghị.
Nhưng tiểu thư Pamela đã tự mình chơi thử và nhận ra mình không thể đánh ra được những giai điệu hay như Fleur. Con bé cũng đã biết rằng chỉ một hay hai bài học thì chưa thể đánh được những giai điệu du dương đến thế.
“Ngồi xuống và đánh đàn cho ta.” Con bé ra lệnh.
“Nói vui lòng đi nào.” Fleur kiên quyết.
Nhưng ngay cả khi cô thầm cầu nguyện sự hợp tác thì cô cũng biết rằng điều đó không thể xảy ra.
“Đánh đàn cho ta.” Con bé gay gắt ra lệnh.
“Nói vui lòng đi đã.” Fleur lập lại.
“Thật lố bịch. Dùng từ ‘vui lòng’ thì có gì khác đâu chứ?” Tiểu thư Pamela cãi lại.
“Điều đó làm tôi cảm thấy là mình được đề nghị chứ không phải bị ra lệnh. Nó làm tôi cảm thấy được tôn trọng.” Fleur giải thích.
“Thật lố bịch.” Con bé ngang ngạnh.
“Cô Hamilton, cô sẽ vui lòng chơi đàn clavico trong khi Pamela đi ngủ chứ?”
Lưng cô cứng lại. Cô không biết công tước đã đứng lên và đi về phía mình.
Fleur thoáng nhắm mắt. Cô sẽ làm bất cứ việc nào khác ngoài chơi đàn. Tay cô ướt đẫm. Nhưng cô không hề liếc mắt mà ngồi vào chiếc đàn và chơi một bản của Bach, chơi hay hết mức có thể với phím đàn bị kẹt.
“Tiểu thư Pamela, giờ đến lượt cô,” Fleur cất lời sau khi kết thúc bản nhạc.
“Cô chơi rất hay. Cô có thấy những nhạc cụ trong phòng khách và phòng nhạc không?” Công tước cất lời.
Fleur đã thấy trong chuyến tham quan lâu đài với bà Laycock, tuy vậy cô không dám chạm vào chúng. Cô dám chắc chiếc piano trong phòng khách tốt hơn, đắt tiền hơn và cũng đẹp như cái ở trang viên Heron mà mẹ cô đã hết sức giữ gìn. Cô chỉ biết kính sợ nhìn chiếc piano sang trọng trong phòng nhạc.
“Có, thưa đức ngài. Ngày đầu tiên đến đây tôi đã trông thấy chúng.”
“Đi nào Pamela.” Công tước nắm tay con gái. “Chúng ta sẽ nghe cô Hamilton chơi đàn trong phòng nhạc. Và chúng ta sẽ luôn nhớ nói ‘vui lòng’ đúng không?”
“Vâng, Papa.”
Fleur điếng người theo họ ra khỏi phòng, đi dọc hành lang đến cầu thang. Và cũng có cảm giác phấn khích nữa. Cô được phép chơi chiếc đàn piano ấy.
Khi họ bước vào căn phòng sát thư viện, cô nghĩ giá mà mình có thể ở đây một mình, và co hướng tới nhạc cụ, cung kính chạm vào cái phím đàn. Giá mà anh ta không có mặt ở đây.
“Nếu cô vui lòng, cô Hamilton”, anh ta bình thản cất lời và cùng với con gái bước đến chỗ nào đó sau lưng cô.
Cô chơi một bản của Beethoven. Một bản nhạc dài. Đàn clavico không hợp với nhạc của Beethoven. Đầu tiên cô chơi ngập ngừng, đến khi ngón tay quen với những phím đàn màu ngà bóng loáng và âm nhạc tuôn trào thì tâm hồn cô bay bổng cùng giai điệu và cô quên mất mình là ai.
Âm nhạc luôn là đam mê của cô, là sự giải thoát tuyệt vời, cái lưỡi có gai của Caroline, những nhận xét cay độc của Amelia, nhận thức mình sẽ không bao giờ được gặp lại cha mẹ, kỉ luật hà khắc và cuộc sống đơn điệu ở trường – tất cả đều biến mất khi cô chạm vào phím đàn.
Cô cúi đầu trên bàn tay vẫn đặt trên phím đàn khi đã chơi xong.
“Papa ơi, giờ con có thể đi thăm Tiny không?” Một giọng nói vang lên sau lưng, đem linh hồn cô trở lại với thể xác.
“Được. Yêu cầu một người hầu đi với con. Con phải nhớ nói ‘vui lòng’ đấy.”
“Thật lố bịch, Papa.”
Fleur nghe tiếng cửa mở ra và đóng lại.
“Cô có một tài năng phi thường,” công tước Ridgeway nhận xét. “Nhưng không được rèn luyện.”
“Vâng, thưa đức ngài.”
“Nếu cô dạy con gái ta thì cô phải chơi đàn thật giỏi. Nửa giờ mỗi ngày để dạy cho con bé, một giờ mỗi ngày để cô tự rèn luyện.”
“Ở đâu thưa đức ngài?” Cô vẫn không quay lại.
“Tất nhiên là ở đây.”
Một ngón tay cô cọ xát một phím đàn. “Thưa đức ngài tôi không được cho phép lên tầng này”
“Không được phép ư? Lệnh của bà vú à?”
“Của lệnh bà.”
“Lệnh bà đích thân ra lệnh ư?”
“Vâng, thưa ngài.”
“Mỗi ngày cô sẽ ở đây một tiếng rưỡi theo chỉ thị của ta. Ta sẽ giải thích với phu nhân.”
Cô không thể ngồi đây cả ngày với công tước đứng sau lưng. Cô hít một hơi thật sâu, đứng dậy và xoay lại đối mặt với anh ta. Công tước đứng quá gần đến nỗi trong một thoáng cô lại choáng váng trước vóc người cao lớn của anh ta.
“Cô đã chơi piano lâu lắm rồi.” Công tước cất lời. Đó không phải là một câu hỏi.
Fleur không trả lời.
“Cô đã nói với Houghton là cha mình vừa chết trong nợ nần.”
“Vâng.”
“Thật không?”
Cô ngước lên nhìn anh ta.
“Cha cô chết trong nợ nần à?”
“Vâng.” Cô không chắc có phải mình nghe thấy anh ta lên giọng.
“Còn mẹ cô thì sao?”
“Mẹ tôi mất lâu rồi.”
“Và cô không còn người thân nào khác?”
Cô chưa bao giờ giỏi nói dối dù mấy tháng qua cô luôn phải làm vậy. Cô nghĩ đến em họ Caroline, Amelia, Matthew và lắc đầu.
“Cô đang sợ gì vậy? Có phải chỉ mình ta thôi không?”
“Tôi nên ra chỗ tiểu thư Pamela,” cô hếch cằm, giọng kiên quyết.
“Không, không nên. Mệnh lệnh của ta có giá trị hơn của cô, cô Hamilton. Pamela có phải là một học trò khó bảo không?”
“Tiểu thư không quen làm những gì mình không thích thưa ngài.”
“Cô được ta cho phép kiên quyết. Với điều kiện là không được biến cuộc sống của nó thành địa ngục.”
“Tiểu thư chỉ là một đứa trẻ. Mong muốn lớn nhất của tôi là được thấy con bé vui vẻ và nghe thấy tiếng cười của tiểu thư.”
“Cô có khả năng dạy được những điều đó không cô Hamilton? Ta chưa từng thấy cô vui vẻ hay nghe cô cười.”
“Tôi có thể cho con bé tất cả sự quan tâm của mình, khen ngợi nếu xứng đáng và khích lệ trong trường hợp không nên tán dương. Và tôi có thể cho con bé đủ tự do để có thể cảm thấy mình là trẻ thơ.”
Công tước nhìn sâu vào trong mắt cô đến nỗi cô nín thở, cố cưỡng lại cơn hoảng loạn. Cô ước gì mình đã lùi lại một bước lúc đứng dậy và như vậy mọi việc trông sẽ tự nhiên hơn. Cô thấy lạ là mình có thể bị sức nóng của cơ thể anh ta đốt cháy dù đứng cách nhau cả thước. Khuôn mặt anh ta quá gần, gần như trong những cơn ác mộng, cúi xuống cơ thể trần trụi của cô.
“Công việc hôm nay của cô đã xong, ma’am.” Tông giọng của anh ta đã thay đổi. Lạnh lùng và cay độc. “Cô có thể lui. Ta sẽ đến chuồng ngựa với con gái.”
“Vâng, thưa đức ngài.” Cô xoay người định đi.
“Cô Hamilton.”
Cô quay nửa đầu lại
“Ta hài lòng với công việc cô đã làm chiều nay.”
Cô đứng yên một lúc trước khi rời khỏi phòng, đóng cánh cửa sau lưng lại. Cô hít một hơi thật sâu trước khi tiếp tục đi về phòng mình.
***
Lord Brocklehurst gửi danh thiếp đến một phòng của khách sạn Pulteney và sốt ruột đi lại trước tiền sảnh.
Hắn biết đó là may mắn bất ngờ dù mãi tới hôm qua gã thám tử mới báo cáo chi tiết với cái ngực thở hổn hển và ra vẻ trầm trọng như thể gã ta phải dốc hết sức lực vào việc đó.
Danh sách khách mời Willoughby thật đáng thất vọng. Hắn chỉ quen sơ hai người trong đó. Hắn thật sự chẳng thân thiết với người nào đến nỗi được mời đi cùng. Hơn nữa, tất cả khách mời, ngoại trừ một cặp mà hắn chẳng hề quen, đều đã lên đường.
Hắn sẽ phải làm theo cái cách mà hắn không hề muốn. Hắn sẽ phải xuống Dorsershine với tư cách là người thực thi công lý để bắt giữ Isabella và mang cô ta về nhà để chịu tội. Hắn không muốn tay mình bị buộc phải làm việc đó. Hắn không muốn tất cả các lựa chọn đều bị chặn đứng thế này.
Chết tiệt, hắn không muốn phải thấy cái cổ xinh đẹp đó bị treo lên. Nhưng chỉ một ngày sau khi giao bản danh sách, khẳng định là Lord Thomas Kent chẳng có ở trong nước Anh và nhận tiền, Snedburg vội vàng quay lại, thở hổn hển và thông báo rằng sáng nay Lord Thomas Kent đã đặt chân lên đất Anh từ boong một con tàu Đông Ấn.
“Tất nhiên thưa ngài. Bằng kinh nghiệm tôi biết khi một quý tộc biến mất khỏi bờ biển nước Anh thì thường phải thuê một công ty nào đó. Điều đó thật dễ hiểu, dù phải mất nhiều thời gian để dò la, rồi ngài sẽ hiểu. Còn gì may mắn hơn việc khám phá ra ngài Kent không những đã thực sự tới Ấn Độ mà còn đang trên đường về chứ?” Gã ta đằng hắng với sự thỏa mãn.
Lord Brocklehurst phải trả cho hắn ta hậu hĩnh hơn dự kiến. Cuộc sống thị thành sao mà đắt đỏ.
Một nhân viên khách sạn cúi người chào hắn và thông báo rằng Lord Thomas Kent sẽ tiếp hắn trong phòng. Lord Brocklehurst xoay người đi về phía cầu thang.
Lord Thomas Kent trẻ hơn hắn vài tuổi. Hai người chưa bao giờ thân thiết, chỉ thân thiện với nhau vì cùng là khách quen của vài sòng bài và quán trọ mấy năm trước.
Lord Thomas đang ở trong phòng khách, mặc áo ngủ gấm thêu kim tuyến lúc một người hầu dẫn Lord Brocklehurst vào. Lord Brocklehurst nhận thấy Lord Thomas đẹp trai hơn hồi trước với làn da rám nắng, mái tóc đen, thân hình rắn chắc và chiều cao trên trung bình.
“Chào Bradshaw.” Lord Thomas duỗi thẳng tay phải, hàm răng trắng bóng tương phản với làn da rám nắng. “Tôi suýt không nhận ra cậu với tước hiệu trên danh thiếp. Cha cậu mất rồi à?”
“Năm năm trước,” Lord Brocklehurst trả lời. “Cậu trông rất khỏe đấy Kent.”
“Không thể nào khá hơn. Tôi cứ nghĩ chẳng ai biết tôi quay lại nước Anh. Hôm nay tôi định rảo một vòng quanh tất cả các câu lạc bộ và gửi danh thiếp đến mọi dinh thự ở Mayfair. Thật là một sự ngạc nhiên thú vị.”
“Tôi vô tình biết cậu trở về, cậu biến mất lâu quá nhỉ?”
“Hơn năm năm, kể từ khi bị trục xuất khỏi lãnh địa công tước. Tôi thất bại hoàn toàn và tháo chạy. Chắc cậu đã biết rồi.”
“Phải” Lord Brocklehurst húng hắng ho. “Một chuyện không vui. Tôi rất thông cảm với cậu”.
Lord Thomas nhún vai. “Xét cho cùng thì tôi không nghĩ cuộc sống ru rú ở trong nhà là thích hợp với mình. Hay hôn nhân. Quá ràng buộc với một người. Các tiểu thư vẫn xinh đẹp như trước chứ, Bradshaw? Và vẫn sẵn lòng chứ? Tôi phải nói là tôi thèm khác một sắc đẹp Anh quốc hay hai, hai mươi cũng được.”
“Và vẫn xa hoa như ngày nào, nếu không muốn nói là còn hơn thế. Cậu có định về nhà không?”
“Về Willoughby à? Nếu xét đến vài câu được thốt ra lúc tôi rời đi thì đó là việc làm ngu xuẩn nhất trên đời. Tôi cho rằng chẳng thể thoải mái được khi ai đó mang tước hiệu của mình ở sát sau lưng mình, và ai đó từng đính hôn với vợ mình. Dù tôi dám cược tất cả chỉ để thấy vẻ mặt của Ridgeway.”
“Những vết rạn đã lâu được hàn gắn lại rất nhanh, đặt biệt là người trong nhà. Có lẽ công tước sẽ vui mừng khi gặp cậu.” Lord Brocklehurst nhận xét.
“Đứa con hoang đàng đã trở về và nên ăn mừng hả?” Lord Thomas châm biếm. “Tôi không nghĩ thế. Tôi rất đói và ghét ăn ở khách sạn. Câu lạc bộ White vẫn nằm ở chỗ cũ phải không?”
“Tôi lấy làm vinh hạnh mời cậu dùng bữa trưa ở đó.” Lord Brocklehurst mời.
“Thật à?” Lord Thomas lại cười. “Thật hay là cậu có điền trang Heron phải không Bradshaw? Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian mà cả hai chúng ta chẳng ai có mảnh giáp lận lưng. Vậy thì đi ăn trưa nào, có khi tối nay chúng ta có thể đi tìm ít rượu, phụ nữ và đánh bài với nhau, dù có khả năng tôi bị thuyết phục bỏ qua màn bài bạc. Người hầu của tôi sẽ mang cho anh một ly rượu trong lúc tôi thay trang phục.”
Vài phút sau Lord Brocklehurst ngồi nhấm nháp ly rượu và trầm tư nhìn vào cánh cửa mà Lord Thomas đã biến mất.
***
Mười sáu vị khách đến lưu lại lâu đài Willoughby, tất cả đến trong cùng một ngày. Công tước Ridgeway đứng cạnh vợ ở sảnh chính đón tiếp và qua lại chuyện trò với mọi khách khứa suốt bữa tiệc trà chiều tại phòng khách lớn.
Nếu được chọn, họ hoàn toàn không phải loại người anh sẽ giao thiệp, anh ngẫm nghĩ, nhưng Sybil trông thật rạng rỡ, sôi nổi, đáng yêu và anh nghĩ cô ta có quyền được chút vui vẻ. Thật ra anh mừng vì thấy cô ta vui vẻ. Dường như anh không có khả năng đem lại cho cô ta chút thích thú nào kể từ khi lấy nhau.
Và anh đang rất chán với viễn cảnh phải ăn tối cùng cô ta, mỗi người một đầu bàn, duy trì những cuộc hội thoại chán ngắt qua chiếc bàn dài.
“Ở đây có chỗ nào để săn bắn ra trò không Ridgeway?” Sir Ambrose Marvell hỏi anh khi họ cùng uống trà.
“Người kiểm lâm nói với ta là phải quan tâm hơn đến tốc độ sinh trưởng của hươu nai,” anh đáp lại.
“Còn câu cá thì sao?” Quý ông Morley Treadwell hỏi. Thật dễ thấy những người bạn thân thiết mà Sybil đã mời là những ai, tất nhiên, luôn là nhóm đó vào những dịp như thế này. Sir Philip Shaw, anh nghe được rằng gã ta chắc không cần đến nhà riêng vì cứ hết ở nhà nhân tình này lại sang chỗ của bạn tình khác. Mọi người hay đùa cợt rằng không cần dành cho Shaw một chỗ ngủ riêng vì gã ta luôn phấn khởi nằm chung giường với một phu nhân nào đó, thường là nữ chủ nhà.
Hình như phụ nữ không cưỡng lại nổi vẻ biếng nhác, tính tình như đàn bà, vóc dáng bảnh bao và đôi mắt lúc nào cũng mơ màng của hắn. Và Sybil đang trêu đùa với Shaw, một bàn tay trắng mảnh dẻ khoác cánh tay gã. Cô ta gặp gã ở cái chỗ quái quỷ nào vậy? Nhưng dĩ nhiên là cô ta có những chuyến thăm viếng mà không hề có anh – cô ta chưa bao giờ đề nghị anh đi cùng, và anh cũng chẳng bao giờ bực tức đòi hỏi điều đó. Cô ta mới đến thăm và ở lại nhà chị gái trong hai tuần, hình như là cùng với nhiều vị khách đặc biệt khác.
Công tước khẽ thở dài. Anh đã hi vọng mình sẽ không phải đóng vai người chồng lạnh lùng canh giữ cô vợ lố bịch đó nữa. Anh quá mệt mỏi với vai diễn đó – và nhục nhã. Và tất nhiên nó sẽ hoàn thiện vĩnh viễn hình ảnh gã chồng bạo chúa khô khan. Có lẽ anh đúng là thế. Anh suýt tin mình như thế.
Anh tự hỏi đến khi nào thì mình có thể lịch sự rút lui? Và rút đến đâu đây? Giờ luyện tập hôm nay ở trên lầu chắc chắn đã hết rồi. Anh mừng là ít ra cô Hamilton đã luyện đàn lúc sáng sớm, khi anh có thời gian rỗi để nghe. Anh đã mở cánh cửa thông giữa thư viện và phòng nhạc, ngồi tại bàn làm việc và lắng nghe. Nhưng anh phải chắc chắn rằng cô ta thấy mình. Anh không muốn có cảm giác mình đang nghe lén.
Cô ta thực sự có tài. Anh chưa từng thấy ai có khả năng tạo ra những giai điệu sống động, ấm áp và trôi chảy như cô ta. So với chuyến cưỡi ngựa đã định thì một giờ ngồi nghe cô ta đàn còn dễ chịu hơn nhiều.
Anh chẳng hề bước chân vào phòng hay đứng trên ngưỡng cửa nhìn cô ta. Anh phải đui mù mới không thấy nỗi khiếp sợ trong mắt cô ta mỗi khi nhìn mình. Nhưng chuyện đó chẳng hề gì. Anh không định có bất cứ mối quan hệ nào với cô ta. Anh chỉ hi vọng cô ta dạy dỗ Pamela tốt. Và anh thích những giai điệu của cô ta.
“Adam yêu dấu.” Giọng nói trầm, thoang thoảng mùi hương đầy cám dỗ. Phu nhân Victoria Underwood, một góa phụ, sau Mùa Lễ Hội năm ngoái đã quyết định là họ đủ thân thiết nên có thể gạt đi những quy tắc xưng hô rườm rà, đang mỉm cười với anh dưới hàng mi đen dày. “Nhà của ngài thật tráng lệ. Sao trước giờ ngài không mời em đến chơi?”
Cô ta hơi nghiêng người về phía anh. Không hiểu sao cô ta chẳng bao giờ thấy vết sẹo của anh xấu xí.
“Điều này khiến ngài trở thành người đàn ông hấp dẫn nhất mà em biết,” năm ngoái cô ta đã tuyên bố thế sau nhiều lần thất bại trong việc lôi kéo anh lên giường.
Anh thường tự hỏi sao mình không làm thế. Cô ta không xinh đẹp, nhưng có nét gì đó rất khêu gợi. Quan hệ với cô ta chắc chắn sẽ thú vị hơn Fleur Hamilton.
Nhưng anh ước gì mình đừng nghĩ đến điều đó. Lý trí anh vô thức tách biệt cô Hamilton muốn dạy dỗ, chăm sóc Pamela và đem đến sức sống cho những khúc nhạc của Mozart, Beethoven với ả gái điếm gầy còm, nhợt nhạt mà mình đã quan hệ chớp nhoáng trong một quán trọ rẻ tiền tháng trước.
“Ta nghĩ cô không thích rời khỏi London, phu nhân Underwood,” anh mỉm cười.
“Victoria,” cô ta nhìn xuống môi anh. “Em chắc mình sẽ chấp nhận lời mời đến tận Hebrides[2], Adam thân mến, nếu em biết ngài sẽ đến.”
[2] Một quần đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây của Scotland.
“Ta sẽ không bao giờ đi đến Herbrides. Chỗ đó quá lạnh.”
“Nhưng rúc dưới tấm chăn ấm áp, tất nhiên là với người thích hợp, chẳng phải là một lý do tuyệt vời sao?”
Anh cười và kéo ngay quý ông Mayberrys đi ngang qua đúng lúc đó vào chuyện trò cùng mình và phu nhân Underwood.
Anh có thể chịu đựng các màn tán tỉnh và những câu chuyện sáo rỗng ở London. Anh thậm chí còn lấy chúng làm trò vui, dù thích những cuộc thảo luận nghiêm túc và thú vị với những người bạn thân thiết hơn. Nhưng những khi ấy anh luôn có thể rút về mái nhà yên tĩnh của mình khi đã hết hứng thú. Đây là nhà anh.
Đó luôn là vấn đề với những bữa tiệc chết dẫm của Sybil.
May là khách khứa đi nghỉ sớm. Đa số đã có một chuyến đi dài và muốn có thời gian nghỉ ngơi cho lại sức trong phòng riêng. Nữ công tước, hào hứng và rạng rỡ, cũng đã lui về phòng riêng từ sau bữa tối.
Công tước thơ thẩn đi dạo trên sân hiên. Anh nghe một tràng cười ngặt nghẽo và thắc mắc liệu có phải Pamela đang đến thăm con cún. Anh xoay người và đi về hướng chuồng ngựa, vu vơ tự hỏi Fleur Hamilton có ở đó không hay Pamela đi với một người hầu như hôm trước. Anh không nghĩ bà vú sẽ hạ mình đến chuồng ngựa và một con chó con.
Pamela đang ngồi trên đỉnh hàng rào quây quanh bãi tập chuồng ngựa, chân đung đưa, còn Fleur thì ở bên trong, lấy chân đi dép lê cù lên bụng con chó. Cô ta đang cười, nét mặt thảnh thơi xinh đẹp khiến công tước chùn lại, bắt buộc phải nhìn.
Cậu người hầu – Ned Driscoll – cũng đang cười, một chân gác trên thanh ngang hàng rào, tay khoanh lại trên đỉnh, mũ kéo sập xuống ngay mắt.
“Cô nghĩ là con cún thích thế.” Fleur nhận xét.
“Nhưng ai chẳng thế hả cô.” Ned dạn dĩ đáp lại trước khi nhận ra ông chủ đang đứng yên lặng ngay sau lưng. Anh ta lập tức đứng thẳng, kéo vành mũ lên ngay ngắn, và chạy về phía chuồng ngựa.
Fleur không nhìn lại và tiếp tục lấy chân cù con chó. Nhưng nụ cười không còn được tươi như lúc nãy nữa. Đức ngài thầm thở dài biết mình đã bị phát hiện.
“Papa.” Pamela hờn dỗi nhìn anh, tiếng cười nhỏ dần rồi tắt hẳn. “Mama hứa là sẽ cho con xuống dùng trà. Vú đã thay đồ cho con rồi mà Mama chẳng thèm nói gì, và cô Hamilton không cho phép con xuống trừ khi Mama gọi.”
Công tước nhìn Fleur, còn cô ta thì không rời mắt khỏi con cún đang nhấm cỏ.
“Tiểu thư không được gọi. Tôi đã giải thích là có khi các vị khách mệt và phu nhân quyết định đợi hôm khác. Tôi mang tiểu thư ra đây, hi vọng là tiểu thư sẽ quên đi nỗi thất vọng.”
“Nhưng mẹ đã hứa, Papa. Và cô Hamilton không cho con đi. Vú sẽ cho phép con xuống.”
“Cha không nghĩ thế. Và rõ ràng là cô Hamilon đúng. Pamela, chắc mẹ quyết định ngày khác sẽ hay hơn. Cha sẽ nhắc mẹ.”
“Cha thật quá đáng”, con bé la lên. “Cả hai đều quá đáng. Mẹ đã nói là con có thể xuống mà. Con sẽ đi mách mẹ.”
Con bé nhảy từ trên đỉnh hàng rào xuống ra ngoài bãi tập, nhấc váy lên, và chạy vòng qua góc chuồng ngựa rồi mất dạng.
“Tôi sẽ đuổi theo tiểu thư,” Fleur hốt hoảng.
“Cứ để cho nó đi. Chẳng hại gì đâu, đôi khi ở một mình lúc giận dỗi là tốt nhất.” Công tước ngăn lại.
Cửa vào bãi tập khóa bằng xích. Chắc chắn cô ta vào bãi tập bằng cách chui qua hàng rào. Anh thấy cô ta đỏ mặt lúc liếc về phía cửa vào bãi. Cô ta cẩn thận khép váy lại, đặt một chân lên thanh ngang thấp của hàng rào rồi đu chân kia qua. Anh chắp tay sau lưng. Anh biết cô ta sẽ không thích mình giúp.
Nhưng váy cô ta vướng vào một cái đinh trên thanh gỗ phía dưới, phía sau lưng, và cô ta bị mắc kẹt. Anh bước về phía cô ta, nghiêng người gỡ ra, nắm lấy hông cô nhấc xuống đất.
Lần đầu tiên ấy anh không nhớ cô ta có mùi hương thơm ngát. Nhưng tất nhiên, lúc ấy cô ta chỉ tắm và gội đầu bằng nước thôi. Ánh mặt trời như đang khoác cho mái tóc óng mượt ấy vầng hào quang sáng ngời. Và bờ hông nhỏ nhắn thật mềm mại.
Cô ta run rẩy và loạn choạng lùi ra sau. Fleur thốt ra một tiếng rên, giống như âm thanh lúc anh thúc vào trong người cô ta. Cô ta đưa một tay lên bụm miệng và cứ giữ thế. Cô ta nhắm mắt.
Anh không biết nói gì và chẳng thể nhúc nhích.
Cô ta mở mắt và hạ tay xuống. Cô ta mấp máy môi như thể định nói, rồi cắn môi dưới, xoay đầu đi. Và cô ta vội vàng khom người nhấc con chó vừa chồi qua hàng rào lên.
“Tôi phải nhốt con chó lại,” cô ta cất lời.
“Phải.”
Anh nhường đường và nhìn theo dáng cô ta, mái tóc đỏ ánh vàng cúi xuống con chó, bước chân vội vàng và ngượng ngập. Và anh cảm thấy hết sức chán nản.
Nhưng tại sao? Một gia sư – một ả điếm trở thành gia sư – run rẩy và suýt nôn mửa trước sự đụng chạm của anh. Có một vị khách trong nhà – góa phụ của một nam tước, thèm muốn sự đụng chạm và cả sự hiện diện của anh ở trên giường, một phụ nữ thấy vết sẹo của anh là khêu gợi và thậm chí chẳng hề tái nhợt nếu anh trần truồng đến với cô ta và nhìn thấy những vết sẹo khác còn xấu xí hơn.
Anh chán nản vì cái gì chứ? Anh có thể quyến rũ phu nhân Underwood. Cô ta sẽ xoa dịu lòng tự trọng bị tổn thương của anh, trở thành nhân tình của anh trong suốt thời gian ở lại đây, để anh thỏa mãn dục vọng với người phụ nữ đang ham muốn mình.
Nhưng nếu làm vậy, chẳng khác nào anh đang làm theo đúng ý Sybil, biến Willoughby này thành chốn chơi bời phóng đãng, và thật không xứng đáng với địa vị của một người thừa kế, sở hữu nơi này.
Anh vẫn đứng dựa vào hàng rào lúc Fleur ra khỏi chuồng ngựa với đôi tay trống không. Cô ta liếc về phía anh, rồi xoay đầu ngay, hối hả về phía tòa nhà chính.
Được thôi.
Anh nghĩ cái quái gì mà đem cô ta về đây kia chứ? Đúng là lúc đó anh không có ý định về Willoughby, nhưng dù có thế anh vẫn biết sớm hay muộn anh cũng phải trở về nhà. Chưa bao giờ anh xa nhà lâu hơn vài tháng.
Sao anh lại phải bắt Houghton đưa cô ta về đây chứ?
Anh nhận ra giờ thì đã quá muộn để chuyển cô ta đi chỗ khác. Sybil sẽ vui mừng, bà vú sẽ hân hoan, Pamela sẽ thoải mái, còn Fleur sẽ hết sức nhẹ nhõm.
Còn anh thì sao?
Anh xoay lưng đi về phía rừng cây và tòa tháp đổ nát mà ông nội của mình rất thích. Lúc khác anh sẽ nghĩ về chuyện đó. Anh mới về nhà có ba ngày. Chẳng việc gì phải quyết định hấp tấp.
Anh nghĩ là dần dần cô ta cũng sẽ cải thiện được quan hệ với Pamela.
Hơn nữa cô ta cần chiếc piano trong phòng nhạc.
Những dinh thự khác đâu có nhạc cụ nào đáng giá như thế.
Ý nghĩ đó làm anh nhẹ lòng.
Anh nghĩ mình cần phải nhắc nhở người làm vườn đốn đi những cây đã chết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.