Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

11. VÒNG ĐẦU CHO NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN



Laycock ngày càng không hài lòng về những hoạt động chính trị của tôi nhưng không bao giờ phàn nàn trực tiếp. Năm 1954, sau ba năm phục vụ, ông ta ký với tôi một hợp đồng cộng tác, theo đó, tôi được bảo đảm một khoản lương mà thấp nhất thì cũng nhiều hơn con số tôi và Choo kiếm được trước đây. Ông ta không muốn tiếp tục thuê Choo, hiện cô chỉ thích ở nhà trông nom Loong, và sau đó là Ling, đứa con gái ra đời vào tháng 1/1955. Ông ta biết tôi làm công việc của mình theo đúng hợp đồng của chúng tôi, và ông ta chấp nhận tôi. Tuy nhiên sự thất bại của Đảng Tiến bộ và bản thân ông ta bị các cử tri Katong tẩy chay đã giáng cho ông ta những đòn chí mạng. Có lẽ ông ta đã nghĩ rằng Đảng Tiến bộ sẽ thành lập chính phủ và tôi sẽ đứng về phe đối lập. Nhưng chuyện này đã không xảy ra, vì vậy, tôi trở nên hoàn toàn không thể chấp nhận được, ông ta không bao giờ nói gì với tôi nữa. Cuối cùng, ông ta viết cho tôi một lá thư yêu cầu chấm dứt hợp đồng của chúng tôi càng sớm càng tốt, dự định vào cuối tháng 8/1955. Tôi đồng ý ngay. Thế là kết thúc một quãng đời sự nghiệp của tôi.

Trong năm năm sau khi từ Anh về, tôi đã xây dựng được một cái gì đó cho việc hành nghề luật của mình và cũng đã gây dựng được nền tảng ủng hộ chính trị trong những nghiệp đoàn. Nhưng hiện tôi có hai nhiệm vụ trước mắt: bắt đầu xây dựng công ty luật của riêng mình và xây dựng tổ chức đảng cho PAP. Chẳng có gì cấp bách. Tôi có bốn tháng để chuẩn bị rời Laycock & Ong, và bốn năm để tổ chức lại PAP trước khi đến kỳ bầu cử kế tiếp. Cùng với Choo và em trai Dennis, chúng tôi thành lập công ty luật Lee & Lee trên đường Malacca, gần Laycock & Ong.

Những gì tôi không lường trước là ảnh hưởng của cuộc vận động tranh cử đối với quân đội và các cán bộ nghiệp đoàn. Hoạt động dữ dội của phái khuynh tả, và ảnh hưởng của họ đối với lập trường chính trị của Devan Nair và Lim Ching Siong, đã tạo ra bầu không khí căng thẳng. Nhiều cán bộ của MCP đã đợi thời cơ, hoặc ẩn danh kể từ khi tình trạng khẩn cấp được công bố. Những tuần trước và trong cuộc tuyển cử, họ xuất hiện công khai, hòa vào số người hỗ trợ vận động tranh cử để kích động tư tưởng chống chính quyền trong giới công nhân, những người ở nông thôn (hầu hết là những người Hoa chăn nuôi heo gà, trồng rau cải) và những học sinh người Hoa. Họ khơi dậy lòng căm thù đối với bọn đế quốc, chính phủ thuộc địa, cảnh sát thuộc địa, các nhà tư sản Anh, các nhà tư sản mại bản bản xứ đã tiếp tay cho bọn tư sản Anh bóc lột nhân dân. Họ đã tạo ra bầu không khí bức bối – tất cả những ai đi vào quỹ đạo của họ đều tin rằng một cuộc cách mạng thành công chỉ còn trong sớm chiều. Và tính chiến đấu rõ ràng là thường lây lan.

Trước khi xảy ra vụ kiện tờ Fajar, tôi luôn tìm kiếm những tay hoạt động chính trị tương lai trong đám sinh viên thuộc đại học Malaya sẵn sàng làm việc với các nghiệp đoàn. Tôi có quá nhiều chuyện để làm, và cần những người phụ tá chuyên trách. Thật không dễ tìm chút nào. Những sinh viên tốt nghiệp loại kha khá đều muốn những nghề nghiệp ngon lành. Ít có ai sẵn lòng nhận mức lương thấp hơn mức bình thường vẫn dành cho những người có bằng cấp như họ, và làm việc với các nghiệp đoàn. Chẳng có gì vinh quang trong công việc này cả. Vài người xung phong nhận làm vì mục đích chính nghĩa, vì tinh thần lý tưởng của tuổi trẻ. Một trong những người đó là Sandrasegeram (còn gọi là Sidney) Woodhull được tôi giới thiệu với Nghiệp đoàn Lao động Căn cứ Hải quân để làm thư ký có lương (nhưng thấp). Một người nữa là Jamit Singh, một người Sikh đã từ bỏ khăn xếp và cạo bỏ râu. Anh ta rớt trong kỳ thi cuối cùng, nhưng đủ năng nổ trong công việc, dù có hơi nóng tính. Theo sự giới thiệu của tôi, anh ta trở thành một thư ký ăn lương của Hiệp hội nhân viên Ban quản lý cảng Singapore. Trước khi tiến hành việc điều động nhân sự này, tôi đã kiểm tra với Corridon để xem họ có phải là thành viên mật của Hiệp Hội bài Anh không, hoặc có thể có xu hướng thiên tả không. Corridon chẳng truy được gì về họ, nhưng không thể nào bảo đảm được lòng trung thành của họ được. Corridon khuyên tôi nên thử dùng họ vì nếu tôi không thuyết phục được họ làm việc cho những mục tiêu trung lập, thì tinh thần hành động của họ sẽ dẫn họ đến với những người cộng sản. Điều đó nghe có vẻ hợp lý. Bước đầu cả hai đều không phải người thân cộng, Woodhull chỉ mới biết qua chủ nghĩa Mác ở đại học, còn Jamit thì chẳng quan tâm gì đến các lý thuyết trí thức.

Nhưng việc kế tiếp xảy ra là Hiệp hội nhân viên Ban quản lý cảng Singapore, cho đến nay là một nhóm phi quân sự gồm phần lớn là những người Ấn theo Anh học và những thư ký người Hoa, đã tiến hành đình công. Bề ngoài, Jamit kêu gọi họ đình công vì Ban quản lý cảng không giải quyết những yêu sách về mức lương làm việc ngoài giờ, giờ làm việc, tiền trợ cấp và tiền thưởng. Nhưng sự thật anh ta chỉ muốn một cuộc đấu tranh, và ra sức kích động ngay cả sau khi Ban quản lý cảng đề nghị tăng lương. Tất cả đều do tôi. Tôi đã ngây thơ khi cho vài tay Anh học thích hoạt động chính trị của mình tiếp xúc với những cán bộ nói tiếng Hoa của MCP. Bây giờ thậm chí một người thờ ơ với chính trị như Jamit cũng theo Lim Chin Siong và Fong Swee Suan vì họ là những người năng nổ nhất trong số những người hoạt động nghiệp đoàn. Anh ta đã chứng kiến các nghiệp đoàn những người nói tiếng Hoa trở thành những tổ chức quân sự, và quyết định các thư ký của mình không được tụt hậu. Vả lại hiện giờ Lim đã có Devan Nair và James Puthucheary (họ cùng bị giam ở đảo St John trước đây) trong Nghiệp đoàn Công nhân Nhà máy và Phân xưởng Singapore, mà số hội viên từ vài trăm hồi năm ngoái giờ lên đến hơn 10.000 người. Họ giúp anh ta hoạt động trong vòng luật lệ và hướng dẫn người Hoa vượt qua guồng máy thư lại nói tiếng Anh.

Các cán bộ thân cộng đã phấn khích vì niềm tin về thắng lợi trong trận chiến chính trị của họ với một tổ chức chính trị hợp pháp là PAP, với những lãnh đạo Anh học hiểu biết về chế độ đại nghị. Nó cung cấp cho họ lớp vỏ bọc. Vị trí của Lim Chin Siong như một ủy viên Hội đồng lập pháp đã tạo cho ông ta một địa vị đáng tôn kính trước mặt chính phủ và các nhân viên công lực. Sau đó là thái độ ngạo mạn thái quá nổi lên từ sự thất bại hoàn toàn của đảng Dân chủ và sự sụp đổ thảm hại của các chuyên gia Anh học trong đảng Tiến bộ. Đương đầu với thách thức này hiện nay là một chính phủ Mặt trận Lao động bao gồm những kẻ cơ hội yếu kém, dưới tay một Tổng ủy viên có thiện chí nhưng ngây thơ về mặt chính trị là David Marshall, người không hiểu gì về khối người nói tiếng Hoa, nhưng lại rất khao khát đóng trọn vai trò, theo quan niệm riêng, như một người có xu hướng tự do và xã hội chủ nghĩa muốn giải thoát Singapore khỏi chế độ thực dân.

Trong Hội đồng Lập pháp, tôi nối lại quan hệ với William Goode, tổng thư ký. Tôi gặp ông ta lần đầu vào năm 1953 qua một vụ khiếu nại nhỏ của các bưu tá. Đó là khi chính phủ giao cho các tù nhân công việc sơn những sọc đỏ vào hai bên ống quần kaki của các bưu tá, khiến họ than phiền trông họ như những tay phụ việc trong các rạp xiếc. Chính phủ khẳng định những sọc đó là cần thiết vì các bưu tá thường mặc quần đó sau giờ làm việc, mà điều này họ không nên làm. Goode là một người to con với nét mặt thô và sống mũi bị gãy do chơi quyền Anh hồi trẻ. Môi trên ông ta dài, và có giọng trầm êm dịu. Ông ta học trường công và ở Oxford. Nhưng người ta có thể nhận ra sự cứng rắn đằng sau giọng nói nhẹ nhàng, đôi mắt xám và chiếc cằm cương nghị của ông ta. Ông ta nằm trong Đoàn quân tình nguyện Singapore, là tù binh chiến tranh từ năm 1942 đến 1945, và bị đẩy đi lao động khổ sai trong tuyến đường sắt chết người ở Thái Lan. Ông ta cười nói ồn ào và thái độ thoải mái. Chúng tôi ăn ý với nhau, và giải quyết vấn đề bằng cách viền một dải vải đỏ hẹp thay vì sơn. Điều đó khiến cho các nhân viên bưu tá trông lịch sự chứ không giống các anh hề. Chính phủ có hơi tốn kém hơn một chút.

Hiện giờ Goode giải thích rằng những quy định về tình trạng khẩn cấp là cần thiết vì giết người, đốt nhà, tạt a–xít và những tội phạm bạo lực khác là một phần trong cuộc đấu tranh giành quyền lực của phe quá khích. Họ sử dụng bạo lực không chỉ với quân đội, mà còn đối với dân thường nhằm yêu cầu họ kín miệng. Kết quả là không một ai còn ham sống lại dám xuất hiện trước tòa án để làm nhân chứng trước bất kỳ tội phạm nào liên quan đến phe quá khích. Ông ta nhắc lại vụ ám sát vào ngày 17/4 nhắm vào một cậu trai người Hoa, cậu này bị gọi ra khỏi một câu lạc bộ âm nhạc nơi cậu đang chơi khẩu cầm (harmonica) và bị bắn chết. Khi chuyện đó xảy ra, tôi đang ở tại công ty Dapu Hakka của chúng tôi ngay bên cạnh câu lạc bộ vào buổi chiều Chủ nhật đó, dự một bữa tiệc trà mừng thắng lợi cho cuộc bầu cử của tôi, và nghe tiếng súng vang lên. Lúc đó vào giữa ban ngày, nhưng không một ai chạy ra để nhận dạng hung thủ hoặc giúp đỡ cảnh sát, vốn không bao giờ được trợ giúp khi muốn bắt giữ và đưa ra tòa những tay khủng bố này.

Qua 5 năm hành nghề trong luật sư đoàn, tôi biết Goode đang nói những sự kiện không thể chối cãi. Tuy nhiên, tôi không thể ủng hộ việc kéo dài những quy định về tình trạng khẩn cấp bởi vì chúng tôi đã chống lại chúng như một phần trong lập trường tranh cử của chúng tôi. Chúng tôi đã làm thế như một vấn đề nguyên tắc, tin rằng nếu chúng tôi có độc lập, chúng tôi có thể hủy bỏ chúng. Đến tháng 4, tôi bắt đầu có nghi ngờ về điều này, nhưng phải một năm rưỡi sau những nghi ngờ đó mới biến thành niềm tin chắc chắn rằng Raja, Keng Swee, Chin Chye, Kenny và tôi, tất cả đều sai lầm.

Nhưng tôi phải thực hiện vai trò của mình trong Hội đồng, đó là nhanh chóng làm giảm áp lực của tình trạng nhân danh an ninh này và đưa ra chương trình nghị sự của chúng tôi. Đáp lại lời của Bill Goode, vì thế, tôi nói đầy châm biếm: “Đó là điều đáng rùng mình về chuyện các thám tử và cảnh sát có thể điều tra được việc gì,” và tôi thêm rằng: “Khi không hề có mảy may bằng chứng nào” rằng cậu học sinh đã bị giết trong hoàn cảnh vô cùng khó hiểu hoặc là nạn nhân của một vụ khủng bố, ngoại trừ sự kiện rằng từ khi cậu bị bắn, các học sinh khác đã nghĩ ra khôn ngoan nhất là đừng dính vào sự việc.

Cả việc bãi bỏ lẫn kéo dài những quy định về tình trạng khẩn cấp đều không giải quyết được vấn đề, tôi nói thêm: “Nếu chúng ta phải giải quyết chuyện đó, thì hãy có can đảm để nói: ‘Chúng tôi tin vào nền dân chủ và chúng tôi sẽ đấu tranh cho nó. Chúng tôi cho bạn nền dân chủ này để bạn bảo vệ.’ Nếu sau đó chúng ta thất bại, chúng ta phải thừa nhận, cũng như người Pháp đã thừa nhận ở Đông Dương, rằng không cách nào thành công được.”

Sau hai ngày đầu của phiên họp Hội đồng lập hiến, với các phóng viên báo chí cũng như với những thành viên có mặt thì rõ ràng hai nhân vật chính sẽ là Marshall và tôi. Ông ta có cá tính, có biệt tài sử dụng ngôn ngữ đa dạng, và có khiếu đóng kịch để thu hút sự chú ý của Hội đồng. Còn tôi có sở trường châm chích và làm xẹp lối khoa trương của ông ta và khoái chí làm điều đó. Dù PAP chỉ có ba thành viên trong Hội đồng lập hiến cộng với Ahmad Ibrahim, chủ tịch Hội đồng, ngài George Oehlers, vẫn xếp tôi ngồi vào ghế thường dành cho lãnh tụ phe đối lập, đối diện với chỗ của Tổng ủy viên.

Là một luật sư gần 50, Oehlers rất tỉ mỉ và câu nệ, nhất định tỏ ra công bằng và vô tư. Ông biết rằng mình sẽ chủ tọa nhiều cuộc tranh luận hứng thú nếu như tôi ở vị trí đối lập với Marshall vì tôi sẽ dũng cảm đương đầu với ông ấy. Những gì mà ngài Chủ tịch Hội đồng chưa biết là Marshall dễ bị kích động bởi sự châm chọc sắc bén rồi làm những chuyện mà sau đó ông ta sẽ hối tiếc. Ông ta sẽ nhanh chóng phải đối mặt với một thử thách nghiêm trọng đối với quyền lực của mình, vì ảnh hưởng của những hoạt động của Fong và Lim Chin Siong trong cuộc vận động tranh cử đã đưa họ đến một cuộc xung đột không thể tránh khỏi với cảnh sát.

Fong đã thành công trong việc tập hợp những công nhân thuộc công ty xe buýt Paya Lebar gia nhập vào nghiệp đoàn của ông ta hồi tháng 2, ngược với mọi ý muốn của ông chủ họ, và hiện đang cố lôi kéo công ty xe buýt Hock Lee. Nhưng Kwek Sing Leong, tay giám đốc điều hành cứng rắn của Hock Lee sẽ không nhường quyền điều khiển công nhân và việc kinh doanh của mình cho một nhóm những tay khuynh tả trẻ tuổi; hơn nữa, Lim Yew Hock với tư cách là ủy viên lao động, đã ủng hộ ông ta, và cả Liên hiệp nghiệp đoàn Singapore của ông ta nữa. Tuy nhiên Fong quyết định dạy cho Kwek và những công ty xe buýt còn lại một bài học.

Sau ngày khai mạc Hội đồng lập pháp vào tháng 4/1955, ông ta tập hợp những người ủng hộ Nghiệp đoàn công nhân xe buýt Singapore (SBWU) của ông ta để tổ chức lễ kỷ niệm đầu tiên của nghiệp đoàn bằng cách đặt người đứng gác ở bãi xe buýt của Hock Lee trên đường Alexandra không cho công nhân vào làm việc. Ông ta tuyên bố một cuộc đình công chính thức, và cố thuyết phục những người làm thuê của tất cả các hãng xe buýt khác đồng tham gia đình công nếu Kwek không đồng ý Hock Lee trở thành một phân xưởng gồm toàn thành viên nghiệp đoàn với SBWU là tổ chức duy nhất của nó, và giải quyết ngay những tranh chấp tồn đọng của họ. Phản ứng của Kwek là sa thải tất cả 229 công nhân thuộc SBWU, ngay lúc đó các công nhân tiến hành một cuộc đình công tuyệt thực và lại cho người đứng gác ở bãi xe buýt ngay trong đêm đó.

Đồng thời các học sinh người Hoa ở khắp nơi tham gia hành động. Các nam nữ sinh đến giúp vui cho những người đình công bằng các bài hát và điệu múa, và bởi vì một trong nhiều cuộc tranh chấp của Lim Chin Siong là tranh chấp với công ty Mis–Sino Aerated Water, không xa khu vực Hock Lee lắm, nên các học sinh có thể chạy qua lại giữa hai nơi để động viên và ủng hộ. Tôi khuyên Fong đừng kêu gọi một cuộc đình công trước khi đưa ra một thông báo 14 ngày và trước khi thông báo này hết hạn. Fong làm theo, nhưng trong một bài diễn văn tại Hội đồng lập pháp vào ngày 27/4, Lim Chin Siong phản đối thông báo, điều này vốn nằm trong những quy định của tình trạng khẩn cấp.

Kwek không hề sợ hãi trước đe dọa đình công và muốn cho những chiếc xe buýt của mình ra đường ngày hôm sau. Nhưng nhóm 150 người đình công của Fong đã thành lập một rào chắn bằng người ngay trước cổng chính bãi xe và từ chối giải tán bất chấp những cảnh cáo lặp đi lặp lại của cảnh sát. Các vòi nước được sử dụng và họ bị giải tán. Mười lăm người đình công khai là họ bị hành hung tàn bạo, nhưng chẳng có ai bị gì hơn ngoài những xây xát ngoài da. Kwek đã đưa được 40 trong số 70 xe buýt của mình ra đường.

Trong hai tuần kế tiếp, tôi học được bài học đầu tiên về chiến lược đàm phán CUF. Mỗi sự nhượng bộ ngay tức khắc dẫn đến một đòi hỏi mới. Mỗi lời từ chối một đòi hỏi sẽ làm tăng thêm sự giận dữ và căng thẳng. Trong khi đó, những học sinh người Hoa cùng với những ủng hộ viên từ Nghiệp đoàn Công nhân Phân xưởng và Nhà máy của Lim Chin Siong tiếp tục đến thăm hỏi những người đình công để làm tăng thêm cảm giác về sự đoàn kết và sức mạnh tập thể của họ, cùng niềm tin rằng nhất định họ sẽ thắng lợi. Lim và Fong không chịu điều gì kém hơn việc nắm quyền điều khiển tất cả các công nhân xe buýt và có thể làm tê liệt hệ thống giao thông của thành phố theo ý muốn.

Ngày 29/4, Marshall can thiệp, đích thân tới bãi xe của Hock Lee để làm cầu nối những bất hòa và đi đến một hòa giải. Dưới áp lực của Tổng ủy viên, Kwek đề nghị nhận lại những công nhân bị sa thải trong khi chờ đợi kết quả của một ủy ban điều tra do Lim Yew Hock điều động. Tôi thuyết phục Fong chấp nhận điều này. F.A. Chua, viên quan tòa đã thẩm vấn vụ tờ báo Fajar, làm chủ tọa ủy ban này. Là một người thực dụng, ông ta muốn tìm một giải pháp hữu hiệu. Ông ta phái hai phần ba số xe buýt đến nghiệp đoàn của Fong và một phần ba tới nghiệp đoàn của hãng, và cho chạy theo những tuyến khác nhau, ông đề nghị nhận lại tất cả các công nhân bị sa thải. Các xe buýt tiếp tục chạy vào ngày hôm sau.

Nhưng chỉ vài tiếng sau, cuộc đình công lại tiếp tục khi những người kiểm tra vé trong nghiệp đoàn của Fong từ chối ghi tên họ vào sổ với công ty trước khi rời khỏi bãi xe, trong khi những thành viên khác khai là họ bị phân biệt đối xử qua việc được giao những chiếc xe bị hư hỏng. Các công nhân trong Nghiệp đoàn Công nhân Hock Lee trung thành với Kwek tiếp tục đưa xe của họ ra đường, nhưng những người đình công rạch nát ghế ngồi và bấm chuông liên tục để các tay tài xế bối rối. Trong khi đó, những người đình công gác cổng lại một lần nữa ào ra và cảnh sát phải dùng vòi rồng giải tán họ. Đó mới chỉ là bắt đầu thôi. Ngày kế tiếp, Fong kêu gọi tất cả bảy công ty xe buýt ở Singapore đình công hai ngày, điều đó sẽ khiến cho giao thông công cộng bị ngưng trệ. Hai mươi nghiệp đoàn mà ông ta và Lim Chin Siong điều khiển sau đó đe dọa một cuộc tổng đình công trừ khi có một cuộc thương lượng trực tiếp giữa công ty xe buýt Hock Lee và SBWU được mở ra trong vòng 24 giờ. Sớm ngày 12/5, các đội xe buýt còn lại của công ty Hock Lee và của công ty Singapore Traction (STC) bị hăm dọa và phải ngưng làm việc, và vì STC chạy các tuyến chính ở nội thành nên thành phố hầu như bị tê liệt, chỉ có những xe hơi riêng và taxi là có mặt trên đường. Công việc hầu như ngưng trệ ở nhiều nơi khác, như Thống đốc John Nicoll báo cáo với Alan Lennox–Boyd, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa13: “Hoặc do đồng tình, sợ hãi hoặc do hoang mang đơn thuần”.

Cũng buổi sáng đó, những người đứng gác quay lại bãi xe của Hock Lee. Fong cố thuyết phục họ lần này hãy dũng cảm đứng vững và họ móc tay nhau thành một dây xích người khi cảnh sát tiến vào với những vòi rồng. Các vòi nước vẫn quét họ đi, và những chiếc xe buýt băng qua cổng, bị ném đá tới tấp. Nhưng vào buổi chiều, 20 xe tải chở học sinh người Hoa cùng đổ về bãi xe và xảy ra một trận ẩu đả, với khoảng 2.000 học sinh và 300 người đình công đọ sức cùng cảnh sát. Vũ khí chính của một bên là đá và chai lọ, bên kia là hơi cay, nhưng thỉnh thoảng những cảnh sát bị dồn vào chân tường phải dùng cả súng ngắn. Đến tối cơn hỗn loạn cuồng nhiệt hơn.

Khoảng 9 giờ tối, tôi lái xe đến ngã tư đường Tanglin và Jervois, nằm trên con dốc và nhìn rất rõ bãi xe của Hock Lee bên dưới. Trên xe tôi bật radio, và vào 9 giờ 30, giọng của Marshall trên radio nghe rầu rĩ. Ông ta đang bối rối. Ông ta đứng về phía nhân dân và những công nhân bị áp bức, nhưng họ đang nổi loạn. Ông ta tán dương họ vì những hy sinh của họ trong quá khứ đã đem lại phồn vinh cho Singapore, và kêu gọi họ hãy cho ông ta có thời gian để giải quyết ổn thỏa các thứ. Ông ta nói: “Vả lại chúng ta đã và đang tìm kiếm sự hỗ trợ của giáo sư Arthur Lewis thuộc đại học Manchester, một người da đen Trung Mỹ, với tư cách là nhà kinh tế, và cả đời ông trung thành với chủ nghĩa xã hội, để giúp đỡ chúng ta trong việc tái định hướng nền kinh tế của đất nước này vì lợi ích của nhân dân.” Tôi không thể tin vào tai mình nữa.

Tôi thất vọng cho Marshall và cho Singapore. Hoặc ông ta cứ để cho viên thống đốc và tay tổng thư ký giải quyết việc này, hoặc nếu như ông ta nắm quyền lúc đó, ông ta phải nắm vững quyền kiểm soát và nói với những công nhân đang đình công rằng nếu họ không ngưng vụ bạo loạn này, ông sẽ dùng vũ lực để lặp lại an ninh trật tự. Ngày 21/5, viên thống đốc báo cáo với Alan Lennox–Boyd: “Tổng ủy viên, dưới sức ép dữ dội của tôi và những người khác, đã phát biểu với công chúng trên Đài truyền thanh Malaya một bài diễn văn dài và thiếu sức thuyết phục, một lần nữa đổ lỗi tình trạng này cho ‘chủ nghĩa thực dân’ và ‘sự bóc lột kinh tế’, việc này nghe chừng không chặn được tình trạng vô trật tự mà cũng không bảo đảm được tình trạng tôn trọng luật pháp.”

Tôi biết rằng Lim Chin Siong và Fong đang nhắm tới một cuộc xung đột với nhà cầm quyền, nhưng tôi không hề mong chờ một sự bột phát cơn thịnh nộ của dân chúng. Người dân tin rằng luôn có tình trạng thù địch ngấm ngầm nào đó trong cộng đồng những người nói tiếng Hoa đối với các ông chủ da trắng của họ, nhưng tôi không hề nghĩ ra nó lại mãnh liệt đến thế. Được các học sinh người Hoa và những chuyên viên kích động đẩy lên tới đỉnh cao, nó đã bùng nổ ra. Có lẽ thậm chí cả Lim và Fong cũng không liệu trước được những gì đang xảy ra. Nhưng tôi nghiệm ra, sau rất nhiều lần, rằng mục đích của họ không phải là lý luận, tranh cãi hay dàn xếp gì cả. Luôn bố trí một sự xung đột, tạo ra lòng căm thù rộng rãi hơn nữa đối với kẻ thù thực dân. Họ muốn tạo ra những tiền đề cho một cuộc cách mạng: trước nhất, một chính phủ không giữ được niềm tin của nhân dân và thứ hai, một chính phủ mất niềm tin vào năng lực của chính nó trong việc giải quyết những vấn đề khi mà tình trạng vô trật tự, nghèo đói và bạo lực ngày càng tăng khắp nơi.

Sự nổi loạn kéo đến ngày hôm sau. Lúc 4 giờ chiều, đám đông khoảng 1.000 người tấn công vào cảnh sát và phải dùng hơi cay mới giải tán được. Sau khi trời tối, họ tiếp tục tấn công các đồn cảnh sát, các trạm gác, những cảnh sát đi lẻ và những xe tuần tiễu có máy bộ đàm. Những vụ tấn công rồi tẩu thoát xảy ra suốt đêm cho đến 3 giờ sáng, khi những đám đông lớn giải tán. Nhưng những nhóm 10, 20 người vẫn còn ném đá vào cảnh sát đang dọn dẹp những chướng ngại và kéo các xe hư hại khỏi lòng đường. Hai cảnh sát bị giết và 14 người bị thương, cùng khoảng 17 thường dân. Mỗi khi có sự kích động nổ ra, đám đông sẽ tấn công bất kỳ người da trắng nào có mặt vì tư tưởng chống đối người da trắng đang sục sôi. Một phóng viên người Mỹ làm việc cho UPI đã bị đánh đến chết, và ba người châu Âu may mắn thoát được.

Vào khoảng 10 giờ 35 tối đầu tiên, một đám đông tấn công xe tuần tiễu trên đó có một viên trung úy người Anh chỉ huy, ném những chai lọ và đá đồng thời xáp lại gần. Viên trung uý gọi bộ đàm yêu cầu giúp đỡ, nhưng trước khi ông ta và thuộc hạ được giải thoát, ông ta đã dùng súng lục bắn bốn phát. Ông ta nói mình không nhắm vào đám đông, nhưng có một phát đạn hình như đã trúng vào một học sinh người Hoa 17 tuổi. Thay vì đưa cậu ta thẳng vào bệnh viện, những học sinh khác đã đặt cậu vào một chiếc xe tải và diễu hành cậu qua các đường phố trong suốt ba giờ đồng hồ, vì vậy khi được đưa đến bệnh viện, cậu đã chết vì một vết thương ở phổi. Nếu được đưa thẳng tới bệnh viện, có thể cậu đã được cứu sống. Nhưng một mạng người có nghĩa lý gì nếu sự hy sinh đó có thể dấy lên ngọn lửa cách mạng?

Sau cuộc nổi loạn ngày 13/5/1956, chính phủ quyết định trở nên cứng rắn và đóng cửa ba trường Hoa. Nhưng các học sinh tiếp tục cắm trại trong trường và được các nghiệp đoàn do Lim Chin Siong và Fong điều khiển giúp đỡ; có nhiều cuộc tuần hành của những người đình công qua thành phố, ném đá và tấn công vào xe hơi. Cuối cùng tình hình bớt căng thẳng sau khi đám tang cậu học sinh người Hoa vào ngày 16/5 trôi qua mà không xảy ra xô xát. Tối hôm đó, sau bốn tiếng đồng hồ thương lượng, Marshall phấn khởi tuyên bố trên đài phát thanh rằng đã đạt được một thỏa thuận “có thể dẫn đến một sự dàn xếp cho tất cả các cuộc đình công còn tồn đọng vì quyền lợi công nhân” ở Singapore. Ông ta bổ nhiệm Charles Gamba làm trọng tài kinh tế, người được biết là đứng về phe nghiệp đoàn. Gamba ra quyết định cuối cùng của mình vào ngày 28/6. Những thành viên của SBWU đã bị sa thải ngày 23/4 sẽ được nhận làm việc lại. Nghiệp đoàn Công nhân Hock Lee với 160 thành viên bị giải tán.

Kwek không nhượng bộ dễ dàng. Ông ta vẫn phân công việc cho các thành viên cũ của Nghiệp đoàn Công nhân Hock Lee vốn trung thành với ông ta, và các lãnh đạo của nghiệp đoàn đe dọa bác bỏ phán quyết của Gamba cho đến khi chính phủ thuyết phục được công ty đi theo nó. Kwek quyết liệt và ương ngạnh. Ông ta là một người Hockchia, một chi tộc Hokkien nổi tiếng thô bạo và cứng rắn. Công ty xe buýt Hock Lee là một doanh nghiệp gia đình, và ông ta tin chắc mình có thể chiến đấu và chiến thắng vì nhiều thành viên trong nghiệp đoàn là dân cùng bang hội với ông ta và những viên chức chủ chốt kiểu như những kiểm tra viên và người chấm công là họ hàng ruột thịt của ông ta. Nhưng một chính phủ thiếu kinh nghiệm, không biết cuộc chơi nhắm vào điều gì, đã giúp phái quá khích bẻ gãy mối liên kết chặt chẽ nhất của tất cả công ty xe buýt ở Singapore.

Đó là một thắng lợi hoàn toàn cho Fong và Nghiệp đoàn Công nhân Xe buýt Singapore và phương pháp của họ, hoàn hoàn không chỉ vì hiện họ đã nắm được Marshall. Họ biết họ đã có sẵn một cánh cửa để mở. Phương cách mà SBWU chiến đấu và chiến thắng đã cung cấp cho tất cả các nghiệp đoàn – những công nhân và các lãnh đạo, những người cộng sản và phi cộng sản – một niềm tin rằng họ sẽ giành được nhiều hơn nếu như họ cũng thể hiện tinh thần đấu tranh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.