Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

8. MỞ RỘNG ẢNH HƯỞNG



Tháng 9/1952, một người Malay cao, trạc 40, trông giống người Ấn, sống mũi dài mảnh, đến văn phòng của tôi. Nói tiếng Anh tốt nhưng hơi ngập ngừng và lắp bắp, ông ta tự giới thiệu là Yusof Ishak, chủ nhiệm kiêm tổng biên tập và giám đốc điều hành của tờ báo Utusan Melayu. Biên tập chính của ông là Samad Ismail, đang bị giam cùng những người chống đối khác ngoài đảo St. John sau khi bị bắt vào tháng 1/1951, nhưng người ta sắp xử lại vụ của anh ta. Tôi có thể đại diện cho anh ta không?

Tất cả mọi vụ án về tội chống chính quyền ở tình trạng tuyệt vọng hay hầu như tuyệt vọng đều đã đến với tôi như một hy vọng cuối cùng. Tôi đã dựa theo các điều luật cho phép thường dân kiện nhà nước để kiện và kết án được những viên chức nhỏ về tội sách nhiễu dân đen, những người sẵn sàng trả tiền cho tôi để giúp họ trả thù – một phu kéo xe kiện một cảnh sát vì đã tấn công ông ta, một thủ kho bến cảng kiện Ban quản lý cảng đã hạ chức anh ta một cách bất công. Trong một vụ đáng nhớ, tôi đã kiện Thiếu tá hải quân George Ansel Hardcastle, chỉ huy lực lượng phòng cháy chữa cháy thuộc căn cứ hải quân, về tội bội tín khi thâm lạm quỹ phúc lợi của công nhân viên. Vụ án này do một quan tòa Anh ở tòa hình sự khu vực thụ lý và ông ta đã tha bổng ông thiếu tá. Những nhân viên chữa cháy bất mãn sau đó đã theo ý kiến của tôi và kiện Hardcastle lên tòa cấp cao hơn để đòi bồi thường với mục đích làm rùm beng vụ này. Tuy nhiên các sỹ quan bè bạn của ông ta đã lạc quyên được 12.000 đôla, đủ để bồi thường và trả án phí trước khi vụ này được đem ra xử, khiến nghiệp đoàn không đạt mục đích phơi bày và tố cáo ông ta trước tòa xử công khai. Đó là không khí ác cảm và nghi kị mà chúng tôi phải sống trong đó.

Nhưng vụ Samad không chỉ là vấn đề pháp luật. Đó là một vụ truy tố chính trị của một guồng máy hành chính thuộc địa đang chịu sự đe dọa của một cuộc khởi nghĩa vũ trang của cộng sản và áp lực đòi độc lập của các lực lượng quốc gia. Cách hay nhất là thuyết phục chính quyền rằng người tù này có thể là một người yêu nước nhưng không theo đường lối bạo động vũ trang. Tôi quyết định nhận vụ này mà không bàn với Laycock. Utusan Melayu sẽ chịu mọi chi phí cho vụ này.

Tôi e rằng sẽ không đạt kết quả gì nếu chỉ làm một việc là thuyết phục, nên tôi quyết định tìm viên sỹ quan ở Sở đặc vụ phụ trách vụ này để tìm hiểu tình hình của thân chủ tôi, và xem họ muốn buộc anh ta tội gì. May mắn thay, việc này đưa đẩy tôi gặp Richard Byrne Corridon, người phụ trách bộ phận kiểm soát dân Ấn và người có giáo dục Anh. Ông này là một chuyên gia đã từng làm công việc này tại Ấn Độ và có thể phân biệt ngay những người cộng sản và những người quốc gia Ấn.

Chúng tôi đã gặp nhau trước đó. Ông ta từng nghiên cứu hồ sơ của tôi và một sáng sớm nọ vào năm 1952, ông ta đã tới tìm tôi ở số 38 đường Oxley, chỉ để chuyện gẫu. Ông ta nói rằng ông đã đọc về các hoạt động của tôi tại London và rất muốn gặp tôi để tìm hiểu thêm về những người cộng sản ở đó, như Lim Hong Bee, và ảnh hưởng của họ đối với các sinh viên người Singapore và Malaya. Tôi nói cho ông nghe những điều tôi nhận xét về Lim Hong Bee và khả năng phát triển của đảng cộng sản trong giới sinh viên du học tại London, nhưng có thêm rằng sau vụ bắt giữ Eber và nhóm của ông ta tại Singapore vào tháng 1/1951 thì có thể tôi đã sai. Đồng thời tôi cũng vạch rõ cho ông ta về những nghi ngờ của Sở đặc vụ về lần Đại hội thanh niên ở Budapest. Tôi nói Dennis đi dự hội ấy như một kỳ nghỉ hè thôi và nó chẳng quan tâm gì tới chính trị. Nhiều năm sau, tôi khám phá ra rằng những điều này cũng được ghi vào hồ sơ của họ.

Bây giờ tôi đến gặp ông ta tại văn phòng ở Sở đặc vụ trên đường Robinson. Ông ta rất cởi mở. Ông ta nói Samad là một người thông minh, năng động, một nhà hoạt động ưu hạng. Tôi hỏi liệu anh ta có phải một người cộng sản không, ông ta đáp: “Người cộng sản thông minh nhất mà tôi được biết”. Câu này nghe chẳng có gì hứa hẹn cho đến lúc ông ta thêm: “Nhưng con người cứ trưởng thành và tư tưởng của họ thay đổi cùng kinh nghiệm, ông cứ làm việc với anh ta. Anh ta đáng được giúp đỡ.”

Cảnh sát tổ chức một chuyến tàu đưa tôi ra đảo St. John, một đối đãi lịch sự họ dành cho các luật sư biện hộ phạm nhân. Đó là một chuyến đi dễ chịu kéo dài 20 phút trong một buổi chiều, sau đó là 20 phút đi bộ và leo dốc lên mạn Bắc của đảo. Ở đó, giữa khu rừng xinh đẹp, có những khu nhà nghỉ mát của chính phủ, cách đó không xa là những dãy nhà có hàng rào kẽm gai làm trại cai nghiện thuốc phiện. Có một tòa nhà cũng được vây bằng hàng rào kẽm gai, đó là nơi tạm giữ các phạm nhân chính trị. Biết trước chuyện tôi ra đây nên viên giám ngục đã đặt sẵn bàn ghế dưới bóng cây gần đó. Tôi chờ một lát trong khi một nhân viên người Ấn đi vào tòa nhà, lát sau ông ta dẫn ra một người Malay tầm thước, gầy mảnh, đeo kính râm, có hàng ria mép tỉa gọn và chiếc răng cửa bị mẻ. Anh ta hút thuốc liên tục và trông có vẻ rất bồn chồn. Anh ta có vẻ nghi ngờ khả năng được phóng thích trước một ủy ban gồm một chánh án tòa án tối cao và hai phụ thẩm không chuyên.

Tôi nói với anh ta rằng chuyện đó tùy thuộc vào việc Sở đặc vụ có tin anh tiếp tục theo đuổi lý tưởng cộng sản nữa hay không, nếu anh tiếp tục thì sẽ còn bị bắt đi bắt lại. Nhưng nếu sau khi được tha, anh hoạt động như một người theo chủ nghĩa quốc gia thì chắc họ sẽ để anh yên. Anh ta bật cười. Đó là lần đầu tiên tôi đối mặt với một người cộng sản bị cầm tù. Tôi chẳng biết gì về tâm lý, động lực và cách suy nghĩ của họ, những thứ đã khiến họ quyết tâm chứng tỏ cho chính họ và mọi người rằng họ là những con người có niềm tin và sức mạnh, có khả năng chịu đựng gian khổ vì lý tưởng, xứng đáng là đồng chí với các chiến sĩ khác đã tận trung với chủ nghĩa Mác.

Việc tái thẩm vụ xử anh ta được làm kín trong phòng của quan tòa. Anh ta bị câu lưu chủ yếu vì anh ta là đảng viên MCP và là lãnh đạo phân bộ Malay của Hiệp hội dân tộc chống Anh, một tổ chức phụ trợ của MCP. Quan tòa lắng nghe lý lẽ biện hộ của tôi rằng anh ta cơ bản là một người chống thực dân và là một người Malay theo chủ nghĩa quốc gia, và do quan hệ cá nhân và bạn hữu mà anh ta đã tổ chức cho Abdullah Sudin, một đảng viên cộng sản cao cấp, đào thoát sang Indonesia vào tháng 9 hoặc 10/1950, khi biết ông này bị cảnh sát truy nã. Tôi không biết mình có gây được ấn tượng với ông chánh án và hai vị phụ thẩm hay không. Vị chánh án chẳng nói gì, và buổi thẩm vấn kết thúc trong vòng 20 phút.

Samad trở ra đảo St. John, nhưng tháng 4/1953, anh ta cùng vài người khác được phóng thích, trong đó có C.V. Devan Nair. Khi tôi gặp Nair lần đầu sau hàng rào kẽm gai, với chiếc kính cận, quần ngắn và đôi dép Nhật, tôi đã thấy ông là người khác thường. Ông là người thấp lùn, khó tính và luôn bực bội với mọi người. Nhưng khi Samad nhận thấy tôi chú ý ông ta, anh đã nói rằng đó là một người bạn tốt, cán bộ của Nghiệp đoàn giáo chức Singapore. “Bị giam cầm,” anh ta nói, “anh sẽ học được cách phân biệt kẻ mạnh mẽ và kẻ yếu đuối.” Anh ta nhắc tới một tù nhân người Ấn khác, James Puthucheary, một kẻ nói nhiều, bề ngoài coi khôn ngoan nhưng không tin cậy được. Nair là một người dũng mãnh, đáng tin cậy. Tôi nghĩ, có thể như thế, nhưng tôi không tin cái tướng của ông ta. Ít lâu sau đó, hóa ra Nghiệp đoàn giáo chức Singapore lại đến nhờ tôi đại diện cho ông ta. Tôi không thể từ chối, nhưng không tin vào viễn tượng của việc cố gỡ cho ông ta ra. Khi tôi gặp Corridon lần kế, ông ta tóm lược cho tôi biết về Nair, xác định ông ta là một người phẫn nộ, tận tâm và kiên quyết. Ông ta đã được P.V. Sharma, chủ tịch nghiệp đoàn, giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản.

Nhóm vài người chúng tôi – Keng Swee, Chin Chye, Raja, Kenny và tôi – trong khi đó vẫn gặp nhau vào chiều thứ Bảy trong phòng ăn dưới tầng hầm của nhà tôi trên đường Oxley để xem xét khả năng thành lập một chính đảng. Căn phòng nằm ở mé Tây ngôi nhà nên nóng và thiếu tiện nghi, dù có tới ba cửa sổ, hai cửa lớn và quạt trần quay suốt buổi. Tuy bầu không khí gây mệt mỏi, nhưng chúng tôi vẫn tỉnh táo. Chúng tôi quyết tâm mình phải hoàn toàn khác với những đảng phái hay cá nhân nhu nhược và vị kỷ trong Hội đồng thành phố và Hội đồng lập pháp hiện nay. Do đó chúng tôi quyết định mời Samad tham gia thảo luận khả năng tiến hành đấu tranh hợp pháp đòi độc lập mà không bị hút vào phong trào cộng sản. Chúng tôi cũng muốn có mặt anh ta vì anh ta giúp chúng tôi tiếp cận khối dân nói tiếng Malay, và truyền bá quan điểm của chúng tôi cho họ qua tờ Utusan Melayu.

Sau hai cuộc họp, anh ta hỏi có thể lần sau rủ thêm Devan Nair hay không vì ông ta cũng có thể có đóng góp tốt. Tôi không thích ý kiến đó, nhưng các bạn hữu và tôi đều đồng ý rằng nếu chúng tôi chỉ thu nạp những người chúng tôi thích thì không bao giờ phát triển thành một chính đảng được. Nên Nair đến tham gia, và mỗi tuần, chúng tôi sẽ gặp nhau để nói chuyện về tình hình và xem có thể thực hiện hành động chính trị gì.

Người Anh không phải không ý thức được các áp lực chính trị đang tăng dần. Năm 1953, viên thống đốc chỉ định Huân tước George Rendel, cựu đại sứ tại Bỉ, tổ chức một ủy ban xem xét lại hiến pháp Singapore và đề xuất hướng phát triển kế tiếp. Trong báo cáo công bố ngày 22/2/1964, Rendel đề nghị cho tự động đưa vào danh sách cử tri mọi thần dân Anh sinh tại Singapore. Việc này sẽ tăng số cử tri lên gấp bốn lần. Chính phủ mới trong tương lai sẽ gồm một hội đồng có 9 ủy viên, 6 trong số đó sẽ được bầu, dựa theo đề cử của lãnh đạo đảng đa số. Nhưng những nhiệm vụ quan trọng sẽ nằm trong tay 3 ủy viên hữu trách: tổng thư ký, thư ký tài chính và chưởng lý. Ngoại trừ trong những lĩnh vực giới hạn về đối ngoại và phòng vệ (kể cả an ninh nội địa), thì thống đốc sẽ phải chấp nhận các quyết định của hội đồng, mà hội đồng này chỉ chịu trách nhiệm trước Hội đồng lập pháp mới. Sẽ có tổng cộng 25 thành viên được bầu, 6 được chỉ định và 3 hữu trách cố định. Thống đốc chấp thuận báo cáo này để thực hiện trong kỳ bầu cử kế vào tháng 4/1955.

Giờ đã đến lúc chúng tôi phải quyết định ngay, hoặc tham gia ứng cử theo hiến pháp mới hoặc tiếp tục đứng bên ngoài. Samad và Nair chủ trương đứng ngoài. Họ muốn độc lập hoặc không có gì cả. Rút ra bài học từ những sai lầm của Liên đoàn dân chủ Malaya (MDU), Raja rất ủng hộ việc tham gia. Kenny và Keng Swee cũng vậy. Tôi tin tưởng rằng việc không tham gia sẽ loại chúng tôi khỏi đấu trường hợp pháp, và rồi chúng tôi sẽ kết thúc giống như MDU hoặc phải hoạt động bí mật. Nên chúng tôi khởi sự hoạch định việc lập chính đảng trước cuối năm 1954 để chúng tôi có được 6 tháng vận động trước kỳ bầu cử.

Mọi sự luôn có vẻ xảy ra bất chợt. Ngày 28/5/1954, một nhóm sinh viên đại học Malaya bị bắt giam và bị kết tội kích động chống chính quyền. Họ muốn tôi đứng biện hộ giùm. Tôi nhìn vào hồ sơ buộc tội; cơ hội là 5 thắng 5 thua. Họ đã in trong tờ Fajar, một tạp chí sinh viên phát hành không đều tuy ý đồ là ra hàng tháng, một bài báo có thể đã vi phạm pháp luật. Tôi đồng ý biện hộ cho họ và sau khi suy nghĩ ít lâu, tôi nói với họ rằng vụ của họ tốt nhất là nên xem như một phản đối chính trị, chứ không phải một vụ vi phạm pháp lý. Tôi đề nghị rằng chúng tôi sẽ mời một luật sư từ London qua, ông D.N. Pritt, vốn nổi tiếng về đấu tranh cho các xu hướng khuynh tả. Pritt đã ngoài 60 và có tiếng là người có miệng lưỡi sắc bén chẳng hề biết sợ bất cứ quan tòa nào dù ở các thuộc địa hay chính quốc Anh. Ông ta đã bị loại ra khỏi guồng máy cai trị Anh, và được xem như một nhân vật kỳ cục, một trong những người Anh lập dị thuộc giai cấp tư sản mà lại tỏ ra vô sản còn hơn cả người công nhân nghèo nhất trong khi vẫn sống một đời sung túc. Tháng 6/1950, Choo và tôi đã tới thăm ông ta tại London để xin ông ký giấy tờ bảo lãnh cho chúng tôi vào Luật sư đoàn, nơi ông ta là Thẩm phán pháp quan của Middle Temple. Tôi tin rằng ông ta sẽ nhận vụ này, miễn là chúng tôi chu cấp được chi phí đi lại ăn ở và một ít thù lao cho ông. Tôi viết thư cho ông ta, và ông trả lời ngay. Vâng, ông sẽ qua.

Biết rằng Sở đặc vụ sẽ kiểm tra thư từ giữa tôi với Pritt nên tôi dùng tên và địa chỉ của Chin Chye, do đó thư của Pritt gửi cho tôi sẽ được chuyển tới chỗ của Chin Chye trong cư xá đại học Malaya trên đường Dalvey. Khi tôi viết đến chương này năm 1996, tôi mới biết ra Sở đặc vụ đã nghĩ rằng Chin Chye và Raja chịu trách nhiệm trong việc đưa Pritt sang Singapore. Họ đã lầm, tôi cũng dùng địa chỉ của cô em của Choo, nên một số thư của Pritt được gửi cho Kwa Geok Choo ở Cairnhill Circle, thay vì số 38 đường Oxley hay Công ty Laycock & Ong. Sở đặc vụ hẳn chẳng bao giờ biết ra điều này, vì hồ sơ của họ không ghi nhận chuyện kiểm tra thư từ nào gửi tới đó cả.

Một vấn đề lớn mà tôi đã dự trù là chuyện xin phép Luật sư đoàn Singapore cho Pritt được hành nghề. Cơ quan này theo thông lệ sẽ đòi Pritt hoàn tất 6 tháng tập sự với một luật sư hay trạng sư có ít nhất 7 năm thâm niên tại đây. Trong những trường hợp đặc biệt, vẫn có điều khoản cho phép chánh án bỏ qua quy định này, nhưng tôi e Ban chấp hành Luật sư đoàn sẽ bác bỏ mọi trường hợp miễn trừ đặc biệt. Câu lạc bộ Lao động của trường đại học đã lập ra một Ban ngân sách biện hộ của sinh viên và gom được 10.000 đôla để trả tiền vé máy bay, chi phí ăn ở và một món quà nhỏ cho Pritt. Tôi quyết định rằng dù ông ta có được cho phép hay ngăn chặn, thì việc đưa ông qua đây vẫn là chuyện đáng làm, vì từ chối không cho ông xuất hiện trước tòa sẽ là một thất bại chính trị của chính quyền. Nên tôi nắm lấy cơ hội này, và ông ta đến đây vào ngày 11/8. Các sinh viên và tôi đón ông ở phi trường và tôi chở ông ta về khách sạn Adelphi. To con, đậm chắc và hói đầu, ông ta quả là tràn đầy năng lượng. Sau một chuyến bay dài với hai lần nghỉ qua đêm ở Cairo và Colombo, ông ta vẫn có thể, ngay trong tối hôm đó, ngồi trong một căn phòng thiếu tiện nghi để ghi chép các chi tiết về vụ án. Tôi trình bày bối cảnh sự vụ và đưa cho ông các tài liệu đã xuất bản có thể sử dụng trong khi bào chữa, trong đó có những trích đoạn quan trọng từ các cuốn sách và các diễn văn có liên quan.
Ông ta rõ ràng có đủ năng lực đại diện cho bất cứ ai bị kết tội chống chính quyền tại bất cứ đâu thuộc đế quốc Anh cũng như tại chính quốc Anh. Nhưng luật lệ thì phải tuân thủ, nên tôi thu xếp cho ông làm việc trong văn phòng của Osborne Jones, một luật sư và trạng sư có không dưới bảy năm hành nghề, theo đúng yêu cầu. Sau khi Pritt đã ngồi làm cảnh trong văn phòng đó được sáu ngày thì Osborne Jones có thể tuyên thệ trong một tờ khai: “Tôi đã chỉ bảo cho đương sự, bằng hết khả năng của tôi, về những khác biệt của luật pháp tại Anh và luật pháp tại Singapore.” Osborne Jones vốn rất tôn trọng sự thật. Sau đó Pritt phải trình diện trước ba giám khảo mà họ phải thấy tin chắc rằng ông ta có đủ “những kiến thức cần thiết về việc hành nghề và tiêu chuẩn của nghề, có khả năng Anh ngữ và là người xứng đáng được nhận vào Luật sư đoàn”. Đó là ba nhân vật nổi bật của Luật sư đoàn Singapore, một cố vấn pháp luật Hoàng gia và hai luật sư Anh thâm niên. Một trong số họ đã hỏi Pritt: “Ngài soạn thảo chứng thư chuyển nhượng bất động sản thế nào?” Pritt đáp: “Luật sư của luật sư đoàn, thưa ngài, không soạn thảo chứng thư chuyển nhượng bất động sản.” Ngay cả tờ Straits Times cũng tường thuật câu vấn đáp xuất sắc này.

Pritt cặm cụi làm tờ khai sao cho ông chánh án không còn chút nghi ngờ gì về trình độ của ông. Ông ta đã gia nhập Luật sư đoàn từ năm 1909, tức là có thâm niên hơn bất cứ luật sư nào ở Singapore, kể cả các chánh án. Ông đã là luật sư hoàng gia từ năm 1927 và là Thẩm phán pháp quan của Middle Temple từ năm 1936. Ông cũng đã từng biện hộ trước nhiều tòa án trên khắp thế giới, từ Ấn Độ cho tới Algeria và từng được phép biện hộ trước Tòa án tối cao Mỹ năm 1950.

Để hỗ trợ cho đơn xin này, tôi cũng thảo một tờ khai nhân danh sáu bị cáo để xác định rằng vì vụ xử có liên quan tới nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, nên các bị cáo này đã yêu cầu có một luật sư biện hộ nhiều kinh nghiệm về các vụ án hình sự và đã yêu cầu tôi mời David Matshall. Nhưng vào ngày 24/7, một trong những sinh viên đã nhận được thư của luật sư này dứt khoát từ chối việc biện hộ.

Các sinh viên đã kèm thư này vào tờ khai của họ, nêu rõ rằng: “Chúng tôi thấy không thể thuyết phục được ông Marshall, người vốn lâu nay vẫn có cảm tình với mục tiêu chính trị của chúng tôi, đồng thời cũng nghĩ rằng các luật sư bản xứ khác ở Singapore có thể không thiện cảm với chúng tôi được như thế.”

Đơn xin phép của Pritt bị Ban chấp hành Luật sư đoàn và cả viên chưởng lý chống đối. Viên chánh án, người mà Pritt đích thân tới trình đơn, nhận ra rằng nếu bác đơn xin này sẽ gây xôn xao dư luận, nên đã chấp thuận.

Cuộc tranh luận đối tịch bắt đầu vào ngày 23/8 và kéo dài ba ngày. Với tôi, đó là bài học về việc biện hộ trong các vụ án chính trị. Pritt tận dụng tư thế một Luật sư hoàng gia có tiếng là nổi loạn của mình để tấn công đối phương ở mọi vấn đề ông nghĩ ra được, dù chúng chỉ liên quan mơ hồ tới vụ án. Mỗi khi có cơ hội là ông tấn công đối phương thật lực. Khởi đầu, ông làm tới nơi tới chốn với cái ông gọi là “tính trùng lắp của các luận cứ buộc tội”. Về căn bản, tất cả các sinh viên đều bị kết tội giống nhau vì việc xuất bản ấn phẩm với ý định “bôi xấu Nữ hoàng hoặc bôi xấu chính quyền hoặc kích động dân chúng Singapore hoặc truyền bá hiềm khích”. Ông ta muốn biết bên công tố muốn gán “ý định” nào cho từng bị can nào. Ông lý luận rằng một lời cáo buộc mà tự nó lại hàm chứa nhiều lời cáo buộc khác nhau là không hay. Ông yêu cầu tòa gạch bỏ câu đó và chỉ thị cho viên công tố soạn ra lời buộc tội khác rõ ràng hơn.

Tôi cũng đã từng phản đối theo cùng phương sách như vậy, nhưng tôi không có uy tín một Luật sư hoàng gia và ngôn ngữ sắc bén như Pritt. Tuy rằng chánh án bác ý kiến của ông và cho rằng những lời buộc tội như trên là không có gì dở cả, nhưng ông đã ghi điểm được với công chúng trong tòa xử cũng như trên báo chí.

Chánh án F.A. (Freddy) Chua là một người có tư duy thực tế và hiểu thấu thực tại bên ngoài tòa án. Sau những tranh luận của Pritt và Trưởng ban công tố, và không đi sâu vào bất cứ luận điểm pháp lý nào, ông ta chỉ nói rằng các bài báo trên Fajar không có tính kích động chống đối. Cả tám sinh viên đều được tha bổng. Đối với báo chí, đây là một kết thúc đáng thất vọng. Họ chờ đợi chánh án lý giải tại sao chúng có hay không có tính kích động chống đối, nhưng Chua là một chánh án cẩn thận, không làm gì quá những việc mình phải làm.

Các sinh viên và những người ủng hộ họ rất vui mừng. Đây đã là một vụ truy tố không cần thiết; nó gây bất lợi cho chính quyền và khuyến khích máu chống đối trong dân chúng khi họ được chứng kiến cảnh viên chưởng lý ngăn không nổi một luật sư hoàng gia có tiếng là gây rối gia nhập luật sư đoàn, rồi một viên công tố bị tấn công tơi bời khi tranh luận trước toà.

Ngay sau vụ xử, và trong lúc Pritt vẫn còn ở Singapore, các học sinh trung học người Hoa đến yêu cầu tôi đại diện cho họ để nhờ ông ta thay mặt họ kháng cáo lời kết tội họ gây bạo loạn vào ngày 13/5 tại công viên George V, nơi họ đã tụ tập để phản đối Pháp lệnh động viên quốc gia. Vụ này sẽ đưa tôi vào một thế giới hoàn toàn khác hẳn, một thế giới tràn đầy những năng lượng còn nguyên tuyền và tinh thần lý tưởng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.