Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

3. QUÂN NHẬT XÂM LĂNG



Bốn giờ sáng ngày 8/12/1941 lúc tôi còn ngủ trong khu E ký túc xá thì bỗng giật mình vì tiếng bom nổ ầm ì. Cuộc chiến với người Nhật đã bắt đầu. Đó là một chuyện hoàn toàn bất ngờ. Đèn đường vẫn sáng, không hề nghe có tiếng còi báo động oanh tạc cho đến khi những máy bay Nhật trút bom xuống, làm 60 người chết và 130 người bị thương. Nhưng tin tức về vụ không kích này đã bị giấu bớt. Bộ phận kiểm duyệt còn chặn bớt tin tức về việc các ụ tàu ở cảng Keppel, căn cứ hải quân ở Sembawang và các căn cứ không quân ở Tengah và Seletar cũng bị tấn công.

Sinh viên ở Đại học Raffles rất xôn xao về chuyện này. Những sinh viên gốc trong nội địa liền chuẩn bị đáp tàu về quê. Hầu như ai cũng tin Singapore sẽ là mục tiêu chính, do đó cẩn thận nhất là lui về vùng thôn quê trong nội địa Malaya là nơi hy vọng tránh được máy bay thả bom của Nhật. Ban giám hiệu của trường cũng bối rối y hệt sinh viên. Chẳng ai chuẩn bị trước cho chuyện này cả. Hai ngày sau chúng tôi nghe tin là cũng trong sáng hôm đó, quân Nhật đã tiến vào Kota Bharu ở bang Kelantan. Sau cùng thì nội địa Malaya cũng không thoát.

Trong vòng vài ngày, khu ký túc xá hầu như trống trơn. Các buổi học bị đình lại và sinh viên được kêu gọi tham gia đơn vị sinh viên trợ y MAS (Medical Auxiliary Service). Tôi đã tình nguyện gia nhập đơn vị này và mỗi ngày đạp xe ba dặm từ nhà (từ 1935 gia đình tôi đã dọn về đường Norfolk) tới đơn vị của mình trong trường đại học. Chúng tôi không được phát đồng phục – chẳng có thời gian cho việc đó – nhưng mỗi đứa được một cái nón thiếc, một băng đeo tay có hình chữ thập đỏ và hưởng trợ cấp 60 đôla một tháng, thế là chúng tôi làm việc theo lịch phân công suốt ngày đêm. Chúng tôi được chia thành từng nhóm sáu người. Chẳng có gì phải sợ hãi, mà chỉ có sự hào hứng phải ghìm nén lại, sự hào hứng khi được sống trong chiến tranh và dự vào những trận đánh thực sự.

Nhưng cuộc chiến không thuận lợi chút nào. Chẳng bao lâu đã nghe từ nội địa Malaya truyền ra tin tức về những trận đại bại ở tiền tuyến, chuyện quân Nhật dễ dàng xuyên thủng phòng tuyến Anh và tràn qua các đồn điền cao su tiến chiếm dọc bán đảo Malaya, dùng xuồng tam bản đổ bộ sau phòng tuyến Anh và buộc họ phải tiếp tục triệt thoái. Rất nhiều gia đình người da trắng – chủ đồn điền và viên chức dân sự cùng vợ con họ – bắt đầu từ trong nội địa kéo ra. Hẳn là cũng có cả những gia đình bản xứ có quyền thế nữa nhưng họ không xuất hiện lộ liễu. Họ có lẽ đã dọn tới nhà bạn bè hay bà con rồi lặng lẽ rời bến cảng Tanjong Pagar đi khỏi Singapore vì sợ người Nhật sẽ trả thù việc họ đã giúp đỡ người Anh, hoặc đã đóng góp vào quỹ ủng hộ Tưởng Giới Thạch kháng Nhật tại lục địa Trung Quốc.

Đến tháng 1, lực lượng Nhật tiến đến gần Johor và máy bay của họ ném bom Singapore cả ngày lẫn đêm. Tôi có nạn nhân cứu thương đầu tiên vào buổi chiều nọ trong một ngôi làng tại Bukit Timah. Một số đơn vị MAS đi tới đó bằng những chiếc xe buýt trang bị thành xe cứu thương. Một trái bom đã rơi xuống gần đồn cảnh sát và có một số nạn nhân. Đó là một hình ảnh kinh hoàng, và lần đầu tiên tôi nhìn thấy máu đổ, người bị thương và chết.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 31/1, tôi và Maurice Baker, một sinh viên quê ở Pahang, ngồi trên bờ rào khu hành chính của trường đại học trong khi chờ đi công tác cứu thương, thì đột nhiên có tiếng nổ rung chuyển mặt đất. Cả hai chúng tôi đều sững sờ và tôi buột miệng: “Thế là kết thúc Đế quốc Anh!” Lúc đó giáo sư Dyer, hiệu trưởng Đại học Raffles, đi ngang qua, nghe câu tôi nói, ông nhìn ra chỗ khác, rồi đi tiếp.

Cũng buổi sáng đó, tất cả lực lượng Anh từ Johor rút ra đảo. Hôm sau, báo chí đăng hình binh đoàn Argyll và Sutherland xứ Scotland, lực lượng cuối cùng vượt đường đê nối Singapore với đất liền, trong tiếng kèn của họ, tuy rằng họ chỉ còn hai chiếc kèn. Nó gây cho tôi một ấn tượng lâu dài về sự bình thản của người Anh trong khi đói mặt với một chiến bại gần kề. Lực lượng Công binh hoàng gia đã giật mìn phá đứt đường đê ở phía gần Johor. Đó là tiếng nổ mà tôi và Maurice nghe thấy. Nhưng họ cũng cho nổ cả đường ống dẫn nước từ Johor ra đảo. Cuộc phong tỏa Singapore đã bắt đầu.

Một sáng nọ đạp xe về nhà, vẫn đội cái nón thiếc và đeo bảng tay, tôi gặp một đoàn xe nhà binh đậu dọc đường Stevens. Đứng cạnh

đó là những người lính Úc cao lớn đội thứ mũ mềm rộng vành và trông rầu rĩ. Họ có vẻ hoảng sợ và mất tinh thần. Tôi dừng lại để hỏi mặt trận đã tới gần cỡ nào rồi. Một người lính nói: “Thua rồi, đây, cầm lấy.” Và đưa súng của anh ta cho tôi. Tôi hoảng hồn và chấn động. Không lẽ đã tuyệt vọng đến thế rồi sao? Tôi từ chối khẩu súng và cố gắng trấn an với anh ta là trận đánh chưa kết thúc thì chưa phải là thua. Nhưng với toán lính đó, trận đánh ấy coi như đã thua. Tôi không tưởng tượng được họ đã nếm qua những kinh nghiệm khủng khiếp thế nào.

Sau chiến tranh tôi đọc được tin là có mấy tiểu đoàn Úc được phái sang Trung Đông và tàu của họ bị dạt vào Singapore. Họ tới đây chỉ ba tuần trước khi hòn đảo này thất thủ, và được đưa vào chiến đấu trong nội địa nhưng cũng bị đánh bật ra ngay. Họ chuẩn bị để chiến đấu tại các sa mạc Bắc Phi, có thể là tại Lybia để chống lại lực lượng của Rommel. Rồi bỗng dưng họ thấy mình bị đưa vào rừng già nhiệt đới, đối mặt với người Nhật. Đó là bi kịch cho họ, và là điều tai hại cho tinh thần chiến đấu của các đội quân Anh và Ấn được họ tới tiếp viện.

Trong khi đó, cha tôi, vốn đang làm quản lý cho kho xăng của hãng Shell tại Batu Pahat, cách bờ biển Tây Malaya độ 100 dặm về phía Bắc, đã được lệnh rút lui. Ông trở lại đảo bằng chiếc xe hơi nhỏ xíu trước khi đường đê bị phá đứt. Chúng tôi vẫn hy vọng pháo đài Singapore sẽ cầm cự được. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thiệt hại nhân mạng nhưng rồi người Anh sẽ tiến công và sau cùng chúng tôi được cứu thoát. Nhưng từng ngày qua – hay thực ra là từng giờ qua, sau tuần lễ đầu của tháng 2 – tôi ngày càng cảm thấy, trong thâm tâm,

rằng Singapore chẳng phải Malta6 và nó chẳng chịu được cuộc phong tỏa lâu dài.

Giữa tháng 1, các trường học đóng cửa. Khi đạn pháo kích ngày càng rơi gần trung tâm thành phố, mẹ tôi đề nghị cả nhà dọn về chỗ ông ngoại vốn nằm ngoài ngoại ô và ít có nguy cơ trúng pháo kích hơn. Tôi ủng hộ việc này nhưng nói với bà rằng tôi sẽ ở lại để coi chừng ngôi nhà trên đường Norfolk này, đồng thời tiếp tục đi làm công tác trợ y tại đại học Raffles. Tôi sẽ không ở một mình vì ông Koh Teong Koo, người làm vườn của gia đình, cũng ở lại để coi sóc nhà cửa khi tôi đi công tác ở trường. Ông chính là người đã kéo xe đưa đón đám em tôi đi học mỗi ngày từ năm 1937. Chúng tôi đã đào

một hầm tránh bom, nóc bằng gỗ đắp đất, trong đó mẹ tôi chất đầy gạo, muối, tiêu, nước tương, cá muối, đồ hộp, sữa đặc và tất cả những gì chúng tôi cần trong một thời gian dài. Tiền bạc không thành vấn đề vì hãng Shell đã rộng rãi trả cho cha tôi liền mấy tháng lương khi ông được lệnh rút khỏi kho xăng ở Batu Pahat.

Giữa khung cảnh đen tối ấy, tôi vẫn đi xem phim được vài lần mỗi khi không có công tác. Nó giúp tôi quên đi tương lai ảm đạm trong vài giờ. Một chiều cuối tháng 1, tôi ráng ngồi xem cho hết một phim hài ở rạp Cathay. Ở cảnh nọ có một trái bom sắp nổ, nhưng nó chỉ kêu bốp một tiếng nhỏ rồi rã ra từng mảnh. Đó là một trái bom hư. Khi vỏ bom vỡ, dòng nhãn hiệu hiện ra “Made in Japan”. Thật trớ trêu! Hai tháng qua, Singapore đã nếm mùi sức công phá của bom và đạn pháo Nhật, vậy mà tôi còn được xem một bộ phim cười cợt người Nhật – mô tả họ như những người chân vòng kiềng, mắt lé, không thể bắn cho thẳng đích hay đóng những chiếc tàu có thể chịu được một cơn bão và chỉ có thể chế được những vũ khí kém cỏi. Sự thật đáng buồn là trong hai tháng qua, từ 8/12, họ đã chứng tỏ rằng họ có lòng can đảm và tài năng quân sự để tạo ra những thắng lợi ngoạn mục trước quân đội Anh. Nhiều năm sau, Thủ tướng Winston Churchill viết về cuộc thất thủ Singapore như một “thảm họa trầm trọng nhất và vụ đầu hàng lớn nhất trong lịch sử Anh.”

Quân đội chiếm đóng trường đại học ngày 10/2 khi lực lượng Anh trên đường triệt thoái, và hai ngày sau đơn vị MAS phải giải thể. Những ngày đầu tôi ở ngôi nhà ở đường Norfolk, nhưng khi pháo kích ngày càng gần, tôi đã về với gia đình ở Telok Kurau. Hôm sau chúng tôi nghe tiếng súng trường xa xa, rồi nhiều hơn và gần hơn. Không có tiếng súng đại bác, pháo kích hay bom. Tôi tò mò đi ngõ cổng sau ra đường Lorong L, giáp với khu xóm nơi tôi vẫn chơi với đám trẻ con nhà ngư dân hồi xưa. Đi chưa được hai chục thước theo con đường đất, tôi thấy hai người mặc quân phục xám, khác với thứ màu xanh pha nâu của quân Anh. Họ quấn xà cạp và đi giày vải đế cao su, mũi giày tách các ngón chân ra, một bên là ngón cái và một bên là các ngón còn lại. Sau này tôi được biết là kiểu giày ấy giúp họ bám chắc hơn trên mặt đất lầy trơn trượt. Cái làm họ trông lạ mắt nhất là thứ nón kếp bằng vải mềm có vạt phía sau phủ xuống cổ. Đó là những người lính nhỏ thó, lạ mắt, cầm súng trường gắn lưỡi lê dài. Người họ tỏa mùi nồng nặc, thứ mùi mà tôi sẽ không bao giờ

quên. Đó là mùi của người không tắm giặt sau hai tháng đánh nhau theo những con đường mòn trong rừng hay đồn điền suốt từ Kota Bahru về tận Singapore.

Phải mất vài giây tôi mới nhận ra họ là ai. Quân Nhật! Một nỗi sợ hãi khủng khiếp chụp lấy tôi. Nhưng họ đang lùng kiếm quân địch. Rõ ràng tôi không phải thứ đó nên họ chẳng chú ý và cứ đi tới. Tôi chạy trở vô nhà và kể lại mọi chuyện. Chúng tôi đóng kín cửa nẻo, tuy rằng chỉ có Chúa mới biết chúng có che chở gì được cho chúng tôi hay không. Quân Nhật, sau những trò tàn bạo của họ tại Trung Quốc năm 1937, đã khiến dân chúng rất sợ hãi, nhất là sợ trò cướp phá và hãm hiếp. Nhưng đã không có gì đáng kể xảy ra cho đến hết ngày hôm đó. Lực lượng Anh đã mau lẹ rút vào trung tâm thành phố mà không có kháng cự gì mấy.

Hôm sau, ngày 15/2, là Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hoa, thường được chào mừng với quần áo, giầy dép mới cùng đủ thứ món ăn và bánh trái cổ truyền. Đó là cái Tết u ám nhất kể từ khi người Hoa có mặt trên đảo này năm 1819. Cũng có tiếng chạm súng ở phía Bắc và gần thành phố, rồi tiếng súng cối và đại bác nổ xa xa, nhưng không có gì xảy ra ở Telok Kurau. Quân Nhật đã tiến vào nội ô.

Đêm đó tiếng súng ngớt. Rồi có tin rằng người Anh đã đầu hàng. Hôm sau, một số bạn bè từ nội thành ra cho hay người ta hôi của khắp nơi. Những ngôi nhà của người Anh và người Âu khác bị chính bọn tài xế và làm vườn dọn sạch. Chuyện này làm gia đình tôi lo lắng. Căn nhà ở đường Norfolk với đủ thứ thực phẩm dự trữ rất cần cho chúng tôi trong thời gian dài nữa, bây giờ ra sao rồi? Mẹ tôi đồng ý để tôi với Teong Koo, người làm vườn, đi bộ tám dặm từ Telok Kurau về Norfolk. Chúng tôi đi hai tiếng mới tới. Dọc đường tôi thấy những người Malay khiêng đồ đạc và đủ thứ món ra khỏi những căn nhà lớn. Người Hoa thì lùng sục các kho hàng để tìm những món ít cồng kềnh nhưng lại có giá trị hơn. Một khu nhà gỗ cũ kỹ cách nhà chúng tôi độ hai căn đã bị cỡ hai chục gia đình chiếm cứ. Đàn ông trong đó là các tài xế. Nhưng họ chưa tấn công nhà chúng tôi. Có thể lấy được nhiều món tốt hơn trong các ngôi biệt thự lúc này đã sạch bóng người Âu vì họ đã bị tập trung và tống giam. Tôi đã trở về đúng lúc.

Suốt hai tiếng đi bộ từ Telok Kurau về Norfolk, tôi đã trông thấy một Singapore với guồng máy an ninh trật tự bị dừng lại. Quân Anh

đã đầu hàng. Cảnh sát địa phương – gồm các hạ sỹ quan người Ấn và người Hoa cùng các binh sĩ người Malay – đều đã biến mất, họ sợ người Nhật sẽ xem họ như phần tử trong guồng máy quân đội Anh. Lính Nhật thì chưa xác lập sự có mặt của họ trong thành phố. Mỗi người tự có luật của mình.

Do thói quen, đa số dân chúng vẫn tôn trọng pháp luật. Nhưng khi các ông chủ đã biến mất, những kẻ táo tợn đã thừa cơ hội để cướp phá các nhà kho, các cửa hàng bách hóa và cửa hiệu của các công ty Anh, lấy đi những của cải mà họ coi như chiến lợi phẩm hợp pháp, tình trạng này kéo dài vài ngày cho đến khi người Nhật phục hồi được trật tự; họ khiến dân chúng khiếp sợ bằng cách bắn hay chặt đầu vài kẻ hôi của họ tình cờ bắt được và bêu đầu chúng trên những cây cầu lớn hay ngã tư đường chính.

Quân Nhật cũng đi trấn lột. Trong những ngày đầu, bất kỳ ai đi trên đường có một cái bút máy hay đồng hồ cũng có thể bị tước mất. Lính tráng có thể chính thức vào nhà để lục soát, hoặc giả vờ làm như thế, nhưng thực ra là để lấy đi những món nho nhỏ có thể mang theo bên mình. Ban đầu, họ cũng lấy cả những chiếc xe đạp tốt nhất, nhưng vài tuần sau thì họ ngưng. Họ chỉ ở Singapore ít lâu rồi sẽ đi Java hay một đảo nào đó trong khu quần đảo để chiến đấu và giành những lãnh thổ mới. Họ không thể mang những chiếc xe đạp đó theo.

Việc cướp phá những biệt thự và nhà kho của các ông chủ người Anh đã biểu tượng cho sự kết thúc một thời kỳ. Những người ra đời sau năm 1945 khó mà hiểu hết ý nghĩa sâu xa của việc người Anh thất thủ, vì những người trẻ ấy không có ký ức gì về chế độ thuộc địa bị người Nhật đánh đổ vào ngày 15/2/1942. Từ năm 1819, khi Raffles xây dựng Singapore thành một thương điếm cho Công ty Đông Ấn của Anh, vị trí thượng đẳng của người da trắng đã là một điều đương nhiên. Tôi không hiểu điều đó đã xảy ra thế nào, nhưng khi tôi bắt đầu đi học năm 1930, tôi đã ý thức rằng người Anh là ông chủ lớn, và những ai da trắng cũng là chủ nốt – có thể lớn, có thể kém hơn chút, nhưng tất cả đều là chủ. Bọn họ không đông, chỉ độ tám ngàn. Họ có lối sống thượng lưu và xa cách hẳn người châu Á. Các quan chức chính quyền có những căn nhà lớn tại những khu sang trọng, có xe hơi với tài xế riêng và nhiều kẻ hầu người hạ. Họ dùng thực phẩm thượng hạng với rất nhiều thịt và các sản phẩm sữa. Ba năm một lần, họ lại về quê bên nước Anh nghỉ từ ba tới sáu

tháng để phục hồi sau khi đã mệt mỏi vì khí hậu xích đạo ở Singapore. Con cái họ cũng về chính quốc để học hành, chứ không học các trường ở Singapore. Bọn con cái này cũng sống một đời thượng lưu.

Tại Đại học Raffles, ban giảng huấn đều là người da trắng. Có hai người giỏi nhất trong số sinh viên địa phương đã tốt nghiệp, có bằng hạng ưu về hóa và lý, thì cũng chỉ được làm nhân viên phòng thí nghiệm và lãnh lương thấp hơn rất nhiều, rồi họ phải đi London để học lấy bằng BS (cử nhân khoa học) để giữ được vị trí đó. Một trong những sinh viên giỏi nhất đã tốt nghiệp ngành khoa học xã hội vào thời đó, với bằng hạng ưu về kinh tế, tên là Goh Keng Swee (sau trở thành Phó thủ tướng), cũng chỉ làm trợ giảng, chứ không được làm giảng viên.

Không có vấn đề bất mãn ở đây. Vị thế thượng đẳng của người Anh trong chính quyền cũng như trong xã hội đã là chuyện đương nhiên. Xét cho cùng, họ chính là dân tộc hùng cường nhất thế giới. Họ có một đế quốc lớn nhất trong lịch sử, trải khắp mọi múi giờ trên địa cầu, trên khắp năm châu bốn bể. Chúng tôi biết điều đó khi học sử trong trường. Để cai trị, họ chỉ có vài trăm đội quân tại Singapore phục vụ luân phiên. Những toán quân thường gặp nhất là đóng tại đồn Canning gần trung tâm thành phố. Có lẽ chỉ có độ một hai nghìn lính tất cả để duy trì nền cai trị thuộc địa với khoảng sáu hay bảy triệu dân tại Các thuộc địa vùng eo biển và các bang Malay.

Người Anh rêu rao rằng họ cần có mặt ở Malaya để bảo vệ người Malay, nếu không họ sẽ bị những người nhập cư cần cù hơn lấn lướt. Nhiều người Hoa và người Ấn được mang đến đây làm nhân công hợp đồng và được chấp nhận vì người Malay không thích những công việc trong hoạt động thương mại hay ở đồn điền, như cạo mủ cao su, xây cầu đường, làm thư ký, kế toán hoặc bán hàng.

Một thiểu số những người châu Á nổi bật đã được phép hòa nhập với các ông chủ da trắng, một số được chỉ định làm thành viên không chính thức trong Ủy ban hành pháp hoặc Tư pháp của Thống đốc Anh. Hình ảnh của họ cùng các bà vợ xuất hiện trên báo chí, chụp cảnh họ tham dự những bữa tiệc trong vườn, những bữa tối trong Dinh chính phủ, cúi đầu hoặc gập người trước Thống đốc Anh và bà vợ, các bà thì mang găng tay trắng theo đúng nghi thức và tất cả đều có cung cách hết sức lịch sự. Một số còn được phong tước,

những kẻ khác thì mong rằng sau một thời gian dài phục vụ trung thành, họ cũng sẽ được như vậy. Họ được các quan chức da trắng bảo trợ, nhưng cũng chấp nhận thân phận thuộc cấp của mình một cách rất tự tin, vì họ cũng nghĩ mình cao quý hơn những người châu

Á khác. Ngược lại, bất kỳ người Anh, người Âu hay Mỹ nào cư xử lôi thôi hay trông như dân du thủ du thực lập tức sẽ bị tống khứ vì họ sẽ làm bôi bác toàn thể dân da trắng, mà người ta muốn không ai được hồ nghi gì về tính thượng đẳng của sắc dân này.

Cha mẹ và ông bà tôi đã nuôi tôi lớn để quen thấy đây là trật tự bình thường của mọi sự. Tôi không nhớ ra đã từng có người bản xứ nào, bằng lời lẽ hay hành động, từng nghi vấn về chuyện này. Không người nào tiếp nhận nền giáo dục Anh lại có xu hướng đấu tranh đòi bình đẳng cho người châu Á. Hồi đó tôi không biết rằng có nhiều người Hoa, được học trong trường Hoa ngữ và không hội nhập với chế độ thuộc địa. Thầy giáo của họ từ Trung Quốc tới, và họ không thừa nhận sự tối thượng của người da trắng, vì họ không bị giáo dục và nhồi sọ để đi tới chỗ thừa nhận tính ưu việt và sứ mạng của Đế quốc Anh. Sau chiến tranh tôi mới biết nhiều hơn về họ.
Đó là tình hình Singapore và Malaya mà 110.000 lính Nhật đã chiếm được, đồng thời bắt giữ hơn 130.000 quân Anh, Ấn và Úc. Trong vòng 70 ngày bị bất ngờ lúng túng và sai lầm, xã hội thuộc địa Anh tan rã, kéo theo nó là huyền thoại về tính ưu việt của người Anh. Ai cũng nghĩ người châu Á sẽ hoảng loạn khi có tiếng súng nổ, vậy mà họ lại là những người gan dạ, đón nhận chuyện bị thương hay chết chóc mà không sợ hãi. Chính những ông chủ da trắng mới là kẻ rúc dưới gầm bàn khi bom hay đạn pháo kích nổ. Những người da trắng dân sự hoặc viên chức chính quyền tại Penang, trong đêm khuya ngày 16/12/1941, đã bỏ chạy về lánh tại Singapore, bỏ mặc người dân bản xứ tự lo thân. Binh sĩ Anh triệt hạ mọi công sự họ có thể phá rồi rút lui. Bệnh viện, các cơ sở dịch vụ công và các dịch vụ cần thiết khác bị bỏ trống không người điều hành. Không có lính cứu hỏa để chữa cháy và không có viên chức để coi sóc việc cấp nước. Những người da trắng điều hành đã bỏ đi. Những chuyện về việc họ cuống cuồng đạp lên người khác để cứu lấy thân mình đã khiến người châu Á nghĩ rằng họ ích kỷ và hèn nhát. Nhiều người dĩ nhiên là có cường điệu và không trung thực khi kể lại những chuyện ấy, nhưng họ cũng có đủ dữ kiện để làm như thế. Người da trắng cũng sợ hãi và hoang mang không biết phải làm gì như người châu Á vậy,

nếu không muốn nói là còn thậm tệ hơn. Người châu Á đã trông chờ họ lãnh đạo và họ đã làm mọi người thất vọng.

Người Anh đã xây dựng một huyền thoại về tính ưu việt cố hữu của họ một cách đầy thuyết phục đến nỗi hầu hết dân bản xứ cho rằng kháng cự lại họ là vô vọng. Nhưng bây giờ một dân tộc châu Á đã dám thách thức họ và đập tan huyền thoại. Tuy nhiên, một khi người Nhật nắm quyền cai trị như những người chiến thắng, họ đã mau chóng cho người bản xứ thấy rằng họ còn tàn bạo, bất công và hà khắc hơn cả người Anh. Trong ba năm rưỡi chiếm đóng, bất cứ lúc nào tôi cũng thấy người Nhật hành hạ, đánh đập hay bạc đãi người dân, tôi lại mong rằng người Anh vẫn còn tại vị. Là dân châu Á với nhau, họ đã khiến chúng tôi tỉnh ngộ, nhưng rồi người Nhật cũng thấy xấu hổ khi bị đồng hóa với các dân tộc châu Á khác mà vốn họ coi như hạ đẳng về chủng tộc và thấp kém về trình độ văn minh. Họ là con cháu của Thái Dương thần nữ, Amaterasu Omikami Sama, một dân tộc được tuyển chọn, khác biệt và tách bạch khỏi đám người Hoa, Ấn và Malay ngu dốt.

Lần đầu tiên tôi đụng chạm với người Nhật là trong một lần tôi đến thăm bà dì, em gái của mẹ tôi, ở đường Kampong Java, bên kia cầu Red bắc qua con kênh Bukit Timah. Khi đến gần cây cầu, tôi thấy một lính Nhật đi tới đi lui trên cầu. Có bốn năm lính khác đang ngồi gần đó, có lẽ cùng toán gác cầu với anh ta. Tôi đang đội một chiếc mũ mềm rộng vành, thứ của lính Úc, vốn quăng đầy đường trong những ngày trước khi họ đầu hàng. Tôi đã nhặt một cái, nghĩ rằng nó có thể giúp tôi che nắng trong quãng thời gian gian nan sắp tới.

Khi tôi đi ngang qua chỗ đám lính, tôi cố làm ra vẻ hết sức bình thường. Nhưng chúng không chịu để ai đi qua mà không thèm chào hỏi chúng như vậy. Một tên lính quát lên: “Kore, Kore!” rồi ra hiệu cho tôi. Khi tôi tới gần, hắn thọc lưỡi lê vào vành mũ của tôi và hất nó văng đi, hắn tát tôi đến xoay cả người rồi ra hiệu bảo tôi quỳ xuống. Hắn đạp chân vào ngực tôi khiến tôi té thẳng cẳng trên mặt đường. Khi tôi bò dậy, hắn ra hiệu bắt tôi phải quay trở về. Tôi đã thoát nạn một cách nhẹ nhàng. Nhiều người khác không biết cách cư xử mới và không cúi chào các lính Nhật ở các ngã tư hay trên cầu đã bị bắt quỳ gối hàng giờ dưới nắng và giơ cao một cục đá nặng trên đầu cho đến khi rã rời cả hai tay.

Một buổi chiều, ngồi ở hàng hiên căn nhà của chúng tôi trên đường Norfolk, tôi thấy một lính Nhật trả tiền cho một phu kéo xe. Người

phu xe phàn nàn, xin thêm gì đó. Tên lính nắm lấy tay ông ta, quăng qua vai phải của hắn và bằng một đòn judo, hắn quật văng ông ta lên không trung. Ông ta rơi sấp mặt xuống đường. Một lát sau, ông ta lồm cồm bò dậy, đứng vào giữa hai càng xe và lảo đảo kéo xe đi. Tôi choáng váng trước cảnh nhẫn tâm đó.

Ngày hôm sau, tôi còn học được một bài học nữa trên cầu Red. Một chiếc xe mới chiếm đoạt được chạy ngang qua, xe có một lá cờ nhỏ màu xanh, cờ hiệu cấp thấp nhất – cờ vàng dành cho tướng lĩnh, cờ đỏ cho cấp tá và cờ xanh cho cấp úy. Tên lính hơi chậm trễ trong việc đứng nghiêm chào. Chiếc xe đã chạy qua nhưng nó thắng lại và quay đầu. Một sỹ quan chui ra, bước tới chỗ tên lính và tát hắn ba cái thật mạnh, cầm tay tên lính đưa qua vai, và cũng bằng một đòn judo như tôi đã thấy hôm trước, gã sỹ quan quẳng tên lính lên trời. Tên lính cũng té sấp mặt xuống như ông phu xe nọ vậy. Lần này tôi ít choáng váng hơn. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng sự tàn bạo là một phần trong hệ thống quân đội Nhật, ăn sâu bén rễ qua nhiều lần đánh đập vì những vi phạm nhỏ.

Cũng trong ngày hôm đó, một hạ sỹ quan Nhật và vài tên lính vào nhà tôi. Chúng xem xét qua loa, thấy rằng chỉ có tôi và Teong Koo ở nhà và quyết định đây là chỗ trú thích hợp cho một trung đội. Thế là mở đầu một cơn ác mộng. Tôi đã từng chữa răng ở một nha sĩ Nhật trên đường Bras Basah, ông ta và các y tá đều cực kỳ sạch sẽ và ngăn nắp. Những nhân viên bán hàng người Nhật trong các cửa hàng 10–xu trên đường Middle cũng vậy. Tôi không hề chuẩn bị đối phó với thứ mùi tởm lợm của quần áo và thân thể không tắm giặt của bọn lính Nhật này. Họ lùng sục khắp ngôi nhà. Họ tìm thức ăn, thấy kho dự trữ của mẹ tôi và ăn sạch những gì chúng thích, nấu nướng ngay ngoài trời. Tôi chẳng biết tiếng Nhật để trao đổi với họ. Họ thì tỏ ý muốn bằng cách ra dấu và tiếng ầm ừ trong họng. Khi tôi chậm chạp không hiểu ra ý của họ, tôi bị chửi rủa và tát tai thường xuyên. Họ là những con người kỳ lạ, không cạo râu chải tóc, nói một thứ ngôn ngữ cộc cằn hung hãn. Họ làm tôi phát sợ và ngủ chập chờn không yên. Sau ba ngày khốn khổ, họ bỏ đi.

Trong khi trung đội này đóng tại nhà tôi, thì lực lượng Anh, Ấn và Úc xếp hàng đi vào trại giam. Cuộc diễu hành của họ bắt đầu vào ngày 17/2/1942, và suốt hai ngày một đêm họ cứ nện gót ngang qua nhà tôi, vượt qua cầu Red đi về hướng Changi. Tôi vẫn ngồi

ngoài hàng hiên cả mấy tiếng đồng hồ nhìn họ đi qua, trái tim tôi nặng như chì. Nhiều người trông buồn bã, tuyệt vọng, bối rối vì họ đã bị đánh bại quá dễ dàng và quá dứt khoát. Hình ảnh đoàn quân đầu hàng quả là một cảnh não lòng.

Vẫn có một số người khiến tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Trong số họ có những người Scotland mà tôi dễ dàng nhận ra qua cái mũ của họ. Cho dù bại trận, họ vẫn giữ thẳng người và đi đều bước – “Trái, phải, trái, phải, trái!” Người Gurkha7 cũng giống người Scotland. Họ bước đi thẳng người, mạnh mẽ và bình thản ngay trong cảnh chiến bại. Tôi thầm lên tiếng chào họ. Họ để lại trong tôi một ấn tượng lâu dài. Sau này chính phủ Singapore có sử dụng một đại đội cảnh sát người Gurkha để chuyên chống bạo động, suốt từ thập niên 1960 đến nay.

Lính Úc trông nản chí, đi không đều bước. Lính Ấn cũng vậy, trông buồn bã và mất tinh thần. Có lẽ họ nghĩ đây chẳng phải cuộc chiến của họ.

Ngay sau khi bọn lính Nhật rời khỏi nhà tôi, có tin đồn truyền miệng rằng tất cả người Hoa phải tới đăng ký trình diện tại sân vận động Jalan Besar. Tôi thấy gia đình người hàng xóm đi và nghĩ mình cũng nên đi thì hay hơn, vì nếu tôi bị bắt gặp ở tại nhà, Kempeitai, quân cảnh Nhật, sẽ trừng phạt tôi. Nên tôi với Teong Koo cùng đi. Hóa ra, căn buồng của ông ấy trong khu nhà trọ dành cho các phu kéo xe lại nằm trong một khu đã được rào dây kẽm gai. Mười nghìn gia đình người Hoa bị nhồi nhét trong khu vực chật hẹp đó. Mọi lối ra vào đều có lính Kempeitai đứng gác. Có một vài nhân viên dân sự, người bản xứ hoặc dân Đài Loan, cùng làm việc với họ. Sau này tôi được cho hay rằng nhiều người trong bọn họ là chỉ điểm, mặc dù tôi không nhớ có nhận ra ai không.

Sau khi ngủ một đêm trong căn buồng của Teong Koo, tôi quyết định đi ra qua một chốt kiểm soát, nhưng thay vì cho tôi qua, tên lính gác ở đó ra hiệu cho tôi nhập bọn cùng một nhóm thanh niên người Hoa. Tôi linh cảm thấy đây là điềm xấu nên ra dấu xin về buồng thu dọn đồ đạc và tên lính đồng ý. Tôi trở về và trốn kỹ trong buồng của Teong Koo suốt một ngày rưỡi. Rồi tôi thử đi qua chốt kiểm soát đó lần nữa. Lần này, vì lý do gì đó không rõ, tôi được cho đi qua và nhận một dấu đóng trên bả vai trái và trước ngực áo. Con dấu có chữ kanji, hoặc đọc theo tiếng Hoa là jian, nghĩa là “đã kiểm

tra” in bằng một thứ mực không phai, sẽ là bằng chứng rằng tôi vô tội. Tôi với Teong Koo đi bộ về nhà, lòng nhẹ nhõm.

Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được làm sao những quyết định ảnh hưởng sinh tử tới con người lại được đưa ra một cách tùy tiện và ngẫu nhiên như vậy. Tôi đã thoát trong đường tơ kẽ tóc khỏi một chiến dịch được gọi là Sook Ching, nghĩa là “quét sạch” bọn nổi loạn, theo lệnh của đại tá Masanobu Tsuji, người hoạch định chiến dịch Malaya. Kế hoạch của ông ta được lời phê chuẩn của tướng Tomoyuki Yamashita, chỉ huy lực lượng Nhật, đồng ý cho ông ta tiến hành trừng phạt người Hoa ở Singapore vì đã góp quỹ ủng hộ phong trào kháng Nhật của Trung Quốc, và vì trò tẩy chay hàng Nhật của họ.
Ông ta còn chuyện khác phải thanh toán với Dalforce, một bộ phận của lực lượng chí nguyện 1.000 người Hoa do các thủ lĩnh cộng đồng địa phương tại Singapore thành lập để chống lại người Nhật. Được đại tá John Dalley của Lực lượng đặc biệt Malaya tập hợp lại, bộ phận này đã thu hút người Hoa thuộc mọi thành phần, những người ủng hộ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, ủng hộ Đảng Cộng sản Malaya kể cả một nhóm chừng 500 đảng viên cộng sản đang ở trong tù và được người Anh phóng thích vào giờ chót. Một khi được vũ trang, những quân chí nguyện này được phái tới phòng thủ phía Đông sông Kranji bên cạnh Lữ đoàn 27 của quân Úc. Họ đã chiến đấu điên cuồng, nhiều người đã chết, nhưng cũng làm người Nhật thiệt hại nặng. Họ đã làm tên gọi Dalforce thành một huyền thoại, đồng nghĩa với lòng dũng cảm.

Ngày 18/2, người Nhật đưa ra các thông báo, và cho lính vác loa phóng thanh đi khắp thành phố ra lệnh cho tất cả người Hoa trong độ tuổi từ 18 đến 50 đến trình diện tại năm điểm tập trung để được điều tra. Bọn Kempeitai đi từng nhà thúc lưỡi lê lùa những người Hoa chậm chân tới những điểm tập trung, nhiều người già, trẻ con và phụ nữ cũng bị lùa vào đó.

Sau này tôi khám phá ra rằng những người bị chặn lại tại chốt kiểm soát mà tôi đã qua được, đã bị đưa tới trường Victoria và giam ở đó đến 22/2, rồi có bốn năm chục chiếc xe tải tới chở họ đi. Họ bị trói tay ra sau lưng, chở tới bãi biển Tanah Merah Besar, cách đấy 10 dặm về phía bờ biển phía Đông, gần nhà tù Changi. Tại đây họ bị lùa xuống, trói vào nhau và bị buộc đi xuống biển. Khi họ đi, người Nhật

cho nổ súng máy. Sau đó, để chắc chắn rằng họ đã chết, mỗi cái xác còn bị đá, đâm lưỡi lê và làm nhiều trò khác. Chẳng ai buồn chôn xác họ và chúng thối rữa dần khi bị sóng nhồi tới nhồi lui trên bãi. Một vài người, nhờ phép lạ kỳ diệu, đã sống sót và kể lại chuyện này.

Người Nhật công nhận đã giết khoảng 6.000 người Hoa trong chiến dịch Sook Ching từ 18 đến 22/2/1942. Sau chiến tranh, một ủy ban của Phòng thương mại Trung Quốc đã khai quật nhiều hố chôn tập thể tại Siglap, Punggol và Changi. Người ta ước lượng số người bị giết là khoảng từ 50 đến 100 nghìn người.

Trên lý thuyết, quân Nhật có thể biện minh hành động này như một chiến dịch nhằm vãn hồi an ninh trật tự và đàn áp phong trào kháng Nhật. Nhưng đây chỉ là sự trả thù đơn thuần, không xảy ra trong lúc chiến trận mà xảy ra khi Singapore đã đầu hàng. Ngay cả sau Sook Ching, vẫn còn những chiến dịch thanh trừng trong vùng nông thôn, nhất là khu phía Đông Singapore, và thêm hàng trăm người Hoa nữa bị hành hình. Tất cả đều là những người trẻ tuổi và khỏe mạnh, có thể gây rối loạn sau này.

Khi trở lại Norfolk, căn nhà vẫn ở trong tình trạng bừa bộn như lúc bọn lính Nhật bỏ đi, nhưng nó không bị hôi của và nhiều món dự trữ vẫn còn. Vài ngày sau, gia đình tôi từ Telok Kurau trở về. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Chúng tôi hiểu ra tình trạng bất trắc, những cực nhọc hàng ngày và sự khốn khổ của thời Nhật chiếm đóng mà người dân Singapore sẽ phải chịu đựng trong ba năm rưỡi kế đó.

Hai tuần sau khi thất thủ, tôi nghe nói người Nhật cho dựng hàng rào gỗ quanh những căn phố trên đường Cairnhill, trước đây đó là nhà của những người Âu hay thương nhân châu Á nay đã rời Singapore hoặc bị cầm tù. Đó là khu của dân trung lưu lớp trên. Tôi đạp xe qua đó và thấy những lính Nhật xếp hàng dài theo vòng xoay Cairnhill bên ngoài hàng rào. Tôi nghe dân cư gần đó nói rằng bên trong khu ấy là những phụ nữ Nhật hay Hàn Quốc đã theo chân quân đội để phục vụ cho binh lính trước và sau trận đánh. Đó là một cảnh tượng kỳ lạ, một hai trăm thanh niên xếp hàng chờ tới phiên mình. Tôi không nhìn thấy phụ nữ nào vào ngày đó. Nhưng có một bảng thông báo viết bằng chữ Hán, người lân cận cho hay nó nói về một khu “nhà giải trí”. Những nhà giải trí như vậy đã được lập ra ở

Trung Quốc. Bây giờ nó đến Singapore. Ít nhất có bốn khu nhà khác như vậy. Tôi nhớ mình có đạp xe qua một khu nhà lớn trên đường Tanjong Katong, với một hàng rào gỗ bao quanh chừng hai ba chục ngôi nhà.

Hồi đó tôi nghĩ rằng quân đội Nhật đã có một giải pháp thực tế và hữu hiệu cho những vấn đề như thế, hoàn toàn khác hẳn cách của quân đội Anh. Tôi nhớ đến những cô gái ăn sương gạ gẫm đám lính Anh đóng tại đồn Canning. Giới chỉ huy Nhật thừa nhận nhu cầu tình dục và cung cấp điều đó cho lính của họ. Kết quả là chuyện hãm hiếp ít xảy ra. Trong hai tuần đầu sau khi đầu hàng, dân Singapore đã sợ rằng quân Nhật sẽ phóng tay cướp phá. Mặc dù cũng có chuyện hãm hiếp nhưng chủ yếu là ở vùng nông thôn, nhưng đã không xảy ra tình trạng như ở Nam Kinh năm 1937, tôi nghĩ những khu nhà giải trí ấy là câu trả lời. Hồi đó tôi không biết rằng chính quyền Nhật đã bắt cóc và cưỡng bách các phụ nữ Hàn Quốc, Philippines và Trung Quốc phải thỏa mãn những nhu cầu của lính Nhật tại mặt trận Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ cũng buộc các phụ nữ Hà Lan giải trí cho các sỹ quan Nhật.

Những người thuộc thế hệ chúng tôi vốn từng thấy những lính Nhật bằng xương bằng thịt chắc không thể nào quên thái độ hầu như không có tính người của họ trước cái chết trong chiến đấu. Họ không sợ chết. Họ là những đối thủ đáng sợ và không cần gì nhiều cũng có thể tiếp tục chiến đấu: những hộp thiếc đeo ở thắt lưng của họ chỉ chứa ít cơm, đậu nành và cá muối. Suốt thời chiếm đóng, hình ảnh thường thấy là những lính Nhật tập sử dụng lưỡi lê ngoài bãi trống. Tiếng quát của họ khi đâm lưỡi lê vào các hình nộm nghe thật kinh người. Nếu người Anh trở lại và tấn công xuống dọc theo bán đảo Malaya thì hẳn thiệt hại sẽ rất lớn.

Khi trông thấy họ hàng ngày, tôi chắc chắn rằng chỉ cần tinh thần chiến đấu thôi, họ đã là những chiến sĩ thuộc loại giỏi nhất thế giới. Nhưng họ cũng có sự tàn bạo và hà khắc đối với kẻ thù y như quân Hung Nô. Quân Mông cổ của Thành Cát Tư Hãn cũng không thể tàn bạo hơn. Tôi không hề nghi vấn chuyện hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki là có cần thiết hay không. Không có chúng, hàng trăm nghìn thường dân ở Malay và Singapore, và hàng triệu người nữa ở ngay nước Nhật hẳn đã bị tiêu diệt.

Cái gì đã khiến họ thành những chiến binh như thế? Người Nhật gọi đó là võ sĩ đạo, hay Nippon seishin, tinh thần Nhật Bản. Tôi tin rằng đó là sự giáo dục nhồi sọ có hệ thống về lòng tôn sùng Nhật hoàng, về tính ưu việt của chủng tộc mình như một dân tộc đã được lựa chọn để chinh phục mọi dân tộc khác. Tất cả bọn họ đều tin rằng chết trong chiến trận vì phục vụ Nhật hoàng nghĩa là sẽ được lên thượng giới và trở thành thần, trong khi tro thiêu xác họ được giữ trong đền Yasukuni ở ngoại ô Tokyo.

Cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra dưới thời Nhật chiếm đóng. Ban đầu mọi người đều thấy hoang mang. Cha tôi không có việc làm, tôi không đi học, ba em trai và đứa em gái tôi cũng không đi học. Có rất ít hoạt động trong xã hội. Chúng tôi cảm thấy nguy hiểm vây quanh. Quen biết ai đó có chức quyền, dù là một người Nhật hay một ông thông ngôn người Đài Loan làm việc cho người Nhật, cũng trở thành chuyện rất quan trọng và có thể cứu mạng mình. Vài dòng chữ của họ kèm chữ ký và dấu đóng cũng đủ để chứng nhận rằng bạn là công dân tử tế và xác nhận tư cách tốt của bạn. Những giấy tờ như thế được coi là rất có giá trị khi bạn bị lính Nhật chặn lại kiểm tra. Nhưng an toàn nhất là ở nhà và tránh tiếp xúc hay xung đột với giới cầm quyền.

Một trong những lần ra ngoài đầu tiên của tôi là vào trung tâm thành phố. Tôi đi bộ hai dặm tới một tiệm sách cũ trên đường Bras Basah chuyên bán sách học. Trên đường đi, tôi thấy một đám đông gần lối vào rạp hát Cathay, nơi trước đây tôi đã xem bộ phim hài cười cợt thứ bom của Nhật. Chen vào đám đông, tôi thấy đầu lâu của một người Hoa, đặt trên một tấm ván nhỏ gắn trên đầu một cây cột, bên cạnh đó có mấy dòng chữ Hán. Tôi không đọc được, nhưng có người gần đó giải thích rằng nó cảnh báo điều gì người dân không nên làm để phải chịu kết cục như thế này. Người bị chặt đầu này bị bắt quả tang đang hôi của, và bất cứ ai không tuân luật lệ cũng sẽ bị xử như thế. Tôi bỏ đi với cảm giác hãi hùng với người Nhật, nhưng đồng thời tôi nghĩ rằng một bức ảnh chụp cảnh này mà đăng trên tờ Life thì sẽ tuyệt vời thế nào. Tờ tuần báo Mỹ này sẽ trả tiền rất khá cho một bức ảnh đầy tương phản như thế: một cao ốc hiện đại ở Singapore làm nền cho một cảnh trừng phạt của thời trung cổ. Nhưng rồi chắc người chụp ảnh cũng kết thúc số phận như tay hôi của bị chặt đầu kia.

Tôi gặp phải cảnh rợn người ấy trên đường tới Bras Basah vì tôi đã quyết định học chút ít tiếng Hoa để đọc được những thông báo của họ. Tiếng Anh của tôi chẳng có giá trị gì với chế độ mới này. Học tiếng Hoa thì tốt hơn học tiếng Nhật; ít nhất đó cũng là ngôn ngữ của dân tộc tôi chứ không phải thứ tiếng của bọn chinh phục kia. Tôi mua cuốn Mandarin Made Easy (Quan thoại giản lược) của Chiang Ker Chiu, một cuốn sách mỏng chừng 30 trang dạy 700 chữ Hoa cơ bản, cách viết và cách dùng chung với các từ khác.

Tôi thanh toán cuốn này trong một hai tuần và đi mua tiếp tập 2 của bộ sách. Sau này tôi mua luôn một bộ bốn cuốn do Trường Trung Quốc Prinsep xuất bản, dạy ở mức cao hơn. Mỗi ngày mỗi học, tôi thực tập luôn mấy tháng để viết được khoảng 1.200 đến 1.500 chữ và cố gắng nhớ được nghĩa của chúng. Nhưng tôi chẳng biết được chúng phát âm ra sao. Trong tiếng Quan thoại, mỗi từ có một trong bốn âm sắc. Các sách của tôi có chỉ dẫn chuyện đó, nhưng tôi chẳng biết nói ra sao và cũng chẳng có ai để chỉ dạy tôi.

Trước những khó khăn như thế, dần dần tôi bớt thù ghét tiếng Nhật hơn. Tôi khám phá ra rằng ngôn ngữ Nhật không phải chỉ toàn chữ Hoa. Nó là một hệ thống vần và có hai cách viết katakana và hiragana. Nếu người Nhật còn là kẻ thống trị ở Singapore trong nhiều năm tới, và không những để tránh gặp rắc rối mà còn để kiếm sống nữa, tôi sẽ phải học ngôn ngữ của họ. Do đó vào tháng 5/1942, tôi đăng ký cùng một nhóm học viên đầu tiên vào trường Nhật ngữ mà giới cầm quyền mở ra trên đường Queen. Đó là một khóa học ba tháng. Học viên thuộc đủ mọi lứa tuổi và trình độ, một số học hết trung học, một số đang học đại học như tôi và số khác là các công nhân trẻ trong độ tuổi hai mươi. Tôi học xong và có bằng chứng nhận. Tôi thấy tiếng Nhật dễ hơn tiếng Quan thoại nhiều vì nó không có âm sắc, nhưng văn phạm và các biến tố của nó thì phức tạp hơn.

Ông nội tôi, Lee Hoon Leong, đã lâm bệnh nặng vào tháng 7, và ba tuần sau khi tôi kết thúc khóa học thì ông mất. Trước đó tôi vẫn đến thăm ông nhiều lần tại căn nhà trên đường Bras Basah, nơi ông sống với cô con gái nuôi. Tôi thấy rất buồn cho ông. Không phải vì ông bị bệnh mà vì ông phải chứng kiến thế giới của ông sụp đổ: người Anh và tất cả những biểu tượng của họ đã bị lăng nhục và đánh bại. Hải quân Anh, những thuyền trưởng Anh, kỷ luật, tài ba

và ưu thế tuyệt đối của họ trên mặt biển – tất cả đã bị bọn lính Nhật trông kỳ cục kia hạ gục. Ông không thể hiểu làm sao một dân tộc lôi thôi như thế lại có thể đánh bại các sỹ quan Anh kiêu dũng kia. Làm sao bọn chúng đánh chìm được những con tàu như Prince of Wales và Repulse, làm tan tác hạm đội Anh, bắn rơi máy bay của Không quân Hoàng gia và bắt sống 130.000 lính Anh với một lực lượng chỉ có 110.000 quân và bao vây Singapore có hai tuần lễ? Khi nhìn ông ngày càng hôn mê đi, tôi đã nghĩ giá mà ông chết trước khi tất cả những chuyện này xảy ra thì tốt cho ông hơn.
Những quan hệ hữu dụng của ông với Singapore dưới chế độ thuộc địa đã đứt đoạn, nhưng ông có một người bạn Nhật, một ông tên là Shimoda, người mà cha tôi đi tìm gặp vài ngày sau khi ông nội tôi mất. Những khó khăn của thời chiếm đóng đã làm cha tôi điềm tĩnh hơn. Ông trở nên có trách nhiệm hơn trong thời kỳ khó khăn. Ông kiếm được công việc với bộ phận quân đội lo về tiếp tế xăng dầu và cũng tìm được cho tôi công việc đầu tiên trong đời. Do cha tôi yêu cầu và do tình cảm với ông nội tôi, ông Shimoda đã tìm cho tôi công việc trong một thế giới mới với người Nhật đóng vai ông chủ lớn.

Tôi làm thư ký trong công ty của ông ta được một năm, sao chép các hồ sơ để dùng trong công ty và thư từ với các công ty Nhật khác. Khi công ty Shimoda đóng cửa, tôi xin được một chân thư ký đánh máy ở bên kia quảng trường Raffles, trong một kumiai, tổ hợp, kiểm soát những thực phẩm chính –gạo, đường, dầu ăn, muối và cả thuốc điếu cũng như thuốc sợi nữa. Tôi lĩnh lương bằng đồng tiền do quân Nhật phát hành, những đồng tiền có in hình những cây dừa và cây chuối. Tiền này, người ta gọi là “tiền chuối”, không có số sêri và mỗi tháng mỗi mất giá. Công việc này quý ở chỗ là lương còn được trả bằng hiện vật – chừng 10 katis (khoảng 7 ký) gạo, đường, dầu và quý nhất là thuốc lá. Những suất chế độ này quý hơn thứ tiền chuối, vì mỗi tháng chúng lại khan hiếm hơn và trị giá nhiều tiền chuối hơn.

Tôi làm việc cho kumiai được khoảng tám tháng, đến cuối năm 1943, thì đọc được một mẩu quảng cáo của Hodobu, bộ phận thông tin tuyên truyền Nhật có trụ sở tại cao ốc Cathay, đăng trên tờ Syonan Shimbun. Bộ phận này đang cần các biên tập viên tiếng Anh. Tôi tới nơi và được George Takemura, một người Nhật sinh tại

Mỹ, phỏng vấn. Đó là một người gầy, cao, trắng trẻo, nói tiếng Anh với giọng Mỹ. Ông ta không mặc quân phục sỹ quan Nhật mà mặc đồ dân sự trong khối quản trị quân đội với năm ngôi sao xanh dương

– tương đương với cấp đại úy. Ông ta ăn nói nhỏ nhẹ, và thực ra là người rất lịch sự. Ông hài lòng với tiếng Anh của tôi, và tôi hài lòng vì đã tìm được một chỗ mà nhiều người mong muốn.

Công việc của tôi là theo dõi các hãng thông tấn của Đồng minh: Reuters, UP, AP, Thông tấn xã trung ương Trung Quốc và TASS. Những tin tức này được đánh đi bằng tín hiệu morse, và được các hiệu thính viên của đài phát thanh Malay bắt được. Vào lúc chiều tối thì tín hiệu không được tốt lắm, nên nhiều chữ bị ngắt mất. Tôi phải giải mã và dựa theo toàn văn để đoán ra những chữ bị mất, cứ như chơi trò ở chữ. Các mẩu tin phải được đối chiếu sắp xếp lại theo từng mặt trận khác nhau và gởi từ tầng trên cùng của cao ốc Cathay xuống tầng kế bên dưới để được cắt sửa và phát thanh. Tôi làm việc ở đó được 16 tháng cho đến cuối năm 1944.

Đó là một cuộc sống kỳ lạ. Công việc của tôi bắt đầu lúc 7 giờ sáng giờ Tokyo, tức 5 giờ 30 ở Singapore, cho đến khi trời sáng. Tín hiệu vô tuyến rất kém cho tới nửa đêm giờ Tokyo. Nên trong ca đầu từ 7 giờ chiều đến 12 giờ trưa, công việc rất cực, nhưng ta được về sớm để ngủ. Thời gian từ 12 giờ trưa tớí 9 giờ tối được chia làm hai ca, với một đoạn nghỉ hai tới ba tiếng giữa hai ca. Tín hiệu lúc này khá hơn, ít bị tạp âm ở những chữ hay đoạn câu bị lạc mất, nhưng cũng có nghĩa là phải ngủ trong những giờ trái khoáy.

Mỗi ca làm việc đều có hai biên tập viên. George Takemura, thường mặc đồng phục và không có áo khoác vì khí hậu nóng và ẩm, có thể ghé vào mỗi tối vài lần, cho tôi và nhân viên biên tập kia một gói thuốc lá Nhật trong suất chế độ của ông. Tôi phải luôn luôn tỉnh táo, thỉnh thoảng ngủ chút đỉnh từ 4 đến 6 giờ sáng sau khi thu xếp công việc với bạn làm cùng ca, rồi làm việc tiếp đến 9 giờ sáng, khi tình hình sóng vô tuyến lại trở nên tồi tệ. Sóng tín hiệu trở nên vô vọng khi trời nắng, nên các tín hiệu viên cũng kết thúc công việc trong ngày. Tôi thường đi bộ hai dặm rưỡi từ cao ốc Cathay về đường Norfolk để ăn bữa giữa sáng rồi đi ngủ thêm vài tiếng nữa.

Những ảnh hưởng tâm lý của công việc này còn kỳ cục hơn cả giờ giấc làm việc nữa. Trong nhiều giờ liền, trong đầu tôi đầy những tin tức về một cuộc chiến ngày càng trở nên bất lợi cho Nhật cũng như

cho Đức và Ý. Nhưng nếu nói chuyện này ra với người ngoài là sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ở tầng trệt của cao ốc Cathay có một bộ phận của Kempeitai. Mỗi nhân viên làm ở đây đều có một tập hồ sơ. Công việc của Kempeitai ở đây là bảo đảm không ai tiết lộ gì được ra ngoài.

Từ cuối năm 1943, thực phẩm ngày càng khan hiếm. Hải quân Nhật bị thua nhiều trận và thiệt hại nặng nề trong những trận ở đảo Midway và vùng biển Coral8. Họ đã mất quyền kiểm soát mặt biển và tàu của họ liên tục bị tàu ngầm Đồng minh bắn chìm. Ngay cả Thái Lan, nước xuất khẩu gạo xưa nay, cũng không thể chuyển gạo sang Singapore, hoặc do người Nhật không muốn trả tiền gạo hoặc do họ không thể chuyên chở qua được.

Rơi vào cảnh phải ăn thứ gạo dự trữ ẩm mục trộn với gạo trồng ở Malaya, chúng tôi đành tìm món thay thế. Mẹ tôi, cũng như nhiều người khác, chế biến chút đỉnh gạo chúng tôi có được với bắp, kê và những thứ rau củ mà lúc bình thường chúng tôi không hề đụng tới, như rau lang, lá khoai mì nấu với nước dừa. Những thứ đó không ngon miệng lắm, nhưng chúng làm đầy bụng tuy không có dinh dưỡng cao. Cỡ một tiếng sau bữa ăn là anh em tôi bắt đầu thấy đói kỳ lạ. Thịt là món xa xỉ. Chẳng có bao nhiêu bò hay cừu. Thịt heo thì dễ mua hơn và chúng tôi có thể tự nuôi gà, nhưng cũng chẳng có bao nhiêu thức ăn thừa để cho chúng ăn.

Tài tháo vát của mẹ tôi bị thử thách rất dữ trong thời chiếm đóng. Khi tổng số tiền lương của cha tôi, em Dennis của tôi và cả tôi nữa dần trở nên nhỏ nhoi vì lạm phát thì bà bắt đầu làm đủ thứ dịch vụ. Là con gái một gia đình người Hoa xứ này, bà đã học được cách nấu nướng và làm bánh. Bây giờ bà làm bánh để bán. Khi không còn kiếm ra bột mì và bơ nữa thì bà dùng bột khoai mì, bột gạo, bột cọ, nước dừa và đường thốt nốt. Từ sữa tươi bà làm được sữa đặc có đường. Bà là một đầu bếp giỏi. Sau này, khi tôi làm thủ tướng, bà vẫn dành thì giờ dạy nghệ thuật nấu ăn kiểu người Hoa cho các phụ nữ xa quê hương, trong đó có cả các bà vợ của những viên chức ngoại giao đoàn. Bà còn viết cuốn Mrs Lee’s Cookbook (Sách nấu ăn của Bà Lee), bán khá chạy ngay cả sau khi bà đã mất.

Mọi thứ đều khan hiếm. Xe hơi thì biến mất, ngoài những chiếc dùng cho quân đội hay các viên chức cao cấp. Một số dân địa phương có xe hơi làm môi giới trong thị trường chợ đen. Việc buôn

bán rất sôi nổi với các mặt hàng thuốc tây đang ngày càng khan hiếm, hay lấy từ những kho thuốc trữ từ hồi trước chiến tranh. Thứ có giá nhất là Sulphonamide Pyridine. Những món hàng có lãi cao khác là rượu như Johnnie Walker và Hennessy, thuốc lá Anh trong hộp thiếc 50 điếu, nữ trang, bất động sản và tiền dùng trong Các thuộc địa vùng eo biển (tiền Singapore dùng trước thời Nhật chiếm đóng.)

Các tay môi giới hoạt động chủ yếu trên đường High hoặc Chulia, gần quảng trường Raffles. Tôi tham gia hàng ngũ này vào năm 1944 và học cách trữ hàng, nhất là những món nữ trang nho nhỏ ngày càng mất giá. Tôi mua những thứ đó, trữ vài tuần, rồi bán lại với giá chắc chắn là cao hơn. Cũng rất dễ kiếm tiền nếu mình có những mối mang làm ăn tốt. Ở đầu dây bên này là những người thuộc lớp trung lưu đang phải bán tài sản của ông bà để mong sống còn. Mẹ tôi quen biết rất nhiều phụ nữ gia đình khá giả trước đây, nay cần phải bán nữ trang và tài sản tại một xứ Singapore đang ngày càng khan hiếm thực phẩm. Bọn môi giới chúng tôi sẽ gạ bán những món đó cho những người ở đầu dây bên kia. Đó là những người muốn bán cho các viên chức Nhật đang nóng lòng đổi mớ tiền chuối thành những món có giá trị lâu dài hơn, hoặc để tặng cho các sỹ quan Nhật đã dành cho họ những hợp đồng béo bở.

Điều then chốt để sống còn là khả năng xoay xở. Một công việc do tôi tiến hành đã thay đổi dòng đời của tôi. Khi làm môi giới trong chợ đen, tôi gặp Yong Nyuk Lin, một sinh viên khoa học của Đại học Raffles đang làm việc cho Công ty bảo hiểm hải ngoại trên đường Chulia, Nyuk Lin và tôi thường đến một tiệm kim hoàn của hai anh chàng người Hakka, cũng là sinh viên Raffles, làm với ông anh của họ. Cửa tiệm đó là nơi gặp gỡ của các tay môi giới chuyên mua bán các món nữ trang. Cửa tiệm Barsai trên đường Chulia của một người Ấn chuyên bán văn phòng phẩm trước đó đã hỏi tôi có thể kiếm đâu ra hồ dán cho văn phòng không, thứ này chỉ tồn kho một ít từ trước chiếm đóng, nay đã cạn. Mình có thể tự làm được không? Tôi hỏi Nyuk Lin có biết làm hồ dán không. Anh ta nói anh biết làm, bằng bột khoai mì và một ít acid. Thế là tôi chi cho anh ta ít tiền để làm thử.

Cách làm của Nyuk Lin là dùng một nồi lớn đổ đầy bột khoai mì đặt trong một chảo dầu sôi. Anh ta dùng dầu dừa, một thứ rẻ và dễ mua. Anh giữ dầu ở nhiệt độ cao để làm nóng bột khoai mì, thứ này

phải khuấy đều tay cho đến khi biến thành một chất sền sệt màu vàng nâu. Nó có hình dạng và mùi như đường caramel. Anh ta thêm nước và mớ caramel ấy tan thành một thứ hồ keo, sau đó anh thêm chút acid carbolic làm chất bảo quản chống mốc. Thứ hồ dán này được đóng vào chai Scotts Emulsion vốn là thứ cũng rẻ và dễ thu mua. Tôi đặt cho thứ hồ dán này cái tên là “Stikfas”, nhờ một anh bạn có hoa tay thiết kế một tờ nhãn coi hấp dẫn có chữ màu nâu nhạt trên nền trắng.

Thứ hồ dán này hóa ra có lãi kha khá và chúng tôi sản xuất ở hai nơi. Một là nhà tôi, có mẹ và em gái tôi giúp sức. Chỗ kia là nhà Nyuk Lin, anh có vợ và một cô em vợ phụ việc. Cô em vợ chính là Kwa Geok Choo, cô gái luôn học giỏi hơn tôi tại Đại học Raffles. Tôi đã thấy cô trước đó khi tôi đến tìm Nyuk Lin tại căn hộ của anh ta trên đường Tiong Bahru bằng chiếc xe đạp bánh đặc của tôi. Cô đang ngồi ở hàng hiên khi tôi tới, và lúc tôi hỏi anh ta ở đâu, cô đã mỉm cười và chỉ vào một cầu thang gần đó. Bây giờ chúng tôi gặp nhau trong những tình huống khác. Cô phải ở nhà, chẳng có việc gì làm, ngoài những việc trong nhà vì không còn đầy tớ nữa. Làm hồ dán thì cũng cực nhưng đem lại cho cô ít tiền tiêu vặt, và những lần tôi ghé lại để theo dõi công việc sản xuất đã khiến nảy sinh tình bạn qua thời gian.

Đến tháng 9/1944, chúng tôi đã quen nhau khá thân để tôi có thể mời Nyuk Lin, vợ anh ta và Geok Choo (hay chỉ gọi là Choo) dùng một dạ tiệc nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 21 của tôi tại một nhà hàng Tàu trong khu Đại Thế Giới. Đó là lần đầu tôi mời cô đi chơi. Thực ra, cô còn có anh rể đi cùng, nhưng ở Singapore thời đó, nếu một thiếu nữ nhận lời mời tới dự tiệc sinh nhật thứ 21 của một chàng trai, thì đó là một sự kiện không phải là không có ý nghĩa.

Chuyện làm hồ dán kéo dài được khoảng sáu bảy tháng, cho đến cuối năm 1944. Lúc đó Nhật bắt đầu thua trận. Ít có tàu buôn nào đi lại được và việc thương mại đình đốn; công việc kinh doanh thu hẹp và các văn phòng chẳng cần tới hồ dán nữa. Tôi chấm dứt việc làm hồ dán, nhưng tiếp tục tới thăm Choo tại căn nhà ở đường Tiong Bahru để nói chuyện gẫu và giữ gìn tình bạn.

Tháng 5, âm mưu của Nhật muốn xâm chiếm Ấn Độ qua ngả Miến Điện (nay là Myanmar) bị thất bại tại Imphal và Kohima. Lần này đến lượt người Nhật phải rút quân. Họ chống cự điên cuồng và kiên

trì ngay cả lúc rút lui, và tôi đọc được những thông báo về cuộc chống cự dai dẳng của họ khi người Anh tiến vào Mandalay và dọc theo bờ biển Arakan của Miến Điện. Tôi cảm thấy chắc chắn là người Anh rồi sẽ tiến quân xuống bán đảo Malaya theo cùng kiểu như vậy, và e rằng, khi người Nhật chiến đấu tới cùng, việc tái chiếm Singapore sẽ là cuộc chiến giành từng con đường, từng ngôi nhà rồi đi đến một kết cục đẫm máu, trong đó có rất nhiều dân sự thương vong. Chuyện đó chỉ còn là vấn đề thời gian, một hay hai năm nữa thôi.

Tôi quyết định rằng phải rời Singapore khi tình hình còn yên tĩnh, và tôi có thể xin thôi việc ở Hodobu mà không ai nghi ngờ về động cơ của tôi. Tôi xin nghỉ phép và đi Malaya để thám sát Penang và cao nguyên Cameron xem nơi nào là an toàn hơn. Tôi đi từ Singapore sang Penang rồi đi xe lửa tới Tapah, nhưng từ Tapah tới cao nguyên Cameron, tôi được quá giang một xe tải chở rau quả và ngồi kế bên tài xế. Sau hai đêm ở tại Cameron, tôi trở về Tapah cũng bằng cách quá giang như vậy. Đó là một chuyến đi rởn tóc gáy. Để tiết kiệm xăng dầu, tài xế đã tắt máy cho xe thả dốc trên con đường ngoằn nghoèo gần hai tiếng rưỡi đồng hồ.
Tại Penang, tôi lưu lại chỗ của Hon Sui Sen. Năm 1942, khoảng bốn tháng trước khi Nhật chiếm Singapore, Hon đã gửi vợ và con gái về Penang và qua trọ ở nhà tôi trên đường Norfolk. Chúng tôi ở chung phòng và trở thành bạn, nhưng chín tháng sau anh ta quyết định rằng không nên ở lại Singapore nữa. Anh ta là sinh viên khoa học giỏi nhất trong khóa của anh, và là một trong hai người được tuyển hàng năm vào ngạch công chức của Anh (sau này anh ta trở thành Bộ trưởng Tài chính của chúng tôi.) Nhưng lương công chức của anh rất ít ỏi, suất chế độ lại không tương xứng nên anh không đủ nuôi gia đình. Do đó anh quay về với họ ở Penang.

Tuy tôi thấy ít có chiến sự khi loanh quanh ở Penang, nhưng tôi cũng không chọn nơi này. Nó tất sẽ là bàn đạp của người Anh khi họ muốn tiến sang Singapore. Sẽ có chiến tranh trên các đường phố, từng căn nhà một. Nên tôi đi tiếp tới cao nguyên Cameron nơi Maurice Baker, bạn tôi ở đại học, có nhà ở ngôi làng Ringlet trên độ cao cả nghìn mét. Anh và một số bạn đang sống nhờ vào tiền tiết kiệm và trồng rau quả. Tôi trả được tiền xe nhờ bán nửa tá cuốc bằng sắt mang từ Singapore sang và kiếm lời khá lớn. Nông dân ở

đây rất cần món đó. Trong chuyến về, tôi mua một giỏ các thứ rau khó mua được ở Singapore, và dành cả ngày rưỡi trên xe lửa để giữ cho chúng đừng bị dập.

Về tới nhà, tôi bàn bạc công việc với mẹ tôi. Chúng tôi thấy rằng tốt nhất là dọn lên cao nguyên Cameron. Bước đầu tiên chúng tôi tìm cách sang lại ngôi nhà ở đường Norfolk cho một nhóm người Nhật làm việc ở kumiai. Họ trả cho chúng tôi 60 nghìn tiền chuối để nhận được quyền mướn căn nhà này. Rồi tôi làm đơn xin nghỉ trước một tháng gửi cho Hodobu.

Khi tôi đi thang máy trong cao ốc Cathay xuống tầng trệt vào ngày trước hôm tôi chính thức thôi việc, người gác thang máy mà tôi đã đánh bạn từ lâu, thận trọng nói cho tôi hay là hồ sơ của tôi trong phòng Kempeitai đã được mang ra nghiên cứu. Tôi nghe mà lạnh cả người. Tôi tự hỏi cái gì đã gây ra chuyện này và chuẩn bị tư thế để bị họ hỏi cung. Từ phút đó, tôi cảm được rằng mình đang bị theo dõi. Suốt ngày đêm, một nhóm người bám đuôi tôi, tôi đặt ra đủ thứ giả thuyết trong đầu, và chỉ có thể kết luận rằng đã có ai đó tố với Kempeitai rằng tôi là kẻ thân Anh và tôi đã tiết lộ tin tức về những chiến bại của Nhật, và đó là lý do khiến tôi xin nghỉ việc. Mỗi lần ít nhất có hai người theo dõi bên ngoài cửa tiệm trên phố Victoria, nơi chúng tôi tạm trú sau khi rời khỏi Norfolk. Cha tôi đã mướn căn nhà này của hãng xăng nơi ông làm việc.

Để khám phá xem mình có bị theo dõi không, tôi nhờ hai đứa em Dennis và Fred phục ở cửa sổ trên lầu và nhìn hai người đàn ông người Hoa ở góc đường Bras Basah và Victoria với hai chiếc xe đạp để kế bên. Rồi tôi đạp xe quanh một vòng khu phố. Khi tôi trở lại, chúng xác định hai người đàn ông ấy cũng đi ngay khi tôi đi và trở lại sau khi tôi trở lại. Tim tôi thắt lại. Tôi kể với mẹ và quyết định rằng tốt nhất là tôi không rời Singapore. Nếu tôi rời đi, Kempeitai chắc chắn sẽ bắt tôi lại để thẩm vấn. Nếu tôi ở lại và làm ăn công khai, sống một đời vô hại, hoạt động trong thị trường chợ đen, làm hồ dán sống qua ngày thì chúng sẽ để tôi yên.

Tôi chịu đựng trò mèo vờn chuột này chừng tám tuần. Đôi khi, lúc 2 hay 3 giờ sáng, một chiếc xe hơi chạy qua nhà và đậu lại gần ngã tư cắt ngang đường Bras Basah. Thật khó mà diễn tả được nỗi sợ hãi trùm lấy tôi khi nghĩ rằng chúng sắp đến bắt mình. Như nhiều người

khác, tôi đã từng nghe nói tới những kinh hoàng trong việc Kempeitai tra tấn tội nhân. Chúng thường đeo băng tay trắng với hai chữ Hoa màu đỏ kempei, nghĩa là quân cảnh, và không ai dám nghi ngờ quyền được bắt giữ và tra hỏi của chúng, ngay cả những sỹ quan cao cấp Nhật. Chúng có trụ sở tại một cao ốc trên đường Stamford, và các chi nhánh ở đường Oxley Rise, Smith Street và đồn cảnh sát trung tâm trên đường South Bridge. Dân sống gần đó kể rằng họ thường nghe những tiếng gào đau đớn của các nạn nhân, những tiếng gào được tính toán nhằm khủng bố người khác, và nỗi sợ hãi đó truyền đi từ miệng người này sang miệng người khác. Đó là một phương pháp tinh vi để khủng bố dân địa phương; dân chúng sợ hãi thì dễ kiểm soát.

Tôi chẳng có đường dây với bất kỳ tổ chức ngầm nào để tiết lộ các tin tức của Đồng minh. Tôi chẳng có lý do gì phải lén nghe bất cứ đài phát thanh nào bởi vì dù sao công việc của tôi là xử lý các bản tin Tây phương. Tôi quyết định nếu bị bắt, tôi sẽ nói với họ điều tôi sợ: rằng sau khi tái chiếm Miến Điện, người Anh sẽ tái chiếm Malaya rồi tiến về Singapore trong khi người Nhật sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng. Do đó tôi đã lên kế hoạch rời đảo đi trồng khoai mì, khoai lang và các thứ rau ở cao nguyên Cameron, nơi đó sẽ không nằm trên đường hành quân của bất cứ phe nào. Tôi sẽ trưng bằng chứng về chuyến đi Penang và Cameron của tôi, rồi sau đó là chuyến đi của mẹ và em trai tôi kế đó hai tháng để khẳng định nhận xét của tôi rằng đấy là nơi an toàn nhất cho gia đình. Nhưng một ngày kia, sau hai tháng như thế, việc theo dõi ngừng lại. Đó quả là một chuyện làm tôi mất cả tinh thần.

Sau khi thôi làm hồ dán vì không còn ai mua nữa, tôi kết hợp với một người Thượng Hải tên là Low You Ling. Anh ta là một nhà thầu xây dựng cỡ nhỏ, tuổi khoảng ngoài ba muơi. Anh ta không có người hợp tác. Tôi biết nói tiếng Nhật, anh ta thì không. Hai chúng tôi thầu được những công việc nho nhỏ từ các công ty Nhật và từ butai, các trung đoàn đóng quân tại Singapore. Để gia tăng quan hệ với khu vực dân sự, tôi liên kết với ông Kageyama, một viên chức dân sự Nhật, tuổi ngoài ba mươi, từng làm việc cho kumiai. Khi trong kumiai chẳng còn bao nhiêu công việc vì tàu bè Nhật cứ bị đánh chìm và hàng hóa trở nên khan hiếm, ông ta quyết định tách ra làm một trung gian giữa các công ty lớn của Nhật, quân đội và các nhà cung

ứng địa phương. Ông ta và tôi bổ sung cho nhau, với Low có khả năng thi công và nhiều quan hệ với các nhóm thợ xây, thợ mộc, thợ nề mà chúng tôi cần đến. Kết hợp với nhau, chúng tôi cũng kiếm sống được.

Tôi tiếp tục hoạt động trong thị trường chợ đen, làm môi giới cho bất cứ thứ gì buôn bán được. Đó là tình thế không có gì để lỗ. Mọi thứ đều ngày càng khan hiếm. Siêu lạm phát nghĩa là cái gì cũng lên giá. Nhưng người ta phải có vốn mới giàu lên được. Tôi đã có thể huy động vốn và mau lẹ tích lũy thêm được một số. Tôi hiểu một khi nắm tiền mặt thì điều quan trọng nhất là biến ngay nó thành món gì có giá trị lâu dài hơn, nếu không nó sẽ biến mất ngay trên tay mình. Trong cơn điên cuồng biến tiền chuối thành tài sản khác, tôi đã mua một cái bàn billard, cho phục hồi và đánh bóng lại, bọc nỉ mới và cho đặt trên lầu căn nhà ở đường Victoria. Trong tháng 3 và 4/1945, một người bạn của cha mẹ tôi đã dọn khỏi cao ốc China và đề nghị tôi tìm cách sử dụng nó. Nên tôi có thể sử dụng căn nhà đường Victoria cho công chuyện làm ăn lẫn giải trí: công việc, vì kế nhà tôi là lò làm bánh kẹo, nơi dân buôn bán thường tập trung để trao đổi thông tin và thỏa thuận làm ăn; giải trí, bởi vì có bàn billard. Đấy là một kiểu sống hiện sinh, mỗi ngày cuộc tái chiếm lại càng tới gần, có thể đem hiểm nguy cho tất cả dân địa phương. Trong khi đó, người ta vẫn cứ phải sống và tiếp tục công việc như thường.

Tháng 5, có tin về việc Đức bị đánh bại và đã đầu hàng. Bây giờ mọi lực lượng Đồng minh đều dồn vào tấn công Nhật. Mọi người đều biết chuyện Nhật bại trận chỉ là vấn đề thời gian. Từng biên tập các bản tin về chiến dịch Miến Điện hồi còn làm cho Hodobu, tôi rất sợ hãi cái giá mà thường dân phải trả. Nhưng không có đường nào thoát. Với tôi, bỏ đi nơi khác vẫn có nghĩa là bị bắt và thẩm vấn.

Rồi bất ngờ, ngày 6/8, một quả bom kỳ lạ nổ ở Hiroshima. Tin này chỉ được đăng trên tờ Syonan Shimbun ngày 11/8 dưới dạng một tường thuật đầu trang – “Nhật cực lực phản đối việc tấn công Hiroshima bằng một trái bom kiểu mới vào thứ Hai qua” – nhưng những người nghe đài BBC đã loan tin rằng Nhật đã bị trúng một vũ khí phóng xạ cực mạnh. Chúng tôi cảm thấy kết thúc đã gần kề.

Ngày 15/8, Nhật hoàng ngỏ lời với thần dân và tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi nghe được chuyện này hầu như ngay lập tức, vì dân chúng đã bạo gan hơn và nhiều người đã nghe các đài phát

thanh của Đồng minh, nhất là BBC. Tin này không hề xuất hiện trên tờ Syonan Shimbun cho mãi đến ngày 20/8, tờ này đăng toàn văn “Thông điệp Nhật hoàng”. Cuộc chiến đi tới kết thúc mà không có giao chiến gì thêm. Chúng tôi thoát khỏi tình trạng đau thương đã từng xảy ra cho Rangoon và Mandalay.

Ba tuần sau bản tuyên bố của Nhật hoàng, chưa thấy có dấu hiệu người Anh trở lại. Đó là một tình huống khác thường. Nó khác xa những gì xảy ra ba năm rưỡi trước đó, khi người Anh đã đầu hàng và người Nhật chưa nắm quyền kiểm soát thật sự. Không giống người Anh, người Nhật không bị mất tinh thần vì bị đánh bại trong trận mạc. Họ tuyệt vọng và bối rối, nhưng vẫn còn nắm quyền và vẫn có khả năng làm hại chúng tôi. Khi dân địa phương không biết kiềm chế mà tổ chức ăn mừng việc Nhật bại trận, lính Nhật đi ngang qua có thể tông cửa vào giữa tiệc và đánh những kẻ dự liên hoan. Quân Nhật chờ đợi người Anh gọi trình diện, và trừng phạt những tội ác của họ, nhưng cũng thật cay đắng và đáng sợ là dân chúng có thể sẽ tấn công các sỹ quan khi họ tới gần. Có nhiều tiếng súng trong khu cư trú của các sỹ quan Nhật, vì một số không chấp nhận được chuyện đầu hàng và họ muốn tự tử hơn, theo kiểu Nhật, hara–

kiri, bằng một lưỡi dao găm, hay ít đau đớn hơn, bằng khẩu súng lục. Nhưng dân địa phương thì may mắn. Theo như tôi biết, người Nhật không giết thường dân và cũng không có những biến cố bạo ác. Họ bỏ mặc dân chúng cho đến khi người Anh tiếp quản. Kỷ luật quân đội của họ vẫn được giữ vững.

Ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng là rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Nó cho tôi nhìn rõ cách ứng xử của con người và xã hội, những động cơ và phản ứng ngẫu phát của họ. Tôi sẽ không có được cách đánh giá chính quyền, và sự hiểu biết về quyền lực như một phương tiện tạo ra những thay đổi cách mạng nếu không trải qua thời kỳ này. Tôi đã trông thấy một hệ thống xã hội sụp đổ trước một đội quân cực kỳ tàn bạo. Người Nhật đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối và hầu như mọi người đã phục tùng họ. Hầu hết mọi người dân đều thù ghét họ nhưng hết thảy đều ý thức về sức mạnh của họ nên mọi người phải thích nghi. Những ai chậm hay không muốn thay đổi để chấp nhận ông chủ mới sẽ phải đau khổ. Họ sẽ phải sống bên lề xã hội mới, tài sản của họ nằm chết một chỗ hay suy sụp và họ bị mất vị trí xã hội. Những người mau chóng đánh giá được tình thế mới và

biết khai thác những cơ hội mới bằng cách giúp ích cho các ông chủ mới, đã làm giàu trên sự bất hạnh khủng khiếp đã ập lên toàn Singapore.

Guồng máy cai trị quân sự của Nhật đã cai trị bằng khủng bố. Nó không hề khoác một lớp vỏ cư xử văn minh. Sự trừng phạt nặng nề đến độ rất ít có tội phạm. Giữa cảnh đói khổ, vào mấy tháng cuối năm 1944, khi dân chúng gần như chết đói, thật kỳ lạ là mức độ tội phạm vẫn rất thấp. Người ta có thể bỏ ngỏ cửa suốt đêm. Mỗi nhà có một chủ nhà, mỗi nhóm mười nhà cũng có liên gia trưởng và những người này có nhiệm vụ tuần tra khu vực của mình suốt ngày đêm. Nhưng đó chỉ là chuyện hình thức. Họ chỉ mang theo gậy gộc và cũng chẳng có vi phạm gì để báo cáo – mức trừng phạt đã quá nặng nề. Hệ quả là tôi không còn tin vào những người chủ trương một phương pháp nhu hòa đối với vấn đề tội phạm và trừng phạt, thường cho rằng trừng phạt không hề làm giảm được tội phạm. Đó không chỉ là kinh nghiệm của tôi tại Singapore trước chiến tranh, trong thời Nhật chiếm đóng hay sau đó.

Sau cú choáng ban đầu, tôi hiểu ra rằng cuộc sống cứ phải tiếp tục hầu như là bình thường. Người ta phải ăn, phải cần đến thuốc men và những thứ khác như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, quần áo giày dép, mực giấy bút. Ngay cả dao cạo râu cũng trở nên rất quý và khó kiếm, nên các lưỡi dao cũ cứ được mài đi mài lại. Thuốc lá thì giá trị hơn tiền do Nhật phát hành. Một số nghề suy thoái và không kiếm ra tiền. Chẳng còn mấy ai cần đến luật sư giỏi luật của Anh nữa, vì chẳng có bao nhiêu hoạt động thương mại, và thiết quân luật đã giải quyết tội phạm rất gọn gàng. Nghề kế toán cũng đình trệ vì không có kinh doanh gì đáng kể. Nhưng trái lại, bác sĩ và nha sĩ vẫn cần thiết như xưa vì người ta cứ bệnh và cứ đau răng, nên những nghề này cứ ăn nên làm ra cho dù khan hiếm thuốc uống và thuốc tê.

Trong mười tháng đầu của thời chiếm đóng, người ta cũng thường thấy những nhóm tù binh chiến tranh người Úc và Anh lao động trong thành phố với một ít lính Nhật đi theo canh gác. Thường thì họ làm những việc như chuyển hàng từ kho lên xe tải. Họ có thể lẻn vào một quán cà phê gần đó tìm thức ăn, các ông chủ hay những bà nội trợ bình thường sẽ cho họ bánh mì, đồ hộp hay ít tiền bạc. Người Hoa rất có cảm tình với họ. Họ đã gầy đi và trông thật thảm não trong cảnh tù đày. Đồng phục của họ, thường là sơ mi và quần soọc,

thường rách tả tơi. Đến cuối năm 1942, người ta ít thấy họ hơn, và một năm sau lại càng hiếm. Người ta cho rằng họ đã bị đưa đi lao động ở nơi khác, Thái Lan, Indonesia hay Nhật. Khi họ xuất hiện trở lại tại Singapore vào cuối năm 1944 đầu 1945, họ chỉ còn da bọc xương, những bộ xương sườn lộ rõ đến nỗi có thể đếm được. Họ đã lao động xây tuyến đường sắt Miến Điện. Một số người chỉ mặc đồ lót, xương hông của họ lòi ra. Trông họ tội nghiệp, đầy vết viêm loét, sẹo và ghẻ lở, nhất là ở tay chân. Thực phẩm thì khan hiếm, nhưng không khan hiếm đến độ họ không có đủ cái ăn. Những chịu đựng của họ vượt xa cảnh ngộ của mọi tù binh chiến tranh ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Việc chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Nhật như là thứ ngôn ngữ hành chính và của giới cầm quyền đã khiến người già rơi vào thế rất bất lợi. Họ không thể học tiếng Nhật dễ dàng. Những ai nói được tiếng Nhật, như dân từ Đài Loan, trở nên rất có giá; một số người như thế đã cư ngụ ở Singapore trước thời chiếm đóng, nhưng một số khác đã theo chân quân Nhật qua đây. Giới trẻ địa phương học chút tiếng Nhật đủ để kiếm được việc làm, nhưng ngoài ra thì đa số người dân vẫn đàng hoàng. Họ không muốn cộng tác với kẻ thù. Họ chỉ muốn sống còn qua ngày, chịu thiệt với giới cầm quyền càng ít càng tốt. Rất ít người dám chống người Nhật, cho dù trong bí mật.

Có một số khác, bọn cơ hội và khôn lỏi, chọn con đường ủng hộ và cộng tác với Nhật. Họ cung cấp lao động, vật tư, thông tin, gái, rượu, thức ăn ngon, và họ đã làm giàu. Những kẻ may mắn là các nhà thầu cung cấp hàng cho quân đội và hành nghề xây dựng.

Những người may mắn nhất và phát đạt nhất như là anh em nhà Shaw, có được giấy phép mở sòng bạc trong những khu giải trí, như Tân Thế Giới và Đại Thế Giới. Với một dân chúng thất chí, bị tước đoạt, đang đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt hàng loạt trong một vài năm trước khi người Anh trở lại và loại bỏ người Nhật, cờ bạc trở thành một thứ thuốc ngủ tuyệt vời. Dân địa phương tới những khu giải trí để thử thời vận và tiêu phí tiền bạc, trong khi kẻ khác tới để xem cho hết thời gian. Thật lạ lùng là người ta đã tiêu hết bao nhiêu là tiền bạc và thời gian bằng cái cách đơn giản như vậy. Khi không chắc chắn sống còn, thì mọi trò may rủi đều được đón nhận. Ngay chính cuộc sống cũng trở thành trò may rủi.

Nhưng dù bạn kiếm được tiền thế nào, điều quan trọng nhất là giữ gìn giá trị của nó bằng cách đổi thành hàng hóa khác hay tiền thuộc địa Anh. Ngũ cốc và thực phẩm thì cồng kềnh, bảo quản và xử lý khó. Những món được lùng mua nhiều nhất là những thứ vẫn còn nguyên giá trị trong tương lai, sau khi người Anh trở lại, mà hiện tại thì chúng phải nhỏ gọn và dễ cất giấu. Từ năm 1944, tỷ giá đồng tiền thuộc địa Anh trong thị trường chợ đen tăng vọt từng ngày khi tiền chuối được in và tung ra ngày càng nhiều. Món tài sản được ưa chuộng kế đó là nữ trang. Để buôn bán nữ trang, các tay môi giới phải biết phân biệt vàng 24 và vàng 18, nhận ra kim cương tốt với màu sắc đẹp, không có, hay có rất ít tì vết, và học biết các đặc tính của các loại đá quý khác.

Những người có gan hơn và nhiều vốn đã mua bất động sản nhưng giá trị của chúng không tăng vọt như vàng hay tiền thuộc địa vì chúng không di chuyển được. Việc chuyển nhượng đòi hỏi thủ tục với luật sư và đăng ký tại Phòng đăng ký chứng thư. Cơ hội là năm ăn năm thua nếu các chứng từ chuyển nhượng bị hủy hoặc bác bỏ khi người Anh trở lại. Ngoài ra, còn có nguy cơ là nhà cửa có thể trúng bom và sụp đổ. Rốt cuộc, chẳng có việc tái chiếm, các chứng thư không bị hủy, nhà cửa không bị bom đạn. Trong những ngày cuối của thời chiếm đóng, khi Đức đã đầu hàng và thất bại của Nhật là quá rõ, người ta có thể bán một thùng 12 chai Johnnie Walker là có đủ tiền mua một cửa hiệu trên đường Victoria. Những người thương lượng mua được những bất động sản như thế đã trở nên giàu có sau chiến tranh.

Trong ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng, tôi đã học được nhiều điều hơn ở bất kỳ trường đại học nào. Tôi chưa được đọc câu nói của Mao “quyền lực xuất phát từ nòng súng”, nhưng tôi biết rằng sự tàn bạo, súng, lưỡi lê và trường kiếm của Nhật, cùng với các trò khủng bố và nhục hình dễ dàng giải quyết vấn đề ai nắm quyền, và có thể khiến dân chúng thay đổi cách ứng xử, và cả lòng trung thành nữa. Người Nhật không chỉ đòi hỏi sự phục tùng và được người ta phục tùng, họ còn buộc người ta thích nghi với viễn cảnh một nền cai trị lâu dài của Nhật; nên người ta phải dạy con cho phù hợp với chế độ mới, với ngôn ngữ, các tập quán và giá trị của chế độ đó, để có thể hữu dụng và kiếm sống.

Giai đoạn thứ ba và cuối cùng, mà có thể họ sẽ đạt được nếu có thời gian, là khiến chúng tôi chấp nhận họ như những ông chủ mới,

như một phần của thứ trật tự đương nhiên. Đạo đức và công bằng là không quan hệ. Họ đã thắng. Họ ở trên đỉnh và nắm quyền. Chúng tôi phải tôn thờ thượng đế của họ, ca tụng nền văn hóa của họ và học theo cách ứng xử của họ. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. Tại Hàn Quốc, người Nhật đã gặp sự đề kháng ngay từ khi họ nỗ lực cai trị xứ này. Họ đã cố gắng đàn áp các bản năng và thói quen của một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, một dân tộc có lòng tự hào cao độ và một quyết tâm chống lại những kẻ áp bức man rợ. Họ đã giết rất nhiều người Hàn Quốc nhưng không bẻ gãy tinh thần của người dân đó được.

Nhưng đó là một ngoại lệ. Tại Đài Loan – do người Hoa, Bồ Đào Nha rồi Hà Lan cai trị trước khi người Nhật chiếm đóng – đã không hề có thù hận. Nếu người Nhật trụ lại được ở Singapore và Malaya, họ có thể, trong vòng 50 năm, tạo nên một tầng lớp những người ủng hộ như họ đã từng làm thành công tại Đài Loan. Malaya quá non trẻ, dân tộc quá đa tạp, và xã hội của nó quá mềm và dễ uốn nắn nên không thể đề kháng được. Có một số người Malay tham gia lực lượng du kích kháng Nhật trong rừng núi, do các sỹ quan Anh thuộc binh đoàn 136 huấn luyện. Nhưng đa số dân chúng hy vọng Nhật sẽ là người bảo hộ mới cho họ, như họ đã hy vọng chuyện tương tự ở người Anh, khi Anh trở lại thay thế Nhật.

Số người duy nhất có can đảm và niềm tin để chống lại quân xâm lược là những người Hoa tham gia Đảng Cộng sản Malaya (Malayan Communist Party – MCP), và một số ít hơn trong phong trào kháng Nhật do Quốc dân đảng lãnh đạo. Cả hai nhóm đều xuất phát từ tinh thần dân tộc Trung Quốc, chứ không phải tinh thần yêu nước Malaya, và họ trở thành mối phiền hà rắc rối cho người Nhật trong thời chiến, cũng như cho người Anh trong thời bình sau đó.

Trong giai đoạn hỗn loạn từ khi Nhật đầu hàng vào ngày 15/8/1945 cho đến khi Anh tái lập kiểm soát ở Singapore vào khoảng cuối tháng 9, các nhóm chống Nhật đã tự xác lập luật lệ của họ. Họ hành hình, giết chóc, tra tấn, đánh đập những người chỉ điểm, nhân viên tra khảo và tay sai – hay nghi ngờ là tay sai – của Nhật. Tôi còn nhớ tiếng giầy nện trên đường khi người ta đuổi bắt nhau giữa ban ngày trong các ngõ hẻm trên đường Victoria. Tôi nghe tiếng đấm đá và gào thét khi người ta bị dao đâm và giết chết. Nhưng vào những ngày cuối, nhiều người cộng tác với Nhật đã biến

mất, trốn chui vào chỗ nào đó hay chạy về nội địa Malaya hoặc về đảo Riau ở phía Nam.

Cuộc giải phóng đã không đem lại điều mà mọi người mong muốn: trừng phạt kẻ xấu và tưởng thưởng người tốt. Không thể có sự đền ân trả oán trọn vẹn. Công bằng và công lý đòi hỏi phải có đủ tài liệu và những điều tra tỷ mỉ. Không thể tập hợp mọi nguồn tài liệu để thẩm vấn mọi kẻ tội phạm được, số người này có quá nhiều, cả người Nhật lẫn dân địa phương. Công lý trừng phạt một số người, nhưng phần lớn vẫn được tự do.

Có những phiên tòa, nhưng những phạm nhân chiến tranh người Nhật chủ chốt thì không bị trừng phạt. Đại tá Tsuji, người đã tiến hành cuộc thảm sát Sook Ching, đã biến mất. Tướng Yamashita, “Con hổ Malaya”, trong vai trò chỉ huy trưởng, đã phê chuẩn chiến dịch Sook Ching, được chuyển sang Mãn Châu, rồi tới Philippines, tại đây ông ta đầu hàng trước lực lượng của tướng MacArthur vào tháng 9/1945. Ông ta bị tuyên án và xử tử tại Manila vì đã tàn phá thành phố này, chứ không phải vì đã đồng ý cho giết từ 50 tới 100 nghìn người trẻ tuổi vô tội tại Singapore.

Khoảng 200 phạm nhân chiến tranh người Nhật đã bị xử ở Singapore, nhưng chỉ có khoảng 100 người bị kết án và xử tử tuy rằng hàng trăm người ở Singapore, trong đó có các bạn bè tôi, đã bị giam cầm và tra tấn trong các trụ sở của Kempeitai tại Singapore. Một trong những người đó là Lim Kim San, sau này trở thành một bộ trưởng trong nội các từ năm 1963 đến 1980. Ông cho tôi xem điều ông ghi chép về chuyện của chính ông hồi năm 1944:

“Tôi bị giam hai lần tại Oxley Rise, lần đầu vào tháng 1/1944 hết nửa tháng, lần thứ nhì vào tháng 2/1944 trong hơn một tháng. Một thanh niên người Hoa từng đến cửa hàng của tôi ở đường North Bridge đã khai tôi là người đã cho anh ta tiền để ủng hộ lực lượng cộng sản. Khi tôi lý luận rằng thật vô lý khi một nhà tư sản lại là người thân cộng, tôi đã bị quất roi và đấm đá.

Tôi tỉnh lại khi bị dội nước vào mặt. Tôi thấy mình bị nhốt trong một căn phòng chừng 15 mét vuông chứa tới 30 người, cả đàn ông lẫn đàn bà.

Có một chỗ đi vệ sinh trong góc phòng, thứ bàn cầu ngồi xổm có bồn chứa nước phía trên. Việc dội cầu nhiều lần làm cho nước

“sạch” và nước được thu lại qua lỗ rò trong bồn cầu. Đó cũng là thứ nước bạn dùng để uống và rửa ráy. Nếu bạn bệnh, bạn sẽ được đưa tới chỗ nào đó chỉ có Chúa mới biết. Tôi đã rợn người khi thấy vệt máu của một phụ nữ đến kỳ.

Chúng tôi được cho ăn bằng cháo đặc với các thứ rau phế thải nấu trong một cái thùng dầu. Tôi không ăn nổi thứ đó và buồn nôn mỗi khi cố gắng nuốt. Nó làm tôi nhớ tới kiểu mình cho vịt ăn.

Chúng tôi bị bắt ngồi xệp và không được đổi tư thế nếu không được bọn lính gác cho phép, đó là những thanh niên địa phương được tuyển mộ và huấn luyện phải cư xử tàn bạo.

Ngày nọ, một người Ấn lớn tuổi bị gãy chân được mang vào. Ông ta không thể ngồi và chỉ có thể di chuyển trong tư thế bò lết kéo theo cái chân gãy. Một trong những thằng lính gác ấy quẳng một cây gậy đi và ông ta phải lết đi để đem gậy về cho y. Việc đó cứ lặp lại cho tới khi ông ta kiệt lực và hầu như ngất đi vì đau.

Trong số những người bị bắt có một thanh niên Teochow (Tiều Châu) chừng 17 hay 18 tuổi. Cậu ta là lính gác bị tội đào ngũ. Một tối nọ, Kempeitai lấy dây treo cậu ta trần truồng lên trần nhà. Hai tay cậu bị trói ra sau và dây buộc vào xà nhà để chân cậu chỉ hơi chạm đất. Thỉnh thoảng cậu phải rướn đầu ngón chân cho chạm đất để giảm sức căng đè lên vai. Họ để mặc cậu ta suốt đêm không cho ăn uống. Cậu chửi rủa bọn Nhật rất tục tằn bằng tiếng Teochow với giọng oang oang. Sáng hôm sau, tiếng chửi rủa trở thành rên rỉ khi một tên Kempeitai dùng gậy quất vào lưng cậu. Việc đánh đập kéo dài vài tiếng đồng hồ và tiếng rên cứ ngày càng yếu dần; sau cùng thì tắt hẳn. Cậu ta đã chết nhưng vẫn bị treo ở đó một thời gian nữa trước mặt chúng tôi, như để răn đe cả chúng tôi lẫn bọn lính gác.

Một lần khác, nước từ một cái ống được bơm vào một người đàn ông, khi bụng ông ta đầy nước, tên tra tấn sẽ nhảy lên ngồi vào đó. Ông ta nôn vọt ra và bất tỉnh.

Mỗi sáng, chúng tôi run rẩy cả người khi nghe tiếng giày bốt tới gần phòng giam. Đó là dấu hiệu có ai đó trong chúng tôi sẽ bị thẩm vấn và tra tấn. Có một số người đi không trở lại.

Tôi được phóng thích nhờ sự can thiệp của sỹ quan liên lạc người Đài Loan.

Tôi đã nhìn thấy bản chất thực sự của người Nhật, trong cũng như ngoài nhà tù. Kiểu cách lịch sự và gập người cúi chào chỉ là lớp màn mỏng che giấu con ác thú. Chiến thắng của Đồng minh đã cứu châu Á.”

Một tóm lược xúc động về sự tàn ác của người Nhật được đưa vào diễn văn khai mạc của Trung tá Colin Sleeman, công tố viên trong vụ xử “Song Thập”, mở tại Singapore ngày 18/3/1946:

“Để đưa ra một mô tả chính xác về những tội ác của những con người này, tôi thấy cần thiết phải diễn tả những hành vi đã đi tới tận cùng sự ngược đãi và lăng nhục con người. Điều chính yếu trong toàn bộ vụ án này có thể được tóm lại trong mấy từ – kinh hoàng không tả được.

Kinh hoàng, hoàn toàn trần trụi, tràn ngập mọi ngóc ngách của vụ này từ đầu tới cuối, không chút giảm nhẹ hay xoa dịu. Tôi đã tìm tòi, tìm tòi một cách tỷ mỉ, trong khối lượng khổng lồ những bằng chứng, để khám phá ra đặc điểm bù đắp nào đó, một yếu tố giảm nhẹ nào đó trong cách cư xử của những con người này, để có thể đưa chuyện này khỏi tầm của sự kinh hoàng và tàn bạo thuần túy, và để nâng nó, ít nhất, lên tầm của một bi kịch. Và tôi phải thú thật là mình đã thất bại.”

Tuy nhiên, suốt 50 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt, các chính phủ kế tiếp nhau của Đảng dân chủ tự do Nhật (Liberal Democratic Party – LDP), phần lớn các lãnh tụ của mọi chính đảng tại Nhật, hầu hết giới học giả và gần như toàn bộ các phương tiện thông tin đại chúng của họ đã lựa chọn thái độ là không đề cập tới những hành vi xấu xa ấy. Không như người Đức, họ hy vọng rằng qua nhiều thế hệ, những hành vi ấy sẽ bị lãng quên, và các tường thuật về chuyện họ đã làm sẽ bị chôn vùi trong đóng hồ sơ bụi bặm. Khi họ từ chối thừa nhận điều đó với các láng giềng, người ta chẳng thể làm gì hơn ngoài việc lo sợ rằng họ có thể lặp lại những việc kinh hoàng ấy. Chỉ đến khi một chính phủ không thuộc đảng LDP nắm quyền năm 1992 thì mới có một thủ tướng Nhật, ông Morihiro Hosokawa, đưa ra một lời xin lỗi chưa đầy đủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.