Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1
38. CẢI TỔ HIẾN CHẾ?
Tunku hẳn đã cảm thấy Malaysia đang đứng trước sự khó khăn. Khi tôi gặp ông tại Kuala Lumpur vào ngày 19/12, ông không còn cái vẻ thư thái và bình thản thường lệ. Ông không còn có những lời nhận xét hài hước và cười đùa nữa, mà đi thẳng vào công việc, nói năng nghiêm trang suốt nửa tiếng đồng hồ liền. Ông thẳng thắn và, lần đầu tiên, đề nghị chuyện “cải tổ” hiến chế. Ông đã nói chuyện với những người thân cận của mình – Razak, Ismail, Tan và Khir Johari – về điều này sau cuộc họp nội các ngày hôm trước.
Ông nhấn mạnh nhiều lần rằng quốc phòng là điều hết sức quan trọng đối với ông. Mậu dịch và thương mại sẽ vẫn như trước, nhưng chúng tôi phải tiếp tay chi trả cho quốc phòng. Singapore sẽ là “cộng sự, độc lập, nhưng cũng là một phần của bán đảo (Malaya)”. Ông muốn cả Singapore lẫn Malaysia đều có chân trong Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi có thể có chung các tòa đại sứ và có lẽ cả đại diện trong Liên Hiệp Quốc nữa. Trong trí óc ông có vẻ như chưa có gì cụ thể về những điều ông muốn, nhưng lại đưa ra thời hạn ấn định để hoàn thành những thay đổi trên là trước kỳ ngân sách tới, và trong thời gian đó tôi có thể nghĩ về những vấn đề này.
Tôi bảo chừng nào ông còn sống thì ông vẫn có thể nắm vững được các lực lượng khác nhau trong tay.
Ông trả lời: “Tại Singapore có quá nhiều người Hoa mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi, có quá nhiều phần tử cộng sản người Hoa. Ông phải làm nhiều thứ cho người Hoa bởi vì đó là một tiểu bang người Hoa nhưng có những ảnh hưởng đến Malaya. Lee Siok Yew (Bộ trưởng Giáo dục MCA) giờ đây đang muốn có một trường đại học Hoa tại Malaya. Một khi chúng ta tách ra với nhau thì ông có thể làm khác đi được. Ông có thể công nhận Đại học Nanyang; chính sách ngôn ngữ của ông có thể khác. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề với nhau, chúng ta có thể thông báo cho người Anh biết.”
Tôi vạch rõ rằng các lợi ích của Anh phải được bảo vệ nếu như họ tiếp tục duy trì các căn cứ của họ tại Singapore và bảo vệ Malaysia.
Tôi hỏi liệu Singapore rồi sẽ như Bắc Ireland hoặc Nam Ireland chăng. Ông trả lời: “Đâu đó ở giữa.”
Vào ngày 31/12, tôi tiếp Ismail suốt một giờ liền. Ông ta biết chuyện và có đầu óc hơn. “Tunku cảm nhận những chuyện này một cách trực giác. Ông ta muốn trở lại kế hoạch ban đầu, đó là ông sẽ trông nom Singapore thay mặt cho Tunku.”
Khi tôi hỏi chi tiết, ông nói: “Tự thân ông có thể vạch ra chi tiết những chuyện này được mà. Ông cũng biết giờ đây chúng ta đang cần gì,” và ông đã lặp lại đến ba lần rằng: “Tốt nhất tôi không nên nói nhiều, tốt nhất là nên giữ im lặng. Họ đang nghi ngại tôi. Tôi đã lưu hành các báo cáo vô tư của Sở đặc vụ, nhưng giờ đây họ đã bỏ xó chúng để ưu tiên dùng tình báo riêng, tình báo riêng của UMNO. Theo Tunku, sẽ có rắc rối bởi các phần tử cực đoan và các phần tử dân tộc hẹp hòi đang rất tích cực trong mọi tầng lớp dân cư. Chừng nào Tunku còn ở đó, với tính cách riêng của mình, người ta sẽ còn nghe theo ông ta. Ông ta trên cả nội các và các quy ước về trách nhiệm liên đới của nội các không áp dụng cho ông ta. Do vậy thật dễ dàng cho Tunku bởi chúng tôi có thể làm những chuyện bẩn thỉu giùm ông ta. Ông ta có thể vứt bỏ chúng tôi nếu như ông ta muốn.”
Khi tôi cáo từ, Ismail nói: “Cứ giữ yên mọi sự thì tốt hơn, nếu không nó sẽ gây chấn động lớn cho dân chúng. Thiếu niềm tin, các nhà đầu tư sẽ bỏ đi, Sukarno sẽ thành kẻ chiến thắng, và ông ta sẽ tiếp tục cuộc chiến đối đầu. Tốt nhất là ghi mọi việc thành văn bản và thảo luận. Tốt nhất cho tôi là đừng lên tiếng khi họ không còn tin tôi nữa. Hiện đang có rạn nứt sâu xa, UMNO không tin MCA, MCA phải cạnh tranh với PAP, nên tư tưởng dân tộc hẹp hòi lại mạnh mẽ hơn. Vậy là trở lại tình thế cũ, rắc rối quanh nền giáo dục của người Hoa. Sau cùng thì PAP hay MCA cũng vậy thôi, đó thực ra là chuyện người Malay chống người Hoa. Trước bầu cử, Tan Siew Sin đề nghị các đảng trong Liên hiệp hợp nhất lại thành một đảng. Bây giờ thì ông ta từ chối khi biết rằng những người Hoa sẽ ngả theo PAP.”
Ông nhắc lại nhiều lần là: “Hãy nói chuyện với Toh và Raja, đường lối phi sắc tộc của họ, chúng ta có thể đồng ý trên nguyên tắc trong thế hệ tới, nhưng vấn đề bây giờ là sắc tộc. Hãy chấp nhận sự song song tồn tại của các đường lối trong 16, 20 năm, rồi hòa nhập hai xã hội lại, Singapore và Malaya, lịch sử của chúng khác nhau, cấu trúc xã hội cũng khác.”
Tôi nhấn mạnh rằng trở ngại lớn nhất là việc Chin Chye, Raja, Nyuk Lin và Pang Boon đều là những đứa con của đất Malaya, và gia đình của họ cũng đều ở đó. Quan hệ tình cảm khiến cho họ khó có thể rút lui khỏi Malaya. Ismail gật đầu đồng ý.
Tuy chúng tôi cố hết sức để giữ kín những cuộc thảo luận về cải tổ hiến chế, nhưng những tranh cãi gay gắt giữa chúng tôi không thoát khỏi tai mắt của người Anh. Họ cảnh giác trước bất kỳ biến động nào có thể làm suy yếu sự hợp nhất Malaysia và trở thành mồi ngon cho Sukarno.
Vào ngày 28/7/1964, ngay sau những vụ bạo loạn chủng tộc đầu tiên, Keng Swee đã gặp Antony Head, người đã nhận xét rằng các nhà lãnh đạo UMNO biết rằng trong cuộc đấu tranh chính trị dựa trên ý thức hệ và chủ thuyết, về lâu dài họ sẽ thua dưới tay PAP. Keng Swee đã tóm lược cho Head biết các đề nghị của Razak cho một cuộc hợp tác hoặc cùng song song tồn tại. Head nghĩ các đề nghị đó là không khả thi. Ông nói việc từ chức của tôi sẽ chẳng làm nên được điều gì. Đòi gạt bỏ người lãnh đạo của Singapore vì sự rắc rối do chính người Malay gây ra có thể khiến người Hoa thêm phẫn nộ và trong thực tế điều đó còn gây tác hại đáng kể.
Head muốn Tunku nên từ Mỹ về nước gấp và tuyên bố thành lập ngay một chính quyền mà nó sẽ tăng cường khối đoàn kết quốc gia trước sự xâm lấn của Indonesia. Ông đã trình bày quan điểm của mình với London và rất có thể Thủ tướng Anh sẽ thúc ép Tunku về chuyện này. Ông cũng rất quan tâm đến tình hình ở Sabah và Sarawak, bởi tại những nơi này chưa có đại biểu thỏa đáng trong nội các; đối với Anh, không thể có chuyện lo phòng thủ miền ngoài trong khi hậu phương thì tan rã.
Tunku đã đến Singapore vào ngày 18/8 và nói với tôi rằng trên đường từ Washington về, ông có ghé lại London và được Thủ tướng Anh tiếp kiến. Ông này đã khuyên ông rằng cách tốt nhất để củng cố Malaysia sau những bạo loạn chủng tộc tại Singapore là thiết lập liên minh với PAP. Tunku có nói rằng UMNO sẽ không bao giờ chấp nhận điều này bởi bên phía chúng tôi không thể chấp nhận điều kiện cơ bản mà Razak đã đưa ra, đó là chúng tôi phải đứng bên ngoài thế giới của người Malay.
Vào tháng 12/1964, cả hai bên đều mò mẫm đi tìm một sự dàn xếp lỏng lẻo hơn trong liên bang. Tunku yêu cầu tôi cho trình bày các ý kiến mà ông đã bàn bạc với tôi thành văn bản nhằm làm sáng tỏ những gì chúng tôi đang sắp giải quyết. Thông báo của tôi, được hoàn tất vào ngày 25/1/1965, đề nghị chúng tôi trở lại tình trạng ngay trước khi hợp nhất: tất cả các quyền hiến định thuộc phạm vi quyền hạn của chính phủ Singapore phải được trả lại cho chính phủ Singapore, chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm về quốc phòng và đối ngoại có sự tham khảo với chúng tôi, và chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm an ninh trong Hội đồng an ninh nội chính. Trong khi các dàn xếp hiến chế này được thi hành, công dân Singapore sẽ bị cấm tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị đảng phái nào bên ngoài Singapore và điều đó cũng vậy đối với người Malaysia trên bán đảo.
Người phản đối kịch liệt nhất đối với chuyện tạm thời rút lui khỏi Malaysia là Raja. Điều đó sẽ có nghĩa là chúng ta bị cô lập, ông phản đối, và dần dà chúng ta sẽ bị các phần tử cực đoan kết liễu mà thôi. Ông nghĩ chúng tôi nên ở lại trong liên bang nhằm đoàn kết dân chúng chống lại bọn cực đoan, và nhờ thế kiếm được cơ hội hay hơn để phản công bọn họ. Raja là một con người nói sao làm vậy, ông chưa từng chùn bước đấu tranh, cho dù nó gian nan thế nào, một khi ông tin rằng chúng tôi có lẽ phải. Chin Chye đồng tình với ý kiến của ông, nhưng đa số nội các ủng hộ tôi. Tôi gửi thông báo của mình đến Tunku hai ngày sau đó và thảo luận chuyện này với ông tại dinh của ông trong suốt ba giờ liền vào ngày 31/1.
Tết âm lịch và Hari Raya Puasa, là hai kỳ lễ lớn nhất của người Hoa và người Malay, cùng trùng vào ngày 31/1/1965. Trong thông điệp của mình, tôi lên tiếng kêu gọi sự hòa hợp chủng tộc để chống lại tuyên truyền của Indonesia, vốn đang khuấy động tâm tình của người Hoa lẫn người Malay. Lời kêu gọi tinh thần liên–Malay của Sukarno đang khiến UMNO nhấn mạnh vào “tính Malay” của mình để vượt trội ông ta. Thông điệp của tôi đã khiến Tunku trả lời gay gắt vào ngày hôm sau đó:
“Có những chính khách đang quy cho chính quyền là sử dụng bạo lực để áp đặt ý muốn của chúng ta lên người khác. Chúng ta nhận thức rằng chúng ta không chỉ là một chính quyền mạnh mà còn là một chính quyền đúng và tốt nữa, nhưng nói chúng ta đang dùng biện pháp vũ lực là không đúng… Những chính khách này nói về bất hòa và căng thẳng, về rắc rối và đổ máu trong tương lai, họ nói về chiến tranh… họ đang tạo ra trong lòng dân một tâm trạng u ám tại bất cứ nơi nào họ đến… Trong giờ phút thử thách và khổ sầu này, kiểu nói chuyện như thế thì quả thực là xuẩn ngốc, độc địa và nguy hiểm, và tôi thật lấy làm xấu hổ cho họ.”
Bốn ngày sau đó tôi trả lời, trong một bữa tiệc do các ủy ban thiện chí tổ chức, rằng khi đứng trước những sự thật khó chịu trong đời, chúng ta nên tìm cách giải quyết chúng hơn là giả vờ như chúng không tồn tại. Những điều đang được nói, nếu cứ tiếp tục, sẽ dẫn đến chuyện không hay. Tôi đang muốn đề cập tới những bài báo trên tờ Utusan Melayu vẫn đang tiếp tục kích động tình cảm dân Malay chống lại tôi, PAP và người Hoa. Chúng tôi cho đăng các bản dịch ra tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Tamil những lời chỉ trích kịch liệt hằng ngày này, và cho phát các trích đoạn bằng đủ mọi thứ tiếng trên truyền thanh và truyền hình. Tunku biết là tôi đã hiểu thấu chiến thuật của họ. Ông muốn tôi giữ im lặng và bàn bạc các vấn đề với riêng ông ta thôi. Nhưng tôi muốn trước tiên phải cho mọi người thấy chiến dịch kỳ thị chủng tộc sâu hiểm mà Ja’afar Albar và tờ Ututan đang tiến hành.
Trong khi những cuộc bốp chát qua lại công khai vẫn tiếp diễn, Keng Swee và tôi đã thảo luận riêng với Tunku, Razak và Ismail. Tôi đề nghị tạm tách rời một vài năm, cùng với các ràng buộc liên bang lỏng lẻo hơn và việc bàn giao thêm quyền hành hơn cho chính phủ bang Singapore, nhất là về cảnh sát và an ninh nội chính.
Giải pháp khác cho sự hợp tác trong một chính quyền quốc gia là tình trạng song song tồn tại: Singapore sẽ không có đại diện trong nội các, nhưng cả hai chính phủ sẽ hoạt động độc lập với nhau trong khuôn khổ ảnh hưởng của mình theo thỏa thuận. Thế nhưng điều kiện tiên quyết của họ cho sự hợp tác hay song song tồn tại là, dù ở đất Malaya hay Singapore, PAP phải đứng ngoài thế giới của người Malay, và giao cho UMNO toàn quyền xử lý chuyện của người Malay thông qua Khir Johari. UMNO phải được độc quyền lãnh đạo người Malay, ngay cả ở Singapore.
Sau nhiều lần cố gắng dàn xếp các thỏa hiệp, tôi kết luận là Tunku cố chấp. Ông giờ đây quyết tâm gạt chúng tôi ra ngoài nghị viện liên bang. Ông không muốn chúng tôi tham dự bất kỳ cuộc bàn cãi nào trong cơ quan này nữa. Chúng tôi đang trở thành cái gai trong mắt họ, nhất là ở chuyện tài chính. Singapore sẽ thu thuế riêng của mình trước khi tới kỳ ngân sách tới, ông nói, nhưng phải đóng góp cho việc quốc phòng của Malaysia bởi vì bang này sẽ giàu thịnh thêm nhờ thị trường chung của họ.
“Nếu các ông không có chân trong quốc hội, chúng ta có thể là bạn của nhau,” ông nói. “Vậy mà lại hay – nếu ông có chân trong quốc hội, ông lại phải phê bình.”
Thế nhưng ông tỏ ra quyết tâm kiểm soát quốc phòng và đối ngoại. Lý luận của ông thật đơn giản. “Điều gì sẽ xảy ra nếu Singapore mở bang giao với Trung Quốc và những nước cộng sản khác? Nó sẽ khiến chuyện quốc phòng hóa ra vô nghĩa.”
Ngay từ đầu, ông đã muốn hợp tác với Singapore trên căn bản cộng tác, chứ không phải hợp nhất. Trong tư tưởng của ông, vị trí của chúng tôi là lãnh thổ tự trị – “giống như Rhodesia vậy”, Ismail nói.
Tôi nói với Tunku rằng nếu chúng tôi phải gánh chịu chi phí quốc phòng, chúng tôi phải có chân trong quốc hội. Không thể có chuyện đóng thuế mà không có đại biểu được. Nhưng ông đã nhấn mạnh, như tôi đã viết cho các đồng sự trong nội các của tôi: “Ước muốn gạt chúng ta ra ngoài của ông ta là không thể thay đổi được.” Khi tôi nói thêm rằng tôi khó thể nào thuyết phục được các đồng sự chấp nhận quan điểm của mình, Tunku nổi nóng: “Ông nói với họ rằng tôi không cần Singapore, có vậy thôi. Tôi không muốn Singapore có chân trong quốc hội và họ không thể làm gì khác hơn được.”
Tôi có hỏi Ismail vào ngày hôm sau rằng Tunku có hiểu quan điểm của chúng tôi không, rằng ông không thể gạt chúng tôi khỏi nghị viện trong khi lại muốn chúng tôi đóng góp vào quốc phòng và an ninh xã hội, Ismail trả lời: “Có, Tunku đã cân nhắc quan điểm đó. Nhưng chúng tôi phải chọn một trong hai.”
Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi không đạt được sự tiến bộ nào trong “các dàn xếp lại” trong liên bang mà tôi đã đề xuất trong thông báo ngày 25/1. Sau một cuộc họp với Hội đồng quốc phòng ngày 9/2, Razak nói với Keng Swee rằng hai bên không thể thoát ly khỏi những lập trường chính trị ít nhiều đã được củng cố qua nhiều năm. Những gì phù hợp cho Singapore thì không phù hợp với Malaysia và ngược lại. Hợp nhất là một sai lầm. Phải có một thời gian quá độ để tránh xung đột và giờ đây nhất thiết phải thiết lập một dạng liên bang lỏng lẻo.
Keng Swee nói rằng bất kỳ một cuộc cải tổ hiến chế nào cũng không được coi Singapore như một bán thuộc địa. Nếu Singapore tách rời khỏi nghị viện liên bang, nó sẽ khước từ thân trạng và quyền lợi cũ của mình, và đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng, ông nhắc lại lần nữa ý kiến của tôi là chúng tôi sẽ cố gắng hướng đến tình thế trước khi có Malaysia, và lần này khẳng định với Razak rằng có thể tìm ra được một giải pháp theo kiểu đó.
Những cuộc bàn cãi như vậy thật là rối ren và chẳng đi tới đâu cả, bởi Tunku và Razak trong các đề nghị của họ cứ chao đảo hết đi xuôi rồi đi ngược. Cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu cả, bởi lý do nổi bật là: người Anh không muốn làm yếu Malaysia trong cuộc chiến đối đầu (với Indonesia), và Head đã khéo léo can thiệp, qua những buổi làm việc với Tunku, Razak và Ismail, để ngăn chặn họ lại.
Vào ngày 15/2, Chin Chye, Kim San và tôi cùng chơi gôn với Tunku. Tôi dè dặt đề cập rằng người Anh đã đoán được những gì đang diễn ra bởi một lúc trước đó, Lord Mountbatten, từng viếng thăm Kuala Lumpur rồi Singapore, đã bày tỏ sự lo ngại của ông ta nhân danh Thủ tướng của ông. Tunku bảo ông đã có nói với Mountbatten rằng không có gì phải lo ngại bởi ông hiểu rất rõ mối nguy hiểm của việc Indonesia lợi dụng tin tức về sự chia rẽ trong Malaysia. Nhưng khi chúng tôi cùng về phòng làm việc của ông, chúng tôi khám phá ra rằng suy nghĩ của ông đối với chuyện cải tổ đã đổi khác đi sau khi Mountbatten và Head đã làm việc với ông. Singapore sẽ vẫn tiếp tục có chân trong nghị viện liên bang, giờ đây ông nói như vậy. Chuyện tài chính và quyền thu thuế của tiểu bang sẽ được giao lại cho Singapore, giải tỏa nguồn gốc chính gây bất hòa giữa chúng tôi. Như đã đề nghị, quốc phòng và đối ngoại sẽ thuộc về chính phủ liên bang, trong khi việc kiểm soát lực lượng cảnh sát và các vấn đề an ninh địa phương sẽ được trao cho chính phủ Singapore. Nhưng an ninh và tình báo quốc gia (Tunku muốn nói tới MI5 và MI6) vẫn phải là của trung ương, bởi nếu khác đi – ông lặp lại đến ba lần – “Ai biết được sẽ có chuyện gì xảy ra nếu như PAP không nắm quyền mà một đảng cực tả nào đó như Barisan lại nắm quyền? Singapore sẽ trở thành một Cuba mà thôi.”
Thế rồi ông yêu cầu tôi thảo một lá thư gửi cho Harold Wilson, để báo cho ông ta biết những dàn xếp này và trấn an ông ta rằng Malaysia không có phân ly. Tôi đã gửi cho Tunku bức thư phác thảo này vào hôm sau.
Cả ba người Singapore chúng tôi đều tin rằng người Anh đã ngăn chặn thành công bất kỳ ý tưởng nào của ông ta muốn để hòn đảo này (Singapore) “tách ra”, theo như cách nói của Tunku. Về sau Tunku có nói với chúng tôi ở tư dinh rằng giờ đây ông muốn tiến hành mọi chuyện một cách từ tốn. Ông e ngại mọi tiết lộ công khai có thể tạo lợi thế cho Sukarno.
Claude Fenner, tổng thanh tra cảnh sát, từ Kuala Lumpur đến gặp tôi. Ông đến để từ nhiệm, nhằm trao lại cho chính quyền kiểm soát lực lượng đồng phục, và hài lòng khi chúng tôi có thể vãn hồi được trật tự khi xảy ra các vụ bạo động nếu như chúng tôi xây dựng được các đơn vị dự bị riêng của mình. Ông tin rằng một khi các phần tử cực đoan ở Singapore biết rằng chính phủ tiểu bang đã đảm nhiệm công việc an ninh và có thể hành động chống lại họ được, thì hy vọng sẽ có ít rối loạn hơn. Ông ta có vẻ thành thực, nhưng tôi đã lầm khi nghĩ đó là quan điểm rốt ráo của ông. Năm ngày sau, ông trao cho tôi một bản tham luận ông viết gửi cho Ismail, lập luận trái ngược hẳn: không nên giao cảnh sát hay công việc an ninh tiểu bang cho Singapore. Giống như Tunku, ông ta thay đổi hẳn lập trường của mình. Ông ta đã đưa Sir Roger Hollis, người đứng đầu của MI5, hiện đang viếng thăm Kuala Lumpur, đến gặp Ismail, và Hollis đã thuyết phục ông này rằng, xét theo quan điểm chuyên môn, chuyện chia quyền kiểm soát cảnh sát cho cả Singapore lẫn liên bang là thiếu khôn ngoan. Do vậy, Ismail đã đề nghị chính phủ liên bang nên tiếp tục coi sóc công việc luật pháp và trật tự tại Singapore y như hiện nay. Tôi hỏi là phải chăng Tunku đã thay đổi ý kiến. Ismail trả lời rằng không phải vậy, nhưng ông ta thấy có bổn phận phải đưa ra lời khuyến cáo chuyên môn mà ông ta đã nhận được.
Chẳng lâu sau, tôi có dùng cơm trưa với Head tại biệt thự riêng Carcosa của ông và bàn luận căng thẳng với ông ta 20 phút trước và 20 phút sau bữa ăn. Ông ta đã gặp Tunku, Razak, Ismail và Tan vào sáng hôm đó, và nói rằng Tunku đang dự định trong đầu những tái sắp xếp mới nhất, nhưng có ba trở ngại. Thứ nhất, Tan phản đối chuyện từ bỏ kiểm soát việc tài chính. Thứ hai, Ismail chống đối chuyện trao lại cho chúng tôi quyền kiểm soát cảnh sát và an ninh. Thứ ba, bộ phận UMNO ở Singapore không muốn hòa dịu, chứ đừng nói chi đến chuyện tạm ngưng hoạt động. Tôi nói với ông ta rằng chính Fenner là người đã gây ra cản ngại trong vấn đề kiểm soát cảnh sát. Bình tĩnh, Head nói rằng ông chưa đề cập vấn đề với Fenner, nhưng có lẽ sẽ làm thế thôi.
Ông đề nghị nên có tạm ngưng hoạt động trong khi đang tiến hành các cuộc đàm phán, tức là một kiểu hưu chiến. Tôi nhắc cho ông ta nhớ những gì đã xảy ra cho cuộc hưu chiến vừa rồi. Tôi đề nghị Tunku và tôi sẽ đưa ra một tuyên bố nói rằng chúng tôi đã đồng ý với nhau trên nguyên tắc không can thiệp vào nhau trong thời kỳ người Indonesia tiến hành cuộc chiến đối đầu, và nhấn mạnh rằng các chi tiết về biện pháp hành chính để đạt được điều này đang được bàn thảo, nhằm không làm xáo trộn nền tảng của Malaysia. Head đồng ý, nhưng không thực sự như vậy. Ông nói với tôi rằng các cải tổ hiến chế là một thắng lợi lớn mà chúng tôi không được để Sukarno thủ lợi, bởi điều đó sẽ chỉ khuyến khích ông ta tiếp tục cuộc chiến đối đầu. Ông khuyên tôi nên nhẫn nại và chờ đợi chuyện đó qua đi. Chuyện đối đầu đó không thể kéo dài lâu được bởi nền kinh tế của Indonesia đang trì trệ và siêu lạm phát đang tàn phá đất nước này. Một khi cuộc đối đầu qua đi, tôi có thể thúc ép Tunku trong các vấn đề hiến chế.
Tôi lắng nghe ông ta, bàn bạc điều đó với các đồng sự của mình, và kết luận rằng người Anh sẽ không muốn Malaysia rước lấy bất kỳ rủi ro nào do áp dụng một sự dàn xếp lỏng lẻo vốn sẽ chỉ hữu hiệu với một chính quyền PAP ở Singapore và có thể dẫn đến những vấn nạn nghiêm trọng nếu như đảng Barisan nắm được chính quyền. Tôi cũng quyết định chúng ta đang có một cơ hội tốt hơn để kiếm được một cải tổ hiến chế hợp lý nếu tôi gây sức ép với Tunku trong khi người Anh vẫn bảo vệ Malaysia chống lại Indonesia và vẫn còn có thể ảnh hưởng đến ông ta. Head nói rằng tuy ông ta muốn chúng tôi tự thu xếp chuyện nội bộ của mình nhưng chính phủ Anh cũng cho ông ta được quyền quyết định rộng rãi và nếu cần điều đó cũng tạo được áp lực đáng kể.
Ngày hôm sau, 24/2, tôi yêu cầu gặp ông tại Nhà khách Singapore ở Kuala Lumpur. Tôi nói với ông ta là tôi không thể thuyết phục Tunku đưa ra lời tuyên bố được bởi ông ta (Head) đã làm Tunku ngại không muốn nói hay làm bất cứ điều gì. Tình thế chắc chắn sẽ trở nên tệ hại hơn bởi cả hai bên vẫn găng nhau cho đến khi ngã ngũ, và chúng tôi có thể phải đối mặt với một cuộc bạo loạn thứ ba. Head
bảo ông sẽ vận động Tunku tuyên bố ông ta đang suy nghĩ thực hiện những cuộc sửa đổi nhỏ cho Malaysia để công việc thêm trôi chảy hơn, chứ không phải là những thay đổi căn bản hay triệt để. Các cuộc thương lượng về chuyện cảnh sát và tài chính sẽ mất ít nhất cũng sáu tháng; trong lúc đó tình hình phải được giữ vững.
Tôi gửi cho nội các một bản đánh giá của mình: không chỉ có chuyện là Mountbatten và Head đang gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Malaysia, mà còn có chuyện các viên chức Anh được các Bộ trưởng Liên hiệp tin cậy, như Fenner trong cảnh sát và Gould bên Bộ Tài chính, cũng đang làm hết sức mình để ngăn cản chuyện cải tổ của Tunku. Người Anh không muốn có bất kỳ thay đổi nào trong khi cuộc chiến đối đầu của Indonesia vẫn còn đó, và nếu có đi chăng nữa thì cũng phải là những cải tổ tối thiểu mà thôi. Cảnh sát, cả lực lượng đồng phục lẫn Sở đặc vụ, đều vẫn dưới sự kiểm soát của trung ương. Tôi kết luận: “Theo kinh nghiệm của tôi trong các cuộc thương lượng hợp nhất, đây là đặc trưng trong phương thức của người Anh. Không bao giờ công kích trực diện bằng cách nói rằng sẽ không có chuyện sửa đổi gì hết, mà họ thường gây xói mòn quan điểm của người khác từng chút một… Tôi không biết ông ta (Head) có định làm cho chúng ta kiệt quệ đi hay không.” Tôi không loại trừ khả năng nếu chúng tôi phớt lờ lời khuyên của Head, ông ta có thể ra hiệu cho Tunku biết là người Anh sẽ sẵn sàng đồng tình với chuyện loại bỏ hoàn toàn sự thách đố của chúng tôi trong Liên bang.
Lợi thế mặc cả của chúng tôi là sức mạnh chính trị có được từ các chi bộ PAP ở Malaya và sự có mặt của chúng tôi trong quốc hội. Lợi thế này cho phép chúng tôi tập hợp được những người không–Malay lẫn những người Malay cấp tiến trên khắp đất nước Malaysia. Thế nhưng vì điều đó, và vì khả năng của chúng tôi trong việc huy động những cuộc mít–tinh và vận động tại Malaya, nên Tan Siew Sin sẽ lờ đi chuyện chúng tôi công kích ngân sách của ông ta và đưa dự luật thuế doanh thu ra trước Quốc hội.
Tuy nhiên, những bàn bạc sau hậu trường đã giữ tình hình không đi tới chỗ khủng hoảng. Cả hai bên đều muốn tránh chuyện đụng độ. Cả hai bên đều muốn có một sự dàn xếp lỏng lẻo hơn nhằm chấm dứt mối bất hòa thường xuyên mà về lâu về dài sẽ làm suy yếu địa vị của Malaysia trên trường quốc tế và quốc nội. Thế nhưng người Anh sẽ không muốn như vậy, và họ đã cật lực để giữ cho Malaysia vẫn y nguyên như trước đây; người Úc và New Zealand ủng hộ người Anh. Cao ủy Úc, Tom Critchley và viên phụ tá của ông ta ở Singapore là Bill Pritchett, đã hối thúc tôi giữ nguyên mọi thứ cả về mặt hiến chế lẫn hành chính, rút ra khỏi nền chính trị Malaya và đóng cửa các chi bộ đảng trên bán đảo này để đổi lại việc có được hai Bộ trưởng trong chính phủ liên bang. Tôi nói với Critchley rằng chúng tôi không thể rút PAP ra khỏi đất Malaya được khi mà UMNO vẫn hoạt động tại Singapore và các phần tử cực đoan Malay có thể bị sử dụng làm đòn hăm dọa chúng tôi bằng cách gây rối chủng tộc. UMNO muốn cái nọ thì phải mất cái kia chứ.
Có một điều bù qua đắp lại trong cơn căng thẳng ngày càng lớn và đấu khẩu ngày càng gay gắt giữa các nhà lãnh đạo Malaysia và Singapore là vẫn còn có những cuộc thảo luận kín giữa Keng Swee và tôi ở bên này, với Tunku và Razak ở bên kia. Razak thấy dễ chịu với Keng Swee hơn với tôi; Tunku cũng thích Keng Swee hơn nhưng chưa đến nỗi không chấp nhận được tôi nên vẫn nói chuyện với tôi, do vậy những cuộc trao đổi riêng tư và thẳng thắn giữa chúng tôi đã khiến cho tai họa không diễn ra được.
Nhưng bởi cuộc đấu khẩu công khai giữa Kuala Lumpur và Singapore đang khiến cho Úc và New Zealand không an tâm, nên các cao ủy của họ (sau khi đã thông qua với Tunku) đã chính thức mời tôi đến viếng thăm nước họ vào tháng 3 và tháng 4/1965. Tôi sẽ có thể giải thích tại sao, tuy đang có những bất đồng nội bộ, Singapore vẫn một lòng đứng đằng sau Kuala Lumpur chống lại cuộc chiến đối đầu của Indonesia. Điều này sẽ giúp trấn an dân chúng hai nước này rằng chính quyền của họ sẽ ủng hộ Malaysia chống lại Indonesia.
Do vậy, vào ngày 5/3, máy bay chở tôi đáp xuống Auckland.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.