Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi

Chương 2 – Phần 1



Tôi viết những dòng hồi ức này trong thư phòng bé nhỏ mà bố tôi để lại với những vách tủ đựng sách đang bị mục rỗng vì sự nhẫn nại của bầy mối mọt. Nhưng dù sao đi nữa, để lam nốt những công việc còn lại trên thế gian này tôi vẫn còn đủ các loại từ điển, cùng hai loại tiểu thuyết đầu tiên trong bộ Những sự kiện lịch sử quốc gia của Benito Perez Galdos, và với Núi thần của Thomas Mann vốn từng dạy tôi hiểu tính hài hước của người mẹ đã mất vì bệnh lao phổi.

Khác với các loại đồ đạc khác và khác hẳn cả bản thân tôi, chiếc bàn mà tôi đang viết hình như ngày càng khỏe mạnh hơn bởi vì nó được ông nội tôi, vốn là thợ mộc trên tàu thủy, làm ra bằng các loại gỗ quý. Kể cả khi không cần viết lách gì, sáng nào tôi cũng sắp xếp lại bàn làm việc vì tôi là một người kĩ tính đến mức đã bỏ mất bao cơ hội tình yêu. Ngang tầm với tay, bao giờ tôi cũng để các cuốn sách tòng phạm với mình trong tội viết lách: đó là hai tập Từ điển có minh họa đầu tiên của Viện hàn lâm hoàng gia in năm 1903; cuốn Kho báu của ngôn ngữ Tây Ban Nha của Don Sebastian de Covarrubias; cuốn Ngữ pháp của Don Andres Bello, và để giải đáp những thắc mắc về ngữ nghĩa vẫn thường xảy ra, tôi có cuốn Từ điển tư tưởng rất mới mẻ của Don Julio Casares, và đặc biệt là để tìm những từ đồng nghĩa và phản nghĩa có cuốn Từ vựng của ngôn ngữ Italia của Nicola Zingarelli, để luôn giúp tôi nhớ ngôn ngữ của mẹ mà tôi đã học từ khi còn nằm trong nôi, và cuốn Từ điển tiếng La Tinh vốn là mẹ của hai ngôn ngữ kia nên tôi coi như tiếng mẹ đẻ của mình.

Ở bên trái bàn viết của tôi luôn để năm tờ giấy khổ lớn để viết các bài báo chủ nhật, và chiếc cốc bằng sừng đựng phấn thơm mà tôi thích hơn chiếc túi bằng giấy khô hiện đại. Ở bên phải, có ống mực và ống đựng chiếc bút mạ vàng bởi vì đến lúc này tôi vẫn dùng bút thuờng viết theo lối chữ La Mã do mẹ Florina de Dios dạy cho chứ không viết theo chữ nắn nót chính thức của chồng bà vốn là một công chứng viên và một kế toán tận tụy đến hơi thở cuối cùng. Từ lâu tòa soạn báo đã bắt chúng tôi phải viết bằng máy đánh chữ để dễ tính khoảng trống trên báo và dễ sửa bản kẽm, nhưng tôi không bao giờ bỏ được thói xấu viết tay rồi sau đó mới cặm cụi mổ cò trên máy. Tôi được hưởng thứ đặc quyền chẳng hay ho gì này vì là nhân viên lâu năm nhất ở tòa báo. Ngày hôm nay, tuy đã hưu trí nhưng chưa hề thất bại, tôi vẫn hưởng đặc quyền thiêng liêng được viết ở tại nhà, với ống điện thoại để ngoài để không bị ai quấy rầy, và nhất là không bị ai đứng đằng sau lưng nhòm ngó, kiểm duyệt những gì mình đang viết.

Tôi sống không chó, không chim, không người giúp việc ngoại trừ bà Damiana trung thành luôn giải thoát cho tôi những chuyện rắc rối ít ngờ tới và mỗi tuần vẫn đến nhà tôi một lần xem có việc gì phải làm không, mặc dù mắt của bà ta đã kém nhưng trí não thì còn rất sâu sắc. Khi nằm trên giường chờ chết, mẹ còn nhắc tôi phải lấy vợ sớm với một người phụ nữ da trắng, và rằng chúng tôi phải có ít nhất ba đứa con, trong đó phải có một đứa bé gái mang tên của mẹ như mẹ đã từng mang tên của mẹ và bà ngoại mình. Tôi vẫn thường xuyên nhớ lời mẹ dặn, nhưng lại có ý niệm rất mềm dẻo linh hoạt về tuổi trẻ nên cứ tự cho là không bao giờ muộn trong việc lấy vợ. Cho đến một buổi trưa nóng nực tôi đi nhầm cửa phòng trong căn nhà mà gia đình Palomares de Castro có ở bãi biển Pradomar, và bất ngờ thấy Ximena Ortiz, cô con gái út của họ đang nằm lõa thể ngủ trưa trong phòng. Cô ta nằm nghiêng quay lưng ra phía cửa nhưng bỗng quay đầu nhìn qua vai nhanh đến mức tôi không kịp trốn chạy. Chà chà, xin lỗi nhé, tôi chỉ kịp thật thà nói câu đó. Cô ta mỉm cười, quay hẳn người về phía tôi nhanh như loài hoẵng và phơi bày hết toàn thân. Không gian thật thân mật. Không hoàn toàn chỉ có da thịt mà trên vành tai cô cài một bông hoa độc nhiều cánh màu vàng như nàng Olimpia trong tranh của Manet và đeo vòng vàng ở cổ tay phải và một chuỗi vòng cổ bằng các hạt ngọc nhỏ. Tôi chưa từng tưởng tượng mình lại có thể đuợc thấy một điều gì làm bối rối đến như vậy trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, và ngày hôm nay tôi có thể khẳng định là lúc đó mình đã có lý.

Tôi đóng mạnh cửa ra vào, xấu hổ vì sự vụng về của bản thân và cố quên đi sự việc này. Nhưng Ximena Ortiz lại ngăn cản tôi làm việc đó. Nàng liên tục gửi các lời nhắn qua các bạn gái chung của hai người, những bức thư khiêu khích, những lời đe dọa dã man, trong khi tin đồn chúng tôi yêu nhau phát điên dù chưa thổ lộ ra thì đã lan truyền khắp nơi. Không thể chịu nổi. Nàng có đôi mắt của mèo hoang, một thân hình bốc lửa dù mặc quần áo hay không và một mái tóc dày màu vàng óng với lối búi tóc kiểu đàn bà làm tôi khóc vì tức giận trên gối. Vẫn biết không bao giờ dẫn đến tình yêu, nhưng sự hấp dẫn quỷ quái của nàng đối với tôi thật nồng cháy đến mức tôi phải tìm cách giảm nhiệt bằng việc tiếp xúc với những người đàn bà mắt xanh tầm thường khác. Tôi không bao giờ dập tắt được ngọn lửa kỉ niệm về nàng khi nằm trên giường ở Pradomar, và thế là tôi phải hạ vũ khí, chính thức xin cầu hôn, trao nhẫn cưới và công bố ngày tổ chức đám cưới thật to trước lễ Pentecôte[5].

[5] Pentecôte: lễ hạ trần – theo Gia tô giáo; lễ năm mươi ngày sau lễ Vượt qua – theo đạo Do Thái.

Tin này làm bùng nổ mạnh hơn ở Khu phố người Hoa so với ở các câu lạc bộ. Lúc đầu người ta trêu đùa nhưng sau đó trở thành quan điểm đối lập với mọi quan niệm hàn lâm vì nó coi hôn nhân là một trạng thái khôi hài hơn là một việc thiêng liêng. Giai đoạn yêu đương của hai chúng tôi cũng diễn ra đúng nghi thức cửa nền đạo đức Gia tô giáo trên sân thượng treo đầy hoa phong lan rừng xứ Amadôn và cây dương xỉ. Tôi thường đến vào lúc bảy giờ tối với bộ veston lanh màu trắng, và tất nhiên với một món quà là đồ thủ công hoặc kẹo sô-cô-la Thụy Sĩ, rồi nói chuyện nửa mật khẩu nửa thật đến mười giờ dưới sự giám sát của bà cô Argenida luôn ngủ gà ngủ gật ngay từ cái nháy mắt đầu tiên như trong các tiểu thuyết thời thượng.

Chúng tôi càng biết kĩ về nhau thì Ximena càng trở nên háu trai, cuồng nhiệt, nàng luôn cởi bớt áo lót và váy trong cho nhẹ người nhất là khi gió nóng tháng Sáu thổi về, và cũng dễ mường tượng sức tàn phá của nàng khi chúng tôi đứng trong bóng tối. Hai tháng sau khi yêu nhau, chúng tôi không còn chuyện gì để nói, nàng đề xuất ra đề tài con cái chỉ bằng cách đan các đôi giày nho nhỏ bằng len cho trẻ sơ sinh. Tôi, người yêu tinh tế, cũng học đan cùng nàng và thế là chúng tôi trải qua những giờ phút vô tích sự trước lễ cưới, tôi thì đan các đôi giày be bé bằng len màu xanh cho con trai còn nàng thì đan len màu hồng cho con gái rồi thách đố xem ai sẽ đúng, cứ thế cho đến khi đủ cho hơn nửa trăm đứa con. Trước khi đồng hồ điểm mười giờ tôi lên xe ngựa rồi đi thẳng đến khu phố người Hoa để qua đêm trong sự yên bình của Chúa.

Lễ hội tiễn đưa tuổi độc thân của tôi được diễn ra ở khu phố người Hoa sôi nổi hơn nhiều so với cũng lễ ấy cứng nhắc ở Câu lạc bộ. Sự đối lập đã giúp tôi biết được trong hai thế giới trên thực tế đâu là thế giới mình, nhưng tôi vẫn nuôi ảo tưởng rằng cả hai thế giới ấy đều là của mình tùy theo thời khắc cụ thể, bởi vì từ bất cứ thế giới nào tôi cũng thấy, trong tiếng thở dài xa dần thế giới kia như hai con tàu gặp nhau rồi xa nhau ngoài biển khơi. Buổi khiêu vũ đêm trước ngày hợp hôn trong nhà thờ “Dưới quyền năng của Chúa” gồm cả một nghi lễ cuối cùng dưới sự điều khiển của cha cố người xứ Galaxia rất lúng túng trong chuyện thông tục này. Ông ta bắt tất cả đàn bà con gái phải mang khăn che mặt và vòng hoa bưởi để thành hôn với tôi trong lễ thánh hóa hoàn vũ. Đó là một đêm nhiều chuyện phạm thánh thần vì có đến hai mươi mốt trong số các cô có mặt đã hứa yêu và luôn vâng lời tôi còn tôi đền đáp lại cho họ bằng niềm hạnh phúc và sự nuôi dưỡng cả sau khi đã xuống mồ.

Tôi không ngủ được vì điềm báo sẽ có chuyện vô phương cứu chữa. Từ sáng sớm tôi bắt đầu đếm từng bước thời gian của chiếc đồng hồ ở nhà thờ lớn, cho đến khi nó điểm bảy tiếng chuông đáng sợ là lúc tôi phải có mặt ở nhà thờ. Tiếng chuông điện thoại bắt đầu vang lên từ lúc tám giờ sáng, kéo dài và lỳ lợm, khẩn thiết suốt cả tiếng đồng hồ. Không những không trả lời mà tôi còn không dám thở lớn. Mấy phút trước lúc mười giờ, bắt đầu có tiếng gọi cửa, lúc đầu là bằng nắm đấm, rồi sau đó bằng tiếng kêu của những giọng người quen và đáng ghét. Tôi sợ là cửa sẽ bị đổ sập vì một tai nạn nghiêm trọng nào đó bất chợt xảy ra, nhưng khoảng mười một giờ thì căn nhà trở lại bầu không khí im lặng rợn tóc gáy thường có xảy ra sau những tai họa lớn. Lúc ấy tôi mới khóc thương nàng và thương mình rồi thành tâm cầu nguyện đừng bao giờ gặp lại nàng trong suốt những ngày còn lại của đời mình. Có lẽ một vị thánh nào đó đã nghe nửa chừng lời nguyện cầu của tôi nên ngay trong đêm đó Ximena Ortiz đã bỏ đi nước ngoài và mãi mãi hai mươi năm sau mới trở về nước, có chồng môn đăng hộ đối và bảy đứa con mà đáng ra phải là con của tôi.

Sau chuyện đáng sỉ nhục đó, tôi phải vất vả lắm mới giữ được chỗ làm việc và chuyên mục thường xuyên trên tờ Diario de La Paz. Nhưng chuyên mục của tôi bị đẩy xuống tận trang mười một chẳng phải vì do đó, mà chính là vì lúc này thế kỉ XX đang ập đến đầy khí thế mạnh mẽ. Những bước tiến bộ đã trở thanh huyền thoại trong thành phố. Tất cả đều thay đổi; những chiếc máy bay bắt đầu bay trên trời và một doanh nhân nọ từ trên một chuyến bay của chiếc phi cơ Junker đã quẳng một bao chở đầy thư tín xuống đất để sáng tạo ra nghề bưu chính hàng không.

Điều duy nhất còn y nguyên là những bài của tôi đăng trên báo. Những thế hệ mới công kích kịch liệt những bài đó, coi như một thứ xác ướp của quá khứ cần chôn vùi, nhưng tôi vẫn duy trì chúng với cùng giọng điệu, không chút nhân nhượng, không chút nhân nhượng, chống lại bầu không khí. Tôi hoàn toàn điếc với tất cả. Lúc này chuyên mục đã ra đời được bốn mươi năm, nhưng những biên tập viên trẻ vẫn coi là chuyên mục vớ vẩn là đứa con hoang. Chủ bút tờ báo thời kì đó đã gọi tôi đến văn phòng để nhắc nhở phải viết theo giọng điệu của trào lưu mới. Với thái độ trịnh trọng, ông ta nói với tôi: Thế giới đang tiến lên. Vâng, tôi nói với ông ta, đang tiến lên, nhưng vẫn quay quanh mặt trời. Tôi vẫn duy trì bài báo chủ nhật vì người ta không tìm ra ai có thể thu tin và biên tập lại tin điện như tôi. Ngày hôm nay tôi nhận thấy là hồi ấy mình đã có lý và vì sao lại như vậy. Những người trẻ tuổi lúc đó trong vòng xoáy của cuộc mưu sinh đẫm chìm trong ảo mộng về tương lai, cho đến khi thực tế dạy họ biết rằng tương lai không phải như họ mơ tưởng và thế là họ phát hiện ra sự hoài niệm nhớ thương. Đó chính là những bài báo chủ nhật của tôi, như là một di chỉ khảo cổ trong đống đổ nát của quá khứ, và họ nhận ra rằng, những bài đó không chỉ dành cho những người già mà cả cho những người thanh niên không sợ tuổi già. Những bài đó lại được quay về đăng trên trang chính luận và trong trường hợp đặc biệt, được đăng ngay trên trang nhất.

Ai hỏi tôi cũng luôn trả lời thật: các cô gái điếm đã không để tôi có đủ thời gian lấy vợ. Tuy nhiên tôi phải thừa nhận rằng lời giải thích này mình chỉ kịp nghĩ ra đúng vào sinh nhật thứ chín mươi, khi vừa ra khỏi nhà của Rosa Cabarcas và quyết chí không bao giờ khiêu khích số phận nữa. Tôi tự cảm thấy mình đã biến thành ngươi khác. Ma quỷ đã biến nhầm tôi thành một kẻ mạnh mẽ tựa như đám lính đang gác sau chấn song sắt bao quanh công viên. Tôi thấy Damiana bò lau sàn phòng khách và cặp đùi còn rất trẻ trung so với tuổi tác của bà ta đã khơi dậy trong tôi những rung cảm của một thời xa xăm trước đây. Chắc bà ta cũng cảm thấy như vậy nên dùng váy che kín lại, tôi không kìm nén được sự cám dỗ muốn hỏi bà ta: Damiana ơi, cô có thể nói với tôi điều này được không: cô đang nhớ đến chuyện gì vậy? Tôi chẳng nhớ gì cả, bà ta nói, nhưng câu hỏi của ông lại gợi tôi nhớ chuyện ấy. Tôi cảm thấy nghẹn trong ngực. Tôi chưa bao giờ biết yêu, tôi nói với bà ta. Bà ta đáp lại ngay tức thì: Tôi thì có đấy. Và nói nốt câu chuyện trong khi không ngưng công việc: Tôi đã khóc thầm suốt hai mươi hai năm vì ông đấy. Trái tim tôi đập rộn ràng. Tôi tìm một lối ra xứng đáng, và nói với bà ta: lẽ ra chúng ta đã là một cặp xứng đôi vừa lứa rồi. Bây giờ ông mới nói điều đó với tôi thì quá dở, bà ta nói, bởi vì ông không còn làm gì được nữa, thậm chí cũng không làm được việc an ủi ông. Khi ra khỏi nhà, bà ta nói với tôi một cách tự nhiên hơn: Có lẽ ông sẽ không tin điều tôi nói đây, nhưng quả thật đến lúc này tôi vẫn tiếp tục là một thiếu nữ trinh nguyên, nhờ ơn Chúa.

Ngay sau đó tôi phát hiện ra là bà ấy đã cắm đầy hoa hồng đỏ vào các lọ hoa và bày khắp nơi trong nhà, và một danh thiếp trên gối: Chúc ông sống đến trăm tuổi. Lòng trĩu nặng vì buồn, tôi ngồi vào viết tiếp bài báo chủ nhật bị bỏ dở nửa chừng từ ngày hôm trước. Tôi viết một hơi trong chưa đầy hai tiếng đồng hồ thì xong và phải khéo lắm mới móc hết tim gan trong lòng mình ra mà không để ai nhận thấy tiếng khóc thầm. Nhờ niềm hưng khởi muộn mằn, tôi quyết định giã từ công việc với lời thông báo rằng bài báo này đặt dấu chấm hết hạnh phúc cho một chuyên mục vốn sống dai dẳng một cách xứng đáng suốt bao năm qua và không hề gây ra điều tiếng nào khiến tôi phải chết.

Tôi có ý định là để bản thảo bài viết ở cửa tòa soạn rồi quay về nhà ngay. Nhưng không thể. Toàn bộ nhân viên tòa báo đã có mặt đầy đủ để tổ chức lễ sinh nhật cho tôi. Tòa nhà đang sửa chữa lại, khắp nơi đầy dàn giáo và từng đống gạch vụn lạnh lẽo, nhưng người ta đã tạm dừng công việc này lại để cho tòa soạn tổ chức buổi lễ. Trên một chiếc bàn gỗ, bày đầy đồ uống để chúc rượu và nhiều tặng phẩm gói trong giấy hoa. Sửng sốt vì ánh điền liên tục của các loại máy ảnh, tôi đã được chụp rất nhiều ảnh kỉ niệm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.