Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi

Chương 2 – Phần 2



Tôi rất vui mừng được gặp nhiều nhà báo của đài phát thanh và các báo khác trong thành phố: La Prensa, bbáo buổi sáng của phái bảo thủ, El Nacional, báo buổi chiều theo khuynh hướng giật gân vốn tìm cách làm dịu sự căng thẳng trật tự xã hội bằng các truyện tình cảm được đăng tải từng kì. Việc họ cùng có mặt chẳng có gì là lạ cả bởi vì thành phố này, trong lúc các vị tướng soái cứ gây chiến tranh bằng xã hội luận với nhau thì lính tráng vẫn duy trì nguyên tình hữu nghị.

Trong buổi lễ còn có mặt, hoàn toàn ngoài giờ làm việc thường ngày, người phụ trách công tác kiểm duyệt báo chí, Don Jeronimo Ortega, người mà chúng tôi vẫn gọi là Người đàn ông đáng ghét lúc chín giờ bởi vì ông ta luôn luôn đến đúng vào giờ đó và buổi tối cùng với chiếc bút chì đẫm máu của tên bạo chúa bảo thủ. Ông ta ở đấy cho đến khi tin chắc rằng không có một chữ nào có hại trong số báo phát hành sáng hôm sau. Ông ta rất căm ghét cá nhân tôi vì tôi vốn tự cao về vốn kiến thức ngữ pháp hoặc cũng có thể tôi hay dùng các từ tiếng Italia mà không để trong ngoặc kép hoặc viết nghiêng trong các trường hợp cụ thể mà tôi cho rằng tiếng Italia biểu cảm hơn tiếng Tây Ban Nha, đó cũng là một chuyện bình thường giữa hai ngôn ngữ anh em sinh đôi này. Sau bốn năm gầm gừ nhau, cuối cùng chúng tôi đành chấp nhận việc này như ý thức kém của riêng từng người.

Các cô thư kí bê ra chiếc bánh ngọt với chín mươi ngọc nến đang cháy làm tôi lần đầu tiên phải nhớ đến số năm tuổi của mình. Tôi phải cố nén dòng nước mắt khi mọi người cùng ca bài chúc mừng sinh nhật và tôi lại nhớ đến đứa bé gái một cách hết sức vô lý. Đó không phải là một phút giây tức giận mà là lòng thương cảm muộn mằn đối với một sinh linh bé nhỏ mà tôi tưởng là không bao giờ còn nhớ đến nữa. Khi bài ca thánh thiện vừa xong thì ai đó đặt vào tay tôi con dao để cắt bánh ngọt. Vì sợ xảy ra chuyện đùa bỡn nên không ai mạo hiểm ứng khẩu bài diễn văn nào. Tôi cũng thà chết chứ không chịu đáp lại những bài diễn văn. Để kết thúc lễ mừng, trưởng ban biên tập mà tôi vốn không ưa lắm đã đưa chúng tôi trở lại thực tế hà khắc. Bây giờ đã đến lúc, thưa vị trưởng lão chín mươi tuổi, ông ta nói với tôi, bài báo của ông đâu?

Sự thật là trong suốt buổi chiều tôi cảm thấy túi như đang âm ỉ cháy, nhưng niềm cảm xúc đang ngấm sâu vào trái tim tôi không còn lòng dạ nào dội nước lạnh vào buổi lễ mừng thọ bằng bài từ chức của mình. Tôi nói: Lần này thì không có bài. Ông trưởng ban biên tập tỏ ý bực tức với thiếu sót mà suốt từ thế kỉ trước vẫn được coi là không thể nào chấp nhận được. Xin ông hiểu cho duy nhất lần này, tôi nói với ông ấy, tôi có một đêm hết sức khó chịu nên sáng dậy đờ đẫn cả người. Đáng ra ông cũng có thể viết về việc này đấy chứ, ông ta chua chát nói đùa. Bạn đọc cũng muốn biết ngay tức thì cuộc sống ở tuổi chín mươi sẽ ra sao. Một trong những cô thư kí xen vào. Biết đâu đó lại là một bí quyết hay cũng nên, cô ta nói, và tinh quái nhìn tôi. Chán quá, tôi nghĩ, ngượng ngùng là một thói phản trắc. Một cô khác, mặt mày sáng rực, chỉ ngón tay về phía tôi. Tuyệt quá! Ông vẫn còn giữ được nét thẹn đỏ mặt rất lịch thiệp. Sự hỗn xược của cô ta làm tôi thêm ngượng ngập, mặt đỏ càng thêm đỏ hơn. Có lẽ hôm qua là một đêm chiến đấu dữ lắm đấy, cô thư kí lúc đầu nói: Thật đáng ghen tị lắm! Và cô ta dành cho tôi một nụ hôn để lại vết son trên má. Các tay phó nháy chụp liên tục.

Trong lúc choáng ngợp, tôi đã trao bài báo cho trưởng ban biên tập và nói với ông ta lúc nãy chỉ là chuyện đùa còn bài đây mời ông cầm lấy, và tôi bỏ trốn trong loạt vỗ tay cuối cùng để không có mặt khi mọi người phát hiện ra bài báo chính là đơn từ chức sau nửa thế kỉ tù túng.

Nỗi khát khao của tôi kéo dài suốt đêm khi về nhà tôi bóc các gói tặng phẩm sinh nhật. Những người thợ sắp chữ tặng tôi một máy pha cà phê chạy điện giống như ba cái mà tôi có trong những sinh nhật trước. Những thợ in typo tặng tôi giấy phép nhận một con mèo quý được nuôi trong trại mèo của quận. Phòng quản trị cấp cho tôi một khoản trợ cấp tượng trưng. Các cô thư kí thì tặng tôi ba chiếc quần lót bằng lụa có in dấu son các nụ hôn, và một danh thiếp bày tỏ họ sẵn sàng giúp tôi cởi chúng ra. Tôi chợt nghĩ là một trong những điều hay của tuổi già là các cô bạn trẻ được thỏa thích khiêu khích, kích động vì tưởng chúng tôi đã bị loại ra khỏi vòng chiến rồi.

Tôi không bao giờ xác minh được ai là người đã gửi cho tôi đĩa hát với hai mươi bốn khúc khai tấu của Chonpin do nghệ sĩ Stefan Askenase trình diễn. Phần lớn các biên tập viên tặng tôi các cuốn sách thời thượng. Khi tôi chưa bóc hết các hộp tặng phẩm thì Rosa Cabarcas đã gọi điện thoại đến để hỏi một câu mà tôi hoàn toàn không muốn nghe: Chuyện gì đã xảy ra giữa ông và con bé vậy? Chẳng có chuyện gì cả, tôi nói mà không cần suy nghĩ. Thậm chí không thèm đánh thức nó dậy mà ông cho rằng không có chuyện gì à? Rosa Cabarcas nói. Phụ nữ không bao giờ tha lỗi cho thứ đàn ông coi thường đồ trưng diện lần đầu tiên của họ. Tôi thanh minh với bà ta rằng con bé không thể quá mệt mỏi chỉ vì việc đơm cúc áo, và có lẽ nó giả vờ ngủ vì sợ. Điều nghiêm trọng duy nhất, bà Rosa nói, là con bé cứ nghĩ đúng là nó là đồ không xài được nữa, là thứ bỏ đi, và tôi cũng không thích là người rêu rao điều này ở mọi nơi.

Tôi không cho bà ta cái thú vui được hù dọa tôi. Mà dù có là như vậy đi nữa, tôi nói với bà ta, thì tình trạng của con bé thật đáng thương nên không thể dùng nó dù là ngủ hay là thức: đó là thứ da thịt của bệnh viện. Rosa Cabarcas hạ giọng: Lỗi là do quá vội vàng trong đối xử, nhưng có cách sửa chữa lỗi lầm rồi, ông sẽ thấy. Bà ta hứa sẽ bắt con bé nhận tội,và nếu cần thì bắt nó trả lại tiền. Ông thấy thế nào? Bà bỏ ngay trò đó đi, tôi nói với bà ta, ở đây chẳng có quyền gì xảy ra cả, và ngược lại sự việc vừa qua còn chứng tỏ tôi không còn đủ khả năng làm ba thứ trò quỷ đó nữa. Trên phương diện này, đứa bé gái đã có lý: tôi không dùng được nữa, là đồ bỏ đi rồi. Tôi dập điện thoại và tự thấy lòng mình tràn ngập một thứ tình cảm mà trong cả cuộc đời chưa được hưởng, đó là được giải thoái khỏi tình cảm nô lệ áp đặt cho tôi từ lúc mới mười ba tuổi.

Bảy giờ tối, tôi được mời làm khách danh dự trong buổi hòa nhạc tại hội trường Viện Mỹ thuật do hai nhạc sĩ Jacques Thibault và Alfred Cortot trình diễn tuyệt vời violon và piano bản sonat của Cesar Frank và trong giờ giảo lao tôi còn được nghe những lời khen ngợi thật lòng. Nhạc sĩ bậc thầy Pedro Biava, người thầy vĩ đại của chúng tôi còn lôi tôi đi từng buồng để giới thiệu tôi với các nhạc công khác. Trong tình trạng phấn kích tôi còn nói lời chúc mừng họ vì bản sonat của Schumann mà thực ra chưa hề được trình diễn khiến ai đó phải vụng về cải chính công khai. Sự nhầm lẫn hai bản sonat vì thiếu hiểu biết âm nhạc của tôi đã làm bầu không khí lúc đó trở nên nặng nề, và còn trở nên tệ hại hơn khi tôi định sửa chữa sai lầm trong bài tường thuật buổi hòa nhạc được đăng báo hôm chủ nhật.

Lần đầu tiên trong dời tôi cảm thấy mình có thể giết chết ai đó. Đầy tức giận đớn đau trong lòng tôi trở về nhà bên tai vẫn vẳng những câu trả lời quỷ quái mà chúng tôi chưa kịp nói ra, thế là kể cả việc đọc sách và nghe nhạc cũng không xoa dịu được lòng tôi. Vừa may, bà Rosa Cabarcas đã lôi tôi ra khỏi tình trạng chán chường bằng một câu hét trong điện thoại: tôi rất hạnh phúc được đọc bài báo về ông, bởi vì trước đây tôi không tin là ông mới có chín mươi tuổi, cứ tưởng là một trăm tuổi cơ. Tôi ngại ngùng đáp lại: Thế tức là bà đã thấy tôi quá hom hem phải không? Ngược lại, bà ta nói, tôi rất ngạc nhiên thấy ông còn rất phong độ. Rất hay là ông không giống mấy ông lão già râu xanh luôn nói tăng tuổi để mọi người tưởng mình còn sung lắm. Rồi bà ta đổi giọng ngay: Này, tôi dành cho ông của lạ đây. Tôi thực sự kinh ngạc: Cái gì vậy? Đứa bé gái bà ta nói.

Tôi không kịp suy nghĩ. Cảm ơn, tôi nói với bà ta, nhưng ba thứ trò ấy đã thành chuyện xưa rồi. Bà ta nói xa xôi: Tôi sẽ gửi đến tận nhà cho ông, bọc trong giấy Tàu và sẽ được hấp nóng bằng gỗ cây đàn hương, tất cả đều cho không lấy tiền. Tôi vẫn cương quyết từ chối, và bà ta đưa ra một lời giải thích hấp dẫn khiến tôi thấy là chân thực. Bà ta nói rằng hôm thứ sáu vừa qua đứa bé gái ở trong tình trạng quá mệt mỏi vì đã phải khâu bằng tay hai trăm cái cúc áo. Rằng đúng là nó đã rất sợ bị cưỡng đoạt đẫm máu, nhưng bây giờ đã được giáo huấn là phải biết hi sinh. Rằng tối hôm ngủ với tôi nó có trở dậy đi vệ sinh nhưng thấy tôi ngủ quá say nên nó thương hại không dám đánh thức và sáng sớm khi nó dậy thì tôi đã đi rồi. Tôi bực mình vì kiểu lừa trẻ con vô tích sự này. Dù gì, bà Rosa Cabarcas nói tiếp, thì con bé cũng rất hối hận. Tôi nghiệp nó quá, mà nó đang ngồi trước mặt tôi đây này. Ông muốn tôi chuyển nó đến không? Không lạy Chúa, tôi nói với bà ta.

Tôi bắt đầu viết thì cô thư kí tòa báo gọi điện thoại. Cô ta nói là ông chủ bút muốn gặp tôi vào hồi mười một giờ trưa ngày hôm sau. Tôi đến đúng giờ. Tiếng ồn ào của việc sửa nhà không làm tôi khó chịu, bầu không khí như loãng ra theo nhịp búa đập, vì bụi xi măng và khói hắc ín, nhưng ban biên tập đã học đuợc cách suy nghĩ trong cảnh tượng hỗn loạn thường ngày đó. Nhưng văn phòng của chủ bút thì ngược lại, vẫn lạnh cóng và tĩnh lặng, như ở một xứ sở lý tưởng chứ không phải là đất nước chúng tôi.

Marco Tulio, người chủ bút thứ ba, với vẻ trẻ thơ, đã đứng dậy khi thấy tôi bước vào nhưng vẫn không ngưng cuộc nói chuyện điện thoại, giơ tay qua bàn viết bắt tay tôi và chỉ ghế mới tôi ngồi. Tôi đã nghĩ là không có ai nói ở đầu dây điện thoại phía bên kia mà chẳng qua ông ta nghĩ ra trò này để gây ấn tượng với mình nhưng ngay sau đó tôi phát hiện ra ông ta đang nói chuyện với viên thống đốc, và đúng là một cuộc nói chuyện khó khăn giữa hai kẻ thù địch phải giữ thái độ thân mật. Ngoài ra, tôi tin rằng ông ta cố tỏ ra cứng rắn trước mặt tôi mặc dù vẫn phải đứng như khi nói chuyện với nhà chức trách.

Rõ ràng ông ta còn toát lên vẻ thanh khiết. Ông ta mới có hai mươi chín tuổi nhưng đã nói được bốn thứ tiếng và ba bằng thạc sĩ quốc tế, khác hẳn với chủ bút đầu tiên, tức là ông nội, vốn trở thành người làm báo thực nghiệm khi đã gom đuợc một số vốn kha khá nhờ nghề buôn nô lệ đàn bà da trắng. Ông ta có kiểu cách dễ chịu, người hơi mập và trầm tĩnh và điều duy nhất có nguy cơ ảnh hưởng đến vẻ oai phong của ông chính là giọng nói không thật. Ông ta vận áo khoác thể thao, trên ve áo cài bông hoa phong lan rực rỡ, mọi thứ trên người ông đều mang dáng vẻ tự nhiên, nhưng không hề có nhân viên văn phòng. Đã mất gần hai tiếng đồng hồ chăm chút chuyện ăn mặc trước khi đến đây, tôi bỗng cảm thấy hổ thẹn vì sự nghèo nàn và lại càng thêm tự giận chính mình.

Hơn nữa, nọc độc chết người nằm ngay ở bức ảnh chụp toàn bộ nhân viên cơ quan đúng hôm kỉ niệm lần thứ hai mươi lăm ngày thành lập báo, trong đó người ta đánh dấu chữ thập trên đầu những người sẽ lần lượt bị chết. Tôi là người thứ ba tính từ bên phải qua, đội mũ rơm vành thẳng, thắt cravat nút thật to với một viên ngọc gắn trên chiếc ghim cài, với bộ ria mép kiểu đại tá dân sự mà tôi vẫn để cho đến năm bốn mươi tuổi, và cặp kính viễn thị gọng kim loại mà sau nửa thế kỉ tôi không cần dùng nữa. Tôi đã thấy bức ảnh này treo ở nhiều văn phòng khác nhau, nhưng chỉ đến lúc đó tôi mới cảm nhận được thông điệp của nó: trong số bốn mươi tám người đầu tiên chỉ còn lại bốn người chúng tôi còn sống, trong số đó người trẻ nhất đang thụ án tù hai mươi năm vì tội giết hại nhiều người.

Nói chuyện điện thoại xong, viên chủ bút kinh ngạc thấy tôi đang nhìn tấm ảnh, rồi mỉm cười. Những dấu thập ngoặc không phải do tôi vẽ, ông ta nói. Tôi thấy nó rất chướng. Ông ta ngồi xuống bên bàn viết và đổi giọng: Xin cho phép tôi được nói rằng trong số những người tôi quen biết, ông là người khó lường trước nhất. Và trước sự ngạc nhiên của tôi, ông nói thẳng tuột: Tôi nói điều này chính là vì việc xin từ chức của ông. Tôi chỉ kịp nói: Đó là đời mà. Ông ta cãi lại rằng chính vì lẽ đó mà giải pháp này là không thích hợp. Ông ta thấy bài báo là rất tuyệt, và những gì với về tuổi già là đoạn hay nhất mà trước đây ông chưa từng được đọc, và vì vậy thật là vô nghĩa nếu kết thúc bài báo bằng một quyết định giống như cái chết dân sự. Cũng còn may, ông ta nói, Người đàn ông đáng ghét lúc chính giờ đã đọc bài báo đúng lúc trang xã luận vừa lên khuôn và hắn ta thấy không thể chấp nhận được. Không tham khảo ý kiến của bất cứ ai, hắn đã gạch chéo từ trên xuống dưới dằng nét bút chì Torquemada. Sáng nay, khi biết sự việc tôi đã ra lệnh gửi công văn phản đối đến viên thống đốc. Đó là trách nhiệm của tôi, nhưng nói riêng với ông, tôi rất cảm ơn tính khí độc đoán của tên nhân viên kiểm duyệt. Tức là tôi không sẵn sàng chấp nhận đình chỉ mục báo. Tôi tha thiết đề nghị ông, ông ta nói, không được từ bỏ con tàu đang ở giữa biển khơi. Và ông ta kết luận bằng một phong cách vĩ đại: chúng ta còn rất nhiều điều phải nói về âm nhạc.

Thấy ông ta cương quyết như vậy nên tôi không muốn dùng lời lẽ quanh co làm trầm trọng thêm những bất đồng. Trên thực tế, lúc bấy giờ tôi cũng chưa tìm được một lý do chính đáng nào để từ bỏ công việc nặng nhọc này và cũng hoảng sợ trước ý nghĩ một lần nữa phải nói nhất trí với ông chủ bút chỉ để tranh thủ thời gian. Tôi phải cố kiềm chế để ông ta không nhận ra niềm xúc động vo sỉ đang chực làm tôi ứa nước mắt. Thế là một lần nữa, cũng như mọi lần, tôi lại quyết định làm cái công việc thường xuyên từ bao năm nay.

Tuần lễ sau đó, trong tình trạng nghi ngờ hơn là mừng vui, tôi đến trại nuôi mèo để nhận con mèo, tặng phẩm của những người thợ in. Tôi vô duyên trong việc nuôi thú vật cũng như với những đứa bé trước khi biết nói. Tôi thấy chúng như lũ câm từ linh hồn. Tôi không ghét chúng nhưng không thể chịu được chúng vì mình không thể học được cách thương lượng với chúng. Tôi thấy hoàn toàn phi tự nhiên khi một người hiểu chó hơn là hiểu vợ mình, lại còn dạy nó ăn và không ăn theo giờ giấc nhất định, hay dạy nó trả lời câu hỏi và cũng chia sẻ nỗi buồn. Nhưng nếu không đi nhận con mèo của thợ in lại thành ra bất nhã. Hơn nữa nó là một con mèo giống xứ Angora, có bộ lông màu hồng bóng mượt và đôi mắt sáng, tiếng kêu gần như sắp nói thành lời. Họ còn cho tôi một chiếc giỏ mây cùng giấy chứng nhận xuất xứ của giống mèo và một cuốn sách hướng dẫn nuôi mèo như cuốn dạy cách lắp ráp chiếc xe đạp.

Một toán quân cảnh kiểm tra giấy chứng minh của tất cả mọi người trước khi cho phép vào công viên San Nicolas. Tôi chưa bao giờ thấy chuyện tương tự cũng chưa bao giờ hình dung ra điều gì khó chịu như triệu chứng của tuổi già. Đó là một đội tuần tra bốn người dưới sự chỉ huy của một viên sĩ quan trẻ măng. Họ là những người gốc nhà quê, rắn rỏi và ít lời, toát ra mùi chuồng trại. Viên sĩ quan theo dõi tất cả mọi người với cái vẻ của dân miền núi Andes vừa xuống bãi biển. Sau khi xem xét giấy chứng minh và thẻ nhà báo của tôi, ông ta liền hỏi tôi mang gì trong giỏ mây. Một con mèo, tôi nói. Anh ta muốn xem. Tôi cẩn thận mở nắp giỏ vì sợ con mèo chạy mất, nhưng một nhân viên lại muốn xem dưới giỏ có giấu gì không nên bị con mèo cào vào tay. Viên sĩ quan liền can thiệp. Đúng là một con mèo quý, anh ta nói và xoa vào nó rồi thì thầm gì đó. Con mèo không cắn nhưng cũng không để ý đến anh ta. Nó bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Anh ta hỏi. Không biết, tôi nói, người ta vừa tặng tôi. Tôi hỏi ông điều này vì nó già quá rồi, có lẽ phải mười tuổi đấy. Tôi định hỏi vì sao anh ta biết và hỏi thêm nhiều chuyện khác nữa, nhưng bất chấp tính cách lịch duyệt và cách ăn nói hoa mỹ của anh ta, tôi cũng chẳng có bụng dạ nào muốn nói chuyện. Tôi thấy hình như là một con mèo hoang vốn có nhiều ở khắp nơi, anh ta nói. Ông nhìn xem này, có vẻ nó không quen ông mà ngược lại chính ông lại quen với nó, để yên cho đến khi nó tin ông đã. Anh ta đậy nắp giỏ lại và hỏi tôi: Ông làm nghề gì? Nhà báo. Từ bao lâu rồi? Từ một thế kỉ nay rồi, tôi nói. Tôi không nghi ngờ điều này, anh ta nói. Bắt chặt tay tôi và trước khi chào từ biệt, anh ta còn nói một câu vừa có thể là một lời khuyên cũng có thể là một lời đe dọa:

– Ông phải cẩn thận đấy.

Buổi trưa tôi ngắt điện thoại để trốn trong âm nhạc với một chương trình tuyệt hay: khúc rapsodia cho kèn clarinet và dàn nhạc của Wagnet, cho kèn saophone của Debussy và ngũ tấu đàn dây của Bruckner, và như lạc vào chốn thiên đường. Rỗi bỗng nhiên tôi thấy tối sầm lại. Tôi cảm thấy có gì đó đang ngọ ngoạy dưới gầm bàn, hình như không phải là một vật sống mà một bóng ma đang cà vào chân làm tôi hét to và nhảy bật dậy. Dó chính là con mèo với cái đuôi dài rất đẹp với dáng vẻ chậm chạp và bí hiểm. Tôi rợn róc gáy khi nghĩ rằng mình ở nhà một mình với một sinh linh sống mà lại không phải là người.

Khi chuông nhà thờ lớn điểm bảy tiếng, thì trên bầu trời rực màu hồng chỉ có một ánh sao duy nhất sáng long lanh, một chiếc tàu thủy hú tiếng còi từ biệt buồn bã, và tôi cảm thấy trong họng nghèn nghẹn tất cả những mối tình có thể đã từng có hoặc không hề có. Tôi không chịu được nữa. Tôi nhấc điện thoại lên với trái tim để ngay đầu lưỡi, từ từ quay bốn số để khỏi nhầm, rồi khi tiếng chuông thứ ba vừa đổ tôi đã nhận ra giọng nói quen. Này, bà ơi, tôi thở dài nói, thứ lỗi cho sự thô bạo sáng nay nhé. Bà ta bình thản đáp: Ông khỏi lo, tôi chờ ông gọi từ sáng đến giờ. Tôi cảnh báo: Tôi muốn đứa bé gái phải chờ tôi trong tình trạng mà Chúa đã đưa nó đến thế giới này và không bôi bất cứ thứ gì trên mặt đấy nhé. Bà ta cười ùng ục trong họng. Sẽ đúng như điều ông muốn, bà ta nói, nhưng như thế thì ông sẽ mất cái thú được cởi từng thứ một ra như các ông già khác vẫn khoái làm, mà tôi không biết tại sao. Tôi thì biết rõ tại sao, tôi nói với bà ta. Bởi vì họ càng ngày càng già đi. Bà ta coi như đã xong hợp đồng.

– Được thôi – bà tà nói – như vậy là đúng mười giờ tối nay, trước khi món cá rán bị nguội.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.