Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi

Chương 4 – Phần 1



Đầu năm mới, chúng tôi bắt đầu quen như hai người sống chung và cùng tỉnh táo, bởi vì tôi đã tìm được một âm độ giọng nói cẩn trọng khiến cô bé dù không tỉnh dậy nhưng vẫn nghe hiểu được, và trả lời tôi bằng ngôn ngữ tự nhiên của thân thể mình. Trạng thái tâm lí của cô bé được biểu lộ qua cách ngủ. Từ chỗ mệt mỏi kiệt sức và hoang dại thuở ban đầu, dần dần thể trạng nội tâm em thanh thản hơn làm cho sắc mặt cũng ngày càng đẹp và làm phong phú hơn giấc ngủ mơ. Tôi kể cho em về cuộc đời mình, đọc vào tai em bản thảo các bài báo chủ nhật trong đó hình ảnh của em, và chỉ duy nhất của em, ẩn hiện trong từng dòng mà không cần phải viết ra thành văn.

Tôi để trên gối đôi hoa tai bằng cẩm thạch vốn là của mẹ tôi trước đây. Lần gặp sau, cô bé đeo vào tai nhưng trông không đẹp. Tôi lại đưa những bông tai khác hợp hơn với màu da của em. Tôi giải thích: Những chiếc hoa tai đầu tiên không phù hợp với kiểu tóc em. Những chiếc bông tai này sẽ hợp với em hơn. Cô bé không đeo bất cứ loại nào trong những lần gặp sau đó, nhưng lần thứ ba thì đeo loại tôi đã chỉ dẫn. Thế là tôi hiểu ngay là cô bé không làm theo mệnh lệnh nhưng vẫn sẵn sàng dành cơ hội chiều theo ý thích của tôi. Những ngày đó tôi đã quen với lối sinh hoạt gia đình này, nhưng tôi không ngủ lõa thể nữa mà mang theo bộ quần áo ngủ bằng lụa Trung Hoa đã lâu không dùng đến vì không có ai cởi cho tôi.

Tôi bắt đầu đọc cho cô bé Hoàng tử bé của Saint-Exupéry, một tác giả người Pháp được độc giả khắp thế giới khâm phục hơn chính người Pháp. Lúc đầu tôi đọc truyện mua vui mà không đánh thức cô bé dậy, thậm chí phải đến hai ngày liền để đọc cho xong cuốn sách. Sau đó chúng tôi tiếp tục với Truyện ngắn của Perrault, và Lịch sử thiêng liêng, Nghìn lẻ một đêm với các bản in được lành mạnh hóa dành cho trẻ em, và tôi nhận thấy tùy theo mạch truyện mà giấc ngủ của em sâu hay nông. Khi cảm thấy em đã thực sự ngủ sâu, tôi liền tắt đèn ôm cô bé ngủ cho đến khi gà gáy sáng.

Tôi cảm thấy hạnh phúc đến mức nhẹ nhàng hôn lên mí mắt của cô bé, và đêm nọ trong một loáng như ánh sáng vụt trên trời: cô bé mỉm cười lần đầu tiên. Sau đó, em lại vô cớ quay lưng lại phía tôi, và bực tức nói: Chính con bé Isabel làm cho những con ốc phải khóc. Kích thích bởi ảo giác một cuộc đối thoại, tôi liền hỏi lại em bằng chính giọng điệu đó: Thế những con ốc là của ai? Cô bé không trả lời. Tiếng nói của em mang đậm chất bình dân nhưng dường như không phải của em mà của ai đó nằm chính trong cơ thể của em nói ra. Mọi nghi ngờ nhanh chóng biến mất khỏi tâm hồn tôi: tôi thích em trong trạng thái say ngủ.

Vấn đề duy nhất của tôi là con mèo. Nó chán ăn và cáu bẳn, hai ngày liền nằm co quắp ở góc nhà và hung hãn cào cấu khi tôi định bỏ nó vào giỏ mây cho Damiana đưa đến bác sĩ thú y. Ngay sau khi nhét được nó vào túi sợi cây xương rồng, Damiana liền đưa đi ngay. Một lúc sau, từ trại nuôi mèo bà ta gọi về xin lệnh của tôi để giết con mèo vì không còn cách nào khác. Tại sao? Bởi vì nó quá già, Damiana nói. Tôi bực bội nghĩ rằng ngay như mình cũng có thể bị rang sống trên lò nướng thịt mèo. Tôi cảm thấy bất lực giữa hai ngọn lửa: tôi chưa học được tình cảm yêu thương mèo, nhưng cũng không có trái tim đủ tàn nhẫn để ra lệnh giết con mèo chỉ đơn giản vì nó quá già. Sách hướng dẫn để đâu mất rồi nhỉ?

Sự kiện này làm tôi xúc động mạnh đến nỗi tôi phải viết một bài báo cho số chủ nhật với đầu đề ăn cắp được của Neruda[7]: Có đúng mèo là một con hổ nhỏ ở phòng khách hay không? Bài báo, một lần nữa, lại gây nên một cuộc tranh cãi rầm rộ chia bạn đọc thành hai phe, một phe ủng hộ một phe chống lại loài mèo. Trong năm ngày đầu đã thắng thế luận điểm cho rằng việc hạ thủ con mèo là hợp lý nhưng vì lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng chứ không phải vì nó quá già.

Sau cái chết của mẹ, tôi thường lo lắng rằng khi ngủ sẽ bị ai đó đụng đến người mình. Một tối nọ, tôi cảm thấy điều này, nhưng tiếng nói của ai đó làm tôi an tâm: Figlio mio poveretto[8]. Tôi lại cảm nhận được điều này một lần nữa vào buổi sáng sớm trong phòng của Delgadina, và tôi sung sướng nghĩ rằng cô bé đã chạm vào người tôi. Nhưng không phải: người đó chính là Rosa Cabarcas đang đứng trong bóng tối. Ông mặc quần áo vào và đi theo tôi ngay, bà ta nói, đang có chuyện rắc rối to.

[7] Pablo Neruda ( 1904 – 1973 ): Nhà thơ lớn của Chilê, giải Nobel văn học năm 1971.

[8] Figlio mio poveretto: Tiếng Ý trong nguyên bản, có nghĩa “Đứa con trai nhỏ tột nghiệp của tôi’.

Chuyện nghiêm trọng hơn nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Một trong những khách hàng sộp nhất của nhà chứa vừa bị đâm chết ngay trong phòng đầu tiên. Kẻ giết người đã bỏ trốn. Thi thể mập ú, không quần áo nhưng lại đi giày trông tái mét như con gà luộc đang nằm trong vũng máu ngay trên giường. Vừa bước chân vào tôi đã nhận ra ngay ông ta: J.M.B., một chủ ngân hàng lớn, nổi tiếng về thân xác khổng lồ, về tính thân thiện và cách ăn vận, và nhất là về nề nếp gia phong. Ở cổ có hai vết thương tím ngắt như hai vành môi và ở bụng có một vết đâm dài vẫn còn chảy máu. Thịt da vẫn còn mềm. Ngoài các vết thương, tôi có ấn tượng mạnh hơn cả là thấy chiếc bao cao su đã được lồng vào dương vật và hình như chưa kịp dùng trong hành động tình dục thì đã bị đâm chết.

Rosa Cabarcas không biết ông ta đã đi với ai bởi vì ông ấy cũng có đặc quyền đi cửa sau phía vườn cây. Cũng không loại trừ kẻ đi cùng cũng là một người đàn ông. Bà chủ nhà chỉ muốn nhờ tôi giúp mặc lại quần áo cho thi thể. Bà ta tin chắc là tôi đang lo lắng nghĩ rằng chuyện chết chóc ở đây xảy ra như cơm bữa. Không có việc gì khó hơn là mặc quần áo cho một người chết, tôi nói với bà ta. Tôi làm việc này vì sự chăn dắt của Chúa Trời, bà ta đáp lại. Nếu có ai giữ hộ tôi cái xác chết thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Tôi nhắc bà ta: Thế bà đã hình dung ra việc không ai lại tin một xác chết đầy vết đâm chém lại được mặc trong bộ quần áo của một công tử còn nguyên vẹn chứ?

Tôi run lên vì lo sợ cho Delgadina. Tốt nhất là ông mang con bé đó đi theo, Rosa Cabarcas nói với tôi. Thà chết còn hơn, tôi nói với bà ta miệng đắng ngắt. Bà ta nhận ra ngay tất cả và không dấu sự khinh khi: Ông đang run cầm cập! Vì con bé đấy, tôi nói dù chỉ là phân nửa sự thật. Bà phải báo cho con bé ra đi trước khi có ai đó đến đây. Nhất trí thôi, bà ta nói, mặc dù ông sẽ chẳng gặp rắc rối nào đâu vì là nhà báo. Bà cũng thế, tôi nói với chút bực mình. Bà là người duy nhất thuộc phái tự do được quyền lãnh đạo chính phủ này.

Thành phố này vốn được tiếng là yên bình và an toàn kể từ khi mới ra đời, ấy thế mà năm nào cũng có một vụ giết người dã man và đầy tai tiếng. Cái chết nọ cũng chưa phải là rất cả. Bản tin chính thức với tít lớn và đầy ắp chi tiết giải thích rằng ông chủ ngân hàng trẻ tuổi đã bị đâm nhiều nhát dao đến chết trên đường quốc lộ Pradomar vì lý do khó hiểu. Ông chưa từng có kẻ thù. Thông báo của chính quyền thì chỉ rõ nghi ngờ rằng những kẻ sát nhân có thể nằm trong số những người tỵ nạn từ quê ra các thành phố hiện đang gây nên một làn sóng tội phạm hình sự hoàn toàn xa lạ với ý thức công dân của tuyệt đại dân chúng. Ngay trong những giờ đầu tiên đã có hơn năm mươi người bị bắt.

Tôi đến và cãi vã ồn ào với biên tập viên phụ trách tư pháp, một nhà báo điển hình của những năm hai mươi, đầu đội mũ lưỡi trai nhựa màu xanh và ống tay áo cài khuy, lúc nào cũng muốn đi trước mọi sự việc. Tuy nhiên, lúc này anh ta chỉ biết một vài chi tiết vụn vặt liên quan đến tôi ác, và tôi phải bổ sung thêm những chi tiết khác một cách hết sức thận trọng. Và thế là hai chúng tôi cùng viết một bản tin dài năm trang đánh máy được đăng tám cột trên trang nhất của báo với lời chú giải là theo nguồn tin đáng tin cậy, một thứ bóng ma muôn thuở mà nhà báo chúng tôi vẫn sử dụng. Nhưng Người đàn ông đán ghét vào lúc chín giờ- tức nhân viên kiểm duyệt vào lúc báo chuẩn bị lên khuôn – không hề run tay sửa lại nội dung cho giống y thông báo chính thức coi đó là vụ tấn công của bọn cướp đường thuộc đảng tự do. Tôi tự an ủi lương tâm bằng việc vác bộ mặt sầu thảm cùng đông đảo mọi người đi trong đám tang bỉ ổi và đông đúc nhất của thế kỉ.

Tối hôm ấy, vừa về đến nhà là tôi đã gọi điện ngay cho Rosa Cabarcas để hỏi xem Delgadina có việc gì không nhưng không có ai trả lời suốt bốn ngày liền. Ngày thứ năm, tôi nghiến răng đến nhà bà ta. Các cửa ra vào đều bị niêm phong, không phải do cảnh sát mà là do ngành y tế. Những người hàng xóm không hay biết một tý gì. Không có một dấu hiệu nào về Delgadina khiến tôi phải bắt đầu cuộc tìm kiếm quyết liệt và nhiều khi quá lố bịch đến mức thở hổn hà hổn hển vì kiệt sức. Suốt trong nhiều ngày liên tục tôi ngồi ở bậc thang lên xuống tại công viên đầy bụi bặm nơi bọn trẻ con vẫn nghịch ngợm leo lên tượng đài Simón Bolivar, và quan sát tất cả những cô gái trẻ đi xe đạp. Họ đạp xe qua lại như những con nai tơ đẹp, gần gũi tưởng như nhắm mắt cũng chộp được. Khi đã hết hi vọng, tôi liền lẩn trốn vào nỗi an bình của điệu hát bolero. Cứ như một kẻ bị say chất men độc: mỗi lời bài hát đều gợi nhớ cô bé. Trước đây tôi luôn cần có sự im lặng để viết vì hồn tôi thấm đậm chất âm nhạc hơn là chất văn chương. Nhưng bây giờ thì ngược lại: tôi chỉ viết được trong tiếng nhạc belero. Hình ảnh em đầy ắp đời tôi. Trong suốt hai tuần lễ đó, những bài báo tôi viết đều trở thành những bức thư tình mẫu mực. Ngược hẳn với số đông độc giả trong các bức thư gửi đến, ông trưởng ban biên tập lại đề nghị tôi hạ nhiệt bớt lửa tình yêu trong khi chúng tôi nghĩ cách làm sao an ủi cho được những kẻ tình si.

Từ cảnh bất an trong lòng đã làm suy kiệt sức lực của tôi. Tỉnh dậy từ năm giờ sáng nhưng tôi vẫn nằm trong bóng tối chập choạng của phòng ngủ để hình dung ra Delgadina trong đời thực đang đánh thức các em dậy, mặc quần áo cho chúng đến trường, cho chúng ăn sáng nếu như có thứ để ăn, rồi sau đó đạp xe xuyên qua thành phố để thực hiện án phạt suốt ngày ngồi đơm cúc áo. Tôi kinh ngạc tự hỏi: Trong khi đơm cúc áo, người phụ nữ sẽ nghĩ gì nhỉ? Nghĩ đến tôi chăng? Liệu cô bé có đi tìm Rosa Cabarcas để lại được gặp tôi không nhỉ? Suốt cả tuần lễ tôi không thay quần lót, không tắm gội, không cạo râu, không đánh răng bởi vì tình yêu đến với tôi quá muộn để làm đẹp với ai được nữa. Damiana tưởng tôi bị ốm khi thấy tôi nằm lõa thể trên võng vào lúc mười giờ sáng. Tôi nhìn bà ta với đôi mắt đắm đuối và rủ cả hai cùng lõa thể luôn. Bà ta khinh khỉnh nói với tôi:

– Ông có nghĩ mình sẽ làm được gì nếu tôi đồng ý?

Thế là tôi mới chợt hiểu nỗi đau khổ đang gặm nhấm người tôi đến mức độ nào. Tôi không còn nhận ra chính mình trong nỗi đau thơ dại. Tôi không dám rời khỏi nhà vì sợ lỡ mất những cú điện thoại gọi đến. Tôi ngồi viết mà không rời khỏi chiếc điện thoại, mỗi tiếng chuông reo lại làm tim tôi nhảy bắn lên vì nghĩ rằng đó là Rosa Cabarcas gọi đến. Thỉnh thoảng tôi lại ngừng công việc để gọi cho bà ta, và suốt ngày tôi gọi liên tục cho đến khi hiểu rằng chiếc điện thoại hoàn toàn vô cảm.

Một buổi chiều mưa, vừa trở về nhà, tôi đã thấy con mèo nằm cuộn tròn ở ngay bực cửa ra vào. Trông nó bẩn thỉu, tàn tạ một cách đáng thương. Quyển sách hướng dẫn chỉ ra rằng nó đang bị ốm và tôi phải thực hiện một số biện pháp để cứu nó. Khi định đi nghỉ, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là chính nó có thể dẫn tôi lần theo dấu vết của Delgadina. Tôi đem nó trong túi đi chợ đến tận nhà của bà Rosa Cabarcas, lúc này vẫn còn bị niêm phong nên không có một tí dấu hiệu sự sống nào. Con mèo hăng hái nhảy ra khỏi cái túi xuống vườn và mất hút trong lùm cây. Tôi gõ cửa và nghe thấy một tiếng nói của một quân nhân nào đó: Ai đến đây? Người lương thiện đây, tôi nói. Tôi đến tìm bà chủ quán. Ở đây không có bà chủ nào cả, tiếng nói lại vọng từ trong nhà ra. Tối thiểu cũng nhờ ông mở cửa để tôi tìm con mèo, tôi nài nỉ. Không có mèo nào cả, ông ta nói. Tôi hỏi: Ông là ai vậy?

– Chẳng là ai cả – Giọng nói vọng ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.