Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi
Chương 4 – Phần 2
Tôi luôn hiểu rằng chết vì tình chẳng qua chỉ như tấm giấy pháp bằng thơ ca mà thôi. Buổi chiều hôm đó, khi trở về nhà, không có mèo và cô bé đi cùng, tôi nghiệm ra rằng mình không chỉ có thể sẽ chết mà thực ra thì đang chết dần chết mòn vì tình. Nhưng tôi cũng nhận thấy một sự thật ngược hẳn lại: niềm vui trong đau khổ của tôi vẫn không hề thay đổi. Tôi đã mất mười lăm năm để cố dịch bằng được một bài hát của Leopardi và mãi đến chiều hôm đó tôi mới cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa của nó: Hồn tôi sao đớn đau, tình yêu sao đắng cay.
Mọi người vô cùng lo lắng khi thấy tôi mặc quần áo lót và râu ria lởm chởm bước vào tòa báo. Tòa nhà mới được nâng cấp, mỗi người một ngăn, chung ánh sáng đèn chiếu từ trên trần, mới nhìn cứ tưởng như trong nhà hộ sinh. Bầu không khí im lặng giả tạo khiến ai cũng phải nói năng nhỏ nhẹ và đi lại rón rén. Ở tiền sảnh treo ba bức tranh sơn dầu vẽ ba chủ bút đảm đương chức vụ suốt đời, trông như các vị phó vương đã chết và những bức ảnh của các vị khách quý. Phòng hợp chính rộng rãi treo bức ảnh khổng lồ của toàn bộ ban biên tập hiện nay chụp hôm sinh nhật tôi. Tôi liên tưởng ngay đến bức chụp hồi tôi ba mươi tuổi và một lần nữa tôi sợ hãi nhận ra trong ảnh mình còn già đi nhanh và tệ hại hơn nhiều so với trong đời thực. Cô thư kí hôn tôi trong buổi mừng sinh nhật đã hỏi có phải tôi đang ốm không. Tôi sung sướng nói thật điều mà chắc cô ta không tin: Tôi đang ốm vì tình. Cô ta nói: Tiếc là không phải vì em! Tôi đáp lại: Biết đâu đấy.
Tay biên tập viên phụ trách khối tư pháp vừa đi ra khỏi khoang làm việc vừa nói to rằng ở khu vực nhà hát thành phố có hai xác chết con gái chưa xác định được danh tính. Tôi giật mình hỏi lại: Cỡ mấy tuổi? Trẻ lắm, ông ta nói. Có thể là những người chạy loạn ở tỉnh lên bị bọn đao phủ của chính quyền đuổi theo giết chết. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tình hình căng thẳng này cứ lẳng lặng xâm nhập vào chúng ta như một vết máu loang mãi, tôi nói. Tuy đã đi xa, nhưng tay biên tập khối tư pháp vẫn hét to:
– Không phải như vết máu, sư phụ ơi, mà là bãi cứt.
Mấy ngày sau, tôi còn gặp điều tệ hại hơn nữa. Hôm đó, có một cô gái mang cái túi giống hệt túi đựng mèo hôm trước bất ngờ đi qua trước quán sách Mundo như một luồng gió lạnh. Tôi vội vàng đuổi theo cô ta, chen chúc giữa đám đông vào lúc mười hai giờ trưa nóng như đổ lửa. Cô ta rất đẹp, bước đi thật dài và mềm mại, khéo léo len lỏi giữa những người bộ hành đông đảo khiến tôi rất vất vả bám theo. Cuối cùng thì tôi cũng đuổi kịp và nhìn thẳng vào mặt cô ta. Cô bé lấy tay gạt mạnh tôi ra mà không thèm nói lời xin lỗi và tiếp tục bước đi. Không phải là cô bé mà tôi đang tìm kiếm, nhưng chính tính cách cao ngạo của cô ta còn làm tôi đau đớn hơn cả việc nếu cô ta chính là em bé của tôi. Ngay tức khắc tôi hiểu rằng mình không thể nhận ra Delgadina khi cô bé thức và mặc quần áo và rằng cô bé cũng không thể biết tôi là ai vì có bao giờ nhìn thấy đâu. Trong ba ngày điên rồ, tôi ngồi đan mười hai đôi tất màu xanh và hồng cho trẻ sơ sinh, cố gắng không nghe, không hát, không tơ tưởng đến những bài hát khiến tôi nhớ đến Delgadina.
Tôi thực sự chẳng biết làm gì với nỗi đau tâm hồn và bắt đầu nhận ra mình đã già, bất lực trước tình yêu. Minh chứng đau đớn cho việc này chính là vụ tai nạn mà tôi đã chứng kiến: một chiếc xe buýt cán một cô gái đi xe đạp ngay giữa trung tâm khu thương mại. Khi xe cấp cứu vừa đưa cô bé đi khỏi, mọi người mới thấy hết cảnh nát vụn của chiếc xe đạp trong vũng máu tươi. Tôi xúc động mạnh không chỉ vì đám sắt vụn mà chính vì chiếc xe đạp có cùng nhãn hiệu, mẫu mã và màu sắc giống hệt chiếc mà tôi đã tặng Delgadina.
Các nhân chứng đều xác nhận người đi xe đạp bị thương là một cô gái rất trẻ, cao và gầy, có mái tóc cắt ngắn xoăn tít. Hoàn toàn hoảng hốt, tôi vội nhảy lên chiếc taxi đầu tiên đi qua đế đến bệnh viện Tế bần, một căn nhà cổ lỗ tường bằng đất thổ hoàng trông chẳng khác gì nhà tù. Tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ để vào và nửa tiếng khác để ra khỏi khu vườn cây đầy mùi hương thơm của trái cây nơi một người đàn bà khốn khổ chặn ngang đường và nhìn chằm chằm vào mắt tôi, nói:
– Tao là người mà bây không đến tìm đây.
Đến lúc đó tôi mới nhớ ra là ở trong vườn này những người điên hiền lành của cả quận được tự do đi lại. Tôi phải đưa thẻ nhà báo cho ban giám đốc bệnh viện, họ mới chịu cử một y tá dẫn đến phòng cấp cứu. Trong sổ nhập viện có ghi các số liệu: Tên họ Rosalba Rios, mười sáu tuổi, không rõ nghề nghiệp. Triệu chứng: vỡ hộp sọ, choáng. Chẩn đoán tiếp tục theo dõi. Tôi hỏi trưởng phòng cấp cứu liệu có thể đến tận nơi thăm cô ta được không với hi vọng là ông ta từ chối, nhưng họ lại vui vẻ dẫn đi ngay để mong tôi có bài viết về tình trạng tồi tàn của bệnh viện đang bị bỏ rơi.
Chúng tôi đi qua căn phòng màu mè lòe loẹt sặ mùi a-xít fénic với những bệnh nhân nằm chất đống trên giường. Cuối phòng, trong một buồng đơn để chiếc cáng bằng sắt trên đó nằm thẳng đơ cô gái mà chúng tôi đang tìm. Hộp sọ quấn đầy băng trắng, bộ mặt không còn nhận ra được nữa, sứt sẹo và tím bầm, nhưng chỉ nhìn đôi bàn chân tôi cũng biết là không phải cô bé cần tìm. Tôi bỗng tự hỏi: Mình sẽ làm gì nếu đúng là cô bé nhỉ?
Dù trong lòng còn rối tinh lên vì chuyện tối hôm trước, nhưng ngày hôm sau tôi vẫn có đủ lòng can đảm đi đến tận nhà máy may áo sơ mi, nơi theo lời của Rosa Cabarcas là cô bé đang làm việc. Tôi xin phép ông chủ nhà máy cho đi xem các phân xưởng có thể sẽ thành hình mẫu của một dự án tầm cỡ châu lục của Liên hợp quốc. Ông chủ, một người Libăng da thô dày và ít nói đã mở toang vương quốc của mình với hi vọng sẽ được đầu tư thành một tấm gương toàn cầu.
Trong một khung nhà rộng lớn ngập trong ánh điện, ba trăm thiếu nữ mặc áo blu trắng với vết tro bôi trên trán[9] đang mải miết đơm cúc. Khi biết chúng tôi vào, họ đều ngước nhìn lên như những cô học trò nhỏ và liếc nhìn chúng tôi trong khi viên quản đốc giảng giải về những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật đơm cúc áo. Tôi quan sát bộ mặt từng cô và phấp phỏng lo sợ phát hiện ra Delgadina mặc đủ quần áo và đang thức. Nhưng chính một trong số các cô gái lại phát hiện ra tôi bằng ánh mắt thán phục đến dễ sợ và hỏi không chút nể nang:
– Thưa ông, có phải chính ông là người viết các bức thư tình trên báo không ạ?
[9] Lễ tro: Nghi thức xức tro trên đầu biểu hiện sự ăn năn sám hối khởi đầu mùa chay của đạo Gia tô
Tôi chưa bao giờ hình dung nổi một bé gái say ngủ lại có thể gây ra chuyện khó xử cho mình như vậy. Tôi trốn chạy khỏi nhà máy không kịp chia tay với ai và cũng chẳng kịp suy nghĩ xem liệu trong số các thiếu nữ trinh nguyên kia có người con gái mình đang cố tìm hay không. Khi ra khỏi tôi chỉ có một tình cảm duy nhất trên đời là muốn khóc.
Sau đúng một tháng thì Rosa Cabarcas gọi điện đến để đưa ra lời giải thích không tưởng tượng nổi: bà ta đã có những ngày nghĩ xứng đáng ở thành phố Cartagena sau vụ giết hại ông chủ ngân hàng. Tất nhiên là tôi không tin lời bà ta, nhưng cũng chúc mừng ba đã tai qua nạn khỏi và để bà ta huyên thiên tiếp những điều dối trá trước khi hỏi điều đang làm tim tôi thổn thức:
– Thế cô bé thì sao?
Rosa Cabarcas im lặng một lúc lâu. Nó vẫn ở đó, mãi sau bà ta mới nói, nhưng lại cố tìm cách lảng tránh: Phải chờ thêm một thời gian nữa. Bao nhiêu lâu? Tôi vẫn chưa dự kiến được, rồi tôi sẽ báo cho ông biết. Tôi thấy bà sắp cúp máy liền nói ngay: Chờ tí đã, phải cho tôi chút ánh sáng chứ. Không có tia sáng nào cả, bà ta nói, và kết luận: Ông phải cẩn thận đấy vì chuyện này có thể làm hại ông, và nhất là làm hại con bé. Tôi không phải là kẻ hay nhõng nhẽo đâu. Tôi năn nỉ bà ta cho phép dù một lần duy nhất tiếp cận đến sự thật. Dù sao đi nữa, tôi nói, tôi và bà đều là tòng phạm cả mà. Bà ta không hề lùi bước. Yên tâm đi, bà ta nói, con bé vẫn khỏe mạnh và vẫn chờ tôi gọi điện, nhưng ngay lúc này chẳng có chuyện gì làm đâu và tôi cũng không nói gì thêm nữa. Xin chào ông.
Tôi vẫn cầm chiếc điện thoại trên tay mà không biết tiếp tục nói gì được nữa, bởi vì đã quá biết không thể moi ở bà ta bất cứ chuyện gì bằng cách ép buộc. Quá trưa, tôi lại đi đến nhà bà ta, chỉ còn chờ trông vào điều may rủi. Căn nhà vẫn cửa đóng then cài cùng với dấu niêm phong của ngành y tế. Tôi nghĩ là Rosa Cabarcas đã gọi tôi từ một nơi khác, có thể từ thành phố khác, đó quả là một điềm xấu. Tuy vậy, lúc sáu giờ chiều, thời khắc ít ngờ nhất, bà ta đã xổ qua điện thoại đến tôi những kí hiệu riêng của mình:
– Này, bây giờ được rồi đấy.
Mười giờ đêm, toàn thân thân run rẩy và môi mím chặt để khỏi bật ra tiếng khóc, tôi mang theo những hộp sô-cô-la Thụy Sĩ, bánh mật hạnh nhân và kẹo cùng một giỏ hoa hồng cháy đỏ để phủ lên giường. Cánh cửa khép hờ, đèn sáng và từ chiếc đài bán dẫn vọng ra bản sonat số một cho violon và piano của Brahms. Delgadina nằm trên giường rực rỡ và khác lạ khiến mãi tôi mới nhận ra.
Cô bé đã lớn hơn, nhưng không phải là về kích thước mà về nét già dặn hơn hai hoặc ba tuổi, và trông cũng lõa thể hơn bao giờ hết. Đôi gò má như cao hơn, làn da sạm nắng biển, đôi môi mỏng, mái tóc cắt ngắn và xoăn tít khiến bộ mặt em có nét rạng rỡ của tượng Apolo của Praxíteles. Cặp vú của em cũng phổng phao hẳn lên không còn nằm gọn trong lòng bàn tay tôi được nữa, vòng eo cũng đã định hình, khung xương đã trở nên rắn rỏi và hài hòa hơn hẳn. Tôi say sưa với những thành tựu của tự nhiên nhưng lại hốt hoảng trước những nét giả tạo: lông mi giả, móng tay và móng chân sơn màu sẫm xà cừ và một mùi nước hoa sực nức chẳng có vẻ gì là tình yêu cả. Tuy nhiên, điều làm tôi nổi giận chính là mớ tài sản cô bé mang trên người: khuyên tai khảm ngọc bích, vòng đeo cổ bằng ngọc tự nhiên, một vòng đeo tay lấp lánh và thêu khéo léo, và đôi giày gót bằng. Bụng tôi ứ đầy làn hơi lạ.
– Đồ con điếm! – Tôi thét lên.
Quỷ dữ nói vào tai tôi một ý nghĩ đen tối. Và đúng là như vậy: trong đêm xảy ra tội ác, Rosa Cabarcas có lẽ đã không kịp và không đủ bình tĩnh quay lại báo cho cô bé, và cảnh sát đã thấy cô ta nằm một mình trong phòng, một đứa trẻ vị thành niên, bị ép buộc. Không ai dám hành sự như Rosa Cabarcas trong trường hợp này: bà ta bán trinh của đứa bé cho một trong những viên sếp sòng để đổi lấy sử an toàn của chính mình trong vụ giết người. Điều đầu tiên, tất nhiên là phải làm chìm đi vụ bê bối này. Thật là tuyệt vời làm sao! Một chuyến đi hưởng tuần trăng mật cho cả ba người, cô bé và kẻ nọ thì trên giường còn Rosa Cabarcas thì trên sân thượng khách sạn sang trọng hưởng niềm hạnh phúc đước thoát tội. Mù quán vì sự tức giận quái dị, tôi lần lượt ném mọi thứ trong phòng vào tường: bóng đèn, chiếc dài, chiếc quạt điện, tấm gương, ly, cốc. Tôi không làm vội vã nhưng liên tục, hết sức ồn ào và với niềm say sưa trong khuôn phép cuộc đời. Đứa bé nảy bật lên ngay sau tiếng nổ đầu tiên, nhưng không nhìn tôi mà cuộn tròn mình lại quay lưng về phía tôi và cứ nằm như thế trong cơn co giật sợ hãi cho đến khi dứt tiếng đập phá. Đám gà mái trong vườn và lũ chó cũng làm tăng thêm tiếng hỗn loạn ầm ĩ. Dù tức giận mù quang, tôi vẫn còn đủ minh mẫn và hứng khởi để sẵn sàng châm lửa đốt nhà thì vừa lúc Rosa Cabarcas trong bộ đồ ngủ bình thản xuất hiện ngay cửa ra vào. Bà ta không nói gì. Bà ta nhìn ước lượng mức độ cảnh tàn phá và thấy rõ bé gái đang nằm cuộn tròn như con ốc, đầu giấu trong hai cánh tay: sợ hãi nhưng còn nguyên vẹn.
– Trời ơi! – Rosa Cabarcas kêu lên – Sao tôi không có được một tình yêu như kiểu này!
Bà ta thương hại nhìn tôi từ đầu đến chân rồi ra lệnh: Đi nào. Tôi đi theo bà ta đến tận phòng. Rosa Cabarcas im lặng đưa cốc nước và ra hiệu cho tôi ngồi đối diện và lắng nghe tôi tâm sự. Nào, bà ta nói, bây giờ thì ông phải cư xử như một người lớn, và nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra?
Tôi nói với bà ta những gì mà tôi coi là sự thật vừa phát hiện ra. Rosa Cabarcas im lặng nghe, không hề tỏ ra ngạc nhiên nhưng cuối cùng thì mặt mày cũng rạng rỡ hẳn lên. Tuyệt thật, bà ta nói. Tôi thường nói rằng ghen tuông biết nhiều hơn sự thật. Và bà ta liền nói thẳng tuột mọi chuyện đã xảy ra trong thực tế. Đúng là trong đêm xảy ra tội ác, bà ta nói, vì quá hốt hoảng nên tôi đã quên mất con bé say ngủ trong phòng. Một trong những khách hàng sộp, viên luật sư của người bị sát hại, không những làm việc phân phát quà cáp và hối lộ cho những nơi cần thiết mà còn mời Rosa Cabarcas đi nghĩ ở một khách sạn sang trọng ở thành phố Cartagena để chờ cho vụ xì-can-đan chìm xuồng. Ông hãy tin lời tôi, Rosa Cabarcas nói, trong suốt thời gian đó không lúc nào tôi quên được ông và con bé. Ngày hôm kia tôi mới về đến đây thì gọi điện ngay cho ông, nhưng không ai trả lời. Ngược lại, bé gái thì đến ngay tức thì, nhưng trông nó quá ư thảm hại nên tôi phải tắm táp cho nó hộ ông, phải sắm quần áo và đưa nó đi mỹ viện để người ta sửa sang lại cho nó như một bà hoàng. Ông thấy rõ rồi đó: trông nó tuyệt hảo. Tại sao có quần áo sang trọng ư? Đó là trang phục mà tôi phải thuê cho các em út của mình khi đi khiêu vũ với khách. Đồ trang sức ư? Đó là của tôi cả đấy: chỉ cần sờ vào là ông thấy nó toàn bằng kim cương giả và bằng sắt tây. Thôi, đừng giở trò vớ vấn nữa. Và và ta kết luận: Ông đến đó ngay đi, đánh thức con bé dậy, xin lỗi nó và giữ lấy nó luôn đi. Ông và con bé xứng đáng được hưởng hạnh phúc hơn ai hết đấy.
Tôi nỗ lực phi thường để tin lời bà ta, nhưng tình vẫn thắng lý. Đồ gái điếm! Tôn nói, trong lòng rừng rực lửa tức giận. Đó chính là các ngươi! Tôi hét to: Đồ gái điếm cứt đái! Tôi không thèm biết gì về bà và bất cứ một mụ đàn bà hư đốn nào khác ở trên thế gian này nữa, càng không cần biết gì về con bé đó. Từ cửa ra và tôi ra dấu vĩnh biệt. Rosa Cabarcas không nghi ngờ điều này.
Cầu chúa lôi ông đi – bà ta nhếch mép buồn bã nói, và quay ngay về đời thực. Dù sao tôi cũng sẽ gửi ông bản khai thiệt hại mà ông đã gây ra ở trong phòng ngủ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.