Hòn đảo bí mật

CHƯƠNG 10 – MỘT THÂN PHẬN BỊ LƯU ĐÀY



Ngày 10 tháng mười hai, sau khi trở thành khách của Lâu đài Đá hoa cương được một tuần, người lạ đến bên Cyrus Smith và nói một cách nhẹ nhàng từ tốn.
– Thưa ngài, tôi có điều muốn nói với ngài.
– Anh cứ nói. – viên kĩ sư trả lời – Nhưng trước hết anh hãy cho tôi nói đôi điều đã.
Nghe những lời ấy người lạ đỏ mặt lên và suýt bỏ chạy. Cyrus Smith hiểu phản ứng của người lạ theo cách của mình, ông cho là kẻ phạm tội có lẽ sợ bị người ta thẩm vấn về quá khứ và thấy sượng sùng.
Cyrus Smith đã giữ anh ta lại.
– Anh hãy nghe đây. – ông nói – Chúng tôi đối với anh không những là người cùng gặp nạn, mà còn là những người bạn. Đấy là tất cả những gì tôi muốn nói với anh, còn bây giờ tôi sẵn sàng nghe anh.
Người lạ lấy tay quệt nước mắt. Anh ta run run và mất đến mấy giây không sao nói lên lời.
– Thưa ngài. – cuối cùng anh ta nói – Tôi muốn xin ngài làm ơn giúp tôi một việc.
– Việc gì thế?
– Ở cách đây bốn, năm dặm, dưới chân núi, các ngài có khu chăn nuôi gia súc. Số gia súc này cần được chăm sóc. Ngài có thể cho tôi đến ở đó được không?
Cyrus Smith nhìn người lạ với lòng thương cảm sâu sắc. Rồi ông trả lời:
– Anh bạn, khu chăn nuôi không có nhà cửa, chỉ toàn chuồng trại thôi, hoàn toàn không thể ở được…
– Nhưng đối với tôi, thưa ngài! Chuồng trại như vậy cũng tốt lắm rồi.
– Anh bạn của tôi. – Cyrus Smith trả lời. – Chúng tôi sẽ không làm trái ý anh. Tuy nhiên, anh bao giờ cũng là khách quý trong Lâu đài Đá hoa cương. Nhưng, nếu như ưa sống ở khu chăn nuôi chúng tôi sẽ thu xếp cho anh ở đó được thuận tiện hơn…
Căn nhà gỗ nhỏ được xây dựng xong trong một tuần, cách các chuồng gia súc độ hai mươi bộ, trên một cái gò nhỏ, từ đó có thể quan sát đàn cừu rừng đã sinh sôi trên tám chục con một cách thuận lợi.
Ngày 20 tháng mười hai, viên kỹ sư thông báo cho người lạ biết tối hôm nay anh ta có thể ngủ đêm ở nhà mới của mình. Đã gần tám giờ, đến lúc người lạ phải ra khu chăn nuôi, mọi người đang ngồi trong phòng lớn chuyện trò, bỗng có tiếng gõ cửa vang lên khe khẽ. Người lạ bước nhanh vào phòng và nói không cần mào đầu gì hết.
– Thưa các ông, trước khi chia tay các ông tôi muốn các ông biết hết về sự thật của đời tôi. Xin các ông hãy nghe câu chuyện của tôi.
Những lời đơn giản ấy gây ấn tượng lớn đối với Cyrus Smith và các bạn của ông. Viên kỹ sư đứng lên nói với người lạ.
– Anh bạn của tôi! Chúng tôi không hỏi anh điều gì cả. Anh có quyền im lặng.
– Bổn phận của tôi là kể hết mọi điều cho quý vị.
– Nếu vậy thì chúng tôi sẵn lòng nghe anh kể. – Cyrus Smith nói.
Người lạ lui vào một góc phòng tối. Anh ta đứng yên, bỏ mũ, khoanh tay trước ngực và bắt đầu kể bằng một giọng trầm trầm.
– Ngày 20 tháng 12 năm 1854, chiếc tàu buồm chạy bằng hơi nước có tên là “Duncan” của huân tước Glenarvan – thả neo ở bờ biển phía tây Australia, gần mũi Bernuoulli, trên vĩ tuyến 37. Trên tàu có Glenarvan cùng với vợ, một thiếu tá quân đội Anh, một nhà địa lí người Pháp và hai đứa con của thuyền trưởng Grant – một cô gái trẻ và một cậu bé. Điều khiển tàu “Duncan” là thuyền trưởng John Mangles, đoàn thủ thủ gồm có mười lăm người.
Nửa năm trước đó, đoàn thuỷ thủ trên tàu “Duncan” đã nhặt được ở bờ biển Ireland một cái chai đựng ba lá thư viết bằng ba thứ tiếng Anh, Đức và Pháp với cùng một nội dung. Trong thư thuyền trưởng Grant vắn tắt cho biết rằng họ là nạn nhân của vụ đắm tàu “Britania”. Thuỷ thủ đoàn đều chết cả chỉ còn có ba người sống sót là thuyền trưởng Grant và hai thuỷ thủ. Họ đã lên được một vùng đất nào đó, có chỉ dẫn vĩ tuyến 37º11’, nhưng kinh tuyến bao nhiêu thì không rõ, vì con số ghi trong thư bị nước biển ăn mờ. Họ yêu cầu được cứu giúp.
Bộ tư lệnh hải quân Anh từ chối việc tìm cứu những người bị nạn. Nhưng huân tước Glenarvan, đã dùng chiếc tàu “Duncan” của mình đi cứu họ, “Duncan” đi dọc vĩ tuyến 37º, sang tận Patagonia của Nam Mỹ, nhưng không tìm thấy dấu vết của thuyền trưởng Grant. Glenarvan quyết định đi Australia. “Duncan” đến gần và thả neo ở Bernoulli nằm trên vùng duyên hải Australia, rồi đoàn thuỷ thủ đi tìm kiếm thuyền trưởng Grant trên mặt đất liền. Tại đó, cách bờ biển vài dặm, có trang trại của một người Ireland di cư niềm nở đón tiếp đoàn thám hiểm. Huân tước Glenarvan đã kể hết cho người Ireland nghe vì sao họ đến đây và hỏi xem người chủ trang trại có biết tin tức gì về chiếc tàu “Britania” bị đắm ở vung biển này cách đây gần hai năm không. Người Ireland nọ không biết, nhưng một trong số những người làm công của ông ta có mặt hôm ấy tự nhận là một trong những người bị nạn trong vụ đắm tàu “Britania” cùng với thuyền trưởng Grant. Họ của người ấy là Ayrton, anh ta có giấy tờ xác nhận là hoa tiêu trên tàu “Britania”. Bấy lâu nay, anh ta cứ tưởng chỉ có một mình anh ta sống sót sau vụ đắm tàu.
Ayrton nhận lời hướng dẫn đoàn thám hiểm của Glenarvan đi tìm thuyền trưởng Grant trên vùng duyên hải Australia.
Vì tàu “Duncan” lúc ấy bị hỏng, nên đoàn thám hiểm chia làm hai toán. Toán đi đường bộ theo vĩ tuyến 37 ra duyên hải phía đông Australia gồm có vợ chồng Glenarvan, hai đưa con của thuyền trưởng Grant, viên thiếu tá, nhà địa lí, thuyền trưởng Mangles và vài thuỷ thủ do Ayrton dẫn đường. Còn tàu “Duncan” dưới sự chỉ huy của Tom Austin, phó thuyền trưởng, lên đường đi Melbourne để sửa chữa và ở tại đó đợi lệnh của Glenarvan.
Ngày 23 tháng 12 năm 1854, đoàn người đi bộ lên đường. Tiến hành cuộc tìm kiếm thuyền trưởng Grant. Cần phải nói rõ để các ông biết rằng Ayrton là một kẻ dối trá. Đúng là hắn đã từng làm hoa tiêu trên tàu Britania, nhưng do tranh chấp với thuyền trưởng Grant và đã âm mưu xúi giục đoàn thuỷ thủ nổi loạn chiếm tàu. Thuyền trưởng Grant đày hắn lên bờ biển phía tây Australia ngày 8 tháng 4 năm 1852. Đó là một sự trừng phạt hoàn toàn công bằng.
Vì vậy, tên bất nhân này thậm chí không hay biết gì về vụ đắm tàu “Britania”. Lần đầu tiên hắn được biết mọi chuyện ấy qua lời kể của huân tước Glenarvan. Từ khi Ayrton bị đưa lên bờ, hắn núp dưới cái tên Ben Joyce cầm đầu một toán tội phạm trốn trại, và giờ đây hắn lại trắng trợn khẳng định rằng vụ đắm tàu đã xảy ra ở bờ biển phía đông. Hắn đã cố ý đưa huân tước Glenarvan đi lạc hướng hi vọng, trong lúc ông còn đang trên đường du hành thì hắn kịp chiếm lấy chiếc tàu buồm “Duncan”, biến nó thành tàu cướp biển và làm mưa làm gió trên đại dương.
Người lạ im lặng. Sau đó lại tiếp tục kể bằng một giọng run run.
– Toán đi đường bộ không đạt mục đích, bởi vì, bọn thuộc hạ của Ayrton, lúc thì đi trước, lúc thì đi sau đoàn thám hiểm, sẵn sàng thực hiện âm mưu của tên thủ lĩnh.
Ayrton tìm đủ cách khuyến dụ Glenarvan viết thư phát lệnh cho tàu “Duncan” rời Melbourne đi vịnh Twofold nằm ở bờ biển phía đông, cách chỗ họ dựng trại vài ngày đường. Họ sẽ xuyên đường rừng để về với tàu “Duncan” vì chuyến tìm kiếm thuyền trưởng Grant không đạt kết quả. Trong khi đó, bọn cướp biển đã hẹn đợi Ayrton ở Twofold để tìm cách chiếm đoạt “Duncan”.
Tên phản bội suýt nữa được giao nhiệm vụ chuyển bức thư lệnh cho phó thuyền trưởng Tom Austin, nhưng hắn bị vạch mặt ngay tức thì, và hắn đã bỏ chạy. Tuy nhiên, người mang thư lệnh sau đó bị bọn chúng âm mưu hành hung, và cuối cùng, chính Ayrton đã đoạt lấy bức thư và hai ngày sau đó hắn có mặt ở Melbourne, hắn giáo thư cho phó thuyền trưởng Tom Austin. Xem xong thư, Tom Austin liền cho tàu nhổ neo. Nhưng Ayrton đã thất vọng biết bao, khi sang ngày thứ hai hắn được biết Tom Austin không cho “Duncan” chạy đi vịnh Twofold như hắn mong muốn, mà lại đi về bờ biển phía đông New Zealand. Hắn âm mưu chống lại, song Tom Austin đưa cho hắn coi bức thư lệnh của Glenarvan. Đúng như vậy, nhờ một sự tình cờ – nhà địa lí người Pháp được nhận nhiệm vụ viết lại bức thư do Glenarvan đọc đã viết nhầm địa danh trong thư lệnh. Thay vì cho “Duncan” đi Twofold, ông lại điều động tàu đi về bờ biển phía đông New Zealand.
Mọi kế hoạch của Ayrton đều đã sụp đổ! Hắn nảy ra ý định dấy loạn. Và hắn bị Tom Austin khống chế và tống giam vào hầm tàu. “Duncan” tiếp tục hành trình đi New Zealand, không biết tình hình toán đi đường bộ của Glenarvan như thế nào.
“Duncan” chạy dọc bờ biển New Zealand đến ngày mồng 3 tháng ba. Hôm ấy, Ayrton đã nghe thấy những tiếng súng. “Duncan” đã nã đại bác dồn dập, và chẳng bao lâu huân tước Glenarvan cùng với tất cả những người cùng đi đã lên tàu của mình.
Đấy là tất cả những rủi ro xảy ra trong thời gian sau đó. Sau khi vượt qua nhiêu thử thách và nguy hiểm, toán của huân tước Glenarvan đã đến được vùng duyên hải phía đông Australia, và vào vịnh Twofold. Không thấy tàu “Duncan” ở đó! Glenarvan điện báo về Melbourne và được trả lời rằng tàu “Duncan” đã rời bến ngày mười tám trong tháng, hướng đi thì họ không biết.
Glenarvan cho rằng đoàn thuỷ thủ dũng cảm của ông đã sa vào tay Ben Joyce, còn “Duncan” thì trở thành tàu cướp biển.
Nhưng Glenarvan vẫn không từ bỏ những cuộc tìm kiếm. Đó là một con người dũng cảm và cao thượng. Ông đã lần theo dọc vĩ tuyến 37 mà không thấy thuyền trưởng Grant, nhưng đến bờ biển phía đông New Zealand, thật hết sức ngạc nhiên và nhờ trời phù hộ, ông đã tìm lại được tàu “Duncan” đợi ông ở đó năm tuần nay.
Thế là Glenarvan lại bước lên tàu “Duncan” – trên ấy có cả Ayrton. Hắn được dẫn đến gặp Glenarvan. Ông muốn hỏi dò tên sát nhân xem hắn có biết gì về số phận của thuyền trưởng Grant không. Ayrton từ chối trả lời. Glenarvan cảnh cáo hắn rằng, đến cảng đầu tiên ông sẽ trao hắn cho nhà đương cục Anh.
Lúc đầu hắn làm thinh, nhưng cuối cùng đã hứa kể cho Glenarvan nghe toàn bộ câu chuyện với điều kiện không trao hắn cho các nhà đương cục Anh, mà cho hắn lên một trong những hòn đảo ở Thái Bình Dương. Glenarvan đồng ý, bởi vì ông sẵn sàng làm tất cả, miễn là biết được điều gì đấy về số phận của thuyền trưởng Grant. Đến đây Ayrton đã kể lại cuộc đời của hắn và thừa nhận rằng từ khi hắn bị đưa lên biển Australia, hắn không biết gì về thuyền trưởng Grant cả.
Tuy nhiên, Glenarvan đã giữ lời hứa. “Duncan” vẫn đi tiếp, và một đêm nọ, họ đã phát hiện ra đảo Tabor. Ayrton được mọi người để lại trên đảo này. Và chính ở đây, nơi hòn đảo nằm trên vĩ tuyến 37 này đã xảy ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoá ra thuyền trưởng Grant và hai thuỷ thủ của ông ta đang ở trên đó. Tên tội phạm phải thế chỗ cho họ và ở lại trên hoang đảo này. Khi hắn rời tàu “Duncan”, Glenarvan đã dặn dò hắn như sau:
– Ayrton, ngươi sẽ bị tách biệt khỏi thế giới loài người, nhưng chúng ta sẽ không quên ngươi đâu. Trí nhớ sẽ không bao giờ phản bội ta.
Và “Duncan” nhổ neo, chẳng bao lâu biến mất khỏi tầm nhìn của Ayrton. Việc ấy đã xảy ra vào ngày 18 tháng 3 năm 1855. Ayrton ở lại một mình, đã phải lủi thủi sống lay lắt những ngày dài lê thê và chuộc lại những tội ác do hắn gây ra.
Hắn đã tự sám hối, lương tâm cắn rứt không để hắn yên, hắn đã quyết định nếu một ngày kia có người tìm đến với hắn. Hắn sẽ trở lại thế giới loài người với một con người khác và sẽ sống lương thiện.
Ayrton đã sống như vậy hai, ba năm, nhưng sự cô đơn giày vò hắn, và hắn không rời mắt khỏi chân trời, hi vọng nhìn thấy một con tàu.
Nhưng rõ ràng là trời vẫn muốn trừng phạt đầy đủ kẻ bất hạnh, bởi vì hắn đã bắt đầu nhận thấy rằng hắn đang biến thành người man rợ. Cuối cùng, kẻ bị trục xuất đã đánh mất hết mọi tư cách con người, trở thành một sinh vật như các ông đã tìm thấy hắn!
Cyrus Smith và các bạn của ông đã đứng lặng nghe hết lời tự thú ấy. Khó mà diễn tả được lời tự thú đó làm cho họ xúc động như thế nào! Họ đã thấy nỗi xót xa đau khổ, tuyệt vọng ấy chan chứa sự chân thành biết bao!
– Ayrton – Cyrus Smith nói một cách trang nghiêm – anh đã là một tên tội phạm thâm căn cố đế nhưng tôi tin rằng đức chúa trời đã tha thứ cho anh mọi tội lỗi! Và để chứng tỏ sự độ lượng của mình. Người đã cho anh trở lại với thế giới loài người. Anh đã được xá tội, Ayrton! Anh hãy nói xem, anh có muốn trở thành bạn bè của chúng tôi không? Ayrton giật bắn người.
– Chúng ta hãy bắt tay nhau! – viên kỹ sư nói.
Ayrton lao đến Cyrus Smith, bắt chặt tay ông, và từ đôi mắt của anh ta trào ra những dòng lệ nóng hổi.
– Bây giờ anh đồng ý sống cùng chúng tôi chứ? – Cyrus Smith hỏi.
– Thưa ngài Smith, – Ayrton trả lời – tốt hơn là hãy cho tôi sống một mình ở khu chăn nuôi ít lâu.
– Tùy anh, Ayrton! – Cyrus Smith trả lời.
Ayrton đã định đi ra, nhưng viên kỹ sư giữ anh ta lại.
– Khoan đã! Anh bạn của tôi! – ông nói – Anh đã quyết định sống cảnh cô đơn, vậy sao anh lại viết thư bỏ xuống biển báo cho chúng tôi biết dấu tích của anh?
– Thư nào? – Ayrton ngạc nhiên, rõ ràng không hiểu chuyện gì cả. Và Ayrton cúi chào mọi người và đi ra.
– Cyrus thân mến! – Gédéon Spilett nói. Không thể nào có chuyện Ayrton lại quên bức thư tự tay mình viết rồi cho vào chai và thả xuống biển.
– Do đó, Spilett thân mến, người bỏ chai xuống biển không phải là anh ta.
– Có nghĩa là, ngài giả thiết…
– Tôi không giả thiết gì cả, tôi không biết gì cả, – Cyrus Smith phản đối, cắt ngang lời nhà báo –Tôi chỉ đơn giản liệt kê trường hợp này vào tất cả những điều bí ẩn mà cho tới nay tôi không giải thích nổi.
Đã sang tháng giêng, năm 1867. Như mọi năm những người ngụ cư bận nhiều việc. Một hôm, Harbert và Gédéon Spilett đi thăm khu chăn nuôi và biết rằng Ayrton đã đến sống trong căn nhà làm cho anh ta ở khu chăn nuôi. Anh ta quan tâm chăm sóc một đàn súc vật lớn và bớt cho những người ngụ cư phải mất nhiều công sức như trước đây là cứ hai, ba ngày lại ra khu chăn nuôi một lần. Tuy nhiên, để giúp Ayrton bôi xoá mặc cảm tội lỗi và tránh nỗi buồn khi thấy mình bị bỏ rơi, họ vẫn thường xuyên ra thăm người bạn mới của mình.
Hơn nữa, viên kỹ sư còn lo có chuyện bất trắc xảy ra ở khu chăn nuôi nên đã quyết định tạo một đường dây liên lạc trực tiếp giữa khu chăn nuôi và Lâu đài Đá hoa cương. Ngày 10 tháng giêng, viên kỹ sư đã trình bày cho các bạn nghe về dự định của mình.
– Ngài định đặt đường dây thông tin chăng, thưa ngài Smith? – Pencroff hỏi.
– Đúng vậy!
– Bằng điện ạ? – Harbert cười phá lên.
– Bằng điện! – Cyrus Smith khẳng định – Chúng ta có đầy đủ những thứ cần thiết để làm pin và ắcquy, làm dây dẫn bằng sắt thì khó hơn, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ thực hiện được việc này bằng cách chuốt các sợi sắt nhỏ.
Cuối cùng, họ cũng đã chế tạo được những dây sắt dài từ 40 đến 50 bộ, đem nối lại họ được một sợi dây sắt dài năm dặm, vừa đúng khoảng cách từ Lâu đài đến khu chăn nuôi. Sau khi có đủ vật liệu cần thiết rồi, Cyrus Smith lo làm ắcquy. Ông làm bộ ắcquy điện một chiều, giống như ắcquy mà năm 1820 Becquerel đã chế tạo, bởi vì nó chỉ có kẽm mà thôi.
Sự sáng chế độc đáo và đơn giản đã giúp Cyrus Smith làm được hai bộ ắcquy, một bộ đặt ở Lâu đài Đá hoa cương, bộ kia đặt ở khu chăn nuôi, để tiện cho việc liên lạc bằng điện báo. Mọi việc được hoàn thành dứt điểm vào ngày 12 tháng hai. Hôm ấy, Cyrus Smith đã cắm điện và hỏi Ayrton xem công việc của anh ta có được tốt đẹp cả không, chỉ vài giây sau, ông đã nhận được câu trả lời của Ayrton là tất cả đều thuận lợi.
Tối 25 tháng tư, khi tất cả những người ngụ cư tập trung trên cao nguyên Tầm nhìn, Cyrus Smith đã nói với họ như sau:
– Các bạn thân yêu của tôi! Tôi thấy có trách nhiệm chỉ cho các bạn một số hiện tượng kì lạ, và tôi muốn được biết ý kiến của các bạn về những hiện tượng ấy. Tôi cho rằng những hiện tượng ấy là siêu nhiên.
– Siêu nhiên! – chàng thuỷ thủ thốt lên.
– Có thể gọi nơi chúng ta đang sống là hòn đảo bí ẩn. – viên kỹ sư nói – Có thể là các bạn sẽ giải thích được điều mà tôi và Spilett bấy lâu nay không hiểu nổi?
– Vậy thưa ngài Cyrus, ngài hãy kể đi, ở đây có chuyện gì thế? – chàng thuỷ thủ yêu cầu. Cyrus tiếp tục:
– Tôi đã suýt bị chìm dưới biển cách bờ một phần tư hải lí, mà không biết vì sao lại lên được tới hang. Lại nữa làm sao con Top lại có thể tìm ra được chỗ các bạn, lúc ấy đang ở cách hang của tôi những năm dặm!
– Bản năng giúp nó… – Harbert nói.
– Bản năng gì ở đây, – nhà báo cắt ngang lời chú bé – đêm ấy trời mưa to, gió lớn, mà con Top đến Hang ngụ cư lại khô ráo, sạch sẽ.
– Hơn nữa, – Cyrus Smith tiếp tục – các bạn có thể hiểu được không, viên đạn chì trong mình con heo rừng mới kì lạ làm sao. Bằng cách gì mà biển lại quẳng lên bờ cho chúng ta cái hòm với đầy đủ các thứ cần thiết, mặc dù chúng ta đã không thấy dấu vết của một tai nạn đắm tàu. Và làm thế nào cái chai đựng lá thư nọ lại có thể rơi vào tay chúng ta đúng hôm đầu tiên chúng ta chạy thử tàu. Vì sao dây neo đứt và chiếc thuyền đã trôi xuôi dòng sông Tạ ơn đúng lúc chúng ta cần đến nó. Sau cuộc đột nhập của bầy vượn, làm sao cái thang có thể rơi từ Lâu đài Đá hoa cương xuống chỗ chúng ta đang đứng khắc khoải được? Cuối cùng, tác giả của bức thư trong chai mà Ayrton đã khẳng định mình không viết. Vậy ai viết?
– Thế đấy! Các bạn của tôi. – viên kỹ sư tiếp tục – Tôi nói thêm một hiện tượng lạ lùng nữa không kém phần lạ lùng và khó hiểu… Khi ở đảo Tabor về, các bạn đã nhìn thấy ngọn lửa bừng cháy trên bờ đảo Lincoln phải không?
– Đúng như vậy, Cyrus Smith, – cả Pencroff, Harbert và Spilett đều khẳng định. – Ngọn lửa sáng như ngôi sao băng, như một chùm đèn điện vậy…
– Thế đấy, các bạn của tôi! – Cyrus Smith nói – Đêm ấy cả tôi lẫn Nab đều không đốt lửa trên bờ.
Đúng! Phải đồng ý rằng, tất cả những hiện tượng ấy đều được bao phủ bởi một tấm màn bí mật. Một sức mạnh nào đấy không thể hiểu nổi, đã kịp thời đến cứu giúp họ. Đó chính là điều cần phải khám phá, và bằng bất cứ giá nào!
Ngày 17 tháng mười, khoảng ba giờ chiều, Harbert định tranh thủ lúc trời còn sáng chụp toàn cảnh vịnh Hợp chủng trải dài trước mặt Lâu đài Đá hoa cương từ mũi Xương hàm đến mũi Cái móng.
Chú đặt máy ảnh lên bậu cửa sổ trong phòng lớn của Lâu đài Đá hoa cương, từ nơi đây có thể nhìn bao quát vịnh Hợp chủng. Sau khi chụp xong một kiểu ảnh theo đúng các quy tắc, chú vào nhà kho tối như bưng để tráng rửa hình.
Lúc trở ra, ngoài ánh sáng chỉ rõ chú xem kỹ âm bản thì thấy trên đường chân trời có một vệt đen nhỏ không rõ lắm.
– Tấm kính ảnh bị hỏng! – Harbert nghĩ. Nhưng chú vẫn quyết định soi vệt đen nhỏ xíu ấy vào kính phóng đại tháo ở ống viễn vọng ra.
Chú nhìn vào hình chụp và kêu thét lên, suýt nữa đánh rơi tấm hình. Chú chạy vào phòng Cyrus Smith đang làm việc, đưa cho ông tấm kính âm bản cùng cái kính lúp và chỉ vào vệt đen nhỏ.
Cyrus Smith nhìn cái chấm đen trên tấm hình, và chộp lấy ống kính viễn vọng, lao tới cửa sổ.
Ông hướng ống kính vào vệt đen khả nghi. Su khi nhìn kỹ cái vệt ấy, ông buông tay, nói một tiêng gọn lỏn:
– Tàu!
Và thật vậy, nơi chân trời, xuất hiện rõ một chiếc tàu thuỷ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.