Trong khi đó Ayrton ngủ li bì, không sao đánh thức anh ta dậy được. Sáng ngày hôm sau Ayrton mới tỉnh lại sau một cơn mê man, ai nấy đều vui mừng, sau một trăm lẻ bốn ngày chia li bây giờ mọi người được thấy anh ta còn sống và hầu như mạnh khoẻ. Liền đó Ayrton kể lại vắn tắt những gì đã xảy ra, tất nhiên là trừ những điều anh ta không biết.
Vào ngày 9 tháng mười một, đúng ngày mà Ayrton trở lại khu chăn nuôi, vào lúc trời bắt đầu tối, bọn cướp biển đã leo qua hàng rào và bắt anh. Sau khi trói Ayrton, bọn ác ôn bịt mồm anh và dẫn tới chân núi Granklin, đưa đến một trong những cái hang tối tăm mà chúng ẩn náu.
Chúng đã định giết anh ngay ngày hôm sau. Nhưng bỗng một trong số những tên cướp nhận ra anh, gọi anh bằng cái tên Ben Joyce mà anh đã mang hồi ở Australia.
Nhưng từ lúc chúng nhận ra Ayrton, anh phải đấu tranh chống lại những yêu cầu của các “chiến hữu” cũ. Chúng đã quyết định lôi kéo anh về với chúng và tính toán rằng anh sẽ giúp chúng chiếm đoạt Lâu đài Đá hoa cương. Chúng hi vọng rằng sau khi lọt được vào căn hầm kiên cố ấy chúng sẽ giết hết những người ngụ cư và chúng sẽ trở thành chủ nhân trên đảo.
Ayrton không chịu khuất phục. Một tên cướp trước đây, nay đã chuộc lỗi bằng sự sám hối và xứng đáng được tha thứ, thà chịu chết còn hơn phản bội những người bạn của mình. Chúng đối xử với Ayrton ngày càng tồi tệ. Anh chờ đợi cái chết từng phút và cứ thế kéo dài cho đến giữa tháng hai, anh không hay biết gì về tin tức các bạn của mình.
Cuối cùng, Ayrton bất hạnh đã bị hành hạ suy yếu đến nỗi kiệt sức hoàn toàn từ hai ngày nay, không nhìn thấy, không nghe thấy và không thể kể được chuyện gì đã xảy ra trong thời gian này.
– Tôi không biết, thưa ngài Smith, sao lại thế này. Tôi đang bị trói nằm trong hang, thế mà bỗng nhiên lại thức dậy, thấy mình có mặt ở khu chăn nuôi.
– Thế việc bọn cướp nằm chết ở bờ suối gần khu chăn nuôi đã xảy ra như thế nào? – viên kỹ sư hỏi.
– Chúng chết à? – Ayrton kêu lên kinh ngạc và mặc dù yếu sức anh cũng cố nhỏm dậy trên giường.
Trời đã sáng rõ. Mọi người đi ra suối xem xét. Trên bờ suối, mấy xác chết nằm theo những tư thế tự nhiên như đang còn sống, chắc là bị tử thần bắt đi trong chớp nhoáng. Ayrton bị xúc động, Cyrus Smith và tất cả mọi người im lặng nhìn anh. Theo dấu hiệu của viên kỹ sư, Nab, Pencroff xem xét các xác chết lạnh cóng.
Họ không phát hiện ra vết thương nào trên các xác chết. Chỉ sau khi xem xét thật kỹ Pencroff mới thấy trên mỗi thi thể có một vết màu đỏ y như là dấu vết bị đập thương; tên thì bị vết trên trán, tên thì trên ngực, tên trên lưng, tên trên vai. Những vết ấy do đâu mà ra thì không thể xác định được.
– Ai đã giết chúng vậy? – Pencroff hỏi.
– Người thực hiện công lí trên toàn đảo của chúng ta, – Cyrus Smith trả lời – người đã đưa anh về khu chăn nuôi đêm qua, Ayrton ạ! Người đã bao nhiêu lần can thiệp vào công việc của đảo Lincoln và cứu chúng ta.
– Chúng ta hãy đi tìm ông ấy ngay. – Pencroff kêu lên.
– Chúng ta sẽ đi tìm ông ta, – Cyrus Smith đồng tình – và cầu trời cho chúng con được chứng tỏ với ân nhân kiêu kì của chúng con rằng người không thể gọi chúng con là những kẻ vô ơn.
Đã bao nhiêu lần trong ba năm ấy họ nhắc đến tổ quốc của mình. Những lần chuyện trò với nhau họ đều mơ ước cái ngày họ được nhìn thấy đất nước thân yêu.
Những ước mơ của họ chỉ có thể thực hiện được bằng hai con đường. Hoặc là một con tàu nào đó sẽ đến khu vực đảo Lincoln, hoặc là những người ngụ cư sẽ tự đóng một chiếc tàu đủ lớn để bơi về nơi đất liền gần nhất.
Tối ngày 15 tháng mười, cuộc chuyện trò thú vị kéo dài hơn mọi khi. Lúc ấy đã chín giờ. Bắt đầu nghe thấy những tiếng ngáp dài lộ liễu và Pencroff đã về giường mình. Bỗng trong phòng vang lên tiếng chuông điện báo.
Tất cả những người ngụ cư đều có mặt ở đây – Cyrus Smith, Gédéon Spilett, Harbert, Ayrton và Pencroff – ở khu chăn nuôi không còn ai.
– Ta đợi đã! – Gédéon Spilett nói – Nếu đây là tín hiệu thì dù là tín hiệu ai phát đi, chuông cũng sẽ reo lại.
– Thế thì theo ông, ai có thể phát tín hiệu? – Nab kêu lên.
– Chú quên rồi sao? – Pencroff trả lời – Đó là người mà…
Lời nói của anh ta bị tiếng chuông mới cắt ngang; chiếc búa nhỏ gõ liên hồi vào nắp chuông. Cyrus Smith bước đến máy điện báo, cắm điện và đánh ra khu chăn nuôi bức điện với nội dung:
– Ông cần gì?
Mấy giây sau, chiếc kim động đậy trên đĩa có ghi các chữ cái, và các cư dân Lâu đài Đá hoa cương nhận được câu trả lời:
“Các bạn ra khu chăn nuôi ngay!”
– Có thế chứ! – Cyrus Smith kêu lên.
Cyrus Smith và những người bạn đường của ông rời Lâu đài Đá hoa cương lúc chín giờ mười hai phút. Mười giờ mười lăm phút, dưới ánh chớp chói lòa họ đã nhìn thấy hàng rào khu chăn nuôi. Họ vừa vào cổng thì một tiếng sấm vang lên đinh tai nhức óc. Người lạ mặt có lẽ đang ở trong nhà – bởi vì, tất nhiên ông ta phải đánh điện đi từ đó chứ. Song không cửa sổ nào thấy có ánh đèn.
Viên kỹ sư gõ cửa. Nhưng không có tiếng trả lời.
Cyrus Smith mở toang cửa ra, và mọi người bước vào căn phòng tối như bưng. Nab đánh lửa, trong nháy mắt họ thắp đèn và soi khắp mọi xó xỉnh. Trong nhà không có ai hết. Mọi đồ vật đều nguyên chỗ cũ như đã được xép đặt trước đây.
– Xem kìa! Có thư! – Harbert kêu lên, chỉ vào một tờ giấy trên bàn. Bức thư được viết bằng tiếng Anh: “Các bạn hãy đi theo dọc đường dây điện mới”.
– Lên đường! – Cyrus Smith kêu lên; ông hiểu rằng bức điện khẩn đã được đánh đi không phải từ khu chăn nuôi, mà là từ nơi ở bí ẩn của người lạ mặt, và một đường dây điện bổ sung nào đấy dẫn đi từ đường dây cũ đã nối liền nơi đó với Lâu đài Đá hoa cương.
Nab mang theo cây đèn mới thắp và mọi người ra khỏi khu chăn nuôi. Ngoài sân, họ không thấy dấu hiệu nào của đường dây điện báo cả. Khi ra khỏi cổng Cyrus Smith đã chạy lại cột điện gần nhất. Dưới ánh chớp, ông nhìn thấy một đường dây điện mới được thòng từ ống sứ cách điện xuống đất.
– Đây rồi! – viên kỹ sư nói.
Sợi dây được rải lên mặt đất, bọc lớp cách điện như cáp ngầm nên bảo đảm dẫn điện tốt. Căn cứ vào hướng đi của dây thì nó xuyên qua rừng và các nhánh núi, đến phần phía tây của đảo.
– Hãy bán sát đường dây cáp! – Cyrus Smith nói. Viên kỹ sư túm lấy sợi cáp và thấy nó đi xuống nước.
Viên kỹ sư cúi xuống, thấy một vật đen bập bềnh trên mặt nước liền kéo vào. Đó là chiếc thuyền được buộc vào một vách đá bên trong hang. Thuyền được đóng bằng những tấm tôn ghép chặt với nhau. Trên sàn thuyền, dưới các băng ghế ngồi có hai mái chèo.
– Lên thuyền! – Cyrus Smith nói.
Một giây sau, mọi người đã ngồi quanh thuyền. Nab và Ayrton ngồi chèo, Pencroff lái. Cyrus Smith đặt đèn lên sống mũi thuyền soi đường. Họ đang bơi dưới vòm hang thấp, bỗng thấy vòm hang cao lên và rộng ra; chung quanh tối như bưng, dưới ánh sáng yếu ớt của cây đèn không thể nào xác định được hang này lớn chừng nào. Con thuyền bơi theo đường dây cáp. Cách cửa hang độ nửa dặm thì Cyrus Smith ra lệnh:
– Dừng lại!
Con thuyền dừng lại và trước mắt các du khách rất đỗi ngạc nhiên loé lên ánh sáng rực rỡ chiếu rọi khắp cái hang thiên nhiên ăn sâu trong lòng đảo. Ánh sáng ấy tất nhiên do nguồn điện cung cấp. Điện đã thay mặt trời chiếu sáng khắp nơi trong cái hang này. Ở giữa hồ có vật gì đó dài, nhô lên khỏi mặt nước đã đóng băng và bất động. Vật ấy giống như một động vật ở biển thuộc họ cá voi, dài khoảng hai trăm năm mươi bộ và nhô cao trên mặt hồ chừng mười đến mười hai bộ.
Theo lệnh của viên kỹ sư, con thuyền bơi đến gần cái công trình kì lạ đang nổi trên mặt nước. Các tay chèo cập vào bên trái bức tường hình tròn của công trình, từ trong đó một chùm ánh sáng chói lòa toả sáng qua lớp kính dày.
Cyrus Smith và những người cùng đi trèo lên sàn. Trên ấy, một cái lỗ nhỏ gọi là cái cửa mở ra. Tất cả ùa vào đó.
Phía bên dưới cầu thang là một hành lang sáng rực ánh điện. Cuối cầu thang, các khách lạ nhìn thấy một cánh cửa ra vào. Cyrus Smith mở toang cửa. Đi vội qua một căn phòng được trang trí sang trọng, họ bước vào một thư viện kế bên. Nơi đây, trên trần ánh sáng toả chiếu rực rỡ. Ở cuối thư viện hoá ra còn có một cửa nữa. Viên kỹ sư mở luôn cánh cửa ấy. Và khi đó họ nhìn thấy một căn phòng rộng rãi, giống như một nhà bảo tàng. Trên chiếc đi văng lộng lẫy có một người đang nằm, hình như không nhận thấy sự xuất hiện của họ. Cyrus Smith bước lên phía ấy và trước sự kinh ngạc của những người cùng đi, ông dõng dạc nói:
– Thưa thuyền trưởng Nemo, ngài đã gọi chúng tôi? Vậy chúng tôi đã có mặt.
Khi nghe những lời ấy, người đang nằm trên đi văng nhổm dậy, và ánh sáng chiếu rọi vào khuôn mặt của ông. Mái đầu ông tuyệt đẹp, vầng trán cao, cái nhìn kiêu hãnh, bộ râu bạc phơ, mái tóc dày được trải hất ra sau.
– Tôi không có tên, thưa ngài! – Tôi biết tên ngài! – Cyrus Smith đáp.
Thuyền trưởng Nemo nhìn viên kỹ sư đăm đăm với ánh mắt rực lửa, như muốn tiêu diệt ông ta. Sau đó, ông ngã phịch xuống đi văng, thuyền trưởng thì thào:
– Rốt cuộc thì đằng nào cũng vậy thôi. Tôi sắp chết rồi.
Cyrus Smith bước lại gần thuyền trưởng Nemo hơn, còn Gédéon Spilett thì nắm tay thuyền trưởng.
Thuyền trưởng Nemo khẽ đưa tay ra hiệu mời chàng nhà báo và viên kỹ sư ngồi xuống. Mọi người nhìn thuyền trưởng với niềm xúc động chân thành. Đây chính là ông, người mà họ gọi là “vị thần của đảo”, con người hùng mạnh, đã nhiều lần can thiệp và trở thành vị cứu tinh, ân nhân mà họ chịu ơn.
Thuyền trưởng lại nằm xuống đi văng và chống khuỷu tay chăm chú nhìn Cyrus Smith ngồi cạnh ông.
– Vậy là, thưa ngài, ngài biết cái tên mà tôi đang mang? – thuyền trưởng Nemo hỏi.
– Tôi biết! – Cyrus Smith đáp – Tôi còn biết cả chiếc tàu ngầm tuyệt diệu tên gì nữa.
– Nautilus! – thuyền trưởng mỉm cười.
– Vâng, Nautilus.
– Thế ngài có biết không? Ngài có biết tôi là ai không?
– Biết.
– Vậy, nhưng đã ba mươi năm nay tôi không có chút liên hệ nào với thế giới con người. Ai đã tiết lộ bí mật của tôi thế nhỉ?
– Một người nào đó đã không bị ràng buộc trách nhiệm đối với ngài, thưa thuyền trưởng Nemo!
– Phải chăng đó là người Pháp đã tình cờ lọt lên tàu của tôi mười sáu năm trước? – Chính ông ta.
– Nghĩa là người ấy và hai người cùng đi đã không bị chết ở Malstrim, khi Nautilus bị kẹt ở đó?
– Không, họ đã không chết. Và thế là đã ra đời một cuốn sách với tựa đề “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, trong đó có kể về lịch sử cuộc đời ngài.
– Lịch sử của mấy tháng trong đời tôi, thưa ngài! – thuyền trưởng sửa lại với một vẻ linh hoạt.
– Ngài nói đúng! – Cyrus Smith xác nhận. – Nhưng chỉ sống gần ngài mấy tháng thôi là đủ để phán xét ngài rồi.
– Như là một tên tội phạm lớn, có phải thế không? – Thuyền trưởng Nemo đáp lời và trên môi ông thoáng một nụ cười kiêu ngạo – Phải, như một tên phiến loạn, một kẻ li khai xã hội loài người.
Viên kỹ sư không trả lời.
– Sao ngài im lặng thế, thưa ngài.
– Tôi không có quyền phán xét thuyền trưởng Nemo. – Cyrus Smith nói – Ít nhất là không có quyền phán xét quá khứ của ông. Bởi vì không ai, trong đó có cả tôi biết được cái gì đã buộc ông phải sống một cuộc sống kì lạ như vậy, mà khi đã không biết nguyên nhân thì không nên phán xét hậu quả. Nhưng tôi biết chắc rằng sự can thiệp đầy thiện chí của ngài đã thường xuyên bảo vệ chúng tôi kể từ ngày chúng tôi có mặt trên đảo Lincoln; tôi biết tất cả chúng tôi suốt đời chịu ơn một ân nhân hùng mạnh, độ lượng, hiền từ, ân nhân ấy là ngài, thưa thuyền trưởng.
– Vâng, tôi đã giúp đỡ các bạn! – thuyền trưởng Nemo trả lời một cách giản dị.
Kỹ sư và chàng nhà báo đứng dậy. Những người bạn của họ bước tới, muốn bày tỏ với thuyền trưởng Nemo lòng biết ơn tràn đầy trái tim họ. Thuyền trưởng Nemo đưa tay ngăn những biểu hiện tình cảm của họ và không giấu nỗi xúc động nói:
– Khoan đã, trước hết các vị hãy nghe tôi.
Thuyền trưởng Nemo kể lại toàn bộ cuộc đời mình bằng một ít lời cô đọng và rõ ràng. Ông là một người gốc Ấn Độ, con trai của quận vương cai quản đất nước Bundelhand, cháu của vị anh hùng Tippo-Saib nổi tiếng ở Ấn Độ. Khi lên mười tuổi, cha cậu cho cậu sang châu Âu với ý muốn trang bị một kiến thức toàn diện cho cậu, và ông thầm mong đến một lúc nào đó, con trai của ông sẽ chiến đấu chống lại những kẻ áp bức đất nước yêu dấu của mình.
Từ mười đến mười ba tuổi, Dakkar – tên cậu bé, là một người có nhiều kỹ năng và trí tuệ khác người. Chàng đã học và nắm vững kiến thức các môn khoa học khác nhau, và đạt những hiểu biết rộng về lĩnh vực tự nhiên học, cũng như toán học và văn học nghệ thuật. Thái tử Dakkar đã chu du khắp châu Âu.
Trang thanh niên tuấn tú người Ấn Độ ấy bao giờ cũng nghiêm nghị, thậm chí đăm chiêu, và say mê, khao khát, hiểu biết và có những năng khiếu kì lạ. Là con trai của một trong những số những quận vương chỉ phục tùng nước Anh trên lời nói, thái tử thuộc dòng dõi Tippo-Saib được giáo dục theo tinh thần đấu tranh giành độc lập và báo thù.
Thái tử Dakkar trở thành một hoạ sĩ, một nhà bác học, một chính trị gia đã từng nghiên cứu đầy đủ ngọn ngành nghề ngoại giao trong các triều đình ở châu Âu.
Trên thực tế, chàng là một người yêu nước. Danh hoạ ấy, nhà bác học ấy, thiên tài ấy trong tâm hồn vẫn là một người Ấn Độ tràn đầy nỗi khao khát báo thù cho dân tộc.
Vào năm 1849, thái tử Dakkar trở về Bundelhand. Chàng cưới một cô gái dòng dõi quý tộc làm vợ. Cũng như chàng, trái tim nàng ứa máu khi nhìn thấy kẻ thù dày xéo trên tổ quốc mình. Người vợ đã tặng chàng hai đứa con, chàng yêu quý chúng tha thiết. Nhưng trong khi tận hưởng hạnh phúc gia đình chàng không thể quên đất nước Ấn Độ đang bị nô dịch. Chàng đợi thời cơ đấu tranh giành quyền độc lập.
Năm 1857, ở Ấn Độ đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của những người Sipai. Linh hồn của cuộc khởi nghĩa là thái tử Dakkar. Chàng đã phát động đông đảo quần chúng đứng dậy chống quân thù. Chàng đã hiến dâng cho sự nghiệp chính nghĩa tất cả tài năng và tài sản của mình. Chàng dũng cảm liều thân như một người bình thường nhất trong số những người anh hùng đã đứng dậy khởi nghĩa vì sự nghiệp giải phóng tổ quốc. Chàng đã tham gia vào hai mươi trận chiến và bị thương đến mười lần.
Tên tuổi của thái tử Dakkar trong những ngày tháng ấy trở lên lừng lẫy. Người anh hùng mang tên ấy đã không giấu mình và tiến hành cuộc đấu tranh một cách công khai. Cái đầu của chàng đã được trả giá, và mặc dù không có tên phản bội nào giao nộp chàng cho chính phủ bảo hộ Anh, nhưng cha, mẹ, vợ con chàng đã trả cả đời mình thay cho chàng. Những người Sipai đã bị đàn áp dã man và các quốc gia thuộc Ấn Độ lại rơi vào ách thống trị tàn bạo của thực dân Anh.
Chàng đã đem tất cả những tài sản còn lại bán lấy tiền, tập hợp quanh mình những người bạn chiến đấu trung thành nhất và một ngày đẹp trời nọ chàng đã biến mất cùng với họ. Thay vì người lính bây giờ chàng là nhà bác học. Một hòn đảo hoang ở Thái Bình Dương được dùng làm nơi trú ngụ của chàng. Chàng đặt ở đó một xưởng đóng tàu, và một chiếc tàu ngầm đã ra đời ở đó theo đồ án thiết kế của chàng. Chàng đã tận dụng nguồn điện lực thiên nhiên phục vụ cho mọi nhu cầu cần thiết trên con tàu ngầm của mình: chạy máy, thắp sáng, sưởi ẩm. Tất cả những gì thiên tai đã vùi dưới đáy biển và tài sản con người đã đánh mất ở đó hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu của thái tử Dakkar và đoàn thuỷ thủ. Chàng đã đặt tên cho con tàu là Nautilus, cho mình là Nemo và biến mất dưới mặt nước.
Là một công dân Ấn Độ trong thế giới con người, ông đã thu thập được những báu vật kì lạ ở các thế giới huyền bí dưới mặt nước. Hàng kho châu báu chìm dưới vịnh Vigo năm 1702, khi những chiếc tàu Tây Ban Nha chở vàng bị đắm ở đây, đã trở thành nguồn của cải không bao giờ cạn đối với ông, luôn luôn thuộc quyền sử dụng của ông, không ai biết đến và tranh giành. Ông đã dùng số vàng này giúp đỡ những người chiến đấu cho nền độc lập của nước Ấn Độ.
Một thời gian dài ông không có bất kì cuộc tiếp xúc nào với loài người. Bất chợt đêm ngày 5 rạng ngày 6 tháng mười một năm 1866, có ba người đột nhiên xuất hiện trên tàu của ông; một vị giáo sư người Pháp, người hầu của ông ta và một thợ săn cá người Canada. Những người này được thuyền trưởng cứu vớt khi họ bị ngã xuống biển trong cuộc đụng độ giữa Nautilus với chiến hạm A.Lincoln của Mỹ khi chiến hạm đuổi theo chiếc tàu ngầm này.
Qua vị giáo sư người Pháp, thuyền trưởng Nemo biết rằng họ đã tưởng Nautilus khi thì là một động vật biển khổng lồ thuộc họ cá voi, khi thì là một tàu ngầm của bọn cướp biển mà trên khắp các đại dương người ta đang săn lùng.
Thuyền trưởng Nemo đã có ý định quẳng xuống đại dương ba người kì quặc đã ngẫu nhiên xâm nhập vào sự tồn tại bí ẩn của ông. Nhưng ông đã không làm như vậy, ông đã giữ họ làm tù binh trên tàu, và trong suốt bảy tháng trời họ đã chứng kiến tất cả những diễn biến kì lạ trong cuộc hành trình hai mươi vạn dặm dưới biển của tàu Nautilus.
Ngày 22 tháng sáu năm 1867, ba tù binh ấy, không biết gì về quá khứ của thuyền trưởng Nemo cả, đã bỏ trốn trên một chiếc thuyền mà họ đánh cắp của tàu Nautilus. Nhưng vì trong lúc ấy Nautilus bị dòng nước cực mạnh của biển Malstrim cuốn vào bờ biển Na Uy, nên thuyền trưởng Nemo cho rằng, gặp dòng xoáy khủng khiếp như vậy, những người chạy trốn chắc chắn bỏ mạng dưới đáy biển. Ông không biết rằng nhờ một sự may mắn kì lạ cả ba người trên đã được những dân chài ở Lofoten cứu thoát. Và giáo sư đã trở về Pháp, cho xuất bản một cuốn sách thuật lại cuộc hành trình dài bảy tháng trên tàu Nautilus, khiến cho các bạn đọc say mê những chuyến phiêu lưu diễn ra trong suốt cuộc hành trình lạ thường này.
Thuyền trưởng Nemo đã sống như vậy trong một thời gian dài sau đấy. Nhưng rồi những người cùng đi với ông lần lượt qua đời; ông đã chôn cất họ ở nghĩa đĩa san hô dưới đáy Thái Bình Dương. Tàu Nautilus trở nên trống trải, tất cả những người đã cùng trốn khỏi thế giới của loài người chỉ còn có mỗi mình thuyền trưởng Nemo là còn sống.
Lúc ấy thuyền trưởng đã 60 tuổi. Ông đã đưa được Nautilus vào một bến cảng ngầm, nơi tàu ông thỉnh thoảng lặn xuống sau các cuộc hải trình. Đó là một cái hang được địa chất kiến tạo, nằm phía dưới đảo Lincoln, bây giờ nó vẫn đang là trạm dừng của Nautilus. Đã sáu năm nay thuyền trưởng Nemo sống ở đây, và ông đang chờ chết. Ông gọi đó là khoảnh khắc mà ông đang chờ chết. Ông gọi đó là khoảnh khắc mà ông sẽ hòa nhập cùng với các bạn đồng đội của mình, tình cờ ông đã chứng kiến sự kiện quả khí cầu cùng với năm tù bình của quân đội miền Nam chạy trốn khỏi Richmond bị rơi xuống đảo. Ông mặc áo lặn, thực hiện một cuộc dạo chơi dưới nước cách đảo vài cabeltov, đúng nơi kỹ sư Cyrus Smith đã bị biển nhận chìm và thuyền trưởng Nemo đã cứu thoát ông ta.
Thoạt đầu ông định trốn năm nhà du hành trên khinh khí cầu bị nạn, nhưng lối ra khỏi cảng đã bị bịt kín. Do những cơn địa chấn của núi lửa sắp hoạt động nên đáy của hang đá bị trồi lên, và Nautilus không thể thoát ra khỏi bến cảng ngầm được.
Thế là thuyền trưởng Nemo đành ở lại. Ông bắt đầu theo dõi những người láng giềng của mình bị quẳng lên hòn đảo không người và thiếu thốn mọi phương tiện vật chất. Nhưng tự ông không muốn ra mắt họ. Dần dần, thấy đó là những con người cao thượng, có nghị lực, gắn bó nhau bằng tình hữu ái, ông quan tâm đến cuộc đấu tranh thiên nhiên của họ. Dù muốn hay không, ông cũng đi sâu vào những bí mật của họ. Với bộ đồ lặn, ông đã luồn lách xuống đáy biển dưới Lâu đài Đá hoa cương, leo theo các bậc thành giếng lên miệng trên, nghe những người ngụ cư kể về quá khứ của mình, bàn về tình hình hiện tại và phác hoạ các kế hoạch cho tương lai… Phải, những con người tình cờ bị rơi trên đảo này xứng đáng được kính trọng và có thể hòa giải giữa thuyền trưởng Nemo với nhân loại, vì họ là những đại diện hào hiệp nhất của loài người.
Thuyền trưởng Nemo đã cứu Cyrus Smith; cũng chính ông đã dẫn con Top về Hang ngụ cư, ông đã thả xuống mũi Tìm thấy chiếc hòm đựng đồ dùng cần thiết cho họ. Ông đã tháo dây buộc cho chiếc thuyền trôi xuôi dòng Tạ ơn. Ông đã cho nổ chiếc tàu cướp bằng trái thuỷ lôi đặt dưới eo biển; ông đã đem thuốc sunfat quynin đến và cứu sống Harbert, và cuối cùng, cũng chính ông đã tiêu diệt bọn cướp biển bằng đạn điện – phát minh mà ông dùng để săn dưới nước. Đấy là những lời giải thích cho tất cả những sự kiện mà trước đó những người trên đảo cứ tưởng như là hiện tượng siêu nhiên; Tất cả những chuyện này đều chứng tỏ sự độ lượng và sự hồn hậu của thuyền trưởng Nemo.
Thuyền trưởng Nemo kết thúc câu chuyện về đời mình. Khi ấy Cyrus Smith mới nói, ông nhắc lại tất cả những trường hợp mà sự can thiệp của người lạ mặt cao cả đã đem lại lợi ích cho vùng di dân, nhân danh cá nhân và nhân danh các bạn mình, Smith đã cảm ơn thuyền trưởng về tất cả những nghĩa cử mà ông đã đem lại cho họ.
Nhưng thuyền trưởng Nemo không yêu cầu sự biết ơn của những người được mình giúp đỡ. Một ý nghĩ cuối cùng đã làm cho ông xúc động, và khi đã bắt tay viên kỹ sư, ông nói:
– Còn bây giờ, thưa ngài, khi các ngài đã biết cuộc đời tôi, các ngài hãy phán xét tôi đi. Khi nói điều ấy, có lẽ thuyền trưởng muốn ám chỉ trường hợp rủi ro mà ba người nước ngoài tình cờ lọt lên tàu Nautilus đã chứng kiến. Về chuyện này ông chắc chắn vị giáo sư người Pháp đã kể hết trong cuốn sách của mình.
Thật ra, mấy ngày trước khi vị giáo sư và hai người bạn của ông chạy trốn, Nautilus, lúc ấy đang đi dọc các vĩ độ bắc của Đại Tây Dương, và nó đã xông vào một chiến hạm truy kích nó, lấy cả thân tàu đâm mạnh vào và nhận chìm chiến hạm ấy không chút thương tiếc.
Cyrus Smith hiểu những lời thuyền trưởng Nemo ám chỉ và không trả lời gì.
– Vì đó là một chiến hạm của nước Anh! – thuyền trưởng Nemo kêu lên, trong ông thoáng sống lại hình ảnh của thái tử Dakkar – Một chiến hạm Anh! Các ngài có nghe rõ không? Nó đã tấn công tôi. Nó đã hãm tôi vào một cái vịnh hẹp, nông… Tôi cần phải thoát ra với bất cứ giá nào và tôi đã thoát ra được! – sau đấy, ông ta bình tĩnh hơn – cả pháp lí lẫn công lí đều thuộc về tôi. Ở khắp mọi nơi, hễ có thể là tôi làm điều thiện cho mọi người. Cũng có khi phải làm cả điều ác. Không phải khi nào sự tha thứ cũng là hành vi đúng đắn đâu! Sau khi ngưng câu chuyện một lát, thuyền trưởng Nemo nhắc lại:
– Các ngài nghĩ gì về tôi, hãy nói đi!
Cyrus Smith đã chìa tay ra cho thuyền trưởng bắt và trả lời bằng một giọng nghiêm trang.
– Thưa thuyền trưởng Nemo, lỗi của ngài là ở chỗ ngài đã định làm sống lại quá khứ bị tráng và đã dấn sâu vào một cuộc đấu tranh kì lạ. Ngài đã gây cho một số người sự khoái trá, song cũng làm những người khác tức giận, lí trí của con người có thể hiểu được, còn phán xử chúng thì chỉ có trời mà thôi. Ngài đã đi theo con đường không đúng. Tuy xuất phát từ những động cơ lành mạnh… Những sai phạm của ngài thuộc số những bôi nhọ không thanh danh, và ngài chẳng có gì phải sợ sự phán xét của lịch sử. Con người ưa thích những hành động cuồng dại mang tính anh hùng, mặc dù lịch sử sẽ tuyên án nghiêm khắc những hậu quả của chúng.
Thuyền trưởng Nemo thở dài nặng nhọc và giơ tay lên trời, khẽ nói:
– Tôi đáng bị hành xử, đúng hay sai?
Cyrus Smith nhắc lại:
– Về những hành vi vĩ đại hãy để trời phán xét vì mọi sự đều từ trời mà ra! Thưa thuyền trưởng Nemo, những con người lương thiện đang đứng đây, những người đã được ngài giúp đỡ nhường ấy, sẽ luôn luôn khóc thương ngài.
Harbert bước đến thuyền trưởng Nemo và quỳ xuống, cầm tay ông đưa lên môi mình. Những giọt lệ từ mắt của người hấp hối trào ra.
– Con của ta. – ông thì thào – Cầu phước luôn đến với con!…