Hòn đảo của Bác sĩ Moreau

THẰNG NGƯỜI ĐƠN ĐỘC



Giữa trời khuya, trong làn gió Tây Nam nhè nhẹ, tôi giong buồm tiến ra đại dương. Gần 1 ngày trôi qua, Đảo Bác Sỹ Moreau ngày một nhỏ dần đi, những làn khói từ đảo bốc lên trông mỏng manh như sợi chỉ. Sóng biển nhấp nhô, đảo đã khuất bên ngoài tầm mắt. Nắng lên rồi nắng lại tàn. Vầng dương đã tan trong bầu không, nhường chỗ cho ngàn vì sao lấp lánh. Biển tĩnh, trời yên, 1 mình tôi đối diện màn đêm.
3 ngày trôi qua, tôi chỉ ăn uống qua loa. Cảm giác trong người thật lạ: Dường như tôi không hứng khởi gì lắm với việc trở về thế giới loài người. Áo quần tôi rách rưới, nhớp nhơ như giẻ lau, tóc tôi dài và rối như mớ bùi nhùi. Chẳng trách khi vớt tôi lên, người ta ngỡ tôi là thằng hóa dại.
Thật đấy, tôi chẳng mừng chuyện về với loài người. Chỉ đơn giản vui vì đã thoát khỏi tay bầy thú. Vào ngày thứ 3, tôi được cứu lên 1 chiếc tàu 2 buồm đang trên đường từ Apia tới San Francisco. Thuyền trưởng lẫn thủy thủ trên tàu đều tưởng tôi phát rồ vì cô độc quá lâu, không ai tin những gì tôi kể. Nói ra chẳng ai nghe, thì nói để làm chi? Từ đó trở đi, hễ có người hỏi chuyện gì xảy ra trong 1 năm ròng, từ lúc chiếc Lady Vain bị đắm đến khi tôi được cứu, tôi chỉ trả lời mình không nhớ gì.
Để khỏi bị cho là khùng, tôi luôn phải hết sức cẩn trọng. Những ký ức về Giới Luật, về 2 cái xác thủy thủ, về thi thể Moreau…mãi luôn ám ảnh tôi. Trở về thế giới xưa, thay vì tự tin hơn, tôi vẫn thấy bất an và sợ hãi y như khi còn trên đảo. Người ta không tin tôi. Có vẻ như ngày trước, tôi nhìn bọn người thú ra sao, thì bây giờ, họ nhìn tôi giống vậy. Hay là tôi đã tập nhiễm ít nhiều đặc tính hoang dã của người thú mà không tự biết? Ai đó nói sợ hãi là 1 căn bệnh. Cuộc sống của tôi trong những năm qua minh chứng rằng điều ấy đúng. Mặc cho bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu, tôi không thể gạt bỏ được nỗi sợ ra ngoài tâm trí: Nỗi sợ của sư tử bị bắt vào chuồng, nửa hoang nửa thuần.
Trí óc tôi suy nghĩ những điều rất lạ. Ngày ngày đối diện cùng những con người thật 100%, tôi vẫn nghĩ họ là thú giả người, tưởng như chẳng mấy chốc họ sẽ bắt đầu thoái hóa, lòi ra đủ thú tính ghê sợ. Tôi có đem sự thật trên đảo kể cho 1 người nữa. Người này là 1 bác sỹ tâm thần tài giỏi, trước kia từng biết Moreau. Ông ấy xem ra tin tôi phần nào, và đã giúp tôi rất nhiều. Tuy thế, ngay cả ông cũng không giúp được tôi hoàn toàn vượt qua nỗi ám ảnh về hòn đảo người thú. Bình thường, những ký ức đáng sợ chìm vào lãng quên, chúng nằm trong góc sâu của não bộ, như 1 đám mây đen nho nhỏ không đáng kể gì. Nhưng có những ngày không tươi đẹp, đám mây ấy lan tỏa ra, che lấp đi toàn bộ bầu trời. Những ngày ấy, tôi đi đâu cũng thấy sợ hãi, nhìn bất cứ mặt người nào cũng thấy ghê. Mặt thì đủ loại: Mặt vui, mặt buồn, mặt ngay, mặt gian, mặt khôn, mặt ngốc, vấn đề là không mặt nào chứa đựng hồn người. Dường như sau mỗi khuôn mặt, có 1 con thú đang ẩn nấp, và chỉ chút nữa thôi, tấn thảm kịch trên đảo Moreau sẽ tái diễn với 1 quy mô rộng lớn hơn. Vẫn biết đó chỉ là tưởng tượng. Vẫn biết những quý ông quý bà trước mặt tôi đây là đều người chính cống. Vẫn biết trong họ chỉ có những ham muốn ước ao đầy chất người. Vẫn biết họ đã vượt được bản năng, không còn là nô lệ của bất kỳ Giới Luật kỳ khôi nào. Biết thế, nhưng tôi vẫn lảng tránh cái nhìn của họ, từ chối sự giúp đỡ từ họ, và chỉ muốn họ để tôi yên thân 1 mình. Chính vì vậy, tôi dọn về nhà mới ở gần khu đồi cỏ thanh u. Khung cảnh đồi cỏ dưới trời xanh thật thanh bình biết mấy. Khung cảnh ấy giúp tôi tĩnh tâm mỗi khi nỗi ám ảnh dâng trào.
Hồi còn ở London, tôi khổ sở biết bao, bởi không sao mà tránh được người. Khóa cửa ư? Giọng nói bên ngoài vẫn vọng vào trong được. Bước ra đường thì ảo giác đủ điều. Tôi thấy các bà tò mò bám theo tôi, thấy các ông ném cho tôi những cái nhìn ganh ghét, thấy bọn trẻ theo đuôi tôi chế giễu đủ trò. Thấy cả những cụ già lưng khòm, nghễnh ngãng ngồi chuyện gẫu với bản thân, những công nhân mặt bủng da beo, vừa đi vừa ho sù sụ như thú bị thương đang rỉ máu. Vào nhà nguyện, tưởng được cứu rỗi tâm hồn, thì kinh hoàng nhận ra linh mục đang ba hoa toàn “Tư Duy Lớn” chẳng khác gì người khỉ. Vô thư viện, gặp người ta đang chăm chăm đọc sách, lại nhầm ra thú dữ hau háu rình mồi. Nhưng sợ nhất là khuôn mặt của những người ngồi trên xe buýt hay tàu điện, trông lạnh tanh và vô hồn như cương thi. Sợ đến nỗi tôi không dám bước vào phương tiện giao thông công cộng nữa. A, nhưng nếu thiên hạ là thú cả thì ta là ai? Chắc cũng là thú thôi. 1 con thú loạn thần kinh, suốt ngày lang thang 1 mình như cừu lạc.
Cũng may, bây giờ tôi đã khá hơn trước. Tôi rút lui khỏi chốn thị thành xô bồ, khỏi những đám đông ồn ào nhức óc. Ngày qua ngày, tôi giành thời gian đọc sách thánh hiền. Ôi! Thánh hiền như người soi đèn, mà sách họ viết là đèn soi đời ta đó. Tôi ít gặp người lạ, thường chỉ loanh quanh với gia đình nhỏ của mình. Ngoài đọc sách, tôi cũng hay làm thí nghiệm hóa học, có khi nghiên cứu thiên văn vào những đêm trời quang. Không hiểu sao, nhưng khi nhìn lên những vì sao tỏa sáng trên bầu trời, tôi cảm thấy sự an toàn và thanh bình vô lượng. Người ta chỉ tìm được sự an ủi và hy vọng cho tâm hồn nơi những quy luật thường hằng và vô biên của tự nhiên, chứ nào phải nơi cuộc sống thường ngày vốn đa đoan, tủn mủn. Mà không hy vọng thì sống làm sao?
Câu chuyện của tôi kết thúc nơi đây, trong hy vọng và tịch tĩnh.
EDWARD PRENDICK.
 
Hết

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.