Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao
CHƯƠNG MƯỜI HAI
Tôi tỉnh giấc lúc bốn giờ, ở Hà Lan trời đã sáng. Mọi nỗ lực ngủ tiếp đều không thành nên tôi cứ nằm đó với cái máy thở BiPAP đều đặn bơm không khí vào và đẩy ngược nó ra, thưởng thức những âm thanh của chú rồng nhưng vẫn ước gì tôi có thể điều chỉnh nhịp thở của chính mình.
Tôi đọc lại cuốn Nỗi đau tột cùng cho đến khi Mẹ thức dậy và lăn qua chỗ tôi. Bà rúc đầu vào vai tôi, một cảm giác không thoải mái và mơ hồ kiểu Augustus.
Khách sạn mang bữa sáng tuyệt vời hơn cả mong đợi đến tận phòng cho chúng tôi với món thịt nguội cùng một đống các thứ khác chẳng theo một công thức bữa sáng kiểu Mỹ nào. Bộ váy tôi định mặc đến gặp Peter Van Houten đã được đặc cách cho bữa tối ở Oranjee nên sau khi tắm táp và chải cho mái tóc nằm xuống, tôi mất tận ba mươi phút tranh cãi với Mẹ về điểm cộng và điểm trừ của những bộ quần áo phù hợp trước khi quyết định ăn mặc giống Anna trong NĐTC nhất có thể: Giày Chuck Taylors với quần jeans sẫm màu như bạn ấy vẫn mặc, và một chiếc áo phông màu xanh lơ.
Trên chiếc áo in hình một tác phẩm nghệ thuật Siêu thực của René Magritte[86], trong đó ông ấy vẽ một tẩu thuốc và bên dưới là dòng chữ viết tay Ceci n’est pas une pipe. (Đây không phải là một cái tẩu.)
“Mẹ chẳng hiểu nổi cái hình trên áo,” Mẹ nói.
“Peter Van Houten có đấy, tin con đi. Có khoảng bảy ngàn những thứ liên quan đến Magritte trong Nỗi đau tột cùng.”
“Nhưng đấy là một cái tẩu.”
“Không, không phải,” tôi nói. “Đó là bức vẽ của một cái tẩu. Mẹ hiểu chứ? Mọi hình ảnh đại diện cho một vật nào đấy vốn đều là trừu tượng. Thật xuất sắc.”
“Sao con lớn nhanh đến nỗi hiểu được những thứ làm bà mẹ cổ lỗ sĩ của con bối rối thế này?” Mẹ hỏi. “Như mới hôm qua mẹ còn đang giải thích cho Hazel bảy tuổi tại sao bầu trời lại xanh. Hẳn con cũng nghĩ mẹ là một thiên tài.”
“Thế sao bầu trời lại xanh?” tôi hỏi.
“Bởi vì,” bà đáp. Tôi phá lên cười.
Càng gần đến mười giờ tôi càng thêm lo lắng: lo lắng vì sắp gặp Augustus; lo lắng vì sắp gặp Peter Van Houten; lo lắng bộ quần áo của tôi không hợp; lo lắng rằng chúng tôi không tìm được đúng nhà vì ở Amsterdam nhà nào cũng giống hệt nhau; lo lắng rằng chúng tôi sẽ bị lạc đường và chẳng bao giờ quay lại khách sạn Filosoof được nữa; lo lắng lo lắng lo lắng. Mẹ vẫn đang nói gì đó nhưng tôi chẳng chú tâm lắm. Tôi đang định bảo mẹ đi lên lầu xem Augustus dậy chưa thì cậu ấy gõ cửa.
Tôi ra mở cửa. Cậu ấy nhìn xuống chiếc áo và cười. “Buồn cười thế,” cậu ấy bảo.
“Đừng nói ngực tớ buồn cười thế,” tôi trả lời.
“E hèm,” Mẹ nói đằng sau chúng tôi. Nhưng tôi đã làm Augustus đỏ mặt và khiến cậu ấy mất hứng với trò chọc ghẹo của mình nên cuối cùng tôi cũng đủ can đảm để nhìn thẳng vào cậu ấy.
“Mẹ chắc mẹ không muốn đi chứ?” tôi hỏi Mẹ.
“Mẹ sẽ đến Bảo tàng Rijkmuseum và Công viên Vondelpark,” bà nói. “Với cả mẹ cũng chẳng hiểu sách của ông ấy. Không có ý gì đâu. Nhớ gửi lời cảm ơn của chúng ta đến ông ấy và chị Lidewij, nhớ chưa?”
“Vâng ạ,” tôi đáp. Tôi ôm Mẹ, bà hôn lên đầu tôi ngay phía trên vành tai. Dãy nhà sơn màu trắng của Peter Van Houten nằm ngay cuối góc phố đi từ khách sạn, trên phố Voldelstraat, đối diện với công viên. Số nhà 158. Augustus một tay khoác lấy tay tôi, tay kia kéo giá đỡ bình ôxy, rồi chúng tôi đi tới đứng trước cánh cửa sơn màu xanh-đen ba bước. Tim tôi đập thình thịch. Câu trả lời tôi luôn mơ ước kể từ lần đầu tiên đọc trang cuối lỡ dở đó chỉ còn cách một cánh cửa đang đóng nữa thôi.
Tôi có thể nghe thấy tiếng bass ầm ầm bên trong, đủ to để làm rung cả bậu cửa sổ. Tôi băn khoăn liệu Peter Van Houten có đứa nhỏ nào thích nghe nhạc rap không.
Tôi với lấy chiếc vòng gõ cửa hình đầu sư tử và ngập ngừng gõ nó. Tiếng nhạc vẫn không dứt. “Chắc tiếng nhạc làm ông ấy không nghe thấy gì đâu?” Augustus nói. Cậu ấy nắm cái đầu sư tử và gõ mạnh hơn.
Nhạc tắt hẳn, thay vào đó là tiếng lê bước loẹt xoẹt. Một chốt cửa bật ra. Thêm một chốt nữa. Cánh cửa cọt kẹt mở ra. Một người đàn ông bụng phệ với mái tóc lưa thưa, đôi gò má xệ, bộ râu cả tuần chưa cạo bước ra, nheo nheo mắt dưới ánh mặt trời. Ông ta mặc bộ một đồ ngủ đàn ông màu lam nhạt trông như mấy ông già trong mấy bộ phim hồi xưa. Mặt và bụng ông ta rất tròn, trong khi cánh tay lại queo quắt nên ông ta nhìn giống như cục bột với bốn cái que cắm vào. “Ngài Van Houten?” Augustus hỏi, giọng cậu ấy hơi cao một chút.
Cánh cửa đóng sầm lại. Đằng sau nó, tôi nghe thấy một giọng lắp bắp the thé vang lên, “LEEE-DUH-VIGH!” (Trước giờ tôi vẫn gọi tên chị trợ lý của ông ta là lid-uh-widge.)
Chúng tôi có thể nghe thấy mọi thứ qua cánh cửa. “Họ đến rồi đúng không, chú Peter?” giọng một phụ nữ hỏi.
“Có hai – Lidewij, có đứa trẻ con đang hiện hình trước cửa.” “Hiện hình?” chị ấy hỏi với chất giọng Hà Lan du dương dễ chịu.
Van Houten nói một tràng. “Linh hồn bóng ma quỷ dữ kẻ vãng lai người kiếp trước đều hiện hình, cô Lidewij. Làm thế nào một người đang theo bậc cao học ngành văn học Mỹ lại thể hiện những kỹ năng ngôn ngữ Anh tệ hại như vậy được?”
“Chú Peter, đây không phải người kiếp trước. Họ là Augustus và Hazel, những người hâm mộ trẻ tuổi mà gần đây chú có trao đổi thư từ.”
“Chúng nó là – gì cơ? Chúng nó – ta tưởng chúng nó đang ở Mỹ cơ mà!”
“Vâng, nhưng chú đã mời họ tới đây, chú nhớ chứ.”
“Cô có biết tại sao ta rời khỏi đất Mỹ không, Lidewij? Để không bao giờ phải chạm trán với người Mỹ nào nữa.”
“Nhưng chú là người Mỹ.”
“Chẳng thể thay đổi được, có vẻ thế. Nhưng với hai đứa Mỹ kia, cô phải bảo chúng nó đi ngay, rằng đó là một sai lầm khủng khiếp, rằng lão Van Houten đáng nguyền rủa này chỉ đưa ra một lời mời gặp mặt khách sáo, chẳng phải thật đâu, rằng những lời mời như thế phải được hiểu một cách biểu tượng mà thôi.”
Tôi nghĩ tôi có thể ói ra mất. Tôi quay sang Augustus, cậu ấy vẫn đang chăm chăm nhìn vào cánh cửa, hai vai thõng xuống.
“Cháu sẽ không làm thế đâu, chú Peter,” chị Lidewij trả lời. “Chú phải gặp họ. Chú phải làm thế. Chú cần gặp họ. Chú cần biết tác phẩm của chú có ý nghĩa thế nào.”
“Lidewij, có đúng cô cố tình qua mặt ta để sắp xếp chuyện này không?”
Một khoảng im lặng kéo dài, rồi cuối cùng cánh cửa cũng mở ra lần nữa. Ông ta lần lượt hết quay đầu về phía Augustus lại đến chỗ tôi, vẫn nheo nheo mắt. “Ai trong hai đứa là Augustus Waters?” ông ta hỏi. Augustus ngập ngừng giơ cánh tay lên. Van Houten gật đầu và hỏi, “Cậu đã cưa đổ con bé đó chưa?”
Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi bắt gặp một Augustus thực sự không nói nên lời. “Cháu,” cậu bắt đầu, “ừm, cháu, Hazel, ừm. À.”
“Thằng này có vẻ mắc một vài chứng trì độn phát triển nào đó,” Peter Van Houten nói với chị Lidewij.
“Chú Peter,” chị ấy trách.
“Chà,” Peter Van Houten nói, chìa bàn tay về phía tôi. “Thế nào chăng nữa được gặp một sinh vật không chắc có thực về mặt bản thể luận cũng là một vinh dự.” Tôi bắt tay với bàn tay sưng húp của ông ta, sau đó ông ta bắt tay với Augustus. Tôi không chắc về mặt bản thể luận nghĩa là gì. Dẫu sao tôi cũng thích nó. Cả Augustus và tôi đều thuộc Câu Lạc Bộ Những Sinh Vật Không Chắc Có Thực: chúng tôi và lũ thú mỏ vịt.
Lẽ dĩ nhiên tôi đã hi vọng Peter Van Houten là một người nhu hòa mẫu mực, nhưng thế giới này không phải là nhà máy ban tặng điều ước. Điều quan trọng là cánh cửa đã mở và tôi đã bước qua bậc cửa để đến với những gì đã xảy ra sau cái kết của Nỗi đau tột cùng. Thế là đủ. Chúng tôi theo ông ta và chị Lidewij vào trong, đi qua chiếc bàn ăn tối bằng gỗ sồi khổng lồ nhưng chỉ có hai chiếc ghế, bước vào phòng khách trống trải rợn người. Trông nó như viện bảo tàng, có điều không có tác phẩm nghệ thuật nào được treo trên những khoảng tường trắng toát. Ngoại trừ một chiếc sofa và một chiếc ghế tựa, cả hai đều bằng sắt bọc da màu đen, căn phòng dường như trống rỗng. Sau đó tôi nhận ra còn có hai túi đựng rác rất lớn màu đen, căng phồng và buộc xoắn lại, chất sau ghế sofa.
“Rác?” tôi thì thầm với Augustus với giọng nhỏ đến mức tôi nghĩ không ai khác có thể nghe thấy.
“Thư của người hâm mộ,” Van Houten trả lời trong khi ông ngồi xuống cái ghế tựa. “Mười tám năm đáng từng đấy. Không thể mở ra. Rất đáng sợ. Thư của cô cậu là những bức đầu tiên ta trả lời, hãy xem nó đẩy ta đến đâu rồi đây. Ta thành thật cho rằng sự thực của bọn độc giả là hoàn toàn không nuốt nổi.”
Đó là lý do ông ta không bao giờ trả lời thư của tôi: Ông ta không hề đọc chúng. Tôi không biết tại sao ông ta giữ lại tất cả, để chúng một góc trong phòng khách trang trọng trống trải này. Van Houten gác hai chân lên chiếc ghế đệm thấp, vắt hai chiếc dép lên nhau. Ông ta chỉ về chiếc ghế sofa. Augustus và tôi ngồi xuống cạnh nhau, nhưng không quá sát.
“Hai em ăn sáng chút gì nhé?” chị Lidewij hỏi.
Tôi đang định nói rằng chúng tôi đã ăn rồi thì Peter chen vào. “Còn quá sớm cho bữa sáng, cô Lidewij.”
“Nhưng hai em ấy đến từ Mỹ, chú Peter, nên đã quá trưa trong người hai em ấy rồi.”
“Thế thì đã quá muộn cho bữa sáng,” ông ta nói. “Tuy thế, khi trong người đã quá trưa rồi thì xem nào, chúng ta nên thưởng thức chút cocktail[87]. Cô có uống rượu Scotch[88] không?” ông ta hỏi tôi.
“Cháu có – ừm, không, cháu không,” tôi nói.
“Augustus Waters?” Van Houten hỏi, hất đầu về phía Gus.
“Ừm, cháu không ạ.”
“Mỗi ta, rồi, cô Lidewij. Scotch và nước, làm ơn.” Peter chuyển sự chú ý của mình sang Gus, “Cậu có biết chúng ta pha Scotch với nước trong nhà này thế nào không?”
“Không, thưa ngài,” Gus nói.
“Chúng ta rót một chút Scotch vào cốc rồi gợi lên trong tâm tưởng ý nghĩ về nước, rồi chúng ta trộn Scotch thật với tư tưởng trừu tượng của nước.”
Chị Lidewij nói, “Có lẽ nên ăn chút gì đó trước, chú Peter.”
Ông ta nhìn về phía chúng tôi và thì thầm từng chữ, “Cô ta nghĩ ta có vấn đề với bia rượu.”
“Còn cháu nghĩ mặt trời đã lên,” chị Lidewij đáp lại. Tuy thế chị vẫn quay sang quầy rượu trong phòng khách, với lấy một chai Scotch và rót đầy nửa cốc. Chị ấy mang nó đến cho ông ta. Peter Van Houten nhấp một ngụm rồi ngồi thẳng người trên chiếc ghế của ông ta, “Một cốc rượu ngon như thế phải xứng với tư thế tốt nhất của người ta,” ông ta nói.
Tôi bỗng thấy nghi ngại về tư thế của mình nên ngồi thẳng lưng lên một chút. Tôi chỉnh lại đám ống dẫn khí của mình. Bố luôn nói với tôi rằng ta có thể đánh giá một người theo cách họ đối xử với những người phục vụ và trợ lý. Bằng thước đo này thì Peter Van Houten chắc hẳn là kẻ thô bỉ thô bỉ nhất thế giới. “Vậy là cậu thích cuốn sách của tôi,” ông ấy nói với Augustus sau một ngụm nữa.
“Dạ,” tôi trả lời thay cho Augustus. “Và vâng, chúng cháu – à, Augustus, cậu ấy đã chọn việc đến gặp ngài là Điều ước của mình để chúng cháu có thể tới đây, và như vậy ngài có thể kể cho chúng cháu những chuyện đã xảy ra sau cái kết của Nỗi đau tột cùng.”
Van Houten không nói gì cả, chỉ uống một hơi dài.
Một phút sau Augustus nói, “Cuốn sách của ngài đã đem chúng cháu đến với nhau.”
“Nhưng cô cậu không đến với nhau,” ông ta nhận xét mà chẳng thèm nhìn tôi.
“Nó đã đưa chúng cháu lại gần nhau,” tôi nói.
Giờ thì ông ấy quay sang tôi. “Cô cố tình mặc giống con bé đúng không?” “Anna?” tôi hỏi.
Ông ta vẫn nhìn chằm chằm vào tôi.
“Phần nào đó,” tôi nói.
Ông ta lại uống một hơi dài rồi nhăn mặt lại. “Ta không có vấn đề gì với rượu bia cả,” ông ta tuyên bố, giọng to quá mức cần thiết. “Ta có một mối quan hệ kiểu Churchill[89] với đồ uống có cồn: Ta có thể kể chuyện cười cũng như cai trị nước Anh cũng như làm bất cứ điều gì ta muốn. Ngoại trừ việc không uống rượu.” Ông ta liếc qua chị Lidewij và hất đầu về phía cốc rượu. Chị ấy mang nó lại quầy rượu. “Chỉ lấy tư tưởng về nước thôi, cô Lidewij,” ông ta hướng dẫn.
“Vâng, cháu biết,” chị nói, âm điệu gần như giọng Mỹ.
Cốc rượu thứ hai đã tới. Cột sống của Van Houten lại duỗi ra lần nữa với tất cả niềm kính trọng. Ông ta tuột dép ra. Bàn chân ông ta thực sự xấu xí. Ông ta đang phá hỏng hình tượng thiên tài văn học trong tôi. Nhưng ông ta có câu trả lời.
“Dạ, ừm,” tôi nói, “đầu tiên, chúng cháu muốn nói cảm ơn ngài vì bữa tối ngày hôm qua và –”
“Ta đã thanh toán cho bữa tối của chúng nó ngày hôm qua à?” Van Houten hỏi chị Lidewij.
“Vâng, ở Oranjee.”
“À, được thôi. Chà, hãy cứ tin khi ta nói cô cậu không cần phải cảm ơn ta mà nên cảm ơn cô Lidewij đây, người đặc biệt xuất chúng trong lĩnh vực tiêu xài tiền bạc của ta.”
“Đó là tấm lòng của chúng ta,” chị Lidewij nói.
“Dù sao thì cháu cũng cảm ơn,” Augustus nói. Tôi có thể nhận ra chút bực bội trong giọng cậu ấy.
“Giờ có ta ở đây,” Peter Van Houten nói sau một lúc. “Câu hỏi của cô cậu là gì?”
“Ừm,” Augustus nói.
“Thằng này có vẻ thông minh hơn lúc viết,” Van Houten nói với chị Lidewij về Augustus. “Có lẽ ung thư đã đổ bộ trong não nó.”
“Chú Peter,” chị Lidewij thốt lên kinh hãi.
Tôi cũng thấy khiếp sợ, nhưng có một điều dễ chịu về những gã ti tiện là hắn sẽ không đối xử với chúng ta khác biệt với những người khác. “Chúng cháu thực sự có một số câu hỏi,” tôi nói. “Cháu đã nói về chúng trong email. Cháu không biết chú còn nhớ không.”
“Ta không nhớ.”
“Trí nhớ của chú ấy đã giảm sút,” chị Lidewij nói.
“Phải chi trí nhớ của ta được giảm sút,” Van Houten đáp lại.
“Những câu hỏi của chúng cháu,” tôi nhắc lại.
“Cô bé dùng từ chúng cháu[90] cơ đấy,” Peter nói bâng quơ. Thêm một ngụm nữa. Tôi không biết rượu Scotch có vị thế nào, nhưng nếu nó có vị gì giống sâm panh thì tôi chẳng thể hiểu sao ông ta có thể uống nhiều, uống nhanh, uống trong buổi sáng sớm đến vậy. “Cô có biết nghịch lý con rùa của Zeno không?” ông ta hỏi tôi.
“Chúng cháu có một vài câu hỏi về những gì đã xảy ra với các nhân vật sau cái kết của cuốn sách, nhất là Anna –”
“Cô đã sai lầm khi cho rằng ta cần phải nghe cô hỏi mới có thể trả lời. Cô có biết triết gia Zeno[91] không?” Tôi khẽ lắc đầu. “Lạy chúa, Zeno là một triết gia trước thời của Socrates được cho rằng đã khám phá ra bốn mươi nghịch lý trong thế giới quan của Parmenides –
[92]
chắc cô phải biết Parmenides,” ông ta nói, và tôi gật đầu rằng mình biết Parmenides, cho dù tôi không biết. “Ơn Chúa,” ông ta nói. “Zeno đặc biệt có chuyên môn trong việc chỉ ra những điểm sai lệch và đơn giản hóa sự việc của Parmenides, mà việc này không mấy khó khăn bởi Parmenides luôn luôn mắc sai lầm nghiêm trọng ở mọi vấn đề. Giá trị của Parmenides cũng giống y hệt như việc có một người quen luôn chọn nhầm ngựa mỗi và mọi lần cô đưa hắn đến trường đua. Nhưng điều quan trọng nhất của Zeno – khoan, hãy cho ta thấy hiểu biết của cô cậu về nhạc hip-hop Thụy Điển thế nào.”
Tôi chẳng biết Peter Van Houten có đang đùa hay không nữa. Một lúc sau Augustus trả lời thay tôi. “Đôi chút,” cậu nói.
“Thôi được, chắc cô cậu cũng biết album Fläcken đầy triển
[93]
vọng của nhóm nhạc Afasi och Filthy.”
“Chúng cháu không,” tôi đáp lời thay cho cả hai.
“Cô Lidewij, hãy bật bản ‘Bomfalleralla’ ngay lập tức.” Chị Lidewij bước đến chỗ máy phát nhạc MP3, xoay xoay cái núm rồi ấn vào một cái nút. Một bản nhạc rap dội lên từ mọi hướng. Nghe cũng giống mọi bản nhạc rap khác, có điều viết bằng tiếng Thụy Điển.
Sau khi bản nhạc kết thúc, Peter Van Houten nhìn chúng tôi mong đợi, đôi mắt ti hí của ông ta mở to hết mức có thể. “Sao?” ông ta hỏi. “Sao?”
Tôi nói, “Cháu xin lỗi, thưa ngài, nhưng chúng cháu không nói tiếng Thụy Điển.”
“Phải, tất nhiên cô cậu thì không rồi. Ta cũng thế. Đứa quái nào lại đi nói tiếng Thụy Điển? Điều quan trọng không phải những ca từ đang truyền đạt ý nghĩa vớ vẩn nào, mà là ta cảm thụ ra sao. Chắc cô cậu cũng biết chỉ có hai loại cảm xúc, yêu thương và sợ hãi, Afasi och Filthy đã chèo lái giữa chúng với những phương tiện mà một người đơn giản là chẳng thể tìm thấy trong thể loại nhạc hip-hop ngoài Thụy Điển. Ta bật nó cho các cô cậu nghe lần nữa nhé?”
“Ông đang đùa?” Gus nói.
“Xin lỗi?”
“Có phải đây là một màn kịch gì không?” Cậu ấy nhìn lên chị Lidewij và hỏi, “Phải không?”
“Chị e là không,” Lidewij trả lời. “Chú ấy không phải lúc nào cũng – hôm nay quá khác thường –”
“Ồ im đi, cô Lidewij. Rudoff Otto[94] nói rằng nếu các người chưa từng chạm mặt với linh thiêng, nếu chưa từng trải nghiệm một cuộc gặp gỡ không thực với những bí ẩn siêu nhiên, thì tác phẩm của ngài không dành cho các người. Và ta nói với các cô cậu đây, hai bạn trẻ ạ, nếu cô cậu không thể nghe được lời đáp dũng cảm của Afasi och Filthy với nỗi sợ hãi, thì tác phẩm của ta đây không dành cho cô cậu đâu.”
Tôi phải nhấn mạnh điều này: Nó hoàn toàn là một bài rap bình thường, trừ việc được viết bằng tiếng Thụy Điển. “Ừm,” tôi nói. “Thế còn về Nỗi đau tột cùng. Mẹ Anna, khi cuốn sách kết thúc, có định –”
Van Houten ngắt lời tôi, gõ vào cốc rượu trong khi bảo chị Lidewij rót đầy nó lần nữa. “Zeno nổi tiếng nhất vì nghịch lý con rùa của ông ta. Hãy tưởng tượng rằng ta đang ở trong cuộc đua với một con rùa. Con rùa được xuất phát trước mười thước. Trong khoảng thời gian ta chạy được mười thước đó, con rùa tiến thêm khoảng một thước. Rồi trong khoảng thời gian ta bắt kịp được khoảng cách đó, con rùa lại tiến thêm được một chút, cứ thế mãi mãi. Ta đi nhanh hơn con rùa nhưng lại không thể nào bắt kịp nó; ta chỉ có thể rút ngắn khoảng cách mà thôi.
“Tất nhiên, ta có thể cứ đi qua con rùa đó mà chẳng cần quan tâm đến những khía cạnh cơ học liên quan, nhưng câu hỏi ta làm điều đó như thế nào lại phức tạp khó ngờ, và không ai giải thích được cho đến khi Cantor[95] chỉ cho chúng ta rằng có những tập vô hạn này lớn hơn những tập vô hạn khác.”
“Ừm,” tôi nói.
“Ta cho rằng điều đó đã trả lời cho câu hỏi của cô,” ông ta tự tin nói, nhấm một ngụm hào phóng từ chiếc cốc của mình.
“Không hẳn thế,” tôi nói. “Chúng cháu không biết sau cái kết của Nỗi đau tột cùng –”
“Ta phủ nhận mọi thứ trong cuốn tiểu thuyết thối tha đó,” Van Houten nói, cắt ngang lời tôi.
“Không,” tôi thốt lên.
“Xin lỗi?”
“Không, điều đó là không thể chấp nhận được,” tôi nói. “Cháu hiểu câu chuyện kết thúc dang dở vì Anna đã chết hay quá yếu để tiếp tục viết, nhưng ngài nói ngài sẽ kể cho chúng cháu những chuyện đã xảy ra với tất cả mọi người, đó chính là lí do chúng cháu đang ở đây, và chúng cháu, cháu cần ngài giải thích.”
Van Houten thở dài. Sau một ngụm khác, ông ta nói, “Rất tốt. Cô muốn biết câu chuyện của ai?”
“Mẹ của Anna, chú Tulip Hà Lan, Sisyphus chú chuột Hamster, ý cháu là, chỉ – những gì xảy đến với tất cả mọi người.”
Van Houten nhắm mắt lại rồi phồng má thở dài, sau đó nhìn lên những tấm xà gỗ đan chéo nhau lộ ra dưới mái trần nhà. “Con chuột hamster,” một lúc sau ông nói. “Con chuột hamster được Christine nhận về nuôi” – đó là một trong những người bạn của Anna trước khi bạn ấy mắc bệnh. Cũng có lý. Christine và Anna đã cùng chơi với Sisyphus trong một vài đoạn. “Nó được Christine nhận về nuôi và sống thêm một vài năm sau khi câu chuyện kết thúc và ra đi thanh thản trong giấc ngủ của loài chuột.”
Giờ thì mọi việc cũng đã tiến triển chút ít. “Tuyệt,” tôi nói. “Thật tuyệt. Rồi ạ, thế còn chú Tulip Hà Lan? Chú ấy có phải là kẻ lừa lọc không? Chú ấy với mẹ của Anna có kết hôn không?”
Van Houten vẫn chăm chăm nhìn những tấm xà. Ông ta uống thêm một ngụm. Chiếc cốc lại vơi gần hết lần nữa. “Lidewij, ta không thể làm được. Ta không thể. Ta không thể.” Ông ta hướng ánh mắt lơ đãng về phía tôi. “Chẳng có chuyện gì xảy ra với gã Tulip Hà Lan cả. Gã không phải kẻ lừa đảo hay không phải không là kẻ lừa đảo; Gã là Chúa Trời. Gã là một biểu tượng ẩn dụ hiển nhiên và rõ ràng của Chúa, việc hỏi chuyện gì xảy đến với gã cũng chẳng khác nào việc hỏi chuyện gì đã xảy đến với cặp mắt quái gở của bác sĩ T. J. Eckleburg trong cuốn Gatsby[96] cả. Vậy lão ta có kết hôn với bà mẹ của Anna không? Chúng ta đang nói về một cuốn tiểu thuyết, cô bé ạ, không phải những tiểu sử đời tư.”
“Vâng, nhưng chắc hẳn ngài cũng từng nghĩ đến những chuyện đã xảy đến với họ chứ, ý cháu là chính nhân vật, tách biệt với những ý nghĩa ẩn dụ của họ.”
“Họ là những nhân vật hư cấu,” ông ta nói, gõ gõ cái cốc lần nữa. “Chẳng có gì xảy ra với họ hết.”
“Ngài nói ngài sẽ kể cho cháu,” tôi khăng khăng. Tôi tự nhắc mình phải thật cương quyết. Tôi cần giữ đầu óc quẫn trí của ông ta vào những câu hỏi của tôi.
“Có thể thế, nhưng ta đã lạc lối trong giả tưởng rằng cô không thể cứ di chuyển xuyên Đại Tây Dương được. Ta đã cố…an ủi cô, ta cho là thế, chuyện đó không nên thế thì tốt hơn. Nhưng để thành thực mà nói, cái ý nghĩ trẻ con rằng mọi tác giả của một cuốn tiểu thuyết đều thấu hiểu sâu sắc các nhân vật trong câu chuyện của mình…nó thật nực cười. Cuốn tiểu thuyết đó được viết ra từ những phác thảo nguệch ngoạc trong một mẩu giấy, cô bé ạ. Những nhân vật trong câu chuyện không hề tồn tại bên ngoài những phác thảo đó. Chuyện gì xảy đến với họ? Họ đều không còn tồn tại sau khi câu chuyện đã kết thúc.”
“Không,” tôi thốt lên. Tôi bật mình dậy khỏi chiếc ghế. “Không, cháu hiểu chuyện đó. Nhưng thật không thể nào lại không tưởng tượng đến tương lai của họ. Ngài là người tốt nhất có thể tưởng tượng nên cái tương lai đấy. Phải có chuyện gì đã xảy đến với mẹ của Anna. Bà phải kết hôn hoặc không. Bà phải đến Hà Lan cùng chú Tulip hoặc không. Bà phải có thêm những đứa trẻ khác hoặc không. Cháu cần được biết chuyện gì xảy đến với bà ấy.”
Van Houten mím môi lại. “Ta rất tiếc không thể chiều theo ý muốn bốc đồng trẻ con của cô, nhưng ta cũng từ chối thương hại cô theo cái cách cô đây hẳn đã quen.”
“Cháu không cần ngài thương hại,” tôi nói.
“Như mấy đứa ốm yếu khác cả thôi,” ông ta thản nhiên trả lời, “cô nói cô không cần thương hại, nhưng sự tồn tại của cô lại phụ thuộc vào nó.”
“Chú Peter,” chị Lidewij gào lên, ông ta vẫn tiếp tục trong khi ngồi dựa ở đó, lời lẽ càng lúc càng trôi chảy tuôn ra từ cái miệng say khướt. “Bọn trẻ con ốm yếu hiển nhiên đã bị trói buộc: Định mệnh buộc cô phải sống mãi như một đứa trẻ vào cái ngày cô được chẩn đoán, đứa trẻ tin rằng có một cuộc sống sau khi câu chuyện kết thúc. Và chúng ta, những người trưởng thành, chúng ta thương hại điều đó, thế nên chúng ta chi trả tiền điều trị, chi trả tiền cho máy thở ôxy. Chúng ta cho cô đồ ăn và thức uống dù biết cô sẽ không thể sống đủ lâu để –”
“CHÚ PETER!” chị Lidewij hét lên.
“Cô là một ảnh hưởng phụ,” Van Houten tiếp tục nói, “của quá trình tiến hóa mà cuộc sống cá nhân ít được để tâm tới. Cô là một thí nghiệm thất bại của đột biến.”
“CHÁU NGHỈ VIỆC!” chị Lidewij gào lên. Mắt chị đã ngân ngấn nước. Nhưng tôi không hề tức giận. Ông ta đang tìm cách gây tổn thương nhất để nói ra sự thật, nhưng dĩ nhiên tôi đã biết sự thật từ trước rồi. Tôi đã có hàng năm trời nằm nhìn cái trần nhà từ phòng ngủ đến ICU, và tôi đã tìm ra cách đau đớn nhất để tưởng tượng ra bệnh tật của chính mình cũng lâu lắm rồi. Tôi bước về phía ông ta. “Nghe đây lão già,” tôi nói, “ông không cần nói những điều về cái bệnh không phải tôi không biết. Tôi chỉ cần một và chỉ một điều từ ông thôi trước khi tôi biến khỏi cuộc đời ông mãi mãi: CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI MẸ CỦA ANNA?”
Ông ta mơ hồ ngẩng cái cằm ngấn mỡ về phía tôi và nhún vai. “Ta chẳng thể nói chuyện gì đã xảy ra với bà ta cho cô nghe nhiều hơn chuyện gì đã xảy ra với Người dẫn chuyện của Proust[97] hay chị của Houden Caulfield[98] hay Huckleberry Finn[99] sau khi gã bỏ đi tìm những vùng đất mới cả.”
“NHẢM NHÍ! Thật nhảm nhí! Chỉ cần nói tôi nghe thôi. Bịa chuyện gì cũng được!”
“Không, và ta sẽ rất cảm ơn nếu cô không nói tục trong căn nhà này. Một quý cô sẽ không trở nên như vậy đâu.”
Tôi vẫn không hề tức giận. Tôi chỉ cố gắng tập trung để đạt được thứ tôi đã được hứa. Trong cơn bộc phát tôi đã vung tay xuống cái bàn tay múp míp đang cầm cốc rượu Scotch đó. Phần rượu còn lại bắn tung tóe qua khuôn mặt to bè, chiếc cốc bật ra khỏi mũi ông ta rồi xoay vòng điệu nghệ trên không trung, đáp xuống vỡ tan tành trên sàn gỗ cứng lâu năm.
“Cô Lidewij,” Van Houten vẫn bình tĩnh nói, “tôi muốn một cốc martini[100], nếu cô không phiền. Chỉ cần một chút vermouth.”
“Cháu nghỉ việc rồi,” một lúc sau chị Lidewij nói.
“Đừng ngớ ngẩn thế.”
Tôi không biết phải làm gì. Tử tế không được. Thô tục không xong. Tôi cần một câu trả lời. Tôi đã đến được đây, đã cướp mất Điều ước của Augustus. Tôi cần được biết.
“Đã bao giờ cô dừng lại và tự hỏi,” ông ta nói, lời lẽ càng lúc càng líu nhíu, “tại sao cô quá quan tâm đến những câu hỏi ngu ngốc như vậy chưa?”
“ÔNG ĐÃ HỨA!” tôi gào lên, cảm nhận được tiếng than khóc bất lực của Isaac trong cái đêm của những chiếc cúp vỡ. Van Houten không trả lời.
Tôi vẫn đứng trước mặt ông ta, chờ đợi ông ta nói điều gì đó với mình cho tới khi cảm thấy bàn tay Augustus nắm lấy cánh tay của mình. Cậu ấy kéo tôi về phía cánh cửa, tôi bước theo cậu ấy trong khi Van Houten đang lên lớp chị Lidewij về sự vô ơn của giới trẻ ngày nay và cái chết của xã hội mẫu mực, và chị Lidewij, có đôi chút kích động, đã quát lại ông ta với bằng giọng Hà Lan nhanh như tên bắn.
“Cô cậu sẽ phải thứ lỗi cho cựu trợ lý của ta đây,” ông ta nói. “Tiếng Hà Lan nghe chẳng giống một ngôn ngữ hơn là một căn bệnh nơi cổ họng.”
Augustus kéo tôi ra khỏi căn phòng và đi qua cánh cửa bước vào buổi sáng cuối xuân với những cánh hoa du rơi.
***
Với tôi không có khái niệm nào gọi là chạy trốn, nhưng chúng tôi đều vội vã bước xuống cầu thang, Augustus cầm hộ giá đỡ, rồi chúng tôi bắt đầu đi bộ ngược về phía khách sạn Filosoof trên vỉa hè mấp mô những viên gạch hình chữ nhật lát đan nhau. Lần đầu tiên sau vụ chiếc ghế đu, tôi bắt đầu khóc.
“Này,” cậu ấy gọi, chạm tay vào eo tôi. “Này, mọi chuyện ổn mà,” tôi gật đầu rồi quệt nước mắt bằng mu bàn tay. “Lão ta thật tệ,” tôi gật đầu lần nữa. “Tớ sẽ viết cho cậu đoạn kết,” Gus nói. Điều này khiến tôi khóc còn to hơn. “Tớ sẽ,” cậu ấy nói. “Tớ sẽ. Tốt hơn tất cả những thứ nhảm nhí lão nát rượu đó từng viết ra. Đầu óc lão chỉ toàn phô mai Thụy Sĩ. Lão thậm chí còn chẳng nhớ mình đã từng viết cuốn sách nữa. Tớ còn viết được mười lần câu chuyện lão viết. Sẽ đầy máu đổ sẽ có mất mát và cả hi sinh. Nỗi đau tột cùng gặp Cái giá của Bình minh. Cậu sẽ thích nó cho.” Tôi gật đầu, cố nặn một nụ cười, rồi cậu ấy ôm tôi, hai cánh tay mạnh mẽ kéo tôi vào lồng ngực săn chắc của mình, tôi khóc đẫm một khoảng trên chiếc áo polo của cậu ấy nhưng rồi dần trấn tĩnh lại đủ để nói chuyện.
“Tớ đã phung phí Điều ước của cậu vào gã điên đó,” tôi nói vào ngực cậu ấy.
“Không đâu Hazel Grace. Tớ thừa nhận việc cậu đã dùng mất điều ước duy nhất của tớ, nhưng cậu không hề phung phí nó vào lão. Cậu đã dùng nó cho cả hai chúng ta.”
Tôi nghe thấy tiếng giày cao gót chạy theo lộp cộp phía đằng sau. Tôi quay người lại. Đó là chị Lidewij, phấn đánh mắt của chị chảy xuống đôi gò má trông hơi kinh dị, đang đuổi theo chúng tôi. “Có lẽ chúng ta nên đến thăm Nhà Anne Frank chứ,” chị Lidewij nói.
“Bọn em sẽ không đi đâu với gã quái vật đó nữa đâu,” Augustus nói.
“Ông ấy không được mời,” chị Lidewij đáp.
Augustus vẫn giữ chặt tôi, có vẻ đề phòng, một tay đặt lên bên má tôi. “Tớ không nghĩ –” cậu ấy bắt đầu nói, nhưng tôi cắt ngang.
“Chúng ta nên đi,” tôi vẫn muốn câu trả lời từ Van Houten. Nhưng đó không phải là tất cả những gì tôi muốn. Tôi chỉ còn hai ngày ở Amsterdam với Augustus Waters. Tôi không thể để một lão già đau khổ phá hỏng nó được.
Chị Lidewij lái một chiếc Fiat cà tàng màu xám có động cơ nghe như một bé gái bốn tuổi đang hét lên phấn khích. Chị liên tục rối rít xin lỗi trong khi chúng tôi vòng vèo qua những dãy phố của Amsterdam. “Chị rất tiếc. Không phải thanh minh đâu. Bệnh ông ấy rất nặng,” chị ấy nói. “Chị đã nghĩ việc gặp các em có thể sẽ giúp được nếu ông ấy nhận ra tác phẩm của mình ảnh hưởng đến những cuộc sống thực như thế nào, nhưng mà…Chị rất xin lỗi. Thật vô cùng vô cùng đáng xấu hổ.” Cả Augustus và tôi đều không nói gì. Tôi ngồi ở ghế sau với cậu ấy. Tôi lén đưa tay vào khoảng trống giữa thành xe và ghế ngồi của cậu ấy, tìm bàn tay cậu mà không thấy. Chị Lidewij nói tiếp, “Chị đã nhận công việc này vì chị tin ông ấy là một thiên tài và lương cũng cao nữa, nhưng ông ấy đã biến thành một con quái vật.”
“Em đoán ông ta rất giàu có nhờ cuốn sách,” một lúc sau tôi nói.
“Ồ, không không, ông ấy thuộc dòng dõi nhà Van Houten,” chị nói. “Vào thế kỷ mười bảy, tổ tiên ông ấy đã khám phá ra cách trộn bột cô cao vào nước. Một số thành viên nhà Van Houten đã di cư đến Mỹ từ lâu, trong đó có Peter, nhưng ông ấy đã quay lại Hà Lan sau khi viết cuốn tiểu thuyết. Ông ấy là nỗi xấu hổ của cả một đại gia tộc.”
Tiếng động cơ rú lên. Chị Lidewij sang số và chúng tôi đi lên chiếc cầu bắc ngang qua một con kênh. “Đó là do hoàn cảnh,” chị nói. “Hoàn cảnh đã biến ông ấy trở nên vô cùng tàn nhẫn. Ông ấy không phải người xấu xa. Nhưng hôm nay thì, chị đã không nghĩ – khi ông ấy nói những lời thậm tệ như vậy, chị không thể tin nổi. Chị rất xin lỗi. Rất rất xin lỗi.”
Chúng tôi phải đỗ cách Nhà Anna Frank một dãy nhà, trong khi chị Lidewij đứng xếp hàng mua vé, tôi ngồi tựa lưng vào một thân cây nhỏ, ngắm nhìn tất cả những nhà thuyền đang neo đậu trên con kênh Prinsengracht[101]. Augustus đứng ngay cạnh, lăn lăn cái giá đỡ bình ôxy trong những vòng tròn đơn điệu chỉ để nhìn những bánh xe quay. Tôi muốn cậu ấy ngồi xuống cạnh tôi nhưng biết như thế thì rất khó khăn cho cậu ấy và lại càng vất vả hơn khi đứng dậy. “Cậu sao không?” cậu ấy cúi xuống hỏi. Tôi nhún vai và với tay nắm lấy bắp chân cậu ấy. Đó là bắp chân giả nhưng tôi vẫn níu lấy nó. Cậu ấy nhìn xuống tôi.
“Tớ muốn…” tôi nói.
“Tớ biết,” cậu ấy nói. “Tớ biết. Rõ ràng thế giới này không phải một nhà máy ban tặng điều ước.” Tôi khẽ cười.
Chị Lidewij quay lại với những tấm vé, nhưng môi chị mím lại vẻ lo lắng. “Bên trong không có thang máy,” chị ấy nói. “Chị rất rất xin lỗi.”
“Không sao mà chị,” tôi nói.
“Không đâu, có rất nhiều bậc thang,” chị nói. “Toàn bậc rất dốc.”
“Không sao thật mà,” tôi nhắc lại. Augustus định nói gì đó nhưng tôi ngăn lại. “Ổn mà. Tớ làm được.”
Chúng tôi bắt đầu với một phòng chiếu phim về những người Do Thái ở Hà Lan, về cuộc xâm lược của quân Đức Quốc xã và về gia đình Frank. Sau đó chúng tôi đi bộ lên tầng trên đến một căn nhà ở bờ kênh nơi Otto Frank[102] từng làm việc. Cả tôi và Augustus đều leo cầu thang rất chậm, nhưng tôi vẫn thấy mình đủ sức. Ngay sau đó tôi thấy chiếc tủ sách nổi tiếng đã che dấu cho cả Anne Frank, gia đình em cùng bốn người khác. Chiếc tủ sách để mở một nửa, đằng sau nó là một cầu thang rất dốc, chỉ rộng đủ chỗ cho một người đi. Có rất nhiều khách du lịch xung quanh chúng tôi, tôi cũng không muốn làm chậm cả đoàn lại nhưng chị Lidewij nói, “Xin mọi người hãy kiên nhẫn, làm ơn,” rồi tôi bắt đầu bước lên trước, chị Lidewij đỡ chiếc giá đằng sau, sau cùng là Gus.
Có mười bốn bậc thang. Tôi cứ nghĩ mãi về những người ở đằng sau – chủ yếu là những người lớn nói đủ mọi thứ tiếng khác nhau – rồi cảm thấy xấu hổ sao đấy, cảm giác như có một bóng ma vừa vỗ về vừa ám ảnh, nhưng cuối cùng tôi cũng làm được, rồi tôi ở trong một căn phòng trống trải kỳ lạ, dựa lưng vào tường, bộ não đang nói với hai lá phổi rằng ổn rồi mà ổn rồi mà bình tĩnh đi ổn rồi mà còn hai lá phổi lại nói với bộ não rằng ôi, Chúa ơi, chúng ta chết ở đây mất thôi. Tôi thậm chí còn chẳng thấy Augustus lên cầu thang cho đến khi cậu ấy bước đến, lau trán của mình bằng mu bàn tay như thể phùu và nói, “Cậu là nhà vô địch.”
Sau một vài phút dựa vào tường, tôi bước vào thăm phòng kế tiếp, phòng chung của Anne và bác sĩ nha khoa Fritz Pfeffer. Nó rất nhỏ và chẳng có đồ vật nào bên trong. Bạn sẽ không biết có người từng sống ở đây nếu không có những bức ảnh từ tạp chí và báo mà Anne đã dán lên tường vẫn còn ở đó.
Thêm một cầu thang khác dẫn lên căn phòng gia đình van Pels từng sống, cầu thang này còn dốc hơn cái trước và kéo dài mười tám bậc, thực chất như một cái thang. Tôi đứng ở dưới nhìn lên và nghĩ chắc là mình sẽ không làm được đâu, nhưng cũng biết con đường duy nhất để đi qua là trèo lên đó.
“Mình quay lại thôi,” Augustus nói.
“Tớ không sao mà,” tôi đáp khẽ khàng. Thật ngu ngốc nhưng tôi cứ nghĩ rằng tôi nợ em ấy điều đó – nợ Anne Frank – bởi em ấy đã mất còn tôi thì chưa, bởi em ấy đã sống cuộc sống thầm lặng và tách biệt với cuộc sống bên ngoài và làm mọi điều đúng đắn nhưng cuối cùng vẫn chết, vì thế tôi nên bước tiếp lên những bậc thang và ngắm nhìn phần còn lại của thế giới em ấy đã từng sống trước khi bọn Gestapo[103] tới.
Tôi bắt đầu leo lên cầu thang, dò dẫm từng bước như một đứa trẻ, lúc đầu chầm chậm để giữ được nhịp thở, sau đó nhanh hơn vì tôi biết đằng nào tôi cũng không thể thể thở được và tôi muốn leo tới đích trước khi cạn kiệt sức lực. Bóng tối bao phủ toàn bộ tầm nhìn của tôi khi tôi nhấc mình lên, những mười tám bậc, dốc điên người. Cuối cùng tôi cũng trèo lên tới đỉnh cầu thang, hoa hết mắt và buồn nôn, những thớ cơ ở cả chân và tay đều kêu gào đòi ôxy. Tôi ngồi thụp xuống dựa vào một bức tường, hổn hển thở hắt ra. Có một chiếc hộp bằng kính được bắt vào tường ngay phía trên, tôi ngước lên trần nhà xuyên qua nó và cố để không bị ngất đi.
Chị Lidewij cúi xuống cạnh tôi, “Em lên đến nơi rồi, em làm được rồi,” và tôi gật đầu. Tôi có một cảm giác mơ hồ rằng những vị khách xung quanh đang liếc xuống tôi lo lắng; rằng chị Lidewij đang thì thầm bằng một ngôn ngữ rồi một ngôn ngữ khác lại thêm một ngôn ngữ khác nữa từ những vị khách; rằng Augustus đang đứng trên tôi, đặt tay lên đầu tôi và vuốt ve mái tóc.
Một lúc lâu sau, chị Lidewij và Augustus đỡ tôi đứng dậy, giờ tôi mới thấy thứ được bảo vệ trong cái hộp kính: những dấu bút chì gạch trên một tờ giấy dán tường đo chiều cao của tất cả những đứa trẻ trong khoảng thời gian chúng sống trong gian nhà đó, từng inch[104] từng inch một cho đến khi chúng không thể cao thêm được nữa.
Từ căn phòng đó, chúng tôi rời khỏi khu vực sinh sống của nhà Frank, nhưng vẫn trong bảo tàng: Một hành lang dài và hẹp trưng bày những tấm ảnh của tám thành viên trong gian nhà phụ và miêu tả họ đã hi sinh ra sao, ở đâu và nơi nào.
“Thành viên duy nhất của cả gia đình sống sót sau cuộc chiến,” chị Lidewij nói với chúng tôi, ý chỉ bố của Anne, ông Otto. Giọng chị khẽ khàng như thể chúng tôi đang ở trong nhà thờ.
“Thực ra ông ấy không sống sót sau cuộc chiến tranh,” Augustus nói. “Ông ấy đã sống sót sau một cuộc diệt chủng.”
“Đúng thế,” chị Lidewij nói. “Chị không biết làm sao người ta có thể tiếp tục sống mà không còn gia đình bên cạnh. Chị thực sự không biết.” Trong khi đọc về bảy thành viên đã chết, tôi nghĩ về việc ông Otto đã không còn là một người cha thêm nữa, bị bỏ lại với cuốn nhật ký thay vì vợ và hai cô con gái. Ở phía cuối dãy hành lang là một cuốn sách khổng lồ, lớn hơn cả một quyển từ điển, chứa đựng tên của 103.000 người đến từ Hà Lan đã chết trong cuộc diệt chủng Holocaust. (Chỉ 5.000 người Hà Lan gốc Do Thái bị trục xuất, theo như một tấm biển trên tường, là còn sống sót. Chỉ 5.000 ông Otto Frank.) Cuốn sách được giở đến trang có tên Anne Frank, nhưng điều tôi khiến tôi chú ý là ngay dưới tên em có những bốn cái tên Aron Franks. Bốn. Bốn Aron Franks không có nhà tưởng niệm, không dấu tích lịch sử, không người tưởng nhớ đến. Tôi tự nhủ mình sẽ nhớ và cầu nguyện cho bốn Aron Frank chừng nào tôi còn được sống. (Có thể có một số người cần tin vào một Đức Chúa toàn năng và hiện hữu để cầu nguyện, nhưng tôi thì không.)
Khi chúng tôi đến cuối căn phòng, Gus dừng lại và hỏi, “Cậu ổn chứ?” Tôi gật đầu.
Cậu ấy chỉ về phía bức ảnh của Anne. “Đáng buồn nhất là em ấy đã suýt được sống, cậu biết không? Em ấy đã chết chỉ vài tuần trước ngày giải phóng.”
Chị Lidewij qua chỗ khác xem một đoạn băng ghi hình, tôi nắm lấy tay Augustus trong khi chúng tôi bước vào căn phòng kế tiếp. Đó là một căn phòng hình chữ A với những lá thư Otto Frank đã gửi đi trong những tháng ròng rã kiếm tìm hai cô con gái. Một đoạn băng ghi hình Otto Frank đang phát trên bức tường ở giữa căn phòng. Ông ấy nói bằng tiếng Anh.
“Chẳng biết có tên Đức Quốc xã nào còn sống để tớ săn lùng và đem lại công lý không?” Augustus hỏi trong khi chúng tôi cúi người qua khung kính đọc những lá thư của ông Otto cùng những thư trả lời rằng không, không ai từng gặp những đứa con của ông sau ngày giải phóng.
“Tớ nghĩ họ đã chết cả rồi. Nhưng không phải chỉ bọn Đức Quốc xã mới có quyền gây ra tội ác.”
“Đúng thế,” cậu đáp. “Đó là việc chúng ta nên làm, Hazel Grace: Chúng ta nên tập hợp thành bộ đôi chiến binh khuyết tật lên tiếng cho cả thế giới này, sửa chữa những điều sai trái, che chở những người yếu thế, bảo vệ những ai gặp hiểm nguy.”
Cho dù đó là ước muốn của cậu ấy chứ không phải của tôi, tôi vẫn hùa theo nó. Cậu ấy cũng thích thú với tôi, xét cho cùng. “Lòng dũng cảm sẽ là vũ khí bí mật của chúng ta,” tôi nói.
“Câu chuyện về những chiến tích của chúng ta sẽ mãi lưu truyền chừng nào con người còn cất được tiếng nói,” cậu ấy nói.
“Kể cả dù sau đó, khi bọn người máy nhắc lại về sự ngớ ngẩn của con người về đức hi sinh và lòng trắc ẩn, chúng vẫn nhớ về chúng ta.”
“Bọn nó sẽ cười bằng kiểu cười của người máy vào sự ngu ngốc dũng cảm của mình,” cậu nói. “Nhưng sâu thẳm trong trái tim người máy bằng sắt của chúng, chúng sẽ mong mỏi được sống và hi sinh như chúng ta: trên sứ mệnh của những anh hùng.”
“Augustus Waters,” tôi nhìn cậu ấy, nghĩ rằng mình không thể hôn ai trong Nhà Anne Frank được, nhưng rồi lại nghĩ chính Anne Frank, nói cho cùng, cũng đã hôn ai đó trong Ngôi nhà của Anne Frank này, có thể em ấy cũng chẳng thích gì hơn việc ngôi nhà của mình được biến thành nơi cho những đứa trẻ bị tổn thương chẳng thể chữa lành đắm chìm vào tình yêu.
“Tôi phải nói rằng,” Otto Frank nói trong đoạn băng hình bằng chất giọng Anh của mình, “tôi đã rất ngạc nhiên trước những suy nghĩ sâu sắc của cháu Anne.”
Rồi chúng tôi trao nụ hôn. Tôi buông chiếc giá đỡ bình ôxy ra và lần tay lên cổ cậu ấy, rồi cậu ấy đỡ lấy eo nâng tôi lên nhún mình đứng trên đầu những ngón chân. Tôi bắt đầu cảm thấy khó thở theo một cách mới mẻ và đầy phấn khích khi đôi môi khép hờ của cậu chạm vào môi tôi. Khoảng không gian quanh chúng tôi như tan biến, trong một khoảnh khắc kỳ lạ tôi thực sự thấy thích cơ thể mình; cái thân xác hao mòn vì ung thư mà tôi phải lê la khắp nơi nhiều năm qua bỗng nhiên thật xứng đáng với cuộc đấu tranh, xứng đáng với những ống thở ở ngực, với những ống PICC và với sự phản bội cơ thể không ngừng của những khối u.
“Như là một Anne khác hẳn với đứa con gái tôi biết. Con bé thực sự chưa bao giờ bày tỏ những cảm xúc sâu kín thế này,” giọng ông Otto Frank tiếp tục.
Nụ hôn kéo dài mãi mãi trong lúc ông Otto Frank vẫn đang nói phía sau lưng tôi. “Tôi muốn nói là,” ông nói, “cho dù tôi và Anne có mối quan hệ rất tốt, các bậc cha mẹ thường không thực sự thấu hiểu con cái của chính mình.”
Tôi nhận ra đôi mắt mình đang nhắm và mở mắt ra. Augustus đang nhìn tôi đắm đuối, đôi mắt xanh của cậu ấy gần tôi hơn bao giờ hết, và đằng sau cậu, một đám đông đứng thành gần ba vòng tròn xung quanh chúng tôi. Họ đang tức giận, tôi nghĩ thế. Thật kinh khủng. Những đứa trẻ kia, với những hormon của chúng nó, đứng ôm ấp nhau dưới một băng hình đang phát giọng nói vỡ nghẹn của một người đã từng là cha.
Tôi buông Augustus ra, cậu ấy hôn nhẹ vào trán tôi trong khi tôi chăm chăm nhìn đôi Chuck Taylors của mình. Và rồi họ bắt đầu vỗ tay. Tất cả mọi người, tất cả những người lớn đứng đó, đều bắt đầu vỗ tay, một người còn hét lên “Hoan hô!” trong chất giọng Âu. Augustus mỉm cười, cúi đầu chào. Cũng cười, tôi khẽ nhún mình chào, nhận thêm một tràng pháo tay đón mừng khác.
Chúng tôi đi xuống, nhường cho tất cả những người lớn đi trước, và ngay trước khi chúng tôi đến quán cà phê (nơi may mắn làm sao có một thang máy đưa chúng tôi trở lại mặt đất và cửa hàng lưu niệm), chúng tôi đọc được một vài trang từ nhật ký của Anne, cả một quyển ghi lại những câu danh ngôn chưa được xuất bản của cô bé. Quyển danh ngôn vô tình mở đến trang có một câu thơ của Shakespeare. Nào ai đủ mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ?[105] cô bé viết.
Chị Lidewij đưa chúng tôi về khách sạn Filosoof. Bên ngoài khách sạn trời đang lất phất mưa, Augustus và tôi đứng trên những viên gạch ở lối đi đang dần dần thấm ướt.
Augustus: “Cậu nên nghỉ một chút.”
Tôi: “Tớ ổn mà.”
Augustus: “Được rồi.” Ngập ngừng một lúc. “Cậu đang nghĩ gì đấy?”
Tôi: “Cậu.”
Augustus: “Tớ làm sao?”
Tôi: “‘Tôi chẳng biết mình thích gì hơn, / Vẻ đẹp của những từ biến tố / Hay vẻ đẹp của những lời ngụ chỉ, / Khi con chim hoét hót / Hoặc mới dứt lời.’”[106]
Augustus: “Chúa ơi, cậu thật quyến rũ.”
Tôi: “Mình có thể vào phòng cậu.”
Augustus: “Tớ từng nghe những ý tưởng tệ hơn.”
Chúng tôi cùng chen vào cái thang máy bé tí. Tất cả mọi mặt, kể cả tấm sàn, đều được lát gương. Chúng tôi phải tự kéo cửa để nhốt mình vào trong, rồi cái thứ cũ kỹ đó chầm chậm cọt kẹt kéo lên tầng hai. Tôi rất mệt, người đầy mồ hôi, lo lắng rằng nói chung nhìn tôi rất kinh và đầy mùi nữa, nhưng kể cả thế tôi vẫn cứ hôn cậu ấy trong cái thang máy đó, rồi cậu ấy buông tôi ra, chỉ vào tấm gương và bảo, “Nhìn kìa, vô số Hazel.”
“Có những tập vô hạn này lớn hơn những tập vô hạn khác,” tôi lè nhè, bắt chước Van Houten.
“Thằng hề khốn nạn,” Augustus nói, mất chừng ấy thời gian và cả một lúc sau nữa thang máy mới đưa chúng tôi lên đến tầng hai. Cuối cùng cái thang máy tròng trành rồi dừng lại, cậu ấy đẩy cái cửa kính ra. Khi cửa mới mở được một nửa, cậu gập người lại đau đớn và buông tay khỏi cái cửa trong một tích tắc.
“Cậu ổn chứ?” Tôi hỏi.
Một lúc sau cậu đáp, “Ừ, ừ, chắc cái cửa nặng quá.” Cậu ấy đẩy lần nữa và lần này nó mở ra. Cậu ấy để tôi ra trước, tất nhiên là thế, nhưng vì tôi chẳng biết đi theo hướng nào xuống hành lang nên tôi cứ đứng đó ngoài cái thang máy, cậu ấy cũng đứng nguyên đó, khuôn mặt nhăn nhó, tôi hỏi lại lần nữa, “Cậu ổn thật không?”
“Hơi đuối thôi, Hazel Grace. Mọi thứ đều ổn.”
Chúng tôi cứ đứng như thế trong hành lang, cậu ấy chẳng chỉ cho tôi đường nào về phòng hay gì cả còn tôi thì chẳng biết nó ở đâu, và trong khi tình thế khó xử này tiếp tục, tôi bị thuyết phục rằng cậu ấy đang tìm cách để không phải làm chuyện đó với tôi, rằng nhẽ ra tôi không nên gợi ý như vậy, rằng chuyện đó chẳng giống một đứa con gái tí nào nên mới có một Augustus đang sợ hãi đứng ở kia nhìn tôi không chớp mắt, cố gắng tìm đường tự mình tẩu thoát một cách tế nhị. Và rồi, sau một lúc lâu, cậu ấy nói, “Nó ở ngay trên đầu gối một chút và nó hơi thuôn nhọn và chỉ còn da thôi. Có một vết sẹo xấu xí nhưng nó chỉ giống như – “
“Cái gì đấy?” tôi hỏi.
“Chân của tớ,” cậu ấy nói. “Để cậu chuẩn bị sẵn, ý tớ là, nếu nhỡ đâu cậu có nhìn thấy nó hay làm sao –”
“À, có gì đâu,” tôi nói, rồi bước hai bước lại gần cậu ấy. Tôi hôn cậu ấy, cuồng nhiệt, ép chặt cậu ấy vào tường, cứ tiếp tục hôn như vậy trong khi cậu ấy mò mẫm tìm chìa khóa phòng.
Chúng tôi ngả ra giường, sự tự do của tôi bị bó hẹp bởi cái bình ôxy, nhưng dù thế tôi vẫn cố gắng trèo lên người cậu ấy, cởi áo cậu ấy ra rồi nếm vị mồ hôi trên làn da ngay phía dưới xương đòn trong khi thì thầm vào ngực cậu ấy, “Em yêu anh, Augustus Waters,” cơ thể cậu ấy thả lỏng bên dưới tôi khi cậu ấy nghe câu đó. Cậu ấy lần tay xuống định cởi áo tôi ra nhưng nó mắc vào ống dẫn khí. Tôi bật cười.
***
“Làm sao ngày nào em cũng xoay sở được thế?” anh hỏi trong khi tôi gỡ chiếc áo ra khỏi đống dây rợ. Ngốc thật, tôi nhận ra cái quần chíp màu hồng của mình chẳng hợp với cái áo ngực màu tím chút nào, như thể bọn con trai sẽ để ý cả những chuyện như thế. Tôi chui người dưới tấm chăn rồi lấy chân tuột quần và tất mình ra rồi nhìn cái chăn bông phập phồng vì bên dưới Augustus đang lần lượt cởi quần rồi tháo cái chân giả của anh ra.
***
Chúng tôi nằm ngửa sát bên nhau trên chiếc giường, mọi thứ được che bởi tấm chăn, một lúc sau tôi với qua đặt tay lên bắp đùi anh rồi lần xuống đoạn chân bị cắt, lớp da có những vết sẹo dày. Tôi ôm nó một chốc. Anh giật mình. “Có đau không?” tôi hỏi.
“Không,” anh trả lời.
Anh lăn người qua và hôn tôi. “Anh đáng yêu quá,” tôi nói, bàn tay vẫn để dưới chân anh.
“Anh bắt đầu nghĩ em bị thích thú với những người cụt chân,” anh đáp, vẫn tiếp tục hôn tôi. Tôi bật cười.
“Em bị thích thú với Augustus Waters,” tôi giải thích.
Mọi chuyện đều trái ngược hoàn toàn với những gì tôi đã tưởng tượng: chậm rãi và thong thả và êm lặng, không đặc biệt đau đớn cũng chẳng ngây ngất vô cùng. Có rất nhiều vấn đề liên quan tới bao cao su khiến tôi không có được một cảm nhận rõ ràng. Không ván giường bị gãy. Không la hét gì cả. Thành thực mà nói, nó giống như quãng thời gian lâu nhất chúng tôi dành bên nhau mà không nói chuyện.
Chỉ có đúng một thứ diễn ra như tôi nghĩ: Sau đó, khi tôi đang áp mặt vào ngực Augustus, lắng nghe nhịp đập của trái tim anh, Augustus nói, “Hazel Grace. Theo đúng nghĩa đen là anh không mở nổi mắt ra nữa.”
“Lạm dụng từ theo đúng nghĩa đen quá rồi,” tôi nói.
“Không,” anh nói. “Rất. Mệt.”
Anh quay mặt đi, tai tôi áp vào ngực anh, lắng nghe hai lá phổi của anh nhịp nhàng chìm vào giấc ngủ. Một lúc sau tôi ngồi dậy, mặc quần áo, tìm giấy bút của khách sạn Filosoof, viết cho anh một lá thư tình:
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.