Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

CHƯƠNG 10: CÁC GIÁ TRỊ SỐNG: ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU CỦA BẠN



Có bao giờ bạn tự hỏi đâu mới là động lực thúc đẩy bạn trong cuộc sống? Tại sao bạn làm những việc bạn đã, đang và sẽ làm? Yếu tố gì thường xuyên ảnh hưởng đến các quyết định và lựa chọn của bạn?

Như chúng ta đã nói trong chương 6 (Bí quyết làm việc đạt hiệu quả tối đa) rằng: hành vi của bạn được thúc đẩy bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí. Thường thì bạn làm một việc gì đó vì bạn cảm thấy muốn làm, chứ không phải vì bạn nghĩ mình nên làm. Về mặt lý trí, bạn biết rằng mình cần hành động để theo đuổi mục tiêu nhưng về mặt cảm xúc, bạn lại trì hoãn, nấn ná không hành động do bị chi phối bởi cảm giác lần chần, lưỡng lự hoặc thậm chí sợ hãi.

Chẳng hạn, một số người hiểu rõ họ không nên hút thuốc vì bên cạnh việc lãng phí tiền bạc, thuốc lá có thể giết chết họ, và người thân của họ có thể hít phải khói thuốc còn độc hại hơn trực tiếp hút thuốc. Nhưng về mặt cảm xúc, họ vẫn tiếp tục bật lửa đốt thuốc hút để có được cảm giác thư giãn hoặc tự chủ do việc hút thuốc mang lại. Nói một cách cụ thể hơn, có hai loại cảm xúc thường xuyên thúc đẩy bạn: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực.

Bất kể bạn làm điều gì thì cũng là vì bạn nghĩ nó sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc tích cực như vui vẻ, an lành, mạnh mẽ, thành công và tự do. Trong khi đó, bạn có khuynh hướng tránh xa những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, thất vọng, đau đớn về thể xác, mất mát hoặc bất an.

TẠI SAO CON NGƯỜI LẠI HÀNH XỬ NHƯ AMIP

Tôi còn nhớ những bài học về amip – cơ chế đơn bào – trong các giờ học về sinh học.

Khi bạn để thức ăn trước con amip, nó bắt đầu di chuyển về phía thức ăn. Khi bạn đặt một vật nóng ở gần, nó sẽ di chuyển khỏi nguồn nhiệt đó.

Nếu bạn đặt thức ăn ở một bên và vật nóng ở một bên, nó thậm chí còn tiến nhanh hơn về phía có thức ăn và càng lúc càng xa nguồn phát nhiệt. Điều này thì rõ như ban ngày, nhưng bạn nên nhận ra rằng con người chúng ta cũng hành xử y hệt như cách thức của con amip. Do đó, bạn cần phải biết cái gì là “thức ăn” lôi kéo bạn hành động, cái gì là “vật nóng” thúc đẩy bạn hành động.

Hãy nghĩ về tất cả những quyết định mà con người đưa ra. Chúng thật sự bị điều khiển bởi lý trí hay cảm xúc?

Tại sao con trai lớn lên cưới vợ, con gái lớn lên lấy chồng? Một mặt người ta đến với hôn nhân vì nghĩ cuộc sống gia đình sẽ giúp họ có được những cảm xúc tích cực, đó là mối tình thiên trường địa cửu, hạnh phúc dài lâu, sự đồng cam cộng khổ và cảm giác thoải mái bên người bạn đời. Đồng thời, cũng có những cặp trao nhẫn cho nhau bởi vì họ tin rằng sự kết hợp hai nửa của nhau sẽ giúp họ thoát khỏi cảm giác cô đơn, trống vắng, tuyệt vọng hay bất an.

Vậy tại sao lại có những người nhất quyết không bao giờ lấy chồng/lấy vợ? Đó là bởi vì đối với họ, hôn nhân mang một ý nghĩa khác hẳn. Họ nguyện sống độc thân suốt đời vì họ cho rằng hôn nhân là xiềng xích khiến họ mất hết tự do hạnh phúc. Họ tránh xa hôn nhân vì trong đời mình, họ thường gặp những cặp vợ chồng bất hạnh (có lẽ cha mẹ họ cũng là một sự kết đôi không trọn vẹn) nên họ tin rằng, bằng cách không gắn bó cuộc đời mình với ai đó qua tờ hôn thú, họ sẽ tránh được việc bị tước mất tự do, thoát được sự nhàm chán của đời sống hôn nhân, những cuộc cãi vã ngớ ngẩn và nỗi buồn bực của việc góp gạo thổi cơm chung.

Có phải con người ai cũng mong muốn cảm xúc tích cực và tìm cách tránh né cảm xúc tiêu cực không? Đúng thế. Tất cả chúng ta đều muốn được người khác nhìn nhận, được thành công, có một cuộc sống hạnh phúc, yên vui, thoải mái và không bị gò ép, câu thúc.

Cùng lúc đó, chúng ta sẽ làm tất cả để thoát khỏi cảm giác nhục nhã, xấu hổ, bị từ chối, buồn chán, đau đớn về thể xác và nghèo khó. Tuy vậy, trong tâm tư, mỗi người gán cho những cảm xúc nói trên một tầm quan trọng khác nhau.

SẮP XẾP THỨ TỰ ƯU TIÊN CHO CÁC “GIÁ TRỊ KÉO” VÀ “GIÁ TRỊ ĐẨY”

Từ cách đánh giá và hành xử thông thường của con người đối với hai loại trạng thái cảm xúc, những cảm xúc tích cực được định nghĩa là các “giá trị kéo”, bởi vì tất cả chúng ta đều bị “kéo” về hướng những cảm xúc đó. Ngược lại, những cảm xúc đau đớn mà ai cũng muốn tránh né được gọi là các “giá trị đẩy”.

Sau khi xác định các giá trị kéo và giá trị đẩy của mình, mỗi người sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng một cách khác nhau. Ví dụ, một số người coi trọng tình cảm hơn thành công, trong khi những người khác lại đặt thành công lên trên mọi thứ. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên này ảnh hưởng trực tiếp đến những lựa chọn của họ trong cuộc sống.

Hãy giả sử một người (tên Jeff) cho rằng tự do và vui thú là những giá trị mà mình hướng tới. Hãy so sánh anh ta với Sam, người lại đặt cảm giác an toàn và thoải mái lên hàng đầu. Thế họ có cư xử khác nhau và đưa ra những quyết định khác nhau không? Hẳn nhiên rồi. Liệu họ có cùng lựa chọn về nơi nghỉ mát không? Làm gì có chuyện đó. Jeff có thể sẽ đi leo núi trong khi Sam lại thích những tua du lịch văn hóa như đi thăm viện bảo tàng và dạo quanh các buổi triển lãm nghệ thuật.

Họ cũng sẽ sắm những chiếc xe hơi khác nhau, cưới những cô vợ có tính cách khác nhau và chắc chắn là làm những công việc không giống nhau. Jeff sẽ thích lái xe thể thao, trở thành một nhà đầu tư hoặc nhân viên bán hàng. Sam chắc hẳn sẽ thích sở hữu một chiếc xe Volvo và là một công chức mẫu mực.

Như bạn thấy đấy, cách bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những giá trị kéo tác động đến việc bạn đưa ra quyết định thế nào và kéo theo cách hành xử của bạn.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao cách thức sắp xếp các giá trị đẩy của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến những quyết định mà bạn đưa ra và những việc bạn làm. Chẳng hạn, nếu cô Sally coi việc bị từ chối là điều cần tránh xa hơn là sự cô đơn, điều đó có nghĩa là cô ấy cho rằng việc bị từ chối sẽ làm cô bị tổn thương nhiều hơn là cảm giác cô đơn trống vắng.

Nếu có cơ hội, thậm chí là cơ hội vàng, khi Sally gặp được Bạch Mã Hoàng Tử của mình, cô ấy sẽ không dám tiếp cận vì sợ nhận được câu trả lời, “Xin lỗi, anh không yêu em”. Mặc dù cô ấy cũng sợ tình cảnh cô đơn, suốt đời không có một người đàn ông bên cạnh nhưng nỗi đau khi bị từ chối đối với cô ấy lớn hơn nhiều so với nỗi đau của tình cảnh “đi sớm về khuya một mình”. Và thế là cô ấy sẽ chẳng dám làm gì để tiến đến gần người đàn ông trong mộng.

Đối với Christine thì mọi việc lại khác hẳn. Christine nghĩ nỗi cô đơn đáng sợ hơn cảm giác bị chối từ. Nói cách khác, Christine sợ nỗi đau của tình cảnh lẻ bóng hơn là cảm giác hụt hẫng khi bị từ chối. Nếu trong cùng một hoàn cảnh, Christine sẽ quyết định tiến một bước đến gần một người đàn ông nào đó, chấp nhận khả năng bị từ chối chứ không thúc thủ để rồi suốt đời chịu cảnh phòng không gối chiếc.

Vì thế, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần biết rõ giá trị kéo của mình là gì (những cảm xúc mà bạn muốn có được) và giá trị đẩy của mình là gì (những cảm xúc mà bạn muốn tránh xa).

NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG NÀY THÚC ĐẨY BẠN NHƯ THẾ NÀO…

Bây giờ chắc bạn có thể hiểu được lý do của những quyết định mà bạn đưa ra trong quá khứ. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra tại sao mình sống cuộc sống hiện tại, tại sao bạn đạt được hay không đạt được những mục tiêu đề ra.

Ví dụ, nếu bạn phát hiện rằng đối với bạn, sự tự do và vui thú có giá trị hơn nhiều so với những thành tích đạt được, điều này có thể giải thích tại sao bạn không tiến xa trong sự nghiệp. Đổi lại bạn có được mối quan hệ gắn bó sâu sắc với bạn bè, hơn những người có chí tiến thủ trên đường công danh.

Cũng vậy, một khi biết rõ các giá trị sống của mình, bạn sẽ hiểu được những giá trị ấy có giúp bạn tiến đến gần cuộc sống mà bạn khao khát không hay chúng chỉ gây trở ngại cho bạn trong việc đạt được mục tiêu.

Ở phần trước, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng, vấn đề đặt ra đối với đa số mọi người là họ không biết họ thật sự mong muốn điều gì trong cuộc sống. Thật ra, có nhiều người sống có mục đích rõ ràng hẳn hoi nhưng lại không hiểu tại sao mình chẳng có động lực tiến về mục tiêu đã định. Nguyên nhân là vì họ có thể biết mình muốn gì nhưng lại không hiểu rõ tại sao họ muốn thứ đó – họ không biết các giá trị thúc đẩy họ. Trong họ, không có đủ niềm đam mê và sự nhiệt thành để giúp họ một mực thẳng tiến theo con đường đã định. Và thế là họ sống trong nỗi thất vọng cho đến cuối đời.

TẠI SAO CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI LẠI GIỐNG NHƯ CHIẾC PHI THUYỀN KHÔNG GIAN

Dùng lối nói ẩn dụ thì cuộc đời của mỗi chúng ta cũng giống như chiếc phi thuyền không gian vậy. Khi bạn có một đích đến rõ ràng, bạn sẽ xác định được tọa độ hoặc hướng đi giúp bạn nhắm thẳng vào mục tiêu mà tiến, phóng lên Mặt Trăng hay sao Hỏa chẳng hạn. Nhưng bạn cần nhiên liệu (rất nhiều nhiên liệu) để phóng phi thuyền, đúng không?

Nếu không có nhiên liệu thì phi thuyền của bạn sẽ chẳng bao giờ bay đến đích. Nhiên liệu mà tôi nói đến ở đây chính là những giá trị trong cuộc sống của bạn. Đó là những cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực mà bạn đưa vào bảng thứ tự ưu tiên.

Điều bạn cần làm là tìm ra những “phím nóng” của bạn – những phím mà khi bạn nhấn vào, nó sẽ mồi lửa, châm ngòi cho những khát khao vươn lên… đúng như những gì đã xảy ra với bao người thành công vượt bậc khác.

Vì muốn tìm hiểu động lực thúc đẩy của những người bán bảo hiểm trong tốp 5% thành công ở Singapore, tôi đã phỏng vấn ba nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực này để hỏi xem họ đào đâu ra nguồn năng lượng và niềm đam mê công việc đến vậy.

BA NGƯỜI GIỎI NHẤT – MỖI NGƯỜI CÓ NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG KHÁC NHAU

Người phụ nữ đầu tiên cho biết: động lực thúc đẩy chị là tình yêu gia đình. Hàng ngày chị thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, sắp đặt lịch làm việc trong ngày, gọi các cuộc điện thoại và tuần tự hoàn tất mọi việc. Gia đình bao giờ cũng hiện diện trong tâm trí chị. Những ý nghĩ thường trực về gia đình không những không làm chị phân tâm trong công việc mà còn có tác dụng ngược lại. Chị luôn cảm thấy có động lực làm việc mỗi khi nghĩ rằng những công việc chị đang làm sẽ mang lại cho gia đình những thứ mà trước đó chị không thể mang lại. Giá trị gia đình, vì lẽ đó, đi đôi với mục tiêu thành công trong sự nghiệp của chị.

Người thứ hai mà tôi phỏng vấn là một người đàn ông. Với người này, gia đình không phải là động lực phấn đấu, mà chính men say chiến thắng khi vượt lên trên các đối thủ và trở thành người giỏi nhất mới là nguồn “nhiên liệu” của ông. Rõ ràng, người bán bảo hiểm hiếu thắng này rất coi trọng giá trị kéo – đạt được thành tích cao nhất. Cùng lúc đó, cảm giác đau đớn, hụt hẫng của người về nhì là thứ ông muốn tránh xa. Bạn có nhận thấy, tại sao ông lại tiến xa trên con đường sự nghiệp không? Vì rằng, tương tự như người phụ nữ trên, những giá trị thúc đẩy của người đàn ông này cũng trùng với mục tiêu nghề nghiệp của ông.

Nhân vật thứ ba lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Cô nói rằng, mỗi khi bán được một hợp đồng bảo hiểm, cô cảm thấy thật tuyệt vời bởi vì cô biết rằng mình vừa giúp mang lại sự an toàn cho một gia đình. Đồng thời, cô đâm ra lo lắng cho bất cứ khách hàng nào chưa được bảo hiểm đúng mức.

Cô cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm trong việc lo sao cho tất cả các khách hàng của mình đều được bảo hiểm đầy đủ trong trường hợp rủi ro. Hai giá trị kéo và đẩy này giục giã cô, xui khiến cô tiếp tục tiến về phía trước bất chấp việc phải lao động vất vả và có thể bị từ chối. Giống như hai đồng nghiệp nói trên, các giá trị sống của cô – “sự quan tâm và đóng góp cho xã hội” và “tạo sự khác biệt trong cuộc sống” – là những mũi tên chỉ cùng hướng với mục đích trong đời cô.

Khi tôi làm việc với những nhân viên bán bảo hiểm có thành tích dưới trung bình và không bao giờ đạt được chỉ tiêu đề ra, tôi phát hiện ra lý do là vì những giá trị sống của họ hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của họ.

Một người trong số đó cũng muốn trở thành người bán bảo hiểm hàng đầu. Thật không may, giá trị sống mà anh hướng tới nhất lại là sự tự do và vui thú. Hiển nhiên, khao khát tự do và được vui thú lấn át mục tiêu nghề nghiệp của anh. Đối với người này, sự tự do và thú vui có nghĩa là làm một việc gì đó có thể mang lại cho mình niềm vui chóng vánh, tạm bợ. Vì thế anh tối ngày chơi gôn và giao du với bạn bè, thay vì chăm chỉ phấn đấu cho mục tiêu của mình.

Trong khi đó, giá trị đẩy cao nhất của anh lại là cảm giác bị từ chối. Nỗi sợ bị từ chối khiến anh luôn trì hoãn không dám gọi điện cho những khách hàng tiềm năng. Anh ghét khi bị người ta nói “không” vào mặt. Vậy, bạn có thể hiểu được vì sao anh không đạt được mục tiêu “bán bảo hiểm giỏi nhất” của mình rồi đúng không? Quay lại với hình ảnh ẩn dụ về phi thuyền không gian, trường hợp của anh giống như một con tàu có đích đến là Mặt Trăng, nhưng động cơ phóng con tàu lại chỉ về hướng ngược lại.

KHÁM PHÁ CÁC GIÁ TRỊ KÉO CỦA BẠN

Đã đến lúc bạn cần tìm hiểu xem các giá trị kéo của bạn là gì. Đâu là những cảm xúc tích cực hướng dẫn bạn trong mỗi hành động và quyết định? Bạn có thể tìm ra câu trả lời bằng cách tự hỏi mình một trong ba câu hỏi sau.

Câu hỏi số 1

Điều gì quan trong nhất đối với bạn trong cuộc sống?

Hạnh phúc cá nhân? Gia đình? Sức khỏe? Tình yêu đôi lứa? Sự tự do? Sự an toàn?

Niềm vui? Danh tiếng? Được mọi người công nhận?

Xin ghi nhớ: Bạn cần khám phá ra những giá trị sống (trạng thái cảm xúc) quan trọng đối với bạn chứ không phải những vật thể nào đó. Nếu câu trả lời của bạn là “xe hơi” thì hãy tự hỏi chiếc xe đó mang lại cho bạn điều gì? Sự tiện nghi, uy thế hay quyền lực? Sau đó hãy viết ra những giá trị kéo này của bạn.

Hoặc

Câu hỏi số 2

Trạng thái cảm xúc tích cực nào mà bạn muốn đạt được nhất?

Bạn cũng có thể dùng những câu hỏi này để hiểu rõ hơn về các giá trị sống mà mình hướng tới.

Hoặc

Câu hỏi số 3

Hãy nghĩ về một thời điểm bạn có động lực để làm một việc gì đó. Trong thời điểm đó, bạn đang hướng tới cảm xúc tích cực nào?

Giả sử bạn từng có động lực tham gia vào một cuộc thi hùng biện hoặc tìm kiếm tài năng trẻ. Hãy tự hỏi, “Mình muốn có được trạng thái cảm xúc nào nhất khi làm việc này?”. Có phải là sự vui suống đi kèm với danh tiếng? Hay cảm giác đạt được một cái gì đó? Sự phát triển cá nhân hay chỉ là sự thỏa mãn thuẩn túy? Một lần nữa, những điều này sẽ giúp bạn tìm ra các giá trị kéo của bạn.

Nếu bạn đã sẵn sàng, tôi muốn bạn hãy lấy bút và dành ít nhất 10 phút để suy nghĩ về ba câu hỏi trên rồi viết ra bảy giá trị kéo quan trọng nhất của bạn.

Các giá trị kéo của tôi

1…………………………………………………………………………………………………………………..

2…………………………………………………………………………………………………………………..

3…………………………………………………………………………………………………………………..

4…………………………………………………………………………………………………………………..

5…………………………………………………………………………………………………………………..

6…………………………………………………………………………………………………………………..

7…………………………………………………………………………………………………………………..

GIÁ TRỊ TRUNG GIAN VÀ GIÁ TRỊ CUỐI CÙNG

Trong lúc suy ngẫm về các giá trị kéo, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa “giá trị trung gian” và “giá trị cuối cùng”. Giá trị cuối cùng là những trạng thái cảm xúc mà bạn mong muốn sở hữu như hạnh phúc, yêu thương, quyền lực và tự do. Giá trị trung gian là cầu nối dẫn bạn đến những giá trị cuối cùng. Một trong những ví dụ tiêu biểu về giá trị trung gian là tiền bạc.

Tiền bạc rõ ràng là một chủ đề chất chứa nhiều cảm xúc đối với hầu hết mọi người. Và hiển nhiên tiền bạc thúc đẩy con người hành động. Tuy vậy, những cá nhân khác nhau bị tiền bạc thúc đẩy vì những lý do khác nhau. Tiền bạc là giá trị trung gian bởi ai cũng muốn có tiền để đạt được những thứ mà tiền bạc mang lại cho họ. Tiền bạc là phương tiện giúp bạn đạt được mục đích cuối cùng. Một số người nghĩ rằng tiền bạc đem đến cho họ quyền lực, danh thế và tự do. Vậy thì quyền lực, danh thế và tự do là những giá trị chung cuộc mà họ theo đuổi.

Điều quan trọng là bạn cần biết được bạn thật sự theo đuổi cái gì. Có những người cố kiếm thật nhiều tiền vì nghĩ rằng đồng tiền sẽ mang lại cho họ hạnh phúc và tự do.

Nhưng rốt cuộc, khi họ đã có trong tay tất cả số tiền họ mong muốn, họ vẫn có cảm giác bị trói buộc bởi một cái gì đó và hạnh phúc thì dường như vẫn còn nằm ở chân trời nào xa lắm.

Gia đình cũng thuộc phạm trù giá trị trung gian. Nếu gia đình quan trọng đối với bạn thì hãy tự hỏi, “Gia đình mang lại cho mình cái gì?”. Gia đình có thể mang đến cho bạn vòng tay yêu thương của người thân, sự êm ấm dưới mái nhà của mình, cảm giác tự hào, sự an toàn, sự gắn bó giữa những người ruột thịt,… Hãy dành thời gian xem lại các giá trị kéo của bạn một lần nữa, xem thử nó có giúp bạn tìm được giá trị cuối cùng của bạn không. Hãy làm việc đó ngay bây giờ.

XẾP HẠNG CÁC GIÁ TRỊ KÉO CỦA BẠN

Bước tiếp theo trong việc làm rõ các giá trị kéo của bạn là xếp chúng theo thứ tự quan trọng giảm dần. Cách bạn xếp hạng hay đánh giá các giá trị kéo trong tâm trí sẽ quyết định cách bạn đưa ra các quyết định trong cuộc sống. Chẳng hạn với bạn, sức khỏe quan trọng hơn hay tiền bạc quan trọng hơn? Sự tự do quan trọng hay sự an toàn quan trọng? Thành công có quan trọng hơn tình yêu không?

Có một cách để đánh giá những điều này. Bạn hãy tự hỏi, “Trong tất cả những giá trị trên, nếu mình chỉ được chọn một, mình sẽ chọn giá trị nào?”.

Ví dụ, trong số những giá trị liệt kê phía dưới, nếu tình yêu là quan trọng nhất đối với bạn thì tình yêu sẽ nằm ở vị trí số một. Sau đó, bạn hãy đặt câu hỏi tương tự cho các giá trị còn lại, và cứ thế cho đến khi hoàn tất.

Các giá trị kéo của tôi (theo thứ tự)

1…………………………………………………………………………………………………………………..

2…………………………………………………………………………………………………………………..

3…………………………………………………………………………………………………………………..

4…………………………………………………………………………………………………………………..

5…………………………………………………………………………………………………………………..

6…………………………………………………………………………………………………………………..

7…………………………………………………………………………………………………………………..

Xin bạn nhớ rằng các giá trị kéo chỉ là một mặt của đồng tiền. Bạn cũng bị thúc đẩy khi đưa ra một quyết định nào đó, bởi vì não bộ của bạn muốn tránh xa những cảm xúc đau đớn.

Chẳng hạn, bạn làm việc hùng hục có thể là vì bạn không muốn bị sa thải để rồi phải lâm vào cảnh túng quẫn, khổ nhục. Bạn có thể trì hoãn việc gọi điện thoại cho khách hàng vì bạn muốn tránh việc bị “từ chối”. Vậy thì bây giờ chúng ta hãy cùng khám phá các giá trị đẩy của bạn nhé.

PHÂN TÍCH CÁC GIÁ TRỊ ĐẨY CỦA BẠN

Để tìm hiểu các giá trị đẩy của bạn, hãy trả lời một trong hai câu hỏi sau.

Câu hỏi số 1:

Bạn luôn làm mọi cách để né tránh cảm xúc tiêu cực nào nhất? Có phải là sự xấu hổ?

Hay cảm giác cô đơn, bị từ chối, tuyệt vọng, mất mát, đau đớn về thể xác, thất vọng, hay cảm giác tội lỗi?

Hoặc

Câu hỏi số 2:

Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn cảm thấy có động lực làm một việc gì đó, đó là vì bạn muốn tránh xa cảm xúc tiêu cực nào?

Giả sử có lần bạn làm việc rất hăng hái cho một dự án. Cảm xúc tiêu cực nào đã thúc đẩy bạn hoàn thành dự án đó? Có phải là nỗi sợ bị khiển trách (sợ nhục nhã, sợ bị từ chối) hay nỗi sợ không hoàn thành tốt công việc (sợ thất bại)?

Hãy chuẩn bị sẵn sàng và dành ra 10 phút để trả lời các câu hỏi trên rồi viết ra các giá trị đẩy của bạn ở khoảng trống phía dưới. Hãy trung thực với chính mình bạn nhé.

Các giá trị đẩy của tôi

1…………………………………………………………………………………………………………………..

2…………………………………………………………………………………………………………………..

3…………………………………………………………………………………………………………………..

4…………………………………………………………………………………………………………………..

5…………………………………………………………………………………………………………………..

6…………………………………………………………………………………………………………………..

7…………………………………………………………………………………………………………………..

Xếp hạng các giá trị đẩy của bạn

Bây giờ, bạn hãy đánh số thứ tự cho những giá trị đẩy này từ 1 đến 7. Bạn hãy tự hỏi, “Trong tất cả những giá trị đẩy được nêu ra, tôi muốn né tránh giá trị nào nhất?”.

Nếu cảm giác bị khước từ là điều bạn sợ hãi nhất thì nó sẽ đứng đầu danh sách. Sau đó, bạn xem lại những giá trị đẩy còn lại, trả lời lại câu hỏi đó và đánh số tiếp theo cho đến hết.

Các giá trị đẩy của tôi (theo thứ tự)

1…………………………………………………………………………………………………………………..

2…………………………………………………………………………………………………………………..

3…………………………………………………………………………………………………………………..

4…………………………………………………………………………………………………………………..

5…………………………………………………………………………………………………………………..

6…………………………………………………………………………………………………………………..

7…………………………………………………………………………………………………………………..

ĐỊNH NGHĨA CÁC GIÁ TRỊ SỐNG

Trong thực tế, hai người có thể có cùng bảng giá trị sống nhưng vẫn có những quyết định và cách hành xử khác nhau. Đó là vì họ có cách định nghĩa khác nhau về cùng một giá trị sống.

Mỗi người chúng ta định nghĩa các giá trị sống rất khác biệt. Thành công có thể có ý nghĩa A đối với người này và ý nghĩa B đối với người kia. Điều này tùy thuộc vào mối liên kết giữa một trạng thái cảm xúc với một ý nghĩa nào đó trong hệ thần kinh của bạn. Chỉ khi nào bạn tìm được định nghĩa sáng tỏ về các giá trị sống của mình, những “phím nóng” của bạn mới lộ ra.

Bạn có nghĩ rằng ca sĩ Madonna và Mẹ Theresa có cùng giá trị kéo là “thành công” không? Có thể lắm chứ. Nhưng sao chuyện đó lại xảy ra được? Họ là hai con người khác nhau như nước với lửa, với những niềm tin khác nhau một trời một vực kia mà? Đó là vì cách định nghĩa về thành công của họ hoàn toàn khác nhau.

Với Madonna, thành công có nghĩa là lôi cuốn hàng triệu trái tim bằng lời ca tiếng hát của mình. Mặc dù lúc sinh thời, Mẹ Theresa có thể cũng đặt thành công ở thứ hạng cao, định nghĩa của bà về thành công lại có nghĩa là cứu đói cho 10 triệu trẻ em nghèo. Trên cơ sở định nghĩa đó, họ đưa ra những lựa chọn khác nhau trong cuộc sống và gặt hái những thành quả khác nhau. Và cả hai đều thành công? Đúng thế, theo chính định nghĩa về thành công của họ.

Câu chuyện về hai cậu bé: Tính cách khác nhau nhưng có cùng các giá trị sống!

Trong quá trình huấn luyện sinh viên học sinh, tôi thường tự hỏi tại sao em này có động cơ học tập tốt và trở thành học sinh dẫn đầu còn em kia chỉ muốn đàn đúm, bắt nạt bạn học. Phải chăng chúng có những giá trị sống khác nhau?

Tôi bắt đầu tìm ra câu trả lời khi tôi gặp hai cậu con trai, hoàn toàn trái ngược về tính cách, trong một khóa học. Sau đó, tôi được biết rằng cả hai em đều đưa việc “trở nên quan trọng” lên hàng đầu trong bảng giá trị kéo và đều xếp “bị từ chối” vào vị trí số một trong danh sách giá trị đẩy. Vậy tại sao chúng lại có những hành vi khác hẳn nhau?

Tôi phát hiện ra cậu bé thứ nhất kết hợp việc học tập với cảm giác “mình là người quan trọng”. Khi cậu đạt điểm 10, cậu nhận được rất nhiều lời khen và phần thưởng từ thầy cô, cha mẹ. Khát vọng trở thành người quan trọng tiếp tục thúc đẩy cậu mỗi ngày một tiến xa hơn và trở thành học sinh xuất sắc toàn trường. Đồng thời, tâm trí cậu cũng liên kết việc lười học với cảm giác bị từ chối. Cậu cảm thấy rằng nếu cậu không đạt điểm 10 tuyệt đối, mọi người sẽ không còn ngưỡng mộ cậu và cậu sẽ có cảm giác mình bị phủ nhận.

Còn với cậu bé kia, mối liên kết mà cậu xác lập giữa việc trở nên quan trọng và việc bị từ chối đảo ngược hoàn toàn. Cậu cảm thấy mình quan trọng khi trở thành đại ca và được đàn em ngưỡng mộ như “người hùng” khi cậu dám đứng ra thách thức kỷ luật nhà trường. Cậu cảm thấy mình oai ghê gớm mỗi khi bắt nạt mấy đứa bạn yếu ớt. Trong khi ấy, đứa trẻ thứ hai này liên kết cảm giác bị từ chối với việc học tập. Tại sao? Bởi vì cậu toàn xơi trứng ngỗng nên luôn có cảm giác bị thầy cô ghét bỏ. Cậu đứng đầu một nhóm tự hào về văn hóa “dẹp việc học sang một bên” và tẩy chay tất cả những con “mọt sách”.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang phân tích cách thức định nghĩa các giá trị sống trong não bộ của bạn, bởi vì não bộ của bạn bao giờ cũng là nơi quyết định việc bạn sẽ hướng đến các giá trị kéo nào và tránh xa các giá trị đẩy nào.

ĐỊNH NGHĨA CÁC GIÁ TRỊ KÉO VÀ GIÁ TRỊ ĐẨY CỦA BẠN

Bây giờ, tôi đề nghị bạn hãy thành thật với bản thân và tập trung suy nghĩ về cách bạn định nghĩa các giá trị sống của bạn. Bằng cách trả lời câu hỏi, “Điều gì cần xảy ra để mình cảm thấy ___(giá trị của bạn) ___?”, hãy đưa ra định nghĩa về cả giá trị kéo lẫn giá trị đẩy của bạn.

Giả sử “thành công” là giá trị kéo cao nhất của bạn. Vậy thì đối với bạn, thế nào mới được gọi là thành công? Bạn càng định nghĩa rõ ràng cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Liệu điều này có nhất thiết là những người xung quanh bạn phải công nhận sự thành công của bạn? Hay bạn phải kiếm được 500 triệu đồng một năm? Hay bạn phải lái chiếc Ferrari?

Còn “hạnh phúc” thì sao? Làm thế nào để bạn cảm thấy hạnh phúc? Đối với một số người, hạnh phúc được xác định như sau, “Mọi chuyện phải diễn ra theo đúng ý tôi”. Thế còn định nghĩa của bạn? Hãy viết ra định nghĩa về các giá trị kéo của bạn nhé.

Giá trị kéo Định nghĩa (Điều phải xảy ra)

1…………………………………………………………………………………………………………………..

2…………………………………………………………………………………………………………………..

3…………………………………………………………………………………………………………………..

4…………………………………………………………………………………………………………………..

5…………………………………………………………………………………………………………………..

6…………………………………………………………………………………………………………………..

7…………………………………………………………………………………………………………………..

Tương tự, hãy nhìn vào bảng giá trị đẩy của bạn. Nếu “bị từ chối” là điều mà bạn muốn tránh nhất thì chuyện gì xảy ra sẽ khiến bạn có cảm giác này? Bạn có cảm thấy bị chối bỏ khi ai đó phản bác ý kiến của bạn không? Hoặc khi ai đó không muốn mua hàng của bạn?

Thế còn “thất bại” thì sao? Chuyện gì sẽ khiến bạn có cảm giác mình thất bại? Bạn có cảm giác bại trận khi không đạt được mục tiêu đã định không? Hãy viết ra những gì bạn nghĩ về các giá trị đẩy của bạn ngay bây giờ.

Giá trị đẩy Định nghĩa (Điều phải xảy ra)

1…………………………………………………………………………………………………………………..

2…………………………………………………………………………………………………………………..

3…………………………………………………………………………………………………………………..

4…………………………………………………………………………………………………………………..

5…………………………………………………………………………………………………………………..

6…………………………………………………………………………………………………………………..

7…………………………………………………………………………………………………………………..

CÁC GIÁ TRỊ SỐNG CỦA BẠN THỂ HIỆN CON NGƯỜI BÊN TRONG BẠN

Tuyệt lắm! Vậy là bạn đã biết các giá trị kéo và giá trị đẩy của mình, với thứ hạng cụ thể và định nghĩa rõ ràng. Bây giờ đến đoạn thú vị nhất đây.

Tôi muốn bạn đặt các giá trị sống của bạn cạnh nhau và ngay trước mặt để phân tích chúng. Các giá trị này có giải thích tại sao bạn lại đưa ra những quyết định trong quá khứ không? Chúng có giúp bạn hiểu được lý do đằng sau một cách hành xử nhất định của bạn không?

Nếu bạn đạt được những thành tích nào đó, các giá trị của bạn có lý giải được điều đó không? Quan trọng hơn, nếu bạn thất vọng vì không đạt được kết quả mong muốn hoặc mục tiêu đề ra, những giá trị ấy có góp phần làm sáng tỏ lý do không?

Ngoài ra, những giá trị này có giải thích được các quyết định của bạn trong sự nghiệp? Đối với gia đình? Về tình trạng sức khỏe của bạn? Trong các mối quan hệ cá nhân? Hãy dành thời gian cần thiết để viết ra những khám phá của mình nhé!

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

CÁC GIÁ TRỊ SỐNG CỦA BẠN CÓ NGẦM PHÁ HOẠI THÀNH CÔNG CỦA BẠN KHÔNG?

Quan trọng hơn cả, tôi muốn bạn kiểm tra xem các giá trị sống của bạn có phá hoại thành công của bạn không? Cách bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các giá trị hoặc định nghĩa chúng có mâu thuẫn với mục tiêu của bạn không? Liệu chúng có giúp bạn thực hiện ước mơ của mình không?

Nếu bạn cứ loay hoay mãi mà vẫn không đạt được kết quả mong muốn trong bất kỳ lĩnh vực cuộc sống nào, bạn cần tìm hiểu xem các giá trị của bạn có cản trở bạn không. Cho phép tôi kể bạn nghe vài câu chuyện mà tôi mắt thấy tai nghe nhé.

Một kế toán viên đầy tham vọng với những giá trị sống mâu thuẫn

Một lần tôi có cơ hội làm việc với một kế toán viên (ta cứ gọi là Alan cho tiện). Alan nuôi những ước mơ đẹp và những kế hoạch vĩ đại về việc xây dựng công ty riêng của mình. Tuy vậy, anh không kiếm được nhiều hợp đồng cho công ty hiện tại và cảm thấy tuyệt vọng, ngán ngẩm cho bản thân.

Khi tôi phân tích bảng giá trị sống của Alan, tôi phát hiện giá trị kéo cao nhất của anh là “thành công” (với định nghĩa: khi tôi đạt được mục tiêu của mình). Đó là lý do tại sao anh muốn thành lập công ty đến thế. Thật đáng tiếc, giá trị đẩy cao nhất của anh lại là cảm giác “bị từ chối” và “thất bại”. Anh cảm thấy bị ruồng rẫy, hắt hủi mỗi khi có ai đó phủ nhận ý kiến của anh hoặc từ chối dịch vụ mà anh cung cấp. Anh cũng định nghĩa thất bại là “khi tôi không đạt được mục tiêu của mình”.

Bạn có thấy điều gì mâu thuẫn ở đây không? Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Alan không thể đạt được mục tiêu đề ra. Một mặt, anh muốn thành công bằng việc có được nhiều đơn đặt hàng để đạt chỉ tiêu về doanh thu. Nhưng anh lại chẳng có bất cứ động thái nào để thu hút khách hàng hoặc đưa ra ý tưởng sáng tạo nào trong kinh doanh, bởi vì anh sợ bị từ chối và sợ thất bại. Vì thế lúc nào anh cũng có cảm giác bị mắc kẹt vào một chỗ và thất vọng não nề.

Nếu Alan không thay đổi các giá trị sống của mình cho phù hợp với mục tiêu đề ra, anh sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình mong muốn cả.

Mâu thuẫn giữa các giá trị sống của người kế toán

Có phải sự phát triển tinh thần không đồng hành với việc kiếm tiền?

Sau đó có một phụ nữ tìm đến khóa học của tôi và khám phá rằng có vẻ như hai giá trị kéo hàng đầu của chị mâu thuẫu với nhau và do đó, kiềm hãm bước tiến của chị. Giá trị cao nhất của chị là sự phát triển tinh thần. Giá trị thứ hai là tiền bạc. Vì thế, mỗi khi chị làm việc cật lực để kiếm tiền, chị lại cảm thấy như mình có tội, bởi vì chị cho rằng việc kiếm tiền làm giảm tinh thần của chị. Cuối cùng, chị cho rằng tinh thần chị không phát triển bao nhiêu mà tiền bạc cũng chẳng có nhiều.

Tình yêu và sự tự do có đối lập nhau?

Một chàng trai phát hiện lý do tại sao những mối tình của mình thường chết yểu. Giá trị kéo số một của anh là tình yêu (với anh, tình yêu nghĩa là có mối quan hệ bền vững với người khác phái). Mặt khác, sự tự do lại đứng thứ hai kế sau đó (anh định nghĩa tự do nghĩa là không bị ai vặn vẹo hỏi han và muốn làm gì thì làm).

Mỗi khi cô đơn, anh lại bị thúc đẩy bởi cảm giác muốn duy trì một mối quan hệ nào đó (do nhu cầu yêu và được yêu). Nhưng đến lúc anh có được mối quan hệ ổn định với người bạn gái thì anh lại cảm thấy mình bị tước hết tự do, thế là một cách vô thức, anh lại phá hoại mối quan hệ mà anh vừa cất công xây đắp kia, để trở về tình trạng đơn thân nhưng được tự do hơn. Kết quả là các mối quan hệ yêu đương của anh chỉ mặn nồng được 3 – 4 tháng. Theo cách ấy, chàng trai này đã để cho hai giá trị kéo cao nhất khiến anh khổ sở.

Như bạn có thể thấy, việc bạn sắp xếp các giá trị sống của bản thân có tác dụng thúc đẩy bạn hoặc giới hạn bạn. Quan trọng hơn, bạn cần định nghĩa các giá trị sống một cách đúng đắn và phù hợp.

Hạnh phúc nghĩa là mọi việc xảy ra theo ý muốn

Tôi gặp một người phụ nữ trong khóa đào tạo mà tôi tổ chức, chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể nhận ra ngay, cô không hạnh phúc với cuộc sống. Cô thường chau mày ủ dột và dường như luôn gặp vấn đề rắc rối với những người xung quanh. Khi đến phần học về giá trị sống, cô xếp hạnh phúc là giá trị kéo số một của mình.

Chắc bạn cũng nghĩ đơn giản là cô luôn muốn được hạnh phúc. Tuy nhiên, định nghĩa hạnh phúc của cô lại là “tất cả mọi việc phải xảy ra theo đúng ý tôi”. Với một định nghĩa như vậy, rõ ràng, cô luôn sống trong nỗi thất vọng và đau khổ. Cô chưa bao giờ cảm thấy thật sự mãn nguyện hoặc vui sướng cả! Chính điều này đã ngăn cản cô có những hành động cần thiết để xây dựng mối quan hệ với mọi người và theo đuổi mục tiêu của mình.

BẠN CÓ XẾP VIỆC BỊ TỪ CHỐI VÀO BẢNG GIÁ TRỊ KÉO CỦA MÌNH KHÔNG?

Một lần nữa, cách bạn định nghĩa cảm giác “bị từ chối” có thể tạo điều kiện cho bạn hoặc trói buộc bạn. Tôi tin là hầu hết mọi người đều làm bất cứ điều gì để tránh việc bị người khác từ chối, phủ nhận hoặc ruồng bỏ. Tuy nhiên trong thực tế, những người hành động để đạt mục tiêu có khuynh hướng định nghĩa việc “bị từ chối” khác hẳn những người khác.

Nếu bạn cảm thấy bị từ chối, bất cứ khi nào có ai đó phản đối ý kiến của bạn thì có vẻ như bạn chẳng bao giờ dám mạo hiểm trong cuộc sống. Bạn sẽ tránh những hành động liều lĩnh, tránh đề nghị những ý tưởng mới và tránh việc gặp gỡ khách hàng mới vì nỗi sợ bị từ chối rất mạnh trong bạn.

Thế bạn có nghĩ George W Bush, Cựu Tổng thống Mỹ, thuộc tuýp người sợ bị từ chối không? Tôi chắc ông ấy là người như vậy. Nhưng có thể ông chỉ cảm thấy như vậy, khi có hơn một nửa số người xung quanh ông bác bỏ đề xuất của ông.

Thậm chí khi một nửa số người Mỹ bỏ phiếu chống lại ông và một nửa thế giới lên án ông vì ông ra lệnh tấn công Iraq, ông vẫn thẳng tiến về phía trước bởi vì đối với ông, như thế vẫn chưa đủ “đô” để cảm thấy mình bị phản đối. Ông không bận tâm đến việc hàng triệu người bất đồng với chính sách của mình và tiếp tục thực hiện nó bằng mọi cách.

Một mâu thuẫn tiềm tàng khác, nằm ở cách bạn định nghĩa về thất bại. Nếu thất bại là mục quan trọng nhất trong các giá trị đẩy của bạn, nó sẽ ngăn cản bạn trong việc đề ra mục tiêu và bắt tay vào hành động. Chuyện gì xảy ra mới khiến bạn có cảm giác mình là kẻ bại trận? Đa số mọi người có cảm giác này khi họ không chạm tới mức đã vạch ra. Kết quả là họ không dám đặt mục tiêu phấn đấu và thực hiện nó vì làm như vậy có nghĩa là họ đánh liều với cảm giác mà họ muốn tránh nhất: sự thất bại! Phương châm của họ là, “Nếu tôi không cố gắng làm bất cứ việc gì thì tôi đâu có thất bại”.

THAY ĐỔI GIÁ TRỊ SỐNG, THAY ĐỔI CUỘC SỐNG!

Nếu bạn phát hiện ra những giá trị sống của bạn không được sắp xếp hoặc định nghĩa theo cách hữu ích giúp bạn vươn lên thì đã đến lúc bạn nhận trách nhiệm tái thiết kế chúng.

Khi bạn thay đổi các giá trị sống của người khác, bạn sẽ lập tức thay đổi cách họ đưa ra quyết định, cách hành xử và cuối cùng là tương lai của họ. Ta có thể làm phép thử với một người bằng cách hoán đổi giá trị cao nhất (sự an toàn) với giá trị thấp nhất (sự tự do) của anh ta để xem chuyện gì sẽ xảy ra nhé.

Làm như vậy tức là bạn đã thay đổi hoàn toàn quá trình đưa ra quyết định và hướng đi trong đời anh ta. Từ việc mãn nguyện với một công việc suôn sẻ, mang lại cảm giác an toàn trong một công ty lớn, anh ta có thể đột ngột quyết định ra làm ăn riêng và bắt đầu công việc kinh doanh của mình.

Bạn cần nhớ rằng những giá trị sống mà bạn sở hữu ngày hôm nay không phải là kết quả của những lựa chọn có ý thức mà bạn thực hiện ngày hôm qua. Bạn chưa bao giờ lựa chọn những giá trị hiện tại của mình một cách có ý thức cả. Sở dĩ bạn có được những giá trị đó là do yếu tố tác động từ hoàn cảnh môi trường, cùng những con người có ý nghĩa trong cuộc đời bạn.

Nếu bạn sinh trưởng trong một gia đình nơi tình yêu và mối quan hệ thân tình được đánh giá cao hơn thành công và những gì gặt hái được, bạn sẽ có khuynh hướng trân trọng những giá trị này và biến nó thành của mình một cách vô thức. Bạn đón nhận những giá trị này để hòa nhập vào xã hội và được mọi người xung quanh chấp nhận. Các giá trị sống của bạn cũng có thể đến từ bè bạn, thầy cô, đồng nghiệp và xã hội nói chung.

Vấn đề chỉ nảy sinh khi bạn có những giá trị sống không hòa hợp với nhau hoặc không giúp bạn có được một cuộc sống tốt đẹp và trọn vẹn.

Và vào lúc này, bạn có lựa chọn bắt đầu thiết kế các giá trị sao cho chúng trở thành động lực giúp bạn tận dụng tiềm năng tốt nhất.

Vì thế tôi muốn bạn hãy trả lời câu hỏi này, “Các giá trị sống của tôi cần được thay đổi như thế nào để chúng trở thành đòn bẩy giúp tôi đạt được mục đích cuối cùng?”, “Tôi sẽ định nghĩa các giá trị sống như thế nào để chúng tiếp thêm sức mạnh giúp tôi hành động?”. Nào bạn hãy lấy bút và đầu tư thời gian vào hoàn thành bài tập tiếp theo nhé.

Các giá trị mới của tôi

Giá trị kéo

Định nghĩa

Giá trị đẩy

Định nghĩa

1………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

2………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

3………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

4………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

5………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

6………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

7………………………………………………

………………………………………….

…………………………………………

…………………………………………

Ví dụ, nếu thành công hiện được đánh giá là giá trị kéo cao nhất của bạn còn sức khỏe thì thậm chí không có trong danh sách, điều đó chắc chắn giải thích tại sao bạn bao giờ cũng ngại đến phòng tập thể dục và viện cớ không có thời gian. Nếu bạn nhận ra rằng mình cần năng lượng và sinh lực để có được những gì mình muốn, bạn có thể đưa sức khỏe vào danh sách các giá trị kéo của mình.

Ví dụ, nếu thành công hoặc tiền bạc hiện là giá trị hàng đầu đối với bạn trong khi gia đình được xếp đâu đó cuối bảng, tôi dám chắc là thậm chí vào ngày sinh nhật của người bạn đời, bạn sẽ vẫn ngồi trong phòng làm việc gọi điện về bảo, “Cưng ơi, chúng ta sẽ ăn mừng sinh nhật vào dịp khác vậy nhé”.

Hoặc giả bạn sẽ nhờ cô thư ký đi mua dùm một món quà thật to và một tấm thiệp cho nàng thay vì đích thân làm việc đó. Tuy vậy, nếu bạn thật sự muốn nuôi dưỡng mối quan hệ vợ chồng nồng thắm và lâu bền, bạn phải thay đổi thôi. Bạn phải đưa gia đình lên một thứ bậc cao hơn, thậm chí còn hơn cả tiền tài, sự nghiệp nữa.

Clinton hoãn việc chạy đua vào Nhà Trắng… để lo cho con gái ông, Chelsea (giá trị kéo cao nhất của ông vào thời điểm đó)

Bill Clinton có thể đã ứng cử Tổng thống sớm hơn bốn năm nếu ông và bà Hillary không quyết định rằng cô con gái cưng của họ, Chelsea, vẫn còn quá nhỏ để bị tiếp cận với những khía cạnh xấu xa của chính trị, vả lại cô cũng cần có cha mẹ bên cạnh. Khi còn làm thống đốc, Clinton thậm chí còn bố trí một bàn làm việc nhỏ cho Chelsea trong văn phòng của mình để ông có thể ở bên cạnh con mỗi ngày.

Clinton lựa chọn như thế sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và không phải là không miễn cưỡng, nhưng phần thưởng của họ khi được nhìn thấy đứa con gái yêu lớn lên thành một thiếu nữ tuyệt vời có giá trị hơn tất cả những điều khác.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại với người kế toán phải đương đầu với nhiều mâu thuẫn vì những giá trị hàng đầu của anh đang “cắn xé” lẫn nhau. Chẳng là giá trị kéo thứ nhất (thành công) lại mâu thuẫn với giá trị đẩy thứ nhất (nỗi sợ bị chối từ). Như vậy từ kinh nghiệm của người này, có lẽ bạn nên đổi giá trị “bị từ chối” xuống thứ hạng thấp hơn trong bảng giá trị đẩy của mình.

THAY ĐỔI ĐỊNH NGHĨA CÁC GIÁ TRỊ SỐNG ĐỂ TẠO RA BƯỚC CHUYỂN LỚN TRONG CUỘC SỐNG

Ngoài việc thay đổi thứ hạng của các giá trị, thay đổi cách định nghĩa các giá trị cũng tạo ra tác động rất lớn trong cuộc sống của bạn.

Nếu hiện bạn cho rằng “thất bại” là “không đạt được mục tiêu”, bạn có thể định nghĩa lại, sao cho nó thúc đẩy bạn hành động chứ không phải ngăn bạn có những việc làm tích cực.

Tôi có một phát hiện rằng, những người thành công có khuynh hướng định nghĩa thất bại là “khi tôi bỏ cuộc”. Nói cách khác, nếu họ không đạt được mục tiêu, họ không cảm thấy đó là thất bại. Đối với họ, chừng nào họ còn tiếp tục làm việc tiến tới mục tiêu và không bỏ cuộc thì họ không hề thất bại. Chính vì ý nghĩ như vậy mà họ luôn nhắm đến mục tiêu mà tiến tới. Bạn có nghĩ đó là một cách hữu dụng để định nghĩa sự thất bại không?

Tôi thì định nghĩa thất bại là “không làm hết sức mình”. Và bởi vì tôi ghét thất bại (nó đứng đầu bảng giá trị đẩy của tôi), tôi bao giờ cũng có động cơ làm việc hết mình.

Bây giờ ta hãy bàn về người phụ nữ thoạt đầu có định nghĩa rằng, “hạnh phúc có nghĩa là mọi thứ xảy ra theo đúng ý tôi” và rốt cuộc chỉ cảm thấy khốn khổ. Do đó, cô ấy cũng nghĩ mình phải có một định nghĩa khác về hạnh phúc.

Khi cô khẳng định, “Tôi hạnh phúc khi tôi sống theo các nguyên tắc của mình”, mọi việc thật sự thay đổi. Thật kỳ diệu. Ngay khi cô đi tới một định nghĩa đúng đắn và viết nó ra giấy, dường như gánh nặng được nhấc khỏi đôi vai cô. Khuôn mặt cô rạng rỡ hẳn lên, cô mỉm cười và thậm chí còn nhận xét rằng cô cảm thấy lâng lâng bay bổng nữa. Đó chính là sức mạnh của việc thay đổi giá trị sống!

Nếu việc bị từ chối cũng là một trong những giá trị đẩy của bạn, có thể bạn cũng muốn thay đổi ý nghĩa của cảm giác này. Ở phần trước, chúng ta đã nói rằng nếu bạn thuộc loại người cảm thấy mình bị bác bỏ ngay khi thấp thoáng thấy tín hiệu “không” xuất hiện, bạn sẽ không hành động vì sợ rằng mình bị từ chối, phủ nhận và do đó, cảm thấy thất vọng, tồi tệ.

Có lẽ bây giờ bạn nên quyết định rằng như vậy là quá yếu ớt. Bạn cần phải cứng cỏi hơn. Bạn chỉ cảm thấy bị từ chối khi có hơn một nửa số người nói “không” với bạn hoặc phản bác ý kiến của bạn. Nếu được vậy thì quả thật bạn khó mà cảm thấy mình là kẻ bị người ta từ chối. Một định nghĩa về sự từ chối như thế sẽ không ngăn cản bạn khỏi việc hành động.

ÍCH LỢI TO LỚN CỦA GIÁ TRỊ ĐẨY

Bạn cần hiểu rằng, bên cạnh các giá trị kéo, các giá trị đẩy cũng có sức mạnh to lớn giúp bạn vươn tới mục tiêu. Trong thực tế, đa số mọi người có nhiều động lực hơn nhờ vào nhu cầu muốn tránh xa nỗi đau hơn là muốn nhận được niềm vui. Chẳng hạn, nhiều người chịu bỏ thời gian làm việc ngoài giờ vì họ sợ bị đuổi việc hơn là muốn có cơ hội thăng tiến.

Ví dụ, nếu giá trị đẩy cao nhất của bạn là “thất bại” (theo cách hiểu là bỏ cuộc), nó sẽ khiến bạn liên tục hành động cho đến khi bạn thành công. Trở lại định nghĩa của tôi rằng thất bại là “không làm hết sức mình”, giá trị đẩy này đã thúc đẩy tôi làm việc cật lực, lúc nào cũng vậy.

Vì thế, “thất bại” với tư cách là một giá trị đẩy, thật sự sẽ là một lực đẩy rất mạnh giúp bạn tiến nhanh về phía trước, nếu bạn định nghĩa nó một cách đúng đắn.

Nếu trong danh mục giá trị đẩy của bạn có “sự nhàm chán”, thì đó cũng là một giá trị đẩy hữu ích vì nó có tác dụng thường xuyên thúc đẩy bạn làm một điều gì mới mẻ hơn, nghĩ ra những công việc mới hoặc những ý tưởng sáng tạo.

Cũng như với giá trị kéo, việc thay đổi thứ hạng các giá trị đẩy hoặc thay đổi định nghĩa của chúng có thể mang lại nhiều lợi ích hoặc có thể rất tai hại. Một trong những giá trị đẩy của tôi là “cảm giác không chắn chắn”. Do đó, mỗi khi có một vài phần trăm không bảo đảm về kết quả cuối cùng, như trong dự án mới chẳng hạn, tôi lại đâm lo lắng là sẽ có gì không ổn xảy ra. Lúc đầu, tôi nghĩ đó không phải là kiểu nghĩ có lợi cho tôi bởi vì tôi ghét ở trong tâm trạng lo lắng. Thế là tôi quyết định loại bỏ nó.

Điều mà tôi đã không nhận ra là giá trị đẩy đó đã giúp tôi có động lực làm việc và hoạch định mọi việc đến từng chi tiết nhỏ nhằm đảm bảo 100% thành công. Và đó là lý do tại sao mọi dự án của tôi đều xuôi chèo mát mái.

Thế nên, khi tôi bỏ giá trị đẩy “cảm giác không chắn chắn” này ra khỏi danh sách, tôi thôi không quan tâm nhiều đến việc đảm bảo mọi thứ cho tốt nữa, và thay vào đó là suy nghĩ, “Rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy”. Bởi thế, mọi việc bắt đầu rối tinh rối mù cả lên!

Nhận ra điều này, tôi nhanh chóng đưa “cảm giác không chắn chắn” trở lại danh sách giá trị đẩy của mình. Thật là một bài học đáng giá!

TẠO RA ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ

Một trong những cách thức mạnh mẽ nhất để thiết kế các giá trị sống của bạn là việc tạo ra cả lực kéo lẫn lực đẩy về phía mục tiêu cuộc đời bạn. Chuyện này cũng giống như việc đặt thức ăn ở một bên và vật phát nhiệt ở đầu bên kia để hướng con amip đi về một hướng.

Bạn làm việc này như thế nào? Đơn giản bằng cách sắp xếp các giá trị kéo và giá trị đẩy của bạn sao cho chúng có tác dụng cộng hưởng cùng đẩy bạn đi theo một hướng. Sau đây là một vài cách thiết kế các giá trị sống nhằm thúc đẩy bạn đi tới.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÀI ĐẶT CÁC GIÁ TRỊ SỐNG MỚI

Bây giờ, khi bạn đã có ý thức thiết kế lại các giá trị sống của mình, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đưa các giá trị này vào “hoạt động” để chúng trở thành một mô thức mới trong cách suy nghĩ và hành xử của bạn?

Điều đầu tiên bạn cần hiểu là các giá trị sống của bạn thay đổi mỗi khi bạn trải qua những kinh nghiệm có tác động mạnh đến cảm xúc của bạn, cả tiêu cực lẫn tích cực.

Ví dụ, bạn thử nghĩ xem, việc sinh một đứa con sẽ ảnh hưởng đến giá trị của hầu hết các ông bố bà mẹ trẻ ra sao? Rất có thể đối với họ, tình yêu và gia đình đột nhiên vượt lên dẫn đầu bảng xếp hạng các giá trị.

Một ví dụ khác, tôi có một người bạn, sau khi anh ấy lên cơn đau tim và suýt nữa thì cả mạng sống cũng không giữ được, đã có sự thay đổi lớn trong các giá trị của anh. Bất thình lình, “sức khỏe” và “tình yêu thương” trở thành những giá trị kéo cao nhất. Vì thế, bạn sẽ cài đặt được các giá trị mới vào hệ thần kinh của mình bằng cách nạp năng lượng cảm xúc mạnh mẽ cho chúng. Có bốn bước cài đặt các giá trị sống của bạn.

Bước một là bạn phải cam kết sống có ý thức theo những giá trị mới này. Một khi bạn bắt đầu đưa ra những quyết định mới dựa trên các giá trị mới một cách có nhận thức, tâm trí bạn sẽ liên kết các giá trị ở mức độ vô thức và hình thành cách suy nghĩ mới và lối sống mới.

Vì thế, đâu cần phải trì hoãn việc thay đổi các giá trị cho đến khi bạn trải nghiệm một biến cố cảm xúc quan trọng nào đó – nếu đợi như thế có thể sẽ quá trễ. Không phải ai cũng hồi phục sau cơn đau tim hoặc bệnh ung thư đâu.

1. Cam kết sống theo các giá trị mới

Bước đầu tiên là đưa ra cam kết với bản thân mình (bạn hiểu điều này có ý nghĩa gì phải không?) và một cam kết công khai. Hãy tìm đến ít nhất 5 người mà bạn quen thân và nói với họ rằng bạn cam kết sống theo những giá trị mới này. Khi đã đặt mình vào tình thế này, bạn buộc phải giữ lời hứa.

Viết ra ít nhất 5 người mà bạn sẽ cho họ biết về cam kết của mình.

a…………………………………………………………………………………………………………………..

b…………………………………………………………………………………………………………………..

c…………………………………………………………………………………………………………………..

d…………………………………………………………………………………………………………………..

e…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

2. Thường xuyên ôn lại các giá trị mới

Đặt bảng liệt kê các giá trị sống ngay trên bàn làm việc hay trong quyển sổ tay của bạn. Như vậy, bạn sẽ nhớ hành động theo các giá trị đó mỗi ngày.

3. Nạp năng lượng cảm xúc cho các giá trị mới

Chắc bạn còn nhớ là các giá trị của bạn được hình thành bởi các mô thức có điều kiện trong hệ thần kinh, như là kết quả của những trải nghiệm cảm xúc. Vì thế, để cài đặt những giá trị mới, bạn cần lồng ghép nhiều trạng thái cảm xúc vào đó. Bạn có thể tạo ra các cảm xúc mà bạn muốn bằng cách sử dụng trí tưởng tượng và các giác quan nội tại.

Hãy tận dụng khả năng của trí tưởng tượng để hình dung trước về những quyết định và cách hành xử của bạn nương theo các giá trị mới. Sau đó, hướng những cảm xúc tích cực về giá trị mới này.

Ví dụ, nếu bạn muốn đưa “sức khỏe” lên vị trí số một trong bảng giá trị kéo, hãy hình dung những quyết định mới mà bạn đưa ra và các hành vi tương ứng với nó. Hãy nghĩ đến chế độ dinh dưỡng hợp lý và những bài tập thể thao thường xuyên.

Hãy tưởng tượng bản thân bạn lựa chọn việc đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc chăm sóc cơ thể mặc dù phải đối mặt với quá nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống. Quan trọng hơn cả là nghĩ về những lợi ích hiển nhiên của việc chăm sóc sức khỏe.

Hãy hình dung rõ nét về nguồn sinh lực dồi dào tuôn chảy trong cơ thể bạn, vóc dáng của bạn sẽ “chuẩn” ra sao và bạn sẽ tự tin như thế nào khi xuất hiện trước người khác. Dùng sức mạnh của các giác quan nội tại để tăng cường độ trải nghiệm trong tâm trí bạn để nó trở thành một liên kết thần kinh mạnh mẽ.

4. Sống theo các giá trị mới

Hãy bắt đầu ngay với việc đưa ra quyết định và xắn tay áo lên hành động dựa trên những giá trị mới này. Theo giả thuyết trên, nếu bạn đưa “sức khỏe” lên hàng đầu, trên cả hạng mục “thành công”, hãy đảm bảo rằng mỗi khi phải lựa chọn, bạn sẽ đi đến phòng tập thể thao hoặc chạy bộ một vòng chứ không phải mở mắt ra là lao đầu vào việc. Một khi bạn liên tục đưa ra những lựa chọn có ý thức như vậy, não bộ sẽ bắt đầu cài đặt những giá trị mới của bạn một cách tự động.

Giả sử bạn thường có cảm giác bị bài bác mỗi khi có ai đó bất đồng ý kiến với bạn. Và bạn đưa ra một định nghĩa mới rằng bạn chỉ có cảm giác khó chịu đó “khi có hơn 10 người đồng thanh phản đối bạn”. Lần sau khi có người nói “không” với bạn, hãy chuyển đổi ý nghĩa của kinh nghiệm này bằng cách coi đây như một bước đệm dẫn đến sự chấp nhận sau này. Khi bạn liên tục làm được điều này, tâm trí của bạn sẽ nhận ra rằng bạn không còn đánh đồng “cảm giác đau thương” với một, hai hoặc ba lời từ chối nữa.

Tổng kết chương

1. Những quyết định và hành động của bạn được thúc đẩy theo cách hướng về những cảm xúc tích cực và đồng thời tránh xa những cảm xúc tiêu cực.

2. Những cảm xúc tích cực mà bạn hướng tới được gọi là các “giá trị kéo”. Những cảm xúc tiêu cực mà bạn tránh xa được gọi là các “giá trị đẩy”.

3. Con người xếp hạng các giá trị sống của mình khác nhau, do đó chúng ta có những quyết định khác nhau và hành động khác nhau.

4. Trong khi mục tiêu là hướng đi trong đời bạn, các giá trị sống giống như nguồn nhiên liệu cảm xúc thúc đẩy bạn tiến tới.

5. Khi bạn biết được các giá trị kéo và giá trị đẩy của một người nào đó, bạn có thể dự đoán cách người ấy đưa ra quyết định trong cuộc sống.

6. Nếu bạn thay đổi thứ tự ưu tiên trong bảng giá trị sống của một người và/hoặc cách người đó định nghĩa các giá trị của mình, bạn sẽ lập tức thay đổi cách hành xử và kết quả anh ta đạt được.

7 Một khi bạn có ý thức trong việc thay đổi các giá trị sống của mình, bạn có thể cài đặt các giá trị mới bằng cách:

a. Cam kết sống theo các giá trị mới

b. Thường xuyên ôn lại các giá trị mới

c. Nạp thêm năng lượng cảm xúc cho các giá trị mới bằng cách tưởng tượng Sống theo các giá trị mới


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.