Lee Kun Hee - Những Lựa Chọn Chiến Lược Và Kỳ Tích Samsung

Chương 1 Sáu lựa chọn vĩ đại của Lee Kun Hee



“Chúng ta đang thực hiện những bước khởi động lớn trong công cuộc sáng lập nên một trang sử mới của Samsung, tôi vinh hạnh cống hiến hết mình vì sự thành công rực rỡ của công cuộc sáng lập lần thứ hai này. Bằng triết lý kinh doanh hướng tới tương lai và không ngần ngại trước thử thách, cho đến những năm 1990, tôi sẽ dẫn dắt Samsung trở thành một tập đoàn hàng đầu thế giới.”

“Có rất nhiều người hỏi tôi kinh doanh là gì. Tôi luôn có một đáp án duy nhất cho câu hỏi này: ‘Kinh doanh là nhìn ra được những thứ chưa được nhìn thấy’ và nói thêm rằng, mỗi khi phát sinh một vấn đề nào đó thì dù là trong kinh doanh hay trong cuộc sống thường nhật, cần phải đặt ra ít nhất là năm câu hỏi “tại sao” để phân tích nguyên nhân, sau đó giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Và tôi mong rằng, trước hết các bạn hãy tự xem xét lại một cách sâu sắc ngay chính bản thân mình, dựa vào các giá trị của bản thân để thay đổi thói quen suy nghĩ của mình. Bởi tôi muốn các bạn nhìn nhận cùng một vấn đề ở một góc độ khác, quan tâm hơn nữa tới hoàn cảnh của đối phương để thấy nhận ra mọi chuyện sẽ khác đi như thế nào. Do vậy, tôi cho rằng tất cả chúng ta cần phải rèn luyện cho bản thân thói quen “suy nghĩ đa chiều”. Hay nói theo cách khác chính là nhìn nhận cùng một sự vật dưới nhiều góc độ khác nhau trong hoàn cảnh môi trường thay đổi chóng mặt sánh ngang với tốc độ siêu âm của cuộc sống ngày nay.”

1

Lựa chọn bán dẫn

“Mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp hầu như luôn luôn là chủ đề thảo luận nóng hổi giữa các nhà kinh tế học. Như nhiều nhà phê bình đã nói, khái niệm tối đa hóa lợi nhuận quá mơ hồ nên ý nghĩa của nó không rõ ràng. Tuy nhiên, “tối đa hóa cơ hội (maximization of opportunities)” không chỉ có ý nghĩa quan trọng mà ngay chính ý nghĩa của nó còn thể hiện rõ nhiệm vụ đặt ra cho các doanh nhân. Đối với doanh nghiệp, “tối đa hóa cơ hội” mang ý nghĩa trọng tâm là khả năng đạt được mục tiêu (effectiveness) hơn là tính hiệu suất (efficiency). Do đó, để hiện thực mục tiêu này, thay vì đưa ra câu hỏi “thực hiện đúng đắn công việc nào” thì cần phải đưa ra câu hỏi “làm thế nào để tìm ra công việc đúng đắn cần phải thực hiện” và “làm thế nào để có thể tập trung mọi nguồn lực và sức mạnh để thực hiện công việc ấy.”

Như Peter Drucker từng nhận xét, khác với những người khác, Lee Kun Hee đã suy nghĩ rất nhiều để tìm ra hướng đi trong tương lai cho Samsung và cuối cùng ông đã đưa ra từ khóa thâu tóm cho một lựa chọn tầm cỡ – “bán dẫn”.

Cũng trong cuốn sách của mình, Peter Drucker kết luận, thành quả mà Lee Kun Hee cống hiến cho Samsung không phải là giúp tập đoàn giải quyết vấn đề trước mắt mà ông đã tìm ra một cơ hội phát triển mới cho công ty. Nếu tập trung vào tháo gỡ khó khăn của tập đoàn thì kết quả tốt nhất thu được cũng chỉ là đưa Samsung quay trở về trạng thái bình thường ban đầu, chứ không thể mong đợi điều gì xa hơn nữa. Tuy nhiên, nếu tìm ra một cơ hội phát triển mới thì những thành quả vượt bậc được sản sinh ra hẳn sẽ nằm ở một trình độ siêu đẳng khác so với việc giải quyết vấn đề và khôi phục lại vị trí vốn có cho Samsung.

Lee Kun Hee đã không tập trung vào giải quyết vấn đề để tháo gỡ khó khăn của Samsung khi ấy là khả năng kỹ thuật còn yếu và vẫn còn phụ thuộc nhiều về kỹ thuật. Ngược lại, ông đã nỗ lực để tìm kiếm những cơ hội mới cho Samsung. Kết quả của quá trình nỗ lực tìm kiếm cơ hội này chính là “thần thoại bán dẫn”.

“Vào cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, Samsung Electronics đã nhảy vào thị trường Mỹ với những sản phẩm như lò vi sóng, trở thành một thương hiệu bình dân với những sản phẩm đồ điện giá rẻ.”

Đây là một câu trích trong bài báo nhận định về Samsung Electronics được đăng tải trên tạp chí Fortune năm 2002. Bài viết này đã không hề nói quá về Samsung. Đó không hơn không kém chính xác là những gì mà doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ngoài nghĩ về Samsung Electronics.

Lee Kun Hee với cương vị phó chủ tịch của một doanh nghiệp Hàn Quốc mang tên Samsung Electronics mà cho tới đầu những năm 2000 vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh của một hãng điện tử chuyên sản xuất ra các sản phẩm điện tử giá rẻ, và nói một cách thẳng thắn thì cho đến cách đây 30 năm vẫn chưa thể sản xuất ra một chiếc tivi hoàn chỉnh, đã quyết đưa Samsung Electronics dấn thân vào một thị trường hoàn toàn mới mẻ và tiên tiến hàng đầu là bán dẫn.

Nhưng điều đáng nói nhất là vào thời điểm ấy, Samsung Electronics chưa nắm trong tay bất cứ một kỹ thuật nào về bán dẫn. Không còn cách nào khác, Samsung đã bước vào thị trường bán dẫn với những kỹ thuật bán dẫn lỗi thời được truyền thụ từ những doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản đã đi trước hàng chục năm.

Vào thời điểm đó, thật sự không quá lời khi đánh giá động thái này của Samsung và Lee Kun Hee là vô cùng liều lĩnh. Có đáng tin không khi nói vào thời điểm đó trong giới tài chính rộ lên tin đồn Samsung đang sụp đổ vì bán dẫn? Nhưng, cùng với thời gian lựa chọn của Lee Kun Hee đã được chứng minh rằng đó là một quyết định chuẩn xác tuyệt vời.

Ngay từ những năm 1970, Lee Kun Hee đã lựa chọn và ấp ủ dự án bán dẫn sẽ là dự án hạt giống và là nguồn động lực phát triển mới của Samsung. Không những vậy, ngay từ khi đó Lee Kun Hee còn nhìn thấu được những yếu tố thuận lợi và thích hợp cho Hàn Quốc khi bắt tay vào phát triển bán dẫn. Cụ thể, theo Lee Kun Hee, truyền thống dùng đũa khiến cho người Hàn Quốc có được đôi bàn tay khéo léo, đồng thời, phương thức sinh hoạt tháo bỏ giày đi chân trần khi vào nhà đã hình thành trong mỗi người Hàn Quốc tập quán sinh hoạt thanh tịnh và sạch sẽ. Và điều này hoàn toàn phù hợp với những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và môi trường sản xuất tuyệt đối sạch sẽ, không cho phép xuất hiện dù chỉ một hạt bụi nhỏ trong các công đoạn sản xuất bán dẫn.

Qua đây, phần nào có thể thấy được sự tỉ mỉ và tầm nhìn chiến lược của Lee Kun Hee. Lee Kun Hee đã thuyết phục được cha mình – chủ tịch Lee Byung Chul – cho phép Samsung chính thức tiến hành dự án mang tầm vóc lịch sử – bán dẫn.

Lựa chọn và sự tập trung tuyệt đối của Lee Kun Hee dành cho bán dẫn được tiếp sức bởi một ý chí sục sôi như trong cơn say mà không một ai có thể ngăn cản được.

Cuốn sách 40 năm Samsung Electronics, di sản của thách thức và sáng tạo dành một phần lớn để giải thích về hoàn cảnh khó khăn vào thời điểm bấy giờ khi Lee Kun Hee bắt tay vào dự án bán dẫn.

“Ngày 6 tháng 12 năm 1974, Samsung mua lại 50% cổ phần của Công ty Bán dẫn Hàn Quốc với giá 500 nghìn đô-la Mỹ. 50% cổ phần còn lại thuộc quyền sở hữu của một công ty liên doanh quy mô nhỏ của Mỹ là ICII (Integrated Circuit). Như vậy, Công ty Bán dẫn Hàn Quốc là hình thái công ty liên doanh giữa Samsung và ICII. Điểm lý thú ở đây là người tiếp quản Công ty bán dẫn Hàn Quốc không ai khác chính là vị giám đốc đại diện khu vực châu Á của Samsung, Lee Kun Hee. Cũng chính vì điều này mà giám đốc Kang Jin Goo, người trực tiếp tham gia vào thương vụ mua lại cổ phần của Công ty bán dẫn Hàn Quốc khi ấy, đã điêu đứng giữa vô vàn câu hỏi công kích và phải đổ mồ hôi sôi nước mắt tự trấn an.

“‘Vẫn biết rằng tương lai của một công ty điện tử như Samsung chắc chắn phải là bán dẫn nhưng bây giờ liệu có phải là thời điểm thích hợp không, hay là còn quá sớm để dấn thân vào con đường này. Chưa tính đến điều đó thì ngay tại chính thời điểm này đây, chẳng phải cuộc chạy đua trên mặt trận linh kiện điện tử cũng đang bước vào hồi gay cấn hay sao? Như vậy, bỏ ra 500 nghìn đô-la Mỹ để mua lại 50% cổ phần của một công ty không tiềm lực, cũng không tiếng tăm, không những thế còn đang là một con nợ có lẽ là một hành động quá mạo hiểm.’

‘Giám đốc Lee Kun Hee là người hiểu rõ về kinh doanh sản phẩm điện tử hơn bất cứ ai và quan tâm đặc biệt tới bán dẫn, đã đưa ra chỉ thị bằng mọi giá phải mua lại được Công ty Bán dẫn Hàn Quốc, cho dù phải bỏ tiền túi ra đi chăng nữa. Mặc dù ban quản trị công ty đánh giá là dự án này không mang tính khả thi thì cũng không còn lựa chọn nào khác.’”

Lý do vì sao Lee Kun Hee kiên quyết bảo vệ lựa chọn chiến lược là Samsung nhất định phải tham gia vào lĩnh vực bán dẫn cũng được đề cập trong cuốn sách này.

“Tôi tin tưởng chắc chắn sau khi hứng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, lối thoát duy nhất của Hàn Quốc chính là thâm nhập vào một lĩnh vực sản sinh ra giá trị gia tăng cao như lĩnh vực công nghệ cao (high-tech). Vừa hay lại đúng vào thời điểm Công ty bán dẫn Hàn Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do thất bại trong quá trình tiến hành xây dựng nhà máy. Cụm từ “bán dẫn” có sức hút kỳ lạ với tôi hơn bất kỳ thứ gì. Trong hành trình tìm hướng đi mới trong tương lai cho Samsung, tôi đặc biệt quan tâm tới bán dẫn.

Có thể thấy được xu hướng dịch chuyển của dòng chảy thời đại từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, do đó tôi nghĩ rằng hướng trọng tâm với dự án bán dẫn là hướng đi hoàn toàn phù hợp với tính đặc thù và tài năng của người dân Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc có văn hóa dùng đũa, từ đó đã tôi luyện nên những đôi tay khéo léo. Và người Hàn Quốc cũng rất coi trọng sự sạch sẽ với thói quen sinh hoạt bỏ giày để đi chân trần. Văn hóa này rất phù hợp với việc sản xuất bán dẫn. Bởi sản xuất bán dẫn yêu cầu những thao tác vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, đồng thời nó là công đoạn yêu cầu duy trì môi trường sản xuất tinh sạch cao độ đến mức không cho phép xuất hiện cho dù chỉ là một hạt bụi.”

Căn cứ theo những lý lẽ như văn hóa dùng đũa và truyền thống sinh hoạt của người Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu của công nghiệp bán dẫn, cũng như thuận theo dòng chảy của thời đại, vận mệnh của Samsung là phải phát triển sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao như sản phẩm high-tech, Lee Kun Hee đã dẫn dắt Samsung lần đầu tiên tiến công vào một mặt trận rộng lớn và đầy rủi ro mang tên “bán dẫn”.

Ngày 15 tháng 3 năm 1983, chủ tịch Lee Byung Chul đã chính thức phát biểu với báo giới về sự kiện Samsung chính thức gia nhập thị trường bán dẫn. Đây cũng là nội dung chính đã được cụ thể hóa qua ý tưởng Đông Kinh 2.8. Cuối cùng dự án VLSI (Very Large Scale Integrated – vi mạch tích hợp với quy mô rất lớn) của Samsung đã chính thức khởi động. Sự kiện diễn ra cách đây vừa tròn 30 năm. Chủ tịch Lee Byung Chul đã lập một kế hoạch cụ thể để khởi động dự án 64K DRAM.

Thế nhưng, cũng giống như lần đầu tiên khi Lee Kun Hee mua lại cổ phần của Công ty bán dẫn Hàn Quốc vào năm 1974, đáp lại tuyên bố lần này của chủ tịch Lee Byung Chul vẫn chỉ là cái cười hoài nghi của giới tài chính trong nước, các đối thủ cạnh tranh và báo giới quốc tế. Điều này cho thấy dù mười năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của Samsung vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nhưng có thể nói từ chính giây phút này, Samsung bắt đầu vươn mình trỗi dậy, khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Tuyên bố chính thức của chủ tịch Lee Byung Chul, ngày 15 tháng 3 năm 1983 trở thành cột mốc đánh dấu dự án bán dẫn của Samsung chính thức đi vào hoạt động. Và chín tháng sau, ngày 1 tháng 12, Samsung đã thành công trong việc tự phát triển hoàn toàn quy trình công nghệ từ sản xuất, lắp ráp tới kiểm tra chất lượng của sản phẩm 64K DRAM.

Chưa đầy một năm sau tuyên bố chính thức gia nhập thị trường bán dẫn, Samsung Electronics đã trình làng một sản phẩm gây chấn động đối với các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu. Bất chấp cách biệt kỹ thuật trên hàng chục năm, Samsung Electronics – một hãng điện tử vô danh mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực bán dẫn đã vượt mặt các ông lớn về công nghệ này để trở thành doanh nghiệp thứ 3 trên thế giới phát triển thành công sản phẩm 64K DRAM.

Để có thể hiểu được tại sao việc Samsung thành công với công nghệ này là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của cộng đồng thế giới thì cần phải biết rằng, tại thời điểm bấy giờ, 64K DRAM được ví như “kỹ thuật trong mơ” và được sản xuất trong quy mô hạn hẹp bằng công nghệ độc quyền.

“Công ty thông tin bán dẫn Samsung (được sáp nhập với Samsung Electronics vào năm 1988) đã phát triển 64K DRAM. Chỉ trong vòng sáu tháng, tất cả các khâu từ sản xuất, lắp ráp cho đến kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được hoàn thiện. Đi sau Mỹ và Nhật những mười năm có lẻ nhưng Samsung đã thành công trong việc rút ngắn khoảng cách về trình độ kỹ thuật bán dẫn của Hàn Quốc xuống còn bốn năm.”

Đây là một trích đoạn trong tài liệu báo cáo mà giám đốc Kang Jin Goo phát biểu trước báo giới ngày 1 tháng 12 năm 1983. Sự kiện Samsung phát triển thành công công nghệ 64K DRAM rõ ràng là điều hết sức nhạy cảm đối với Nhật Bản khi mà giới ngôn luận nước này dùng từ “cú sốc” để nói về sự kiện này và đây thật sự đã là cú sốc lớn với Nhật Bản.

Bởi trước đó, Nhật Bản và Mỹ từng đánh giá thấp trình độ kỹ thuật của Samsung bằng giọng mỉa mai không che giấu: “Với trình độ kỹ thuật của Samsung, nếu đến năm 1986 có thể sản xuất được 64K DRAM thì đã được coi là thành công vượt bậc rồi.”

Tiếp nối thành công, thừa thắng xông lên, tháng 12 năm 1983 Samsung Electronics mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn. Và rồi Samsung Electronics lại tiếp tục trở thành tâm điểm của cả thế giới khi tuyên bố khánh thành nhà máy bán dẫn Samsung Giheung vào cuối tháng 3 năm 1984.

Với sự hỗ trợ của 2.000 máy móc trang thiết bị, tổng cộng 260 nghìn nhân lực đã tận dụng từng ngày từng giờ quý giá để kiến tạo nên một thiên sử hùng tráng mang tên Samsung Electronics.

Ngay cả các nước phát triển cũng phải mất ít nhất là một năm sáu tháng để xây dựng nên một nhà máy sản xuất bán dẫn khép kín hoàn thiện, vậy mà một hãng điện tử đến từ một quốc gia đang phát triển là Hàn Quốc như Samsung lại có thể hoàn thành cả khối lượng công việc khổng lồ như vậy chỉ trong vòng vẻn vẹn sáu tháng. Điều này thật sự là một kỳ tích đối với bất kỳ một quốc gia nào. Vào thời điểm đó, Nhật Bản và Mỹ đang sở hữu các nhà máy sản xuất bán dẫn. Và có một điều không ai ngờ tới, quốc gia thứ ba đi vào xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn lại là Hàn Quốc.

Các ông lớn của Nhật Bản và Mỹ không thể tiếp tục làm ngơ trước Samsung lâu hơn được nữa.

“Samsung của Hàn Quốc gần như đã làm nên kỳ tích.”

Trên thực tế thì Samsung thực sự đã làm nên kỳ tích. Bởi vì chỉ chưa đầy sáu tháng, sự cách biệt hơn mười năm về trình độ phát triển kỹ thuật so với Nhật Bản và Mỹ đã được Samsung rút ngắn xuống còn 3-4 năm.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thấm vào đâu so với cú sốc mà các doanh nghiệp bán dẫn toàn thế giới tiếp tục đón nhận vào mười năm sau đó, khi Samsung đạt được những bước nhảy vọt huy hoàng cùng chủ nhân mới là Lee Kun Hee, người kế nhiệm của Lee Byung Chul. Đầu năm 1990, chưa đầy mười năm kể từ khi Samsung Electronics chính thức gia nhập cộng đồng sản xuất bán dẫn, Lee Kun Hee đưa ra một phát biểu khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Trong hai năm 1990 và 1991, Samsung Electronics đi tiên phong trong việc đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inches. Có ba lý do rõ ràng nhất để cộng đồng thế giới bất ngờ trước động thái này của Samsung.

Thứ nhất, Samsung quyết định đầu tư cho phiến bán dẫn 8 inches vào thời kỳ đóng băng quy mô toàn cầu của thị trường bán dẫn DRAM. Thứ hai, vào thời điểm đó, ngay cả các tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn lúc bấy giờ như thương hiệu Toshiba, NEC, Hitachi… của Nhật Bản còn đang chần chừ với quyết định đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inches. Và lý do cuối cùng, thậm chí tới năm 1993, phiến bán dẫn vẫn lấy kích thước 6 inches làm quy chuẩn thế giới.

Hành động ngạo nghễ bỏ qua các tiêu chuẩn quốc tế của kẻ hậu bối Samsung không khác nào đưa ra lời thách thức với toàn thể cộng đồng bán dẫn thế giới. Nếu cân nhắc tốc độ gia tăng theo cấp số nhân của diện tích thì khác biệt về sản lượng giữa phiến bán dẫn 6 inches với phiến bán dẫn 8 inches đã là gần hai lần, nhưng do lo sợ về các rủi ro kỹ thuật, vào thời điểm bấy giờ, chưa có bất cứ một doanh nghiệp tiên phong nào của Nhật Bản hay Mỹ dám đưa ra quyết định đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inches.

Vào thời điểm đó, với triết lý kinh doanh chủ động và đầy thách thức, cùng những lựa chọn chiến lược đúng đắn của Lee Kun Hee, Samsung Electronics đã tiến hành hàng loạt kế hoạch đầu tư mạo hiểm. Lee Kun Hee phải vượt qua dư luận để giữ vững lập trường của mình. Giả sử nếu những quyết định của ông là sai lầm và các kế hoạch đều đổ bể, Samsung không thể tránh khỏi những tổn thất nặng nề với tổng thiệt hại khổng lồ lên tới 1.000 tỷ won. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ phá sản.

Nhưng động lực khiến Lee Kun Hee chấp nhận mạo hiểm chính là vì ông quả quyết rằng những mạo hiểm này sẽ đảm bảo cho Samsung vị trí dẫn đầu thế giới trong tương lai. Nếu không có những mạo hiểm và lựa chọn này thì biết đâu cơ hội vươn lên thành tập đoàn hàng đầu thế giới cũng sẽ không thể nào đến được với Samsung Electronics.

Nhờ có những chọn lựa sáng suốt và bước đi mạo hiểm của Lee Kun Hee, không chỉ Samsung Electronics – một doanh nghiệp, mà chính đất nước Hàn Quốc đã có cơ hội rũ bỏ cái mác “lạc hậu về công nghệ” để vươn lên khẳng định mình.

Cuối cùng, tháng 6 năm 1993, Samsung Electronics là doanh nghiệp DRAM đầu tiên chính thức đưa dây chuyền sản xuất 8 inches đi vào hoạt động. Trong tất cả các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn trên thế giới, Samsung đã vượt qua các công ty tên tuổi của Nhật Bản để bám sát IBM làm nên thành công rực rỡ thứ hai của hãng.

Nhân cơ hội này, tháng 10 năm 1993, Samsung Electronics đã vượt qua các doanh nghiệp Nhật Bản, trở thành công ty đứng đầu thế giới lĩnh vực dung lượng bộ nhớ. Không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn, từ những lựa chọn sáng suốt, những thách thức quả cảm của Lee Kun Hee trong việc mang lại cơ hội có tính chất quyết định cho Samsung.

Với việc áp dụng công nghệ phiến bán dẫn 8 inches, năng suất trên mỗi phiến bán dẫn đã tăng khoảng 1,8 lần so với công nghệ phiến bán dẫn 6 inches. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho sản xuất chỉ tăng 1,4 lần. Như vậy, mặc dù chi phí đầu tư dành cho sản xuất có tăng nhưng hoàn toàn “đáng đồng tiền bát gạo” nếu so với lợi ích thu được từ việc năng suất sản xuất được tăng lên đáng kể.

Trong lịch sử ngành bán dẫn từng có tiền lệ kẻ đi sau vượt mặt kẻ đi trước trong công cuộc chạy đua công nghệ mới. Đó chính là trường hợp của phiến bán dẫn 6 inches, khi mà Nhật Bản đã đi trước Mỹ một bước để sở hữu công nghệ này. Và đến thế hệ phiến bán dẫn 8 inches, lịch sử lại một lần nữa được tái hiện khi kẻ hậu bối như Samsung Electronics giành thế thượng phong trước các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ để trở thành doanh nghiệp đầu tiên sở hữu thế hệ công nghệ mới.

Các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ đã luôn giữ lợi thế với các công nghệ phiến bán dẫn 3 inches, 4 inches và 5 inches. Thế nhưng, sự ra đời của thế hệ phiến bán dẫn 6 inches đã đánh dấu sự thất thế của Mỹ trước Nhật Bản khi các doanh nghiệp Nhật Bản đã sớm có dự tính trong việc đi trước đón đầu nhằm giành lại lợi thế cạnh tranh từ tay các công ty Mỹ. Thời cơ ngàn vàng này giúp các doanh nghiệp Nhật Bản vượt qua Mỹ, đồng thời nâng Nhật Bản lên thành quốc gia sản xuất bán dẫn lớn nhất trên thế giới vào năm 1986.

Lee Kun Hee chính là người đặt nền tảng để Samsung có thể có được lợi thế cạnh tranh trên toàn thế giới trong lĩnh vực công nghệ phiến bán dẫn 8 inches và cũng nhờ đó mà hãng có thể đứng vững ở vị trí số 1 trong lĩnh vực bán dẫn. Tất cả đều bắt nguồn từ những lựa chọn quyết đoán của Lee Kun Hee.

Lee Kun Hee từng bộc bạch về sự kiện này trong cuốn tự truyện mang tên Hãy suy nghĩ và nhìn ra thế giới.

“Ban đầu, cha tôi cũng hết sức lưỡng lự trong việc gia nhập thị trường bán dẫn, nhưng cuối cùng ông vẫn thể hiện sự quan tâm và bắt đầu hỗ trợ tích cực cho dự án này. Năm 1982, ông đã đầu tư 2,7 tỷ won để thành lập viện nghiên cứu bán dẫn và đến năm 1983 thì chính thức tuyên bố tham gia vào lĩnh vực bán dẫn. Khởi đầu từ một nhà máy rất nhỏ, nhưng chỉ sau mười năm nghiên cứu và phát triển, bán dẫn đã được công nhận là một trong những dự án trọng điểm của Samsung… Và đúng 20 năm sau khi bắt tay vào dự án bán dẫn, vào năm 1993, Samsung Electronics vươn lên đỉnh cao của thế giới trong lĩnh vực dung lượng bộ nhớ.”

Nếu Lee Kun Hee không lựa chọn bán dẫn thì Samsung không thể đạt được vị thế của một doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế như ngày nay. Ở phương diện này, có thể nói, vào thời điểm mà không một ai dám liều lĩnh với một lĩnh vực còn quá mới mẻ như vậy, việc mạo hiểm lựa chọn bán dẫn bằng con mắt tinh tường xuất chúng hơn người của ông rõ ràng là một sự lựa chọn vô cùng vĩ đại.

Quan điểm nổi tiếng của Joseph Schumpeter “bởi lợi ích vốn được sản sinh ra từ lợi thế của người dẫn đầu xu hướng (innovator, nhà cải cách) nên ngay khi cải cách trở thành một công đoạn bình thường mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được thì lợi thế đó sẽ biến mất” cũng giống với bối cảnh đổi mới bấy giờ khi Lee Kun Hee lựa chọn bán dẫn đồng thời thực hiện các cuộc đầu tư mạo hiểm và cuối cùng là lựa chọn mang tính cách mạng phát triển phiến bán dẫn 8 inches.

Lựa chọn số hóa

“Chúng ta có thể tụt hậu trong công nghệ analogue nhưng nhất định phải tiên phong trong công nghệ digital.”

Khi nhắc đến những lựa chọn vĩ đại của Lee Kun Hee, nhất định không thể bỏ qua điều này.

Các doanh nghiệp Nhật Bản được coi là những đại diện sáng giá nhất và cũng chính là những ông lớn nắm thế độc quyền trong thời đại công nghệ analogue vào những năm cuối thập niên 1990. Vào thời điểm ấy, Samsung Electronics chỉ là một sự hiện diện quá đỗi nhỏ nhoi và thậm chí không có tư cách để cạnh tranh với các công ty Nhật Bản. Không hề quá lời khi nói rằng những năm 1980 và 1990 là thời kỳ các sản phẩm điện tử của Sony, Toshiba, Sharp, NEC, Hitachi làm mưa làm gió trên toàn thế giới.

Các công ty Nhật Bản thời bấy giờ quá hùng mạnh, làm ăn quá thuận lợi và không chừa ra một chỗ trống nào để Samsung Electronics có thể chen chân vào cạnh tranh. Họ đã nắm thế độc quyền trong công nghệ analogue và tuyệt đối không có ý định nhượng bộ cho kẻ khác vươn lên.

Thành trì mà họ đã cất công xây đắp và tên tuổi thương hiệu mà họ đã quảng bá, cùng với mạng lưới phân phối phủ sóng trên toàn thế giới, tất cả đều không dễ gì lay chuyển. Thế nhưng, thời thế thay đổi và các cơ hội mới cũng nhen nhóm xuất hiện. Đó chính là thời điểm chuyển giao giữa thời đại analogue và thời đại digital – những năm đầu thập niên 2000, tình hình bắt đầu có chút thay đổi.

Cơ hội đến tay, chủ tịch Lee của Samsung đã chủ động tấn công trước không chút do dự và nghiễm nhiên vượt qua các công ty tên tuổi của Nhật Bản để giành chiến thắng.

Nếu nhìn nhận lại bối cảnh tăng trưởng của Samsung Electronics dễ dàng nhận thấy Samsung đã bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại trong thời điểm chuyển giao từ công nghệ analogue sang công nghệ digital, không những vậy còn chuyển giao vô cùng thành công.

Samsung Electronics đã chính thức lột xác từ một doanh nghiệp hạng 2 trong công nghệ analogue thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực digital theo chiến lược của Lee Kun Hee.

Trong thời đại analogue, yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất là “kinh nghiệm và kỹ thuật”. Đây cũng là điểm mà các hậu bối như Samsung Electronics không thể theo kịp các doanh nghiệp Nhật Bản. Thế nhưng, bước sang thời đại kỹ thuật số, “cải tiến và tốc độ” thậm chí còn được đánh giá cao hơn “kinh nghiệm và kỹ thuật”.

Không thể ngờ rằng, lợi thế một thời của các công ty Nhật Bản trong thời đại analogue là “kinh nghiệm và kỹ thuật” lại có ngày trở thành yếu tố bất lợi của họ khi thâm nhập vào thị trường công nghệ mới digital.

Nhờ phương pháp kinh doanh chiến lược của Lee Kun Hee, người có thể nhìn thấu được biến đổi khôn lường của thời đại sớm hơn ai hết, Samsung Electronics đã rẽ sang một hướng hoàn toàn mới là công nghệ digital TV trong khi Sony của Nhật Bản vẫn đang chìm đắm trong công nghệ analogue TV. Và thực sự là Lee Kun Hee đã đi một nước cờ quyết định, từ đây cục diện thắng thua đã được phân định rõ rệt. Kết quả là đến năm 2006, Samsung đã tước ngôi vị thương hiệu tivi số 1 thế giới từ tay Sony – vốn là niềm kiêu hãnh của người Nhật.

Samsung Electronics có thể giữ vững vị trí độc quyền trên thị trường tivi trong suốt bảy năm qua là nhờ có lựa chọn sáng suốt và quyết tâm sắt đá của Lee Kun Hee: “Chúng ta có thể tụt hậu trong công nghệ analogue nhưng nhất định phải tiên phong trong công nghệ kỹ thuật số (digital).”

Khi các đối thủ cạnh tranh còn đang mải miết với analogue thì Samsung Electronics đã có thể tạo dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc tại thị trường digital TV dựa trên nền tảng là chất lượng hình ảnh và thiết kế vượt trội.

Một trong những thành công khác thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lee Kun Hee là xây dựng hệ thống hội tụ số (digital convergence). Khi Internet được phổ biến và áp dụng rộng rãi, xã hội công nghiệp nhanh chóng chuyển sang xã hội thông tin, nhưng các công ty gạo cội vẫn chưa thể từ bỏ các sản phẩm công nghệ analogue, cũng như chưa thể thoát khỏi cơ cấu kinh doanh analogue thì Lee Kun Hee đã đi trước một bước, không chỉ sản xuất ra các sản phẩm kỹ thuật số mà còn nhanh chóng xây dựng hệ thống cấu trúc kinh doanh số.

Xây dựng cơ cấu kinh doanh số chính là xây dựng hệ thống kinh doanh Digital e-company.

Tháng 11 năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 30 năm sáng lập Samsung, Lee Kun Hee đã đưa ra tầm nhìn về hội tụ số (digital convergence), và năm 2000 được chọn làm năm bản lề phát triển công nghệ kỹ thuật số nhằm hiện thực hóa triển vọng này.

Khi đó, Samsung đã tuyên bố một cách đầy tham vọng rằng họ sẽ trở thành doanh nghiệp tiên phong cải cách từ cơ cấu kinh doanh analogue sang cơ cấu kinh doanh kỹ thuật số thông qua việc chuyển đổi thành “Digital e-company”.

Quyết định chọn năm 2001 là năm thực hiện “Digital e-company”, Samsung tích cực tăng tốc cải cách kinh doanh. Bản thân người viết chính là một trong những người có kinh nghiệm làm việc từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc công cuộc cải cách “Digital e-company” và “digital convergence” trong thời gian làm việc tại Samsung.

Trong thời đại công nghiệp hóa, chỉ cần làm ra được một, hai sản phẩm tốt là đã có thể yên tâm tồn tại, nhưng bước sang thời đại thông tin tri thức, một hai sản phẩm ấy không những cần phải được kết hợp, dung hòa một cách đa dạng mà còn cần phải hội tụ những thứ khác nhau thành một thể thống nhất. Vì vậy, ai có thể đạt được yêu cầu hội tụ nhanh chóng và hiệu quả nhất, điều đó trở thành nhân tố thành công quan trọng.

Tuy nhiên, để các sản phẩm đạt được sự dung hợp nhiều mặt giữa sản phẩm và dịch vụ, điều quan trọng nhất là cần phải tạo được mạng lưới liên hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, linh kiện và kỹ thuật cốt lõi đa dạng, cho đến các gói sản phẩm, từ đó đạt được sự hợp tác chặt chẽ giữa sản phẩm với sản phẩm, giữa sản phẩm với linh kiện, giữa sản phẩm với hệ thống, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Chính vì vậy, hệ thống cơ cấu kinh doanh số như hình thức hội tụ số là điều không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Samsung là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này. Để chuẩn bị cho việc từ bỏ công nghệ analogue và chọn dùng công nghệ digital, Samsung đã xây dựng và củng cố hệ thống hội tụ số.

Năm 2000, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của Samsung gần đạt tới tiêu chuẩn của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới là 20%. Năm 2002, có thể nói một trong những lý do chủ yếu giúp Samsung đánh bại Sony của Nhật chính là vì Samsung đã lựa chọn nền móng Internet, đi trước các đối thủ cạnh tranh và sớm tạo dựng được một hệ thống ‘Global e-Process’ có thể tổng hợp tất cả, tăng cường và phát triển tiến trình nghiệp vụ số thông qua mối liên hệ giữa các chức năng như ERP, SCM, CRM (Customer Relationship Management), PDM (Product Data Management),… chế tạo, marketing, dịch vụ,…

Tháng 6 năm 2003, Business Week phân tích bí quyết thành công của Samsung dựa trên ba nguyên tắc chính “phát triển sản phẩm nhanh chóng, phân tích thị yếu khách hàng tỉ mỉ và cạnh tranh triệt để”. Năm 2004, những báo cáo đáng chú ý mà giới ngôn luận Nhật Bản đưa ra như “Tin chấn động. Lãi ròng của Samsung đạt 10 nghìn tỷ won”, “Gấp đôi lợi nhuận của 10 công ty hàng đầu Nhật Bản gộp lại” đã phần nào cho thấy sự tăng trưởng thần kỳ của Samsung.

Có thể nói, Samsung có được sức mạnh to lớn này là nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc tiến vào thời đại digital sớm hơn một bước so với các đối thủ cạnh tranh. Cuộc cách mạng kỹ thuật số chính là nền móng cho một đế chế Samsung hùng mạnh như ngày nay.

Thành công trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, cuối năm 2004, Samsung đã có thể tự ghi tên mình vào lịch sử kinh tế Hàn Quốc khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước có lợi nhuận vượt qua con số 10 tỷ đô-la Mỹ.

Lee Kun Hee đã áp dụng phương pháp tư duy đa chiều vào kinh doanh trong giai đoạn này, đồng thời phát triển công ty trên nhiều phương diện. Hơn nữa, Lee Kun Hee đặc biệt chú trọng tới việc áp dụng phương pháp tư duy đa chiều để có thể điều hành và phát triển công ty về nhiều mặt. Nhằm chuẩn bị hành trang bước vào thời đại kỹ thuật số, toàn thể tập đoàn cần phải vượt qua những giới hạn về dự án kinh doanh và phạm vi công ty để chia sẻ thông tin kỹ thuật, nhanh chóng phát triển và cho ra đời các sản phẩm kết tinh từ quá trình hiện thực hóa dung hợp và phức hợp. Để làm được điều này, trước hết cần tạo ra một hệ thống quản lý có thể thay đổi được toàn bộ quy trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm trước đây, bắt đầu từ kế hoạch sản phẩm cho đến mẫu mã, thiết kế, dựng mẫu, sản xuất sản phẩm mẫu và cuối cùng là dây chuyền sản xuất.

Và hệ thống quản lý của Samsung chính là E-CIM (engineering Collaboration and Innovation Management – Hợp tác kỹ thuật và Quản lý sáng tạo). Cách mạng quy trình của Samsung có thể nói là cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Samsung đã xây dựng được một mạng lưới đáp ứng hoàn hảo mọi nhu cầu công việc trong nội bộ công ty mang tên gọi My SINGLE (viết tắt của cụm “Samsung INtergrated GLobal information systEm) nhằm chuẩn bị chu đáo cho thời đại kỹ thuật số và quyết định nhanh chóng cả về khía cạnh phát triển lẫn khía cạnh công việc thông thường.

Thông qua việc tạo lập hệ thống này, mọi nhân viên Samsung cho dù có rời văn phòng vẫn có thể theo dõi công việc trực tiếp – realtime tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhờ vậy, Samsung đã tăng tốc độ xử lý công việc lên hàng chục thậm chí là hàng trăm lần so với các công ty còn đang áp dụng công nghệ analogue.

Trong khi các công ty khác vẫn đang thực hiện các quy trình phát triển và các thao tác công việc bằng công nghệ analogue thì tại Samsung, tất cả các công đoạn phát triển sản phẩm và thao tác nghiệp vụ đã được quản lý và vận hành thông suốt bởi một hệ thống máy tính và mạng lưới liên kết có tính hữu cơ và tổng quát cao độ. Phương thức hoạt động này mang lại cho Samsung khả năng cạnh tranh vô song.

Clayton M. Christensen, giáo sư ngành Quản trị kinh doanh Viện sau đại học Trường đại học Harvard đã giải thích rất kỹ về “Thuyết đổi mới đột phá” trong cuốn Chờ xem điều gì sẽ đến (Seeing What’s Next). Trong thị trường hiện tại, để có thể bắt kịp và hơn nữa là vượt qua các công ty đi trước đã sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định thì bắt buộc phải tạo ra sự đổi mới.

Sự đổi mới này phải có khả năng lật đổ thị trường hiện tại và kiến tạo nên một thị trường hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện trước đó. Bởi vậy, bài toán đặt ra lúc này không còn là vừa bảo tồn cái cũ vừa tạo ra sản phẩm mới, hay còn được gọi là “đổi mới duy trì” (sustaining innovation) nữa mà cần phải khởi xướng công cuộc “đổi mới đột phá” (disruptive innovation).

“Thuyết ‘Đổi mới đột phá’ (disruptive innovation) là học thuyết đề cập tới sự đổi mới đơn giản, chi phí thấp mà lại hiệu quả, nhằm nâng cao vị thế của các công ty mới so với các doanh nghiệp lớn mạnh đi trước. Theo học thuyết này, liên hệ với thuyết ‘Đổi mới duy trì’ về tính cạnh tranh, có thể thấy các doanh nghiệp lão làng có khả năng thành công trong thị trường mới cao hơn so với các công ty non trẻ. Tuy nhiên, không có bất cứ điều gì đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc đều có thể giành chiến thắng khi mạo hiểm đổi mới đột phá và tấn công vào một thị trường hoàn toàn mới.”

“Đổi mới đột phá” có thể nói một cách ngắn gọn là chiến lược sản sinh ra thị trường mới và những giá trị mới. Lee Kun Hee đã nhìn thẳng vào sự thật là các đối thủ đi trước đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong thị trường công nghệ analogue và hy vọng duy nhất cho Samsung là tự tạo cho mình lợi thế trở thành người đi tiên phong mở đường trong thị trường mới – thị trường công nghệ kỹ thuật số.

Ở phương diện này, Lee Kun Hee đã theo đuổi một hình thức đổi mới mang tính đột phá và con đường mà ông lựa chọn đã thực sự dẫn tới thành công. Diễn đạt một cách chính xác thì ông đã tìm ra và nắm chắc cơ hội không để tuột mất. Có vô số các nhà kinh doanh chỉ thụ động tiếp nhận những thay đổi của thời đại. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người cảm nhận được và tích cực nắm bắt từng bước chuyển mình dù là khẽ khàng nhất của thời cuộc. Tuy nhiên, ngay trong các biến hóa mang tính thời đại ấy, rất hiếm khi xuất hiện một nhà kinh doanh coi chính những biến đổi đó là cơ hội, mà hơn nữa còn là những “cơ hội ngàn vàng”.

Có thể nói Lee Kun Hee chính là một trong những người như vậy, một doanh nhân không chỉ biết nhìn ra cơ hội, mà quan trọng hơn còn biết cách tận dụng cơ hội ấy sao cho hiệu quả nhất.

“Thành quả có được bằng cách giải quyết vấn đề chỉ ở mức độ khôi phục lại được vị trí bình thường vốn có. Nếu chỉ giải quyết vấn đề thì lợi ích tối đa thu được cũng chỉ dừng lại ở việc loại bỏ những yếu tố cản trở doanh nghiệp phát huy năng lực vốn có.

Thành quả của một doanh nghiệp chân chính phải xuất phát từ việc tìm kiếm cơ hội.”

Như lời của Peter Drucker – cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại, Lee Kun Hee có thể cùng Samsung tạo dựng nên những thành công vang dội trong thời đại cạnh tranh không giới hạn không phải bởi ông là một nhân vật có tài năng xuất chúng mà chính xác hơn, ông là nhân vật sở hữu khả năng tìm kiếm cơ hội xuất chúng.

Ở khía cạnh này có thể thấy Lee Kun Hee đã bắn một mũi tên trúng hai đích khi vừa giải quyết được vấn đề, vừa có thế gặt hái được thành tựu mới chỉ bằng việc tìm ra một cơ hội mới chứ không phải bằng cách giải quyết vấn đề như Peter Drucker vạch ra. Bởi vậy, người viết cho rằng chủ tịch Lee thật sự là một tài năng vượt trội hơn người.

Lựa chọn thiết kế

“Năm nay được chọn là ‘Năm cách mạng về mẫu thiết kế’ đối với tất cả các sản phẩm của tập đoàn. Chúng ta hãy tập trung toàn bộ nhân lực trong toàn tập đoàn để tạo nên những đổi mới đột phá trong các mẫu thiết kế vốn ấp ủ toàn bộ linh hồn và triết lý kinh doanh của Samsung.”

Trong lời phát biểu chúc mừng năm mới, năm 1996, Lee Kun Hee đã đưa ra mục tiêu tập trung nhân lực toàn tập đoàn trong cuộc cách mạng cải tiến những mẫu thiết kế chứa đựng linh hồn và triết lý kinh doanh của Samsung, đồng thời chọn năm 1996 là “Năm cách mạng về mẫu thiết kế” và năm khai sinh tôn chỉ kinh doanh đề cao mẫu mã của Samsung.

Trước đó Lee Kun Hee từng đưa ra quan điểm về mẫu mã sản phẩm và kiên quyết bảo vệ ý kiến “thiết kế không chỉ đơn thuần là tạo nên hình dáng hay màu sắc của sản phẩm mà còn là hành vi văn hóa bắt nguồn từ việc nghiên cứu tính tiện ích của sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và chi phối phong cách sinh hoạt người dùng”.

Do đó, từ năm 1993, Lee Kun Hee đã khiến cho lãnh đạo và nhân viên toàn tập đoàn thấm nhuần khái niệm thiết kế không chỉ đơn thuần là phong cách mà trong tương lai còn là yếu tố cạnh tranh quan trọng bậc nhất thế giới. Cũng bởi vậy, năm 1995, SADI – trường thiết kế hàng đầu Hàn Quốc được thành lập để triển khai thực hiện chương trình đào tạo tập trung về thiết kế mang tên “Design membership program” đã được khởi xướng ý tưởng từ hai năm trước đó.

Năm 1997, nhằm thúc đẩy hơn nữa tôn chỉ kinh doanh thiết kế, Lee Kun Hee đã bổ sung thêm giải thiết kế vào hạng mục các giải thưởng “Tự hào ấn tượng Samsung”. Trong lời chúc mừng năm mới 1996 – cũng là năm Lee Kun Hee tuyên bố “Năm cách mạng về mẫu thiết kế”, ông đã phát biểu như sau:

“Thế kỷ XXI đang tới rất gần sẽ là ‘thời đại của văn hóa’ và cũng là thời đại mà ‘sở hữu trí tuệ’ sẽ quyết định giá trị của doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là, thời đại doanh nghiệp chỉ đơn thuần bán sản phẩm đã qua rồi, thay vào đó, giờ đây doanh nghiệp cần phải kinh doanh ngay cả triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp của mình. Tôi tin chắc rằng khả năng sáng tạo linh hoạt như thiết kế mẫu mã sẽ là tài sản quý báu của doanh nghiệp và cũng chính là yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh hiện đại.”

Từ đây lịch sử Samsung chính thức bước sang một trang mới, biến cái tên Samsung thành biểu tượng của một doanh nghiệp nổi bật với các mẫu thiết kế sản phẩm. Với chiến lược này, Samsung liên tục thu về những giải thưởng quốc tế uy tín về thiết kế.

Từ năm 1996 đến năm 2010, Samsung đã nhận được tổng cộng 502 giải thưởng thiết kế uy tín tầm cỡ quốc tế như IDEA, iF,… Đây quả là một con số đáng ngạc nhiên. Thậm chí năm 2012, Samsung đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi giành vị trí số 1 trong hạng mục giải cao quý nhất tại IDEA. Không dừng lại ở đó, với chín năm liên tục giữ vững vị trí số 1, Samsung được vinh danh giải thưởng Tích lũy và trở thành doanh nghiệp hàng đầu về thiết kế mẫu mã sản phẩm đẳng cấp quốc tế.

Thành quả thu được từ chiến lược kinh doanh thiết kế của Lee Kun Hee luôn giữ vững ánh hào quang trên lĩnh vực điện thoại di động và tivi. Trong lĩnh vực điện thoại di động, có thể coi SGH-T100 là thành quả đầu tiên của chiến lược kinh doanh thiết kế.

Sản phẩm điện thoại với tên gọi “SGH-T100”, còn được gọi là “điện thoại di động của Lee Kun Hee”, có công sức đóng góp của chính người viết vào quá trình hình thành và phát triển. Lý do là chủ tịch Lee đã trực tiếp bám sát thiết kế điện thoại này từ khi còn là bản vẽ trong kế hoạch sản phẩm, theo từng bước thiết kế mẫu mã cho đến lúc chính thức đưa vào sản xuất.

Vào thời điểm đó, tất cả các mẫu điện thoại đều vuông thành sắc cạnh và gây cảm giác cứng nhắc. Nhưng chiếc điện thoại này thì hoàn toàn khác biệt. Cầm chiếc SGH-T100 trên tay giống như cầm nắm một vật hình khối tròn như quả trứng hay quả bóng. Màn hình LCD cùng kích thước điện thoại lớn mang lại cảm giác thoải mái cả về mặt ngoại quan và sử dụng. Nó thật sự là sản phẩm hướng đến người dùng, một thiết kế đi trước thời đại.

Lấy cảm hứng từ “hòn đá cuội” với những đường nét mềm mại, SGH-T100 được coi là thiết kế đi trước một bước so với các dòng điện thoại khác. Sản phẩm điện thoại di động này lọt vào danh sách “Season bestbuy” do một tạp chí của Italia bình chọn. Vinh dự đó một lần nữa củng cố thiết kế mang tính đột phá của SGH-T100. Tạp chí này cũng nhận xét về chiếc điện thoại của chủ tịch Lee như sau: “SGH-T100 xuất sắc bởi đây là chiếc điện thoại thực sự hướng tới sự tiện ích dành cho người sử dụng và thiết kế trong mơ của nó khiến chúng ta liên tưởng đến hình dáng của một chiếc UFO (vật thể bay không xác định)”.

Thiết kế của SGH-T100 không chỉ cho thấy sự khác biệt về ngoại quan mà còn đặc biệt bởi hình dáng bên ngoài của nó kết hợp hoàn hảo với tính năng bên trong của một chiếc điện thoại cầm tay để xứng đáng trở thành thiết kế chiến lược của Samsung.

Mẫu SGH-T100 đầu tiên của Samsung đạt ngưỡng bán ra 10 triệu chiếc và có thể nói yếu tố quyết định tạo nên đột phá nằm ở chính sự khác biệt trong thiết kế của dòng sản phẩm này.

Samsung cho thấy quyết tâm đánh vào thị hiếu đam mê nghệ thuật và thời trang của người tiêu dùng Pháp khi mạnh tay đặt một mô hình điện thoại có kích thước khổng lồ với chiều cao 12m – tương đương chiều cao của một ngôi nhà ba tầng tại sân bay De Gaulle tiếp đón 60 triệu lượt khách mỗi năm, chỉ nhằm mục đích quảng bá cho dòng điện thoại SGH-T100.

Điều này cũng cho thấy sự tự tin của Samsung vào các mẫu thiết kế của mình. Mô hình được đặt tại sân bay De Gaulle là hình ảnh một bàn tay phải đang nhẹ nhàng cầm chiếc điện thoại Samsung. Người viết cũng từng nhìn tận mắt mô hình ấy mỗi khi đi có dịp đi công tác tới Pháp.

Thành công của thiết kế này giúp Samsung lập nên kỷ lục với 4,5 triệu chiếc điện thoại SGH-T100 bán ra chỉ trong vòng sáu tháng sau khi ra mắt. Chiếc điện thoại GSM SGH-600, có sự tham gia đóng góp phát triển sản phẩm của chính người viết, ra mắt vào năm 1998, cũng đã tiêu thụ được hơn 10 triệu chiếc. Sau đó một năm, năm 1999, dòng điện thoại “SCH-3500” lập kỷ lục với 5,1 triệu chiếc điện thoại bán ra. Con số 4,5 triệu chiếc điện thoại bán ra chỉ trong vòng 6 tháng ra mắt sản phẩm là kỷ lục đầu tiên và kỷ lục này thuộc về chiếc điện thoại của Lee Kun Hee.

Thành công với thiết kế mang tính cách mạng của SGH-T100 đã giúp Samsung lần đầu tiên nắm trong tay 9,8% thị phần thị trường điện thoại di động toàn cầu và trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 3 trên thế giới.

Thành tựu do kinh doanh mẫu thiết kế mang lại đã giúp thương hiệu Samsung ngày càng tỏa sáng hơn nữa trong cơn biến động làm thay đổi toàn bộ cục diện thị trường điện thoại di động toàn thế giới vào năm 2007. Bắt đầu từ năm 2007, khi iPhone của Apple làm mưa làm gió và gây xáo trộn toàn bộ hiện trạng thị trường điện thoại di động thông thường, tái cải tổ nên một “hệ sinh thái điện thoại thông minh” (smartphone) và lật đổ nhiều hãng điện thoại lớn trên thế giới thì Samsung càng phát huy được thế mạnh đối với các thiết kế điện thoại của hãng.

Năm 2010, Samsung Electronics tập trung toàn bộ lực lượng và áp dụng những kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm tích lũy được trong suốt thời gian qua để cho ra đời chiếc điện thoại Galaxy S. Đây cũng chính là sự ra đời của chiếc điện thoại thông minh duy nhất có thể trở thành đối thủ ngang sức ngang tài với thiết kế đột phá hàng đầu thế giới của iPhone.

Đặt giả thiết, vào thời điểm iPhone làm mưa làm gió trên toàn thế giới vào năm 2002, nếu như Samsung không có được một sản phẩm với thiết kế tiêu chuẩn quốc tế như Galaxy thì họ không chỉ đánh mất vị trí thương hiệu điện thoại di động số 1 thế giới đang nắm giữ hiện nay mà không chừng còn chịu chung số phận sụp đổ và rơi vào quên lãng như thực tế mà những ông lớn một thời như Nokia đang phải hứng chịu.

Cùng với điện thoại di động, ngay cả trong lĩnh vực tivi, Samsung cũng tỏa sáng với chính sách kinh doanh thiết kế cùng dòng sản phẩm “SAMSUNG Bordeaux LCD TV”.

Năm 2005, Lee Kun Hee cho triệu tập tất cả các giám đốc chủ chốt toàn tập đoàn tới Milano – kinh đô của thời trang và các mẫu thiết kế, để mở cuộc họp với chủ đề “Hội nghị chiến lược thiết kế”. Lee Kun Hee đánh giá khả năng cạnh tranh của các mẫu thiết kế do Samsung sáng tạo là loại 1,5 và đưa ra yêu cầu khẩn thiết cần phải thực hiện một cuộc cải cách nữa để vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Đây chính là tuyên bố cách mạng thiết kế lần thứ hai của Lee Kun Hee.

“Sức cạnh tranh của các thiết kế của Samsung hiện đang dừng ở mức 1,5. Thời gian trung bình để một sản phẩm lọt vào mắt xanh của người tiêu dùng chỉ là 0,6 giây, do đó nếu trong một tích tắc ngắn ngủi ấy chúng ta không thể lôi kéo được bước chân của khách hàng thì cũng đồng nghĩa với thất bại.”

Tại đây, Lee Kun Hee đã phát biểu “bốn chiến lược thiết kế Milano” và đưa ra những yêu cầu cụ thể như xây dựng bản sắc giao diện người dùng – UI và thiết kế sáng tạo, tìm kiếm nhân tài thiết kế xuất sắc, tạo lập văn hóa tổ chức sáng tạo và tự do, củng cố hạ tầng cơ sở kỹ thuật,…

Một năm sau tuyên bố cách mạng thiết kế Milano, chính xác hơn là đúng 11 tháng sau, vào tháng 3 năm 2006, thiết kế của Samsung được nâng lên một tầm cao mới với dòng sản phẩm “TV Bordeaux”.

Sự ra đời của TV Bordeaux với thiết kế hình tượng hóa hình ảnh một chiếc ly còn lại một chút rượu vang láng đáy thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng. Trước đây, một chiếc tivi chỉ cần có chức năng truyền tải âm thanh, hình ảnh và không bị hỏng hóc thì đã đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Sự ra đời của TV Bordeaux đánh dấu giây phút thăng hoa của một chiếc tivi lột xác trở thành một tác phẩm nghệ thuật ngay cả khi nó không thực hiện chức năng chính.

Samsung Electronics lần đầu tiên cho ra mắt model TV Bordeaux vào tháng 3 năm 2006, đó cũng là giây phút lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử tivi thế giới. Đặc biệt, Samsung Electronics đã có thể vươn lên dẫn đầu thị trường tivi toàn thế giới chỉ trong vòng 34 năm kể từ khi tham gia vào thị trường này. Và cũng từ khi đó, hình ảnh của Samsung bắt đầu được cải thiện đáng kể. Giờ đây, nhắc tới Samsung, người ta thường liên tưởng đến một công ty làm ra những chiếc tivi đẹp như một tác phẩm nghệ thuật chứ không còn là một công ty chuyên sản xuất ra những sản phẩm điện tử giá rẻ nữa.

Sản phẩm có đóng góp lớn nhất trong việc Samsung vươt qua gã khổng lồ Sony của thời đại tivi analogue và vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường tivi chính là TV Bordeaux. TV Bordeaux ra mắt vào năm 2006 và chỉ trong năm đó đã bán được 3 triệu chiếc, đảo ngược làn sóng thị trường tivi thế giới.

Nhóm phát triển sản phẩm TV Bordeaux đã loại bỏ những chức năng mà người sử dụng không mong muốn, nâng cao chất lượng hình ảnh, đặc biệt giá thành có chạm tới ngưỡng “phòng tuyến Maginô” 3.000 đô-la và dù cho chiếc tivi được coi là một tác phẩm nghệ thuật hay là đồ điện gia dụng thì Samsung cũng không từ bỏ thiết kế tivi màn hình lớn. Thiết kế ngoại quan gần giống với một ly rượu kết hợp với cảm giác như trong ly còn để lại một chút rượu vang chính là yếu tố khiến cho thiết kế này trở nên hoàn thiện hơn.

“Một chiếc tivi hoàn hảo thực thụ phải khiến cho người ta cảm nhận được sự tồn tại hiển hiện của nó ngay cả khi nó đang tắt”, đây chính là tôn chỉ dẫn đến sự ra đời của TV Bordeaux. Kết quả là Samsung không những cho ra đời một dòng sản phẩm mới mà còn lập nên một cú “hit” chưa từng có trong lịch sử khi thay đổi quan niệm tivi là “thiết bị thu phát tín hiệu”, và “vô tuyến truyền hình” thành “một phần không thể thiếu của không gian sống”.

Nếu không có sự lựa chọn sáng suốt của Lee Kun Hee trong việc đi trước đón đầu tập trung vào thiết kế mẫu mã bằng tài nhận định hơn người về thiết kế thì không dám chắc Samsung Electronics liệu có còn tồn tại cho đến ngày nay hay không.

Một trong những lý do khiến không một ai có thể phủ nhận rằng quyết định tập trung vào thiết kế mẫu mã sản phẩm của Lee Kun Hee là một quyết định vô cùng sáng suốt bởi vì vào những năm 1990, khi các công ty Hàn Quốc đồng loạt cắt giảm triệt để giá thành sản phẩm để tập trung vào chất lượng hình ảnh thì Samsung đã mạo hiểm đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Khi các công ty khác còn đang bị mờ mắt và không nhận thức được đâu mới là điểm mấu chốt thì Lee Kun Hee đã đưa ra yêu cầu và chỉ thị đanh thép tới toàn thể đội ngũ lãnh đạo và nhân viên công ty nhất định cần phải tập trung vào điều mà ông đã sớm nhận ra. Đó chính là phong cách Lee Kun Hee.

Có thể nói cơ sở cho phong cách Lee Kun Hee là khả năng nhìn thấu suốt những điều mà người khác không thể nhìn thấy được và đưa ra những quyết định sáng suốt dựa trên khả năng nhìn thấu suốt ấy.

Không thể ngờ rằng ngay tại thời điểm đưa ra tuyên bố cải cách kinh doanh, Lee Kun Hee đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của mẫu mã sản phẩm như sau:

“Trong tương lai, mẫu mã thiết kế sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn thế giới. Cá tính sẽ được coi trọng. Trong khi đó, trình độ kỹ thuật sản xuất đồng đều giữa hầu hết các doanh nghiệp đã rút ngắn cách biệt về chất lượng và tính năng sản phẩm của các thương hiệu khác nhau. Trong thời gian tới, mấu chốt của vấn đề là cá tính sẽ đi về đâu và cần phải thiết kế như thế nào.”

Lựa chọn điện thoại di động

“Thời đại mà mỗi người đều sở hữu một thiết bị đầu cuối không dây nhất định sẽ tới. Cần phải tập trung và quan tâm hơn tới chiếc điện thoại.”

Lee Kun Hee là một nhân vật có tài quan sát và khả năng nhìn xa trông rộng hơn người. Ông sớm nhận ra thời đại của điện thoại di động sẽ đến ngay từ trước khi điện thoại di động trở nên phổ biến và được yêu thích như ngày nay. Đồng thời, ông đã đưa ra chỉ thị cần phải xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa dự án điện thoại di động tới toàn thể nhân viên trong công ty vào đầu những năm 1990.

Từ năm 1986, Samsung Electronics bắt đầu độc hành trên con đường phát triển điện thoại di động. Vào thời điểm đó, chất lượng đàm thoại của điện thoại Samsung vẫn tỏ ra yếu thế hơn nhiều so với sản phẩm của các đối thủ đi trước. Nhưng tận dụng cơ hội Olympic 1988 được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, mẫu SH-100 được nâng cấp thành dòng điện thoại dành cho VIP.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp non trẻ như Samsung Electronics lúc bấy giờ vẫn còn thiếu nhiều thứ để có thể vượt mặt các đối thủ cạnh tranh gạo cội đã có thâm niên trong ngành công nghiệp điện thoại cả về khả năng kỹ thuật lẫn mức độ nhận biết thương hiệu. Trong khi đó, thể theo yêu cầu cấp thiết của Lee Kun Hee, và cũng bởi điện thoại di động nhất định sẽ trở thành một công cụ vô cùng quan trọng trong tương lai, Samsung Electronics nhận thức được rằng nâng cao chất lượng đàm thoại và tính năng, độ bền của chiếc điện thoại Samsung không phải là việc “vô thưởng vô phạt” mà là một nhiệm vụ bắt buộc để đảm bảo cho bước phát triển thần kỳ của Samsung.

Với quyết tâm này, sau lời tuyên bố đanh thép của chủ tịch Lee, năm 1995 bắt đầu xuất hiện slogan quảng cáo ấn tượng và mãi mãi đi vào lòng mỗi người dân Hàn Quốc. Slogan đó chính là:

“Mạnh mẽ trên địa hình Hàn Quốc. Anycall!”

Đây chính là giây phút thần thoại Anycall bắt đầu. Các đối thủ cạnh tranh tấn công vào Hàn Quốc từ năm 1985 và chiếm lĩnh vị trí số 1 tại thị trường Hàn Quốc trong suốt mười năm, thế nhưng hậu bối Samsung Electronics đã cho ra đời những chiếc điện thoại với tính năng vượt trội so với điện thoại của các đối thủ cạnh tranh khác.

Tuy nhiên, nhiều công ty cạnh tranh cho rằng slogan quảng cáo này của Samsung là một “quảng cáo khoa trương” và khởi kiện Samsung lên Ủy ban thẩm định quảng cáo. Nhưng Samsung Electronics đã thực sự phát triển ăng-ten điện thoại di động thích ứng tốt với địa hình Hàn Quốc, do đó vấn đề này nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa.

Cường độ sóng điện thoại được luật pháp quốc tế quy định là 6W và cho phép phạm vi sai số trong khoảng trên dưới 50%. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt là công ty điện thoại M của Mỹ đã độc chiếm vị trí số 1 tại thị trường điện thoại di động Hàn Quốc trong suốt mười năm đã thiết lập và áp dụng cường độ sóng 6W phù hợp với địa hình tương đối bằng phẳng tại Mỹ và cứ giữ nguyên cường độ sóng này với những chiếc điện thoại được bán tại Hàn Quốc.

Nhưng Samsung Electronics đã chú ý đến đặc điểm địa hình với hơn 80% diện tích lãnh thổ là đồi núi của Hàn Quốc, từ đó nâng cường độ sóng điện thoại lên 8W để phù hợp hơn với thị trường, và giải pháp chính là ăng-ten điện thoại. Tất nhiên tất cả các sản phẩm hàng đầu về tỷ lệ thu phát tín hiệu đàm thoại, chất lượng đàm thoại tương thích với địa hình Hàn Quốc chính là điện thoại Samsung chứ không phải sản phẩm nào khác.

Kết quả là từ đó trở đi, Samsung Electronics liên tục giữ vững vị trí số 1 tại thị trường điện thoại di động Hàn Quốc cho tới bây giờ và đánh bật các đối thủ cạnh tranh nước ngoài ra khỏi thị trường nội địa.

Theo lời của Lee Kun Hee, thời đại của điện thoại di động đang mở ra trên toàn thế giới, trong đó có Hàn Quốc, bất chấp việc là kẻ sinh sau đẻ muộn trong công nghiệp điện thoại di động, Samsung Electronics sẽ tiếp nối thành công với vị trí số 1 tại thị trường nội địa Hàn Quốc để chinh phục vị trí số 1 thế giới.

Nếu quay ngược lại quá khứ thì có thể nhìn rõ được tất cả sự biến đổi, nhưng việc phóng tầm mắt nhìn vào tương lai và dự đoán thời đại nào sẽ đến không hề là việc dễ dàng chút nào. Và không phải ai cũng có thể làm được điều này.

Nhờ chỉ thị đanh thép của chủ tịch Lee, kể từ năm 1995, Samsung Electronics đã san bằng cách biệt hơn 10 năm trong công nghệ điện thoại di động và vượt qua Motorola để trở thành thương hiệu điện thoại số 1 tại Hàn Quốc. Đến năm 2012, Samsung Electronics tiếp tục thay thế vị trí số 1 thị trường điện thoại di động toàn thế giới mà người khổng lồ Phần Lan – Nokia độc chiếm suốt 14 năm.

Samsung đã làm được điều này nhờ sự lựa chọn vĩ đại của Lee Kun Hee. Trong tác phẩm trước đây của tôi, Samsung còn chưa lọt vào top 5 trong thị trường smartphone thế giới. Thế nhưng đến thời điểm này, tôi đang kể lại câu chuyện về sự phát triển thần kỳ và đầy thách thức mà một Samsung Electronics tràn đầy sức sống đạt được vị trí số 1 thế giới chỉ trong vòng ba năm ngắn ngủi.

Cuốn sách này giải thích rõ ràng vì sao một doanh nghiệp chỉ được xếp vào dạng “kẻ bám đuổi sát nút” (fast follower) như Samsung lại có thể nhấn chìm cơn lốc mang tên iPhone – sản phẩm do một công ty tiên tiến hàng đầu thế giới chế tạo, được coi là đã mang tới một cuộc cách mạng cho cuộc sống toàn nhân loại chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, để giành vị trí số 1 toàn cầu về điện thoại thông minh (smartphone).

Samsung Electronics đã sử dụng chiến lược của “kẻ bám đuổi sát nút”, nhanh chóng phân tích và làm ra một sản phẩm tương tự ngay khi công ty ở vị trí số 1 vừa tung ra thị trường một sản phẩm tốt, liên tục tạo ra doanh thu dựa trên cơ sở là chiến lược marketing toàn cầu mạnh mẽ của Samsung, từ đó đẩy Nokia xuống vị trí số 2 và thay thế vào vị trí số 1 trong thị trường điện thoại di động mà Nokia đã nắm giữ trong suốt một thời gian dài.

Nokia đã nắm giữ vị trí số 1 trong 14 năm ròng, và suốt thời gian đó, Samsung Electronics luôn theo sát Nokia, đóng vai trò của một “fast follower”. Như vậy, Nokia và Samsung Electronics đã có một sự phân chia ngầm về thị trường điện thoại di động để cả hai cùng tồn tại trong một thời gian dài. Cho tới khi xuất hiện một vị khách không mời mà đến.

Vị khách không ai mời đó chính là Apple – kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện thoại di động cùng với cùng với Steve Jobs – nhà lãnh đạo tài năng bậc nhất của Apple. Có thể dùng từ “sao chổi” để nói về iPhone – chiếc smartphone do Apple sản xuất. Thế nhưng, trên thực tế, iPhone cũng không khác nào vật thể lạ từ trên trời rơi xuống và bỗng chốc tạo ra một cơn lốc có sức mạnh ghê gớm, gạt bỏ hoàn toàn cái cũ và mang tới một phong cách sống hoàn toàn mới cho nhân loại – phong cách mang tên thời đại smartphone.

Trong những năm đầu tiên khi làn sóng iPhone mới nổi lên, cả Nokia và Samsung đều chưa thể cảm nhận được mối đe dọa nào đáng kể. Tuy nhiên, cơn sóng iPhone càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, từ năm 2009 đã phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái của ngành công nghiệp smartphone và tạo ra “hệ sinh thái smartphone” mới.

Cuối cùng, chỉ trong vòng hai, ba năm sau đó, ngành công nghiệp chế tạo smartphone thế giới tiếp tục được chứng kiến một thay đổi tầm cỡ. Đó là sự kiện ông hoàng một thời tung hoành tại vị trí số 1 toàn cầu trong suốt 14 năm bị một “kẻ bám đuổi sát nút” như Samsung truất ngôi để thay thế vào vị trí thương hiệu điện thoại di động hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình này có một sự thật mà chúng ta không thể bỏ qua. Đó là tại sao người khổng lồ với tiềm lực về vốn và kỹ thuật mạnh mẽ như Nokia lại thất bại trước lời thách đấu đến từ một tân binh vô danh trong ngành công nghiệp smartphone như Apple? Trong quá trình này, làm thế nào để Samsung có thể thoát khỏi định mệnh cùng chung số phận hẩm hiu với Nokia? Và có một điều nhất định cần phải được “đưa lên bàn mổ xẻ”, đó là tại sao Samsung Electronics không những bình an vô sự sau cơn sóng gió, mà hơn nữa còn có thể tận dụng tình thế rối ren để thực hiện cú nhảy vọt chưa từng có – giành được vị trí số 1 thế giới từ tay Nokia?

Bởi vì thông qua sự kiện, chúng ta có thể rút ra bài học quý báu, cần phải hành động và ứng phó như thế nào để vượt qua khó khăn trong “thời loạn lạc”.

Vậy hãy cùng quay trở lại chủ đề chính, trong giây phút mà người khổng lồ Nokia sụp đổ, Samsung Electronics đã làm gì để không bị kéo xuống hố đen cùng “người khổng lồ” mà ngược lại còn có thể lấy đà thực hiện cú nhảy vọt thời đại trong chính thời khắc định mệnh ấy? Trước hết, có thể nói căn nguyên sâu xa dẫn tới sự sụp đổ của Nokia chính là sự tự mãn và tâm lý ngủ quên trên chiến thắng của ông hoàng một thời.

Trước iPhone của Apple, chưa từng có một sản phẩm smartphone nào có đủ sức mạnh uy hiếp đế chế vững chãi mà Nokia đã tạo dựng trong nhiều năm. Bởi vậy, đứng trên lập trường của một doanh nghiệp lớn, Nokia không thể cảm nhận được mối hiểm họa đang rình rập khi Apple xuất hiện cùng với iPhone. Hơn nữa, trên thực tế, trước iPhone, thế giới đã từng ghi nhận làn sóng mang tên Blackberry. Do đó, có thể nói trước iPhone, đại danh từ smartphone mới chỉ dừng lại ở Blackberry.

Điện thoại mang tên BlackBerry do Research In Motion, một công ty IT tiêu biểu của Canada sản xuất. Trước khi làn sóng iPhone chính thức trỗi dậy thì thế giới đã chứng kiến sự ra đời lũ lượt của những chiếc smartphone mang thương hiệu BlackBerry (hình 5).

Tại nhiều nước trên thế giới ngoại trừ Hàn Quốc, BlackBerry được yêu thích tới mức xuất hiện cụm từ “hội chứng Crackberry”. “Crackberry” là một từ ghép được tạo bởi “crack” và “BlackBerry”. “Crack” vừa có nghĩa là “bẻ gãy” vừa có nghĩa là cocain (tên một loại ma túy). BlackBerry không thực sự gây được tiếng vang tại thị trường Hàn Quốc, nhưng không ai có thể phủ nhận độ “hot” của chiếc smartphone này tại các quốc gia khác trên thế giới.

Cũng bởi vậy mà ngay cả khi làn sóng iPhone nổi lên, Nokia cũng chỉ nhận định đây chẳng qua chỉ là một trường hợp điển hình về thành công chớp nhoáng sớm nở chóng tàn của một tân binh đưa ra thị trường một sản phẩm mới mang tính chất “đổi gió” đối với người tiêu dùng. Thế nhưng, phải đến sau này người khổng lồ mới ngộ ra rằng đây thực sự là một mầm họa.

Cái giá mà Nokia phải trả cho sự khinh suất của mình chính là ngôi vị số 1 thế giới. Samsung Electronics cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ thách thức to lớn mà iPhone tạo ra. Thế nhưng trong tình thế nguy cấp ấy, chủ tịch Lee Kun Hee đã xuất hiện.

Vì một số lý do, Lee Kun Hee tạm thời lùi về tuyến sau, nhưng năm 2010, ông một lần nữa trở về tuyến đầu chèo lái con thuyền Samsung và ngay lập tức cho thấy ý chí quyết đoán của mình sau khi tới thăm nhà máy điện thoại di động của Samsung Electronics đặt tại Gumi.

“Hãy sản xuất ra những chiếc smartphone mạnh mẽ hơn bất cứ chiếc smartphone nào trên thế giới.”

Đây chính là yêu cầu cấp thiết duy nhất, chỉ thị duy nhất Lee Kun Hee gửi tới toàn thể lãnh đạo và nhân viên sau khi đến thăm xưởng sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Suwon hai năm sau khi quay trở lại với công việc kinh doanh của tập đoàn vào tháng 3 năm 2010.

Ông đã nhấn mạnh rằng “Chỉ trong vòng mười năm nữa, tất cả những sản phẩm đã từng đại diện cho Samsung tính đến thời điểm này đều sẽ biến mất”, và đối với các lĩnh vực mới, trong đó có smartphone, cần phải đặc biệt theo dõi sát sao quá trình xúc tiến dự án.

Bất ngờ là trong tình thế bị nhiều đối thủ cạnh tranh dồn ép tại thị trường smartphone và nhất là làn sóng iPhone đang dấy lên mạnh mẽ, một công ty cho đến tận năm 2009 vẫn chưa thể lọt vào trong top 5 thế giới như Samsung Electronics lại chọn thời điểm này để thực hiện bước ngoặt và mạnh mẽ vươn lên.

Ba tháng sau khi Lee Kun Hee đưa ra chỉ thị, một kỳ tích đã xuất hiện.

Bởi vì chính trong ba tháng đó, Galaxy S – đối thủ ngang tài ngang sức duy nhất có thể làm dịu cơn sóng iPhone – ra mắt thị trường điện thoại.

Đây cũng chính là lý do để gọi “Galaxy S” là “điện thoại của Lee Kun Hee”. Với Galaxy S, Samsung Electronics không chỉ dần đuổi kịp Apple mà hơn nữa còn tạo cú nhảy vọt giành vị trí số 1 thị trường điện thoại di động và smartphone toàn thế giới.

Lý do lớn nhất để có thể đánh giá rằng vào thời điểm này những chỉ thị và yêu cầu của Lee Kun Hee còn quan trọng hơn bất cứ một chiến lược kinh doanh nào, là bởi cho tới đến thời điểm này, Samsung Electronics chưa từng sở hữu một sản phẩm mang tính cách mạng nào. Hay nói cách khác, họ chưa từng tạo ra một sản phẩm nào đáng để thế giới phải kinh ngạc, mà thậm chí, nếu không cương quyết cải cách thì không biết chuỗi thất bại còn kéo dài đến bao giờ.

Và điều kỳ diệu xuất phát từ những quyết định và chỉ thị của Lee Kun Hee là sự xuất hiện đầy bất ngờ của Galaxy S – một sản phẩm chỉ được Samsung thai nghén vẻn vẹn trong ba tháng. Galaxy S ra đời không chỉ khiến cả thế giới phải kinh ngạc, mà còn đánh dấu bước chuyển mình “ồn ào” của Samsung Electronics để trở thành công ty điện tử duy nhất có thể đường đường chính chính chiến thắng iPhone.

Trong con mắt báo giới nước ngoài, tính đến thời điểm này, Samsung Electronics vẫn chưa thoát khỏi cái “dớp” của một “fast follower” và cũng chưa thể được đánh giá là một doanh nghiệp cách mạng có thể tạo nên những sản phẩm mang tính cách mạng khiến cả thế giới phải ngạc nhiên đến vậy.

Tờ Financial Times (Thời báo tài chính) của Anh đã dùng cụm từ “sales machine” (cỗ máy bán hàng) để chỉ đích danh Samsung Electronics.

Tại sao lại như vậy? Lý do là bởi, mặc dù Samsung có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ứng dụng linh hoạt kỹ thuật vốn có để tối đa hóa lợi nhuận, song điều mà Samsung không có được chính là khả năng sáng tạo và cải cách để sản xuất ra những sản phẩm đột phá, thay đổi căn bản thị trường hiện tại và khuôn khổ ngành công nghiệp như Apple – doanh nghiệp tiên tiến đã tạo ra sản phẩm đột phá như iPhone.

Ngoài ra, tờ báo này còn đưa ra dự đoán “Thành công mà Samsung gặt hái được trong vài năm gần đây không phải dựa trên nền tảng kỹ thuật tiên tiến (technology leadership) mà nhờ vào kỹ năng ứng biến tốc độ (speed and agility). Tuy nhiên, điểm thiếu sót của cuộc cải cách đúng nghĩa lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tính lợi nhuận”. Và dự đoán ấy đã dần dần trở thành hiện thực.

Các công ty khác càng bước gần đến vạch tiêu chuẩn “doanh nghiệp đổi mới” thì tình hình lợi nhuận của Samsung Electronics càng có chiều hướng xấu đi.

Trong bài viết số ra ngày 29 tháng 1 năm 2010, cùng với việc đưa tin Samsung Electronics đánh bại HP để trở thành tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, tờ báo này cũng không ngừng đưa ra những chỉ trích nhằm vào sự thiếu đổi mới của Samsung.

“Chỉ tính riêng việc thiếu tính sáng tạo và kỹ thuật, đáng để coi là sản phẩm chiến lược như dòng sản phẩm TabletPC ‘iPad’ được Apple đưa ra trình làng mới đây đã được coi là một yếu kém của Samsung. Trong tình hình tăng trưởng chóng mặt của thị trường smartphone, với tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường còn chưa đạt tới con số 5% thì Samsung còn phải chạy dài mới theo kịp được Nokia (35%) và Apple (17%). Theo điều tra của Công ty phân tích thị trường Gartner, sản phẩm smartphone ‘Omnia phone’ của Samsung không vượt quá 3,2% thị phần toàn thế giới.”

Theo báo cáo này, cách đây không lâu, vào năm 2010, có thể khẳng định rằng ở vị trí số 1 thế giới, Nokia vẫn hoàn toàn giữ thế áp đảo về thị phần tại thị trường smartphone. Trong khi đó, thị phần của Samsung tại thị trường này rõ ràng là không đáng kể, thậm chí không thể được coi là đối thủ của Nokia và Apple.

Tình thế này của Samsung Electronics tại thị trường smartphone cho thấy, cho đến thời điểm đó, Samsung Electronics vẫn chỉ mạnh “khoản sao chép”, như vậy cũng đồng nghĩa với việc chưa thể thoát khỏi chiến lược và phương thức kinh doanh mà họ đã từng theo đuổi. Càng như vậy, Samsung càng chứng tỏ sự bế tắc và lúng túng trước các ý tưởng sáng tạo.

Samsung Electronics không sở hữu công nghệ nguồn nhưng lại là doanh nghiệp sử dụng tốt và thành công nhất “chiến lược vị trí thứ 2”. Tức là ngay khi công ty ở vị trí số 1 giới thiệu sản phẩm mới, nhanh chóng hơn bất cứ một “kẻ bám đuổi sát nút” nào, Samsung cũng sẽ đưa ra thị trường một sản phẩm tương tự và thu lợi nhuận từ phương thức làm ăn này. Trước khi Apple cho cả thế giới biết đến iPhone, Samsung vẫn chỉ là một tân binh không nắm trong tay bất cứ một công nghệ nào, thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm, nên chiến lược kinh doanh được họ ưu tiên hàng đầu để có thể thành công và tồn tại trên thương trường chính là chấp nhận đóng vai của kẻ theo sau. Tuy nhiên, trong tương lai, khi mà chủ nghĩa độc quyền nhanh chóng lên ngôi, kẻ thắng thế luôn toàn quyền độc chiếm mọi nguồn lợi thì sự sinh tồn của những “kẻ bám đuổi sát nút” càng bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Chỉ chưa đầy sáu tháng sau khi bài viết trên đây xuất hiện trên mặt báo, Samsung Electronics đã cho trình làng sản phẩm đột phá đáng để toàn thế giới phải “ngước nhìn” mang tên Galaxy S. Chắc hẳn đến đây, không cần phải nói lại, các bạn cũng đã rõ, sự ra đời của Galaxy S hay cũng chính là thành công của Samsung đều nhờ vào ý chí quyết đoán và chỉ thị đanh thép của Lee Kun Hee.

Vậy thì Steve Jobs đã tạo ra iPhone như thế nào? Qua bài phỏng vấn Steve Jobs của tạp chí Fortune, khi vị CEO này bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của mình về những trăn trở làm sao để tạo ra một sản phẩm cách mạng có thể thay đổi hoàn toàn phong cách sống của toàn nhân loại, mà cho tới giờ chúng ta được biết thành quả cuối cùng đó là iPhone, thì cũng ít nhiều hình dung được quá trình sáng tạo ra iPhone.

“Những chiếc điện thoại chúng ta sử dụng trước đây quá bất tiện. Phần mềm thì quá ‘kinh khủng’ còn phần cứng thì không có gì đáng nói. Tôi hỏi bạn bè của mình và họ cũng có những suy nghĩ tương tự. Tôi nhận thấy rằng đây là một cơ hội lớn. Như vậy thì hãy cùng làm ra chiếc điện thoại được tất cả mọi người yêu mến. Liệu chúng ta có nên đưa hệ điều hành Mactonish và công nghệ của Ipod vào trong chiếc điện thoại này? Vấn để đặt ra là liệu có thể đưa hệ điều hành tinh vi vào trong một chiếc điện thoại? Trong nội bộ công ty xuất hiện hai luồng ý kiến đan xen giữa có thể và không thể. Cuối cùng tôi đã đưa ra quyết định ‘Chúng ta hãy làm thử xem sao’. Và kết quả là chúng tôi đã thành công.”

Cuối cùng vào tháng 6 năm 2007, Steve Jobs đã giới thiệu ra thế giới iPhone – chiếc smartphone chứa đựng khái niệm hiện đại đi trước từ năm đến mười năm so với những chiếc smartphone do các công ty sản xuất smartphone khác chế tạo.

Ngày diện mạo của iPhone được hé lộ ra với thế giới cũng là ngày thời đại smartphone mở rộng cánh cửa đến với nhân loại và khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc. Đây là chiếc điện smartphone với khái niệm mới, sở hữu màn hình cảm ứng và kết hợp các chức năng chụp ảnh, GPS, internet không dây (Wi-Fi).

Steve Jobs đã mạnh dạn loại bỏ các chi tiết phức tạp vẫn thường xuất hiện trên những chiếc smartphone mà các công ty khác sản xuất trước đó như trackwheel, bút cảm ứng, bàn phím 40 phím, nút dial,… để mang lại vẻ đẹp tinh tế và phong cách giản tiện tuyệt đối cho thiết kế vô cùng được yêu thích hiện nay của iPhone. Steve Jobs cho ra đời chiếc smartphone thế hệ mới tích hợp những đặc tính khác biệt độc đáo với khả năng kết nối mạnh mẽ, tính tiện ích cao và đặc biệt là chỉ dành cho những người có thể sử dụng máy tính.

Ngoài ra, với hệ điều hành iOS của iPhone, người sử dụng dễ dàng thao tác và tải về chiếc điện thoại của mình vô số các ứng dụng từ kho ứng dụng AppStore khổng lồ của Apple.

Steve Jobs đã giới thiệu về sản phẩm trong buổi phát biểu ra mắt iPhone như sau:

“Smartphone được mệnh danh là điện thoại cầm tay tân tiến nhất hiện nay. Thông thường, nếu đã gọi là smartphone thì có nghĩa đó là chiếc điện thoại được tích hợp các chức năng như đàm thoại, gửi email, Internet và chức năng tìm kiếm. Nhưng, smartphone thực ra lại có một điểm ‘không được thông minh cho lắm’. Bởi thực tế là smartphone rất khó sử dụng. Điện thoại di động vốn dĩ vẫn bất tiện và phức tạp như vậy. Những sản phẩm thông minh hơn so với những chiếc điện thoại trước đây đang lần lượt ra đời nhưng dường như người sử dụng vẫn còn phải chật vật với những bất tiện mà các sản phẩm này mang lại. Ngay từ những chức năng đơn giản nhất cũng khiến người sử dụng mất rất nhiều thời gian để làm quen. Bởi vậy, điều mà chúng tôi vẫn đang theo đuổi là tạo ra một sản phẩm thực sự thông minh, nói theo cách khác là một sản phẩm mang tính đột phá và dễ sử dụng. Và kết quả chính là iPhone.”

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 cho đến năm 2008, “Iphone 3G” ra đời, sau đó “Iphone 3Gs” tiếp tục xuất hiện vào năm 2009. Tháng 11 năm 2009, tại Hàn Quốc bắt đầu bày bán những chiếc iPhone 3Gs đầu tiên.

Trong lần xuất hiện đầu tiên, Apple đã không đạt được chỉ tiêu mà họ mong muốn, tỷ lệ sử dụng iPhone chỉ chiếm không quá 5% thị trường smartphone toàn thế giới. Một trong những lý do của việc đó là người sử dụng phải bỏ ra một số tiền khá lớn mới có thể sở hữu được một chiếc iPhone với giá khởi điểm là khoảng 599 đô-la.

Tuy nhiên, khi Apple tung ra thị trường một sản phẩm nâng cấp với tốc độ xử lý cao, tinh tế và mạnh mẽ hơn là iPhone 3Gs thì thị trường điện thoại di động mới thực sự bị chao đảo. iPhone là chiếc smartphone được bán ra với tốc độ chóng mặt nhất trong lịch sử smartphone thế giới và bắt đầu thổi bùng lên “cơn lốc smartphone”.

Apple ngày càng nối dài thêm vào danh sách thị trường của hãng và bắt đầu tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới, một trong số đó chính là Hàn Quốc – quê hương của Samsung Electronics. Tháng 11 năm 2009, iPhone chính thức xuất hiện tại thị trường Hàn Quốc và được rất nhiều người yêu thích, chính lúc này Samsung bắt đầu cảm nhận được những mối đe dọa đầu tiên. Cuối cùng, mối đe dọa ấy cũng trở thành hiện thực và chỉ trong phút chốc đã đẩy Samsung từ thời đại công nghiệp hóa trong quá khứ chỉ tập trung vào phần cứng xuống thành một công ty chế tạo lạc hậu trong thời đại hiện nay.

Không dừng lại ở đó, sự nổi lên bất thường của Apple bỗng nhiên đẩy lùi chính phủ Hàn Quốc và các doanh nghiệp thông tin di động của Hàn Quốc xuống mức tụt hậu về mobile network và mobile internet. Tình thế này khiến cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà tiêu biểu là Samsung Electronics phải chịu nhiều chỉ trích từ phía chính phủ. Đây là một hiện thực không thể chối bỏ.

Nhìn lại diện mạo của một Samsung Electronics không xứng tầm đối thủ với iPhone của Apple trong cuộc chạy đua smartphone cách đây hai năm, mới thấy được Samsung đã thực sự trở thành một doanh nghiệp thực hiện thành công bước nhảy vọt để trở thành người hùng trên mặt trận smartphone chỉ trong vòng hai năm như thế nào.

Có một thực tế là cho đến trước khi iPhone xuất hiện tại thị trường Hàn Quốc, Samsung vẫn hoàn toàn bình chân tại thị trường smartphone và bàng quan trước cơn bão iPhone đang càn quét trên toàn thế giới. Mặc dù thậm chí còn chưa lọt vào top 5 thị trường smartphone thế giới nhưng có vẻ như điều này cũng không đủ để trở thành mối bận tâm của Samsung. Bởi Samsung vẫn đang làm ăn tốt và thu lợi nhuận tại thị trường điện thoại phổ thông (feature phone) và cho dù số lượng tiêu thụ smartphone chỉ chưa đến 1 triệu chiếc thì Samsung vẫn chắc chân tại vị trí số 2 tại thị trường điện thoại di động. Rõ ràng vào thời điểm ấy, lượng tiêu thụ của dòng sản phẩm smartphone vẫn chưa hề ảnh hưởng tới doanh thu của Samsung.

Tuy nhiên, sự ra đời của iPhone đã hoàn toàn phá vỡ hệ sinh thái điện thoại di động vốn chỉ biết đến với những chiếc điện thoại phổ thông, và nhanh chóng thu hút người dùng điện thoại phổ thông trở thành những khách hàng của smartphone và tạo ra hệ sinh thái điện thoại di động mới chú trọng vào smartphone.

Công ty phân tích thị trường Strategy Analytics (SA) cho biết, quý 1 năm 2009 Samsung Electronics chỉ bán ra 1,3 triệu chiếc smartphone. Và bắt đầu từ tháng 11 năm 2009 khi Apple bắt đầu tấn công thị trường Hàn Quốc với sản phẩm iPhone thì Samsung Electronics mới thực sự cảm nhận được hiểm họa và thấm thía một sự thật rằng không thể tiếp tục như thế này mãi.

Bởi hơn tất cả, thời của điện thoại di động, vốn chỉ được biết đến với những chiếc điện thoại phổ thông đã hoàn toàn bị phá bỏ và đang nhanh chóng chuyển sang thời đại của smartphone, thủ phạm chính là iPhone. Là một trong những người đầu tiên nhìn thấu được vấn đề này, Lee Kun Hee đã dứt khoát đưa ra yêu cầu tạo ra “sản phẩm smartphone thông minh nhất thế giới” để trở thành đối thủ xứng tầm có thể hạ gục được iPhone và tập trung toàn lực, đặt cược toàn bộ sự sống còn của cả công ty vào dự án smartphone.

Giả sử chỉ cần chậm chân thêm một, hai tháng nữa mới đặt cược cho smartphone thì không thể đảm bảo chắc chắn rằng liệu sự nghiệp smartphone của Samsung Electronics sẽ đi về đâu. Bởi vào thời điểm này, thế giới hoàn toàn có thể giải thích được một sự thật lịch sử là tình thế căng thẳng hiện nay của Nokia khi hãng này chỉ chậm đối đầu với hiện thực có một, hai tháng nhưng đã để vuột mất thời khắc vùng lên phản công và phải chấp nhận rời khỏi vị trí số 1 vốn thuộc về mình như thế nào.

Đến đây, không cần thêm bất kỳ một lời giải thích nào nữa, bởi thực tế hiện nay đã là minh chứng rõ ràng nhất rằng sự lựa chọn của Lee Kun Hee hoàn toàn sáng suốt.

5.

Sắp đặt lại LCD

“Anh hãy xem xét phương án chuyển bộ phận sản xuất LCD đang đặt tại Samsung SDI về Samsung Electronics đi. Ngay khi trở về nước tôi sẽ triệu tập cuộc họp với giám đốc các công ty thành viên về vấn đề này.”

Năm 1990, tại Nhật Bản, khi đang lên ý tưởng kinh doanh, Lee Kun Hee đã bất ngờ cho gọi trưởng phòng thư ký Kim Sun Taek để giao nhiệm vụ này. Vậy tại sao Lee Kun Hee lại phải vội vàng xem xét phương án chuyển bộ phận sản xuất LCD từ Samsung SDI về Samsung Electronics như vậy?

Lý do không có gì khác ngoài tài năng nhìn xa trông rộng hơn người của Lee Kun Hee. Khi đó, tại Nhật Bản, thông qua cuộc gặp gỡ với những nhà lãnh đạo đến từ các công ty hàng đầu về LCD như Sharp, Lee Kun Hee đã nhìn thấu cả một tương lai mà tại thời điểm bấy giờ không ai có thể nhận thấy được. Đó chính là hình ảnh Samsung đứng trên đỉnh cao số 1 trong giới LCD.

Cùng nhìn một sự vật, sự việc, nhưng Lee Kun Hee luôn có những suy nghĩ “khác người” và đưa ra nhận định sâu sắc hướng tới tương lai. Khi đó, tại các nhà máy bán dẫn của Toshiba, NEC hay tại nhà máy sản xuất màn hình hiển thị của các hãng điện tử như Sharp và Hitachi… đều đang đưa LCD vào sản xuất. Bởi vậy, nếu Lee Kun Hee lên kế hoạch xúc tiến sản xuất LCD thì cũng không phải là chuyện lạ.

Tuy nhiên, có điều gì đó đã lóe lên trong đầu Lee Kun Hee. Chính ý tưởng vụt sáng này đã giúp Lee Kun Hee nhận ra điều mà không ai nghĩ đến. Lee Kun Hee nhận ra rằng, mặc dù quy trình sản xuất LCD và quy trình bán dẫn có nhiều điểm tương đồng, song nếu đơn thuần “đánh đồng” hai lĩnh vực này làm một, coi chúng đều là màn hình hiển thị thì hoàn toàn sai lầm. Và đó cũng chính là mấu chốt quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến công cuộc phát triển ngành công nghiệp LCD trong tương lai.

“Bộ phận sản xuất LCD phải được chuyển đến Samsung Electronics. Bởi mặc dù quy trình sản xuất LCD có nhiều điểm tương đồng với quy trình bán dẫn nhưng tuyệt đối không thể gộp vào làm một thành sản xuất màn hình hiển thị và giao phó hết cho Samsung SDI được.”

Sau khi trở về từ Nhật Bản, chủ tịch Lee cho triệu tập cuộc họp ban giám đốc và đưa ra quyết định trên. Ngay sau đó, Samsung gấp rút tiến hành công cuộc di dời dây chuyền sản xuất LCD về Samsung Electronics. Tiếp theo, trách nhiệm phát triển dự án LCD được giao phó cho phòng Dự án đặc đặc biệt tại Nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics.

Tháng 10 năm 1994, các công ty bán dẫn Nhật Bản vốn đang nắm thế độc quyền tại thị trường LCD với hơn 90% thị phần trên toàn thế giới cũng phải bất ngờ trước động thái này của Samsung Electronics. Mặc dù phát triển muộn hơn nhưng Samsung lại cho trình diện sản phẩm mẫu TFT-LCD 14 inches tại triển lãm màn hình hiển thị có quy mô lớn nhất thế giới “Triển lãm màn hình LCD quốc tế (LCD International)”.

Mặc dù là người đi sau nhưng Samsung đã bắt đầu sản xuất hàng loạt panel (khung hiển thị) 10.4 inches từ năm 1995. Nhưng thật không may, dự án này không những sản xuất ra một loạt sản phẩm lỗi với tỷ lệ hàng lỗi lên tới gần 50% mà sự kèn cựa gay gắt của các đối thủ cạnh tranh còn khiến Samsung một phen lao đao vì thua lỗ.

Các công ty lão làng như Sharp liên tục hạ giá thành của panel 10.4 inches, đồng thời nhanh chóng tung panel 11.3 inches ra thị trường. Trong khi đó, các công ty LCD khác cũng “ăn theo” và lấy panel 11.3 inches làm sản phẩm chủ lực. Cùng lúc, các nhà sản xuất notebook (máy tính xách tay) cũng đồng loạt yêu cầu cung cấp màn hình hiển thị 11.3 inches.

Tất cả các doanh nghiệp sản xuất LCD gạo cội và các công ty sản xuất notebook mua LCD bắt đầu coi 11.3 inches là quy chuẩn. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm với dự án bán dẫn, Samsung hiểu được nếu chỉ cam chịu làm kẻ đi sau bước theo dấu chân của người đi trước thì Samsung mãi mãi không thể thoát khỏi cái mác tân binh.

Được tiếp sức bởi sự lựa chọn đúng đắn của ban lãnh đạo và cũng chính là những người hiểu rõ nhất về việc chuyển Bộ phận LCD về Samsung Electronics, nơi có nhà máy bán dẫn của tập đoàn, Samsung Electronics quyết định “nhảy cóc”, phát triển thẳng lên panel 12.1 inches ngay khi các đối thủ cạnh tranh còn đang tập trung vào panel 11.3 inches.

Samsung Electronics xuất phát điểm chỉ là một tân binh trong ngành bán dẫn nhưng đã sớm bắt tay vào công nghệ phiến bán dẫn 8 inches trong khi các công ty khác còn đang tập trung vào công nghệ phiến bán dẫn 6 inches và ngay lập tức thu được thành công lớn, vượt qua các đối thủ tầm cỡ. Lần này, câu chuyện về LCD cũng mở ra với những tình tiết tương tự.

Tuy nhiên, trong tình hình tất cả các nhà quản lý và các đối tác trong và ngoài nước đều đưa ra yêu cầu màn hình 11.3 inches thì trong tập thể nhân viên bắt đầu dấy lên sự lo ngại trước quyết định này của ban lãnh đạo. Nhưng một khi quyết định đã được đưa ra thì Lee Kun Hee sẽ không thu lại, mà quyết tâm cao độ để thực hiện bằng được. Trong bầu không khí đấu trí nặng nề, Samsung rục rịch triển khai dự án panel 12.1 inches. Trước động thái này của Samsung, nội bộ Toshiba cũng ngầm đưa ra quyết định cho riêng mình.

Ban đầu, do e ngại còn quá sớm để tiến tới thế hệ màn hình 12.1 inches, hai nhà sản xuất notebook đình đám nhất lúc bấy giờ là Toshiba và Dell vẫn tập trung vào công nghệ 11.3 inches, nhưng họ cũng biết rõ hơn ai hết, thời điểm chuyển giao sang 12.1 inches sớm muộn gì cũng đến. Mặc dù thấy ngạc nhiên, song họ cũng nhận thức được rằng một tân binh như Samsung đang dồn toàn lực phát triển và sản xuất 12.1 inches và rõ ràng đã đi trước mình một bước trong công nghệ này.

Mặt khác, bản thân Samsung Electronics cũng biết rằng cần phải đi trước, tạo thị trường và chiếm lĩnh thị trường thì mới có thể thoát khỏi hình ảnh của kẻ đi sau.

Vào năm 1996, trong khi các doanh nghiệp khác vẫn còn sản xuất hàng loạt 11.3 inches thì Samsung Electronics bắt đầu sản xuất 12.1 inches với số lượng lớn. Và kết quả là chỉ trong vòng 6 tháng, tiêu chuẩn 11.3 inches do các công ty tiên phong đặt ra đã sớm chuyển thành tiêu chuẩn 12.1 inches.

Để giải quyết tình cảnh làm ăn thua lỗ và cũng để thoát khỏi cái mác đi sau, Samsung Electronics đã lựa chọn và tập trung phát triển công nghệ 12.1 inches với chiến lược tiên phong đặc thù, đồng thời kiên định nhìn về phía trước với tâm niệm “năm nay sẽ không thua lỗ”. Cuối cùng, sau 4 năm đi vào sản xuất hàng loạt màn hình LCD, năm 1998, Samsung Electroncis tỏa sáng tại vị trí số 1 trong ngành sản xuất LCD màn hình lớn.

Hãng điều tra thị trường DisplaySearch cho hay, năm 1998, Samsung Electronics đứng đầu thế giới về thị phần tại thị trường màn hình LCD cỡ lớn từ 10 inches trở lên.

Sau đó, mặc dù là kẻ đi sau nhưng Samsung vẫn luôn nỗ lực để giành được vị trí số 1 về thị phần trong 8 năm liên tục kể từ năm 2002 trên thị trường LCD panel toàn thế giới. Không những vậy, năm 2004, Samsung đã lập kỷ lục khi lần đầu tiên tung ra thị trường sản phẩm TV LCD 46 inches.

Lựa chọn tài trợ thể thao

“Trong thế kỷ XXI, chúng ta sẽ có cơ hội được có mặt trên toàn cầu và sứ mệnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ thành hiện thực khi sự nghiệp toàn cầu hóa được hoàn thành.”

Câu nói này được trích trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, năm 1996. Một trong những lựa chọn chiến lược của Lee Kun Hee nhằm biến Samsung Electronics trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới chính là toàn cầu hóa. Và ông coi “thể thao” là một trong những công cụ để thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa của Samsung.

Năm 1996 là năm Lee Kun Hee được bầu làm ủy viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Ông đã thấy được những ví dụ điển hình về việc chọn Olympic là nơi đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp của các công ty lớn như Coca-Cola, IBM, Motorola. Do đó, ông đặc biệt nhấn mạnh với toàn thể nhân viên về tầm quan trọng của việc tận dụng triệt để sự kiện Olympic nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu của Samsung Electronics trong sự nghiệp trở thành doanh nghiệp toàn cầu của Samsung.

Trong thời đại toàn cầu hóa thế kỷ XXI, “Olympic Partner” chính là lựa chọn của Lee Kun Hee để thực hiện mục tiêu biến Samsung Electronics thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vấn đề là vào thời điểm bấy giờ, nếu xét về vị thế, mức độ nhận biết thương hiệu lẫn địa vị trên thị trường thế giới, Samsung Electronics vẫn chưa thể cạnh tranh với Motorola trong cuộc chạy đua để trở thành nhà tài trợ của Olympic.

Tại thời điểm Samsung mới giành lại vị trí số 1 trên thị trường điện thoại di động trong nước từ tay Motorola sau một cuộc đối đầu khốc liệt, thì việc trở thành bạn đồng hành của Olympic trong lĩnh vực công nghệ không dây rõ ràng là một kỳ tích đối với họ.

Một vấn đề lớn hơn đặt ra cho Samsung là, trong suốt hơn một thập kỷ qua, thương hiệu nổi tiếng này25 của Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán và tiếp tục ký kết thành công bản cam kết trở thành nhà tài trợ chính thức của Olympic. Nhưng có thể nói, nữ thần may mắn lại dành cho Samsung Electronics một cơ hội ngàn vàng. Đó là chỉ vài tuần trước khi ký kết hợp đồng tài trợ, Motorola tỏ ra chần chừ trước yêu cầu của IOC về việc tăng thêm số lượng hiện vật tài trợ và họ đã để lỡ bản hợp đồng.

“Cơ hội để Samsung trở thành nhà tài trợ điện thoại di động đã đến. Nhưng, quý công ty chỉ có ba ngày để đưa ra quyết định. Quý công ty suy nghĩ thế nào về sự hợp tác này?”

Đó là tín hiệu đáng mừng từ IOC. Tuy nhiên, trở thành nhà tài trợ cho Olympic cũng đồng nghĩa với việc phải cung cấp cho Olympic một khoản tiền khổng lồ mà ngay cả doanh nghiệp hàng đầu như Motorola cũng phải ngần ngại. Thế nhưng, Samsung Electronics không chần chừ giây phút nào, nắm bắt ngay khi cơ hội vừa vụt đến và gặt hái thành công.

Có câu “Phải bỏ ra nhiều mới thu được nhiều”. Samsung Electronics đã bỏ ra nhiều để thu về nhiều gấp bội. Đó mới là tầm vóc của một doanh nghiệp lớn.

Vào thời ấy, Samsung Electronics chỉ là một công ty Hàn Quốc mờ nhạt không mấy khi xuất hiện trên vũ đài quốc tế, vốn chỉ được biết đến như “một công ty sản xuất ra các loại đồ điện tử giá rẻ” hay “một công ty mà mới chỉ từng nghe qua tên tuổi ở đâu đó”. Nhưng cùng với việc trở thành nhà tài trợ Olympic, tên tuổi của Samsung Electronics sẽ được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Theo đặc lệnh của Lee Kun Hee, Samsung Electronics đã chấp nhận mạo hiểm đương đầu với thách thức và không ngần ngại, bền bỉ thuyết phục IOC để có cơ hội trở thành nhà tài trợ các thiết bị thông tin di động cho Olympic.

Kết quả là vào tháng 3 năm 1997, Samsung nhận được hồi âm từ phía Giám đốc Ban đối ngoại và hợp tác IOC thuộc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Lausanne, Thụy Sĩ với nội dung như sau:

“Samsung có đủ tư cách để trở thành nhà tài trợ của Olympic.

Như vậy, Samsung giành chiến thắng đầy thuyết phục trước Motorola trong chiến dịch marketing tại Olympic. Và thắng lợi trong cuộc chạy đua marketing tại Olympic cũng đồng nghĩa với việc giành được thắng lợi giòn giã trên thị trường quốc tế. Chỉ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới mới đủ tư cách đảm nhiệm vai trò nhà tài trợ chính thức cho Olympic, và Samsung Electronics là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên nhận được đặc quyền này. Thêm vào đó, từ Thế vận hội Olympic Atlanta 1996, Samsung Electronics đã khởi công xây dựng tổ hợp ORS (Olympic Rendezvous Samsung) làm không gian nghỉ ngơi phục vụ cho đại gia đình Olympic bao gồm các vận động viên tham gia thi đấu tại Olympic và gia đình của họ,…

Ngay từ thời cắp sách tới trường, Lee Kun Hee đã có mối nhân duyên đặc biệt với thể thao. Và có một điều không phải ai cũng biết, thời đi học, Lee Kun Hee từng là vận động viên giành giải tại Giải đấu vật toàn quốc. Do đó, trên thực tế, có thể nói việc ông có cái nhìn sâu sắc đi trước một bước so với các đối thủ trong công cuộc marketing thể thao không phải là ngẫu nhiên.

Không những vậy, ông còn từng tham gia thi đấu bóng bầu dục. Bởi vậy, năm 1982, Lee Kun Hee từng đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hiệp hội bóng bầu dục nghiệp dư và là nhân vật chủ chốt trong việc đưa bóng bầu dục từ xuất phát điểm không mấy khả quan trở thành một trong những thế mạnh của thể thao Hàn Quốc.

Lee Kun Hee là người có lòng nhiệt tình chân thành và hiếm có đối với marketing thể thao. Chẳng vậy mà chính ông đã thực hiện chuyến công tác nước ngoài 170 ngày trong suốt một năm đến khắp nơi trên thế giới, lộn đi lộn lại quãng đường năm vòng quanh trái đất để giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic Pyeongchang 2018 về cho Hàn Quốc.

Lee Kun Hee đã dành mối quan tâm đặc biệt cho marketing thể thao mà ví dụ tiêu biểu nhất là việc Samsung Electronics trở thành nhà tài trợ cho Olympic ngay từ khi các doanh nghiệp Hàn Quốc khác còn chưa nghĩ tới điều đó. Họ đã vượt qua mọi thử thách mạo hiểm để giành quyền đồng hành cùng Olympic trong vai trò của nhà tài trợ. Sự kiện này khiến cho cái tên Samsung Electronics vượt ra ngoài biên giới Hàn Quốc để trở thành thương hiệu quốc tế và đứng vào vị trí của một doanh nghiệp toàn cầu.

Một trong những lý do giúp Samsung Electronics lọt vào top 10 doanh nghiệp toàn cầu như ngày nay chính là nhờ có chiến lược marketing thể thao được thực hiện thông qua cơ hội trở thành nhà tài trợ cho Olympic mà Lee Kun Hee mang lại.

Giả sử nếu như Lee Kun Hee cũng giống như các doanh nghiệp Hàn Quốc khác, không sớm nhìn ra được giá trị của chiến lược marketing thể thao như tài trợ cho Olympic thì chắc chắn giá trị thương hiệu của Samsung đã không được cải thiện một cách đáng kinh ngạc như hiện giờ.

Ngay cả hiện nay, Samsung Electronics vẫn đang nắm chắc vị thế của một thương hiệu toàn cầu với tư cách là nhà tài trợ chính thức của Olympic. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng khi nhìn vào những hoạt động sôi nổi của Samsung tại Olympic London 2012.

Samsung không chỉ hỗ trợ thành công lễ rước đuốc Olympic kéo dài 70 ngày đi qua hơn 1.000 thành phố của Anh mà còn hâm nóng bầu không khí ngay trước thềm lễ khai mạc Thế vận hội Olympic bằng hoạt động quảng bá cho Olympic bằng xe ô tô “Samsung Caravan” quảng cáo có lắp màn hình LED. Hoạt động này không những thực hiện được ý đồ quảng bá cho Olympic mà còn giúp thương hiệu Samsung càng được in dấu trong lòng công chúng toàn cầu. Tại lễ khai mạc, vị thế thương hiệu của Samsung được nâng lên đỉnh cao và dòng sản phẩm mới nhất của Samsung là Galaxy S3 cũng xuất hiện tại đây.

Việc sản phẩm của một công ty đến từ một quốc gia nào đó có cơ hội được xuất hiện tại sự kiện toàn cầu như vậy là một hình thức quảng cáo tuyệt vời, mang lại hiệu quả mạnh mẽ, đẩy giá trị thương hiệu lên tầm cao vượt bậc.

Mối nhân duyên của Lee Kun Hee với thể thao đã giúp các vận động viên thuộc các bộ môn chưa có thành tích nối bật như bóng bàn, cầu lông… có thể phát huy toàn bộ khả năng trên vũ đài quốc tế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.