Lời Vàng Của Bố

5. Đừng làm đồ dối trá khốn kiếp



“Mày đã bôi tro trát trấu nguyên một cộng đồng khoa học. Toàn là Einstein cả, ai cũng vậy.”

Chưa bao giờ tôi thực sự giỏi toán học hay khoa học; tôi thích những câu chuyện trong môn lịch sử và văn học nhưng lại chả hứng thú gì khi gặp các chức năng tuần hoàn hay bảng nguyên tố. Vì vậy năm học lớp sáu, khi tất cả mọi người trong lớp tôi đều được phân công tiến hành một cuộc thí nghiệm để biểu diễn tại hội chợ khoa học của trường vào cuối tháng Tư, tôi cảm thấy hào hứng như có người bảo tôi tham gia buổi trình chiếu trực tiếp trong toàn bộ phần đầu tiên của Grey’s Anatomy . Ngược lại, bố tôi rất hồi hộp. Ông đã dành hai mươi lăm năm qua cho công việc nghiên cứu y tế và khoa học.

“Bây giờ thì ngày đéo nào mày cũng có thể ngó qua xem cuộc sống của bố mày ra sao rồi nhé,” ông bảo tôi ngay cái đêm tôi được giao nhiệm vụ. “Tao sẽ theo sát đít mày từng bước một. Mày sẽ có cuộc thí nghiệm khoa học tuyệt vời nhất mà cả trường chưa bao giờ được chứng kiến, hoặc mày sẽ cố sống cố chết mà làm cho bằng được,”

“Bố sẽ làm cùng con ư?” tôi hỏi lại.

“Cái gì? Không, cả ngày tao đã phải tự xoay xở với công việc của tao rồi. Tao vừa bảo mày rồi đấy thôi.”

Ông ngồi xuống chiếc ghế bành ở phòng khách có bọc lớp nhựa bảo vệ rồi ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên cạnh.

“Bây giờ, thí nghiệm bắt đầu bằng một câu hỏi. Mày muốn biết cái gì?”

Tôi nghĩ trong giây lát.

“Con nghĩ chó rất hay,” tôi đáp, đưa mắt nhìn về phía Brownie, chú chó tha mồi năm tuổi màu sô cô la nhà tôi.

“Cái gì? Như thế nghĩa là thế đếch nào? Đấy đếch phải là một câu hỏi.”

“Vậy nếu con nói: Mọi người có nghĩ rằng chó rất hay không thì sao?”

“Lạy con mẹ nó Chúa,” ông vừa nói vừa xoa tay lên thái dương. “Hãy nghĩ về câu hỏi kiểu như vật lớn có rơi nhanh hơn vật nhỏ hay không. Đại loại thế.”

“Được ạ. Ôi, nhưng có thể hỏi về chó được không ạ?”

“Về bất cứ cái đéo gì cũng được. Được rồi, mày cứ dính tịt chó má, vậy thì câu này thế nào: Chó có phân biệt được hình dạng không? Nghe thế nào?”

Hay quá. Tôi thích Brownie, vì vậy tôi cảm thấy vui khi nó được tham gia vào cuộc thí nghiệm của mình. Bố giúp tôi vạch ra kế hoạch chính xác cho cuộc thí nghiệm. Về cơ bản, ngày nào tôi cũng phải giơ trước mặt chú chó một mảnh giấy vẽ hình tam giác, hình tròn, hoặc hình vuông. Tôi sẽ thưởng cho nó một miếng gì đó mỗi khi giơ hình tròn lên, bảo nó ngồi xuống mỗi khi giơ hình vuông lên, và không làm bất cứ hành động gì khi giơ hình tam giác lên. Sau mười lăm ngày huấn luyện, tôi sẽ biểu diễn thử nghiệm trong hai ngày bằng cách giơ các hình vẽ lên nhưng không cho bất cứ phần thưởng nào và ghi lại phản ứng của nó. Mục đích là để xem nó có phản ứng với hình vẽ hay không nhằm lường trước được các hành động tiếp theo trong suốt quá trình chuẩn bị cho thử nghiệm. Nhiệm vụ của tôi là ghi lại các phát hiện trong suốt mười lăm ngày đó thành biên bản.

Ngày đầu tiên mới bắt tay vào “nghiên cứu” thật chán. Chú chó không hiểu điều gì đang xảy ra; nó cứ nhìn chằm chằm trong lúc tôi giơ các mảnh giấy lên, thỉnh thoảng chán nó lại tự liếm láp. Nó chỉ muốn chơi đùa, vì vậy tôi bắt đầu chạy vòng quanh sân cho nó đuổi theo đến lúc tôi thấm mệt. Đêm nào bố tôi cũng làm việc đến tận khuya, vì vậy ông không biết rằng tôi không hề tiến hành thí nghiệm. Thỉnh thoảng ông có kiểm tra, nhưng tôi nói với ông rằng cuộc nghiên cứu vẫn đang tiến triển tốt. Tôi cứ nghĩ rằng mình có rất nhiều thời gian để thực hiện mười lăm bài thử nghiệm. Chỉ cần tôi bắt đầu tiến hành trước mười lăm ngày so với thời hạn nộp kết quả ở trường là được. Nhưng rồi tôi quên béng mất.

Một hôm ở trường, cô giáo nhắc chúng tôi rằng cuộc thí nghiệm còn ba ngày nữa là hết hạn, thế là tim gan tôi rụng rời. Hôm đấy mẹ đến trường đón tôi, vừa về đến nhà tôi chạy ngay vào phòng ngủ đóng cửa lại. Tôi lôi bản ghi chép ra và bắt đầu nặn kết quả giả từ những cuộc thử nghiệm chưa bao giờ tồn tại, sau đó hoàn thiện bằng những ngày tháng giả tương ứng. Tôi cho rằng một trong những cách khôn ngoan để che giấu sự lười biếng của mình là báo cáo rằng đến cuối cuộc thí nghiệm thì chú chó đã dần dần nhận biết được các mẫu hình. Rồi khi tôi tiến hành thử nghiệm không có phần thưởng, nó phản ứng khiến tôi biết rằng nó phân biệt được mẫu hình. Tôi nhớ là đã được nghe một câu chuyện về đàn chó của Pavlov. Nghe nói ông ta là một nhà khoa học bốc đồng, và có vẻ như cuộc thử nghiệm đó chỉ có mình ông ta tự tiến hành mà thôi. Đối với tôi như thế là quá thuyết phục rồi.

Tình cờ hôm đó bố lại về nhà sớm, và tôi nghe tiếng ông lao qua cửa chính ngay khi tôi vừa viết xong những chữ cuối cùng trong “các phát hiện” của mình. Tôi ném cây bút vào góc phòng để phi tang mọi bằng chứng về chuyện tôi gian lận. Gần như là biết tôi định làm gì, ông bước vào phòng tôi.

“Đời sống khoa học tiến triển đến đâu rồi?” ông hỏi ngay.

Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nhìn thấy bản ghi chép của tôi và cầm lên.

“Mọi dữ liệu đều ở trong đấy, thưa bố.” Tôi đáp.

Ông chẳng thèm bận tâm đến tôi chút nào nữa, chỉ nghiên cứu dữ liệu đó. Sau khi lật giở hết các trang và tiêu hóa kết quả của tôi mất một phút, ông đặt bản ghi chép của tôi lên bàn và nhìn tôi.

“Vậy là con chó phân biệt được hình hả?”

“Vâng, lạ thật,” tôi nói, cố gắng sao cho có vẻ mập mờ.

“Ừ, lạ thật,” ông nói. “Vậy thì chắc con không phản đối nếu như bố làm một cuộc thí nghiệm nho nhỏ với con chó để tự mắt chứng kiến kết quả chứ?” ông nói thêm.

Lúc ấy tôi chết lặng đi. Tôi chỉ nghĩ được một điều là có thể vì một lý do nào đó, bằng một cách nào đó, con chó sẽ phân biệt được hình nào với hình nào, và phản ứng theo những gì tôi đã viết. Bố tôi cầm lấy các bức tranh có hình vẽ từ sàn nhà lên và bước ra ngoài.

“Nói vậy chứ đôi khi nó cũng không làm được đâu. Tùy thuộc vào cảm nhận của nó và những thứ khác nữa,” tôi nói, cố gắng che đậy để không hở ra điều gì cả.

Bố tôi chẳng thèm nghe. Ông gọi tên con chó, và Brownie chạy đến chỗ chúng tôi. Sau đó bố bắt đầu giơ tấm đầu tiên hình tam giác lên trước mặt Brownie lúc này đang chảy dãi. Theo “dữ liệu” của tôi, Brownie sẽ không phản ứng gì khi nhìn thấy hình tam giác. Nó không phản ứng gì thật. Nhưng không may đây cũng là phản ứng của nó khi nhìn thấy hình tròn và hình vuông, trong khi đáng lẽ ra lần lượt nó phải hít ngửi tay tôi để tìm phần thưởng, và ngồi xuống. Brownie chạy đi, còn bố quay sang tôi. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ điềm tĩnh đến lạ.

“Ngay bây giờ tao sẽ cho mày một cơ hội để nói cho tao nghe bất cứ những gì mày muốn nói,” ông nói.

Ngay lập tức tôi bật khóc và vừa nức nở, sụt sịt vừa bảo bố rằng tôi quên làm thí nghiệm nên đã lập dữ liệu giả. Bố cầm lấy cuốn sổ của tôi, xé nó ra làm đôi và gắng sức ném nó qua hàng rào, nhưng những trang rời ra bay phấp phới giống như một lễ kỷ niệm pháo trang kim đáng thất vọng. Ông đá chúng ra xung quanh giống như cố gắng hất một con sói đói khỏi ống chân mình. Ông tiếp tục làm thế khoảng hai mươi giây, và rồi vẫn không thỏa mãn, ông cầm lấy một món đồ chơi của con chó và ném ra ngoài sân giống như vận động viên đẩy tạ cố gắng giành huy chương vàng. Khi Brownie nhặt được món đồ chơi và nhảy cẫng lên lần thứ hai trong trò chơi ném bắt thì bố tôi nổ tung.

“VỚ VẨN HẾT! MÀY VIẾT VỚ VẨN HẾT!” ông hét lên.

“Con nghĩ rằng bố đã bảo là cho con một cơ hội để nói!” tôi hét lại.

“Ừ, mày nói rồi, và toàn là thứ vớ vẩn cả, khốn kiếp thật!”

Mẹ tôi lao ra để xem có chuyện gì. Bà dỗ dành bố và đưa ông về phòng ngủ để nói chuyện. Khoảng mười phút sau, ông quay trở lại sân, đã bình tĩnh hơn nhưng vẫn đang cáu.

“Mày bôi nhọ toàn bộ cộng đồng khoa học. Einstein cái bỏ mẹ gì, ai cũng vậy hết.”

Tôi bảo rằng tôi biết điều đó, và tôi xin lỗi.

“Đây là nghề kiếm sống của tao, mẹ kiếp, và tao làm rất, RẤT nghiêm con mẹ nó túc.”

“Con biết ạ.”

“Không. Mày chả biết đếch gì cả. Vậy việc sắp tới của mày sẽ như thế này.”

Ông bắt đầu bảo rằng tôi phải đến gặp cô giáo và kể cho cô nghe do tôi chưa tiến hành thí nghiệm nên đã làm giả dữ liệu, rồi hỏi cô xem tôi có thể xin lỗi các bạn trong lớp vì đã gian dối được không.

“Và nếu cô giáo bảo rằng mày không cần phải làm điều đó thì hãy nói với cô thật dứt khoát là mày sẽ tìm cách thực hiện bằng được. Và tao muốn xem cái bài phát biểu đó TRƯỚC KHI mày đọc nó. Thế thôi.”

Ngày hôm sau đến lớp, tôi kể cho cô giáo nghe những gì xảy ra, thế là cô quay trở lại lớp sáu của tôi và bảo với các bạn rằng tôi có chuyện muốn nói. Tôi đứng dậy và đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn, mở đầu như thế này: “Đối với các bạn cùng lớp và cộng đồng khoa học, tôi đã phạm phải một hành động gian dối. Tôi đã làm giả dữ liệu, và khi làm vậy, tôi đã thực hiện một quy trình quan trọng đối với sự phát triển của loài người và bôi nhọ nó.” Sau đó còn tiếp vài dòng nữa, nhưng không ai, kể cả chính tôi, hiểu được tôi đang nói về chuyện quái quỉ gì. Giữa các câu, tôi liếc nhìn ba mươi bạn học sinh lớp sáu đang ngơ ngác nhìn tôi. Sau khi đọc xong bài phát biểu, tôi ngồi xuống. Cô giáo cảm ơn tôi, nói dăm câu ba điều về đề tài gian dối, sau đó chúng tôi tiếp tục.

Đêm hôm đó tôi về nhà và bố hỏi tôi xem sự việc diễn biến thế nào. Tôi kể rằng tôi đã đọc lời xin lỗi và cô giáo đã cảm ơn tôi.

“Bố xin lỗi vì đã phải nghiêm khắc với con, nhưng bố không muốn mọi người nghĩ rằng con là đồ dối trá khốn kiếp. Con đâu phải vậy. Con là một con người ưu tú. Giờ thì về phòng đi, con mệt lử rồi còn gì.”

Tôn trọng riêng tư

“Cút xéo khỏi đây, tao đang làm việc.”

Thể hiện nỗi sợ

“Đến lúc bị lửa đốt đít thì mới biết được con người ta được tạo nên từ cái gì. Hoặc ít ra thì cũng biết đít họ làm bằng cái gì.”

Câu hỏi giả thuyết

“Không. Không có cái chuyện tao ăn thịt người, vì vậy mày ngừng ngay việc nặn chúng và đem ra hỏi tao, hiểu chưa? Lạy Chúa, mày bỏ cả ngày ra chỉ được mỗi thứ rác rưởi đấy thôi hả?”

Chơi với những đứa trẻ khác

“Nghe này, tao biết mày không thích chơi với thằng bé mập kia bởi vì mẹ nó to mồm, nhưng mẹ nó khốn nạn đâu phải lỗi của nó. Cố mà đối xử tử tế với nó nhé.”

Chơi đẹp

“Gian lận không dễ chút nào. Có thể mày nghĩ là dễ, nhưng không hề. Tao cá là mày sẽ đâm đầu vào gian lận hơn là bất cứ điều gì mày đang cố gắng thực hiện một cách hợp pháp.”

Bỏ đồ chơi quanh nhà

“Mẹ kiếp, tao vừa ngồi lên chiếc xe tải khốn kiếp của mày đấy con… Optimus Prime ư? Tao đếch quan tâm nó tên là gì, hãy để nó xa ra chỗ nào tao đặt mông ngồi ấy.”

An toàn trẻ em

“Đừng có động vào con dao đấy. MÀY không bao giờ cần phải động đến dao cả… Tao không quan tâm, hãy học cách phết bơ bằng thìa đi.”

Tiệc ngủ

“Có khoai tây trong tủ bếp và kem trong tủ lạnh đấy. Tránh xa dao và lửa ra nhé. Tốt rồi, bố đã xong phần việc của mình. Bố đi ngủ đây.”

Chia sẻ

“Bố rất tiếc, nhưng nếu anh mày không muốn cho mày động vào đồ chơi của nó thì mày không thể chơi cùng được. Đồ chơi của nó mà. Nếu nó muốn làm kẻ xấu tính và không chịu chia sẻ thì đấy là quyền của nó. Lúc nào mày cũng có quyền làm một kẻ xấu tính cả – có điều đừng có lạm dụng quyền đấy quá mức.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.