Lời Vàng Của Bố
8.Cố gắng hết sức, và nếu vẫn làm không tốt thì tìm cách rút nhanh
“Ồ, xin lỗi nhé, bị kẹt trong phòng không giống như ở tù đâu. Ở trong phòng, mày không lo bị hiếp dâm tập thể.”
Bố tôi luôn trân trọng chuyện học hành và làm việc chăm chỉ. “Nếu mày làm việc và học tập chăm chỉ mà vẫn thất bại, chẳng sao cả. Nhưng nếu vớ vẩn mà thất bại thì mày là đồ vứt đi.” Nhưng ngoài việc nỗ lực, còn có rất nhiều yếu tố khác để chuyện học hành ở trường có thể thành công và thú vị, đặc biệt là khi bạn trẻ hơn người ta. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất là bạn hòa nhập vào tập thể như thế nào.
Khi mới vào cấp hai, tôi cao có một mét rưỡi, nặng ba mươi hai cân, đeo cặp kính to đùng, và – theo như lời bố tôi kể lại – giọng nói nghe như một mụ đàn bà tí hon. Nói chung là tôi biết thân biết phận, xét trên phương diện hình thể, khi trong chuyến tham quan Thủy Cung, một nghệ sĩ biếm họa vẽ một bức tranh về tôi, mặc dù trông cũng chẳng đến nỗi phóng đại như thế. Về cơ bản, tôi là nhân vật mà một người viết kịch bản lười biếng có thể nghĩ tới khi đang rặn dở kịch bản: Thằng đần điển hình. Mẹ tôi nghĩ “nhút nhát” đồng nghĩa với việc tôi có khả năng sáng tạo. Vì vậy khi tôi chuẩn bị vào lớp bảy, mẹ tôi bàn với bố tôi đưa tôi đến trường nghệ thuật biểu diễn, nơi toàn lũ trẻ con nhút nhát y sì như tôi. Nhưng sau khi tôi học xong lớp bảy, bố mẹ tôi quyết định rằng đi học ở đây thật là lãng phí.
“Cả một năm trời, bố chả thấy người ta khiến cho mày sáng tạo hay biểu diễn được cái gì cả. Coi như đỡ mẹ nó được khoản tiền trả thêm cho mày đến cái nơi gọi là Trường Nghệ thuật Sáng tạo và Biểu diễn,” bố tôi bảo thế khi cảnh báo với tôi rằng tôi sắp sửa quay trở lại trường công.
Đến đầu năm lớp tám, tôi vẫn chưa có hiện tượng “nhổ giò,” vì vậy trông tôi chả khác gì năm ngoái. Trên thực tế, tôi nghĩ có khi giọng tôi còn cao hơn ấy chứ. Trong buổi học đầu tiên, khoảng năm phút là tôi hiểu ngay năm học lớp tám sẽ diễn ra như thế nào.
“Justin Halpern,” tôi thông báo khi giáo viên chủ nhiệm hỏi tên.
Một thằng bé to lớn có ria mép tên là Andre vươn tới chỗ tôi. “Ê, đồ dẩm,” nó thì thầm.
“Hả?” tôi đáp, giọng lo lắng.
“Sao giọng mày nghe như phò vậy?”
Tua nhanh lên trước một năm, khi tôi vào trung học. Tôi đã cao lên thêm dăm phân, cảm thấy tự tin hơn, và bị khoảng dưới 85 phần trăm các bạn gọi là “pê đê.” Tôi có một vài người bạn, và về cơ bản những đứa nào hay trêu tôi hồi lớp tám bây giờ đều để tôi yên.
Bố tôi để ý thấy sau tuần đầu tiên, khi tôi từ trường về nhà với dáng vẻ và cảm giác vui vẻ, hài lòng. “Nhảy chân sáo kìa,” ông nói. “Trông như mày vừa thoát ra được khỏi đống phân vậy.”
Nhưng với niềm hạnh phúc và đời sống xã hội mới, tôi bắt đầu bỏ bê chuyện học hành. Và sau đợt tổng kết đầu tiên của năm lớp chín, điểm trung bình môn của tôi là 2,33 , mặc dù không được tốt cho lắm nhưng tôi nghĩ làm gì mà kinh khủng quá. Bố tôi nghĩ ngược lại.
“Không tệ quá hả? Đây có phải là MIT đéo đâu, chỉ là lớp chín thôi! Nhìn cái của nợ này đi!” ông vừa nói vừa giơ bản báo cáo tiến bộ lên. “Môn báo chí lớp chín mà mày bị tận điểm C? Chuyện này xảy ra thế đếch nào ấy nhỉ? Mày làm việc cho tờ Thời Báo New York bỏ mẹ gì đấy hả? Không thể đưa tin về câu chuyện tham nhũng lớn đó ư? Lạy Chúa. Thật không tin nổi.”
Sau khi bố mẹ thảo luận riêng về cách xử lý thế nào đối với số điểm thấp tè của tôi, bố bảo tôi ngồi xuống và tuyên bố rằng tuần sau tôi không được phép rời khỏi phòng, ngoại trừ lúc đi học và đi vệ sinh. Cơm cũng dọn luôn trong phòng tôi.
“CÁI GÌ?” Tôi hét lên. “Thật là buồn cười! Còn khối đứa bị điểm thấp hơn cả con. Hơn nữa đây chỉ là bản báo cáo tiến bộ thôi! Thậm chí còn không ghi vào học bạ cơ mà!”
“Uầy-uầy-uầy! Tao đếch muốn nghe chuyện này. Mày thừa thông minh để học ở những lớp như thế này.
Như vậy có nghĩa là mày lười biếng và không chịu học,” bố tôi trả lời.
“Không thể tin được chuyện này! Bố đang bắt con ở tù! Đây là nhà tù! Vì điểm trung bình được 2,33!”
“Ồ, xin lỗi nhé, bị kẹt trong phòng không giống như ở tù đâu. Ở trong phòng, mày không lo bị hiếp dâm tập thể.”
Môn kéo tôi xuống nhiều nhất là môn toán, nhưng ngày hôm sau đến trường tôi nhận ra không phải chỉ có mình tôi. Hai phần ba lớp bị điểm F, trong đó có tôi. Thầy giáo của tôi là người cực rắn, và thầy thường bảo rằng thầy sẽ không nương tay với chúng tôi đâu. Hoặc là chúng tôi chấp nhận điều đó, hoặc là thầy sẽ đánh trượt hết.
Trong đêm đầu tiên tôi bị cầm tù, bố tôi đi làm về, thay cái quần thể thao xong rồi vào phòng tôi.
“Lấy sách toán ra. Chúng ta sẽ chữa bệnh cho bọn ngu đần,” bố vừa nói vừa ngồi lên giường bên cạnh tôi, tay trỏ vào chồng sách dưới đống quần áo bẩn của tôi. “Chúa ơi, mở cửa sổ ra, ở đây thối như nhà xí ấy,” ông nói thêm.
Chúng tôi giở từng trang sách ra, và bố nhận thấy rằng không những không biết cách giải bất cứ bài toán nào, tôi còn không hiểu được những điều cơ bản cần thiết để giải toán.
“Người ta không dạy cho mày những thứ này à?” bố hỏi.
Tôi trả lời rằng không, và sau đó tôi kể cho bố nghe những gì thầy giáo nói về việc hoặc là chấp nhận hoặc là bị đánh trượt.
“Cái gì? Vớ vẩn thật. Loại khốn nạn nào mà lại nói những điều như thế? Tao sẽ nói chuyện với thầy giáo mày. Ngày mai tao sẽ đến cái trường bỏ mẹ của mày xem sao.”
Hôm sau, tôi ngồi vào bàn học ở lớp, lo sợ rằng bố tôi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bạn biết cái cảm giác khi ngồi xe lửa trên không phi lên cao chót vót và chờ đợi đến lúc rơi thẳng xuống dưới chứ? Hãy hình dung điều đó, nhưng đồng thời cũng hình dung thêm là bạn bị đi tướt. Chẳng may hôm đấy bụng tôi lại ậm ạch vì đêm hôm trước ăn món queso fundido ở một quán ăn Mexico và mấy hộp kẹo Nerds sáng nào tôi cũng ngốn. Từ tiết một đến tiết ba, tôi liên tục chạy đi chạy lại giữa lớp học và nhà vệ sinh, bụng cầu nguyện rằng bố tôi đừng có nhảy bổ vào giữa lớp học lúc tôi còn ngồi bồn cầu.
Và rồi đến tiết bốn, tôi nhìn thấy bố đang được một bác bảo vệ chỉ đường đến lớp tiếng Anh của tôi. Bố bước đến và chờ bên cánh cửa, đi đi lại lại, tay cầm cặp. Tôi sụp người xuống ghế. Thằng nhóc ném đá Brandon trườn người đến chỗ tôi và chỉ ra phía bố.
“Tao cá lão kia là người của bọn FBI bỏ mẹ hoặc đại loại như thế,” nó nói.
“Không phải đâu,” tôi lẩm bẩm. Lúc đấy, tôi thực sự ước sao bố đúng là người của FBI.
Khi chuông reo, tôi đi ra hành lang và bố bảo, “Cầm lấy đồ của mày. Chúng ta đi gặp thầy giáo.”
“Chúng ta không để đến cuối buổi được sao bố? Tại sao bố lại phải làm vậy trong giờ học?” Tôi hỏi.
“Con trai, cứ bình tĩnh. Bố chỉ muốn nói chuyện với hắn thôi. Bố sẽ không vặn đầu và tương vào cổ họng hắn đâu. Trừ trường hợp hắn chọc tức bố.”
Chúng tôi đi về phía ngôi nhà gỗ ở ngoài rìa khuôn viên trường, nơi lớp học toán của tôi tập hợp. Lũ trẻ bắt đầu có mặt đông đủ, và ông thầy giáo cộc cằn của tôi đang ngồi trong góc đằng sau chiếc bàn. Trông ông ta giống như Dustin Hoffman , nếu như da của Dustin Hoffman làm bằng giấy báo và đem phơi nắng. Bố tôi lao vào lớp và bước thẳng đến chỗ ông ta. Tôi nấn ná ở ngoài hành lang, cố gắng để không bị ai nhìn thấy.
“Anh là giáo viên dạy toán hả?” bố tôi lên tiếng.
Thầy giáo tôi ngước lên, vẻ khó chịu.
“Đúng thế. Tôi giúp gì được anh?”
Khoảng mười học sinh đang ngồi trong lớp bắt đầu chú ý.
“Ở kia, ở bên ngoài, là con tôi. Nó là học sinh của anh,” bố tôi nói.
Tôi giấu mình đằng sau cái gì đó.
“Justin, vào đây. Làm gì đấy, con trai?”
Tôi từ đằng sau gốc cây bước ra và đi lên bậc tam cấp dẫn vào lớp học.
“Bây giờ thế này, anh đánh trượt nó, không sao cả. Nếu nó đáng bị đánh trượt thì cho nó trượt thẳng cẳng đi. Nhưng khi tôi kiểm tra, thậm chí nó còn không nắm được những khái niệm cơ bản và bảo rằng anh chưa bao giờ dạy chúng nó cả,” bố nói.
“Đây là lớp toán nâng cao, và nếu học sinh không theo được thì phải chuyển sang lớp khác phù hợp với trình độ kỹ năng của các em. Tôi đã dạy lớp này theo cách đó suốt mười hai năm nay,” thầy giáo tôi đáp.
“Tôi chả quan tâm tí mẹ nào về việc anh dạy lớp này được bao lâu. Nó bảo với tôi rằng toàn bộ lũ trẻ ở đây đều bị đánh trượt, và đứa nào cũng nghĩ rằng mình là đồ bỏ đi,” bố tôi vừa nói vừa quay sang và chỉ vào toàn bộ học sinh đang ngồi trong lớp – có điều, phần lớn số này không nghĩ rằng mình là đồ bỏ đi. “Vấn đề tôi gặp chính là ở chỗ đấy,” bố nói thêm.
Lúc đó, tôi nghĩ thầy giáo của tôi đã nhận ra không phải mình đang phải đối mặt với một phụ huynh giận dữ bình thường mà là một người đang biến thầy thành đồ ngốc trước mặt đám học sinh, vì vậy thầy đưa bố tôi ra ngoài. Tôi đổi chỗ cho họ và đi vào lớp. Cả lớp đều trố mắt nhìn tôi, vì bây giờ lớp đã gần như đông đủ. Tôi ngồi vào chỗ của mình, tránh nhìn người khác. Cứ mươi mười lăm giây chúng tôi lại nghe thấy tiếng từ bên ngoài vọng vào: thầy giáo tôi hét lên “Tôi không chịu nổi chuyện này!” sau đó là tiếng bố tôi đáp lại, “KHÔNG-KHÔNG! Anh sẽ chịu được!”
“Quỷ thật. Bố cậu đang chơi thầy Jensen kìa. Hay quááááá,” thằng bé bên cạnh tôi vừa nói vừa mỉm cười.
Vài phút sau, thầy giáo của tôi vào lớp, khuôn mặt bì bì của thầy lúc này hơi sạm lại vì giận dữ. Bố tôi cũng vào lớp và bước đến chỗ bàn tôi ngồi.
“Đừng sợ bị chú ý, ngày mai con sẽ chuyển sang lớp khác,” bố tôi nói trước khi ra về.
Và trong bữa tối hôm đó, bố tôi làm ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng đúng lúc tôi đi ngủ, bố gọi tôi đến chiếc ghế bành ở phòng khách chỗ bố đang ngồi.
“Thẳng thắn nhé. Mày không phải là Einstein. Nhưng đừng để cho những thằng khốn như thầy giáo mày khiến chúng mày có cảm giác ngu đần. Mày khá thông minh đấy, việc khác cũng giỏi. Mày cũng biết thế chứ hả?”
“Dạ.”
“Đừng có mà dạ như thằng chán đời thế. Nói bố nghe xem nào. Nói mày biết là mày giỏi mọi việc đi.”
“Con giỏi mọi việc.”
“Đúng rồi. Mày giỏi mọi việc. Tổ sư thằng thầy dạy toán,” bố nói. “Ồ, còn một việc cuối cùng nữa,” bố nói thêm. “Ngày mai trước khi vào lớp hãy đến gặp tư vấn đã nhé. Bố nghĩ người ta sẽ chuyển con sang lớp toán mà tất cả đều dùng máy tính trong mọi việc.”
Bỏ lỡ trận hòa không có điểm mà tôi ném bóng ở trường để xem trận derby của Kentucky
“Một trận hòa đếch có điểm ư?! Thế mà tao lại bỏ lỡ mất. Khỉ thật. Ôi, trận derby thật là tuyệt vời, nếu điều đó khiến cho mày cảm thấy tốt hơn chút đỉnh.”
Bỏ lỡ trận hòa thứ hai (và duy nhất) không có điểm một năm sau đó với cùng lý do
“Chắc mày đùa tao thế đếch nào ấy chứ! Người ta phải thôi cái trò xếp lịch thi đấu vào những ngày có trận derby mới được. Ngớ ngẩn thế không biết.”
Tình bạn
“Mày có những đứa bạn tốt đấy. Tao thích. Tao không nghĩ là chúng nó sẽ ngủ với bạn gái mày đâu, nếu mày có bạn gái.”
Tình bạn – Phần II
“Tao không cần có thêm bạn nữa. Mày có bạn bè và chúng nó chỉ có mỗi một việc là nhờ mày giúp chúng nó chuyển nhà. Tiên sư nhà nó chứ. Tao già rồi. Tao qua cái thời chuyển nhà rồi.”
Chọn nghề
“Mày phải làm nghề mà mình yêu thích… Nhảm nhí thật, rõ ràng là mày chưa hề nghe bài nói chuyện này bao giờ, bởi vì mày đang làm việc tại cửa hàng Mervyns .”
Vô tình làm vỡ bát đĩa
“Lạy Chúa, chả khác gì đi dự một cái đám cưới Hy Lạp bỏ mẹ với mày. Mày phải giỏi việc phối hợp mới được, bởi vì ngay lúc này đây, nó đang làm mày vỡ cà đấy con ạ.”
Đi dự tiệc không có mặt người lớn
“Đừng có mà hòng nhé… Ừ, mày có trách nhiệm, nhưng bố đã thấy lũ trẻ con ở trường mày rồi, nếu không ngu đần đến thế thì chúng đã trở thành tội phạm cả nút.”
Áp dụng biện pháp bảo vệ
“Tao sẽ bỏ một mớ bao cao su vào hộc đựng đồ trên xe. …Tao đếch cần quan tâm là mày có muốn nói về chuyện này với tao hay không, tao cũng đếch muốn nói về chuyện này với mày. Mày nghĩ là tao muốn mày phịch gái trên xe của tao ư? Không hề. Nhưng thà như vậy còn hơn là phải chi tiền ra nuôi cái đứa trẻ con mày nặn ra vì trên đấy đếch có bao cao su.”
Xếp hàng chờ xem Công viên kỷ Jura
“Chả có bộ phim nào đủ hay để bố phải xếp hàng chờ lâu hơn cả thời gian chiếu phim. Hoặc là chúng ta đi xem cái khác hoặc là bố về trước, còn mày có thể bắt taxi về sau.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.