Chúng tôi đã từng điều tra nội bộ một vài doanh nghiệp, với chủ đề: “Phẩm chất quan trọng nhất của nhân viên là gì?”
Kết quả điều tra, tất cả mọi người đều cho là thành tín. Tầm quan trọng của lòng thành tín không còn gì phải bàn cãi. Không có lòng thành tín, thì không thể được người khác tôn trọng và yêu mến. Tương tự, đối với Khổng Tử, lòng thành tín cũng là phẩm chất quan trọng nhất của người quân tử, ông đã từng nói như thế này:
“Nếu một người không có lòng thành tín thì không biết người đó có thể làm được gì. Giống như chiếc xe bò, mà không có cái ách thì làm sao có thể chạy được.
Khổng Tử luôn coi lòng thành tín là gốc rễ của mọi vấn đề đối nhân xử thế, đồng thời yêu cầu các đệ tử phải luôn có lòng thành tín, không được gian dối. Tử Lộ đã từng bị Khổng Tử phê bình nghiêm khắc vì tội gian dối:
Một lần, Khổng Tử lâm trọng bệnh, Tử Lộ yêu cầu các đệ tử phải đi hầu hạ, phụng dưỡng. Sau đó, bệnh tình của Khổng Tử dần có chuyển biến tốt, biết được hành động của Tử Lộ, ông tức giận nói: “Thật quá đáng, hành vi của Tử Lộ quả thực là hành vi chí trá! Ta rõ ràng không có tư cách được hầu hạ, tại sao lại dám mạo phạm có kẻ hầu người hạ. Ta lừa gạt ai? Lừa gạt ông trời ư? Hơn nữa ta thà chết trong tay kẻ được gọi là bề tôi còn hơn là chết trong tay những môn sinh như các ngươi! Cho dù ta không đủ để có được tang lễ trọng đại, nhưng lẽ nào ta lại không đáng được quan tâm chân thành hay sao?”
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử đã nhiều lần luận đàm về lòng thành tín, căn cứ vào ngôn luận của ông, lòng thành tín ít nhất có ba điểm sau:
Thứ nhất, thực sự cầu thị. Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, tuyệt đối không được làm việc bản thân rõ ràng không biết nhưng lại mạo nhận là biết để lừa gạt người khác.
Thứ hai, nói phải làm, làm phải có kết quả. Lời nói ra cũng như giọt nước đã hắt đi, không thể lấy lại được, cần phải nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, hành động nhất định phải có kết quả.
Thứ ba, làm trước nói sau. Bất kể khi nào, hành động cũng luôn luôn chiến thắng lời nói.
Đồng thời, Khổng Tử còn nói với học trò rằng: giấu giếm nhất thời, nhưng không thể giấu được cả đời, người không có lòng thành tín cuối cùng tất nhiên sẽ bị lật tẩy, bị người khác khinh bỉ, coi thường.
Ngoài ra, Khổng Tử đã khuyên răn chúng ta bằng chính giáo huấn của bản thân mình rằng: Không được dễ dàng tin người khác, phải “nghe người khác nói và quan sát người đó làm”, nếu không sẽ gây ra tổn thất không cần thiết vì lòng tin dễ dãi đó.
Bài học:
1. Không có lòng thành tín, không ai có thể được người khác tôn trọng và yêu mến.
2. Lòng thành tín là căn bản để một người có thể đứng vững, một khi không có thành tín thì không thể làm được bất cứ việc gì.
Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ hà
Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì.
Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã
Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì.
– Vi Chính – Chương 2.22
Ở phía trên, chúng ta đã nhắc đến câu nói này: “Nếu một người không có lòng thành tín thì không biết người đó có thể làm được gì.”
Bạn bè của Lý Nguyên cứ lần lượt rời khỏi anh, còn công việc và cuộc sống của Lý Nguyên cũng ngày càng tồi tệ. “Không hiểu cái cậu này rốt cuộc là thế nào nữa? Việc hứa rồi nhưng chẳng khi nào thực hiện…” Các bạn khi nói đến Lý Nguyên thì lắc đầu quầy quậy. Ai cũng đưa ra ví dụ để chứng minh Lý Nguyên là một người không giữ chữ tín.
“Tôi có ý định tạo ra một vài cơ hội giúp đỡ anh ta, nhưng lần nào anh ta cũng nói là đồng ý rồi cuối cùng lại không hành động gì cả… lần trước cũng vì anh ấy, tôi đã mất hơn trăm ngàn Nhân dân tệ, tiền là chuyện nhỏ, nhưng danh dự, uy tín của tôi trong mắt người khác coi như mất không.” Một người bạn chau mày nói về Lý Nguyên.
“Anh còn may, lần trước, vì anh ấy mà tôi suýt chút nữa thì mất việc! Tôi đã chuẩn bị xong hết các thủ tục, chỉ cần anh ấy bỏ ra chút thời gian và sức lực là có thể kiếm ra nhiều tiền. Nhưng, cuối cùng tôi đợi anh ấy đến hai tháng cũng không hề có động tĩnh gì, giám đốc vô cùng tức giận, đã tìm tôi nói chuyện mấy lần…” Một người bạn khác tiếp lời.
Khi nêu ra những việc thất hứa của Lý Nguyên, ai nấy đều lộ rõ vẻ thất vọng.
Tôi cũng là một trong những người bạn của Lý Nguyên, tương tự, tôi cũng vô cùng thất vọng về anh ta, và từ trước mùa xuân năm 2010, tôi đã không qua lại với anh ta nữa. Trước lúc đó, chí ít tôi đã cho anh ấy ba cơ hội để xuất bản sách, lần nào anh ấy cũng hứa như đinh đóng cột với tôi rằng: “Anh yên tâm đi! Em nhất định sẽ cố gắng!” Nhưng, cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy anh ta động tĩnh gì, còn nhà xuất bản lại chỉ trích tôi nói không giữ lời, khiến tôi không nói được lời nào.
Bất kể làm công việc gì, cũng đều phải giữ chữ Tín, một khi không giữ chữ Tín sẽ khiến người khác không tín nhiệm bạn. Nếu bạn là cấp dưới, không giữ chữ Tín tất sẽ khiến cấp trên của bạn thất vọng; Nếu bạn là cấp trên, không giữ chữ Tín sẽ khiến cấp dưới không tin tưởng và kính trọng bạn. Nếu bạn cũng giống như Lý Nguyên, thường vi phạm chữ Tín, thì kết quả không còn gì phải nghi ngờ nữa: bạn sẽ bị mọi người xung quanh coi thường và bỏ rơi.
Bài học:
Người không có chữ Tín, sớm muộn gì cũng bị người khác bỏ rơi, coi thường.
Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri
Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết
– Vi Chính – Chương 2.17
Ý của câu nói này rất đơn giản, biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đây mới được coi là thông minh, trí tuệ. Và cũng chính là thực sự cầu thị.
Thực sự cầu thị là căn bản của trung thực, một người đến thực sự cầu thị cũng không làm được thì không có trung thực. Nhưng, hiện thực lại cho chúng ta thấy: Muốn thực sự cầu thị quả thực không dễ, một khi bạn quan sát kỹ thì sẽ phát hiện thấy, xung quanh bạn đầy rẫy hiện tượng giả dối, nói khoác…
Nơi công sở cũng vậy. Chắc rằng mọi người trong chúng ta không ai xa lạ với các tình huống sau:
Rất nhiều người rõ ràng không có năng lực mà chức vụ tuyển dụng cần, nhưng để có cơ hội tìm kiếm việc làm nên đã làm giả lý lịch, thậm chí là xem thành quả lao động của người khác là của mình;
Một vài người rõ ràng không có năng lực xử lý sự vụ cần có, nhưng lại lớn tiếng khẳng định, vỗ ngực tự đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cuối cùng kết quả lại không ra gì;
Rõ ràng không biết vấn đề thảo luận là chuyện gì, nhưng trong văn phòng hoặc trên bàn họp lại lớn tiếng bàn luận, ra vẻ giống như chuyên gia.
Một trưởng bộ phận nhân sự của doanh nghiệp chế tạo đồ chơi trẻ em đã nói với chúng ta rằng:
“Hiện tại muốn làm tốt công tác tuyển dụng thật khó! Bạn căn bản không thể nào phán đoán được câu nào của ứng viên là thực, câu nào là giả. Khi bạn tự cho rằng đã tuyển được một nhân tài kiệt xuất, có người lại nói cho bạn biết lý lịch của người đó là giả, cũng có người sẽ nói cho bạn biết người đó căn bản không có bản lĩnh gì, mà chỉ giỏi nói khoác. Tóm lại, tuyển dụng hiện nay luôn là một việc khó khăn, càng tuyển dụng nhân tài cấp cao thì càng khiến người ta cảm thấy đau đầu.”
Đó là cảm giác của đa số những người phụ trách tuyển dụng.
Mọi người đều không ưa Đường Nhất Trạch, nhưng bản thân anh ta lại không cảm nhận được điều đó. Kể từ sau khi vào công ty, Đường Nhất Trạch đã tự coi mình là chuyên gia, bất kể là vấn đề gì, anh ta đều vỗ ngực tự bàn. Nhưng trên thực tế, những điều anh ta nói hầu như là không có giá trị gì hết, không có căn cứ và nguồn gốc thực tế.
Dường như tất cả doanh nghiệp đều nhấn mạnh thực sự cầu thị, dường như tất cả những nhân viên đều biết thực sự cầu thị là chìa khóa để giành được thành công nơi công sở. Nhưng, tại sao trong thực tế làm được thực sự cầu thị lại vô cùng khó khăn đến vậy?
Thứ nhất, có tâm lý gặp may. Tự cho mình có thể lừa gạt được người khác, một khi đã trôi chảy là có thể giải quyết được vấn đề việc làm, hoặc là tăng lương, đãi ngộ.
Thứ hai, tham lam. Một khi nhìn thấy dự án nào có lợi, là bất kể bản thân mình có năng lực hay không, trước tiên cứ phải nắm trong tay được dự án đó rồi mới tính tiếp, nhưng những người này không biết rằng nhiều khi thành bại của cả dự án lại có thể quyết định sự hưng vong của một doanh nghiệp.
Thứ ba, chết vì sĩ diện. Đường Nhất Trạch đúng là như vậy, anh ta cho rằng anh ta có thể phát biểu về bất cứ vấn đề gì, và những điều anh ta nói đều cho thấy tri thức của bản thân anh ta rất uyên bác. Nhưng trên thực tế, anh ta nói càng nhiều càng lộ rõ sự thiếu hiểu biết, người khác cũng càng không tôn trọng anh ta.
Có thể, có rất nhiều nguyên nhân của sự giả dối, nói dối và nói khoác, nhưng ba nguyên nhân trên là thường thấy nhất.
Muốn tránh những vấn đề này, làm được thực sự cầu thị, chúng ta cần phải tạo ra được ba loại ý thức trên.
Thứ nhất, trên thực tế tuyệt không tồn tại bất kỳ sự may mắn nào, đặc biệt, trong xã hội mà mạng thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bất kỳ sự gian dối nào cũng không thể che giấu. Người phụ trách nhân sự của một doanh nghiệp chế tạo đồ chơi trẻ em đã áp dụng một biện pháp: Công khai tất cả lý lịch của người dự tuyển trên mạng, phương pháp này rất hiệu quả, “rất nhiều người làm lý lịch giả đã không dám tham gia.” Ông nói với chúng tôi.
Thứ hai, chỉ có lợi ích đạt được nhờ vào năng lực bản thân mới là thứ thuộc về bản thân. Xã hội này là công bằng, lợi ích thuộc về bạn, chỉ cần bạn nỗ lực nhất định sẽ đạt được, còn lợi ích không thuộc về bạn, bạn vĩnh viễn sẽ không thể nào đạt được. Do đó, là một nhân viên, trước tiên cần phải biết mình là ai, là người như thế nào, phán đoán thực sự cầu thị, khách quan thành khẩn đối với bản thân.
Thứ ba, thể diện chỉ có thể có được bởi một thứ – đó là sự chân thành. Người giả tạo, nói khoác sẽ không được người khác tôn trọng; Ngược lại, một người càng chân thành, càng thực sự cầu thị thì càng được người khác tôn trọng.
Bài học:
1. Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết. Không nên giả dối.
2. Trên thế giới này không tồn tại bất kỳ sự may mắn nào.
3. Chỉ có lợi ích mà bạn đạt được bằng năng lực của chính mình mới thuộc về bạn.
4. Một người muốn có thể diện trước các đồng nghiệp thì phải chân thành.
Ngôn tất hành, hành tất quả
Nói phải làm, làm phải quả quyết
Ngôn tất hành, hành tất quả
Nói phải làm, làm phải quả quyết
– Tử Lộ – Chương 13.20
Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều không hoan nghênh những người nói mà không làm, làm mà không quả quyết. Khi chúng tôi điều tra nghiên cứu ở một số doanh nghiệp, thường nhìn thấy dòng chữ “ngôn tất hành, hành tất quả” trong văn phòng làm việc hoặc phòng hội nghị, do đó có thể thấy, câu nói mà Khổng Tử nói ra hơn 2500 năm trước có sức ảnh hưởng rất rộng lớn.
Khi trở thành yêu cầu của nhân viên ngày nay, mọi người hoặc không biết rằng trong mắt của Khổng Tử làm được “ngôn tất hành, hành tất quả” không phải là quân tử gì cả, mà chỉ là điều của kẻ tiểu nhân thường làm. Tử Lộ chương 20 của “Luận Ngữ” đã ghi lại đoạn đối thoại giữa Tử Cung với Khổng Tử. Trong đoạn đối thoại, Khổng Tử đã nói rất rõ ràng.
Tử Cung thỉnh giáo thầy giáo rằng: “Làm thế nào mới có thể xứng đáng với danh hiệu ‘sỹ’ (tức là nhân viên ngày nay)?” Khổng Tử trả lời: “Phải biết xấu hổ với hành vi của mình, khi đi làm sứ giả ở nước khác thì không phụ lòng mong mỏi của đấng quân vương, là có thể được gọi là ‘kẻ sỹ’ rồi.”
Tử Cung lại hỏi: “Xin hỏi thầy, thấp hơn một chút thì là người thế nào?” Khổng Tử đáp: “Người trong gia tộc đều bảo người đó hiếu thuận, người trong làng xóm đều ca ngợi người đó biết tôn trọng người lớn tuổi.”
Tử Cung lại hỏi: “Xin hỏi thầy, thế thấp hơn một bậc nữa thì là người thế nào?” Khổng Tử trả lời: “Nói lời nhất định phải làm, làm nhất định phải quả quyết, là người bình thường lời nói kiên quyết có sức mạnh, nhưng đây cũng có thể được coi là một bậc thấp hơn của ‘kẻ sỹ’.”
Cuối cùng, Tử Cung hỏi: “Vậy những người học ra làm quan hiện nay thì thế nào?” Khổng Tử đáp: “Ôi thôi! Những người này rất hẹp hòi, chỉ là người có tầm nhìn nông cạn, có gì đáng nói đâu?”
Đương nhiên, cần phải nhấn mạnh một chút, “tiểu nhân” ở đây không có nghĩa xấu, là chỉ những người bình thường, rất khác so với “tiểu nhân” trong “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu” (quân tử đoàn kết rộng rãi mọi người chứ không kéo bè cánh. Tiểu nhân kéo bè kết cánh mà không đoàn kết).
Chu Tây An khiến cấp trên vô cùng thất vọng. “Tôi thực sự muốn đuổi việc anh ta”, mỗi lần nhắc đến Chu Tây An, cấp trên của anh ta luôn bức xúc thế. Tại sao Chu Tây An lại khiến cấp trên ghét như vậy? “Mỗi lần bố trí cho anh ta làm việc gì, anh ta đều hứa chắc như đinh đóng cột, khiến người khác thấy rằng anh ta nhất định sẽ làm tốt việc này, nhưng cuối cùng, anh ta lại nói với bạn rằng ‘tôi quên mất’ hoặc ‘dạo này không có đủ thời gian để xử lý việc này’, tôi không biết thời gian của anh ta dùng vào việc gì, thậm chí tôi còn nghi ngờ không biết đầu óc anh ta có vấn đề gì không nữa!”
Những người nói mà không làm giống như Chu Tây An rất nhiều. Tương tự, người làm nhưng không có kết quả cũng rất nhiều. Cho dù cấp trên có nói rát lưỡi với cấp dưới rằng: “Hãy cho tôi thấy kết quả, nói lý do thì có tác dụng gì?” nhưng cuối cùng lý do vẫn luôn luôn nhiều hơn kết quả.
Nhưng, chỉ cần chúng ta phân tích kỹ một chút là phát hiện được rằng: Nói mà không làm, làm mà không có kết quả, người chịu tổn thất không chỉ là doanh nghiệp, mà còn bao gồm cả bản thân chúng ta, tổn thất của bản thân có khi còn nhiều hơn tổn thất gây ra cho người khác. Nói mà không làm, sẽ làm cho người khác mất tín nhiệm đối với chúng ta; Làm mà không có kết quả, người khác sẽ hoài nghi năng lực của chúng ta.
Vậy, làm thế nào mới có thể tránh được tình trạng nói mà không làm, làm mà không có kết quả? Khổng Tử cũng có đáp án rằng: Nói phải suy nghĩ, làm phải chu đáo.
Việc không làm được tuyệt đối không thể nói ra lời quá dễ dàng, càng không được hứa tùy tiện, đây chính là “ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã” (Người xưa thận trọng lời nói ra, bởi sợ xấu hổ không thực hiện được điều mình nói). Trước khi bắt đầu làm việc gì phải suy nghĩ cho thật cẩn trọng, lường được những tình huống không tốt có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện.
Bài học:
1. Nói thì nhất định phải làm, làm nhất định phải có kết quả.
2. Nói phải suy nghĩ, làm phải chu đáo.
Tiên tác hậu thuyết
Làm trước nói sau
Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi.
Trước hết, thực hành lời mình nói, sau mới nói ra.
– Vi Chính – Chương 2.13
Ngôn tất hành, hành tất quả là chỉ nói xong nhất định phải làm, làm rồi nhất định phải quả quyết. Đây chỉ là hành vi của người bình thường, cũng chính là nói mỗi một nhân viên đều phải làm được. Vậy, nhân viên ưu tú thì phải làm thế nào? Khổng Tử nói: “Phải thực hiện những điều muốn nói trước, sau đó mới nói ra.”
“Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi” rõ ràng là cao minh hơn nhiều so với “ngôn tất hành, hành tất quả”. Thử suy nghĩ một chút, một người mà xử lý tốt tất cả mọi việc, sau đó mới nói với bạn, bạn sẽ đối xử với người đó như thế nào? Tất nhiên là trọng dụng.
Tháng trước, Chu Cẩm Cẩm được đề bạt chức trưởng phòng kinh doanh của công ty, nguyên nhân rất đơn giản: Trong ba tháng, Chu Cẩm Cẩm không những làm tốt việc kinh doanh bán hàng của bản thân, mà còn ký kết được nhiều hiệp nghị hợp tác với các kênh đại lý. Điều đáng quý là: Trước khi ký được hiệp nghị hợp tác, anh không đề xuất bất cứ yêu cầu gì với cấp trên, hoàn toàn dựa vào năng lực đàm phán cá nhân và trong phạm vi chính sách công ty đã có sẵn để ký hiệp nghị hợp tác với các kênh bán hàng.
“Khi chưa hoàn toàn xác định có hợp tác hay không, tôi không dám báo cáo với cấp trên, bởi vì bất kỳ thay đổi nào cũng đều có thể làm cho đàm phán thương mại ban đầu trở thành lời nói sáo rỗng, tôi không muốn tạo cho cấp trên ấn tượng về mình là một người chỉ biết nói suông.” Chu Cẩm Cẩm khẳng khái nói.
Nói trước làm sau đã khiến Chu Cẩm Cẩm nhận được sự quan tâm và trọng dụng của cấp trên. Đây chính là “hành thắng vu ngôn” (hành động chiến thắng lời nói) như mọi người vẫn thường hay nhắc đến. Nhiều khi, nói thật nhiều nhưng cũng không bằng làm cho tròn một việc.
Trên thực tế, khi một người thực sự hành động, cho dù là không nói, mọi người cũng sẽ thấy rất rõ. Cho nên, Khổng Tử đã nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng của hành động. Chương 24, Thiên Lý Nhân của “Luận Ngữ”, ông lại một lần nữa nhấn mạnh: Quân tử nói năng chậm rãi, thực hành thì nhanh nhẹn.
Muốn trở thành nhân viên ưu tú được doanh nghiệp chào đón, cần phải học cách “làm trước nói sau”, “nói năng chậm rãi, thực hành thì nhanh nhẹn”.
Bài học:
Hành động luôn luôn chiến thắng lời nói.
Mãn nhất thời, bất khả mãn nhất thế
Giấu được một lúc, không giấu được cả đời
Chương 26, Thiên Thuật Nhi của “Luận Ngữ”, Khổng Tử đã nói thế này: “Bậc thánh nhân thì ta không được thấy, nhưng nếu thấy được bậc quân tử, như vậy cũng khá rồi. Bậc thiện nhân thì ta không được thấy, nhưng nếu thấy được bậc hữu bằng, như vậy cũng khá rồi. Kẻ nào không có mà làm cho như có, thiếu mà làm cho như đủ, nghèo khó mà làm cho giống phồn hoa, kẻ đó không đáng gọi là bậc hữu bằng[1].”
Ý của câu nói này là, người làm ăn gian dối, thì khó có tính hữu bằng, không thể tồn tại lâu dài được.
Tại sao người làm ăn gian dối lại khó tồn tại lâu dài? Bởi vì giấy không gói được lửa, mọi người có thể bị che mắt nhất thời, nhưng cuối cùng sự thật cũng bị bại lộ.
Gần đây, chúng tôi đã khai trừ một thành viên sáng tác, bởi vì chúng tôi dần phát hiện ra rằng, cô ấy không hề có bất cứ kinh nghiệm viết lách gì. Phát hiện này làm cho chúng tôi ý thức được những giấy tờ tham gia dự tuyển của cô ấy trước đây đều là ngụy tạo, bài kiểm tra thi tuyển cũng là do người khác viết thay. Chúng tôi có thể chấp nhận một người trẻ tuổi không có kinh nghiệm viết lách, bởi vì chỉ cần họ có hứng thú khi viết, sau khi được bồi dưỡng nhất định sẽ trở thành một tác giả xuất sắc. Nhưng, chúng tôi không chấp nhận sự lừa dối.
Chuyện này không những làm cho chúng tôi buồn, mà còn khiến cho sự tín nhiệm của chúng tôi đối với cô ấy bị tổn thương nghiêm trọng.
Có thể bằng cách lừa gạt, bạn được người khác tín nhiệm nhất thời, nhưng, phải nhớ rằng: Giấu được một lúc, không giấu được cả đời, chân tướng cuối cùng vẫn sẽ bị bại lộ. Năng lực bạn không có sẽ không thể có bằng cách lừa gạt, trong quá trình làm việc thực tế, những lời nói dối của bạn sẽ dần dần bộc lộ ra hết, đến lúc đó, ngay cả cơ hội nhận sai, bạn cũng không có.
Bài học:
Giấu được một lúc, không giấu được cả đời.
Bất yếu khinh tín tha nhân
Không nên dễ dàng tin tưởng người khác
Cuối cùng, chúng ta cần phải hiểu được một sự thực: Cho dù mọi người đều biết lòng thành tín là cần thiết, nhưng người chân thành không nhiều. Do đó, không nên dễ dàng đặt niềm tin vào người khác.
Nghe người khác nói là đã tin ngay, đây chính là sai lầm thường gặp của chúng ta trong khi làm việc. Khi chúng ta ý thức được sai lầm của bản thân thì đã gây ra tổn thất không cần thiết, thậm chí còn là nguồn gốc gây ra sai lầm lớn hơn.
Tâm trạng làm việc gần đây của Vương Nhân rất tồi tệ, bởi vì cô vừa bị mất một hợp đồng gần ba trăm ngàn Nhân dân tệ. Hợp đồng này bị mất rất oan uổng: Vốn là đã bước vào giai đoạn ký kết, nhưng do hợp đồng gửi chậm nên bị đối thủ cạnh tranh cướp mất.
Người chịu trách nhiệm chính của việc này là Lưu Kỳ, một đồng nghiệp của Vương Nhân. Địa chỉ khách hàng là ở Giang Âm, Vô Tích, đáng lẽ Vương Nhân định đích thân gửi hợp đồng cho khách hàng, nhưng Lưu Kỳ đúng lúc định đến Giang Âm thăm khách hàng, nên nói với Vương Nhân rằng: “Việc này để tôi làm là được rồi, muộn nhất ngày hôm nay tôi sẽ chuyển hợp đồng đến tay khách hàng.”
Ai ngờ, Lưu Kỳ bị khách hàng giữ lại ăn cơm tối, nên đã quên mất vụ hợp đồng của Vương Nhân. Ngày thứ hai, đến công ty, Lưu Kỳ phát hiện hợp đồng của Vương Nhân vẫn còn trong cặp mới biết rằng mình đã quên. Còn Vương Nhân, sáng sớm hôm đó đã đi Côn Sơn, Tô Châu để thăm hai khách hàng lớn, Lưu Kỳ quyết định đợi Vương Nhân trở về mới giao hợp đồng cho cô. Đợi đến ngày thứ ba, khi Lưu Kỳ giao trả lại hợp đồng cho Vương Nhân, Vương Nhân lập tức gọi điện thoại cho khách hàng nói rõ sự việc, khách hàng lạnh lùng trả lời cô rằng: “Tôi còn tưởng cô không thèm để ý đến hợp đồng này, hôm qua tôi đã ký hợp đồng với công ty Hối Thành rồi.”
“Tôi đã quá dễ dàng tin người khác.” Nói đến việc này, Vương Nhân lại không thể ngăn được sự bực bội.
Trên thực tế, những chuyện như thế này xảy ra xung quanh chúng ta hàng ngày, bởi vì tổn thất do dễ dàng tin người khác nhiều không kể xiết. Vậy làm thế nào để không quá dễ dàng tin tưởng người khác? Khổng Tử dạy chúng ta như sau:
Thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành
Nghe nhưng phải quan sát hành động
– Công Dả Tràng – Chương 5.10
Nghe lời đối phương nói, nhưng còn phải xem hành động của đối phương làm. Ban đầu, Khổng Tử cũng nghe lời người khác nói là tin ngay, nhưng, một môn sinh đã làm Khổng Tử thay đổi quan niệm, đó là Tể Dư. Tể Dư đã từng thề với Khổng Tử rằng: “Con nhất định sẽ học hành thật tốt!” Nhưng, khi những người khác cần cù tìm tòi, học hỏi thì người này lại ngủ, điều này làm cho Khổng Tử vô cùng tức giận, trách mắng thậm tệ: “Gỗ đã mục ruỗng thì sao dùng để điêu khắc được, tường được xây bằng đất trộn phân thì sao tô vẽ được, đối với người như Tể Dư, ta còn có thể nói được gì?” Ông nói tiếp: “Trước đây, đối với người khác, mọi người nói là ta tin; Nhưng bây giờ, nghe lời người khác, nhưng còn phải quan sát hành vi của họ. Chính Tể Dư đã làm ta thay đổi.”
So sánh một người với “gỗ mục”, “tường trát phân”, lời trách cứ nặng nề như vậy cũng là lần duy nhất trong suốt cuộc đời Khổng Tử.
“Thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành”, nếu lúc đầu Vương Nhân làm được điều này thì có lẽ đã không có hậu quả đáng tiếc như vậy. Bởi vì Lưu Kỳ là người thích hứa nhưng lại làm việc tùy tiện, việc này xảy ra với anh ta không phải lần đầu tiên, chỉ có điều những việc đã xảy ra chưa gây ra tổn thất trực tiếp.
Bài học:
Sau khi nghe lời người khác nói, còn phải tiếp tục quan sát hành vi của anh ta. Chỉ có như vậy mới có thể tin tưởng được đối phương.
Chú thích
[1] Thánh nhân là người hoàn hảo, thông thiên lý. Thiện nhân là người không làm ác, đầy lòng nhân. Hai loại người này chẳng có ở đời, cho nên Khổng Tử chẳng thấy. Kém hai hạng người trên, có hạng quân tử và hạng hữu bằng là bậc bền chí theo đường lành..