Một Ngàn Con Đường Quê
Chương 01 – Phần 1
ROBERT JAMES WALLER
Trên miền cao hoang vắng Texas Del Norte Mountains Đêm Giao thừa, 2001
Robert Kincaid
Vậy là:
Cái dây thừng to lại quay tròn có lẽ không giật cao và hung dữ như bạn đã từng làm nhưng vẫn gây nên tiếng xì xì và cảm nhận vòng tròn trên đầu bạnvà ánh nắng rơi xuống qua thòng lọng tỏa bóng trên mặt đất nơi sợi dây lớn quay tròn trong lúc tất cả rơi xuống tận những thứ cuối cùng, thêm một – lần – nữa…
… xuống quãng đường dài, ngoằn ngoèo và không thể tránh khỏi, từ nơi ta đu đưa trong bụng mẹ cho đến thứ này: sương mù bao trùm. Eo biển Puget và ngồi trong bar Shorty vào các tối thứ Ba, lắng nghe tiếng kèn xắcxô têno của Cú Muỗi chơi bản Lá thu.
Sự thể cứ như thế, đoạn kết cuộc đời hoạt động của ta mập mờ ở giữa và vẫn chỉ có một mình, với tiếng o o của chiếc tủ lạnh phủ lên âm thanh của hồi ức. Những chàng cao bồi cuối cùng và đủ thứ. Những người đã vạch ra dấu vết cho ta đi, những bông hoa diên vĩ rực cháy đủ sắc cầu vồng và các học giả đã qua đời từ xa xưa. Giờ đây, chỉ còn âm thanh của ký ức, tiếng o o của tủ lạnh và tiếng kèn xắcxô của Cú Muỗi vào những tối thứ Ba.
Nó có thể khác hẳn trong một cuộc đời khác. Có thể nên chuyện cho ta và người phụ nữ ấy. Nàng là sự may rủi của ta, và ngoảnh nhìn lại chuyện đã qua, mới thấy chẳng có cơ may nào khác. Ta phải luôn biết điều đó, chắc chắn hồi ấy ta cũng đã biết.
Rũ áo ra đi, bỏ lại những gì nàng có, bản thân sự việc đó làm nàng thành con người khác hẳn người mà ta đã chung sống mấy ngày và đêm ấy. Cả quyết định lẫn hành động đều đã xong cả rồi. Ta vẫn phải liều và cố nghĩ ra sẽ làm gì, nếu nàng rẽ vào đường của ta.
Giờ đây, một sớm tháng Mười một năm 1981, sương mù lạnh buốt phủ trên mặt nước. Hàng đống bưu phẩm trên bàn bếp, bán ngay tại sân chỉ được vẻn vẹn năm đôla. Nhiều năm trước, ta đã kéo chúng lên phà đến đây, sau khi người ta san phẳng căn nhà ở Bellingham để xây một trung tâm thương mại. Những chiếc phong bì bề ngoài sặc mùi hành chính – những thứ của chính quyền các nhân viên hội Cựu Chiến binh và An sinh Xã hội vẫn cố tìm mình. Họ không thể hình dung ta không muốn nghe thấy gì từ họ, rằng ta không muốn bất cứ thứ gì họ đề nghị. Những chiếc phong bì đều đóng dấu: Trả lại người gửi.
Trong hộp vẫn còn vài thứ bưu phẩm ngoài những quảng cáo mà người ta cố làm bạn mua những thứ bạn chẳng cần, như các phương tiện cho một phòng chiếu tại gia (hệ thống phát lại audio/video một bộ phim, bằng cách bổ sung một hệ thống âm thanh nhỏ gọn lên tivi có sẵn, hoặc có thể đầu tư một phòng chuyên biệt trang bị đầy đủ loa, ampli lớn và màn hình tivi rộng)và đại loại thế. Thử nghĩ mà xem, phòng chiếu tại gia là cái quái gì vậy? Nếu ta có tiền trong tay để mua thứ ta chẳng cần, thì biết làm gì với nó?
Ở tuổi sáu mươi tám, Robert Kincaid kéo một dây đeo quần màu cam sờn xơ và lướt bàn tay kia dọc cổ con chó săn màu vàng tên là Con Đường. Ông châm một điếu Carnel và đến bên cửa sổ. Ở nơi nào đó trong sương mù hoặc đằng sau sương mù, một tàu dắt làm việc trong cảng Seatde rúc còi xa xa, khe khẽ.
Kincaid mở ngăn kéo trên cùng của cái tủ bốn tầng, gần cửa sổ. Nhiều hàng dương bản trong các trang ép plastic, cả cuộc đời ông trên các trang đó, năm bức một hàng và hai mươi hàng thành một trang. Cuộc đời của một người đã dành nhiều năm tìm tòi ánh sáng đẹp. Ông chọn hú họa một trang và giơ lên đèn đọc. Bức đầu là một công nhân bến cảng ở Mombasa, bắp thịt cuồn cuộn và cười ngoác miệng dưới cái mũ dệt kim. Ảnh chụp năm 1954, hai mươi bảy năm trước.
Bức thứ hai là một con hải cẩu non Bắc cực, nhìn thẳng qua ống kính vào ông: năm 1951 và những tảng băng trôi từ Newfoundland.
Rồi eo biển Malacca và những người đàn ông ra khơi trên con thuyền sáu mái chèo, câu cá bằng những lưỡi câu mắc mồi và hi vọng teo dần khi nước cáu quá dài và khó khăn. Sau đó là một bức chụp mùa hè ở Basque Countryside. Một tháng Sáu lạnh lẽo ven biển Beaufort, nơi trước kia Amundsen đã đi qua. Một con hổ lượn khỏi lớp cỏ dài trên bờ hồ Periyar ở nam Ấn Độ. Một bức nữa chụp con diệc đang nhào lộn qua làn nước buổi sáng gần cảng Townsend, bức ảnh trông rất giống tiếng kèn xắcxô của Cú Muỗi trong khúc thứ tư của bài Quý bà sành điệu.
Còn nữa. Cô thôn nữ Mexico, đứng giữa cánh đồng và ngoảnh nhìn ông qua vai, cô đội mũ rơm mềm, váy áo hoa sặc sỡ, tên cô và tên làng cô ghi rất nắn nót ở bên lề: Maria ở Luz Santos, Celaya, Mexico, 1979. Đó là chuyến công tác cuối cùng cho tạp chí, trả công rẻ mạt nên rốt cuộc, ông đã phải dùng thêm tiền riêng mới hoàn thành được công việc. Ông tự hỏi Maria làng Luz Santos bây giờ ra sao, nếu cô còn ở làng đó và mùa hè vẫn làm việc trên đồng.
Ở bao tiếp theo, mặt trời đang từ từ lặn trong một ngày thu ở bắc Dakota và một bộ mặt khắc khổ, đeo kính râm, nhìn xuống từ cửa máy gặt đập màu cam cỡ lớn: Jack Carmine lái máy gặt đập trên cánh đồng nông trại, nam GrandPorks, 1975.
Hàng ngàn tấm ảnh trong tủ đựng tài liệu. Robert Kincaid chỉ giữ những bức đẹp nhất, mà tiêu chuẩn của ông lại quá ư khắt khe. Những bức bỏ đi bị quẳng ra đốt như một phần của việc tuyển chọn. Với từng bức được giữ lại, ông có thể nhớ gần như chính xác thời gian, địa điểm và ánh sáng lúc ông khép màn trập. Thậm chí cả những mùi bao quanh ông. Periyar làm ông nhớ mùi cari, bức chụp ở Basque nhắc ông nhớ món thịt dê nêm gia vị. Bức chụp ở Beaufort ít trải nghiệm thú vị về nấu nướng hơn, chủ yếu là các món ăn nhạt nhẽo của trại, đôi khi có cá, mọi thứ đều xiên, ăn trong màn chống muỗi.
Bức cuối cùng của trang là hình ảnh mờ mờ của đá và nước. Năm 1972, ông đang làm việc trên vách đá ở Acadia thì trượt chân và rơi từ độ cao hơn chín mét xuống cát, lúc ông vừa thả màn trập. Ông giữ bức ảnh như một bằng chứng của sự táo bạo và ngu xuẩn, cùng khoảng cách mong manh giữa chúng. Mắt cá chân bị vỡ không bao giờ được lành lại được như cũ, chủ yếu vì ông bỏ qua lời khuyên của bác sĩ và xương chưa kịp khỏi hẳn thì ông đã làm việc quần quật. Ông để trang phim vào chỗ cũ và dựa thoải mái vào ngăn kéo mở, đôi bàn tay gập các tập, những ngón tay buộc lại dây.
Ở phía trước ngăn là một phong bì to bằng giấy tơ chuối, đựng những bức thư ông viết cho Francesca Johnson trong nhiều năm, nhưng không bao giờ gửi. Đằng sau phong bì là một cái hộp đựng các bức ảnh in ra. Robert Kincaid rút cái hộp, lau sạch một khoảng trên bàn bếp, gạt sang một bên bát đĩa bẩn, các tờ quảng cáo và thư từ của Hội cựu Chiến binh trả lại người gửi. Từ từ ngồi xuống ghế và cẩn thận mở hộp, ông đeo cặp kính hai tròng gọng kim loại và nhấc tờ giấy phủ. Ông chăm chú ngắm người phụ nữ trong bức ảnh trên cùng.
Mười sáu năm trước, Hrancesca Johnson trong chiếc quần jeans cũ và áo phông, đứng dựa vào cột hàng rào ở Iowa và mỉm cười với ông. Màu đen-trắng rất hợp với chị, nổi bật đường nét trên thân hình và gương mặt chị, đúng kiểu chị ngoái nhìn lại hồi đó. Lần đầu tiên in tấm ảnh, chị hiện lên trên giấy như thể chị là bóng ma quá khứ của ông. Lúc đầu là giấy trắng, rồi những đường nét mềm mại của bãi cỏ, hàng rào và dáng người, sau đó Francesca nổi bật trong buổi bình minh ngày thứ Tư, tháng Tám năm 1965. Francesca rời khay đến thẳng với ông.
Robert Kincaid ngắm kĩ bức ảnh như hàng trăm lần qua nhiều năm, từ khi ở đó với chị. Trong hộp có tất cả hai mươi sáu bức ảnh Francesca, nhưng ông thích nhất bức này. Chỉ là Francesca bình dị và buổi sớm, bộ ngực chị căng lên dưới lớp vải mỏng và hằn rõ mọi đường nét.
Ông đặt hai bàn tay lên bàn cạnh chiếc hộp, duỗi những ngón tay dài, mảnh dẻ, và cảm thấy sự động chạm lên làn da bà trở lại sau từng ấy năm. Cảm nhận thân hình bà, một số hồi ức về xúc giác lan từ tâm trí đến bàn tay ông hoặc bằng cách khác đâu đó. Không cử động bàn tay, chỉ bằng tâm trí, ông có thể lướt chúng ung dung và dịu nhẹ khắp người bà, suốt chiều dài và quanh người bà, khắp người Francesca Johnson.
Francesca và cơ may duy nhất gạt mạnh mọi thời khắc lẻ loi của ông sang một bên, cái cơ may đọa đày duy nhất vì một thứ hơn mọi thứ khác trong suốt bao năm trời đằng đẵng lặng lẽ và cô đơn này, con đường và tiếng gầm rú của động cơ phản lực trên đường tới bất cứ nơi nào có ánh sáng đẹp. Ông sẵn sàng từ bỏ mọi thứ vì bà, từ bỏ con đường và việc làm ảnh, tất cả. Nhưng có những lựa chọn chắn lối họ, những lựa chọn khó khăn cho bà. Bà đã quyết định, một quyết định đúng đắn vì bà nhìn thấu đáo sự việc, và bà ở lại. Ở lại với gia đình của bà tại Iowa, thay vì ra đi cùng ông.
Lạy Chúa, làm sao ông có thể đưa nó trở lại, biến các hình ảnh thành cảm giác, thành thực tế đau khổ ngay tại đó cho ông.
Bụng anh áp sát bụng chị, chị uốn cong người dâng hiến cho anh, ánh chớp của đêm hè đặc sệt xuyên qua rèm cửa phòng ngủ. Nụ cười mỉm dịu dàng của chị và chị không thể ngừng vuốt ve anh, trên giường, sáng hôm sau, bàn tay chị luôn ở trên người anh.
– Nếu không vuốt ve anh, em sợ tất cả những thứ này có thể biến mất, – Francesca bảo anh, chị mỉm cười và ép sát vào anh lúc nói.
Nhưng rồi nó vẫn ra đi, đúng như thế. Ra đi vào sáng ngày thứ Năm lúc Robert lái xe xuống con đường mòn trong nông trại của chị ở miền nam Iowa, khi mặt trời nóng bỏng, cây cối im lìm và vạn vật lặng lẽ. Khi anh đứng trên bậc chiếc xe tải tên là Harry và ngoảnh nhìn lại chị trên đường, nhìn một lúc rất lâu trước khi chầm chậm lái Harry vào con đường hàng quận. Nước mắt anh giàn giụa khi ngoảnh nhìn Francesca lần nữa, chị ngồi ở đầu con đường làng, ngồi vắt tréo chân, đầu vùi trong hai bàn tay, trong hơi nóng và bụi bặm của mùa hè Iowa.
Ai bảo rằng những đám lửa sẽ tàn lụi? Có thể lập lòe một chút, nhưng không bao giờ tắt hẳn. Những huyền thoại cổ, những ai không muốn ép sát người đàn bà vào mình hơn nữa và phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện đã trở thành vụ lợi. Ngắm ảnh Francesca Johnson, bàn tay ông lướt trên bà, qua bao dặm đường và năm tháng, ông muốn lại có tất cả lần nữa, muốn có bà trần truồng và chuyển động dưới người ông, nói những lời mà không phải lúc nào ông cũng hiểu, nhưng dầu sao vẫn hiểu. Ông cảm thấy mình bắt đầu cương cứng và mỉm cười. Chỉ nghĩ đến bà, ông mới có thể như thế.
Robert Kincaid rút cái nhíp trong túi quần jeans bên trái và moi ra mảnh giấy nhỏ gấp gọn. Mảnh giấy đã hoen ố và xơ xác vì hàng ngàn lần mở ra, và đọc đến mười ngàn lần dòng chữ của Francesca Johnson, trong đó có trích một câu của W.B. Yeats (William Butler Yeats (1865-1939): Nhà thơ và nhà soạn kịch Ireland, lãnh đạo phong trào Phục hưng Ireland và là một trong những nhà văn lỗi lạc nhất trong thế kỷ 20).
Nếu anh muốn ăn tối lần nữa, tối nay làm xong việc, khi “bướm đêm trắng muốt bay”, anh ghé đến nhé. Bất cứ lúc nào cũng được.
Nét chữ của bà từ mùa hè xa xôi ấy, khi tháng Tám nóng nực và đọng lại, lúc ông uống trà đá trong căn bếp ngôi nhà nông trại giản dị của bà. Khuya đêm ấy, bà đã gắn lời mời này vào thành cây cầu mái, cầu Roseman ở quận Madison, Iowa.
Chỉ cần trò chuyện với bà, một lần nữa nói rằng ông cảm nhận ra sao, rằng cả đời ông đã dành trọn vẹn cho mấy ngày đó. Ông muốn cảm ơn bà, và nếu không còn gì nữa, chỉ ngắm bà, thấy lại gương mặt bà lần nữa. Một khoảnh khắc để nói ông vẫn ở đó và vẫn yêu bà. Không thể và không bao giờ là có thể, bà có một gia đình và mọi thứ. Ông ngả ra sau, lùa bàn tay vào mớ tóc hoa râm, rối bù như thường lệ, dài hơn cổ áo sơmi khoảng năm xăngtimét. Những việc cuối cùng, thêm-một-lần-nữa-thôi, và con đường vẫn ở ngoài kia. Những chàng cao bồi cuối cùng phải vung dây thừng lên lần nữa. Phải làm điều đó. Cưỡi lên con ngựa đã mệt cho đến khi nó quỵ ngã, và để chi họ tuyệt tự trên con đường tiến hóa chấm dứt bằng cái chết của ông.
Ông đã náu mình ờ đây với sương mù trên mặt nước, sương mù bên cửa, và những dấu chân suốt bao năm tháng đè nặng lên ông. Nép bên rìa của… gì nhỉ? Không gì hết.
Ông rót một tách cà phê, tới cái tủ tường và mở ra. Trên các giá là dụng cụ của ông: năm ống kính đậy nắp và xếp trong một túi da mềm, hai máy Nikon F và ống têlê bọc kĩ trong lớp vải dày. Các dụng cụ chuyên dùng, các dụng cụ cũ kĩ, những nút bấm, khóa kéo bằng kim loại đã mòn vẹt, xây xước và sứt sẹo vì bị gió nóng tạt cát vào và những tảng đá trên các cánh đồng hoang Ireland, vì bị xô đẩy và chà xát trên những dặm đường trong chiếc Harry, cùng những cú xóc trên máy bay phản lực xuyên lục địa đến châu Phi, châu Á hoặc nơi nào đấy.
Trong ngăn tủ lạnh có cuộn phim Kodachrome II 25 cuối cùng của ông. Khi người ta ngừng sản xuất loại này, ông đã mua năm trăm cuộn và cất trong tủ lạnh, chia ra và bảo quản chúng, giữ để dùng riêng cho mình, trong khi các ổ đựng phim trong máy đã chuyển thành loại Kodachrome 64.
Mọi thứ đã sa sút đến thế này, dù ông luôn biết là sẽ như thế. Sương mù trên mặt nước, sương mù ở bên cửa và cuộn phim cuối cùng của ông. Những khái niệm cơ bản: máu xương và da thịt, những suy tư trong tâm trí, tất cả sẽ tiêu tan và đi đến hồi kết của mọi sự vật. Không gì hơn và không thể thay đổi, sức đẩy vĩ đại của những điều đã viết ra từ rất sớm về các cách biến hóa của sự việc, và được các nhà bảo tồn lưu trữ. Một cuộc đời kỳ lạ, lẻ loi và lặng lẽ làm sao. Ngay từ ban đầu, nó đã nhẹ tựa lông hồng và lưu lại cũng y như thế. Ngoại trừ những ngày ấy, bốn ngày sáng óng ánh trong năm 1965.
Ồng đã bỏ xuống nơi này, sau bao năm lang thang trên các vách đá Acadia, trên các bãi biển ở vịnh châu Phi, sau những lúc tranh tối tranh sáng ở một làng miền núi, nơi vạn vật trượt đến với nhau, những cuộc bơi vui vẻ trong hồ ở rừng rậm với con gái một ông hàng lụa, tiếng cười lanh lảnh của cô trong phút chốc xua tan sự tĩnh mịch. Ông thường xuyên nhận thức được tiếng gào thét của thời gian, sự phai tàn và trôi qua của cái thứ lạ lùng được gọi là cuộc sống, hiểu rằng tất thảy chỉ là phù du. Làm việc, ăn, đi thẳng người, rồi sau này là đi loạng choạng. Ngắm nghía mọi thứ để lại trong cái tủ đựng tài liệu bốn tầng, cũng thoáng qua như ta vậy. Chỉ những hình ảnh là còn lại, là bằng chứng lặng lẽ cho những hoạt động rộn ràng trước kia của ta mà thôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.