Một Ngàn Con Đường Quê

Chương 05 – Phần 1



Tìm kiếm

Nam Dakota đã vào cuối thu, và một buổi sáng lộng gió, xám xịt, xe bưu điện vùng nông thôn dừng lại bên hòm thư đề Carlisle McMillan, đường 3. Cách con đường làng khoảng năm chục mét, Carlisle đang khuân gỗ vòng qua góc của nơi vẫn được gọi là nhà của ông già Williston. Theo thói quen cố hữu của vùng quê nước Mỹ, những căn nhà vẫn giữ tên người chủ đầu tiên xây cất.

Nhân viên bưu điện nhìn thấy Carlisle và bóp còi để anh biết là có thư. Anh chàng McMillan này không nhiều thư, vì thế báo cho anh ta biết rằng thùng thư của mình có thứ thay đổi dường như là một ý hay. Carlisle ngẩng lên, vẫy tay và đi xuống đường làng, trong lúc xe thư đi tiếp lên phía bắc, đến nông trại Axel và Earlene Looker. Chắc Axel đang dựa vào thùng thư đợi séc trợ cấp vụ mùa, người đưa thư nghĩ. Ông ta đã ở đúng chỗ đó hai ngày rồi và phàn nàn về sự thiếu hiệu quả của chính quyền mỗi khi séc của ông đến chậm.

Trong thời gian xây lại ngôi nhà của ông già Williston, Carlisle kiếm được một người bạn. Một con mèo đực to tướng bị lạc giữa đường và cứ quanh quẩn mãi ở đây. Carlisle ngắm nghía con mèo mướp lông dài, tai bên trái bị rách và có cặp mắt màu vàng. Con mèo cũng ngắm Carlisle, nó ở lại ăn trưa, rồi ăn tối và cuối cùng quyết trở thành cư dân cố định hợp pháp.

– Này cậu mướp, ta nghĩ cái tên Xe Rác hợp với cậu đấy, – đến ngày thứ năm, Carlisle nói. – Nếu cậu không phiền, chúng ta cứ gọi thế nhé.

Xe Rác chớp chớp mắt. Carlisle cười toe toét.

Lúc Carlisle từ thùng thư về, Xe Rác đang ngồi trên chấn song hàng hiên. Cả hai cùng vào trong nhà, Xe Rác đến chỗ ưa thích của nó dưới cái bếp lò đun củi, Carlisle rót một chén trà từ cái ấm méo mó anh tìm được ở cửa hàng Từ thiện, thành phố Falls. Anh để chén lên cái bàn kéo rộng ra được trong tầm bán kính một sải tay, đặt ở phòng khách suốt ba tháng qua, trong thời gian anh sửa nhà.

Thư của bà Wynn, mẹ anh, mà anh mới gửi cho bà mươi ngày trước. Với Wynn là một thay đổi lớn vì bà hay bỏ qua thư từ, séc thanh toán và đơn thuốc. Tuy vậy, bà lại rất nhớ những thứ có ý nghĩa, như những đoạn phức tạp trong tác phẩm của Schubert và nhiều chi tiết mơ hồ trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc.

Ngày 20 tháng Mười 1981

Carlisle yêu quý,

Lạ chưa, con có hộp thư và đủ mọi thứ. Nghe chừng con đã rất ổn định rồi. Mẹ mừng khi nghe tin con đã mua ngôi nhà cũ và đang sửa chữa lại. Rồi sẽ có lúc mẹ đến đó thăm con. Dù thế nào đi nữa, mẹ cũng rất mừng cho con.

Con có bao giờ quan tâm đến phụ nữ không? Mẹ xin lỗi phải hỏi câu đó, nhưng bà mẹ nào cũng nghĩ đến những việc ấy, kể cả một người mẹ lạ lùng như mẹ. Mẹ khó mà tin rằng vài năm nữa là con bốn mươi tuổi, và mẹ không khỏi nghĩ đến một hoặc hai đứa cháu nội, con ạ.

Trong bức thư gần đây, con hỏi nhiều câu liên quan đến cha con và hỏi mẹ nhớ những gì về ông. Mẹ chỉ có thể nhắc lại những gì đã nói trước kia. Ông ấy đã từng ở trong quân đội, là nhà nhiếp ảnh trước chiến tranh và trong thời gian chiến tranh cũng làm thế ở Thái Bình Dương, và xuất ngũ từ Lính thủy đánh bộ (mẹ nghĩ thế). Hình như ông ấy không muốn nói nhiều về chiến tranh. Thực ra, mẹ có cảm giác là ông ấy không muốn nói đến nó tí nào. Tên ông là Robert, còn họ thì mẹ quên hẳn, nếu như mẹ từng biết.

Mẹ gặp cha con vào cuối tháng Chín năm 1945, đúng ngày Béla Bartók (Béla Bartók (1881-1945): Nhạc sĩ Hungary, là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong nền âm nhạc thế kỷ 20) qua đời. Chiếc môtô của ông màu đỏ và một số bộ phận mạ crôm. Trên bình xăng có một logo màu trắng bạc là tên chiếc môtô, mẹ chỉ còn nhớ tên đó bắt đầu bằng chữ A. Trí nhớ là một thứ không hoàn hảo và có xu hướng lựa chọn đáng nguyền rủa như thế đấy. Có một lần, mẹ đổ xăng cho cha con, mẹ đứng đó và nhìn cái logo chăm chú, nhưng mẹ chỉ có thể nhớ chữ cái đầu tiên. Song mẹ vẫn nhớ câu chuyện ông kể về cuộc gặp gỡ một thủy thủ ở Singapore. Thế có lạ không?

Còn những thứ khác nữa. Ông ấy đeo vòng tay trên cổ tay phải, mẹ nghĩ thế. Ông cao, mảnh dẻ và ăn vận giản dị, đeo dây quần. Dù mẹ không thể nhớ lại chi tiết gương mặt ông, mẹ vẫn có cảm giác ông không phải là người đặc biệt điển trai, nhưng nói ngược lại cũng không phải. Thực ra, không thể dùng tiêu chuẩn thông thường để nói về Robert, ông ấy hầu như chỉ là một người khác thường. Có một điều mẹ nhớ rõ là cặp mắt và cách ông nhìn. Một cặp mắt già giặn, dường như ông già hơn tuổi rất nhiều (chắc hồi ấy ông mới ngoài ba mươi).

Còn gì nữa nhỉ? Tất cả hình như cách đây lâu lắm rồi, mẹ còn rất trẻ, mới mười chín tuổi và bất trị như một con ngựa non háu đá, đủ thứ ước mơ điên rồ về hoạt động nghệ thuật và sống gần thiên nhiên. Nhưng mẹ vẫn có thể nhìn thấy ông ấy. Sau khi xuất ngũ, ông ấy để tóc dài và lúc phi môtô, ông ấy buộc tóc ra sau bằng cái khăn tay lớn, màu xanh lơ. Mẹ đã nói rồi, ông ấy không điển trai theo kiểu chúng ta thường định nghĩa, song ông ấy có một dáng người vô cùng hấp dẫn trong chiếc áo khoác da, quần jeans, đi giày ống, đeo kính râm khi chúng ta cưỡi xe máy băng qua những cây cầu cao ở Big Sur.

Hãy cho mẹ biết việc làm nhà của con tiến hành đến đâu rồi. Còn ở đây, mọi sự yên ổn. Lúc nào đến chơi với mẹ nhé. Bất chấp tất cả, mẹ vẫn nhớ cha con là một người đàn ông đằm thắm, nồng hậu, dù chúng ta chỉ ở bên nhau có ba hoặc bốn ngày. Mẹ không ân hận gì hết, vì cha đã cho mẹ một đứa con trai, là con.

Yêu thương,

Mẹ của con, Wynn

TB. Hôm qua, mẹ đã gặp bà Marx và chuyển lời hỏi thăm của con. Bà ấy gửi lời chào con và vẫn coi con như con trai, bà luôn nói đến Cody và con đấy. Thỉnh thoảng, con nhớ viết cho bà ấy bức thư, ngắn thôi cũng được. Ông già Jonathan thân mến, bố dượng sáu năm của con hồi còn bé, có ghé vào đây trên đường từ San Francisco đến bờ biển. Chúng ta đã đi uống cà phê, và ông ấy kể với mẹ về quỹ tín thác của ông ấy, về cuốn tiểu thuyết mà ông ấy đang cố xuất bản và hai người vợ gần đây nhất. Ông ấy mời mẹ đi ăn tối, nhưng mẹ từ chối. Mẹ không biết trước kia đã nhìn thấy gì trong con người ông ấy?

Carlisle McMillan lấy một tờ giấy và rút chiếc bút chì trong túi áo sơmi. Một danh sách khá sơ sài, anh nghĩ, nhưng cũng ghi lại mọi manh mối mà mẹ anh đã cho:

Tên “Robert”

Xe mô tô bắt đầu bằng chữ “A”

Vòng tay?

Thế chiến II. Thái Bình Dương. Lính thủy đánh bộ?

Nhà nhiếp ảnh trước và trong chiến tranh

Singapore = du lịch nhiều nơi?

Tuổi = Ngoài ba mươi

Danh sách đó trải thành nhiều hàng trên bàn. Kín mặt bàn, chia thành nhiều cột, anh có thể điền các tên mà anh sẽ tìm cho phù hợp giữa tên, tuổi và những manh mối. Nhưng bắt đầu từ đâu? Anh cần phải tiếp cận, nhưng không có gì ngoài một cuộc tìm kiếm bất tận qua các tạp chí và báo cũ.

Carlisle ngồi im lặng, suy nghĩ và hơi giật mình khi chuông điện thoại reo. Đó là Buddy Reems, cộng sự của anh trong những ngày ngốc nghếch, tham gia phát triển nhà cửa ở Oakland. Buddy hơi xô bồ nhưng là một thợ mộc khá và nói chung là một người tốt bụng, chân thành.

– Carly, đồ nham hiểm, nghe thấy tiếng cậu mừng quá. Mẹ cậu cho tớ số này đấy. Cậu đang làm cái quái gì và ở đâu thế? Bác Wynn bảo ở Dakota, nam hay bắc gì đó. Nó có trên bản đồ không, hử? Có thể đi từ đây tới đó được không? Có cần một loại hộ chiếu liên hành tinh để vào không đấy?

Carlisle cười phá. Buddy chẳng thay đổi tí nào. Hai năm trước, khi họ tách ra, Buddy đã bỏ đến gia nhập một công xã ở New Mexico.

– Cậu đang ở đâu, hở Buddy?

– Oakland. Trở lại cái việc xây dựng chết toi chết tiệt và cứ cuối tuần lại một mình uống rượu đến gần chết để cố quên tất cả những việc xấu xa mình đã phạm phải tuần trước. Nghe nói cậu đang xây cho mình một ngôi nhà hoặc sửa chữa căn nhà cũ hay đại khái thế.

Carlisle kể cho Buddy nghe về việc làm lại ngôi nhà của Williston. Anh kể công việc khá thuận lợi và đủ tốt để tiếng lành đồn xa, dẫn đến công việc ở vài thị trấn lân cận.

– Còn chuyện gái gẩm thì sao? Có cô nàng nào nghiêm chỉnh, kích cỡ đàng hoàng không?

– Có vài khả năng. Tớ đang gặp gỡ một cô làm ở quán cà phê trong vùng. Này Buddy, còn ý tưởng vĩ đại của cậu về cuộc sống làng quê thì thế nào rồi?

– Chúa ơi, chuyện ấy nhộn lắm, Carly ạ. Cậu có nhớ tớ xuống đấy vì một cô gái không? Nhớ chưa? Tớ đã viết và kể với cậu chân cô ấy dài hơn tháng trước ấy mà. Tớ có thể “chia” cô ấy cho cậu nếu cậu xuống đây.

Carlisle lắc đầu và mỉm cười. Anh nhớ lại bức thư Buddy kể về cô gái và câu chuyện tình tang ở làng đó suôn sẻ chưa từng thấy.

– Ờ, tớ nhớ rồi. Có chuyện gì vậy?

– Đang yên đang lành, cô ta bỏ đến công xã khác với một tay chơi ghita phụ thuộc vào đủ loại hóa chất cứt đái và hát toàn những bài từ thời những năm sáu mươi về hoa hoét, hòa bình và tình yêu tự do. Tớ khoái nhất thứ cuối cùng. Còn cái nửa kia thì tớ chỉ là một con người trong toàn bộ cuộc thỏa thuận, có đủ thứ kỹ năng. Thế là người ta cho tớ xây bếp và phòng ăn, phòng ngủ tập thể cho trại lính, trong khi những người khác ngồi quanh quẩn hút ma túy và nói về… cậu phát âm ra sao nhỉ, Neats-key à?… Một gã người Đức. Là nhà triết học hay cái quái gì ấy.

– NE – cái gì, là Friedrich Nietzsche (Friedrich Nietzsche (1844-1900): Nhà triết học, nhà thơ và nhà ngữ văn cổ điển Đức, là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 19).

– Ừ, đúng thế đấy. Tớ ghét những thằng cha đại học như cậu, Carly ạ. Nếu cậu không là tay thợ mộc cừ, tớ chẳng có gì mà chơi với cậu. Mà này, cậu có thể hình dung ra, tớ làm sao nuốt nổi đủ thứ Neats-key và hòa bình/tình yêu/hoa hoét hổ lốn ấy, thế là tớ rút dù ngay lập tức, sau khi cô nàng trốn đi với cái tay ghita hoa hoét nọ. Tớ không nói lời từ biệt, cô nàng cũng không. Cái thằng cha chơi ghita ấy chẳng đáng một chinh. Cậu có nhớ chúng mình hay xuống nghe Jesse Lone Cat Fuller không? Cái anh chàng hòa bình và tình yêu kia không thể ti toe bắt chước Jesse được.

Câu chuyện cứ tiếp tục cái đà ấy và cuối cùng, Carlisle nhắc đến cuộc tìm kiếm cha.

Buddy tuy nói năng xô bồ và cư xử phóng túng, nhưng lại là người thực tế mỗi khi có việc cần xử lý. Như thường lệ, anh ta rất tự tin giải quyết các vấn đề như thế.

– Cậu cứ để tớ đào bới quanh đây cho cậu, có khi đến tận Sacramento. Tớ vừa lên đường đến đó được nửa giờ, hẹn hò một cô nàng tớ gặp ở buổi hòa nhạc Fleetwood Mac tháng trước. Cô ấy không phải là người đẹp nhất, nhưng biết sử dụng thân hình giống như cái bàn cưa vậy.

Carlisle bật cười. Buddy bao giờ cũng thế, hối hả ngược xuôi, tất bật miệng nói tay làm dù đã ngoại tứ tuần.

– Tớ quen biết vài người ở Sacramento có thể tiếp cận với các sổ sách ghi chép về mua bán xe máy. Chúa ơi, đã hơn ba chục năm rồi, nhưng cái bọn cạo giấy chết dẫm ấy giữ gìn giấy tờ kỹ lắm, biết đâu ta lại bới được chút gì đó. Này, tớ đang ghi lại đây. Tên, Robert. Đúng không? Môtô của ông ấy bắt đầu bằng chữ “A”. Mua ngay sau Thế chiến II, có lẽ tháng Tám hoặc tháng Chín 1945 hoặc vào khoảng đó. Không biết có bao nhiêu xe máy được bán ở Vịnh Area ngay sau chiến tranh nhỉ, hai, ba hay vô vàn đây.

– Mình không biết chắc ông ấy có mua nó ngay sau Thế chiến không. Nhỡ ông ấy kiếm được ở một cái kho nào đấy lúc đi qua.

– Hay đấy, Carly. Nó sẽ thu hẹp được khoảng một nửa những xe bán ở mọi nơi. Nhưng tớ sẽ ghi ý kiến ấy lại. Những thứ này không có trong máy tính đâu. Phải đào bới bằng tay thôi. Tớ sẽ thử xem sao. A mà cậu nói cô ta làm ở một nhà hàng trong vùng à?

– Ai kia?

– Cái cô mà cậu đang săn ấy, chứ còn ai.

– Ờ phải, nhưng tớ không thể gọi như thế là “săn”. Ở hiệu cà phê Danny. Hiệu ấy có món bánh mì kẹp thịt gà tây nóng ngon nhất từ Omaha đến Cheyenne đấy. Nhiều nước xốt và khoai tây nghiền.

– Nghe khoái đấy. Gà tây nóng và gái đẹp, hay lại là một đường vòng nữa đây? Dù sao, tớ cũng sẽ liên hệ. Còn một việc nữa, Carly. Đừng chết như một thằng ngố. Đấy là phương châm mới của tớ.

– Cái gì?

– Tớ đang lập một danh sách những cách tớ không muốn chết và tránh các tình huống có thể xảy ra theo các cách đó.

– Ví dụ như?

– Không chết trong bệnh viện, đừng để chuyện đó xảy ra. Đấy là một và là cơ bản. Thay vào đó, ngã từ mái nhà xuống hay hơn, lúc cậu đóng xong tấm ván lợp cuối cùng ở ngôi nhà đẹp nhất cậu dựng. Cách ngớ ngẩn thứ hai là bị một chiếc Cadillac 68 han gỉ, lốp mòn vẹt kéo lê đằng sau, ngay trước siêu thị lúc bắt đầu xả hàng đồ lót nam giới.

Carlisle cười to, nhớ Buddy Reems và tính gàn gàn của anh ta.

– Còn một cách nữa: bị trúng mảnh vỡ của một máy cắt cỏ do một người béo phì, sáu mươi tư tuổi làm tình nguyện viên cho cộng đồng điều khiển. Tớ mới thống kê đến thế, song tớ sẽ làm tiếp. Lúc nào đó, tớ sẽ gửi cho cậu danh sách hoàn chỉnh, cẩn thận nhé, Carly. Nói chuyện với cậu thú lắm. Tớ sẽ báo cho cậu ngay nếu tìm được tin gì đó.

– Cảm ơn Buddy. Tớ cũng rất vui. Rất cảm ơn sự giúp đỡ của cậu.

Bảy giờ sau, Buddy gọi lại. Có tiếng xe cộ chạy ầm ầm ở đằng sau.

– Carly, tớ đây. Tớ đang ở bốt điện thoại Sacramento. Một em trẻ đẹp tên là Nancy ở bộ phận hồ sơ xe máy đã giúp tớ. Không dễ tí nào, nhưng dễ hơn tớ tưởng. Mất ba tiếng đồng hồ đào bới và chọn lọc, nhưng bọn tớ đã tìm ra vài thứ. Cậu có sẵn giấy bút chưa? Trong tháng Tám và tháng Chín năm 1945, có hai mươi tám người mua xe máy ở San Francisco tên là Robert. Hàng loạt xe Harley và Indian, nhưng chỉ có một chiếc bắt đầu bằng chữ A, tên là Ariel Square Four, đăng ký sử dụng ngày 24 tháng Chín năm 1945. Chiếc Square Four này chắc là loại…

Carlisle ngắt lời:

– Buddy, tên. Ai mua xe ấy?

– Ờ nhỉ, một điều quan trọng. Tớ suýt quên. Tên là Robert L. Kincaid. Không ghi địa chỉ ngoài một chữ chung chung là San Francisco. Cũng không có số điện thoại. Cái xe ấy chắc không còn dùng được nữa, cũ quá rồi, ba mươi sáu năm trước mà.

– Đánh vần họ ông ta cho tớ.

Cariisle cẩn thận viết bằng chữ in lúc Buddy đánh vần.

– Tớ phải chạy đây, Carly. Cô nàng Bàn Cưa đang đợi trong xe tớ, cách đây có một mét. May mắn nhé, nếu tớ có thể làm được gì thêm thì câu cứ “ới” nhé.

– Cảm ơn Buddy. Như thế này là đã giúp tớ rồi.

– Có gì đâu. Tạm biệt.

Nói chuyện với Buddy xong, Carlisle lập tức duyệt lại danh sách các manh mối của anh:


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.