Một Ngàn Con Đường Quê

Chương 07 – Phần 1



Big Sur, năm 1945

Wynn McMillan vác cây đàn xenlô và vali xuống Big Sur trên một xe chở thư. Là người tao nhã bẩm sinh hơn là do cách sống, cô nhanh chóng thừa hưởng vẻ duyên dáng cả về thân hình lẫn tư cách. Những phẩm chất đó đã cải thiện đáng kể vẻ mộc mạc, góc cạnh trong diện mạo của cô. Hiểu theo cách thông thường, dáng người yểu điệu và mớ tóc nâu dài tha thướt được coi là nét đẹp nhất của Wynn McMillan.

Mười chín tuổi, thiếu những mục tiêu cụ thể ngoài việc chơi nhạc và sống theo kiểu tự cho là lãng mạn, Wynn McMillan thích thú dòng chảy cuồng nhiệt vì tuổi trẻ và biết thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Ba ngày trước, Đức đã đầu hàng Đồng minh và nước Mỹ đang trong tình trạng vô cùng phởn phơ, gần như ngây ngất. Nhìn xa trông rộng, có thể thấy đoạn kết của cuộc chiến. Nhưng bên kia Thái Bình Dương, ở Okinawa, Đội quân thứ Mười của Buckner vẫn xuống phương nam, đề phòng quân Nhật kháng cự mãnh liệt. Đội quân thứ Mười đóng cách Nhật Bản ba trăm dặm, trên đảo Kyushu và dự định tấn công ồ ạt vào tháng Mười một.

Jake, người đưa thư, lái xe khắp các con đường chữ chi, thuốc nổ đã tạo nên con đường trước kia là núi, bên trái là mặt dãy Santa Lucia cứng rắn, bên phải là dốc thẳng tuột một trăm hai mươi mét xuống đại dương, chỉ cách có hai mét. Nhiều lần, thứ trang trí trên mui xe chẳng chỉ tới gì ngoài vô tận, và Wynn McMillan nhìn qua nó, thấy những vách đá dựng đứng của Big Sur nhô ra Thái Bình Dương, tiến về hướng nam giống như những nếp gấp của một tấm rèm nặng nề, tối tăm.

Bên dưới họ, sương mù đọng trong các khe núi và biển cả nhăn lại, mỗi ngày có tám ngàn con sóng đập liên miên vào dải đất ven bờ.

Khi Jake lái xe xuống một bãi chăn gia súc trải dài qua thung lũng Big Sur, Wynn nhìn thấy những cây anh túc và tử đinh hương dại đang nở hoa. Hình như với cô, tương lai không thể hứa hẹn gì hơn.

Cô như vừa được tắm gội sạch sẽ cho chuyến đi này, để bước vào một giai đoạn mới trong đời. Bên kia Thái Bình Dương và ở dưới Big Sur vài vĩ độ, trong nhiều tuần lễ, Robert Kincaid chưa được tắm rửa thực sự, bộ đồ dã chiến bám lấy người anh như lớp da thịt mốc meo. Anh chưa biết rằng ba bức ảnh của anh đã xuất hiện trên bìa một tạp chí lớn trong hai tháng qua. Dòng chữ khen ngợi duy nhất đi kèm các bức ảnh là Ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ.

Đi cùng Jake, Wynn McMillan có một tờ Life nhét vào ngăn bên chiếc túi xách tay to đùng của cô. Trên bìa là bức ảnh một lính thủy đánh bộ đang dùng súng phun lửa bắn vào boongke, trong lúc các lính Mỹ khác tấn công quả đồi phía sau. Kincaid chụp bức ảnh đó mười ngày trước. Người lính thủy cầm súng phun lửa đó đã chết khi đổ bộ lên đất mỏ, ba giờ sau khi Kincaid chụp bức ảnh đó(1).

(1) Sau này, bảy bức ảnh Kincaid chụp ở Thái Bình Dương được xuất bản dưới tiêu đề: Nghệ thuật thị giác về chiến tranh. Một nhà nhiếp ảnh khác tìm được âm bản ở Quân đoàn Lính thủy đánh bộ và khẳng định mình là tác giả. Rõ ràng Kincaid không hề biết việc đó, hoặc có lẽ, với bản tính của mình, Robert Kincaid chỉ nhún vai và cho rằng những sự bất lương sẽ bị trừng phạt. Năm năm sau, một học giả khi nghiên cứu về lịch sử nhiếp ảnh đã khám phá ra sự dối trá này và đăng một bài báo ngắn để đính chính, tuy mười hai ngàn cuốn sách nguyên bản vẫn còn trong nhiều thư viện khác nhau và trong tay các cá nhân với lỗi sai không được sửa chữa. Người đạo tác phẩm của Kincaid trở thành nhà nhiếp ảnh nổi tiếng cho một tạp chí danh giá, bị yêu cầu chịu trách nhiệm vì sự sai lệch trên, nhưng ông ta không bao giờ xin lỗi Kincaid và vẫn đưa cuốn sách vào lý lịch nghề nghiệp, đồng thời khẳng định tất cả các bức ảnh trong đó là tác phẩm của riêng mình).

Chiếc mũ phớt mềm trên mái tóc nâu dài của Wynn hình như hơi nặng so với bộ váy áo mùa xuân nhẹ nhàng cô mặc. Cô vẫn muốn mặc váy và đội mũ, nên thỏa hiệp, phớt lờ sự không hòa hợp của chất liệu vải.

Cha của Wynn McMillan, một người bán đồ kim chỉ đáng kính ở Monterey, sẽ không tán thành cách lựa chọn trang phục của con gái, nhưng ông tán thành phần lớn các việc cô làm trong vài năm gần đây. Đàn xenlô là một ngoại lệ, ông thích cô chơi đàn cho ông nghe vào những buổi tối, khi đã xong bữa, và Irene mẹ cô – một nhạc công dương cầm cho các bộ phim câm, – bận dọn dẹp bát đĩa. Ông ngồi trong chiếc ghế bành thoải mái, thắt nơ con bướm, sơmi hồ cứng, quần flanen là phẳng phiu, ông mỉm cười và nhắm mắt lại, lắc lư đầu theo điệu nhạc. Hàng năm, vào dịp Chủ nhật đầu sau Phục sinh, ông đặc biệt hãnh diện vì con gái ông chơi đàn trong nhóm tứ tấu cho buổi lễ sáng tại nhà thờ Presbyterian. Lúc tiếng xenlô của Wynn vút lên trong cung Mi trưởng, Malcolm McMillan quay người, mỉm cười và gật đầu với những người mỉm cười và gật đầu đáp lại.

Tuy vậy, ngoài việc chơi xenlô, cách cư xử của Wynn làm ông hoang mang. Rất giống cung cách của Robert Kincaid, Wynn chẳng bao giờ thích thú nền giáo dục chính quy. Nhiều lần cô giả ốm để tránh việc học hoặc làm bài hôm sau mà cô thấy chán ngăn ngắt. Wynn dành những ngày đó chơi xenlô, đọc sách và tự học vẽ tranh sơn dầu. Mặc dù vừa ốm suốt tuần, các ngày thứ Bảy và Chủ nhật cô vẫn dành nhiều giờ giúp Hội Chữ Thập Đỏ dóng gói các đồ y tế cho mặt trận châu Âu.

Ở tuổi thiếu niên, Wynn bắt đầu mặc những thứ mà cha cô cho là khá kỳ cục, một đống tạp nhạp những khăn và áo, và lạy Chúa tôi, quần đàn ông lụng thụng trên thân hình cao, mảnh dẻ (một số người nói là xương xẩu). Còn các thanh niên thỉnh thoảng đến chơi, hình như chẳng chàng nào đủ đàng hoàng theo lối cổ truyền vừa ý ông.

– Irene này, con gái chúng mình không quen biết một chàng trai nào có tiền đồ sáng lạn ư?

– Nó vẫn còn trẻ mà, Malcolm. Em nghĩ nó thừa hưởng bản tính nổi loạn của tất cả những người Scotland mà anh hay ca ngợi đấy. Em đã nói về việc ấy với con nhiều lần, nó chỉ cười và nói: “Ồ mẹ ơi! Con chẳng vội gì lấy chồng. Con muốn thăm dò cả thế giới âm nhạc và nghệ thuật ngoài kia cơ. Bố muốn con nhận lời một bác sĩ hay luật sư, ổn định và có con, rồi năm hai mươi tuổi đã chơi những bài ru con trên xenlô chắc.”

Thế nên Malcolm McMillan cùng vợ đang đau đớn vì những hồi ức về cậu con trai đã hy sinh từ hai năm trước, khi đánh chiếm Salemo, cũng chỉ biết lắc đầu chán nản lúc Wynn tuyên bố sẽ đến một nơi là Big Sur để học sáng tác cùng nghệ sĩ dương cầm Gerhart Clowser. Malcolm chỉ biết Big Sur là nơi tập hợp những người có tư tưởng tự do và lập dị. Cái sự oái oăm tiếp theo là một số cư dân Big Sur đùa giỡn với nhu cầu thiết tha với thuyết duy cảm của báo chí và độc giả của nó, đã thêm thắt vào nỗi khổ của ông khi đọc thấy Big Sur là quê hương của tệ sùng bái sex và tình trạng vô chính phủ.

Những bức thư của Wynn không làm ông Malcolm yên tâm hơn.

Con đang ở trong túp lều một phòng, dựng bằng các thùng thuốc nổ vứt bỏ trong một tòa nhà trên Đường Một. Không tủ lạnh, không đèn điện còn toilet ở bên ngoài. Jake, người đưa thư, chở đến dầu hỏa, than, trứng, và đủ thứ khác khi anh ta mang thư từ Monterey tới.

Dân chúng ở đây vô cùng thú vị. Những tín đồ Phật giáo Thiền phái, một chuyên gia văn hóa dân gian Ireland, còn những người khác hình như rất am hiểu nghệ thuật, khảo cổ học, ngôn ngữ học, vân vân. Gần như ai cũng làm nghệ thuật, từ nặn tượng đến làm thơ và các tác phẩm bằng gỗ. Nhưng đấy không phải là thứ mà đa số dân chúng nghĩ: Ở đây, hàng ngày họ phải vật lộn chỉ đề thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Có nhiều thứ bố sẽ gọi là “lập dị”, nhưng là sự ngụy tạo vì hầu hết những người xuống đây đều tự nhận là nghệ sĩ, song chẳng bao giờ làm nghệ thuật và không ở lại đây quá lâu. Tuần trước, một trong những người giả vờ đó phóng quá nhanh ở chỗ đường cong chữ chi tại Mũi Hurricane và rơi khỏi vách đá. Có thể nhìn thấy đống vụn nát của chiếc ôtô trên tảng đá bên dưới, chúng con đã làm một chuyến dã ngoại tới đó để xem đống hỗn độn. Chắc chắn là không tìm thấy xác.

Con đang học ông Cloivser về sáng tác và âm nhạc nói chung, à mà những buổi hòa nhạc của ông ấy rất nổi tiếng ở châu Ẩu. Bố mẹ thử đoán xem con đã thấy ông ấy ở đâu nào? Lúc đang chơi đàn ở bên ngoài nhà Emil White gần đường cái. Ông ấy nói chỉ dương cầm mới có giá trị với ông ấy.

Con phải giúp một số người đốn củi, rồi xuống suối nước nóng Slate, tất cả đều cởi hết quần áo và nhảy vào dòng suối.

Con đang có một thời gian tuyệt vời và kiếm được ít tiền bằng cách làm một số việc lặt vặt và dạy xenlô cho một cô gái và một nhà thơ tám mươi tuổi. Bố mẹ đoán xem ai đang sống trong một căn nhà nhỏ trên rặng núi Partington. Chẳng có người nào khác, ngoài Henry Miller. Con chưa gặp ông ta, nhưng hy vọng là sắp thôi.

Yêu thương, Wynn

– Henry Miller là ai vậy? – Malcol McMillan hỏi vợ.

– Ông ấy là nhà văn.

– Ông ấy viết thể loại gì?

– Malcolm, em nghĩ mình không thực lòng muốn biết đâu.

– Có chứ, tôi muốn mà.

– Ông ấy viết nhiều thứ, trong đó có cuốn Hạ chí tuyến. Nhưng mình không thể mua được ở Mỹ đâu.

– Tại sao không?

– Nó bị cấm vì khiêu dâm.

– Khiêu dâm ư? Như thế nào vậy?

– Malcolm, em nói rồi, em không nghĩ mình thực sự muốn biết.

* * *

Bốn tháng sau khi Wynn McMillan tới Big Sur, một người đơn độc phóng môtô tới, theo đúng con đường cô đã đi, qua mũi Yankee và xuôi xuống Sur HUI Thrust. Nếu đứng trên đỉnh cao nhất của núi lửa ở Point Sur, gần cây hải đăng và nhìn xuống đất liền đầy những bụi cây đậu ánh bạc, trông người đi môtô chỉ như một đốm đen trên vách đá Santa Lucia hoặc như một hình chiếu lúc anh ta phóng qua những cây cầu cao. Có lẽ hình ảnh sáng ngời do thỉnh thoảng các bộ phận mạ crôm của chiếc xe máy Ariel Four lóe lên.

Từ đầu năm 1929, Ariel Four là loại môtô nổi bật nếu bạn quan tâm đến tính năng của động cơ hơn là kiểu dáng cơ học nói chung. Robert Kincaid không sành xe máy, anh chỉ thích theo kiểu nhìn thấy và cảm nhận. Sau nhiều năm chinh chiến, không thể di chuyển mà không cảnh giác hoặc sợ hãi, sống gần hàng ngàn người đàn ông khác trên tàu hoặc trong boongke, chiếc Ariel dựng trước mặt anh trong phòng trưng bày ở San Francisco giống như một công cụ của tự do.

– Xe này hiếm lắm, mua của một người Anh trên đường hồi hương để bảo vệ tổ quốc, – người bán hàng nói. – Phi xuống miền nam lượn vào những đường vòng và vách đá, anh sẽ có cơ hội tốt để cảm nhận nó. Chỉ cần xoay nhẹ tay lái là nó đạt vận tốc bảy mươi trước khi anh nhận ra.

Big Sur đang trong lúc huy hoàng, giữa những trận sương mù mùa hè và cơn mưa mùa đông, những cây tiêu huyền, cây phong và sồi đen đủ màu sắc lúc Robert Kincaid phóng qua cây cầu cao vắt ngang nhánh sông Bixby. Trái với những hồi ức chiến tranh mà anh vừa thoát khỏi, buộc gọn đằng sau anh là cái túi ngủ, một túi nhỏ bằng len thô đựng quần áo và các thứ đồ nghề khác.

Anh phóng xe ven bờ biển xuống xa hơn, rồi đỗ lại khi nhìn thấy một ông già và một cô gái đang mải mê chơi tay đôi dương cầm – xen lô bên ngoài một căn nhà nhỏ. Anh tắt máy và lắng nghe. Tiếng xào xạc của đám lá sồi đen tan vào tiếng nhạc, xúc động tràn ngập não bộ khiến anh gần như choáng váng. Mới cách đây chưa lâu, ở đâu đó là tiếng súng cối, những tiếng la hét, tiếng lách cách của xích xe tăng, còn giờ đây là tiếng nhạc và sự xao xuyến của những lá cây đủ màu sắc. Ông già lắc mái tóc hoa râm lúc cúi trên phím đàn, trong lúc cô gái ngồi dạng chân với chiếc xen lô, chăm chú nghe người nghệ sĩ dương cầm thỉnh thoảng lại giơ bàn tay phải và đánh nhịp.

Có lần người nghệ sĩ dương cầm ngừng hẳn và vừa làm điệu bộ vừa nói với cô gái:

– Allegro (nhanh), cô McMillan, phải, nhưng Rachmaninott (Sergey Rachmaninott (1873-1943): Nhạc sĩ, nhạc trưởng, một trong những nghệ si dương cầm xuất sắc nhất của thế kỷ 20, là người Mỹ gốc Nga) – không phải là loài ngựa, không presto (rất nhanh), chỉ nhanh hơn một chút thôi. Chúng ta sẽ chơi như thế ở nhịp bốn mươi hai. – Ông bắt đầu chơi lại từ nhịp thứ nhất, cô gái hòa theo. Đến nhịp ba mươi hai, mệt vì ngây ngất, Robert Kincaid dựa vào chiếc Ariel và lắng nghe.

Một lát sau, vài người nữa kéo đến, ngồi trên cỏ và lắng nghe tiếng đàn. Họ ăn vận giản dị, cánh đàn ông trông giống thợ rừng hơn là những nghệ sĩ quá khích bị cho là sống ở Big Sur. Khi bài tập kết thúc, họ tiến đến tự giới thiệu, cởi mở và thân mật. Cô gái chơi xen lô cất đàn vào cái túi vải bạt và đến nhập bọn.

Một trong những người đàn ông nói:

– Thời gian này trong năm, những đám mây tít trên cao đem lại cho chúng ta cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Chúng tôi định ra bãi biển ngắm đây. Nếu anh thích, thì đi luôn thể. Harvey đã ở đó, sắp làm món cá hồi tươi đánh dưới sông lên, nấu ngay trên bờ biển, và tôi bảo đảm là ngon tuyệt. Có lần anh ấy còn nấu một con chim lặn ăn ngay trên đường cái, tôi đã có mặt ở đó nên dám nói là rất ngon.

Ban đêm, họ ăn món cá hồi của Harvey rồi sau đó trò chuyện rất lâu và nghe một người tên là Hugh chơi đàn hạc, sóng đập ầm ầm vào các quả núi ngoài khơi nghe như tiếng đại bác gầm vang trên một chiến hạm xa xa. Với Robert Kincaid, mới thoát khỏi cảnh giết chóc và máu me chưa lâu, đây là một thế giới khác hẳn, vừa thực vừa mơ. Anh ngây ngất vì sự thanh thản của tiếng cười, vì những giọng nói bàn về triết học, nghệ thuật và âm nhạc, so với cảm giác xóc, nẩy đến choáng váng ở nơi anh đã ở và những thứ anh đã chứng kiến. Da anh màu đồng, cặp mắt anh già giặn, và lúc có người hỏi về cuộc sống của anh, anh chỉ nói mình đang đi du lịch.

Cô gái chơi xen lô tên là Wynn nhận thấy anh ít nói và đến ngồi cạnh anh, kéo anh ra khỏi sự im lặng. Cô tự giới thiệu và bắt tay. Anh xưng tên với cô, nhưng tất cả những điều góp nhặt, tên tuổi của người lạ không được ghi nhớ vào tâm trí cô.

Sau độ hai mươi phút trò chuyện, cô hỏi:

– Tên anh là gì ấy nhỉ, anh nói lại đi.

– Robert, – anh nói. – Còn tên cô là… Wynn có phải không?

– Phải. Một cái tên Scotland. – Cô đánh vần cho anh. – Bố tôi rất tự hào vì di sản này đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.