Một Ngàn Con Đường Quê
Chương 11
Con đường cô đơn nhất nước Mỹ
Robert Kincaid băng qua sông Missouri ở Omaha, rồi rẽ về hướng tây. Ông nhớ lại chuyến đi hàng trăm dặm từ cầu Roseman đến dòng sông hùng vĩ này, vật lộn với những con đường ngập tuyết, đầu óc đầy ắp hình ảnh người phụ nữ và cây cầu cũ kỹ với mọi hồi ức về họ.
Ông qua đêm ở phía Tây Lincoln, Nebraska, liếc nhìn những cửa sổ sáng ánh đèn đêm màu vàng ấm áp lúc lái xe vào thành phố và tìm nơi trọ đỡ tốn kém so với túi tiền còm đang hao mòn nhanh chóng. Đêm ấy thật dài, bên ngoài tuyết rơi mù mịt, và mãi đến khuya ông vẫn không sao ngủ được. Chuyến đi trước mắt đòi hỏi rất kiên nhẫn, sau bão tuyết sẽ là một buổi sáng giá lạnh và rạng rỡ. Ông dậy sớm, mặc chiếc áo len dài tay cao cổ màu đen, khởi động và sưởi ấm cho chiếc Harry, rồi rẽ hướng tây, Con Đường ngồi trên ghế bên cạnh.
Hai ngày sau, ông thoát khói tàn dư cơn bão tuyết, và hơi chếch về hướng đông là thành phố Salt Lake, Robert Kincaid đỗ ở giao lộ vài phút. Ông có thể rẽ hướng tây nam theo đường quốc lộ về thẳng Seattle, hoặc rẽ xuống và đi theo đường 50 bở tơi lần nữa. Con đường thứ hai sẽ đưa ông qua Reno rồi vào bắc California. Ông rẽ trái, nhằm hướng nam chọn đường 50, vốn được gọi là con đường cô đơn nhất nước Mỹ. Hai mươi nhăm năm trước, ông đã làm một tiểu luận dài bằng ảnh về con đường, khi đó nó vẫn còn là quốc lộ, đi lại dễ dàng trước khi làm đường nối các tiểu bang.
Ông trầm ngâm khi chọn đường 50 vào thị trấn nhỏ Delta, hóa ra lại là một cuộc hành hương chạy dài tới Nevada và vắt qua sa mạc trên cao. Nhiều biển hiệu khuyên đổ đầy bình xăng vì những chặng đường trước mặt rất dài. Khoảng trưa, ông vào Nevada, và là một trong những ngày do dự, khi những quả núi tranh cãi với bầu trời nên xoay trở các sự vật ra sao. Nắng vài phút, rồi những đám mây đục ngầu và mưa, nhiều lần ánh sáng xuyên qua mây, trên các đèo cao vẫn còn dấu vết của tuyết.
Trên tuyến đường Nevada có một quán ăn, đằng trước có hai máy bơm xăng cổ lỗ. Ông đổ đầy xăng cho chiếc Harry và vào trong nhà trả tiền. Một phụ nữ cao ráo, mảnh dẻ, tóc đen cắt ngắn buộc túm đuôi ngựa và ăn vận kiểu miền Tây – đi ủng, quần jeans, sơmi khuy dập – nhận tiền và trả lại tiền lẻ. Ngay bên phải ông là hai cái máy giật xèng. Lúc này không có ai nhét tiền vào. Bốn chàng cao bồi ngồi quanh bàn pôkơ, vừa hút thuốc vừa uống bia. Mùi thịt băm viên béo ngậy lơ lửng trên mọi vật và trong bếp, các chảo đang sôi réo. Chắc nơi này chẳng thay đổi gì từ năm chục năm nay, ông nghĩ, và thấy thích.
– Tôi quên mất rồi. Đến Reno còn bao xa? – Ông hỏi người phụ nữ.
– Khoảng ba trăm năm mươi dặm, những dặm đường dài nhất, buồn nhất, lẻ loi nhất ông từng thấy. Ông nhớ xem lại lốp, dầu, bộ tản nhiệt, rồi nghĩ kỹ xem có nên đi không, ở đằng ấy chẳng có thứ gì sống được, ngoài lũ rắn và những chàng cao bồi, mà vào những ngày thứ Bảy, thật khó mà phân biệt được hai loại đó với nhau. – Cô ta nói to, đủ cho những chàng cao bồi đang đánh bài pôkơ nghe thấy.
Một người trong bọn quay đầu về phía cô và lè nhè:
– Này Mindy, hình như đêm qua chẳng có ma nào ép cô chui vào xe của Hood, nhỉ? Tôi nhớ là mỗi tay cô xách một chai bia, đi rất hăng hái và lúc ra khỏi cửa, cô còn nhảy nhót nữa kia.
– Im đi Waddy, – cô ta cười và mặt hơi ửng đỏ. – Ai khiến anh nói những chuyện như thế trước mặt khách.
Robert Kincaid mỉm cười với cô ta và vẫy nhẹ những anh chàng cao bồi rồi trở lại chiếc Harry. Ông lái khỏi một trong những nơi vui vẻ cuối cùng và chạy thẳng tới khe núi Sacramento. Lúc ra khỏi khe, trước mắt ông là lớp cỏ xanh ánh bạc. Ai đã viết về những thứ đó nhỉ? Một người nào đó, rất hùng hồn. Có lẽ trong The Oxbow Incident, có lẽ ông đã đọc trong đó.
Ánh sáng rất đẹp, còn ông đã săn đuổi ánh sáng đẹp gần hết đời mình. Với thảm cỏ xanh ánh bạc và những cối xay gió cũ kỹ xa xa, sẽ có nhiều thứ để chụp nếu ông chọn. Nhưng không hiểu sao, ông thiếu hẳn sự khao khát chụp ảnh, và chỉ cảm thấy một nhu cầu không kiềm chế nổi là cứ đi, đi tiếp.
Thế là ông cứ đi. Theo đường 50, rẽ về phía Tây, qua một vùng không hề có dấu hiệu của người hoặc nhà ở dọc hai bên đường, kéo dài liên miên, cảnh hiu quạnh làm ông nhớ lại những năm tháng xa xưa. Cha ông mất từ năm mươi mốt năm trước, và chỉ riêng việc đó cũng đủ làm Kincaid cảm thấy già dặn. Bảy năm sau mẹ ông mất, vào năm 1937.
Ông nhớ lại tuổi thơ dài, lủi thủi một mình, như một điềm báo trước cách mà ông sẽ sống suốt đời. Không ham các môn thể thao hoặc các vũ điệu, chán và gần như đối kháng với nền giáo dục hình thức, không ngừng đè nén hoặc kiềm chế tinh thần Robert, cậu bé trở thành một người sống nội tâm, đọc mọi thứ có trong thư viện Barnesville, Ohio. Những cuốn sách, dòng sông, đồng cỏ là những người bạn tuổi thơ của Robert. Những cuộc trao đổi giữa giáo viên và cha mẹ Robert, những cố gắng sau đó nhằm đưa Robert vào khuôn phép và “theo đúng tiềm năng của mình” như một giáo viên nói, đều vô hiệu. Trong các kỳ thi, hình như Robert vẫn làm đủ tốt, và càng làm cho người khác giận dữ vì thái độ thiếu chú ý đến bài vở của cậu.
– Nếu tôi không hiểu nó, tôi sẽ bảo thằng bé này nhận thẳng dòng máu từ cụ Artemas Kincaid, – một buổi tối, cha của Robert nhận xét sau giờ làm việc từ nhà máy làm van về. – Trở lại hàng mấy thế hệ sẽ tìm thấy cụ Arteraas ở tận sông Mississippi, kiếm sống bằng cây đàn banjo và là tay chơi bi-a sừng sỏ. Thằng bé này có cách đi hiếu động và nhiều nết khác của cụ Artemas.
Cha mẹ Robert vẫn hơi than phiền vì việc đó. Robert lớn lên, kín đáo và lễ độ, không gây phiền hà gì cho họ, ngoài việc không ngừng tránh né trường học, trong các mùa hè Robert kiếm được việc gì cũng làm. Lên trung học, có một kho chứa gỗ nhận Robert và cho cậu việc làm suốt hai mùa hè sau. Cuộc Đại Suy thoái lan đến lúc Robert vừa tốt nghiệp trung học, và cha cậu vừa mất trước đó một tháng, cậu đăng lính để đỡ đần mẹ và chính mình. Trong quân đội, Robert làm trợ lý một nhà nhiếp ảnh, và khám phá ra đó là công việc cả đời mình.
Với phụ nữ, Robert quan hệ tương đối ít. Ít, nhưng đủ. Robert không phải người lăng nhăng, tuy có thể thoải mái ở những nơi mà công việc và cơ hội cho phép. Vài mối tình ngắn ngủi, một cuộc hôn nhân ngắn ngủi lúc giữa đời, và chấm dứt vì những chuyến công tác dài, vắng mặt liên miên. Rồi đến Francesca Johnson. Từ Francesca, ông không thấy hứng thú gì với đàn bà. Không phải vì cố tình chung thủy mà ông sống suốt mười sáu năm hoàn toàn độc thân, cũng không phải là chịu đựng. Chỉ vì sau Francesca, ông không còn hứng thú mà thôi. Thời gian ông sống với bà là một khoảng ngắn ngủi và ngoài ranh giới những ngày đó, không còn một nhu cầu lãng mạn nào.
Sự thể là như thế. Từ rất sớm, tàu hỏa và tàu thủy chở hàng, cho đến các loại thủy phi cơ cỡ lớn và những chiếc DC-3 làm khả năng di chuyển những khoảng cách dài nhanh hơn nhiều. Sau đó là những chiếc 707. Dùng lạc đà và xe gíp trong sa mạc Sahara và Rajasthan. Hai lần cưỡi la, một lần cưỡi ngựa, tuy Kincaid chưa bao giờ học cưỡi những loài đó thành thạo. Năm 1939 ở Mông Cổ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài một con ngựa, khi ông làm một bài tường thuật về các đế chế Mongol và chạy không ngừng trên các thảo nguyên mênh mông, xa tít tắp suốt chín tuần lễ, theo vết các con đường chiến trận của Khan Vĩ đại.
Ông đã trải qua nhiều trận oanh kích. Ngoài cuộc chiến tranh với vô số những vết xây xước và bầm tím, nói chung ông là người khá may mắn. Vài vết rách ở bắp thịt, vỡ mắt cá chân ở Maine, chảy máu đầu ở Congo khi con thuyền bị lật úp dưới vực Stanley. Bệnh sốt vàng da suýt chết vì muỗi ở Brazil. Một bà xơ Công giáo đã chăm sóc ông suốt thời kỳ kinh khủng đó, an ủi trong những lúc ông tỉnh táo:
– Ông Kincaid, mới là ngày thứ tư trong thời gian nguy kịch là tám ngày. Ông phải kiên trì trong tám ngày và rồi tự khắc ông sẽ khỏe lại cho mà xem.
Ông khỏe lại, tuy suốt mấy tuần sau da vẫn còn nhiều dấu vết của bệnh vàng da.
Robert Kincaid nghĩ đến mọi chuyện này lúc ông lái xe trên đường 50, xa rời vùng cỏ xanh ánh bạc và băng qua những quả núi Shoshones khô khốc.
Ông nói to với con chó:
– Khỉ thật, Con Đường ạ, cũng hay hay khi ta nhớ lại đời mình, những khiếm khuyết và đủ thứ, và mi là một trong những thứ tốt đẹp nhất đấy. Mi có biết thế không, hả? Khi chúng ta về đến nhà, ta sẽ hỏi tin ở Winterset, Iowa, và hỏi số điện thoại của ông Richard Johnson. Để xem dữ liệu sẽ cho ta biết những gì. Lẽ ra ta nên làm thế khi chúng ta còn ở đó. Không, như thế không đúng. Ta bị trói buộc vì bao nỗi nhớ tiếc quá khứ và không nghĩ ra. Vả lại, có thể vì ta không muốn nghĩ đến, vì một lý do nào đó.
Con Đường đứng lên và liếm vào một bên mặt Kincaid. Kincaid vòng tay ôm con chó lúc cả hai lao xuống khỏi Shoshones, Reno vẫn còn xa tít phía trước. Dường như cả Kincaid và con chó đều mỉm cười khi bắt đầu tìm một chỗ để qua đêm Chủ nhật.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.