Mưu hèn kế bẩn nơi công sở
KẾ BẨN SỐ 4
THẤY CHẾT KHÔNG CỨU
Biết rõ ai đó đang lâm vào tình cảnh khốn khó, nhưng chỉ đứng ngoài nhìn, mặc dù nếu ra tay can thiệp, có thể cứu được kẻ khốn khổ kia và góp phần vào lợi ích chung.
Trò này là một hành động tự tư tự lợi, cố tình để người khác trượt thẳng tới thất bại, nhục nhã ê chề hay một tình trạng tồi tệ trong khi kẻ đứng nhìn hoàn toàn có thể can thiệp. Đây có thể coi là một hành động lạ lùng vì kẻ chơi bẩn chẳng làm gì cả! Trò này thường được những kẻ “thấy chết không cứu” dùng nhằm mưu lợi cá nhân, những mong hưởng lợi từ thất bại của người khác. Hơn nữa, trò này lại cực kỳ dễ chơi vì những kẻ ra tay không liên quan trực tiếp, và “mũ ni che tai” bao giờ chẳng dễ hơn đưa tay cứu giúp. Những kẻ “thấy chết không cứu” cũng chính là những nhân chứng thầm lặng, chính vì việc không ra tay của họ mà kế bẩn này thật khó bị phát hiện.
Tuy nhiên, nếu tinh nhanh trong những trò chính trị, chúng ta sẽ thấy những kẻ chơi xấu này thường để lại dấu vết, nếu đào sâu qua tiếp cận để dò hỏi chúng ta sẽ phát hiện ra. Khi trò chuyện với họ về vấn đề này, họ sẽ luôn luôn nhanh chóng vạch ra những ưu và nhược điểm của vấn đề, rồi chuyển đề tài hoặc kết thúc cuộc nói chuyện cực kỳ nhanh chóng!
Như tình huống ở chương 1, Lewis đã nhắc Ben chuyện Mark là “phò mã” của giám đốc điều hành. Chưa hết, sang đến chương này, y đã vội vàng lấp liếm “sai lầm” đó bằng cách khích Ben nhận ngay dự án, tạo dựng tên tuổi và nhanh chóng kết thúc câu chuyện. Kẻ thấy chết không cứu lủi nhanh như vậy để tránh những câu hỏi có khả năng phát sinh.
Chúng ta cũng thấy rằng, Lewis đã giấu giếm nhiều thông tin, y hoàn toàn có thể giúp Ben, nhưng lại quyết định ngồi im, thất bại của Ben sẽ mang lại cho y lợi ích.
Trong tổ chức, thường xuyên có những dự án và sáng kiến thất bại. Khi nhát rìu định mệnh bổ xuống, chẳng mấy ai có vẻ ngạc nhiên, ngoại trừ vài kẻ xui xẻo mạt hạng bị dính vào trực tiếp. Đó là triệu chứng báo hiệu một công ty đang lâm vào tình trạng báo động. Khi thất bại gần kề, hàng loạt các hành động nhằm hợp lý hóa thảm họa được tiến hành khi kẻ “thấy chết không cứu” nhanh chóng lao ra từ hậu trường và chọn ra bi kịch. Họ sẽ né những câu hỏi khó khăn về việc tại sao họ khoanh tay đứng nhìn thảm họa ập đến bằng những câu giải trình kiểu như: “Tôi đâu có trách nhiệm về việc đó!”, “Tôi không thể can thiệp vào chuyện của người khác, nhất là khi tôi có hàng đống việc phải làm.” Thường thì bạn sẽ thấy bọn “thấy chết không cứu” này vui sướng tột độ vào ngày dự án tan tành mây khói, và những đồn đoán và tin vịt bắt đầu lộng hành.
Với Lewis, y lập luận rằng, khi Ben toi mạng với cái dự án đó, y sẽ tiến gần tới thành công hơn; hoặc Lewis sẽ được thế vào vị trí của Ben, điều y đang hy vọng tràn trề.
NHỮNG KẾ BẨN NÀY ĐE DỌA GÌ ĐẾN TỔ CHỨC
Cảnh báo về lợi nhuận – điều này đe dọa thế nào tới lợi ích của tổ chức?
Ngoại trừ những nước cản, trò bẩn này được tung ra khi rủi ro đang ở mức cao nhất. Dù dự án bất hạnh kia sẽ thất bại, nhưng nếu ra tay can thiệp, vẫn có cơ hội bảo vệ những giá trị trọng yếu. Một kết thúc nhanh chóng có thể bảo vệ được cả ngàn thứ. Chuẩn bị tinh thần để lội ngược dòng, hoặc tìm ra những “vũ khí tối tân” để bảo toàn giá trị doanh nghiệp.
Độ mẫn cảm của tổ chức – công ty sẽ điêu đứng ra sao với những hành vi này?
Con người ngay từ lúc sinh ra đã được “lập trình” để luôn chọn con đường dễ dàng nhất. Khi kết hợp với tính ích kỷ tự nhiên, hoặc đã sẵn chút ân oán cần tính sổ, sao lại phải đảo ngược tình thế? Quá dễ để nấp trong bóng tối với tư cách của kẻ “thấy chết không cứu”.
Đe dọa văn hóa – điều này ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và tinh thần nhân viên như thế nào?
Trò này rất khó bị phát hiện do chúng ta không có xu hướng xem việc án binh bất động như một kế sách. Nạn nhân có hàng tá việc choán hết thời gian suy xét, và những kẻ “thấy chết không cứu” chỉ việc ẩn trong bóng tối chẳng phải làm gì. Khi căng thẳng leo thang, nạn nhân chẳng còn chút tâm trí nào chú ý tới những manh mối cũng như nguồn lực tiềm năng có thể giúp đỡ mình. Đe dọa văn hóa thực sự hiện hữu khi thất bại xảy ra quá thường xuyên. Điều này làm giảm nhuệ khí nhân viên.
Tỷ lệ rủi ro của kẻ chơi bẩn – mức độ rủi ro và khả năng bị vạch trần là bao nhiêu?
Trò này rất ít rủi ro do khả năng bị bắt quả tang rất thấp. Ngay cả khi bị tóm, họ cũng dễ dàng “giả nai” không biết hoặc kêu rằng đấy không phải trách nhiệm của họ, và sau đó lại giả vờ ngỏ lời giúp đỡ.
Cảnh báo về an nguy cho nạn nhân – nạn nhân có thể gặp phải những rủi ro nào khi kế bẩn được tung ra?
Với những quyết định riêng tư về vấn đề nạn nhân phải đối mặt, chỉ số cảnh báo trong trường hợp này thực sự rất tệ. Rủi ro có thể càng nguy hiểm hơn khi còn có những kế bẩn khác được sử dụng sau bức màn nhung để đẩy dự án đến gần thất bại, hoặc để tình hình ngày càng trầm trọng. Với những kẻ được hậu thuẫn (thường là có khả năng và có thế lực) bên cạnh, hãy cẩn trọng!
THUỐC GIẢI CHO KẾ BẨN SỐ 4
Đây là một trò dễ chơi. Để bạn có thể nhìn thấu tâm can kẻ chơi bẩn, hãy nghĩ về những vấn đề khó khăn bạn đang gặp phải, hoặc những tình huống khiến bạn có thể trở thành kẻ “thấy chết không cứu”. Hãy thành thật với bản thân và khám phá những tình huống đó bằng cách tự vấn mình những câu hỏi sau:
– Lý do để mình không dính vào việc đó?
– Mình sẽ phải trả cái giá nào cho việc liên quan tới chuyện đó?
– Cái giá đồng nghiệp, đối tác và khách hàng phải trả nếu mình khoanh tay đứng nhìn?
– Công ty sẽ ra sao nếu mình không ra tay can thiệp?
– Mình sẽ vui mừng đến mức nào nếu đồng nghiệp thất bại? Tại sao lại thế?
– Đồng nghiệp trông chờ gì ở mình?
– Công ty mong đợi gì ở mình?
– Mình có thể bị “lôi kéo” một cách khéo léo để can thiệp vào việc này như thế nào?
– Mình sẽ cảm thấy thế nào khi dự án này thất bại?
– Nếu mình can thiệp, điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?
– Nếu thành thật với chính mình, và trung thành với giá trị bản thân, làm kẻ “thấy chết không cứu” có là hành động đúng?
Những câu hỏi này giúp bạn kiểm tra vị trí của chính bạn và để chắc chắn, bạn xác định đúng giá trị bản thân. Qua đó, những câu hỏi nhắc nhở bạn về việc nên làm với khách hàng, đồng nghiệp, và tổ chức, hơn hết là với chính bản thân bạn.
Quan trọng là bạn phải nhận ra những kẻ đứng trong bóng tối hòng “Ngư ông đắc lợi” là ai. Nếu bạn không nhìn ra được, bạn sẽ không tài nào đối phó được với chúng đâu. Khi biết đích xác ai là ai, lợi ích thu được sẽ đáng kinh ngạc đấy.
Trò này thường được giở ra lúc bạn đang trong tình huống khó khăn, hãy tập thói quen chú ý đến mức độ căng thẳng của công việc đang làm. Ngay khi phát hiện ra tình hình có thể sẽ gặp trở ngại, lúc đó, hãy tạm lùi một bước và tự vấn:
– Ai là người ít hữu ích hơn mình vẫn nghĩ?
– Ai có thể giúp mình nhưng lại ngó lơ?
– Có ai đang cố thoái thác hoặc có những phát biểu mập mờ về tình hình này không?
– Có ai đã giúp đỡ nhưng sau đó lại quay lưng?
– Ai nhắc mình đây là tình huống khó nhằn nhưng lại chẳng đưa ra lời khuyên nào mang tính xây dựng hay giúp đỡ cả?
Tùy thuộc vào mức độ của dự án hay của tình huống đang mắc phải, bạn có thể có ít hay nhiều kẻ “thấy chết không cứu”. Bạn cần được giúp đỡ, do đó, phải ưu tiên xác định những ai có thể giúp ích, những ai có thể gây nguy hiểm. Khi đã xác định được, tùy từng trường hợp mà xét tiếp:
– Tại sao mình nghi ngờ họ là những kẻ “thấy chết không cứu”?
– Nguyên nhân nào khiến họ làm như vậy?
– Họ sẽ có lợi gì khi mình thất bại?
– Họ có thể có lợi ích gì nếu giúp mình?
– Điều tệ nhất có thể xảy ra nếu mình đối đầu với họ là gì?
Khi bạn đã quyết định đối đầu với những kẻ “mũ ni che tai”, hãy cố giữ thái độ tích cực và tuyệt đối tránh việc buộc tội họ. Cơ hội tốt nhất để tự gỡ rối cho chính mình là tranh thủ được sự giúp đỡ và hậu thuẫn chứ không phải là tạo thêm kẻ thù. Có thể hỏi họ những câu sau:
– Anh hẳn cũng thấy tôi đang trong tình thế khó xử, anh nghĩ gì về tình huống này?
– Anh có bóng gió rằng mọi người chống lại dự án này. Anh có thể cho tôi biết rõ hơn không?
– Anh đã dự trù trước điều gì?
– Anh có thể phải đương đầu với chuyện gì xảy ra ở đây?
– Anh trông đợi những kết quả tốt đẹp nào?
– Tôi phải đi những bước nào để đưa mọi việc vào tầm kiểm soát?
– Anh có lời khuyên nào cho tôi không?
– Ai là người thực sự chống lại dự án này?
– Nếu anh giúp, công ty sẽ có lợi như thế nào?
– Anh có thể nhận được gì từ sự giúp đỡ đó?
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, tất cả mọi người đều có quyền tự do lựa chọn. Nếu họ vẫn tiếp tục muốn làm kẻ “thấy chết không cứu”, hãy chọn con đường khác để tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết. Hãy nhớ rằng, những kẻ này hy vọng “hôi của” được từ thất bại của bạn, do đó, hãy cảnh giác và cân nhắc xem có nên nói chuyện thẳng thừng với họ không.
Một trong những chìa khóa thành công cho chính trị nơi công sở là gần gũi với những người đáng tin tưởng và đồng tình, để tăng hậu thuẫn. Thời gian đầu tư vào những người này đáng giá hơn nhiều so với thời gian để xử lý kẻ “thấy chết không cứu”.
Mẹo vặt
TƯ DUY NHƯ NGƯỜI NGOÀI CUỘC
Chân lý là bạn nên “hiểu trước khi được hiểu”. Trước khi có những hành động quả quyết và đối đầu với phái Gian hùng, hãy bỏ thời gian nhìn nhận vấn đề trên quan điểm của họ. Điều gì khiến họ phải hành động như vậy? Liệu có những áp lực bên ngoài nào đó tác động khiến họ phải giở kế bẩn ra dùng? Có những lựa chọn nào khác mà họ đã mặc kệ hoặc bỏ qua?
Những suy ngẫm từ vị thế của người ngoài cuộc này sẽ góp phần vào chiến lược và cơ hội thành công của bạn. Theo cách này, chúng ta có thể hình dung được những gì xảy đến với họ và những gì khiến họ phải hành động như vậy. Khi nói về trở ngại họ có thể gặp phải, hay về những quyết định khó khăn họ phải đưa ra, chúng ta đã chứng minh sự quan tâm thực sự và cũng báo hiệu cho họ thấy xu hướng tích cực của mình. Điều này giúp chúng ta xem xét quan điểm của kẻ “thấy chết không cứu” và những người có liên quan ở một mức độ nào đấy. Tình huống này nhìn từ phía họ sẽ ra sao?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.