Ngoảnh đầu nhìn lại
2.
Tôi như quả bóng xì hơi, ngồi đờ người trên ghế.
Rốt cuộc là ai chứ?
Chẳng lẽ là ma thật ư?
Đừng nhé, tôi là học sinh ban tự nhiên, vật lý với hóa học đã làm tôi sợ đến mức không ra hình người nữa rồi, nếu cậu muốn dọa người thì phải tìm đám học trò ban xã hội ấy.
Bát tự của tôi nhẹ nhưng không nhẹ lắm, hơn nữa chẳng hề làm chuyện trái với lương tâm.
Thành tích của tôi nói chung là sẽ không tạo thành “Áp lực của bạn bè”, thi cử cũng không gian lận, gặp thầy giáo sẽ cúi chào, bài tập toàn tự mình làm, thường xuyên cho bạn học chép bài, thậm chí còn hỏi han xem cậu ta chép có mệt không, học sinh trung học như tôi đây quả thực có thể dựng tượng đồng được rồi.
Ma qủy gặp tôi chắc phải cảm động đến rớt nước mắt, chứ không phải là hù dọa tôi đâu.
Tôi miên man suy nghĩ cả ngày, bản thảo cũng không viết nổi một chữ.
Lúc tan trường vốn định viết xuống tờ giấy: “Xin hỏi cậu có oan tình gì?”
Nhưng sau đó ngẫm lại bèn thôi.
Ngộ ngỡ tên ấy nói tro cốt của hắn chôn ở dưới gác chuông trường học, đòi đào lên vào đúng 12 giờ đêm, thế chẳng phải là tôi tự chuốc phiền toái?
Thôi kệ, cứ dọn sạch những nắm giấy trong ngăn kéo, an toàn hơn. Hơn nữa tôi còn dùng giẻ lau thấm chút nước, lau sạch sẽ ngăn kéo.
Lúc cầm giẻ lau chùi ngăn kéo, tôi chợt nghĩ:
Nếu con ma này là tín đồ Cơ Đốc giáo, có lẽ tôi có thể đến nhà thờ lấy chút nước thánh vẩy vào ngăn kéo; Nếu Đạo giáo là tín ngưỡng của hắn, vậy tôi chỉ có thể mời người vẽ bùa thôi.
Sớm hôm sau, mang theo tâm trạng thấp thỏm không yên đi vào phòng học, ngồi xuống.
Trước tiên hít sâu một hơi cố gắng bình tĩnh, rồi cúi đầu ngó vào trong ngăn kéo.
Sau đó tôi thở dài một hơi.
Vì tờ giấy lại xuất hiện nữa rồi.
“Cuối cùng cậu cũng biết nghe lời rồi, thiện tai thiện tai.
Nhưng sách của cậu vẫn chiếm không gian của tôi.”
Thiện tai thiện tai?
Chẳng lẽ tín ngưỡng của tên này là Phật giáo?
“Quán tự tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc,…”
Tôi chép một lượt “Tâm Kinh” lên tờ giấy.
“Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh?
Không đủ sức đâu! Tôi hung lắm.”
Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, sau khi tan học tôi cầm bốn quyển sách trong ngăn kéo nhét vào cặp mang về nhà.
Tóm lại, đêm nay chính là vừa viết bản thảo vừa chửi bậy vừa thấy sờ sợ vừa thấy chẳng biết phải làm sao.
Vốn cho là mình có thể như chí sĩ kháng Nhật bị quân Nhật bắt giữ, chẳng những có thể chịu đựng được bất cứ khổ hình nào, mà còn có thể tranh thủ phun nước miếng vào người giặc.
Chẳng ngờ dưới tình huống mơ hồ không rõ đối phương có phải là ma qủy thật hay không, đã chùn chân rồi.
Rõ là yếu bóng vía.
“Biết sợ là tốt, cuối cùng cũng biết khó mà lui nhỉ.
Sau này ngăn kéo phải thu dọn sạch sẽ, đừng làm bừa bộn nữa.
Phải làm một học sinh trung học có phép lịch sự, đừng giống đứa trẻ bị chiều quá sinh hư.”
Tôi giống đứa trẻ bị chiều quá sinh hư?
Ngoan ngoãn chịu thua còn bị bỡn cợt, quả tình tôi nuốt không trôi cơn tức này.
Sau khi tan học tôi đến miếu Thành Hoàng trong vùng, lấy một quyển “Chú Đại Bi”.
Bữa tối ăn chay, ăn xong tắm rửa cẩn thận, sau đó quay ra ngồi ngay ngắn trước bàn học.
“Nam mô. Hắc ra đát na. Đa ra dạ da. Nam mô. A rị da. Bà lô yết đế. Thước bát ra da…”
Tôi dùng bút lông chép lại toàn văn “Chú Đại Bi” gồm 415 chữ lên giấy.
Nếu tờ giấy không xuất hiện nữa, vậy coi như xong;
Nếu tờ giấy lại xuất hiện, đành phải mời Quan Thế Âm Bồ Tát phân xử thôi.
“Ôi, hôm nay cậu ngoan lắm, ngăn kéo rất sạch sẽ.
Mời cậu ăn viên kẹo.”
Ngoài tờ giấy ra, đúng là còn có viên kẹo.
Nhưng tôi không dám ăn viên kẹo ấy, vớ vẩn có khi đây chỉ là ảo giác của tôi, thứ ấy thực ra không phải là kẹo mà là nến Nguyên Bảo hoặc là giấy tiền vàng mã, vân vân.
Tôi hạ quyết tâm, cầm tờ sao chép “Chú Đại Bi” nọ, đặt ngay ngắn trong ngăn kéo.
Bốn góc giấy còn dùng băng dán trong suốt dán chặt vào.
“Chữ viết bút lông của cậu không tệ, lễ vật này tôi nhận. Để báo đáp, tôi kể cho cậu nghe một truyện cười.
Năm ngoái mẹ tôi làm phẫu thuật, tôi lo lắm, vì mẹ rất sợ đau, mà sau khi phẫu thuật sẽ rất đau đớn.
Sau khi mẹ phẫu thuật xong tôi đến thăm bà, chỉ thấy nét mặt bà tự nhiên, nói nói cười cười. Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi: “Mẹ, mẹ không đau ư?”. Bà trả lời: “Không con à. Có người bảo mẹ niệm Chú Đại Bi rất hữu hiệu, thế là mẹ bèn niệm ba lần Chú Đại Bi, quả nhiên ly khổ đắc lạc.”
Tôi càng tò mò hơn, lại hỏi: “Nhưng mẹ ơi, mẹ không biết niệm Chú Đại Bi mà.”
“Mẹ biết chứ, mẹ cứ ‘Chú Đại Bi’, ‘Chú Đại Bi’, ‘Chú Đại Bi’, đọc ba lần ‘Chú Đại Bi’ như vậy thôi.”
ps. Truyện này có được coi là truyện cười không nhỉ?”
Tờ giấy này có ý nghĩa gì? Truyện cười nhạt thếch về Chú Đại Bi à?
Truyện cười nhạt thếch về Chú Đại Bi, tôi chỉ từng nghe: Nếu muốn biến chén sữa đậu nành nhỏ thành cái bát lớn, cứ niệm Chú Đại Bi là được ngay.
Nhưng trọng điểm không phải là truyện cười nhạt thếch này có mấy sao, mà là tại sao tên đó kể truyện này ấy.
Nỗi sợ hãi của tôi chẳng hiểu sao biến mất, điều còn vương lại chỉ là nghi hoặc mà thôi.
Chắc hẳn tên đó không phải là ma quỷ, thế thì rốt cuộc tên đó là ai?
Vì sao cứ để lại lời nhắn trong ngăn kéo tôi thế?
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu, cũng chẳng có chút manh mối nào, dứt khoát không nghĩ nữa. Đã không là ma quỷ, vậy thì không việc gì phải sợ, tôi lại đặt bốn quyển sách kia vào ngăn kéo.
Lúc tan học, theo thường lệ tất cả học trò đều phải quét dọn qua loa phòng học rồi mới được rời đi.
Hôm nay tôi phụ trách lau cửa sổ, đây là công việc nhẹ nhàng nhất, thường hoàn thành sớm nhất.
Lau cửa sổ xong tôi liền quay về chỗ ngồi, khoác cặp chuẩn bị về nhà.
Lúc khua chổi đến gần tôi, cậu bạn ngồi phía bên phải tôi nói: “Này, trong ngăn kéo của cậu còn có đồ chưa mang đi.”
Đầu tiên tôi ngây ra một lúc, sau đó bóp cổ cậu ta, kêu lên: “Ra là cậu!”
Cậu ta hoảng sợ, cây chổi rơi xuống đất phát ra thanh âm giòn giã.
Cậu ta ra sức vùng ra, sau đó lườm tôi, nói: “Làm gì thế!”
“Tại sao cậu phải dọa tớ?”
“Tớ dọa cậu?” Cậu ta ngỡ ngàng.
Ông nói gà, bà nói vịt một hồi, tôi mới biết cậu ta chỉ hảo tâm nhắc nhở tôi, sợ tôi quên mang sách về nhà.
“Với lại buổi tối còn có học sinh bổ túc đến học, để sách trong ngăn kéo không hay.” Cậu ta nói.
“Học sinh bổ túc ?” Tôi rất sửng sốt.
“Đúng thế.” Cậu ta chăm chú nhìn tôi, “Cậu không biết à?”
“Tớ có biết đâu!” Tôi gần như kêu lên.
“Cậu đần lắm, ngay cả điều này cũng không biết.”
Sau khi nói xong cậu ta không đếm xỉa đến tôi nữa, tiếp tục công việc quét tước của mình.
Làm sao tôi có thể biết được trường chúng tôi còn có học sinh bổ túc?
Cái này đi thi cũng chẳng hỏi!
Thì ra dùng chung một cái bàn với tôi chỉ là một học sinh bổ túc nào đó, hoàn toàn không phải ma quỷ.
Cậu ta nói rất đúng, tôi thật là đần.
Bí ẩn quấy nhiễu bấy lâu nay cuối cùng có lời giải, tâm trạng tôi liền thoải mái.
Từ khi lão thầy ngữ văn cưỡng ép tôi viết văn đến nay, tôi đã không còn biết vui sướng là thế nào.
Bỗng nhiên nỗi niềm vui sướng ập tới, khiến tôi liên tiếp cười không ngưng nghỉ.
Tôi bèn quay lại chỗ ngồi, lấy ra một tờ giấy, định bụng cũng viết một truyện cười cho tên học bổ túc đọc.
“Tớ cũng kể cho cậu nghe một câu chuyện cười. Có một khách làng chơi khi đang cùng gái điếm làm việc, gái điếm không rên một tiếng.
Khách làng chơi phàn nàn: “Em yên lặng thế này tôi không khoái lắm đâu, chắc em không biết gọi xuân chứ gì?” Gái điếm trả lời: “Em đương nhiên biết gọi xuân.” Khách làng chơi nói: “Thế thì gọi mấy tiếng tôi nghe.”
Thế là gái điếm liền kêu: “Xuân, xuân, xuân…” [1]
ps. Truyện cười này với truyện cười của cậu có cách vào đề khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau đến kì diệu nhỉ?”
Buổi tối khi học bài trước bàn học, thỉnh thoảng lại bật cười ngu ngơ.
Tôi còn hát nữa đó, mà còn là bài hát tiếng Anh.
“Sayonara… Japanese goodbye… whisper sayonara… smiling and don’t you cry…”
Chính tôi cũng không hiểu vì sao, mình luôn ngâm nga bài hát chủ đề của phim “Mối tình hoa anh đào” này.
Sáng sớm hôm sau mang theo tâm trạng chờ mong được thấy tờ giấy đi vào phòng học.
Tên đó sẽ viết những gì nhỉ?
Biết đâu vì truyện cười tôi viết rất buồn cười, tên đó muốn cùng tôi kết nghĩa kim lan cũng nên.
“Thấp hèn! Vô vị! Biến thái!
Còn nữa, cậu lại để sách trong ngăn kéo làm gì thế, phiền quá đấy!”
Hả?
Tại sao lại thế?
Đây là truyện cười nhạt thếch năm sao, hơn nữa còn là truyện dâm đó.
Tên nam sinh trung học khỏe mạnh nào nghe được truyện cười này cũng phải xúc động đến khóc nức nở ấy chứ.
Hay “Tên ấy” là con gái?
Tôi vẫn cho rằng tên ấy là con trai, bởi vì trường chúng tôi là trường nam sinh, không có nữ sinh nào cả.
Thậm chí con chó lang thang trong vườn trường cũng là giống đực.
Lẽ nào trường bổ túc có nhận nữ sinh?
Tôi do dự một lúc, viết xuống tờ giấy của ngày hôm nay:
“Xin lỗi, cho phép tớ hỏi cậu một vấn đề uyên thâm.
Cậu là con gái à?”
“Hỏi thừa. Tớ là một nữ sinh bổ túc thuần khiết thoát tục, tấm lòng thiện lương.
Còn cậu, cậu là tên nam sinh trung học đơn điệu buồn tẻ, không có tinh thần tập thể!”
Tôi có chút bối rối, dù sao cũng ở trường hòa thượng lâu rồi, chẳng hề có kinh nghiệm đối mặt với bạn học nữ.
Đành phải viết bằng giọng điệu rất khách sáo:
“Rất xin lỗi. Tớ mang sách về nhà rồi.
Tớ cứ tưởng là ngăn kéo này chỉ có mình tớ đang dùng thôi, không phải tớ cố ý chiếm dụng không gian của cậu.
Mong cậu thứ lỗi cho sự vô tâm của tớ.”
“Tục ngữ nói: Tu mười năm mới có thể ngồi cùng thuyền.
Nếu muốn dùng chung một ngăn kéo, sơ sơ cũng phải tu mười tháng.
Thế nên lau giọt lệ nơi khóe mắt cậu đi, tớ tha thứ cho cậu rồi.”
Lau nước mắt cái rắm, chẳng hiểu ra sao cả.
Nhưng cô ấy bằng lòng tha thứ cho tôi, hiển nhiên không phải là nữ sinh hẹp hòi.
Chỉ cần không phải là nữ sinh hẹp hòi, vậy thì dễ nói chuyện rồi.
“Lúc trước cậu giả ma giả quỷ dọa tớ làm gì?”
“Tại cậu ngốc đấy. Chính cậu coi tớ là ma.”
“Vậy cậu vẫn có thể bảo tớ, thực ra cậu chỉ là một học sinh bổ túc thôi.”
“Ai bảo cậu không thu dọn ngăn kéo gọn gàng sạch sẽ, bị dọa là đáng đời.”
“Xin lỗi, tớ có nỗi khổ tâm. Tớ phải viết bài văn một vạn chữ.”
“Viết văn thể loại gì?”
“Bàn về hiếu thuận hoặc các chủ đề tương tự với hiếu thuận, phải làm để dự thi.”
“Cậu viết văn hay lắm à?”
“Chẳng hay. Tớ bị hãm hại.”
“Thế nên cậu là người tốt.”
“Sao lại nói thế?”
“Chỉ có người tốt mới bị hãm hại mà.”
Đối thoại thế này nếu là khi mặt đối mặt chỉ mất có một phút đồng hồ, nhưng khoảng thời gian ở trong ngăn kéo, lại phải mất sáu ngày.
~*~
*Chú thích:
[1] Ờ thì “Gọi xuân” chắc là rên rỉ gì gì đó trong lúc gì gì đó (tìm hiểu thêm với “Mèo gọi xuân”). Ý cha khách làng chơi là bảo kỹ nữ rên nhưng kỹ nữ không rên mà kỹ nữ đọc hẳn chữ “Xuân” ra. Hì hì, chú thích tí, sợ có người cũng ngơ như mình, đọc đến lần thứ hai mới hiểu (lại còn phải nhờ bác Gúc để tìm từ thích hợp nữa chứ *che mo*)
Tương tự với truyện cười về chú Đại Bi: Đáng lẽ phải niệm chú Đại Bi là cả nguyên bài dài cơ, nhưng người mẹ chỉ đọc đúng ba lần tên của bài chú là “Chú Đại Bi”.↑
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.